Thư của các Tông đồ, thư gửi tín hữu xứ Galatia, năm 48
- Abbou, cha không thể để mặc họ làm mà không nói gì!
Mười tám năm đã trôi qua kể từ khi Jesus chết. Đứng bên người môn đồ cưng, Iokhanân sôi lên vì sốt ruột. Đại diện của những người “Cơ Đốc” – như người ta gọi họ từ một thời gian trở lại đây – vừa hội họp lần đầu tiên tại Jerusalem, nhằm khơi sạch ung nhọt: cuộc chiến giữa các tín đồ “Do Thái”, những người không chịu từ bỏ các quy định của Pháp luật – đặc biệt là phép cắt bì với người “Hy Lạp”, những người không muốn duy trì thủ thuật này mà mong muốn một vị chúa mới cho một tôn giáo mói. Một vị chúa có thể là Jesus, được đặt lại tên là “Chirst”: ý tưởng này bắt đầu được lan truyền rộng rãi, mọi người thì thào với nhau về nó ngày càng nhiều.
Cuộc chiến tư tưởng này che giấu một cuộc chiến khốc liệt để giành vị trí cao nhất: cuộc chiến giữa những người Do Thái sùng đạo đi theo Jacques, em út của Jesus, cũng là một ngôi sao đang lên, với các học trò của Peter – phe chiếm đa số mà thủ lĩnh già này duy trì bằng bàn tay sắt. Và chống lại họ là tất cả những người Hy Lạp theo Paul, một nhân vật mới xuất hiện đang mơ ước biến ngôi nhà nhỏ do các tông đồ xây dựng thành một công trình mang tầm vóc thế giới. Họ lăng nhục nhau, văng vào mặt nhau những lời thoá mạ khủng khiếp – em trai giả mạo, kẻ tiếm vị, gián điệp, thậm chí suýt đến chỗ đánh nhau.
Giáo hội Cơ Đốc đang hình thành tổ chức hội nghị Giám mục đầu tiên ở Jerusalem, thành phố giết hại các nhà truyền giáo.
- Hãy nhìn họ xem, Iokhanân! Họ đánh nhau quanh một xác chết, và chỉ nghĩ đến việc chia cắt danh tiếng của Người!
- Chính cha là người đầu tiên gặp Jesus, trước tất cả bọn họ. Cha phải nói, abbou!
Ông thở dài, đứng lên. Mặc dù đã tách mình khỏi nhóm Mười hai, nhưng uy tín của người đàn ông này vẫn còn rất lớn. Tất cả mọi người im lặng và quay về phía ông.
- Từ hôm qua, tôi nghe các vị diễn thuyết dông dài, và tôi có cảm giác mọi người đang nói về một Jesus khác chứ không phải người tôi biết. Mỗi người tái tạo Người theo cách của mình: những người này thì muốn Người chỉ là một người Do Thái sùng đạo, những người khác muốn biến người thành một vị thánh. Tôi đã tiếp Người ở bàn ăn nhà tôi, và chúng tôi đã có mười ba người ngồi quanh Người tối đó, trong căn phòng lớn ở nhà tôi. Nhưng ngày hôm sau, tôi là người duy nhất nghe tiếng đóng đinh, nhìn thấy mũi giáo, chứng kiến cái chết của Người. Tất cả vị đều trốn hết. Tôi làm chứng người đàn ông này không phải là môt vị chúa: Chúa không chết, Chúa không phải chịu đựng cảnh hấp hối mà Người đã phải trải qua trước mắt tôi. Tôi cũng là người đầu tiên đến mộ Người vào cái ngày người ta thấy nó trống rỗng. Và tôi biết điều gì đã xảy đến với thi thể bị hành hình của Người, nhưng tôi sẽ không nói gì nhiều hơn ngoài chuyện từ giờ trở đi, sa mạc là nơi che chở Người.
Một loạt những lời nguyền rủa ngăn cản ông nói tiếp. Một số người vẫn ngần ngại chấp nhận thiên chất của Jesus, nhưng tất cả đều thống nhất nói rằng Người đã phục sinh từ cõi chết. Ý tưởng về sự phục sinh thu hút đám đông, họ tìm thấy ở đó phương tiện giúp họ chịu đựng một cuộc sống vốn không chút hy vọng. Phải chăng ông ta, người chỉ có ít học trò, muốn xua đuổi hàng nghìn người cải đạo, buộc họ phải tay không trở về nhà mình?
Trước mặt ông, những nắm tay giương lên.
“Họ muốn sử dụng Jesus để phục vụ cho tham vọng của họ ư? Cứ để họ làm thế mà không có ta”. Ông tựa vào vai Iokhanân và đi ra.
Iokhanân mới chỉ là một cậu bé khi quân lính La Mã phá huỷ Séphoris, thủ phủ của vùng Galilee. Cậu đã nhin thấy hàng nghìn giá chữ thập được dựng lên trên đường phố, và những người bị đóng đinh câu rút dần hấp hối dưới ánh mặt trời. Một hôm, chúng đến tìm cha cậu: cậu kinh hoàng thấy cha bị quất roi vào người, rồi bị đặt nằm lên một cái xà gỗ. Những nhát búa nện lên đinh dội vào tận ngực cậu, cậu thấy máu bắn ra từ cổ tay, nghe tiếng thét đau đớn của cha. Khi chúng dựng giá chữ thập dưới bầu trời vùng Galilee, cậu bất tỉnh; mẹ cậu bọc cậu trong một chiếc khăn san, và trốn về nông thôn ẩn náu.
Từ đó trở đi, đứa trẻ không chịu nói. Nhưng đêm đến, trong giấc ngủ chập chờn, cậu liên tục nhắc đi nhắc lại: “Abba! Cha!”
Khi cậu tỉnh lại, hai mẹ con đến sống ở Jerusalem. Theo lời nguyện của người Nazareth, mẹ cậu dâng cậu cho Chúa: cậu sẽ không cắt tóc nữa. Từ đó trở đi, cậu là một người Do Thái sùng đạo, nhưng cậu vẫn không nói.
Sau đó, giống như mọi người trong thành phố, cậu biết về chuyện Jesus bị đóng đinh câu rút. Nỗi kinh hoàng của cậu trước cảnh hành hình trên giá chữ thập lớn đến nỗi cậu xua đuổi Người ra khỏi trí nhớ của mình. Cậu mong chờ một Đấng Cứu thế, người sẽ sớm xuất hiện, và không thể là Jesus: Đấng Cứu thế không bao giờ để mình bị đóng câu rút. Đấng Cứu thế sẽ mạnh mẽ, để đánh đuổi người La Mã và khôi phục lại vương quốc của vua David.
Rồi sau đó, cậu đã gặp người đàn ông vùng Judee này, một người cũng dè dặt như cậu, người đã nhìn nhận sự câm lặng của cậu một cách thân thiện, không tỏ ra ngạc nhiên. Người nói về Jesus như đã từng sống rất gần Người, dường như ông biết rõ Người từ bên trong tâm hồn. Khi mẹ cậu chết, người đàn ông yêu mến Thầy nhường ấy, người tự nhận mình là môn đồ cưng của Người, đã đón cậu về nhà. Ông đã trở thành abbou, người cha của tâm hồn cậu.
Một hôm, để ông biết rằng cậu đã hiểu về thế giới mới mà Jesus khám phá ra, Iokhanân lấy kéo cắt ngắn những bím tóc dài của mình. Vừa làm, cậu vừa nhìn chăm chăm vào abbou, vì cậu vẫn không nói mà chỉ thể hiện bằng hành động.
Thế là người môn đồ cưng lấy ngón tay cái đánh dấu lên trán, lên môi và lên trái tim cậu một chữ thập vô hình. Iokhanân cũng hiểu điều này, lặng lẽ thè ra chiếc lưỡi nơi dấu vết kinh hoàng vẫn còn in rõ.
Đêm tiếp theo, lần đầu tiên cậu ngủ mà không hất tấm chăn bằng len thô ra. Và ngày hôm sau, lưỡi cậu lại bắt đầu nói để diễn đạt sự dào dạt trong tâm hồn đã được Jesus chữa lành của cậu.
Đến gần nhà mình, người môn đồ cưng đặt bàn tay lên vai cậu.
- Iokhanân, tối nay con đến gặp Jacques, em trai của Jesus. Nói với ông ấy là ta muốn gặp. Bảo ông ấy đến nhà ta.
Chàng trai trẻ gật đầu, và nắm lấy bàn tay của abbou trong tay mình.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT