– Việc thứ nhất, vương mang quân đi chuyến này với tất cả sự ước vọng của Kiến-vũ hoàng đế. Vương không được thất bại. Vì thất bại thì Công-tôn Thuật sẽ cử một đạo binh chinh phục Lĩnh-Nam. Giải đất này sẽ trở thành phên lũy của Thục. Bấy giờ Thuật chỉ cần tiến quân từ Lĩnh-Nam vòng theo bờ biển Mân Việt đánh vào phía sau Kinh-châu. Đạo quân của Đại tư mã Đặng Vũ sẽ trở thành lưỡng đầu thọ địch. Nếu Đặng Vũ tan, Lạc dương không còn nữa. Vương tiến quân dựa vào lương thảo, binh lính bổ sung của Lĩnh-Nam, vậy trước khi tiến quân, phải có phương pháp giữ vững gốc rễ. Đạo dùng binh, cần nhất an lòng sĩ tốt, lương thảo đầy đủ. Xưa Cao tổ xuất quân, an tâm vì có thừa tướng Tiêu Hà chu cấp đầy đủ lương thảo. Vậy nay vương gia cần an lòng sĩ tốt đã. Muốn an lòng sĩ tốt vương gia đã làm gì và làm đến mục nào rồi ?
Các tướng sĩ cùng gật đầu công nhận lời của nàng đúng. Nàng để mọi người xì xầm một lúc, rồi tiếp :
– Điều thứ nhì, cách nay mấy tháng đại hội Tây-hồ đề cử các gia, phái cùng đi với vương gia sang Trung-nguyên xin triều kiến Hoàng-thượng, xin thụ phong. Các gia, phái đều chuẩn bị lên đường. Trước kia Vương gia tước Công, phải dẫn cao nhân các phái sang Trung-nguyên xin phong. Nay Vương gia là Vương thì toàn quyền, xin vương gia ban cho một lời, chỉ một lời của vương gia cũng đủ để mời tất cả các cao nhân cùng tòng chinh đánh Công-tôn Thuật.
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Quân sư nói rất đúng. Vậy Cô gia quyết định :
"Kể từ ngày hôm nay bãi bỏ Ngũ lệnh trên toàn cõi Lĩnh-nam.
Luật nhà Hán do thừa tướng Tiêu Hà soạn thảo được áp dụng trên toàn cõi Lĩnh-Nam.
Người Hán, người Việt hoặc các sắc dân khác sinh sống trên đất Lĩnh-Nam đều có quyền lợi như nhau.
Các chức quan lớn nhỏ sẽ trao cho người tài đức được dân chúng mến mộ".
Quần hùng Lĩnh-Nam có mặt vỗ tay hoan hô rúng động cả sảnh đường.
Chờ tiếng hoan hô dứt, Nghiêm Sơn tiếp :
"Trong khi Cô gia chinh phạt Thục, Thái-thú tùy nghi bổ nhiệm các chức vụ cho người tài đức. Từ trước đến giờ Huyện-lệnh là người Hán, nay theo quyết định trên; các Thái-thú có thể bổ nhiệm người Việt. Tuy nhiên các Huyện-úy cũng như các chức vụ khác do đích thân Cô gia quyết định, khi vắng mặt Cô gia các Thái-thú không được tự ý thay đổi. Nếu họng phạm tội phải trình Uy viễn đại tướng quân lấy quyết định, không được tự chuyên".
Nghiêm Sơn đưa ra quyết định này, vì vương không muốn Tô Định lũng đoạn khi vắng mặt vương. Vương lại tiếp :
– Công-tôn Thuật khéo chiêu hiền nạp sĩ, nên võ sĩ theo về rất đông. Võ công cao như Sầm Bành, Phùng Dị mà còn bị đánh bại. Vậy Cô gia phải nhờ anh hùng Lĩnh-Nam ra tay giúp sức, việc này Cô gia nhờ Đào tiểu sư đệ mời các cao nhân tùng chinh, cũng đã tạm xong. Về binh mã ta có sẵn hai đạo Hán-trung, Kinh-châu, nay có thêm đạo Lĩnh-Nam nữa. Riêng đạo Lĩnh-Nam ta có 19 Quân bộ, 19 Sư kỵ, tổng số gần 30 vạn người. Binh pháp có nói Binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Giáp sĩ của Ngô Hán trên 20 vạn mà bị quân Thục đánh bại, giáp sĩ của Đặng Vũ trên 25 vạn, mà cũng bị 20 vạn quân của Công-tôn Thuật đánh bại. Bây giờ ta có trên 30 vạn tinh binh, hợp với số quân còn lại của hai đạo kia lo gì không thắng Công-tôn Thuật. Mai này nhân buổi họp với các cao nhân võ học Lĩnh-nam Cô gia sẽ chánh thức mời họ tham dự cuộc tiễu phạt Công-tôn Thuật. Vậy lẽ tất thắng của ta không còn điều gì đáng nghi ngờ nữa.
Cuộc họp vừa tan, Phương-Dung đến trước mặt Tô Định nháy mắt ra hiệu. Từ ngày sang đất Lĩnh-Nam, Tô Định dựa thế Mã thái hậu, chống Nghiêm Sơn nhiều lần. Vừa qua y khích Lê Đạo-Sinh đánh úp Nghiêm Sơn, bị thất bại. Song quái thuyết phục các nơi phản Nghiêm Sơn đã bị bắt. Huyện-úy Lục-hải Hoàng Đức-Phi là tay chân của Tô, mưu sát Nghiêm, đã bị Nghiêm chặt đầu. Ngày đêm y lo ngay ngáy không biết Nghiêm chặt đầu cách chức lúc nào. Trong buổi họp hôm nay, không thấy Nghiêm đả động gì đến, y mới gỡ được mối lo bấy lâu. Người mà y sợ nhất là Đào Kỳ, Phương-Dung thì trong buổi họp cả hai luôn nhìn y mỉm cười. Bây giờ Phương-Dung nháy mắt ra hiệu, y biết nàng muốn nói riêng với y điều gì, nên y đi chậm lại phía sau. Phương-Dung tiến lên ngang Tô nhét vào tay y một miếng giấy. Tô đoán có điều cơ mật. Về dinh, y mở giấy ra coi chỉ thấy vỏn vẹn có mấy chữ :
"Tô lão bá cháu, là bạn với Tô công tử. Suốt ba năm cháu đi dò xét tin người. Nay đã biết được. Mong gặp riêng lão bá để trình bày. Đào Kỳ và Phương-Dung kính bái"
Tô Định hồi hộp ngơ ngác nghĩ thầm :
– Con ta bị Ngũ kiếm hay bắt giam chính ta cũng không rõ. Không biết sao hai người này lại có tin tức ! Thư lờ mờ, không biết con ta còn sống hay đã chết ! Vậy ta phải tìm gặp hai người này mới được. Cả hai là sư đệ, sư muội của Lĩnh-Nam vương phi, ta cứ đến vương phủ gặp họ không khó gì.
Ngồi trong dinh, Tô đem mảnh giấy ra cùng vợ bàn luận. Vợ Tô Định nói :
– Trước đây nhân chứng đều nói con ta đi cùng một nam, một nữ người Việt, không lẽ là Đào Kỳ và Phương-Dung? Nếu vậy vụ nghi án này có thể sáng tỏ được rồi.
Cả hai đang băn khoăn bàn luận, thì có quân hầu báo :
– Có đôi nam, nữ xưng là sư đệ, sư muội Lĩnh-Nam vương phi đến cầu kiến.
Tô Định vội cùng vợ ra cổng đón. Một là Tô nể phục võ công hai người. Hai là Tô nóng lòng muốn biết tin đứa con trai yêu quý đã mất tích từ ba năm. Cả hai vợ chồng cúi rạp người đón Đào Kỳ và Phương-Dung. Trà nước yên vị, Phương-Dung cứ hỏi hết chuyện này sang chuyện, khác không đề cập tới việc Tô Phương. Một lúc vợ Tô Định nóng ruột quá vào đề :
– Đào phu nhân! Nghe nói phu nhân quen thân với Tô Phương nhà tôi, xin phu nhân cho biết tin tức được không ?
Phương-Dung thở dài, làm vợ chồng Tô Định muốn run lên. Nàng nói :
– Cách đây ba năm, anh em chúng tôi từ Long-biên lên Bắc-đái thì gặp Tô công tử. Người thực nhã lượng, hào sảng, không tự cao con đại quan mà kết thân với chúng tôi. Chúng tôi đi cùng đường với với công tử, trên đường đi có cả Ngũ-kiếm. Rồi chúng tôi gặp Trương Minh-Đức. Minh-Đức hỗn láo bị Lam kiếm sửa trị. Đêm đến y đem thủ hạ vào khách điếm xông thuốc mê, bắt công tử cùng Ngũ kiếm. Anh em chúng tôi vắng mặt nên không bị bắt. Khi trở về, sang phòng công tử thấy hành lý còn đó, chúng tôi vội mang đi. Sáng hôm sau, chủ khách điếm không thấy chúng tôi, y báo cùng Huyện-lệnh Truơng Thanh. Trương Thanh cho người đến điều tra chỉ thấy hành lý của Ngũ kiếm, mà không thấy hành lý của Tô công tử và của chúng tôi là thế.
Tô Định mở to mắt gật đầu :
– Nghi vấn trước đây tôi cho điều tra vì không biết hai vị thiếu hiệp là ai? Đi đâu ? Cũng như hành lý của con tôi biến mất. Chính Trương Thanh cũng điên đầu vì vụ này. Bây giờ phu nhân nói tôi mới rõ mọi sự.
Đào Kỳ chậm rãi tiếp lời :
– Chúng tôi tìm đến Đăng-châu lao xá cứu công tử. Trương Minh-Đức vì trót tra tấn làm nhục công tử nên không dám thả ra. Y giữ công tử ở đâu tôi tìm chưa ra, nên đành cứu Ngũ kiếm. Ngũ kiếm cùng chúng tôi tìm công tử không thấy. Lại bị Lưu Chương giám sở Tế-tác đem quân vây đánh và bàn nhau phúc bẩm rằng Ngũ kiếm giết công tử để đoạt vàng bạc. Ngũ kiếm không biết mưu đó trở về Luy-lâu. Còn Lưu Chương một mặt sai con rể và đệ tử Lê Đạo-Sinh là Chu Bá và Đức Hiệp cùng Phong-châu song quái giam giữ công tử. Một mặt sai quân đưa đồ đạc hằng ngày của công tử dấu tại nhà của Ngũ kiếm. Vì vậy Tô đại nhân mắc mưu tra khảo Ngũ kiếm. Chính tôi và Dung muội phải xả thân cứu Ngũ kiếm vì biết Ngũ kiếm hàm oan. Vì tính mạng của công tử chúng tôi đã vô phép với Nghiêm tỷ phu, may mà tỷ phu không bắt lỗi. Hiện Ngũ kiếm phiêu bạt nơi đâu chúng tôi cũng không rõ.
Phương-Dung tiếp lời :
– Chúng tôi tiếp tục một mình dò la manh mối công tử, rất may gần đây đã kiếm ra.
Vợ Tô Định thấy Phương-Dung úp mở, không chịu nói con mình còn sống hay chết, trong lòng phát run :
– Thế thì Tô Phương...
Phương-Dung thấy làm vợ chồng Tô Định lo sợ như vậy đã đũ, nàng lấy vạt áo có chữ máu của Tô Phương đưa ra. Tô Định với vợ run run cùng đọc, nước mắt chan hòa. Tô Định đập mạnh tay xuống bàn đánh bình một cái.
– Ta thề băm vằm Lê Đạo Sinh ra từng mảnh mới được. Xin thiếu hiệp cho biết con ta bị giam ở đâu ?
Phương Dung chậm rãi nói :
– Thế lực Lê Đạo-Sinh không nhỏ. Chúng có tới 6 Huyện-úy là đệ tử, có tới 6 Huyện-úy là thân thích. Trang ấp thuộc quyền lớn vô cùng. Nếu đại nhân hấp tấp, chúng khởi binh làm phản tất nguy đến sự cứu viện Trung-nguyên, mà tính mạng Tô công tử khó vẹn toàn.
Tô Định thấy Phương-Dung nói thế, nhận thấy rất đúng. Y đứng dậy chắp tay vái hai người.
– Hai vị là bạn con tôi. Nếu hai vị nghĩ cách vẹn toàn cứu được nó, vợ chồng chúng tôi vô cùng cảm tạ. Tiền bạc thì quý vị không cần, nhưng nếu quý vị sai khiến điều gì mà Tô này có thể làm được, đều xin tuân theo.
Phương-Dung cùng Đào Kỳ cũng đứng dậy đáp lễ :
– Tô đại nhân là ntgười lớn lời hứa là vàng. Anh em chúng tôi đã nghĩ ra kế, hẹn ba ngày sẽ cứu công tử về đoàn tụ cùng đại nhân và phu nhân. Bây giờ chúng tôi xin kiếu từ.
Hai người rời phủ Thái-thú ra bến xe ngựa, tìm người người phu xe có đeo khăn trắng ở cổ, gửi thư cho Vũ Trinh-Thục cùng Trưng Nhị, nhờ mời họp anh hùng Lĩnh-Nam trên con thuyền của trang Mai-động, đậu bên bờ hồ Tây. Sau đó trở về vương phủ. Hoàng Thiều-Hoa thấy Đào Kỳ, Phương-Dung đón vào nói :
– Nghiêm đại ca cùng Hồ Đề và Giao-long nữ đang chờ các em về ăn cơm.
Trong bàn ăn Nghiêm Sơn nói với Phương-Dung :
– Sư muội, trong cuộc chinh phạt này tỷ phu được sư muội làm quân sư chắc chắn Công-tôn Thuật sẽ bị ta bắt. Sau khi chúng ta thắng giặc, Kiến-vũ thiên tử thế nào cũng chấp nhận lời xin của ta trả đất Lĩnh-Nam cho người Việt.
Phương-Dung, Đào Kỳ cũng kể sơ lược vụ Tô Phương với đầy đủ chi tiết. Nghiêm nghe nhưng không hề ngờ rằng vụ này do Đào Kỳ, Phương-Dung, Lê Chân và Phùng Vĩnh-Hoa đạo diễn. Vương cũng tin hai người như Tô Định.
Đào Kỳ kết luận :
– Vậy với mối lo Lê Đạo-Sinh, coi như đã giải quyết vì giữa y và Tô Định có mối thù bất cộng đái thiên. Ngày mai, sau khi đại hội, đại ca định để Tô Định thanh toán Lê Đạo-Sinh và tay chân hay đại ca sẽ tự ra tay ?
Nghiêm Sơn suy nghĩ :
– Ta để cho Tô Định ra tay thì hơn. Lê là người xu phụ Tô, nay ta để Tô giết Lê cho đáng đời bọn xảo quyệt !
Đến ngày hẹn, anh hùng Lĩnh-Nam tề tựu đông đủ trên con thuyền lớn của trang Mai-động. Buổi hội này Đào Kỳ nhân danh Chinh-viễn đại tướng quân chỉ huy đạo Lĩnh-Nam tổ chức, nên phủ Tế-tác Giao-chỉ, ngay cả Tô Định cũng không dám tò mò. Thật là buổi họp kỳ lạ nhất : Anh-hùng Lĩnh-Nam bàn chuyện phản Hán phục Việt trên con thuyền lớn, mà hai bên bờ sông, kỵ binh người Hán của Chinh-viễn đại tướng quân rong ruỗi... canh phòng !
Khi thấy trên thuyền đủ mặt, thuyền ra giữa sông Phùng Vĩnh-Hoa đứng dậy nói :
– Buổi họp hôm nay chúng ta phải đề cử lấy người chủ tọa, không biết quý vị sẽ đề cử ai ?
Nam-hải nữ hiệp Trần-thị Phương-Châu nói :
– Nếu bàn về võ công tất không ai hơn Khất đại phu. Khất đại phu là một tiên ông. Chí của người là trị bịnh cho dân chúng, tiêu dao sơn thủy. Vậy chúng ta không nên ép người vào chuyện phục quốc. Phục quốc không nhất thiết dùng người có võ công cao. Mà cần người có tấm lòng sắt son, thiên hạ đều biết.
Nguyễn Trát cũng phụ họa :
– Đúng vậy ! Khi bàn về phục quốc, dân chúng thường truyền tụng Bắc Nhị Trưng, Nam Đinh Đào. Vậy cần mời Đào hầu, Đinh hầu hoặc Nhị Trưng đứng ra chủ trì thì việc mới thành. Đinh hầu hiện vắng mặt, hiện diện tại đây chỉ có Đào hầu và Nhị trưng, vậy ta đề cử ai ?
Khất đại phu đứng lên nói :
– Tốt hơn hết, chúng ta mời Đào hầu cùng Trưng Trắc cùng chủ tọa, như thế vừa có uy của Bắc, vừa có đức của Nam.
Đào Thế-Kiệt suốt cuộc đời chỉ mong có ngày hôm nay, nghe Khất đại phu đề cử mình, ông đứng dậy nói :
– Tôi tài hèn, sức mọn nhưng nếu quý vị dạy bảo điều gì, tôi xin kính cẩn nghe theo.
Trưng Trắc cũng nói :
– Các vị cao nhân, sư đệ, sư muội đồng đề cử, tôi kính cẩn nghe lời mà ngồi đồng chủ tọa buổi hội hôm nay.
Cử tọa vỗ tay vang dội, Đào Thế-Kiệt và Trrưng Trắc lên ngồi ghế chủ tọa, còn quần hùng, mạnh ai tìm chỗ an tọa không phân biệt tuổi tác chức phận.
Trưng Trắc nhìn qua một lượt rồi khoan thai nói :
– Chúng ta tuy đồng tâm mà hầu hết không biết mặt, Phương-Dung đi nhiều, biết nhiều xin đứng ra giới thiệu. Buổi hội này khác với buổi hội đại hội võ lâm, mà là những người quyết tâm phản Hán phục Việt. Cục diện biến đổi, kế hoạch đã bàn đi từ đảo Đào hầu về Bắc không hợp nữa. Cần có kế hoạch khác hợp với hoàn cảnh mới.
Phương-Dung tuân lệnh đứng lên :
– Trước tiên tôi giới thiệu phái Tản-viên, các vị có địa vị cao nhất là Khất đại phu, kế đến các sư bá Nguyễn Thành-Công, Đặng Thi-Kế. Các sư huynh, sư tỷ Lê Anh-Tuấn, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Nguyễn Quý-Lan, Lê Ngọc-Lan.
Đợi quần hào ngớt vỗ tay, nàng nói tiếp :
– Kế đến đông đảo nhất, ở đây là phái Sài-sơn : Tất cả 8 vị Thái-bảo đều có mặt. Đệ nhất Thái-bảo Nam-hải nữ hiệpTrần-thị Phương-Châu với đệ tử của người là Đông-triều nữ hiệp Lê Chân, Hạ-long nữ hiệp Hùng Xuân-Nương. Đệ nhị Thái-bảo Trần Công-Minh, tức Nam-thành vương thống lĩnh nghĩa quân châu Ký-hợp chống Hán từ 5 năm nay. Đệ tử và cũng là cháu ruột của người là Nguyễn Thánh-Thiên là một đại tướng quân, phó thống lĩnh cho người. Sư tỷ Thánh-Thiên võ công tuy không cao, nhưng tài dụng binh với mưu thần chước thánh không biết đâu mà lường. Đệ tử của Nam-thành vương hiện diện hôm nay còn có Nguyệt-điện nữ hiệp Đàm Ngọc-Nga. Đệ tam Thái-bảo Tiên yên nữ hiệp Trần-thị Phương-Chi, đệ tử của người là Đăng châu nữ hiệp Phùng Vĩnh-Hoa.
Tiên yên nữ hiệp không mấy khi ra ngoài, tiếng tăm ít người biết đến. Song Phùng Vĩnh-Hoa tiếng tăm đã vang dội, nên Phương-Dung phải ngừng cho mọi người hoan hô rồi tiếp :
– Đệ tứ Thái-bảo Cầm tiêu tiên sinh Nguyễn Tam-Trinh. Năm người con của tiên sinh nổi danh Mai-động ngũ hùng : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và con gái Giao-Chi được tôn là Thanh-long tiên tử. Đệ tử mới là bé Tía tức Tử-Vân. Đệ ngũ Thái-bảo là Phương-lâu đại hiệp Vũ Công-Chất, cùng ái nữ của người là Bát-nàn nữ hiệp Vũ Trinh-Thục. Đệ lục Thái-bảo là Nam-thiên đại hiệp Đặng Đường Hoàn. Các đệ tử của người là Đào Chiêu-Hiển, Đào Tam-Lang, Đào Đô-Thống. Ba vị sư huynh hiện trông coi trang Ngọc-động. Đệ thất Thái-bảo Thiên-trường đại hiệp Trần Quốc-Hương, đệ tử là Trần Bá-Sơn và Giao-long nữ hiệp Trần Quốc. Đệ bát Thái-bảo Vân-hà nữ hiệp Trần Vĩnh-Huy.
Ngừng một lúc Phương-Dung giới thiệu tiếp :
– Phái Cửu-chân, Cửu-chân song kiệt hôm nay chỉ có Đào hầu hiện diện, bào đệ người là sư thúc Trần Thế-Hùng. Đệ tử của các người là Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn, Đào Kỳ, Trần Dương-Đức, Đào Hiển-Hiệu, Đào Quý-Minh, Đào Phương-Dung, Đinh Hồng-Thanh, Quách Lãng, Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương, Hoàng sư tỷ là Lĩnh-Nam vương phi hôm nay vắng mặt.
Phương-Dung phải ngừng lại vì quần hùng vỗ tay vang dội hết tràng này sang tràng khác. Nguyên phái Cửu-chân không phải là võ công đệ nhất, nhưng suốt bao năm qua từ sư phụ đến đệ tử luôn chủ trương phản Hán phục Việt, đều nổi danh vì khí tiết. Quần hùng hoan hô, là hoan hô khí tiết của họ.
Phương-Dung tiếp tục :
– Phái Hoa-lư Thái-thượng chưởng môn là Trường-yên đại hiệp Cao Cảnh-Minh, sư đệ của người là đại hiệp Cao Cảnh-Sơn. Đệ tử của người là Cao Cảnh-Khê, Cao Cảnh-Nham, Cao Cảnh-Thụy, Cao Cảnh-Thạch.
Phái Quế-lâm, Lư-giang đại hiệp Lương Hồn-Châu. Kim-sa đại hiệp Triệu Anh-Vũ, Lôi-sơn đại hiệp Đinh Công-Thắng. Đệ tử của Kim-sa đại hiệp là Đinh Công-Minh.
_ Thống lĩnh 72 động Tây-vu sư tỷ Hồ Đề.
Hồ Đề vừa đứng lên, quần hùng vỗ tay cười ồ, vì nghĩ đến cái nghịch ngợm tai quái của nàng trong kỳ đại hội hồ Tây vừa rồi.
Phương-Dung lại tiếp :
– Thống-lĩnh Lôi-sơn Đinh Hồng Thanh và các vị sư bá Đinh Công-Hùng, Trần Năng, Hùng Bảo.
– Ngoài ra còn phái Nhật-Nam, Thiên-thủ viên hầu Lại Thế-Cường, ở xa thành ra không tham dự kịp. Cũng như Khúc-giang ngũ hiệp tuy không về được nhưng tất cả khẳng định sẵn sàng tuân theo lệnh đại hội
Sau khi Phương-Dung giới thiệu, Đào Thế-Kiệt nói :
– Đại hội này bàn về việc phục quốc. Ai là con dân Lĩnh-Nam đều có quyền phát biểu. Tất cả ý kiến được tôn trọng, chúng ta sẽ lấy quyết định theo biểu quyết. Nếu ý kiến được đa số tán thành, tất cả mọi người phải tuân theo. Bây giờ mời quý vị cho ý kiến.
Lê Chân nói :
– Trước đây chúng ta tìm trăm phương ngàn kế tách rời Tô Định với Nghiêm Sơn, làm Tô Định và Lê Đạo-Sinh mất uy tín. Vì việc này chúng ta đã trừ được Phùng Chính-Hòa, Vũ Hỷ, Hoàng Đức-Phi. Chúng ta phác họa kế hoạch cử hiền tài cho Nghiêm Sơn, để khi khởi sự chúng ta có người trong hàng ngũ giặc. Bây giờ kết quả đi quá ước vọng, trừ Giao-chỉ, còn tất cả các Đô-úy, Đô-sát, Đốc-bưu đều là người Việt. Các Huyện-úy chiếm tới 9 phần 10. Huyện-lệnh tới 7 phần 10. Toàn quân Lĩnh-Nam do Đào Kỳ thống lĩnh. Chúng ta có nên khởi binh hay không ? Nếu khởi binh bây giờ chỉ cần đánh một tiếng trống là xong.
Nguyễn Thánh-Thiên nói :
– Chúng ta mong mỏi Hán quân rời khỏi Lĩnh-Nam, bây giờ ta được như ý muốn. Còn lại chỉ có quân địa phương người Việt do các Huyện-úy điều khiển, mà Huyện-úy chúng ta chiếm 9 phần 10 rồi. Tô Định muốn làm gì cũng bó tay, Lĩnh-Nam vương ra lệnh Tô không được tự quyền thay đổi Huyện-úy như vậy ta yên tâm. Đào Kỳ tuy được phong Chinh-viễn đại tướng quân, chỉ huy toàn quân Lĩnh-Nam ttrên 30 vạn người ; Trưng Nhị, Phương-Dung, Phùng Vĩnh-Hoa là quân sư của Lĩnh-Nam vương, nhưng ta không thể khởi binh lúc này, tại sao ?
Thánh-Thiên ngừng lại cho cử tọa suy nghĩ rồi tiếp:
– Một là người Việt được cử làm Đô-sát, Đô-úy, Đốc-bưu, nhưng mới được bổ nhiệm chưa nắm được guồng máy cai trị. Trong khi đó các quan lại thuộc các phủ Thái-thú, Đô-úy, Đô-sát, Đốc-bưu quá nửa vẫn là ngưới Hán.
– Hai là quân Hán đóng ở Lĩnh-Nam đã lâu đời, vợ con, nhà cửa tài sản còn ở đây. Bây giờ phải đi đánh Thục lòng vẫn còn lưu luyến. Ta cần thời gian ít lâu để quân Hán rời khỏi Lĩnh-Nam, đem vợ con tài sản theo. Bấy giờ chúng ta khởi sự chưa muộn.
– Đào Kỳ tiếng là chúa tướng, nhưng các tướng chỉ huy Quân, Sư, Lữ toàn là người Hán. Chúng ta khởi sự bây giơ,ø chưa chắc lệnh Đào Kỳ đã được các tướng nghe theo. Đó là điều thứ ba.
– Quân Hán ra đi, mà ta chưa tổ chức được quân đội, nếu Quang-vũ lại cử đại binh sang, chúng ta làm sao chống giặc ? Vậy phải cần một thời gian đợi khi ta tổ chức được binh đội. Đó là điều thứ tư khiến ta không nên khởi sự lúc này.
Từ trước đến giờ, quần hào từng nghe Nguyễn Thánh-Thiên là phó tướng cho Nam-thành vương, bây giờ mới thấy kiến thức của nàng rất rộng, tầm nhìn rất xa.
Trưng Trắc gật đầu :
– Vậy ta phải làm gì ?
Nguyễn Thánh-Thiên nói :
– Chúng ta chia người làm hai. Một số theo giúp Lĩnh-Nam vương đánh Thục. Tất Nghiêm Sơn phải giao quyền tướng quân cho chúng ta, khi đó ta học hỏi cách tổ chức, huấn luyện, điều quân, xung phong, hãm trận của quân Hán. Rồi với kinh nghiệm học hỏi, ta tổ chức quân đội, chiến pháp riêng cho Lĩnh-Nam. Khi đánh Thục, quân Hán ở Lĩnh-Nam phải hao tốn đến 7-8 phần. Chúng ta bổ sung bằng tráng đinh Việt. Quân và tướng chỉ huy các Quân, Sư, Lữ đều dần trở thành Việt. Bấy giờ Nghiêm Sơn tâu với Quang-vũ xin trả đất Lĩnh-Nam cho người Việt, Quang-vũ thuận thì tốt, nếu không thuận, ta dùng đạo quân Lĩnh-Nam toàn người Việt quay về Lĩnh-Nam khởi binh. Đồng thời phân nữa chúng ta ở nhà huấn luyện tráng đinh, tích trữ lương thảo. Cả hai lại chúng ta có đầy đủ một đạo quân kinh nghiệm với đầy đủ lương thảo. Khi ấy ta sợ gì quân Hán !
Sau khi Thánh-Thiên trình bày, quần hùng bàn tán hơn thiệt, và đồng ý kiến với nàng.
Sau cùng Trưng Trắc kết luận :
– Đào Kỳ phúc bẩm với Lĩnh-Nam vương là quần hùng Lĩnh-Nam sẵn sàng giúp người đánh Thục. Người muốn mời bất cứ ai, chúng ta đều hết lòng. Bây giờ chúng ta đến vương phủ để ra mắt Lĩnh-Nam vương.
Đại hội chấm dứt, trên đường từ hồ Tây về vương phủ, Đào Kỳ bàn với Vĩnh-Hoa, Lê Chân, Trưng Nhị kế hoạch đưa Tô Phương vào giam trong lao xá Thái-hà. Tất cả đồng ý phải nhờ đến Khất đại phu mới xong. Đào Kỳ vẽ lại chi tiết bản đồ nhà tù để Khất đại phu đem Tô Phương đánh thuốc mê vào giam trong đó.
Khi tới Lĩnh-Nam vương phủ đã thấy đèn đuốc sáng trưng, quân giáp sĩ nghiêm trang đứng dàn chào, không cần nói cũng biết việc một vị Nguyên soái đón tiếp anh hùng rất chu đáo và trang trọng. Mọi người được mời vào cẩm đôn đã đề tên sẵn. Khi mọi người an tọa, viên tham quan sai người đốt pháo lệnh, cổng vương phủ khép chặt. Quân giáp sĩ tuần tiễu vòng trong, vòng ngoài cực kỳ nghiêm mật.
Khi đó Lĩnh nam vương Nghiêm Sơn nghiêm trang tiến ra hành lễ với mọi người nói :
– Thưa các vị tiền bối, thưa các vị huynh đệ. Buổi họp hôm nay là buổi hội của võ lâm đồng đạo Lĩnh-Nam, chứ không phải của Lĩnh-Nam vương, Tả tướng quân Đại Hán !
Cử tọa hoan hô vang dậy, Nghiêm Sơn sang sảng tiếp :
– Trước đây Kiến-vũ hoàng đế bị gian thần xàm tấu, ban Ngũ lệnh xuống đất Lĩnh-Nam, khiến trời sầu đất thảm. Chúng ta phải tổ chức đại hội Tây-hồ, tuyển cao nhân các phái sang Trung-nguyên cầu phong. Sắp lên đường thì tại hạ nhận được chiếu chỉ phong Tả tướng quân, Lĩnh-Nam vương, cùng ban cho Thượng phương bảo kiếm mang binh mã nửa thiên hạ chinh phạt Công-tôn Thuật. Tại hạ được toàn quyền quyết định mọi sự ở Lĩnh-Nam, Kinh-châu, Đông-xuyên, Tây-xuyên và Lương châu.
Nghiêm Sơn phải dừng lại, vì toàn hội trường tiếng hoan hô vang lên như sấm dậy. Chờ một lát vương tiếp :
– Đất Lĩnh-Nam quá xa Lạc-dương, Từ trước đến nay bị coi như Man, Di. Các quan cai trị Hán tới đây chỉ lo vơ vét, coi người Việt như chó, lợn. Vì vậy tại hạ sẽ xin Thiên-tử trả đất Lĩnh-Nam cho người Việt và Lĩnh-Nam sẽ là chư hầu phên dậu cho Trung-nguyên. Như vậy nhà Đại Hán có một chư hầu hằng năm tiến cống hơn là có một cõi đất Man di luôn luôn chống đối, khiến máu đổ thịt rơi công khố hao tổn. Để lời bảo tấu của tại hạ sau cuộc phạt Thục có kết quả như ý, tại hạ đề nghị các gia, phái đề cử hào kiệt theo quân diệt giặc lập công khuôn phò nhà Đại Hán.
Như đã đồng ý trước, quần hào hăng say tán thành, khiến Nghiêm Sơn cảm động, vương hô lớn :
– Phái tản viên xin Khất đại phu cử người.
Khất đại phu nói :
– Lão phu cử người bản phái Trưng Nhị, Quỳnh-Hoa, Quế-Hoa, Lê Ngọc-Trinh.
Nghiêm Sơn sai người ghi danh rồi tiếp :
– Phái Sài-sơn xin Nam-hải nữ hiệp cử người.
Nam-hải nữ hiệp lên tiếng :
– Tôi đề cử đệ tử Lê Chân, sư điệt Phùng Vĩnh-Hoa, Trần Quốc, Mai-động ngũ hùng, Nguyễn Giao-Chi. Ngoài ra còn có hai đội Giao-long binh Thiên-trường 100 đệ tử. Đội Thần-long của Mai-động 100 người lặn dưới nước như raí cá.
Mắt Nghiêm Sơn rạng ngời, vương được Đào Kỳ cho biết quần hào Lĩnh-Nam sẵn sàng giúp vương, nhưng vương không thể ngờ được họ giúp tận tình như vậy. Có thể nói các phái đã dốc túi cử các đệ nhất hảo thủ theo vương. Chỉ riêng đội 200 đệ tử võ lâm, lặn dưới nước như rái cá, vương đã có ưu thế về thủy chiến.
– Phái Hoa-lư xin Trường-yên đại hiệp Cao Cảnh-Minh đề cử người.
Cao Cảnh-Minh chỉ 4 đệ tử nói :
– Tôi xin cử Thần-nỏ Âu-lạc, chỉ huy 4 đội Thần-nỏ. Mỗi đội gồm trăm xe chở nỏ liên châu.
Nghiêm Sơn nghe Cao Cảnh-Minh nói, vương liếc mắt nhìn Đào Kỳ. Vương biết phái Hoa-lư là đệ tử Cao Cảnh hầu thời Âu-lạc. Cao Cảnh hầu Cao Nỗ đã chế nỏ thần, bắn một phát cả ngàn mũi tên. Tên bắn lại xa gần bằng 5 lần sức người. Sau khi Cao Nỗ và em là Cao Tứ tuẫn quốc, kỹ thuật bị thất truyền. Gần đây Đào Kỳ tìm được sơ đồ chế nỏ thần ở cây gậy đồng, trao lại cho phái Hoa-lư. Phái Hoa-lư đã theo đó chế tạo, luyện tập được 10 đội Thần-nỏ, nay đem giúp vương 4 đội. Thần-nỏ mà bắn ra làm sao quân Thục chịu được?
Phái Long-biên xin Nguyễn Phương-Dung cử người.
Phương-Dung đứng dậy:
– Thân phụ và Đào hầu vì có việc khẩn cấp không thể tới họp, nên đã để tiện muội chuyển lời đề cử : Phái Long-biên đề cử chính tiện muội. Phái Cửu-chân Đào hầu đề cử tướng công của tiện muội là Đào Kỳ và Thiều-Hoa sư tỷ Lĩnh-Nam vương phi !
Quần hào và cả Nghiêm Sơn cười như ong vỡ tổ, không khí thật cởi mở. Đợi bớt tiếng cười nói Nghiêm Sơn tiếp :
– Châu Lôi-sơn xin mời cựu Châu trưởng Trần Năng đề cử.
Trần Năng chỉ Đinh Công-Thắng :
– Tôi đề cử Đinh tam gia trong Lôi-sơn tam hiệp.
– 72 động Tây-vu xin mời Hồ thống lĩnh đề cử.
Hồ Đề đứng lên cười :
– Vương gia cho tôi cử nhiều được không ?
Nghiêm Sơn chỉ ngán tính tinh nghịch của Hồ Đề, nay thấy nàng nói vậy mừng lắm :
– Hồ thống lĩnh cử bao nhiêu người cũng được, càng nhiều, càng tốt.
Hồ Đề cười nói :
– Người của tôi thì ít, nhưng đội binh rừng thì nhiều.
Đến đây nàng hú lên một tiếng dài liên tu bất tận, lập tức ngoài phòng hội cũng có một tiếng hú đáp lại, rồi 6 thiếu niên tuổi khoảng 13-15 chạy vào. Chúng hành lễ với Hồ Đề. Quần hào, võ tướng bật cười vì 6 đứa trẻ phục sức như 6 con khỉ, đồng thời cũng giật mình kinh hãi, vì Hồ Đề chỉ đi họp có một mình. Vậy mà không hiểu sao 6 đứa trẻ này vượt được quân giáp sĩ tuần phòng vào được tận phòng họp mà không ai báo động? Cả 6 đứng nhìn mọi người nhăn nhó, gãi tai giống hệt mấy con khỉ. Hồ, Đề giới thiệu :
– Đây là Tây-vu lục hầu tướng, chỉ huy đoàn thần hầu. Trước hết là Trấn bắc hầu tướng thường mặc quần áo đen, gọi là Khỉ đen, chỉ huy 100 thần hầu lông đen. Thứ nhì là Trấn Tây hầu tướng, quần áo trắng, thường gọi là khỉ trắng chỉ huy 100 Thần hầu lông trắng. Thứ ba là Bình nam hầu tướng, mặc quần áo đỏ, thường gọi khỉ lửa hoặc khỉ đỏ mỏ. Chỉ huy 100 Thần hầu đỏ đít. Thứ tư là Chinh đông hầu tướng, mặc quần áo xanh, chỉ huy Thần hầu lông nâu. Thứ năm Trung quân hầu tướng, quần áo vàng, chỉ huy 100 thần hầu mặt vàng. Cuối cùng là Hậu quân hầu tướng, quần áo rằn chỉ huy 100 dã nhân, thường gọi là đười ươi. Đội Thần hầu dùng để vượt rừng tiếp tế, leo mặt thành thám sát, ám sát chủ tướng.
Hồ Đề ngừng một chút, ra lệnh 6 đứa trẻ lui về sau, rồi tiếp :
– Tiểu muội đề cử thêm :
Thứ nhì là Tây-vu tam hổ tướng. Hắc hổ, Hoàng hổ, Bạch hổ. Ba Hổå tướng không có mặt ở đây, mỗi Hổ tướng chỉ huy 100 Thần hổ, để phục kích xung phong, hãm trận.
– Thứ ba là Tây vu tam báo tướng. Hắc, Hoàng, Bạch báo chỉ huy 300 Thần báo, dùng để leo cây phục kích xung phong hãm trận.
– Thứ tư là đội Thần-long, do Tây-vu ngũ long công chúa chỉ huy, đó là Hoàng, Bạch, Hắc, Thanh, Xích long công chúa chỉ huy. Mỗi công chúa thống lãnh 500 Thần-long gồm Hổ lửa, Mái gầm, Trăn, Lục tổng số 2500 con để phục kích gây hỗn loạn khi cướp trại.
– Thứ năm là đội Thần tương, do em trai tôi là Hồ Hác thống lĩnh gồm 200 thớt voi. Dùng cho các tướng cỡi, đuổi giặc, chống kỵ binh địch.
– Thứ sáu là đội Thần-phong, do Lục phong quận chúa thống lĩnh gồm 10 triệu ong bầu đốt, tấn công địch.
Đến đây quần hùng xôn xao bàn tán, vì họ thấy sự lợi hại của các đội quân Hồ Đề. Chưa cho là đủ Hồ Đề tiếp :
– Thứ bảy là Tây-vu Thiên ưng lục tướng, thường gọi Lục Sún. Sún Lé, Sún Cao, Súng Đen, Sún Lùn, Sún Rỗ và Sún Hô chỉ huy 600 thần ưng, để do thám, canh phòng và tấn công từ trên cao.
– Cuối cùng là Ngao-sơn tứ lão, do 4 vị lão tướng chỉ huy 400 Thần-ngao, tức chó sói để canh gác phòng vệ.
Quần hào và chư tướng nghe Hồ Đề kể, lại nhớ đến hôm đại hội Tây-hồ, nàng dùng thú rừng dấy động khiến mọi người tán đởm kinh hồn. Bây giờ họ mới biết nàng nuôi thú rừng, dạy dỗ dùng làm quân lính !
Lại nghe Hồ Đề nói :
– Ngoài ra tôi còn một đội Tê-giác khoảng 10 thớt không đáng kể. Thưa Lĩnh-Nam vương gia như vậy đã đủ chưa ? Nếu vương gia cho là chưa đủ, tôi sẽ dốc toàn lực Tây-vu tòng chinh. Ở Tây-vu tôi còn lực lượng để dành nhiều gấp 4 lần các đội này !
Hồ Đề là người Mường, nàng định nói lực lượng trừ bị mà quên mất nên nói lực lượng để dành. Nghiêm Sơn nghe nàng tiến cử thất kinh hồn vía !
– Đủ rồi ! Đủ quá rồi Hồ sư muội, vấn đề tiếp tế lương thực cho đao quân của sư muội ra sao đây ?
Hồ Đề cười :
– Đội thần hầu, chúng ăn trái cây rau đậu. Thần-phong ăn đường, Thần-tương ăn cỏ; còn Hổ, Báo, Rắn, Ưng, Chó Sói chúng ăn thịt. Đại ca chỉ lo cho chúng khi đi qua làng mạc. Đường rừng chúng tự túc. Còn khi xuất trận đã có sẵn thịt quân giặc, khỏi cần nuôi ăn chúng.
Quần hùng nghe nói thất kinh hồn vía.
Nghiêm Sơn là người đánh quen trăm trận, vương nghĩ thầm : Nếu có đội quân rừng này trợ chiến, việc công thành xung phong thám sát sẽ thuận lợi biết bao.
Vương nói :
– Bây giờ tới phái Quế-lâm, xin hai vị sư thúc Triệu Anh-Vũ và Lương Hồng-Châu theo giúp sư điệt. Cuối cùng là phái Nhật-Nam, xin Thiên-thủ viên hầu Lại Thế-Cường đại hiệp cử người.
Lại Thế-Cường đứng lên nói :
– Chúng tôi xin cử Trần gia tam nương.
Cử tọa ồ lên những tiếng kinh ngạc, vì Thiên-thủ viên hầu ở quá xa với Giao-chỉ, không ngờ lại có đệ tử ở vùng Quất-lưu là Trần gia tam nương. Nguyên ba chị họ Trần là Đạm nương, Hồng nương, Thanh nương là ba chị em ruột, võ nghệ kinh người, nhan sắc mặn mà, không biết từ đâu đến vùng Quất-lưu lập ấp, dân chúng quy phục rất đông. Trên từ Nghiêm Sơn, Tô Định cho tới võ lâm không ai biết Tam nương thuộc môn phái nào, bây giờ mới biết là đệ tử của Thiên-thủ viên hầu.
Họp mãn, Nghiêm Sơn truyền dọn tiệc, Thiều-Hoa lẽ ra không dự vào việc tiếp khách vì tục lệ Hán trọng nam khinh nữ, dầu phu nhân các đại quan đều ăn ở phòng the. Nhưng Nghiêm Sơn áp dụng phong tục Việt, người phụ nữ có nhiều quyền. Vả lại Thiều-Hoa là đệ tử Đào Thế-Kiệt anh hùng nức tiếng đương thời. Nàng cùng Quỳnh-Hoa, Quế-Hoa, Tử Vân và Giao-long nữ ra vào mời khách, mọi người vui vẻ.
Tiệc tan, trời đã khuya, Nghiêm Sơn đứng lên nói :
– Xin quý vị nghe đây : Hiện giờ kỵ binh, giáp sĩ đang vây kín Thái-hà trang theo lời khẩn cầu của Tô Định. Lý do cách đây ba năm Tô công tử bị mất tích, Tô Thái-thú nghi ngờ Ngũ phương thần kiếm nên bắt giam tra khảo Ngũ kiếm. Đào Kỳ, Phương-Dung đã cứu Ngũ kiếm ra. Hiện giờ Tô Thái-thú được tin con bị giam giữ tại Thái-hà trang và xin tại hạ cho kỵ binh vây kín. Nếu quý đồng đạo võ lâm chưa mệt, tại hạ mời quý vị tới chứng kiến, nếu không Lục Trúc tiên sinh sẽ kêu oan. Hơn nữa Lục Trúc tiên sinh có tới 5 đệ tử, Vũ Hỷ, thân nhân cộng 10 người đang là Huyện-úy mọi chuyện phải minh bạch. Tại hạ không muốn Tô Thái-thú uất ức, cũng không muốn Lục trúc tiên sinh và 10 Huyện-úy bị vu oan.
Nghiêm Sơn khéo léo lái cuộc thanh trừng Lê Đạo-Sinh thành cuộc tranh chấp giữa Tô Định và Lê Đạo-Sinh.
Quần hùng do lòng hiếu kỳ, phần lớn lên ngựa đi Thái-hà trang. Tới nơi trời vừa sáng. Thiết-kỵ, giáp sĩ ước trên vạn đã bao kín Thái-hà trang như thành đồng vách sắt, dù quân sĩ tráng đinh Thái hà đông cách mấy cũng không thoát được. Khi Nghiêm Sơn, Tô Định đến cổng trang, thấy Lê Đạo-Sinh đang đích thân điều khiển tráng đinh phòng thủ. Xung quanh Lê Đạo-Sinh đệ tử nhìn nhau ngơ ngơ ngác. Sáng sớm nay, y được tin tự nhiên quân thiết kỵ kéo đến bao vây Thái-hà trang trùng trùng điệp điệp, tỏ ý bất thiện. Y sai Đức-Hiệp dò hỏi. Đức-Hiệp là người giao du nhiều với tướng Hán, nhất là các tướng chỉ huy Thiết-kỵ Luy-lâu. Nhưng chỉ được viên tướng chỉ huy lắc đầu không biết, và chỉ vắn tắt trả lời rằng được lệnh Tả tướng quân Lĩnh-Nam vương đem quân bao vây đợi lệnh. Không cho người trong ra, người ngoài vào. Lê Đạo-Sinh tưởng rằng vì y tuân lệnh Tô Định đánh đảo Đào Thế-Kiệt, lại sai Phùng Chính-Hoà bất thần đem binh sĩ Ngọc-đường làm phản. Lại còn vụ y cho Hoàng Đức-Phi, Phong-châu song quái đi các nơi hô hào lật đổ Nghiêm Sơn. Chỉ cần một vụ Nghiêm Sơn cũng có thể tru di tam tộc nhà y, huống chi tới 4 vụ. Y tính thầm : Nếu Nghiêm Sơn tra hỏi, ta cứ đổ thừa Tô Định. Nghiêm Sơn là người nghĩa hiệp chắc không truy xét kẻ thừa hành bắt tội ta đâu. Ta phải gặp Tô Định trước để xem sao ?
Y nhân danh Đô-úy, yêu cầu tướng chỉ huy dẫn y đến phủ Thái-thú. Viên tướng chỉ huy thiết kỵ tuy rất thân với y, mà cũng không dám cho y rời khỏi Thái-hà trang, vì Lĩnh-Nam vương trị quân rất nghiêm, y chỉ biết nói với Lê Đạo-Sinh.
– Xin Lê đô úy cứ yên tâm, chờ trời sáng Lĩnh-Nam vương đích thân sẽ tới đây !
Bây giờ y thấy Nghiêm Sơn và võ lâm đồng đạo cùng tới vẻ mặt khoan hòa, y hơi yên tâm thân mở cổng trang ra, hành lễ nói :
– Lê tôi và trang Thái-hàtừ trước đến nay một lòng trung thành với Hán triều, không biết vì việc gì mà Vương gia lại cho thiết kỵ bao vây thế này ?
Nghiêm Sơn chỉ Tô Định nói :
– Cô gia theo lời cầu của Tô thái thú. Thái-thú nói đại công tử của người bị Thái-hà trang bắt giam từ ba năm nay. Thái-thú không đủ quân bao vây, giải cứu đại công tử. Lại sợ Lê đô úy kêu oan, nên nhờ Cô gia cấp thêm và đứng ra làm chứng. Bây giờ Cô gia và các vị anh hùng sẵn sàng chứng kiến vụ tranh chấp giữa Tô thái thú và Lê đô úy.
Lê Đạo-Sinh liếc nhìn thấy hiện diện đầy đủ các anh hùng Lĩnh-Nam, người nào nhìn y cũng không thiện cảm. Nam-hải nư’ hiệp nói :
– Lục trúc tiên sinh, vụ này không nhỏ đâu. Bởi Tô công tử tuy là con Tô thái thú, nhưng cũng là Đô-sát Giao-chỉ, một mệnh quan của triều đình. Công tử mất tích đã ba năm. Bây giờ Tô thái thú kiện với Lĩnh-Nam vương gia xin xử lý. Vương gia không muốn mang tiếng nghe lời Tô thái thú áp đảo một chức quan người Việt, nên mời chúng tôi đến chứng kiến. Thực hư thế nào cũng sẽ rõ. Nếu quả tiên sinh không bắt giam Tô công tử, vương gia cũng như Tô thái thú không thể nào bắt tội được tiên sinh.
Mặt Lê Đạo Sinh tái nhợt :
– Tôi với Tô thái thú từ xưa nay cũng như môi với răng. Tôi có gan lớn bằng trời, cũng không dám bắt giam công tử của người. Tôi bắt Tô công tử bao giờ, phải có chứng cớ ?
Lúc đó vợ Tô Định bước ra, đưa giải áo có bút tích của Tô Phương cho Khất đại phu, Trưng Trắc và Nghiêm Sơn coi, rồi nói :
– Vương gia là người chính trực, Khất đại phu là sư huynh của Lê đô úy, Trưng phu nhân cũng là người anh kiệt của phái Tản-viên coi đây : Tự tích con tôi cắn tay lấy máu viết từ nhà tù gửi ra cho tôi, làm sao không tin được ?
Lê Đạo-Sinh cầm tấm vạt áo đọc xong nói :
– Oan ơi là oan ! Được xin quý vị cứ tra xét khắp trang Thái-hà xem tôi dấu công tử ở đâu thì đưa ra !
Lê tự tin ở mình, mở rộng cổng trang mời mọi người vào trong :
– Trang Thái-hà tuy lớn thực nhưng không dễ gì dấu Tô công tử được. Nào mời quý vị hãy lục xét. Nếu Tô công tử quả có trong trang, tôi xin thụ hình như luật bản triều !
Phủ Tế-tác đem toàn lực, đến hơn trăm con chó. Lính Tế tác đưa quần áo Tô Phương cho chó ngửi, rồi dẫn chó chạy suốt từ Đông sang Tây, từ Nam xuống Bắc. Người và chó lục lọi từng nhà, từng phòng tìm kiếm, nhưng không thấy. Lê Đạo-Sinh bình tĩnh ngồi vuốt râu uống trà nơi sảnh đường. Trời xế trưa thì đàn chó hướng phía nhà tù vẫy đuôi. Mọi người kéo đến khu nhà tù. Người và chó bao vây kín mít. Đức Hiệp trao chìa khóa nhà tù cho viên chỉ huy cuộc lục soát của Sở-tế tác nói :
– Trong đó sư phụ tôi có giam mấy, tên trộm cắp, tội trạng của trang mà thôi. Ngoài ra không còn ai khác nữa.
Phật Nguyệt cười nhạt :
– Trước đây dường như tiên sinh đãgiam hai người sư điệt là Đặng Thi-Kế và Nguyễn Thành-Công tại đây phải không ? Chính sư phụ của tôi cũng bị người giam trong này, cắt hai chân làm cho lão nhân gia tàn tật.
Lê Đạo-Sinh không nói gì, mặt tái nhợt, đẩy cửa nhà tù củng mọi người vào trong. Lính tế tác mở tung cửa phòng giam lục lọi. Có khoảng hơn năm chục tù nhân, người bị khóa chân tay, người bị đóng gông. Nhưng lục khắp nhà tù không thấy Tô Phương đâu cả. Bỗng con chó dì mũi vào tấm ván gỗ trong một phòng trống sủa mấy tiếng, vẫy đuôi liên miên. Lính Tế tác lật tấm ván lên, thấy ló ra một cửa hầm. Bọn lính đốt đuốc nhảy xuống. Lát sau có tiếng nói vọng lên :
– Tô công tử đây rồi !
Vợ Tô Định và Lê Đạo-Sinh nhảy xuống theo, thấy một người ngồi ủ rũ, mơ mơ tỉnh tỉnh, bị xích chân tay vào cột, da mặt nhợt nhạt, râu tóc dài lê thê như một quái nhân, người không ra người, quỷ không ra quỷ. Vợ Tô Định kêu lên :
– Con, có phải con đấy không ?
Người đó đáp lại bằng giọng yếu ớt :
– Mẫu thân ơi, con đây. Mẫu thân đến cứu con đấy ư ?
Lê Đạo-Sinh không tin ở tai mình, y nói :
– Hãy đưa người này lên trên để trắng đen rõ rệt đã.
Lính Tế-tác dùng búa chặt xích sắt. Xích sắt đứt hết. Lính Tế tác đỡ Tô Phương lên trên. Mọi người nhìn rõ ràng. Người Tô Phương tuy gầy, râu tóc bù xù, nhưng trông còn thấy giống Tô Định. Bỗng có nhiều tiếng nói một lúc :
– Tô công tử ! Thì ra người bị giam ở đây. Trong ba năm qua, chúng ta đi tìm người khắp giải Lĩnh-N nam mà không thấy. Chúng ta cứ tưởng người qua đời rồi chứ ? Tô thái thú nghi chúng ta giết người đoạt của, tra tấn chúng ta tàn tệ. Nay tìm được thấy người thì mới giải được mối hàm oan của chúng ta.
Mọi người nhìn ra thì thấy Ngũ kiếm từ trên nóc nhà nhảy xuống đứng bên Tô Phương. Tô Định quay lại bên Lê Đạo-Sinh :
– Lê Đạo-Sinh ! Người cùng ta mưu sự với nhau 4 năm. Không hiểu tại sao ngươi bắt con ta thế này ?
Lê Đạo-Sinh thấy chứng cớ rành rành, y không biết ai hại mình, muốn chối mà không chối được. Y nhìn quanh thấy cao thủ đông nghẹt, nhất là có cả sư huynh Khất đại phu, Đào Kỳ, Phật Nguyệt, Phương-Dung là những người bản lĩnh kinh thiên. Y vội nhảy vèo lại, một tay chụp Tô Phương, một tay chụp vợ Tô Định nói lớn :
– Tô Định ! Nếu các người để ta rời khỏi nơi này thì ta để vợ con trai ngươi sống. Còn không cùng chết cả. Ta chỉ cần kẹp tay, vợ con ngươi lập tức nát ra ngay.
Tô Định biết y nói thực vội nhìn Nghiêm Sơn khẩn khoản :
– Xin vương gia hứa cho một lời để cứu vợ con tôi.
Nghiêm Sơn nói :
– Được Lục Trúc tiên sinh, ta hứa cho ngươi rời khỏi đây. Ngươi tha Tô phu nhân và Tô công tử đi.
Lê Đạo-Sinh cắp hai người nhảy khỏi nhà tù :
– Tôi mượn phu nhân và công tử làm con tin. Mọi người phải dừng lại, nếu không đừng trách tôi tàn ác.
Mọi người nghe nói tránh dạt sang một bên. Lê Đạo-Sinh lườm lườm ra khỏi vòng vây.
Nhưng chợt vèo một cái, thấy có bốn bóng người nhảy vào vây bốn phía Lê Đạo-Sinh. Đó là 4 trong Ngũ kiếm, Hoàng kiếm nói :
– Lê Đạo-Sinh, Lĩnh-Nam vương gia tha cho ngươi, nhưng chúng ta không phải là thuộc hạ của vương gia. Chúng ta không tha ngươi.
Lê Đạo-Sinh cười nhạt :
– Bình thường lão phu đâu có sợ gì bọn Ngũ phương thần kiếm các ngươi. Chẳng qua hôm nay cao thủ đông như kiến. Lê mỗ đành thất thế. Bọn ngươi có giỏi hãy chờ, lão phu sẽ lãnh kiếm thần của ngươi sau. Bây giờ lão phu đi đây.
Tô Định chắp tay vái Ngũ phương thần kiếm :
– Ngũ hiệp, trước đây vì ngu dại, tôi phạm tội với các vị, nay xin các vị để Lê Đạo-Sinh rời khỏi nơi đây, nếu không y giết vộ con tôi !
Dù sao Ngũ phương thần kiếm cũng là người nghĩa hiệp, không muốn vì mình mà Tô Phương chết oan. Hoàng kiếm nói :
– Chúng ta cần cứu Tô công tử. sau này chúng ta kiếm y trả thù cũng chưa muộn. Y tàn ác chẳng cần chúng ta ra tay, thiếu gì người giết y.
Anh em Ngũ kiếm thu kiếm vào vỏ lui lại.
Lê Đạo Sinh cười gằn cặp hai người đi :
– Tô đại nhân, tôi sẽ tha phu nhân và công tử ở cổng Tây trang Thái-hà. Bây giờ xin Nghiêm vương gia cho lệnh kỵ binh mở cổng đường phía Tây cho.
Vừa nói, y vừa cười đắc ýđi về phía tây. Bỗng một người con gái rút kiếm nhảy vèo đến trước mặt Lê Đạo-Sinh cười lớn :
– Tô Định ! Ngươi tàn ác vô cùng, có ngờ đâu gặp ngày hôm nay. Ta phải giết vợ con ngươi trả thù !
Mọi người nhìn xem, thì ra là Phật Nguyệt. Nàng rút kiếm nhảy lại đâm Tô Phương và vợ Tô Định. Kiếm của nàng thần tốc vô cùng. Lê Đạo-Sinh biết nếu để nàng đâm chết con tin mạng y cũng sẽ mất. Y vội ôm hai người nhảy nhót tránh. Đến chiêu thứ ba thì không kịp nữa, y vội tung hai người lên cao, phóng chưởng đánh Phật Nghuyệt
Phương-Dung bảo Đào Kỳ :
– Đào lang, Ngưu hổ tranh phong gấp !
Đào Kỳ giật mình vội phóng ra chiêu trong Phục ngưu thần chưởng hướng về Lê Đạo-Sinh. Đào Kỳ tuy còn đứng cách xa Lê Đạo-Sinh mà y cảm thấy chưởng phong cực kỳ hùng hậu ập đến. Y biết không ra tay vận chưởng chống đỡ thì người sẽ nhứ nhừ chết tại chỗ. Y là người giàu kinh nghiệm chiến đấu, vội hít một hơi, lui trở lại và cũng phát một chiêu trong Phục ngưu thần chưởng để đỡ chưởng của Đào Kỳ. Y lại mượn đà nhảy lui hai bước để giảm áp lực chưởng phong. Phật Nguyệt, Nghiêm Sơn đã vọt đến đỡ lấy vợ Tô Định và Tô Phương lùi lại. Lê Đạo-Sinh biết mất con tin, tính mệnh nguy hiểm, y vội nghiến răng đỡ chưởng thứ nhì của Đào Kỳ rồi nhảy lui định chạy. Nhưng y đã thấy bốn phía: Khất đại phu, Nghiêm Sơn, Phương-Dung, Đào Kỳ vây kín.
Nguyên trong lúc Lê Đạo-Sinh định cắp hai con tin ra đi, Phùng Vĩnh-Hoa nghĩ được một kế, nói nhỏ vào tai Phương-Dung, Phật Nguyệt. Phật Nguyệt tấn công Tô Phương và vợ Tô Định làm như có mối tử thù với Tô Định, khiến Lê Đạo-Sinh phải tung con tin lên cao để ứng phó. Phương-Dung hô Đào Kỳ phóng chưởng bắt Lê Đạo-Sinh phải lùi, nhân đó Phật Nguyệt, Nghiêm bắt lấy con tin.
Lê Đạo-Sinh biết chạy cũng không thoát y hướng vào Nghiêm Sơn :
– Lĩnh-Nam vương gia đã hứa để tôi đi sao người nuốt lời?
Nghiêm Sơn là người nghĩa hiệp thủ tín, vả lại vương thấy dường như trong vụ này có gì bí ẩn, Lê Đạo-Sinh bị oan. Vương đưa mắt nhìn, thấy Phương-Dung và Phùng Vĩnh-Hoa như cười mà không phải cười thì vương đoán rằng chắc hai cô bé giở trò quỷ thuật để hại Lê Đạo-Sinh chứ thật y không giám bắt giam Tô Phương. Vương thản nhiên bảo Lê :
– Lê tiên sinh, người cứ tự tiện rời khỏi nơi đây, non xanh còn đó, sẽ có ngày chúng ta tái ngộ !
Lê Đạo-Sinh mừng quá, hướng về Nghiêm Sơn vái một cái rồi vọt về cuối trang, không ai cản đường y nữa.
Nghiêm Sơn hướng về phía Khất đaÏi phu :
– Trần tiên sinh, Lê Đạo-Sinh là sư đệ của tiên sinh, Thái-hà trang của phái Tản-viên, vậy xin tiên sinh cai quản lấy.
Khất đaÏi phu chỉ đệ tử là Lê Ngọc-Trinh :
– Con thay sư phụ cai quản. Nhất thiết lấy đạo đức làm căn bản, chứ đừng dùng luật lệ mà trị người.
Nói đoạn ông hạ lệnh tha hết những bị giam và châm lửa đốt nhà tù.
Nghiêm Sơn ra lệnh quân thiết kỵ rút khỏi nhà tù. Tô Định chắp tay hướng về Nghiêm Sơn, Khất đại phu, Đào Kỳ, Phương-Dung, Phật Nguyệt nói :
– Tôi và vợ tôi thành tâm cảm tạ vương gia và các vị đã hết lòng cứu được con tôi.
Ngũ kiếm cũng hướng vào Đào Kỳ :
– Đào công tử, hôm trước công tử cứu bọn tôi. Tôi thấy võ công của công tử đã cao lắm rồi, không ngờ so với hôm nay võ công công tử đã đến trình độ không bao giờ chúng tôi tưởng tượng được. Ngũ phương kiếm chúng tôi được kết bạn với công tử thật, tam sinh hữu hạnh.
Hoàng kiếm lại quay ra hỏi Tô Định :
– Tô thái thú, người và chúng tôi lấy võ công kết bạn với nhau. Lúc người sang Giao-chỉ, người ngỏ ý mời bọn tôi sang giúp người ổn định đất này. Khi xẩy ra vụ đại công tử bị người hãm hại, Thái-thú đã không cứu xét lời chúng tôi, lại đánh thuốc mê, giam vào ngục tra tấn chúng tôi thập tử nhất sinh. Nếu không được Đào công tử và Nguyễn cô nương cứu, thì chắc chúng tôi chết oan, ngậm hờn trong ngục. Bây giờ việc trắng đen rõ rệt, người trả lời sao với chúng tôi ? Hồi đó, nếu người nghe lời chúng tôi, giờ có lẽ đã tìm ra công tử rồi. Đâu đến nổi công tử bị cầm tù ba năm ?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT