Dần dần, ít một, tôi tìm hiểu về Lowood và vùng lân cận. Mùa thu đến, sương mù bao phủ học viện, rồi, chẳng bao lâu, nhà ngủ biến thành bệnh viện. Bệnh cúm và bệnh sốt chấy rận dã làm cho một số lớn cô gái mồ côi bị khổ sở, điêu đứng. Việc giảng dạy phải đình lại, và kỉ luật chung cũng bị lỏng lẻo, đó là một điều dễ hiểu. Thầy thuốc đã tới, và những lời khuyên của ông đã không làm cho chúng tôi phải phật ý: các em còn khỏe mạnh phải được rèn luyện nhiều ở ngoài trời. Được phép nô đùa ở ngoài, lại không bị các cô giáo giám sát, chúng tôi đã không bỏ phí, mà hết sức tận dụng cơ hội may mắn này. Nhiều học sinh đã trở thành nạn nhân của bệnh dịch.

Tôi đã may mắn thoát nạn và, cùng với các bạn, tôi đã tranh thủ hưởng quyền tự do mà người ta bị bắt buộc phải ban cho chúng tôi. ít khi chúng tôi ở trường; chúng tôi chạy chơi trong.rừng, chúng tôi lang thang ngoài đồng như những dân du mục. Nhiều học sinh phải ăn kiêng, khiến chúng tôi càng được lợi.

Trong trường, mọi thứ đều bị đảo lộn.

Chúng tôi không ăn đúng giờ quy định nữa, và đôi khi, chị bếp, hết bị cô này nhờ, lại đến bà kia sai, không còn có thì giờ để sửa soạn bữa ăn chiều nữa. Thế là chúng tôi đành phải nhận một lát bánh mì phết bơ và phô mát. Chúng tôi bèn mang lương thực vào trong rừng. Chúng tôi vào một cánh rừng thưa để ăn, sung sướng như những bà hoàng. Tôi chỉ còn buồn vì một nỗi là: thiếu vắng Hélène Burns, bạn thân của tôi. ôi! Giá mà chị ấy tham dự được những cuộc du hành của chúng tôi, thì tôi không còn gì để phàn nàn nữa!

Hélène tội nghiệp! Bệnh tật đã quật ngã chị. Chị ốm đau, mà tôi lại không được phép đến thăm chị, để giúp đỡ và an ủi chị. Tôi biết chắc chắn là chị không thuộc số học sinh bị bệnh nặng nhất và phải tập trung ở trạm xá. Vậy là chị không bị bệnh sốt chấy rận. Chắc hẳn người ta chỉ điều trị bệnh ho khan, khó chữa của chị; nhưng vì không hiểu gì về cơ thể con người, tôi cứ nghĩ đó chỉ là một bệnh nhẹ, một thứ cảm mạo dễ chữa. Nắng ấm mùa xuân có thể làm chị khỏi ngay thôi, và thật thế, trong mấy ngày đẹp trời đầu tiên, tôi đã hai, ba lần nhìn thấy Hélène ra vườn. Cô Temple cùng đi với chị, nhưng cấm không cho ai được lại gần chị và được nói chuyện với chị.

Tháng sáu đã tới. Chúng tôi vẫn chạy chơi tự do trong rừng. Một hôm, khi trở về Lowood tôi nhìn thấy cô hộ lý đang tiễn chân ông Bates, bác sĩ. ông nhảy lên ngựa, rồi ra đi. Tôi giữ cô hộ lý lại để hỏi thăm về tình hình chị Hélène Burns.

- Không được tốt lắm. - Cô vừa nói vừa quay đầu đi.

Tôi biết câu nói đó có nghĩa là: Hélène Burns đang ở trong tình trạng nguy kịch, và có thể sẽ từ giã thế giới này, ngay trong ngày hôm nay.

Tôi vô cùng sợ hãi và tưởng như trái tim mình sắp ngừng đập. Nhưng cần phải hành động. Tôi tĩnh tâm lại, và hỏi bạn tôi hiện đang ở đâu.

- Cô ấy đang ở trong buồng cô Temple.

Tôi về đến trường thì chuông đang đổ hồi.

Cô Miller đang tập hợp học sinh, vì đã đến giờ đi ngủ. Tôi vào giường, nhưng không sao ngủ được. Hai giờ trôi qua. Tôi nhổm dậy, mặc thêm quần áo, rồi lặng lẽ ra khỏi nhà ngủ. Bây giờ phải tìm đến buồng cô Temple. Tôi biết là nó ở chái bên kia của tòa nhà, và tôi phải đi theo.một hành lang dài mới tới được. Tôi leo lên một cầu thang, rồi lại bước xuống một cầu thang khác, rồi tôi mở hết cánh cửa nọ, đến cánh cửa kia, mà không gây ra tiếng động, và, cuối cùng, tôi đã tới trước cửa buồng cô Temple. Tôi rụt rè bước vào, tim đập thình thịch vì sợ. Trên một cái giường con, cạnh giường cô Temple, tôi nhận thấy hình dáng một thân người. Cô hộ lý đang ngủ trong một chiếc ghế bành. Tôi bước lại gần cái giường. Một bàn tay trắng toát buông thõng dọc theo cái chăn. Tôi không dám sờ vào nó, sợ sẽ cảm nhận thấy cái lạnh của một xác chết.

- Hélène ơi, - tôi nói rất khẽ, - Hélène ơi, tôi đang ở đây.

Hélène gạt cái màn ra, và cho tôi thấy mặt chị. Trông chị không thay đổi, và một niềm hy vọng lớn bùng dậy trong tôi. Tôi hôn lên hai má chị và nhìn thấy chị mỉm cười, vẫn như trước đây.

- Bạn làm gì ở đây thế, hả Jane? Giữa đêm hôm thế này? Mình vẫn nghe tiếng chuông đồng hồ mà.

- Tôi thấy cần phải đến thăm chị, Hélène ạ, tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa tâm trạng mơ hồ xót xa về bệnh tật của chị.

- Bạn đến để tạm biệt mình, để vĩnh biệt mình thế này, thật là tốt quá đấy, Jane ạ. Chưa đến nỗi quá muộn... Nhưng kìa, bạn đi chân không đấy à? Khéo không lại bị cảm lạnh đấy...

Bạn hãy vào giường nằm cạnh mình đi.

Tôi bèn lên giường và chui vào trong đống chăn. Hélène quàng tay ôm lấy tôi, đặt đầu mình sát vào đầu tôi, rồi thì thầm:

- Jane ơi, bạn đến thăm, làm mình sướng quá.

Nếu bao giờ, người ta bảo bạn là mình chết rồi, thì bạn đừng ngạc nhiên quá, và nhất là đừng buồn phiền quá nhé!

Tôi nằm sát vào người chị. Tôi có thể làm được gì để cứu bạn mình đây?

- Mình ho, - Hélène nói thêm, - và mình kiệt sức, nhưng từ lúc bạn ở đây, mình thấy đã đỡ nhiều; bây giờ, mình thấy mệt, và cần được ngủ... Song bạn đừng đi đâu, đấy nhé.

- Chị đừng sợ, Hélène ạ, chẳng ai có thể cấm tôi ở lại với chị được đâu.

Rồi cả hai chúng tôi ngủ thiếp đi. Khi tôi thức dậy, trời đã sáng bạch. Tôi thấy mình đang nằm trong cánh tay một ai đó. Người ấy chuyển tôi vào nhà ngủ, rồi đặt lại tôi lên giường..Sau đó, không có ai chăm sóc đến tôi nữa.

Cũng chẳng có ai hỏi tôi tại sao, giữa đêm hôm, lại ra khỏi phòng như thế.

Rất lâu sau đó, tôi mới được biết là cô Tem-ple đã phát hiện ra tôi ở trong giường bạn tôi.

Lúc đó, tôi đang ôm chặt bạn trong cánh tay mình. Đầu tôi vẫn sát vào đầu chị... Mà lúc đó thì Hélène Burns đã không còn đau đớn gì nữa, và đã từ giã thế giới này rồi.

Dịch sốt chấy rận đã tàn phá rất nhiều trong học sinh chúng tôi. Tuy nhiên, đến một hôm, nó cũng đã rời bỏ Lowood. Chính quyền địa phương, xúc động trước sự việc trở thành nghiêm trọng, đã phải làm một cuộc điều tra. Khi đã biết những gì đang diễn ra ở học viện "làm phúc", khi đã biết các cô gái mồ côi khốn khổ đang phải sống trong những điều kiện tồi tệ như thế nào, mọi người đã bất bình và nói rằng tình trạng đó không thể kéo dài thêm nữa.

Thật nguy to cho ông Brockelhurst, ông đã phải điêu đứng hứng chịu tất cả những lời chỉ trích đó. Rồi nội quy được sửa đổi, bếp ăn được cải thiện, quần áo phát cho học sinh ấm áp hơn, kỷ luật cũng nhân đạo hơn.

Tôi còn ở lại Lowood sáu năm nữa, sáu năm không có sự cố gì, sáu năm yên bình, rồi tôi trở thành cô giáo và, đến lượt mình, tôi cũng đảm nhiệm việc dạy dỗ và giáo dục các em bé không còn cha mẹ.

Trong hai năm, tôi đã đem hết sức mình ra để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi vô cùng quý trọng cô Temple, hiệu trưởng trường chúng tôi, vì tôi thấy rõ là nhờ có cô, tôi mới thành công trong sự nghiệp của mình.

Đối với tôi, cô vừa là một người chị, vừa là một người mẹ, và tôi sẽ chẳng bao giờ quên là, trong việc chăm sóc cho tôi, cô đã không tiếc công, tiếc sức chút nào. Nhưng rồi cô lấy chồng, và tôi đã mất người bạn tốt nhất của mình, vì cặp vợ chồng trẻ đã đi ra nước ngoài.

Dần dần, tôi thấy Lowood, với những thung lũng, đồi gò, thạch thảo, lùm cây, tảng đá của nó, có vẻ buồn như một nhà tù. Tôi muốn được tự do. Phải làm gì đây? Làm thế nào để thay đổi dòng chảy của đời mình? Ban đêm, ý muốn được giải phóng day dứt tôi, khiến tôi không ngủ được.

Nhưng rồi một buổi tối, một ý kiến sáng lóe lên trong đầu tôi: tôi chỉ cần viết thư cho một tòa báo. Trong báo hàng ngày, người ta thường cho đăng những thông báo, và biết đâu thông báo của tôi lại chẳng lọt vào mắt một người nào đó có thể vui lòng thuê tôi giúp việc?.A! Tôi trù tính kỹ kế hoạch của mình. Tôi phải đi bỏ được một lá thư ở trạm bưu chính Lowton. Người ta sẽ phải trả lời cho J.E., là hai chữ cái đầu tên tôi, ở hòm thư lưu. Và trong tám ngày, tôi sẽ qua đó, lấy thư trả lời, nếu như có một thư trả lời! Dự tính của tôi, như bạn đọc thấy đó, đã hình thành.

Rồi một hôm, tôi đã dậy sớm hơn thường lệ. Tôi đã nắn nót viết xong lá thư của mình trước lúc học sinh ngủ dậy. Làm như không có chuyện gì cả tôi đã xin phép bà hiệu trưởng mới, cho tôi được đi Lowton. Tôi được bà đồng ý, nhưng chỉ được rời khỏi trường sau buổi học, nghĩa là vào lúc chập tối. Trời rét và đường thì xa. Sau khi bỏ thư ở trạm bưu chính, tôi còn vào một vài cửa hàng. Những ngày tiếp sau đó sao mà dài thế! Tôi đợi một tuần, mà tưởng như một thế kỷ, rồi tôi lại đi Lowton. Chiều hôm đó, trời đẹp. Tôi đến ngay trạm bưu chính, do một bà có tuổi phụ trách.

Tim tôi đập rất mạnh, khi tôi hỏi bà:

- Thưa bà, bà có nhận được bức thư nào gửi cho J.E. không ạ?

- Để tôi xem, - bà trả lời. - Và bắt đầu lục tìm trong các ngăn kéo, chỗ này, chỗ kia, hồi lâu. Tôi thấy sốt ruột, và đã bắt đầu thất vọng, thì chợt bà rút ra, từ đống giấy tờ của bà, một chiếc phong bì. Bà nhìn chiếc phong bì, lật xem mặt kia, rồi soi mói nhìn tôi.

- Có đây, - bà nói, - đúng là gửi cho J.E.

Tôi đã dũng cảm, không bóc phong bì ngay.

Tôi còn vội về Lowood. Tôi chỉ được phép ra ngoài đến tám giờ thôi. Trên đường về, không xảy ra sự cố gì. Tôi đi như bay, và vừa đi, vừa hát. Khi chỉ còn một mình trong buồng, tôi bóc chiếc phong bì bí hiểm ra...

Chúng tôi đã đọc thông báo của cô đăng trên báo. Cô có thể viết thư, cho chúng tôi được biết về tính tình, học lực, năng khiếu của cô. Nếu cô phù hợp với hoàn cảnh chúng tôi, chúng tôi sẽ giao cho cô, một cháu gái dưới mười tuổi, và chúng tôi sẽ trả cô một số tiền lương là ba mươi bảng.

Cuối thư, ký tên: Bà Fairfax, ở Thornfield, gần Millcote, trong quận Millcote.

Hay quá! Thế là họ đã trả lời mình. Tôi đang cầm trong tay, lá thư của một người không quen, một bà, có lẽ đã nhiều tuổi, tôi cho là như vậy, vì nét chữ có vẻ rụt rè, và như mệt mỏi. Tôi thấy phấn khởi. Bây giờ, tôi không do dự được nữa, tôi phải hành động ngay. Tôi quyết định.báo cáo với bà hiệu trưởng về dự định của mình, nên tôi xin phép được gặp bà.

Bà nhận lời cho tôi gặp.

- Thưa bà hiệu trưởng, - tôi nói, - tôi xin được báo với bà một tin quan trọng, có thể có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của tôi.

- Tin gì vậy? Cô biết là tôi rất quan tâm đến tất cả những gì liên quan đến cô.

- Tôi đang tìm một việc làm có thể đem lại cho tôi thu nhập gấp đôi thu nhập của tôi ở đây.

- Tôi thật lòng chúc cô thành công.

- Thưa bà hiệu trưởng, tôi có thể nhờ bà báo giúp cho ông Brockelhurst và yêu cầu ông ấy nói tử tế những điều ông nghĩ về tôi và về việc làm của tôi, trong trường hợp người ta đến tìm gặp ông để hỏi về tôi không ạ?

- Tôi rất vui lòng được giúp cô. - Bà đáp.

- Xin cảm ơn bà.

Một tuần sau đó, tôi đã gửi cho bà Fairfax bản sao một chứng chỉ tốt, do bà hiệu trưởng cấp cho tôi. Trong thư trả lời tôi, bà Fairfax hẹn tôi trong mười lăm ngày phải đến nhận công việc gia sư ở nhà bà.

Tôi khẩn trương chuẩn bị. Mười lăm ngày đã trôi qua nhanh chóng. Quần áo của tôi chẳng nhiều nhặn gì lắm, mặc dù cũng đủ những thứ cần thiết cho mình. Thế là tôi xếp các thứ vào cái hòm của mình. Vẫn là cái hòm tôi đã mang từ Gateshead đến đây tám năm về trước.

Hôm sau, tôi lên xe ngựa đi Millcote, nơi tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống mới..

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play