Hải âu. Thoạt tiên chỉ nghe tiếng chim kêu, vì trời còn tối, rồi sau đó trông thấy chúng lượn vòng xung quanh thuyền. Một con đậu lên cột buồm, rồi lại cất cánh bay lên, rồi lại đậu vào cột buồm. Chúng bay lượn như thế trong hơn ba tiếng đồng hồ, đến khi trời sáng và một vầng thái dương rạng rỡ mọc lên, chúng vẫn còn bay xung quanh chúng tôi. Ở chân trời không hề có một dấu hiệu nào cho biết là đã gần đến đất liền. Vậy thì mấy con hải âu ấy từ đâu ra.
Suốt ngày hôm ấy chúng tôi đưa mắt nhìn kỹ khắp chân trời mà vẫn không thấy gì. Trăng rằm mọc lên đúng vào lúc mặt trời lặn, và vầng trăng nhiệt đới ấy sáng đến nỗi ánh phản chiếu trên mặt biển làm cho tôi lóa mắt. Tôi không còn cặp kính đen nữa rồi, nó đã đi theo ngọn sóng chết tiệt kia cùng với tất cả mấy cái mũ lưỡi trai. Vào khoảng tám giờ tối chúng tôi nhìn thấy ở chân trời, rất xa, một đường thẳng đen đen hiện ra trong ánh trăng.
- Kia là đất liền, chắc chắn như vậy? - Tôi nói trước tiên.
- Phải rồi, đúng.
Mọi người đều nhất trí nói rằng mình nhìn thấy một đường thẩm chắc phải là một dải đất.
Suốt thời gian còn lại của đêm ấy, tôi giữ mũi thuyền hướng vào cái vệt đen đang rõ dần. Chúng tôi đã sắp đến. Gió khá lớn dưới bầu trời không gợn mây, và trên mặt biển sóng khá cao nhưng dài và đều đặn: chúng tôi băng băng tiến về phía cái vật đen. Nó không nhô lên cao lắm trên mặt nước, và không có một dấu hiệu gì cho biết rằng bờ biển có vách đá dốc đứng, có nhiều mõm đá rời, hay làm thành bãi cát. Mặt trăng đang lặn ở phía sau dải đất ấy, hắt thành một cái bóng khiến cho chúng tôi không thể nhìn thấy gì ngoài một dải ánh sáng sát mặt nước lúc đầu thì bằng phẳng, rồi sau đó gãy khúc. Tôi cứ cho thuyền tiến lại gần, rồi cách khoảng một cây số tôi bỏ neo.
Gió thổi mạnh, chiếc thuyền quay tại chỗ và đối diện với đợt sóng: Mỗi lần sóng đi qua, thuyền đều đón sóng ở tư thế gần như thẳng đứng. Chúng tôi bị nhồi mạnh, rất khó chịu. Dĩ nhiên mấy lá buồm đều được hạ xuống và gấp lại. Lẽ ra chúng tôi có thể đợi đến sáng trong cái tư thế khó chịu nhưng an toàn này, song bỗng nhiên neo nhả ra. Thật là không may. Muốn điều khiển một con thuyền, nó phải đi, chứ nếu không thì không sao lái nó được. Chúng tôi căng buồm foc và buồm chéo nhưng, lạ thay, neo không thấy ăn ngay. Các bạn tôi kéo dây neo lên thì thấy mỏ neo đã mất! Mặc dầu tôi ra sức lái cho thuyền đi ngược trở lại, sóng vẫn xô chúng tôi về phía mỏm đá một cách rất nguy hiểm. Tôi bèn quyết định kéo buồm lớn lên và đi thẳng vào bờ một cách chủ động.
Cách lái thuyền của tôi thành công đến nỗi chiếc thuyền lách vào giữa hai tảng đá lớn và rã hẳn ra. Không có ai kêu lên "chết rồi", nhưng khi đợt sóng tiếp theo xô tới mọi người đều lao vào sóng để cho nó xô lên bờ. Chúng tôi bi sóng cuốn lăn lông lốc, bị nó quật vào đá, nhưng lên đến bờ chúng tôi đều vẫn sống. Chỉ có một mình Clousiot vì chân bó bột nên bị sóng hành hạ nhiều hơn các bạn khác. Tay, mặt cậu ta đều đẫm máu, khắp người sây sát. Còn chúng tôi thì bị xước vài chỗ ở đầu gối, ở bàn tay và ở mắt cá. Riêng tôi bị chảy máu ở một bên tai vì va mạnh phải một tảng đá. Dù sao thì chúng tôi cũng còn sống cả, không còn nguy cơ bị sóng cuốn đi và được đứng trên đất liền khô ráo.
