1969

Một năm mới bắt đầu! Hồ Chủ Tịch đã chúc tết:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tuyền tuyến chắc là thắng to.

Vì độc lập- Vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.

Năm nay không có cái rộn ràng, hào hứng như năm ngoái. Phải chăng mình nhận thức chưa đúng, phải chăng mình đánh giá chưa hết thắng lợi nên nghĩ như vậy? Hay là không đúng như vậy? Hay là năm ngoái niềm vui còn giữ cái sôi nổi của những phút “bắt đầu”. Còn năm nay là cái vui của buổi đã qua cái “bắt đầu”( Ở đây mình không nói đến riêng mình mà là nói chung của mọi người.)

4.1.69

Nằm bên Ninh nghe nói chuyện, không hiểu vì sao tự nhiên mà con bé đem tất cả những điều cảm nghĩ của nó về “anh Ba” nói hết với mình.

Nghe chuyện mình cô cũng hối hận. Mình thương Thuận, tự cho rằng đã hiểu về Thuận nhưng thật ra cái hiểu ấy còn quá ít ỏi so với thực tế. Mình hiểu không đầy đủ mọi mặt về tinh thần tận tụy trong công tác, tinh thần trách nhiệm và lương tâm của một người chiến sĩ y tế vô cùng cao cả ở Thuận. Trong bản báo cáo chung về thành tích, Thuận có nói đến thành tích của đồng chí T. chỉ có ba dòng. Thực ra mình đâu có biết những đêm mưa gió Thuận hấp tấp cầm xách thuốc ra đi mặc cho bom pháo nổ tới tấp xung quanh. Có hôm nào đó vì quá thương Thuận nên Ninh đã không gọi Thuận dậy đi cấp cứu, mà chỉ sang cho y tá khác. Thuận đã rầy la em dữ dội, bắt em phải báo cho nó biết mọi trường hợp, dù nó đang ngủ, đang đau hay đang làm gì đi nữa.

Mình hiểu quá ít về nỗi đau đớn trước cảnh tang tóc của gia đình Thuận. Thấy em bình tĩnh vui cười, mình đâu có biết những đêm dài em không ngủ nằm khóc tấm tức như một đứa nhỏ. Mình đâu có hay những lần em la Cho sao không lo việc gia đình, Cho khóc và Thuận cũng giàn giụa nước mắt.

Mình hiểu quá ít về hoàn cảnh thiếu thốn của Thuận. Ở điểm này vì quá tin Thuận nên mình không ngờ rằng em đã phải chịu mọi thiếu thốn để mong mình và mọi người khác được đầy đủ hơn. Em ngồi chằm chiếc nón định bán lấy tiền tiêu… Chao ôi! Sao mình lại thiếu sâu sát đến mức đó? Và ngay cả trong tình thương của em đối với mình, mình cũng hiểu chưa hết mà.

Em ơi! Chị nhiều thiếu sót với em quá đỗi. Làm sao sửa cho hết đây.Cuộc đời của em là những bài học mà chị sẽ học tập mãi mãi. Học tập về lòng dũng cảm hy sinh, tinh thần trách nhiệm, lòng vị tha, nghị lực và cả những điều rung cảm chân thành của một trái tim cách mạng.

9.1.69

Bốn năm nay hai mốt tuổi đầu. Hai mốt tuổi bảy lần bị thương trong chiến đấu. Người trung đội trưởng trinh sát trẻ tuổi ấy đã để lại trong mình những cảm nghĩ không bao giờ có thể quên.

Mình gặp Bốn lần đầu tiên khi Bốn vào nằm bệnh viện với một vết thương nhỏ nơi chân. Mấy hôm sau, chân chưa lành, Bốn đã ra viện và hơn một tháng sau mình lại đón Bốn vào viện. Vết thương xuyên qua khớp vai mất nhiều máu nên Bốn xanh xao mệt lả, nhưng sau khi mổ xong, vừa mới tỉnh, nụ cười tinh nghịch lại nở trên đôi môi nhợt nhạt của Bốn. Vết thương đau đớn nhiều, nhưng Bốn không rên la mà chỉ lo một điều: có còn chiến đấu được nữa hay không? Những lần đi thăm bệnh mình khẽ vuốt trên mái tóc người thương binh trẻ tuổi và nói khẽ với Bốn rằng: Em hãy yên tâm, chắc rằng em sẽ còn cầm súng chiến đấu một cách vững vàng.

Và mới hôm nào đây gặp lại Bốn trên đường hành quân, vai mang khẩ AK, nhìn thấy mình từ xa nó mừng rỡ reo lên: “Chào Bác sĩ! Báo cáo Bác sĩ, tay em bình thường rồi”, và nó khoa tay lên khoe với mình khớp vai đã hoạt động bình thường. Mình cười vui khi nhìn nước da khỏe mạnh hồng hào và nụ cười tinh nghịch của chàng bộ đội giải phóng quân ấy.

Hôm nay Bốn lại vào viện, da xanh mướt. Em nằm im lìm không rên la. Một chân đã bị mìn tiện cụt ,máu thấm ướt hết áo quần. Bằng tinh thần trách nhiệm cộng với tình thương, mình đã cùng các đồng chí hết sức cứu chữa. Cắt cụt chân xong, Bốn cười và nói: “Bây giờ chắc sống 80% rồi đấy”.

Riêng mình vẫn lo lắng vì Bốn mất máu quá nhiều. Mạch vẫn rất nhanh 140-150 nhưng cũng nhiều hy vọng.

Cuối cùng Bốn đã không vượt qua nổi. Máu ra nhiều quá nên em không còn đủ sức. Bốn ơi, máu em đã thấm đỏ trên mảnh đất quê hương, máu em đã chảy dài trên đường em đi chiến đấu. Tim em đã ngừng đập cho trái tim Tổ quốc muôn đời đập mãi.

Bốn chết rồi, hai mắt nhắm nghiền như trong giấc ngủ. Ngồi bên Bốn vuốt nhẹ mái tóc em mà mình tưởng như em còn sống, nước mắt mình từng giọt rơi xuống tóc em. Không! Bốn không chết đâu, Bốn sẽ còn sống mãi trong lòng mình và những đồng đội đang cùng em trong cuộc chiến đấu sinh tử này.

Nỗi buồn lại đến và lòng căm thù với quân xâm lược còn nặng hơn nghìn vạn lần. Nhìn thấy Bốn mình bàng hoàng nghĩ đến những đứa em thân yêu đang ngày đêm vật lộn với quân thù xông pha qua bao nhiêu bom đạn. Mấy hôm nay địch đánh phá Phổ Cường dữ dội, Thuận mấy lần suýt chết… Chao ôi! Còn quân khát máu đó thì chúng ta còn đau khổ. Không có con đường nào hơn là đánh cho giập đầu quan chó đểu đó.

10.1.69

Nỗi buồn dai dẳng như những ngày mưa dầm cứ rả rích hoài suốt mười ngày nay. Mười ngày tưởng như dài mấy tháng. Có cái gì mong đợi, có cái gì bứt rứt không thể yên lòng. Lo âu và buồn vô kể, lúc nào cũng thấy những nguy hiểm đe dọa những người thân yêu đang lăn lộn trong cuộc chiến đấu. Biết nói thế nào đây… Một ngày còn bóng giặc Mỹ một ngày còn đau thương tang tóc. Ôi! Mối thù này bao giờ mới trả hết đây.

11.1.69

Tình hình Phổ Cường vẫn căng thẳng, địch vẫn tiếp tục đợt càn quy mô hòng đốt nhà, xúc lúa để thực hiện kế hoạch bình định cấp tốc. Tiếng súng vẫn nổ ở hướng đó, mỗi tiếng súng lại nhắc mình nhớ và đau xót nghĩ đến những người dưới đó. Và giữa muôn ngàn hình ảnh ấy mình thấy rõ bóng hình Thuận, bộ quần áo đen ướt mồ hôi và nước mưa, nét mặt xanh gầy mệt nhọc nhưng đôi mắt đen vẫn ngời sáng và nụ cười vẫn tươi trên khuôn mặt của em. Nhớ em, đâu mình cũng thấy bóng hình em. Có khi là mái tóc xòa của người chiến sĩ giải phóng quân trẻ tuổi đã chết trong tay mình. Bây giờ lại là hình ảnh đau thương tang tóc mà Liên đang phải chịu. Liên vừa được tin mẹ đau nặng sắp qua đời. Nhà Liên mọi người không còn ai. Mấy anh lớn của Liên ra Bắc tập kết, một chị gái đi Sài Gòn, chị dâu thứ năm của Liên bị địch bắn bị thương rồi chở đi đâu mất, chỉ còn lại mẹ già, người mẹ cam chịu mọi cảnh cô đơn thiếu thốn để dành tất cả yêu thương, tất cả sung sướng cho đứa con đã thoát ly đi làm cách mạng. Bây giờ mẹ Liên bị đứt mạch máu não nằm mê liệt trên giường, căn nhà trống lạnh quạnh hiu không ai chăm sóc. Liên khóc, nước mắt của Liên cũng đã thấm vào lòng mình như hôm nào Thuận khóc cha chết.

Tất cả, tất cả do bọn quỷ cướp nước. Không có cách nào khác được cả.

12.1.69

Bình lên báo tin Mỹ đã rút, tình hình Phổ Cường trở lại bình thường. Qua thư em gửi lên, biết em vẫn khỏe. Bốn trang thư chỉ có một dòng cuối em nói là quá mệt mỏi nên không viết dài hơn, còn tất cả cũng là nhớ thương và lo lắng cho mình. Trong khi đó thì bản thân em mười hai ngày nay chỉ được ăn một bữa cơm hơi no, bộ quần áo cứ khô rồi lại ướt vẫn không thay được. Xe tăng, bộ binh đuổi em mấy lần suýt chết… Em không hề nói với mình mà chỉ qua thư cho người khác mình mới biết được. Vừa thương xót vừa lo âu và cả bực mình nữa. Muốn giận em vì thiếu thành thực với mình (lảng tránh mọi nỗi khổ cực em đã phải chịu). Nhưng nghĩ cho cùng cũng chỉ vì em không muốn mình phải lo âu, cũng không có gì khác hơn là “tình thương sâu sắc và kỳ lạ mà em không có cách nào nói hết cho chị hiểu được”.

14.1.69

Nhà đi vắng sạch trơn. Bệnh xá im ắng và buồn đến lạ lùng. Thương binh chỉ còn lại mấy người, nhân viên cũng chỉ còn mấy người, mỗi người một việc lui cui làm. Mình lắng tai nghe chỉ thấy tiếng suối rì rào chảy. Hai mươi sáu tuổi đầu rồi còn bé bỏng thơ ngây gì đâu mà để cho cảnh buồn chi phối tâm tư. Nhưng thực ra con người vẫn là quyết định. Như Nguyễn Du đã nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vui gì đâu khi mà giặc Mỹ đang giày xéo quê hương, đang giết hại đồng bào ta. Vui gì đâu khi đất nước còn chia cắt, gia đình còn mỗi người một ngã.

Nhưng Th. ơi, không lẽ lúc nào tâm tư cũng chỉ biết có nhớ thương lo lắng thôi sao? Cuộc chiến đấu đòi hỏi người ta với một niềm vui lớn, một nghị lực và một niềm tin mãnh liệt. Hãy vun xới những tình cảm ấy và hãy dẹp lại những áng mây buồn vương trên đôi mắt Th..

16.1.69

Nghĩa lên thăm, nhưng mình đi chấm thi cho học sinh không có ở nhà. Em ra về gửi thư và quà lại cho mình. Trao quà và tiền bạc lại cho mình, chị Ba xuýt xoa: “Em nuôi mà như vậy, quý đó chứ!”. Câu nói có lẽ là vô tư nhưng mình không thoải mái lắm. Có lẽ chị Ba và nhiều người chưa thể và không thể hiểu hết những tình cảm cao quý giữa những người có trái tim sôi nổi yêu thương như mình, Nghĩa, Thuận, Khiêm, Thường… đâu. Bọn mình thương nhau bằng một tình thương kỳ diệu, tình thương làm người ta quên bản thân mình mà nghĩ đến người thân. Với tình thương ấy, người ta có thể hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cho người thân của mình. Cho nên có nghĩa gì đâu một vài ngàn bạc hay năm bảy trăm gì đó, có nghĩa gì đâu với những món quà vật chất. Những tình nghĩa trong từng món quà ấy phải thấy cho hết, không đánh giá bằng giá trị tiền bạc mà phải đánh giá bằng giá trị tình cảm. Các em nhiều phen thiếu vài chục bạc mua thuốc hút, nhưng khi có thể, vẫn chia sẻ cho mình tất cả. Có khi các em giấu nỗi thiếu thốn để lo cho mình đầy đủ. Kết luận lại, mình cần phải cố gắng để xứng với tình thương của các em.

18.1.69

Đọc những lá thư của em gửi lên, mình ngồi vừa thương em vừa buồn cười một mình. Tình thương của em thật kỳ lạ, mộc mạc vô cùng, sôi nổi vô cùng. Mình chưa đọc một lá thư nào lời lẽ lại giản đơn, thật thà đến vậy. Qua từng câu nói không hề trau chuốt ấy, mình càng thấy cái chân thật rất đỗi của em. Em lo cho mình từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, lo cả đến người anh tương lai của nó thương mình ra sao, có hiền không hay hung lắm… Nghĩ tức cười quá đi, không hiểu nó quan niệm về tình yêu ra sao mà lại tưởng tượng cái cảnh khổ cực của một người vợ như vậy. Cũng đúng thôi, nó chưa hiểu được tiêu chuẩn người yêu của mình – của một người con gái trí thức. Đừng lo nghe em nhỏ, em của tôi! Chị của em không hề dễ tính khi chọn một người yêu đâu em à.

19.1.69

Một buổi chiều chủ nhật, nắng đẹp và gió lộng giữa khu rừng già. Đài phát thanh đang buổi âm nhạc quốc tế… Ngồi làm việc trong căn phòng nhỏ của mình thấy khung cảnh quá thanh bình. Bỗng nhiên mình quên đi những đạn bom lửa khói, quên đi những đau thương tang tóc và chỉ còn lại trong lòng niềm cảm hứng bao la với bản nhạc.

Chẳng hiểu là đáng chê hay đáng khen nữa. Đáng chê ở chỗ quên đi nỗi đau của dân tộc còn đang tiếp diễn, quên đi những tội ác của bọn quỷ khát máu vẫn đang giày xéo lên quê hương. Nhưng đáng khen là từ trong muôn nghìn gian khổ vẫn thấy lòng rung cảm sâu xa trong niềm lạc quan tin tưởng và nhựa sống, niềm hy vọng vẫn xanh mát trong tâm hồn.

Phương yêu ơi, ở ngoài đó có lúc nào em thấy nỗi chua xót trong cảnh chia ly đang đến với từng gia đình Việt Nam. Ở đây, chị càng thấy rõ hơn trăm nghìn lần cảnh đau xót ấy. Vậy mà chị vẫn mong rằng cả chị lẫn em đừng để mất đi niề mvui, mơ ước trong trái tim mình. Hãy cứ như ngày xưa nghe em. Chiều chủ nhật ta lại cùng nhau nghe chương trình ca nhạc quốc tế (23) và ghi lại lên trang nhật ký và cuộc sống vẫn cứ mơ mộng dù đạn bom lửa khói quanh mình.

22.1.69

Lớp học y tá ra về, rất nhiều học sinh ôm lấy mình lưu luyến không chịu buông ra, những cái hôn sôi nổi nhiệt tình. Riêng với Ninh, con bé buồn buồn nắm tay mình khẽ nói: “Em về nghe chị Hai”, rồi không hiểu sao nó gục đầu vào vai mình khóc ròng. Cũng nhiều đứa khóc khi chia tay với mình nhưng sao nước mắt của một đứa em gái nhỏ này lại làm mình cảm động. Phải chăng mình thương Ninh vì nhà vừa bị đốt cháy trụi không còn một hạt lúa để ăn? Phải chăng mình thương Ninh vì tình cảm chân thành thắm thiết mà con bé đã nhiều lần tâm sự với mình, và phải chăng vì Ninh cũng thương yêu chăm sóc anh Ba của nó với một tình cảm sâu sắc? Có lẽ vì tất cả những lý do đó.

Thôi về đi nghe em, chúc em vững bước trên con đường vinh quang và gian khổ của người y tế cách mạng, bàn chân em nhỏ bé nhưng chắc rằng bước đi của em sẽ lớn và dài trong cuộc sống vĩ đại của thế hệ chúng ta.

7.2.69

Một đêm trong căn nhà của một người mẹ già góa bụa. Ánh lửa bập bùng của bếp lửa làm mình khó ngủ hay vì tình thương nóng bỏng của em làm mình quên lạnh của núi rừng. Mình cảm thấy đau xót vô cùng khi nghe em nói: “Chị ơi, nếu như có lúc nào rủi ro em không kịp tiếng cuối cùng của em đối với chị thì coi như hôm nay em đã nói rồi nghe chị”.

Ôm em trong lòng, mình bàng hoàng khi nghĩ rằng chiến tranh sẽ không từ một người nào, cũng có thể em sẽ ngã xuống vì nhiệm vụ cách mạng. Lúc đó… làm sao hở em?

Tiếng thở dài có nói cùng em hết nỗi lo âu cùng niềm thương yêu của chị với em không?

8.2.69

Kết thúc một chặng đườn gian khổ. Mười bốn ngày vất vả lội núi, trèo non, dầu dãi với nắng sương. Trong gian khổ ấy lúc nào mình cũng thấy sung sướng vì ở đâu cũng là biển cả của tình thương. Từ một đồng chí cán bộ chưa hề quen biết đến một người khách qua đường và tất cả những người quen mình đều nhiệt tình giúp đỡ đoàn Đức Phổ nói chung và mình.

Vui biết bao khi những người trên mảnh đất Đức Phổ coi mình như người cùng quê hương họ, chung với họ cả niềm vui cả niềm tự hào của mảnh đất anh hùng ấy.

Vui biết bao khi hầu như tất cả hội nghị dành cho đoàn Đức Phổ mọi ưu tiên, mọi cảm tình, mọi vinh dự cao nhất. Và mình, cô gái Hà Nội của quê hương Đức Phổ cũng được hưởng trọn mọi tình cảm ấy.

Còn gì nữa hở Th.? Phải chăng niềm vui ấy còn lớn lên trong những ngày gian khổ và hạnh phúc khi được sống bên những người thân yêu! Những người thân yêu… đó là người cán bộ từng trải trên bước đường công tác mà dù chỉ gặp mình một lần cũng đã hiểu và mến thương mình. Đó là người cán bộ trẻ mới rời ghế nhà trường đã lao vào công tác với mọi khả năng và đạt thành tích cao nhất. Đó là người bạn gái chịu thương chịu khó, hiền hòa đôn hậu, biết vì mọi người hơn bản thân mình. Và đó là đứa em trai yêu thương đã tất cả vì mình, đã lo cho mình từng chén cơm miếng nước, đã thương mình bằng một tình thương kỳ lạ. Mười mấy ngày sống cạnh em mình đã nhiều lần tự hỏi: “Tại sao lại có một tình thương như vậy?” Với mình và cả với em, cả hai đều biết rõ rằng tình chị em thiêng liêng cao cả trong trắng và chân thành. Vậy thì có gì cần phải khắc phục không hở em? Và cả mình nữa, mình hãy trả lời câu hỏi đó trước khi hỏi em đi đã.

11.2.69

Th. ơi, tại sao vậy hở Thùy? Tại sao mà giấc ngủ không ngon vì những hình ảnh cứ chập chờn trước mắt. Tại sao khi công việc bề bộn quanh mình đòi Th. phải lo giải quyết mà vẫn không quên một điều – một điều gì như nhắc nhở thiết tha? Biết nói thế nào – Tình cảm bao giờ cũng có lý trí chỉ đạo. Vậy thì… hãy dẹp đi mọi nhớ thương đang cháy bỏng trong lòng để tập trung vào công tác. Hãy dẹp đi những tình cảm sôi nổi trong trái tim vẫn tràn đầy nhựa sống của Th. Có nghe không Th.? Tiếng súng ngoài kia đã nổ bắt đầu báo hiệu một mùa xuân đại thắng.

14.2.69

Sáng ăn Tết với một đơn vị bộ đội miền Bắc. Rất nhiều gương mặt, nhiều giọng nói làm mình nhớ lại những ngày sống trên đất Bắc. Lẽ ra nên ở lại chuyện trò lâu hơn nữa, nhưng sao mình cảm thấy một nỗi buồn quặn thắt trong tim, mình cáo từ rồi lững thững ra về. Nắng chiều đã tắt trên đỉnh núi, gió se se thổi… Buồn nhớ mênh mông mình đứng lại giữa đỉnh đồi. Tết đến rồi, cái Tết thứ ba xa nhà, lẽ ra mình phải quen dần với cảnh cô đơn trên quê hương xa lạ, lẽ ra mình phải thấy ấm áp vì tình cảm mạnh mẽ của bao nhiêu người trên đất Đức Phổ và cả Quảng Ngãi này. Vậy mà vẫn như ngày mới bước chân ra, mình ước ao khao khát được sống bên ba, má và cả tổ ấm gia đình, và cảm thấy mình vẫn chỉ là một con bé muốn được cưng chiều, muốn được làm nũng với mẹ như những ngày còn bé bỏng thơ ngây.

Muốn viết thư nói cùng em những nỗi niềm tâm sự ấy nhưng có lẽ cũng không cần.

15.2.69

Giao thừa!

Đã thực là giao thừa chưa? Giao thừa của những ngày đau thương khói lửa với những ngày hòa bình hạnh phúc. Đất nước âm thầm lặng lẽ nhưng sôi sục trong sự chuẩn bị. Đó phải chăng là sự mang nặng đẻ đau của một người mẹ sinh một đứa con to khỏe mập mạp.

Đêm nay sau một cuộc mổ, mệt mỏi cộng với một nỗi buồn không thể hạn chế được, khiến mình không còn muốn gì hết. Đó là một điều đáng trách đó nghe Th.!

17.2.69

Em lên vì công việc chung nhưng chắc cũng vì chị. Chị đọc thấy điều đó trong cái nhìn thiết tha yêu thương của em. Chị em mình cũng như nhau thôi, Tết của ai đâu nhưng riêng mình chỉ thấy cô đơn giữa cảnh cô đơn của hoàn cảnh hiện tại. Chị xa gia đình, xa những người thân yêu trên cả hai miền- còn em cũng chẳng còn ai ngoài hai đứa em ruột thịt. Có chị, chị không ở gần. Thôi được, tình thương sẽ sưởi ấm trái tim ta. Vui lên đi em, đừng buồn khi xa chị, chúc em một năm đầy may mắn, đầy thắng lợi và chúc tình chị em ngày thêm gắn bó keo sơn.

19.2.69

Không khí im lặng một cách đáng sợ. Ngọn gió nồm đêm qua đã bay đâu mất. Rừng cây trở lại lặng im, lặng im đến một chiếc lá cũng không muốn trở mình. Hình như con người cũng im lặng bởi núi rừng thuyết phục, tất cả cũng đều lặng lẽ trong công việc của mình. Không hiểu mọi người hiểu những gì mà đôi mắt ai cũng đăm đăm, nụ cười cũng ngưng đọng? Riêng mình, tâm tư, bề bộn lạ lùng. Trước hết là nỗi nhớ, nhớ nhà, nhớ em chuyện đó là dĩ nhiên, mà sao nhớ cả những hình ảnh đã qua trong cuộc sống: Một buổi sáng trên đường hành quân, cũng rừng cây cao im lặng, cũng ánh nắng hồng chói chang trên đỉnh núi… Một buổi sáng dưới đồng bằng nắng xuyên qua rặng tre len lỏi chiếu lên chiếc bàn sau khung cửa…

Có một cái gì mong đợi thiết tha… Mong gì cũng không rõ nét nữa, mong mọi người trở về, mong ngày tháng qua nhanh để đến ngày có những niềm vui mới đến… Tất cả cũng chỉ là chung chung mơ hồ vậy mà cứ da diết trong tâm hồn.

Và hình như có cả những lo âu thoáng chút luyến tiếc. Nếu mọi điều xảy ra như bọn mình lo lắng thì mình cũng sẵn sàng ngã xuống cho thắng lợi cuối cùng chứ sao. Nhiệm vụ sắp đến lớn lao quá, mình không muốn vạch ra cụ thể, bởi vì chỉ thấy lo và nan giải thôi. Thì hãy kệ nó, cái gì đến sẽ lo giải quyết, mình vốn bình tĩnh trong gian khổ kia mà. Có điều phải có sự chuẩn bị và kế hoạch trước.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play