Khi trời sáng, chúng tôi vớt được một chiếc áo tráng nhựa, và tôi quay trở lại chiếc thuyền đang bắt đầu tan ra từng mảnh. Tôi tháo được cái địa bàn đóng đinh vào chỗ ngồi lái. Ở chỗ chúng tôi đổ bộ và ở xung quanh không một bóng người. Chúng tôi nhìn về phía đêm qua có những đốm sáng khó hiểu: đó là một dãy đèn dùng để báo hiệu cho những người thuyền chài biết là chỗ này rất nguy hiểm - như về sau chúng tôi được biết. Chúng tôi đi bộ vào sâu trong vùng đất liền. Đâu đâu cũng toàn xương rồng, những cây xương rồng rất lớn, với lại những con lừa. Chúng tôi đi đến một cái giếng, người mệt lã ra, vì cứ phải thay phiên nhau từng cặp một bắt chéo tay nhau làm thành một thứ ghế để khiêng Clousiot. Quanh giếng rải rác những cái xác lừa và xác dê khô đét. Cái giếng đã cạn sạch, mấy cánh quạt trước kia dùng để quay cái trục kéo nước dây để múc nước lên bây giờ quay không. Không có lấy một bóng người, chỉ toàn lừa và dê.
Chúng tôi đi đến một ngôi nhà nhỏ, các cửa đều mở toang như mời chúng tôi vào. Chúng tôi gọi to: "Có ai ở nhà không? Có ai ở nhà không?" Chẳng có ai trả lời. Trên lò sưởi có một cái túi vải, miệng túi buộc chặt bằng một sợi dây. Tôi tháo dây mở túi ra. Cái dây bỗng đứt: cái túi đựng toàn tiền florins - tiền Hà Lan. Vậy chúng tôi đang ở trên lãnh thổ Hà Lan: Bonaire, Curacao hay là Aruba gì đấy. Chúng tôi buộc cái túi lại y nguyên, tìm quanh một lúc thì thấy có nước uống, bèn thay phiên nhau múc nước bằng một cái vá uống mỗi người một ít. Trong nhà không có ai, xung quanh cũng chẳng có ai. Chúng tôi lại ra đường, đi rất chậm vì có Clousiot. Đang đi thì một chiếc xe Ford cũ kỹ chặn chúng tôi lại.
- Các ông là người Pháp à?
- Thưa ông vâng.
- Mời các ông lên xe.
Chúng tôi để Clousiot nằm lên đùi ba người ngồi phía sau. Tôi và Maturette ngồi bên cạnh người lái xe.
- Các ông bị đắm thuyền à?
- Vâng.
- Có ai bị chết đuối không?
- Không.
- Các ông từ đâu đến?
- Từ Trinidad.
- Còn trước khi đến Trinidad?
- Từ Guyane thuộc Pháp.
- Khổ sai hay biệt xứ?
- Khổ sai.
- Tôi là bác sĩ Naal, chủ nhân khoảnh đất này. Đây là một bán đảo dính liền với Curacao. Bán đảo này có biệt hiệu là đảo lừa. Lừa và dê sống ở đây bằng cách ăn lá xương rồng có gai dài. Những cái gai này được dân gọi tên là "các tiểu thư Curacao".
Tôi nói:
- Cách đặt tên này không lấy gì làm vinh dự cho các tiểu thư thật ở Curacao.
Ông bác sĩ, một người rất to béo, cười hô hố.
Chiếc Ford thở ì ạch, nghe có tiếng khò khè như tiếng thở của người bị bệnh suyễn, tự dưng đứng lại. Tôi chỉ mấy bầy lừa nói:
- Nếu xe không còn sức nữa thì bắt lừa kéo cũng dễ.
- Tôi đã có sẵn một bộ đồ để thắng lừa trong thùng xe, nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao bắt được hai con mà thắng vào xe. Cái này thì chẳng dễ gì đâu.
Ông bác sĩ to béo mở ca-pô ra và thấy ngay rằng vì bị lắc mạnh, một sợi dây điện bắt vào bougie đã bị tuột ra.
Trước khi lên xe ông ta nhìn bốn phía có vẻ lo lắng. Xe lại mở máy, và sau khi đi qua nhiều chặng đường gồ ghề khúc khuỷu, chúng tôi lại ra đường cái. Vừa đi được một quãng thì gặp một cây sào chắn sơn trắng. Ở đấy có một ngôi nhà nhỏ cũng màu trắng. Ông bác sĩ dùng tiếng Hà Lan nói với một người bản xứ màu da không đen lắm, ăn mặc sạch sẽ. Chốc chốc người này lại trả lời "Ya, master, va master". Sau đó ông ta lại quay sang chúng tôi nói: "Tôi vừa ra lệnh cho người này tiếp các ông và cho các ông uống nước nếu các ông khát, cho đến khi tôi quay lại. Xin các ông xuống xe cho". Chúng tôi xuống xe và chọn nơi có bóng râm ngồi giữa cỏ.
Chiếc xe Ford ì ạch lăn bánh. Nó vừa đi được năm mươi thước thì người da đen nói với chúng tôi bằng tiếng papiamento (một thứ thổ ngữ pha trộn của vùng đảo Antilles dùng những từ Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha kết hợp lại) rằng ông chủ của anh ta là bác sĩ Naal và đi gọi cảnh sát vì ông ta rất sợ chúng tôi, ông ta đã dặn là phải phòng thân vì chúng tôi là những tên cướp vượt ngục. Thế rồi cái anh lai da đen khốn khổ kia chẳng còn biết làm cách gì để cho chúng tôi vui lòng nữa. Anh ta pha một bình cà phê rất loãng, như với cái khí trời oi bức này uống lại thấy dễ chịu hơn.
Chúng tôi chờ hơn một tiếng. đồng hồ thì thấy một chiếc xe vận tải chở sáu viên cảnh sát mặc theo kiểu Đức và một chiếc xe con mui vải, người lái xe mặc quân phục cảnh sát, phía sau có ba người đàn ông ngồi, trong đó có bác sĩ Naal. Họ xuống xe, và một trong ba người đàn ông, người thấp bé nhất, diện mạo trông như một ông cha xứ cạo mặt quá kỹ, nói với chúng tôi:
- Tôi là trưởng phòng an ninh của đảo Curacao. Vì trách nhiệm của chức vụ, tôi buộc lòng phải cho bắt các ông. Từ khi bước chân lên đảo các ông đã làm gì điều gì phạm pháp chưa, và nếu đã, thì đó là điều gì, ai hay những ai trong số các ông đã làm điều đó?
- Thưa ông, chúng tôi là tù khổ sai vượt ngục. Chúng tôi từ Trinidad đến và thuyền của chúng tôi vừa bị xông xô vào đá vỡ cách đây vài tiếng đồng hồ. Tôi là người đứng đầu nhóm, và tôi có thể khẳng định rằng không có ai trong chúng tôi đã làm một điều gì phạm pháp, dù chỉ là phạm pháp rất nhẹ.
Ông trưởng ban an ninh quay về phía ông bác sĩ Naal nói gì bằng tiếng Hà Lan một lát. Hai người đang bàn cãi thì có một người đi xe đạp đến. Hắn ta nói rất nhanh và rất ồn ào, khi thì nói với bác sĩ Naal, khi thì nói với ông trưởng phòng an ninh.
- Ông Naal, tại sao ông lại nói với người kia rằng chúng tôi là kẻ trộm?
- Người này (ông ta chỉ người vừa đi xe đạp đến) đã báo cho tôi biết từ trước khi tôi gặp các ông rằng hồi nãy hắn núp sau một bụi xương rồng theo dõi các ông, đã trông thấy các ông vào trong nhà rồi lại ra. Người này là người làm thuê cho tôi, chuyên trông nom mấy con lừa.
- Thế ra vì chúng tôi đi vào nhà cho nên chúng tôi là kẻ trộm sao? Thưa ông, những điều ông nói thật là ngu xuẩn. Chúng tôi chỉ uống một ít nước mà ông gọi là trộm cướp?
- Thế còn cái túi đựng tiền thì sao?
- Cái túi thì quả tình tôi có mở ra, lại còn làm đứt cái dây buộc nữa. Ngoài ra tôi tuyệt nhiên không làm gì khác hơn là nhìn xem thử đó là thứ tiền gì để cho biết mình đang ở đâu. Sau đó cẩn thận để túi tiền y nguyên ở chỗ cũ, trên lò sưởi.
Ông trưởng phòng an ninh nhìn thẳng vào mắt tôi rồi đột ngột quay sang người đi xe đạp nói một thôi, giọng rất nghiêm khắc. Bác sĩ Naal làm một cử chỉ như định nói điều gì. Ông trưởng phòng an ninh lập tức ngăn lại một cách dứt khoát, theo kiểu Đức. Ông ta bắt người kia lên ngồi bên cạnh viên cảnh sát lái xe rồi cùng lên xe với hai tên cảnh sát khác và bỏ đi. Naal và người cùng đến với ông ta trở vào với chúng tôi ông ta nói:
- Tôi phải nói cho các ông rõ rằng người đó nói với tôi là cái túi tiền đã biến đâu mất. Trước khi cho khám các ông, ông trưởng phòng đã hỏi cung người đó, vì nghi ngờ là hắn nói dối. Nếu các ông vô tội, tôi rất lấy làm tiếc về sự việc vừa qua, nhưng đó không phải lỗi của tôi.
Không đầy mười lăm phút sau xe của ông trưởng phòng an ninh trở lại, và ông ta nói với tôi.
- Ông đã nói đúng sự thật, người kia là một kẻ nói dối khốn nạn. Hắn sẽ bị trừng trị vì đã có ý định làm hại các ông: trong tình cảnh của các ông mà bị buộc tội như vậy thì sẽ bị trừng trị hết sức nặng.
Trong khi đó người kia được đưa lên thùng xe tải, năm người trong chúng tôi cũng được đưa lên đấy. Tôi toan lên theo thì ông trưởng phòng an ninh giữ tôi lại và nói: "ông ngồi lên xe tôi, bên cạnh người lái xe". Chiếc xe này đi trước chiếc xe tải, và chẳng bao lâu nhìn lại không còn thấy nó đâu nữa. Xe lăn trên những đoạn đường rải nhựa rất phẳng, rồi chúng tôi vào thành phố: nhà cửa ở đây đều xây theo kiểu Hà Lan. Mọi thứ đều sạch sẽ tinh tươm, và đa số người qua đường đều đi xe đạp: hàng trăm người đi đi lại lại trong thành phố trên hai bánh xe như vậy. Chúng tôi vào đồn cảnh sát.
Từ một văn phòng lớn trong đó có nhiều viên sĩ quan cảnh sát mặt toàn đồ trắng, mỗi người có một bàn viết riêng, chúng tôi đi sang một phòng khác có máy điều hòa không khí. Trong phòng rất mát. Một người cao lớn lực lưỡng có mái tóc vàng, trạc bốn mươi tuổi, đang ngồi trên một chiếc ghế bành. Ông ta đứng dậy và nói bằng tiếng Hà Lan một lúc. Sau khi trao đổi mấy câu với ông này, ông trưởng phòng an ninh nói bằng tiếng Pháp:
- Tôi xin giới thiệu với các ông chỉ huy trưởng cảnh sát Curacao. Thưa ông chỉ huy trường, người này là một người Pháp đứng đầu cái nhóm sáu người mà chúng tôi vừa bắt.
- Cám ơn ông trưởng phòng. Tôi rất hân hạnh được chào đón ông đến Curacao với tư cách người bị đắm thuyền. Tên ông là gì?
- Henri.
- Vậy thưa ông Henri, ông đã phải trải qua những giờ phút rất khó chịu vì chuyện cái túi tiền, nhưng sự cố này cũng rất có lợi cho ông vì nó chứng minh một cách chắc chắn rằng ông là một người lương thiện. Tôi sẽ cắt cho ông một gian phòng sáng sủa có giường nằm để ông nghỉ ngơi. Trường hợp của ông sẽ được đưa lên cho quan thống đốc xét duyệt, và ngài sẽ có những chỉ thị thích hợp. Ông trưởng phòng an ninh hoặc là bản thân tôi sẽ bênh vực ông trước mặt ngài.
Ông ta bắt tay tôi, và chúng tôi đi ra ngoài.
Ra đến sân, bác sĩ Naal xin lỗi tôi và hứa sẽ nói hộ cho chúng tôi. Hai giờ sau, cả sáu anh em chúng tôi bị giam vào một căn phòng rất lớn hình chữ nhật, hai bên có đặt khoảng mười hai cái giường ở giữa có một cái bàn gỗ dài và mấy chiếc ghế dài. Chúng tôi đưa mấy tờ dollars Trinidad qua khung cửa sổ có chấn song cho một viên cảnh sát, nhờ hắn mua thuốc lá, giấy quấn thuốc và diêm. Hắn không chịu cầm tiền và trả lời những gì chúng tôi chẳng hiểu.
- Cái tên cảnh sát màu gỗ mun này có vẻ quy lách lắm, Clousiot nói.
Chưa có cách gì kiếm thuốc mà hút được Tôi ra gõ cửa thì thấy cửa mở ngaỵ Một người nhỏ bé, chắc là dân bản xứ, mặc một bộ đồ sám kiểu áo tù, có đính một con số trước ngực để cho khỏi nhầm, nói với chúng tôi:
- Tiền Cigarettes?
- Không. Tabac, diêm quẹt và giấy.
Mấy phút sau hắn trở vào với đủ ba thứ đó, và thêm vào đấy còn có một cái hũ lớn bốc hơi, đựng sô-cô-la hay ca-cao. Mỗi người chúng tôi uống một bát (người tù đã đem đủ sáu cái bát lớn đến).
Đến quá trưa, họ đến gọi tôi. Tôi trở lại văn phòng ông chỉ huy trưởng cảnh sát.
- Quan thống đốc đã ra lệnh cho tôi để các ông tự do trong sân nhà tù. Xin ông nói với các bạn ông đừng tìm cách trốn, vì làm như vậy sẽ đưa tới những hậu quả nghiêm trọng đối với mọi người. Với tư cách là thuyền trưởng, riêng ông có thể ra phố hai giờ một buổi sáng - từ mười đến mười hai giờ - và mỗi buổi chiều từ ba giờ đến năm giờ. Ông có tiền không?
- Có Tiền Anh, và tiền Pháp.
- Một viên cảnh sát mặc thường phục sẽ cùng đi với ông, nhưng ông muốn đi đâu cứ đi tự do.
- Chúng tôi sẽ được xử lý như thế nào?
- Có lẽ chúng tôi sẽ tìm cách gửi các ông từng người một lên những chiếc tàu chở dầu thuộc nhiều nước khác nhau. Curacao có một nhà máy lọc dầu thuộc loại lớn nhất thế giới, chuyên xử lý dầu mỏ của Venezuelạ Mỗi ngày ở đây có từ hai mươi đến hai mươi lăm tàu chở dầu thuộc đủ quốc tịch ra vào. Đó sẽ là giải pháp mà các ông mơ ước, vì các ông sẽ đến được những nước mà các ông chọn, không gặp phải một trở ngại gì.
- Chẳng hạn như những nước nào? Panama, Costa Rica, Guatemala, Nicaragua, Mexico, Cananda, Cuba, Hoa Kỳ và các nước thuộc Anh?
- Không được, Châu âu cũng không được. Các ông cứ yên tâm, cứ tin tưởng vào chúng tôi, để cho chúng tôi tìm cách giúp các ông bắt đầu một cuộc đời mới.
- Cám ơn ông chỉ huy trường.
Tôi kể lại tất cả những điều đó một cách thật trung thành cho các bạn tôi nghe. Clousiot, người đa nghi nhất trong bọn, nói với tôi:
- Ý cậu thế nào hở Papi?
- Tôi chưa biết, tôi e rằng đây là một cái mẹo cốt để chúng mình chịu ngồi yên, không vượt ngục.
- Tôi cũng e rằng cậu có lý. - Clousiot nói.
Anh chàng người Bretagne thì lại tin vào cái kế hoạch tuyệt vời này. Anh chàng "chuyên sử dụng bàn là" hớn hở nói:
- Thôi thế là không còn phải ngồi thuyền nữa, không phải trôi dạt phiêu lưu nữa, lần này thì chắc chắn là an toàn. Cứ việc lên một chiếc tàu chở dầu lớn, mỗi người đến một nước nào đó và chính thức nhập tịch. Leroux cũng nghĩ như thế.
- Thế còn cậu thì sao hở Maturette - Tôi hỏi.
Và cậu bé con mười chín tuổi ấy, cậu bé trưởng giả chỉ vì tình cờ mà trở thành tù khổ sai ấy, chàng thiếu niên có những nét mặt thanh tú hơn cả dung nhan của một thiếu nữ ấy, đã nói với cái giọng dịu dàng của cậu:
- Thế các anh tin rằng những tên cảnh sát đầu vuông ấy sẽ làm cho chúng ta mỗi người một tấm thẻ căn cước giả hay ít nhất cũng khả nghi. Tôi thì tôi không tin. Qúa lắm họ cũng chỉ có thể làm ngơ để chúng ta lén lút từng người một leo lên một chiếc tàu chở dầu sắp nhổ neo, thế thôi. Hơn nữa họ có làm như vậy chăng cũng chỉ là để tống táng chúng ta đi mà không phải đau đầu. Ý của tôi là như thế đấy. Tôi không tin nổi chuyện này.
Tôi rất ít khi ra phố, thỉnh thoảng chỉ đi một lát vào buổi sáng để mua vài thứ. Chúng tôi ở đây đã được một tuần mà vẫn không có tin gì mới. Chúng tôi bắt đầu sốt ruột. Vào một buổi chiều thấy có ba ông linh mục, có cảnh sát đi theo, vào thăm lần lượt các phòng giam tập thể và xà-lim. Họ dừng lại khá lâu ở căn buồng giam kế cận với phòng chúng tôi, nơi có nhốt một người da đen bị buộc tội hiếp dâm. Đoán rằng họ sẽ đến phòng chúng tôi, chúng tôi gọi nhau về phòng hết, ai ngồi yên giường nấy. Quả nhiên cả ba ông linh mục cùng vào, bên cạnh có bác sĩ Naal, ông chỉ huy trưởng cảnh sát và một ông nữa đeo lon, chắc là một sĩ quan hàng hải.
- Thưa Đức Cha (cách gọi cấp Giám mục trong cách xưng hô của người công giáo), mấy người này là người Pháp, - ông chỉ huy trưởng cảnh sát nói. - Họ có một hạnh kiểm mẫu mực.
- Cha rất mừng cho các con. Ta hãy ngồi xuống quanh bàn này, như thế nói chuyện với nhau dễ hơn.
Mọi người ngồi xuống, kể cả những người đi theo đức Giám mục. Người ta mang vào một chiếc ghế đẩu ban nãy để ở trước cửa ra vào sân, và đặt ở đầu bàn để đức Giám mục ngồi đấy có thể trông rõ mọi người. Người Pháp hầu hết đều là người công giáo.
- Trong số các con có ai không theo đạo không?
Không ai giơ tay cả. Tôi nghĩ rằng ông linh mục của nhà lao Conciergerie hầu như đã rửa tội cho tôi và do đó tôi phải tự coi mình như người có đạo.
- Các bạn ạ, cha cũng là người gốc Pháp, cha tên là Irénée de Bruyne. Tổ tiên của cha là những người theo tân giáo thuộc phái Hughenots sang tị nạn ở Hà Lan trong thời kỳ hoàng hậu Catherine de Médicis giết chóc và truy nã người theo đạo Tin lành. Vậy cha là người có giòng máu Pháp, cha làm giám mục của địa phận Curacao, một thành phố có nhiều tín đồ tin lành hơn là tín đồ công giáo, nhưng các tín đồ công giáo thì lại có đức tin trọn vẹn, rất chăm đi lễ và cầu nguyện. Tình thế của các con nay ra sao?.
- Chúng con chờ được lần lượt đưa lên các tàu chở dầu.
- Đã có bao nhiêu người được ra đi theo cách này?
- Chưa có người nào.
- Hừm! ông thấy thế nào hở ông chỉ huy trưởng? Xin ông trả lời bằng tiếng Pháp, vì ông nói tiếng Pháp giỏi lắm.
- Thưa Đức Cha, quan thống đốc đã thành thật có ý muốn giúp mấy người này theo công thức đó, nhưng tôi phải nói thành thật rằng kể cho đến hôm nay, chưa có một thuyền trưởng nào chịu nhận một người đi tị nạn kiểu ấy, chủ yếu là vì họ không có hộ chiếu.
- Chính phải bắt đầu từ vấn đề này. Quan thống đốc không thể cấp cho mỗi người một tờ hộ chiếu đặc biệt hay sao?
- Tôi không biết ạ. Ngài chưa bao giờ bàn với tôi việc này.
- Ngày kia cha sẽ làm một buổi lễ mi-sa để cầu nguyện cho các con. Chiều mai các con có vui lòng đến xưng tội không? Cha sẽ thân hành nghe lời xưng tội của các con ngõ hầu cầu nguyện Đức Chúa lòng lành tha tội cho các con. Ông sẽ cho họ đến nhà thờ lúc ba giờ chiều ngày mai, có được không?
- Được a.
- Cha mong rằng họ sẽ được đi xe riêng hay xe tắc xi đến nhà thờ.
- Thưa Đức Cha, chính con sẽ đưa họ đến, - bác sĩ Naal nói.
- Cám ơn con. Các con ạ, cha không dám hứa gì với các con đâu. Ngoại trừ một lời duy nhất mà chân thực: ngay từ phút này cha sẽ cố gắng hết sức để giúp ích cho các con.
Thấy Naal hôn chiếc nhẫn của Đức Giám mục, sau đó đến anh chàng người Bretagne, chúng tôi cũng ghé môi lên chiếc nhẫn, rồi đưa Đức Cha ra chiếc xe đang đỗ ở ngoài sân. Hôm sau, mọi người đều đến xưng tội với đức Giám mục. Tôi là người xưng tội sau cùng.
- Nào, con hãy bắt đầu xưng cái tội nặng nhất của con đi.
- Thưa Cha, trước hết con chưa được rửa tội, nhưng một vị linh mục nhà lao ở bên Pháp có nói với con rằng dù đã được rửa tội hay chưa được rửa tội thì cũng đều là con của Đức Chúa lòng lành.
- Vị linh mục ấy nói đúng. Thôi được. Ta sẽ ra khỏi buồng xưng tội và con sẽ kể hết cho cha nghe.
Tôi kể tỉ mỉ cuộc đời tôi cho đức Giám mục nghe. Ngài nghe hồi lâu, rất kiên nhẫn, rất chăm chú, không một lần nào ngắt lời tôi. Đức Cha cầm lấy hai bàn tay tôi trong tay mình và chốc chốc lại nhìn vào mắt tôi, nhưng đôi khi ở những đoạn khó nói, đức Cha lại nhìn xuống đất để cho tôi đỡ ngượng ngùng. Vị linh mục sáu mươi tuổi ấy có một đôi mắt và một gương mặt trong sáng đến nỗi nó phản ánh một cái gì trẻ thơ. Tâm hồn trong trẻo và chắc chắn là tràn đầy một lòng nhân hậu vô biên tỏa ra trong từng nét mặt một của Đức Cha, và cái nhìn màu xám nhạt của Đức Cha thấm vào tôi như một chất cam-lồ thấm vào một vết thương. Bằng một giọng dịu dàng, rất dịu dàng, hai bàn tay ấm áp vẫn cầm lấy hai tay tôi, Đức Cha nói với tôi ngọt ngào nhỏ nhẹ đến nỗi nghe như một tiếng thì thầm:
- Thượng đế đôi khi để cho con cái của Người phải chịu đựng sự độc ác của người đời, để cho kẻ được thử thách trở nên vững mạnh hơn và cao quý hơn bao giờ hết. Con thấy không, nếu con không phải trèo lên ngọn núi khổ nhục kia, thì không bao giờ con có thể tự nâng mình lên cao đến thế và tiến đến gần chân lý của Thượng đế đến như vậy. Hơn nữa: những con người, những cơ chế, những cái bánh xe răng cưa của bộ máy ghê tởm đã nghiền nát con, những con người xấu xa từ căn bản đã hành hạ và hãm hại con cách này cách nọ đều đã giúp con một việc rất lớn: chúng đã làm sống dậy trong con một con người mới cao cả hơn con người trước kia, và ngày nay sở dĩ con có được ý thức về danh dự, về lòng nhân hậu, về tình thương, và có được nghị lực cần thiết để khắc phục mọi chướng ngại và trở thành một con người tôn quý hơn, cũng là nhờ họ. Những ý nghĩ về việc trả thù, trừng phạt từng người tùy theo mức nghiêm trọng của sự tổn hại mà họ đã gây ra cho con không thể phồn vinh trong một con người như con. Con phải là một cứu tinh cho những người khác chứ không phải là một người sống để làm hại, dù con có đủ lý do để làm điều ác một cách công bằng. Chúa đã đại lượng với con, Chúa đã nói với con: "Con hãy tự giúp mình, và ta sẽ giúp con". Chúa đã giúp con mọi điều và lại còn cho phép con cứu những người khác và đưa họ trở về với tự do. Nhất là con chớ nghĩ rằng tất cả những tội lỗi con đã phạm phải nó trầm trọng đến thế. Có nhiều người có địa vị xã hội cao đã phạm những tội còn nghiêm trọng hơn các tội lỗi của con rất nhiều. Chỉ có điều là họ không được trừng phạt theo cách phán xử của xã hội loài người để có cơ hội tự nâng cao mình lên như con.
- Con xin cảm ơn cha. Cha đã đem lại cho con một hạnh phúc lớn lao, và điều đó sẽ còn lại trong suốt đời con. Con sẽ không bao giờ dám quên - Và tôi ôm hôn đôi bàn tay của đức giám mục.
- Con ơi, con sẽ lại ra đi và lại phải đương đầu với những cơn hiểm nghèo khác. Cha muốn rửa tội cho con trước lúc khởi hành. Con nghĩ sao?
- Thưa Cha, xin Cha tạm thời cứ để nguyên cho con sống trong tình trạng này. Ba con đã nuôi dạy con ở ngoài tôn giáo. Ba con có một tấm lòng vàng. Khi mẹ con chết đi, ba con càng thương con hơn trước; người đã có được những cử chỉ, những lời lẽ, những cách chăm nom chiều chuộng của một người mẹ. Con có cảm giác rằng nếu con chịu rửa tội thì con dường như thể phản bội ba con. Xin Cha để cho con một thời gian sống hoàn toàn tự do với một căn cước xác định, một nếp sinh hoạt bình thường, để đến khi nào con có thể viết thư cho ba con, con sẽ hỏi xem con có thể từ bỏ cái triết lý của ba con để chịu rửa tội mà không làm cho người phiền lòng hay không.
- Cha hiểu ý con con ạ, và Cha tin chắc rằng Chúa cũng đồng lòng với con. Cha nguyện phước lành cho con và cầu xin Chúa phù hộ con.
- Những lời lẽ ấy của Đức Cha Irénée de Bruyne quả là một bức chân dung trọn vẹn của ngài, - bác sĩ Naal nói như vậy sau khi nghe tôi kể lại buổi xưng tội.
- Thưa ông đúng như vậy. Còn bây giờ ông định sao đây?
- Tôi sẽ xin quan thống đốc ra lệnh cho hải quân dành ưu tiên cho tôi khi nào có dịp bán đấu giá những chiếc thuyền tịch thu được của bọn buôn lậu. Ông sẽ cùng đến với tôi để cho ý kiến và chọn chiếc nào vừa ý ông.
Còn như lương thực và áo quần thì rất dễ thôi. Kể từ ngày gặp đức Giám mục, chúng tôi luôn luôn có khách đến thăm, nhất là buổi chiều vào khoảng sáu giờ. Những vị khách ấy muốn làm quen và tìm hiểu thêm chúng tôi. Họ ngồi trên mấy chiếc ghế dài để hai bên bàn, mỗi người đều có đem đến một cái gì đấy đặt lên giường chúng tôi, chẳng nói chẳng rằng. Vào khoảng hai giờ trưa, hôm nào cũng có những "người em gái của người nghèo" (đó là tên gọi dòng nữ tu của họ) cùng đi với "mẹ bề trên" của họ (bà này nói tiếng Pháp rất giỏi) đến thăm chúng tôi. Túi xách của họ bao giờ cũng đựng đầy những món ăn ngon lành do họ nấu nướng lấy. Nữ tu sĩ bề trên còn rất trẻ, không đến bốn mươi. Bà đội mũ trắng nên không thấy rõ màu tóc, nhưng mắt bà xanh và lông mày bà vàng. Bà thuộc một dòng họ danh gia vọng tộc ở Hà Lan (thông tin của bác sĩ Naal). Bà có viết thư về Hà Lan để nhờ người ta tìm một cách khác với cách gửi chúng tôi ra biển.
Chúng tôi đã cùng sống qua những buổi chuyện trò thú vị, và bà tu sĩ đã bắt chúng tôi kể chuyện vượt ngục mấy lần. Đôi khi bà yêu cầu tôi kể lại lần nữa cho các nữ tu sĩ cùng đi với bà (có mấy người biết tiếng Pháp). Cứ mỗi lần tôi quên hay bỏ qua một chi tiết, bà lại khẽ nhắc: "Henri, sao kể nhanh thế. Anh lại bỏ qua chuyện con chim hocco rồi... Sao hôm nay anh lại quên mất chuyện đàn kiến? Chuyện này quan trọng lắm đấy, vì chính do đàn kiến mà anh bị Le Breton Mặt nạ bắt gặp!". Tôi kể những việc ấy ra đấy vì đó là những giờ phút thật êm đềm, thật hoàn toàn tương phản với tất cả những gì chúng tôi đã sống qua, nó như một thứ ánh sáng thiên đường huyền ảo chiếu lên con đường của sự thối nát đang dần dần bị xóa đi trong đời chúng tôi.
Tôi đã được xem chiếc thuyền họ định dành cho chúng tôi. Đó là một chiếc thuyền tuyệt đẹp dài tám mét, trụ đáy rất lớn, cột buồm rất cao, với những lá buồm rộng mênh mông. Nó được đóng rất chắc, quả là một chiếc thuyền lý tưởng cho những chuyến vượt biển của dân buôn lậu. Nó được trang bị rất đầy đủ, nhưng đâu đâu cũng chi chít những dấu xi của hải quan. Trong buổi bán đấu giá, một ông khách trả giá đầu là sáu ngàn florins, tức khoảng một ngàn dollars. Cuối cùng chúng tôi mua được nó với giá sáu ngàn lẻ một florins, sau khi bác sĩ Naal rỉ tai nói gì với ông khách kia. Năm ngày sau chúng tôi đã sẵn sàng. Được sơn lại bóng loáng, nhét đầy thức ăn được xếp ngăn nắp dưới căn hầm, cái thuyền có sàn này quả là một tặng phẩm đế vương. Sau cái va-li cá nhân đựng toàn áo quần mới, sáu đôi giày và đủ mọi thứ cần thiết cho trang phục, được xếp vào một cái bọc lớn bằng vải không thấm nước rồi được cất vào cái khoang kín ở cuối thuyền.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT