Doanh trại đội Thiếu niên trinh sát là một ngôi lầu hai tầng kiểu biệt thự,
xung quanh có hàng rào sắt bao bọc. Hai cánh cổng sắt đồ sộ mở ra trước
cái sân rộng, rải sỏi. Đằng sau là một khu vườn lớn, um tùm những tán
cây cổ thụ.
Về đến doanh trại, đội trưởng gọi Mừng vào phòng làm việc. Anh hỏi rõ họ tên nó để ghi vào sổ quân tịch.
-Em họ chi?
-Dạ...dạ em tên Mừng.
-Tên thì anh biết rồi, anh muốn hỏi họ em kia?
Mừng đứng ngẩn nhìn anh ngắc nga ngắc ngứ một lúc rồi đáp:
-Dạ...dạ họ chi chi ấy...
-Họ chi chi là họ gì mới được chứ? - Đội trưởng lạ lùng nhìn nó. - Trần hay Lê, hay Nguyễn, hay Đặng.
Miệng hơi há ra, nó hết nhìn đội trưởng lại nhìn cuốn sổ to giấy trắng mở
rộng trước mặt anh. Mỗi lần có ngọn gió lạnh từ ngoài cửa sổ lùa vào,
các trang giấy phần phật như cánh con chim trắng vỗ muốn bay.
-Thế nào? Em đã nhớ ra họ gì chưa?
Mừng dựa ngực vào mép bàn, mặt nhăn nhó thiểu não. Nó có vẻ nghĩ ngợi lung lắm.
-Dạ...dạ em không có họ, - nó đột ngột nói.
-Sao lại không có họ được hở chú mình? AI có tên mà chẳng có họ?
-Dạ, em không có họ thiệt mà... - giọng Mừng gần muốn khóc. - Cả xóm em, ai cũng gọi em là thằng Mừng, chẳng ai gọi họ em cả...
Lý do không có họ của nó lạ đời chưa! Mấy em đang đứng quanh đó đều bụm
miệng cố nhịn cười. Tư-dát cười rung cả người, chạy vụt ra khỏi phòng,
rầm rĩ loan báo:
-Các cậu ơi, các cậu ơi! Vô mau buồng của đội trưởng mà coi thằng đội viên mới của đội ta không có họ! Không Trần, không Lê, không Nguyễn, không Đặng, không có cóc khô chi hết a!
Gần nửa đội đang chơi trước sân, bỏ hết các trò chơi, xúm quanh Tư-dát hỏi:
-Hắn không có họ thiệt à? Cậu chỉ bịa thôi?
-Tớ mà bịa thì tớ chết không kịp ngáp! Cậu mô không tin cứ chạy vô mà coi.
-Nhưng tại răng lại không có họ được?
-Tại...tại cả cái xóm Bao Vinh ai cũng gọi hắn là thằng Mừng, không thấy ai gọi họ hắn cả! - Tư-dát ôm bụng cười tưởng muốn đứt hơi. - Hắn nói kể cũng có
lý! Đi ra đường, gặp ai họ: ê Mừng! CHứ không thấy ai gọi: ê Lê Mừng, ê
Trần Mừng hay ê Đặng Mừng, thì có tài thánh cũng không biết được họ mình là chi!
Thế là tất cả xô nhau chạy rần rần về phía buồng đội trưởng ngồi làm việc. Tư-dát vừa chạy như ngựa tế vừa reo:
-Mau lên các cậu ơi! Mau lên! Chắc chắn đang còn nói nhiều câu tức cười nữa, không nghe được thì tiếc lắm.
Chúng kéo vào đứng vây kín bàn giấy của đội trưởng, vòng trong vòng ngoài.
Tất cả chăm chăm nhìn vào miệng Mừng, hồi hộp chờ nó nói thêm những câu
tức khác.
Mừng thì vẫn một mực:
-Em nói thiệt... em không có họ...
Gặng hỏi mãi không được, cuối cùng đội trưởng đành phải ghi cụt lủn độc một
chữ: Mừng vào cột “Họ và tên“. Anh ghie thêm vào cột “bị chú”: “Em này
lỡ quên mất họ“. Rồi anh duyệt lại danh sách các tiểu đội các tổ, xem
nên bố trí chú đội viên mới này vào tổ nào. Du - tiểu đội trưởng tiểu
đội một, cúi xuống nói thầm vào tai đội trưởng:
-Anh cho Mừng vào tiểu đội em. Tiểu đội em còn thiếu một...
Đoàn - tiểu đội trưởng tiểu đội hai, đứng ở vòng ngoài, chôm người, vít vai mấy bạn đứng trước xuống, nói chen vào:
-Anh Du khôn nghe! Đề nghị đội trưởng bố trí Mừng vào tiểu đội em. Tiểu đội em còn thừa chỗ nắm.
-Được, được! - Đội trưởng gật gật đầu nói - Để anh còn xem đã.
Mấy phút sau anh ngẩng lên nói với Mừng:
- Anh bố trí em vào tiểu đội ba, tổ bốn, do em Vịnh làm tổ trưởng.
Tư-dát tặc tặc lưỡi:
-Tiếc quá, tiếc quá! Đội trưởng mà cho hắn vô tổ tớ thì tớ chỉ cười cũng đủ
no, chẳng cần cơm nước chi hết! - Nó ghé vào tai Mừng thì thầm xúi:
-Cậu xin với đội trưởng về tổ sáu của tớ hơn. Tổ tớ vui nhất đội. Đừng dại
mà ở tổ bốn của Vịnh-sưa. Cậu ấy là kỷ luật sắt gớm lắm.
Mừng vẫn dựa ngực vào mép bàn đứng im có vẻ chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao hết.
Tư-dát huých huých cùi chỏ vào sườn Mừng giục:
-Cậu xin đi, xin ngay đi!
Vừa lúc đó đội trưởng ngẩng lên gọi:
-Em Tư!
-Có mặt! - Tư-dát rập hai gót chân nghe độp to như tiếng gót giày đinh rập vào nhau, đứng nghiêm ngay lại.
-Em chạy đi gọi em Vịnh vô đây cho anh.
-Có mặt! - Tư-dát đáp to vang cả gian buồng. Nó làm động tác đằng sau quay
rất đúng, rất đẹp và nghiêm chỉnh. Và cũng rất bất ngờ, nó giật cái mũ
bêrê tím đội trên đầu, tung lên cao đến tận trần nhà, rồi nhảy phốc lên
với điệu bộ người giữ gôn bắt bóng, bắt lấy cái mũ, ôm ghì vào ngực và
chạy biến ra khỏi phòng
5
Vịnh - tổ trưởng tổ bốn, đang
ngồi cạnh bể nước trước cửa nhà bếp, nhặt rau giúp các chị cấp dưỡng. Nó trạc mười bốn tuổi, mặc bộ quân phục màu đất, sửa ngắn lại, với chiếc
áo trấn thủ rộng thùng thình. Ngang lưng thắt cái thắt lưng da to bản,
một bên hông đeo cái bao đạn da cũ kỹ, méo mó. Nhưng cái khoá thắt lưng
và cái nút cài bao đạn bằng đồng được đánh bóng vàng choé; như vàng
thật. Đặc biệt hai bàn tay em chẳng có chút gì là bàn tay trẻ con, chúng to, thô, lòng bàn tay đầy chai, và nhiều vết rạn đen trên các móng tay. Đó là bàn tay của những người từng quen công việc nặng nhọc.
Hai hàm răng Vịnh thưa rếch như răng cá voi, nên các bạn trong đội gọi em là Vịnh-sưa.
Cuộc đời của Vịnh-sưa cũng là cuộc đời của khá nhiều đội viên khác trong đội...
Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bỏ đi lấy chồng. Người bác ruột đem nó về nuôi. Bác
làm thợ nguội ở nhà máy đèn Huế. Gia đình bác mỗi ngày một thêm túng bấn vì quá đông con, với đồng lương chết đói. Đang học lớp tư, nó phải thôi học ở nhà bồng em, thổi cơm cho bác. Mới chín, mười tuổi đầu, nó đã
pahỉ làm việc quần quật suốt từ sáng đén tối. Người bác gái ác nghiệt
thường xuyên đánh đập nó chẳng khác gì đứa ở. Bác trai đi làm suốt ngày
nên không thấu được hết tình cảnh vợ mình hành hạ đứa cháu nhỏ mồ
côi...Còn nó thì cứ nín lặng, sợ bác biết bác buồn, em thương bác lắm.
Một lần nó mang cơm trưa đến xưởng cho bác, gặp lúc thằng cai Tây đang
cự bác cái gì đó, rồi dang tay tát bác hộc cả máu mũi. Nếu bác không kịp trừng mắt ra hiệu thì suýt nữa nó đã quăng cái cặp lồng cơm vào mặt
thằng Tây.
Năm mười một tuổi, bác xin cho nó vào học việc ở
xưởng. Nối nghiệp bác, nó học nghề nguội. Bàn tay nhỏ bé của nó biết cầm cái kìm, cái búa, cái dũa... từ đó. Cách mạng tháng Tám thành công:
Vịnh-sưa vẫn tiếp tục học nghề ở nhà máy điện. Nhưng bây giờ học nghề
vui lăm. Tụi chủ Tây đã bị cách mạng tống cổ đi hết. Bác của Vịnh được
bầu vào ban Quản đốc xưởng nguội. Bịnh còn nhớ mãi, hôm bác được bầu,
trở về nhà, bác khóc ròng nói với nó: “Ân tình cách mạng to lớn quá cháu ơi! Bác cháu mình cho dù tới chết e cũng không đền đáp nổi!”
Tháng
sáu năm 1946, một đơn vị Vệ Quốc Đoàn thuộc tiểu đoàn Tiếp phòng quân,
về đóng quân trong khu vực nhà máy. Cũng như bao chú bé khác, gặp dịp
may hiếm có này, Vịnh xoắn ngay lấy đơn vị Vệ Quốc Đoàn, và không rời ra nữa. Hễ có phút nào rảnh rỗi là nó từ xưởng máy tót ngay sang với các
anh bộ đội. Nó tìm cách giúp các anh những công việc vặt làm vệ sinh
doanh trại, tìm giẻ với dầu luyn cho các anh lau súng... Nó còn trổ nghề thợ nguội, chữa giúp các anh bộ phận súng bị hóc. Bàn tay cầm cái dũa,
cái cưa sắt, đục sắt... nom cũng ra dáng lắm.
Một hôm, chính trị
viên đơn vị đứng ngắm Vịnh-sưa trong bộ quần áo lấm lem dầu mỡ, chăm
chú, thận trọng dũa một bộ phận súng bị hóc, tủm tỉm cười nhận xét: “Nhỏ bằng cái đầu đạn rứa mà chú mình nom đã có thớ một tay thợ súng lành
nghề“. Từ hôm đó, anh gọi Vịnh là “Chú thợ súng nhỏ“. Cả đơn vị cũng bắt chước gọi theo.
Dạo đó, đơn vị thiếu một liên lạc chạy công văn
giấy tờ. Một hôm, nhân nó sang chơi, chính trị viên đơn vị gọi nói vào
buồng làm việc, mời uống nước chè xanh quấy đường, tỉ tê hỏi rõ hoàn
cảnh gia đình nó. Sau đó, anh ngỏ ý muốn tuyển nó vào làm liên lạc cho
đơn vị. Đang ngồi Vịnh đứng bật ngay dậy. Nó như không còn tin vào lỗ
tai mình nữa. Ngay cả trong mơ nó cũng không thấy được một hạnh phúc lớn đến như thế có thể đến với mình. Nó nói không kịp thở: “Em đã muốn xin
với các anh từ lâu, nhưng em sợ... em không dám... Đã rứa anh cho em ở
lại đay luôn, chiều ni em không về nhà nữa...” Chính trị viên nói: “Em
cũng cần phải về nhà để lấy đồ đạc quần áo, với xin phép bác em chứ?“.
Vinh nói: “Bác em đang làm việc bên xưởng, em chạy ù qua đó xin phép
luôn. Còn đồ đạc quần áo, em chẳng có chi, ngoài bộ áo quần đang mặc“.
Trong bụng Vịnh sợ lúc mình chạy về nhà, các anh thay đổi ý kiến, không
đồng ý nhận mình nữa. Còn chính trị viên nghe nó nói mà thương quá. Anh
định búng sau khi Huế giải phóng, anh sẽ đưa nó về nhà mình nuôi, cho đi học.
Chiều hôm đó, Vịnh-sưa chính thức ra nhập Vệ Quốc Đoàn,
liên lạc viên của đại đội ba, tiểu đoàn Tiếp phòng quân. Huế nổ súng
kháng chiến, đại đội của Vịnh đánh nhau ở Mặt trận khu C. Nó được dự mấy trận đanh mở màn ác liệt nổi tiếng: cầu Kho Rèm, nhà hàng
Sáp-Phăng-rông. Trường Thiên Hữu. Trong trận xung phong vô trường Thiên Hữu, chính trị
viên bị thương nặng. Vịnh-sưa đi sát bên các anh, khóc suốt từ Mặt trận
về đến trạm quân y. Trước khi tắt thở, anh gọi Vịnh lại bên cáng, xoa
đầu âu yếm nói: “Lau nước mắt đi em. Em giữ lấy cái áo trấn thủ của anh
mà mặc, đừng chôn nó theo anh phí đi. Ra trận nhìn cái áo của anh thì
nhớ trả thù cho anh...” Cái áo trấn thủ rộng thùng thình nó đang mặc
chính là của chính trị viên hy sinh để lại.
Sau đó mấy hôm, Vịnh-sưa được lệnh triệu tập về đội Thiếu niên trinh sát trung đoàn vừa thành lập.
Về đội chỉ mấy hôm, em đã được đội trưởng đặc biệt tín nhiệm, cử làm tổ
trưởng tổ bốn, kiêm tiểu đội trưởng tiểu đội ba. Hầu hết các bạn trong
đội đều yêu và nể nó, có bạn sợ là đằng khác. Học tập, công tác nó đều
gương mẫu. Làm bất cứ việc gì dù nhỏ nhặt đến đâu nó cũng làm đến nơi
đến chốn.
Chu đáo, tận tuỵ, kỷ luật, đó là những đức tính
Vịnh-sưa đã học được của chính trị viên trong những ngày sống cạnh anh.
Chết rồi, anh để lại cho nó cuộc sống mẫu mực, trong sạch, tốt đẹp, cùng tình thương yêu của anh qua hơi ấm chiếc áo trấn thủ ngày ngày nó vẫn
mặc...
Chỉ cần nhìn cách thức Vịnh-sưa giữ gìn chiếc áo trấn thủ cũng đã biết nó thương nhớ anh đến chừng nào. Trước khi đi ngủ bao giờ nó
cũng cởi áo ra gấp vuốt thật thẳng nếp, gối lên đầu. Đi tập về nếu có
một vết bùn nhỏ dây vào là nó phải lấy nước gột cho kỳ sạch... Hồi chưa
về đội, một lần nó chạy liên lạc, gặp một anh Vệ Quốc Quân cao lớn, mặt
cái áo len mới tinh màu rượu chát, vác một khẩu đại liên đui-dờ-xết. Anh ơi ới gọi nói lại, đặt khẩu súng xuống, cởi cái áo len đưa cho nó và
nói: “Mặc cái len thượng hạng ai mà khẩu đại liên dầu mỡ đen ngòm thật
phí hoài. Em cởi cái áo trấn thủ đưa đay anh, rôi cầm cái áo len ni mà
diện“. Anh tưởng chú liên lạc chắc phải sướng mê người về sự đổi chác
quá lợi này. Nhưng thật bất ngờ, Vịnh-sưa chẳng buồn nhìn cái áo len. Nó lắc đầu nói với anh: “Anh cso đem tất cả len dạ của thành phố Huế mình
mà đổi lấy áo trấn thủ ni, em cũng không đổi mô“. Nói rồi nó chạy biến,
để anh Vệ Quốc Quân với cái áo len thượng hảo hạng trong tay, đứng sững
nhìn theo kinh ngạc không hiểu làm sao chú ta lại đòi đến mức ấy?
Tuy chỉ mới biết đọc biết viết, nhưng nhờ tập luyện hết sức chăm chỉ nên
các khoa mục trinh sát rất khó như vẽ bản đồ, đánh tín hiệu bằng cờ,
Vịnh-sưa là một trong mấy đội viên giỏi nhất. Mười lười thề danh dự của
Vệ Quốc Đoàn nó “đọc ngược” được, như lời Tư-dát khen.
Riêng tinh
thần kỷ luật của nó thì không chê vào đâu được. Đội trưởng phân công tổ
nó đào một cái hố rác sâu tám mươi phân. Đào xong, nó lấy thước đo hẳn
hoi. Không sâu hơn mà cũng không nông hơn. Nội quy đội đề ra. Những đêm
không tập khoa mục trinh sát, mười giờ phải lên giường ngủ. Thế là đúng
mười giờ nó bắt cả đội phải lên giường, dù đang chơi vui, rôm rả đến
mấy. Trước khi đi ngủ nó không bao giờ quên khám chân các tổ viên. Đứa
nào chân bẩn, nó dựng dậy bắt đi rửa cho bằng được. Nếu cù nhầy, cãi
lại, lập tức nó lên giọng giải thích: “Kỷ luật quân đội là kỷ luật sắt.
Nếu không có kỷ luật thì quân đội không thể chiến đấu được.” Đó là những câu nó học được của chính trị viên, và chỉ chờ dịp là đưa ra áp dụng.
Tư-dát nói: “Vịnh-sưa là kỷ luật sắt gớm lăm” là do vậy.
* *
-Vịnh-sưa ơi, Vịnh-sưa! Lên ngay, lên ngay! Đội trưởng có việc thượng khẩn gọi
cậu! - Từ xa, Tư-dát đã réo gọi ầm ĩ. - Cậu ngồi đây mà tớ cứ chạy quanh tìm bở hơi tai.
Chưa kịp để Vịnh-sưa hỏi, Tư-dát liến láu nói luôn
-Lên, lên mà nhận tổ viên mới, không nó sổng mất thì tiếc lắm. Hắn tên là
Mừng, nhưng không có họ! Không Trần, không Lê, không Nguyễn, không Đặng, không có cóc khô chi hết a hơ hơ... - Tư-dát lại ôm bụng cười ngất và
tin chắc Vịnh-sưa cũng sẽ cười theo với cái tin ngộ nghĩnh đó.
Nhưng Tư-dát chưng hửng. Vịnh-sưa không hề nhếch mép lại còn cau mặt nói:
-Không có họ thì có cái chi đáng cười mà cậu cũng cười? Đã không biết được họ mình là chi, chắc ở nhà hắn phải khổ lắm...
Vẻ liến láu trên khuôn mặt Tư-dát biến mất. Chú ta cứng lưỡi, tảng lờ rút lui êm. Nó đi vào nhà bếp, vờ hỏi cơm đã chín chưa/
Vịnh-sưa đứng lên, bưng rổ rau đã nhặt sạch vào bếp. Nó trở ra bể rửa tay, lau
khô, sửa lại quân phục chỉnh tể rồi chạy vào gặp đội trưởng.
6
Vịnh-sưa dắt Mừng về chỗ nằm của tổ mình. Có đến nửa đội rồng rắn theo sau.
Chúng tò mà muốn xem cung cách các bạn tổ bốn tiếp đón tổ viên mới như
thế nào
Chỗ nằm của tổ bốn là hai tâm phản kê liền nhau, sát bên
cửa sổ góc trái ngôi nhà. Đầu phản giáp tương hai chiếc chăn đơn gấp
vuông vắn, cùng với ba chiếc ba lô nằm thanh một hàng thẳng tắp, cự ly
rất đều nhau. Vịnh-sưa nói với Mừng:
-Đây là “nhà” của tổ bốn
mình. Cậu Bồng nằm ngoài, rồi đến cậu Kim, chừ thêm cậu nữa rồi đến tớ.
Cho cậu nằm giữa cho ấm. Có ra vườn cậu nhớ đi lối cửa trước, đừng nhảy
qua cửa sổ mà tha hết đất cát vô phản.
Mừng ngoan ngoãn gật đầu.
Vịnh-sưa quay lại chỉ một bạn trạc mười bốn, mười lăm tuổi, mặt mũi xinh trai, mắt một mí:
-Đây là cậu Kim. Còn đây là cậu Bồng - Bồng cũng trạc mười ba, mười bốn, người thấp, mặt vuông, trán ngắn, tóc húi cua
Vịnh nói với Kim và Bồng:
-Đội trưởng dặn tổ ta phải yêu thương, chăm sóc Mừng như đứa em út trong
nhà. Mừng mới vô đội, lại nhỏ tuổi nhất tổ... Thêm nữa, Mừng không có
cha mẹ, anh em, nhà cửa chi hết...
Bồng và Kim đứng sát bên Mừng, vẻ lúng túng vì chưa biết nên bắt đầu lời dặn của đội trưởng như thế nào.
Vịnh-sưa lại nói:
-Chừ tổ mình phải kiêm thêm cho Mừng vài bộ áo quần để thay đổi. Đợi cho đến khi được ban Quân nhu Mặt trận cấp phát còn lâu. Với lịa, phải sửa soạn cho Mừng cái ba lô. Mai kia ra Mặt trận không có ba lô, biết lấy chi
đựng quần áo đồ lề?
-Phải đó, phải đó! - Bồng và Kim lập tức hưởng ứng.
Kim nhảy phóc lên phản, lôi cái ba lô con cóc Hướng đạo sinh (Hồi còn ở
nhà, Kim đã vào đội Sói Con Hướng đạo sinh) lục lấy ra một cai sơ mi cộc tay vải ca rô và cái quần ka ki xanh còn mới, đẩy tới trước mặt Mừng:
-Cậu lấy bộ ni mà mặc...Mình mặc hơi chật, cậu mặc chắc vừa...
Bồng cũng mở ba lô lôi ra một tấm nhung màu huyết dụ, rộng gần bằng cái mền
đơn. Nó giũ rộng tấm nhung ra, rồi gấp lại, đặt vào tay Mừng, giọng hào
hiệp:
-Cho cậu đó để làm mền đắp. Ngó bộ mỏng rứa chứ đắp ấm gớm lắm
Mừng há miệng, mắt mở to nhìn không chớp, tấm nhung đỏ chói trong tay. Chưa
bao giwò nó được nhìn thấy một cái gì chói lọi đến thế, rực rỡ đến thế.
Nó buột kêu lên khe khẽ, giọng gần như sợ sệt:
-Ui cha, cái chi mà đẹp dữ ri anh?
-Nhung! - Tư-dát đứng ngay phái sau chen vào nói - Chứ mi chưa nhìn thấy nhung khi mô à?
Tư-dát cầm lấy tấm nhung trong tay Mừng, đưa cao lên, ngoẹo đầu bên này ngoẹo đầu bên kia, làm bộ ngắm nghía:
-Thứ nhung ni là đắt tiền gớm lắm đấy. - Nó gật gật đầu làm bộ mặt quan
trọng. - Trước Cách Mạng, ở Huế chỉ có Nam Phương hoàng hậu với tớ là
hay dùng thứ nhung ni thôi. Hoàng hậu thì để may áo dài, còn tớ thì may
quần đùi.
Trước khi về đội, Bồng là liên lạc của tiểu đoàn mười
bảy. Trong trận xunh phong khách sạn Mô ranh, vị trí kiên cố nhất của
bọn giặc trong thành phố Huế, Bồng xẻo tấm nhung này ở cái màn sân khấu
rạp chiếu bóng của khách sạn.
Nó cất giữ cẩn thận lắm, trời lạnh cắt ruột cũng không giở ra đắp. Thế mà bây giờ nó lấy ra cho phắt Mừng.
Vừa lúc đó các bạn những tổ khác cũng kéo đến. Hoà-đen mang cho Mừng một
cái thìa bạc (cũng lấy được ở vị trí giặc) và một cái chén ăn cơm.
Hoà-đen nói với Mừng:
-Đời bộ đội, sau súng đạn, thì hai thứ ni là quan trọng nhất đó nghe.
Châu tổ bảy mang cho Mừng một cái áo len ngắn tay. Hiền tổ một lao sầm sầm
từ trên cầu thang gác xuống, tay vung vẩy cái túi dết vải bạt. Nó quàng
luôn vô cổ Mừng, lùi lại một bước ngắm nghía:
-Vừa đẹp! Cậu nhỏ
người, đeo cái túi dết ni còn tiện gấp trăm cái ba lô. Cậu đừng khinh nó nhỏ. Cứ tọng thử vô đó năm bộ quần áo coi!Lọt thỏm!
Các bạn khác cũng ùn ùn mang đến cho Mừng nào áo, nào quần, nào thắt lưng da, bao
đạn, và bao nhiêu đồ vật linh tinh khác. Vịnh-sưa phải xua xua tay kêu
lên:
-Thôi các câu, thôi các cậu! Cho nhiều ri cậu ta tha làm răng cho nổi!
Đồ lề, quần áo, các bạn mang đến trang bị cho Mừng, chất thành đống to
tướng trên phản. Mừng đứng sững nhìn đống đồ đạc các bạn cho, miệng cứ
mấp máy định nói gì mà không nói được. Hai mắt nó tự nhiên đỏ hoe:
Hoà-đen đứng cạnh, nhìn mắt bạn, ngạc nhiên hỏi:
-Ơ, răng mắt cậu đỏ rứa?
-Không biết có con chi hắn bay vô mắt tui ấy... - Mừng đưa nắm tay lên dụi dụi mắt, ấp úng nói.
Vịnh-sưa ngồi chồm hỗm trên phản, chọn áo quần đồ lề cần thiết xếp vào túi dết cho Mừng. Vừa xếp nó vừa rên rẩm:
-Các cậu ấy cho lăm đồ đạc ri thì ba lô túi dết mô mà đựng cho xuể?
Khi trong phòng chỉ còn lại hai đứa, Mừng ngồi xuống cạnh Vịnh, rủ rỉ nói:
-Được vô Vệ Quốc Đoàn sướng quá anh hè?
Vịnh-sưa ngẩng lên nhìn Mừng, cặp mắt long lanh ấm áp:
-Còn phải nói chi nữa! Sướng nhất hạng
7
Sáng hôm đó, đội trưởng được điện của ban Tham mưu Trung đoàn triệu tập có
việc khẩn. Anh cho đội nghỉ buổi tập bà giao cho Du, tiểu đội trưởng
tiểu đội hai, làm trực nhật.
Đêm qua, cả hai Mặt trận Khu B và
Khu C, tiếng súng nổ rất dữ. Pháo sáng từ các vị trí giặc vọt lên tới
tấp, sáng rực một góc trời Nam thành phố. “Ông già bảy lăm” “ho” dồn dập gấp mấy những đêm trước. Lúc ông “ho” cả đội đều thức, nằm im nhẩm đếm
theo từng phát một.
Đội trưởng vừa đi khỏi, cả đội ùa hết ra sân mặc
dầu trời vẫn lắc rắc mưa. Đứng tụm năm tụm ba trên sân, chúng bàn tán
tranh cãi, phỏng đóan về kết quả trận đánh đêm hôm qua. Hiền từ trong
nhà chạy ra, nhập vào một nhóm đông nhất đang tụ tập dưới gốc cây mù u,
đang tranh cãi rất hăng. Mừng cũng ở trong nhóm này, nhưng nó chỉ đứng
im há miệng lắng nghe. Nó hết nhìn bạn này đến bạn khác, vẻ thán phục.
Hiền chen vào giữa nói:
-Cãi nhau làm chi cho mệt! Chút nữa đội
trưởng về sẽ có thông báo của Mặt trận. Chừ có việc ni là hay hơn cả. Có cậu mô thích tập xiếc thì theo tớ tập cho vui đi! - Không thấy có bạn
nào hưởng ứng, Hiền quay sang Mừng, cầm lấy cánh tay Mừng nắn nắn và
nói:
-Cậu nhỏ người mà chắc ghê. Cậu tập xiếc nhất định phải mau thành tài. Cậu có thích tập xiếc không? Tớ dạy cho.
Mừng ngơ ngác:
-Xiếc như mấy ông bán dầu cù là ở chợ Đông Ba?
Hiền chưa kịp trả lời, Tư-dát đã chen vào:
-Cậu đừng có nghe hắn dỗ ngon dỗ ngọt, tập xiếc tập xót mà u đầu gãy cổ có
ngày. Khối cậu trong đội nghe hắn dỗ ngon dỗ ngọt theo hắn tập xiếc cót, mọc sừng trước trán rồi đó. - Nó cười quay lại nói với Hiền. - Cậu cũng nên dẹp cái môn xiếc xót của dậu đi cho anh em nhờ. Quay đi quay lịa
cũng chỉ có trò nhào lộn với trò trồng cây chuối...
Hiền đỏ mặt cãi:
-Người ta còn có trò đi trên dây thép...
-Đi trên cây tre gác lên hai cái ghế thì có! - Tư dát trề môi nói - Nhát gan như tớ cũng chạy trên đó được.
Hiền ức quá, cố chống chế:
-Môn xiếc chính của tớ là môn dạy thú kia. Nếu có gấu tớ cũng dạy được.
Tư-dát càng trêu già:
-Cậu dạy được gấu thì tớ dạy được cả sư tử, tây ngu(Tê giác), bò tót. -
Tư-dát quay sang nói với Mừng. - Cậu biết không, hồi mới về đội, không
biết cậu ta tròng được ở đâu con chó mực bị lạc mất chủ, lôi về đội dạy
đi xe đạp. Cậu ta chăm anh chó hơn mẹ chăm con, nhịn cả phần cơm cho chó ăn. Cậu ta dạy dỗ tài giỏi đến nỗi con chó quay lại đớp cho một cú vô
bắp vế, máu chảy ướt cả quần...
-Chừ con chó ấy mô rồi? Mừng nhìn Hiền tò mò hỏi.
-Hắn dựt đứt xích chạy mất từ đời tám hoánh! - Tư-dát trả lời tranh. - Tớ mà nói láo tớ đi đầu xuống đất. Cậu muốn có ngày bị chó dại cắn chết, cứ
việc theo cậu ta mà xiếc với xót.
Hiền ức muốn phát khóc, nhưng không làm sao nói lại với cái mồm liến láu của Tư-dát. Nó đưa mắt lườm
Tư-dát, rồi định bỏ đi chỗ khác. Nhưng Tư-dát không chịu buông tah, níu
tay Hiền lại, chỉ về phía một gốc cây vông đồng ở gần cuối sân:
-Có cậu Vệ mới về đội chiều hôm qua kia kìa. Theo tớ, cậu nên tập xiếc cho
cậu ấy hơn. Bộ cậu ấy ngơ ngơ mà hiền như con gái rứa, cứ chịu khó dỗ
ngon dỗ ngọt, răng cậu ấy cũng theo.
Vệ là đội viên thứ ba mươi
hai của đội. Nó đến nhập đội vào năm giờ chiều hôm qua. Trước đây, nó là liên lạc của trung đội Ca-nông Bảy lăm. Hồi Huế mới nổ súng, nhiều bạn
trong đội thỉnh thoảng vẫn gập nó cưỡi con ngựa ô, lóc cóc đi theo sau
khẩu Ca-nông, trên đường di chuyển vị trí.
Vệ trạc tuổi Vịnh-sưa, thân hình rất mảnh giẻ cân đối. Gương mặt nó không đẹp nhưng có một vẻ
hết sức dễ thương. Cặp mắt to, sáng, dịu dàng như mắt lai, thường ánh
lên một vẻ buồn buồn rất lạ. Đặc biệt nó có cái đầu to quá cỡ y như đầu
người lớn chắp vào, đội cái mũ ca lô dạ tím rất diện. Những ón tóc đen
nhánh như lông quạ thò ra ngoài mũ, xoăn xoăn thành búp. Mới về đội
chiều hôm qua, nó đã được các bạn tặng luôn cho cái biệt hiệu:
Vệ-to-đầu.
Lúc này, Vệ đang đứng khom lưng, hai tay chống gối, chăm chú xem Vịnh-sưa dũa một vỏ đạn đui-xết để làm cán dao nhíp.
-Vệ ơi Vệ! tới đây, tới đây, có việc ni hay lắm. - Tiếng Tư-dát gọi to.
Vệ chạy lại, Tư-dát túm lấy tay, hỏi:
-Cậu có thích tập xiếc không, tớ xin giới thiệu với cậu, - Tư-dát chỉ vào
Hiền, - đây là một ông thầy xiếc tài nhất nhì Đông Dương...
Vệ mắt chớp chớp, hết nhìn Tư-dát lại nhìn Hiền như có vẻ lấy làm lạ lắm.
-Trước khi vô Vệ Quốc Đoàn, cậu cũng đi làm xiếc à? - Vệ hỏi Hiền. - Cậu ở gánh nào vậy?
Tư-dát lùi lại phía sau bụm miệng nhịn cười. Bụng chắc mẩm đã cho được cậu đội viên mới vào “xiếc” và nhất định sẽ có những pha cười nôn ruột.
Hiền miễn cưỡng trả lời Vệ:
Mình có ở gánh nào đâu...Hồi còn đang đi học, mình mê xiếc lắm. Bao nhiêu
gánh xiếc tới Huế. Mình chẳng bỏ sót gánh nào. Tạ Duy Hiển này, Long
TIên này, Đô-cô-ha-ma này... Mình đi coi nhiều lần rồi về bắt chước tự
tập lấy. Khi mô đánh Tây xong, mình sẽ xin đi theo một gánh xiếc...
-Thế cậu đã tập được những trò gì rồi? - Vệ chăm chú hỏi.
-Chỉ mới được có mấy trò... Trồng cây chuối, đi bằng hai tay, đi trên dây thép...
-Cậu ấy còn nhai được cả cơm cháy rau ráu như là nhai mảnh chai bóng điện ấy. Tài ghê lắm Vệ ạ - Tư-dát chêm vào.
Vệ không để ý đến lời trêu chọc của Tư-dát. Nó nói với Hiền, giọng hồi hộp:
-Cậu diễn thử vài trò cho mình xem với. Lâu lắm mình không được xem xiếc:
-Đi, đi lại đằng kia mình diễn cho coi. - Hiền cầm tay Vệ-to-đầu định kéo
đi. - Rồi tuỳ cậu chọn, thích tập trò nào mình sẽ dạy cho trò ấy. Không
khó lắm đâu.
-Trồng cây chuối với đi bằng hai tay thì ở đâu chẳng diễn được? - Vệ ngạc nhiên hỏi.
-Nhưng ở đây toàn đá với sỏi, đằng kia có bãi cỏ, lỡ ngã đỡ đau hơn. Nhưng
mình sợ là sợ cho cậu mới tập, chứ với mình ở đâu chẳng chơi được!
Hiền xắn hai ống tay áo, nhảy lùi lại một bước, chuẩn bị diễn trò trồng cây
chuối. Nó định bụng sẽ trổ hết tài, diễn thật xuất sắc, làm cho tay đội
viên mới này phải lác mắt, và sẽ nằng nặc xin theo học.
Nhưng bữa nay nó bị xúi quẩy quá! Sau khi đã nhặt hết những viên đá nhọn. Hiền
cẩn thận chúi đầu xuống đất, gắng sức tung hai chân để dựng ngược người. Nhưng hai chân lại nặng nề rơi xuống cứ y như bị buộc đá vậy. Sỏi đá ấn vào đầu nó đau điếng người. Mặt nó đổ bừng vì gắng sức.
-Để tớ trồng giúp cho. Chuối trông cứ bổ xiêu bổ sấp mãi rứa thì đứt hết rễ còn chi!
Hiền đứng lên vừa ức vừa ngượng. Nó xoa xoa hai đầu gối, chống chế:
-Tại mấy bữa ni chân tớ hơi bị đau, chứ mọi lần tớ chỉ hự một cái là lên ngay.
Vệ-to-đầu nãy giờ vẫn chăm chú theo dõi Hiền diễn xiếc. Khi Hiền đứng lên, Vệ đưa tay phủi phủi những sợi rác trên tóc bạn. Nó bỗng lột cái mũ ca lô dạ
tím ra khỏi đầu và cẩn thận luồn vào giữa cầu vai áo quân phục. Các bạn
ngạc nhiên thấy trên đầu nó, giữa những món tóc xoăn xoăn đen nhánh như
lông quạ, có ba bốn cái sẹo to dài nhẵn bóng như những vết chém.
Vệ nhỏ nhẻ nói với các bạn đang đứng xung quanh
-Mình cũng biết ít trò xiếc...
Trước những cặp mắt nghi ngờ của các bạn, Vệ đột ngột hét lên một tiếng nghe
rất lạ tai. Và nhanh không kịp chớp mắt nó chúi người lộn nhào hai vòng
rồi đứng lên người thẳng tắp. Chưa kịp để cho các bạn ngạc nhiên, nó
chống hai tay xuống đất, dựng ngược người, và cứ thế đi bằng hai tay,
rất nhanh về phía ngôi nhà khi còn cách tường chừng hai bước, nó làm một động tác nhào lộn hết sức đẹp mắt trước khi đứng thẳng lên. Bức tường
trước mặt có một khuôn cửa sổ hình tròn, không có cánh cửa. Nó lại thét
lên một tiếng chói tai, tung người bay lọt qua khuôn cửa sổ, vào bên
trong nhà.
Các bạn định ào vào bên trong nhà để xem Vệ có việc gì không. Nhưng bên trong đã nghe tiếng Vệ thét lên và cả người đã bay vọt ra bên ngoài. Chớp mắt nó đã đứng thẳng trước mặt các bạn, người không
hề chao đảo ngả nghiêng.
Tất cả cứ tròn xoe mắt nhìn theo Vệ, miệng kêu: “Ơ...ơ” Tồi tất cả cùng một lúc, nhảy lên như choi choi, vỗ tay rôm rốp:
-Đúng là xiếc chính cống! Đúng là xiếc chính cống! Bờ-ra-vô Vệ-to-đầu! Bờ-ra-vô Vệ-to-đầu.
Trước sự tán thưởng nồng nhiệt của các bạn, gương mặt đỏ hồng lên. Vì cao
hứng, vui thích, nó dẫn các bạn đi thẳng đến chỗ sợi dây thép phơi quần
áo ở góc bên trái sân. Sợi dây to bằng đầu đũa, cao quá tầm tay với,
căng từ hai gốc cây mù u cách nhau chừng mười thước. Trên dây đung đưa
nào áo trấn thủ, khăn mặt, quần sơ mi... Tư-dát đoán là Vệ sắp diễn trò
đi dây thép, nó liền chạy tới trước, vơ tất cả áo quần cuộn lại thành
một bó và quăng lên thành bể nước cạnh đó.
Vệ nhảy lên níu sợi
dây thép, gần sát chỗ buộc và gốc cây, rồi nhún người đu lên. Loáng một
cái nó đã đứng lên sợi dây thép, người hơi lúng liếng một chút. Nhưng nó dang thẳng hai tay, lấy được thăng bằng một cách dễ dàng. Khoan thai
nhẹ nhàng nó bước từng bước ngắn, vững, đi sang đầu dây thép bên kia,
dưới những bước chân sợi dây thép hơi võng xuống, khẽ đung đưa... Khi
còn cách gốc cây chừng non một bước, nó bỗng trượt chân, nhào nghiêng
nười. Các bạn kêu rú, sợ hĩa, chậy xô hết cả lại, giơ tay ra định đỡ.
Nhưng hai kheo chân nó đã lẹ làng ngoặc vào sợi dây thép, treo ngược
người, đầu dốc xuống đất. Té ra nó làm động tác giả để doạ các bạn chơi. Vẫn treo người trên dây thép, nó ngẩng lên nhìn vẻ lo lắng sợ hãi của
các bạn với ánh mắt dịu dàng như mắt nai, và mủm mỉm cười rất dễ thương.
Vừa lúc đó đội trưởng đi họp về. Anh đến ngay trước mặt Vệ lúc nào không
hay. Vệ chợt nhìn thấy anh, mỉm cười bối rối. Nó vội vàng vịn tay vào
vai Hiền, nhẹ nhàng buông mình xuống đất.
Đội trưởng gọi Vệ vào phòng làm việc. Cả đội ùa vào theo, đứng chật gian phòng. Đội trưởng quyết
định bổ xung Vệ vào tổ Hiền. Sau đó anh hỏi chuyện nó tại sao biết làm
xiếc, và tập xiếc từ bao giờ.
Té ra trước khi gia nhập Vệ Quốc Đoàn, Vệ là diễn viên nhào lộn của một gánh xiếc rong. Nó kể:
... Gánh xiếc rong của nó do một ông Khách(Người Tàu) to lớn, có cặp mắt
xếch ngược như mắt tướng hát bội, làm chủ gánh. Ông này trước là diễn
viên trụ cột của một đoàn mãi võ Sơn Đông, chuyên bán thuốc cao, rất có
tiếng tăm ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Sau vì một chuyện xích mích gì đó với người trưởng đoàn, ông ta tách khỏi đoàn và lập một gánh xiếc rong để sinh
sống. Gánh xiếc này vẻn vẹn có năm diễn viên: Chủ gánh, Vệ, một anh lùn, một con khỉ và một con gấu. Gánh xiếc rong nhỏ bé của nó từng đi diễn
khắp lục tỉnh Nam Kỳ, sang cả Nam Vang. Lúc này cả đội mới hiểu ra vì
sao giọng nói của Vệ lơ lớ đá giọng Sài Gòn.
8
Lần đầu
tiên Hiền và nhiều bạn khác trong đội mới được biết cuộc đời của người
làm xiếc rong chẳng mê ly vui thú như chúng vẫn thường tưởng tượng. Trái lại, đó là một cuộc sống gian truân, vất vả, cực nhục đến ghê người.
Cuộc sống ấy đã để lại trong trí nhớ chú bé có cặp mắt dịu dàng như mắt
nai này biết bao kỉ niệm hãi hùng...
Chính người Khách mãi võ Sơn Đông vừa làm chủ gánh vừa dạy xiếc cho các diễn viên. Ông ta dạy anh
lùn tung hứng ném dao, dạy con khỉ, con gấu múa thanh long đao, đi xe
đạp, dạy Vệ nhảy qua vòng lửa có cắm dao cùng các trò nhào lộn, đi trên
dây thép... Về các môn xiếc, ông ta tuyệt giỏi, không một môn nào ông
không đạt đến mức điêu luyện. Nhưng ông cũng ác vô cùng. Lúc dạy, tay
ông ta không bao giờ rời cây roi da. Con khỉ, con gấy, anh lùn và Vệ,
mỗi lần làm sai, làm hỏng, ông ta quất không tiếc tay, lại còn phạt nhịn đói. Nhìn ông ta đánh con khỉ với con gấu mới thương! Dưới những trận
mưa roi da, hai con vật ôm mặt kêu rú lên, lăn lộn dưới đất, chắp tay
lạy ông rối rít...
Để cạnh tranh với hàng trăm gánh xiếc rong hồi đó, ông chủ bắt anh lùn và Vệ diễn những trò hết sức ghê rơn, làm người xem phải dựng tóc gáy. Lên mười tuổi, Vệ đã phải phi tân bay qua vòng
lửa cháy rần rật có cắm mười hai lưỡi dao nhọn hoắt. Phải đi trên dây
thép căng cao hai thước, và bước tới đâu, ông chủ đẩy theo tới đó một
bàn gỗ có bốn bánh xe, bên trên cắm ngược mười hai lưỡi dao như sẵn sàng chờ nó ngã xuống... Nhưng khủng khiếp hơn cả là trò nó phải làm bia
sống cho anh lùn ném dao.
Người diễn viên có tài tung hứng và ném dao tuyệt vời này xấu xí dễ sợ. Anh ta cao chỉ hơn một mét nhưng đôi
vai rất rộng nên trông cứ như người vuông. Anh có cái đầu to hết cỡ.
Trong biển quảng cáo, anh thường được trưng là “Người lùn nhất thế giới
về tài tung hứng và ném dao”
Làm bia sống cho anh lùn ném dao, Vệ phải cởi trần, mặc quần cộc thun bó sát người. Nó đứng dựa lưng vào một tấm ván mỏng dựng trên cái giá gỗ, hai tay dang thẳng, hai chân xoạc
rộng, toàn thân không nhúc nhích, như đã bị đóng đinh vào tấm ván. Anh
lùn đứng cách xa nó chừng mười bước, tay cầm một nắm dao găm sáng loáng. Sau một hồi đánh phèng phèng cổ động, ông chủ hô lên một tiếng như sấm“Tả lớ này!“. Lập tức anh lùn cầm từng con dao một ném phầm phập vào
quanh người Vệ. Dao cắm sát đỉnh đầu, sát hai vai, luồn dưới hai nách,
hai bên hông, hai bên bạn, cuối cùng là dưới hai bàn chân. Vừa đúng mười hai lưỡi. Lưỡi nào cũng cắm cách người nó chỉ vài ba phân, có lưỡi dính sát da... Và càng ném cắm sát dao càng được người xem tung tiền thưởng. Lúc Vệ bước ra khỏi tấm ván, mười hai lưỡi dao cắm trên ván vẽ thành
một hình người nho nhỏ...
Mặc dầu đã đứng làm bia sống hàng mấy
trăm lần, nhưng Vệ không làm sao quen được. Kể đến đây, bất giác nó rùng mình. Thật khủng khiếp! Lúc đó hai mắt nó nhắm nghiền nên nghe càng rõ
tiêng dao rít quanh mình. Mỗi lần lưỡi dao bay đến cắm phập vào ván,
rung lên bần bật, chất thép lạnh chỉ chạm khẽ vào da thịt mà nhói thấu
đến tận óc. Một cảm giác kinh hoàng không sao tả xiết làm cho khắp người nó mồ hôi vã ra như tắm. Mồ hôi chảy ròng ròng suốt từ chân tóc đến hai gan bàn chân. Nhiều lần căng thẳng quá, nó tưởng có thể ngã gục xuống
chết ngất. Nhưng nó đã cố hết sức để đứng vững, không run. Nếu run và
chỉ cần một li leo xê dịch, dao sẽ cắm vào người như chơi.
Những vết sẹo dài như chém trên đầu Vệ chính là những vết dao anh lùn lỡ ném hơi quá tay...
Ngồi nghe Vệ kể chuyện làm xiếc, hai thái dương đội trưởng mồ hôi rịn lấm tấm. Anh sững sờ kêu lên:
-Thế cha mạ, quê quán em ở đâu mà phải lưu lạc vô tận Sài Gòn làm xiếc rong? Nó kể:
... Nó theo gánh xiếc từ ngày còn nhỏ lắm, nó không nhớ là năm lên mấy nữa. Cha mạ quê quán thì chỉ còn nhớ là cả nhà nó sống chui ríc dưới một cái gầm cầu sắt to lắm. Người gồng gánh, ô tô, tàu hoả đi lại rầm rập trên
đầu suốt ngày, suốt đêm. Cha nó thường mặc bộ áo quần xanh, rách rưới,
nồng nặc mùi vôi. Nó không nhớ mặt cha nhưng cái mùi vôi nồng nặc trên
áo quần cha sau mỗi buổi chiều đi làm về, thì cho đến tận bây giờ nó vẫn như còn ngửi thấy... Cứ chiều đến nó lại trèo lên mặt đường nhựa đón
cha. Thấy bóng cha từ xa, nó chạy ào đến. Cha bồng nó lên tay, hôn hít
rồi móc móc túi... Cha bắt nó nhắm mắt, há miệng thật to, rồi lẹ làng
đút vô miệng, khi cái kẹo cau, khi cái kẹo bi, ngọt cho đến tận bây
giờ... Một buổi chiều, nó đứng đón cha hoài, đón đến tối câm tối mù cũng không thấy cha về. Chiều hôm sau, rồi chiều hôm sau nữa, cũng không
thấy cha về. Má nó thì cứ lăn lóc dưới đất, đầu tóc rũ rượi, khóc gào
như đã hoá điên. Má ôm ghì nó, vùi nó vô trong đống tóc rối bời, bê bết
đất bụi, rồi lại lăn lóc, lại kêu khóc... Rồi một buổi sáng, những người chèo đò vớt má nó từ dưới sông lên. Tóc má trét đầy bùn. Người ta xúm
lại đào một cái hố to giữa bãi bắp, bó má xuống hố, lấp đất lại. Nó đói
quá, cả ngày đứng trên đường xin ăn. Người cho miếng bánh, người cho cục cơm... Một hôm có một ông mặt mũi dữ tợn như ông tướng cầm gươm trước
cửa đền hiện ra trước mặt nó. Ông đứng chống nạnh, không nói, không rằng trừng trừng ngó nó một lúc lâu. Nó sợ co rúm người lại. Ông này bất
thình lình chụp lấy bàn tay nó đang ngửa chìa ra xin ăn, dắt đi gần như
kéo. Nó sợ quá nên chẳng dám kêu, cũng chẳng dám khóc. Hai chân lết quết chạy theo ông. Ông ta đưa nó đến một quán cơm, cho ăn cùng với một con
khỉ, một con gấu, và một anh lù tịt đầu rất to... Lúc đầu nó sợ người
lùn này lắm, còn sợ hơn cả cái ông kéo nó đi. Nhưng anh lùn cười với nó
hiền khô, dỗ: “Đừng sợ, đừng sợ em ạ. Anh chỉ lùn thôi. Mà người lùn thì hiền hơn cả con nít“. Anh gắp miếng thịt trong bát đang ăn bỏ vào bát
nó.
Sau đó cái ông mặt mũi dữ tợn ấy đưa nó lên tàu cùng với anh lùn, con khỉ, con gấy. Con tàu chạy suốt ngày suốt đêm, đến một nơi nào đó
rất xa... Ông ấy chính là người Khách mãi võ Sơn Đông, chủ gánh xiếc
rong...
Câu chuyện của Vệ làm nhiều bạn nổi hết gai ốc, lo sợ
thay cho bạn và thương bạn quá chừng. Nhiều đứa quay mặt đi giấu vội
nước mắt. Mừng thì khóc thật sự, nó gục đầu vào vai Bồng, khóc nấc lên
thành tiếng. Bồng cũng khóc nhưng chỉ nấc lên khe khẽ và ngước mắt chảy
lặng lẽ trên hai gò má thô ráp. Tư-dát giả bộ cười nhưng miệng méo xệch
thành mếu. Vịnh-sưa đưa ống tay áo dụi cặp mắt đỏ hoe,lắp bắp, tức tối
hỏi Vệ:
-Khổ đến nước ấy răng cậu không bỏ trốn quách, cứ đèo queo mãi với cái thằng chao chủ xiếc ấy làm chi?
-Nhưng biết trốn đi mô được? - Vệ hỏi lại như muốn nói với tất cả các bạn có
mặt ở đso. Cặp mắt to dịu dàng như mắt nai của nó ánh lên một vẻ buồn
sâu thẳm.
-Hồi đó làm chi đã có Vệ Quốc Đoàn như bây giờ cho mình trốn theo? - Vệ khẽ thở dài - Thêm nữa mình cũng thương anh lùn lắm.
Anh ấy tuy thân mình mặt mũi xấu xí hết chỗ nói nhưng tốt bụng như ông
Bụt. Anh ấy thương mình, thương cả con khỉ, con gấu, như má thương con.
Mỗi lần chúng bị chủ đánh hoặc diễn trò bị thương chảy máu, anh ấy pha
nước muối rửa vết thương cho chúng, tìm mua lá dấu, thuốc cao dịt vết
thương... Anh lén ông chủ, lấy đường pha nuwóc cho chúng uống. Anh nựng
dỗ chúng khác chi mạ dỗ con. Mình mà ốm, anh ấy ngồi cạnh bên đầu giường suốt đêm, xúc bón cho mình từng thìa cháo nhỏ... Mình trốn đi, không có ai đứng làm bia sống cho anh ấy ném dao, lão chủ sẽ đuổi anh mất. mà
anh ấy không làm xiếc thì còn biết làm chi mà ăn?
Đội trưởng hỏi:
-Thế em gia nhập Vệ Quốc Đoàn trong trường hợp nào?
-Cách Mạng Tháng Tám thành công, gánh xiếc của em đang diễn ở Nha Trang. Ít
lâu sau đó, bọn Pháp trở lại, tấn công vào thành phố. Đại bác chúng đặt
dưới tàu biển, rót lên trúng cái quán gánh xiếc chúng em đang trọ. Lão
chủ và anh lùn bị trúng mảnh đạn chết ngay tại chỗ. Còn con khỉ, con
gấu, hoảng loạn dựt đứt xích chạy biến. Sau đợt đại bác, các anh Vệ Quốc Quân một đơn vị Nam tiến đóng quân gần đó chia nhau đi tìm cứu những
người bị nạn. Các anh tìm thấy em nằm chết giấc dước cái hố rác cạnh
quán. Em không bị thương, chỉ bị sức ép. CÁc anh bế em về cứu chữa. Đơn
vị Nam tiến này toàn người Huế, vừa đánh nhau ở Mặt trận Nam Trung Bộ
rút về đây, chuẩn bị lên tàu trở ra Huế. Các anh thay phiên nhau săn sóc em và đặt cho em cái tên mới là Vệ, tức Vệ Quốc Đoàn. Hồi còn ở gánh
xiếc, lão chủ đặt tên cho em là Tiểu La Thành. Còn tên ba má đặt thì em
không còn nhớ nữa. Ra đến Huế anh chỉ huy đơn vị được Ban chỉ huy Trung
đoàn điều động về chỉ huy trung đội ca nông bảy lăm ly. Anh ấy đem em
theo làm liên lạc cho đơn vị từ đó đến nay.
Hiền hỏi:
-Rứa cậu không nhận được lệnh của Ban tham mưu Trung đoàn triệu tập về đội
Thiếu niên trinh sát hay răng mà mãi chiều hôm qua cậu mới đến?
-Có... nhưng các anh ở trung đội ca nông không chịu cho mình đi. Các anh ấy
nói: “Chú mi ở đây rồi các anh dạy cho làm phao thủ, oách bằng mấy tụi
Thiếu niên trinh sát, đi làm chi!“. Mình khóc hết nước mắt các anh cũng
không cho. Mình ức qua, bỏ ăn hai bữa liền... Mãi đến chiều hôm qua, anh trung đội trưởng thương mình đói mới chịu ký giấy cho mình về nhập đội.
Tư-dát lúc này đang ngồi vắt vẻo ở khung cửa sổ. Nó bỗng nhảy phốc xuống đất và kêu lên với giọng ngạc nhiên thật sự
-Ơ tề! Rứa là đội mình lại thêm một thằng nữa không có họ!
9
Trời sập tối. Bầu trời đêm thấp nặng lạ thường. Từ phía cửa Thuận An mây đen xám xít, tầng tầng lớp lớp cứ ùn ùn kéo mãi về như muốn lấp cho bằng
kín khoảng trời thành phố.
Góc trời phía Nam thành phố chợt léo sáng. Đó là ánh chớp từ miệng “Ông già bảy lăm” đặt ở lưng núi Ngự Bình, khạc đạn xuống khu vực Pháp, mở đầu cho đợt tấn công của quân ta đêm nay,
đêm thứ hai mươi sáu của cuộc chiến đấu bao vây thành phố.
Theo lệnh của đội trưởng, toàn đội Thiếu niên trinh sát đã tập họp thành đội hình chữ U ở gian buồng giữa.
Im lặng. Chờ đợi. HỒi hộp.
Ngọn đèn bão đặt trên bàn kê sát tường, chiếu sáng những bộ quân phục thùng
thình, những cái mũ ca lô, bê rê, mũ cứng Tiếp phòng quân... Chiếu sáng
những cặp mắt long lanh, những cái mũi hếch lên chờ đợi, những cái miệng hé mở sốt ruột...
Cốp! Cốp! Cốp! Đội trưởng từ ngoài cửa
chính bước vào vững chãi trong bộ quân phục màu xám. Lưng thắt
xanh-tuya-rông da, chân dận giày đinh cao cổ. Dáng anh thật đẹp. Anh đội mũ ca lô dạ màu rêu, hơi lệch một tí, để lộ nửa mái tóc chải mượt.
Trước mặt các chiến sĩ nhỏ tuổi của mình, đội trưởng bao giờ cũng ăn mặc, đi đứng, nói năng rất đúng tác phong kỷ luật quân đội.
Toàn đội rất hãnh diện về người chỉ huy của mình.
Nhiều đứa còn cố bắt chước anh từ cách đi, đứng, hô khẩu lệnh, đến tất cả
những cử chỉ đưa tay đưa chân. Có đứa còn chú ý nhận xét đội trưởng bao
giờ bước đi cũng bước đi cũng bước chân trái trước, và tập làm theo.
Tối hôm đó, Vịnh-sưa làm trực nhật. Nó cũng gọn gàng chững chạc không kém
gì đội trưởng, chỉ mỗi tội bộ quân phục khá rộng, nên không được oai cho lắm.
Từ trong hàng bước ra, Vịnh hô toàn đội đứng nghiêm. Giọng
nó sang sảng, rất đúng quy cách khẩu lệnh. Bắt chước đội trưởng, nó đứng yên lặng mấy giây, đưa mắt nhìn bao quát cả đội, kiểm tra hàng ngũ khi
đã thật ưng ý, mới rắn rỏi tiến lại trước mặt đội trưởng với những bước
đi đều. Nó dừng lại cách đội trưởng ba bước, giật mạnh cánh tay đưa lên
ngang vành mũ chào, dõng dạc báo cáo quân số:
-Toàn đội tập họp ba mươi hai chiến sĩ. Đủ! Hết!
Đội trưởng đưa tay chào lại, cho đội trở về tư thế nghỉ và ngồi xuống. Anh
nhìn chiến sĩ trực nhật, nhìn toàn đội với ánh mắt âu yếm khác hẳn mọi
hôm.
Anh bước đến cạnh bàn, rút cuốn sổ tay trong túi ngực, đặt xuống ngọn đèn bão. Anh báo cáo với đội
-Đêm qua quân ta, cả hai Mặt trận khu B và khu C đã đồng loạt tiến công
quyết liệt các vị trí của giặc như ga-ra La-cờ-roa, Viện Dân Biểu, nhà
Dây Thép, lầu Công Chánh... Một đơn vị cảm tử thuộc Mặt trận khu B đã
khiêng bốn quả bom vào chính giữa khách sạn Mo-ranh giật sập một tầng
lầu, giết gần năm mươi tên giăc, thu tám súng trường một tiểu liên,
thiêu huỷ một kho xăng và nhiều lốp ô tô... Trên con đường trước cửa
hàng Ngân Hàng, một chiếc xe tăng của giặc có gắn đại bác bô-pho, bắn
dồn dập vào một đơn vị quân ta bố trí gần đó. Vừa bắn chiếc xe tăng vừa
chồm lên, lao thẳng vào giữa đội hình quân ta, định chà nát cả đơn vị
dưới xích sắt. Tính mạng mấy chục chiến sĩ ta chỉ còn treo trên sợi tóc. Ngay lúc đó, một chiến sĩ đứng phắt ngay dậy, ôm một trái bom ba càng,
xông thẳng đến trước mũi chiếc xe tăng. Anh lao cả người cùng trái bom
vào khối htép đồ sộ như hòn núi. Chiếc xe tăng giặc nổ tung, xích sắt
đứt lìa, nằm bẹp dí một đống như đống bùn. Người chiến sĩ cảm tử hy sinh nhưng đơn vị đã được cứu thoát...
Cả đội gần như nín thở, miệng
há ra, mắt không chớp, nuốt lấy từng lời của đội trưởng. Nhiều tiếng
xuyét xoa bật lên, cả đội vỗ tay rần rần, hoan hô chiến công tuyệt vời
của người chiến sĩ cảm tử. Đội trưởng đứng lặng một phút nhìn các em.
Chính anh cũng lấy nỗi xúc đôngj bồng bột của các em. Một câu văn có lần anh đọc trong một cuốn sách nào đó, lúc này vụt chói ngời trong trí nhớ anh: “Những hành động anh hùng, những tình cảm cao cả, những sự tích
phi thường, là món ăn tinh thần tốt nhất, để nuôi dưỡng tuổi thơ.”
Tư-dát ngồi ở hàng phía sau, nhúc nhích cựa quậy liên tiếp như bị kiến đốt. nó quay sang bên phải, bấm khẽ vào đùi Vịnh-sưa, ghé sát miệng thì thầm
vào tai bạn:
-Lao chứ cậu?
-Lao cái chi? - Vịnh-sưa cau mặt hỏi.
-Còn lao cái chi nữa! Lao cả người với bom ba càng vô xe tăng tụi Tây ấy? -
Tư-dát thì thầm trả lời với vẻ mặt đặc biệt nghiêm trang ít khi thấy ở
nó. - Nếu gặp trường hợp như anh cảm tử quân đội trưởng vừa kể, cậu có
dám lao bom như anh ấy không?
-Rứa cậu?
-Nhứt định là tớ lao! -
Cặp mắt Tư-dát loé sáng hăm hở - Chết là cùng chớ chi? Một mình chết cho bao nhiêu người sống, chết như rứa mới sướng!
Vịnh-sưa từ trước
đến nay vẫn cho Tư-dát chỉ được cái giỏi làm hề chọc anh em cười chứ
chẳng làm được cái gì ra trò. Nhưng lúc này, nhìn vẻ mặt và nghe giọng
nói khác lạ của bạn, Vịnh-sưa bỗng tin là cậu ta có thể lao cả người và
bom ba càng vào xe tăng giặc thật.
Mừng ngồi phía sau Vịnh-sưa, dỏng tai nghe hai bạn trò chuyện. Nó chợt ghé sang hỏi Tư-dát:
-Anh Tư này, rứa trái bom ba càng to ước chừng mô anh? Có nặng lắm không
-To nhỏ thì việc chi đến cậu? - Tư-dát hỏi lại Mừng. Mừng rụt rè nói:
-Tui sợ trái bom to quá tui na(ôm, mang vác, bưng) răng nổi mà lao?
-Ủa, cậu mà cũng đò lao cả bom ba càng nữa kia à?
-Anh lao được thì tui cũng lao được!
-Ban chỉ huy Trung đoàn sáng nay đã quyết định.- Tiếng đội trưởng cất cao,
cắt ngang câu chuyện của hai đứa. Anh rút tờ giấy đánh máy có dấu son
đỏ, kẹp trong cuốn sổ tay, ghé bên ngọn đèn bão, dõng dạc đọc: “Do tình
hình khẩn trương của Mặt trận, Đội thiếu niên trinh sát của Trung đòn
tạm dừng đọt huấn luyện. Đúng tám giờ sang ngày... tháng 12 năm 1946
toàn đội phải có mặt đầy đủ tại Chỉ huy sở Mặt trận khu C để nhận nhiệm
vụ chiến đấu.
Cả đội ngồi lịm có đến một phút. Im lặng đến nỗi
nghe rõ tiếng con thạch sùng tặc lưỡi trên trần nhà. Bất thần vọt lên
như những chiếc pháo thăng thiên, cả đội vụt đứng dậy. CÁc em lột mũ,
tung tới tấp lên trần nhà, vừa nhảy như choi choi vừa vỗ tay hoan hô đến muốn vỡ cả ngôi lầu doanh trại. Như để hưởng ứng nỗi vui mừng cuồn
nhiệt của các chiến sĩ nhỏ tuổi, đúng lúc đó, phía mặt trận tiếng súng
đủ các cỡ, tiếng lựu đạn bom mình... rộ lên từng đợt dài không ngớt.
Và những phút như thế này không thể làm sao không hát!
Tất cả chẳng đợi ai bắt nhịp, cùng một lúc vươn thẳng người, căng lồng ngực, cất cao giọng rập ràng hát vang:
”Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi.
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết không lui...”
Khi đội đã trở lại trật tự, đội trưởng nói giọng mềm hẳn đi:
-Anh hết sức xúc động và cũng hết sức vui mừng thấy các em náo nức đến thế
khi được tin sắp ra Mặt trận! Những ngày sắp tới đối với người chiến sĩ
trinh sát chúng ta sẽ là những ngày tuyệt đẹp, nhưng đồng thời cũng đầy
gian khổ hiểm nghèo. Trong chiến đấu các em có thể bị thương, bị giặc
bắt, thậm chí có thể hy sinh. Nhưng chưa lúc nào như lúc này, anh thấy
tin tưởng một cách sâu sắc rằng, những ngày sắp đến dù vấp phải gian khổ hiểm nghèo đến đâu, nhất định các em cũng sẽ làm đúng được như lời các
em vừa hát: “Ra đi ra đi thà chết không lui...”
Giọng anh bất chợt vang to lên như đang nói trước cả một đoàn quân:
-...Chúng ta quyết định ra đi thà chết không lui, để góp phần cùng các anh lớn
đánh đuổi bọn thực dân cướp nước ra khỏi bờ cõi Tổ quốc thân yêu của
chúng ta. Khi đất nước đã tự do, Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập, thì nhất
định người Việt Nam chúng ta sẽ được hưởng một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc gấp trăm nghìn lần hôm nay... Lứa tuổi các em sẽ không còn phải đi ở, đi làm xiếc rong, đi bán kẹo, bán báo để kiếm miếng ăn hàng ngày như các em trước đây đã phải chịud đựng. Tuổi nhỏ ai ai cũng được cắp sách
đến trường, được ca hát vui chơi... Đến tuôi khôn lớn các em sẽ được
thoả sức đem hết tài năng sức lực của mình cống hiến cho Nhân Dân, Tổ
Quốc. Người già lão sẽ được vào an dưỡng đường an dưỡng tuôi già. Những
người ốm đau, bệnh tật sẽ được vào nhà thương không mất tiền, có đầy đủ
thuốc men chữa cho lành bệnh...
Từ trong hàng bỗng có một đứa rụt rè đưa tay lên, làm đội trưởng phải ngừng lời. Anh cầm cây đèn bão đưa cao nhìn xem em nào.
-Mừng đấy à? - Đội trưởng hỏi, hơi nheo mắt lại - Em muốn hỏi gì à?
Mừng bối rối đứng lên. Nó rụt chân xuôi hai tay đứng nghiêm, chớp chớp mắt ấp úng hỏi:
-Dạ... dạ thưa anh... dạ đến lúc đó thì người bị mắc bệnh hen suyễn khinh niên có chữa được lành không ạ?
Cả đội ngoảnh lại nhìn Mừng. Như mọi bận chắc nhiều em đã phá lên cười vì
cậu hỏi ngẩn ngẩn ngơ ngơ của Mừng. Nhưng lúc này không em nào cười.
Nhiều tiếng suỵt suỵt ra hiệu cho Mừng không được hỏi ba láp như thế
nữa.
-Cậu không thấy đội trưởng đang nói chuyện quan trọng đánh Tây cứu nước... cậu lại đi hỏi chuyện bậy bạ ho suyễn kinh niên?
Vịnh nhìn lên đội trưởng như có ý xin lỗi về sự thiếu sót của tổ viên mình:“mừng nó mới vô Vệ Quốc Quân, nó còn dại lắm, anh ta lỗi cho nó” cặp mắt nó như muốn nói vậy.
Đội trưởng vẫn không rời mắt nhìn Mừng. Anh đang tự hỏi:
”Làm sao chú bé không nhà cửa, không mẹ không cha không có cả họ này lại đặc biệt quan tâm đến người mắc bệnh hen suyễn?“. Anh chợt nhớ cách đây dăm hôm. Lúc đó cũng đã đến mười, mười một giờ đêm, anh đang ngồi soạn khoa mục cho buổi tập sáng mai. Chợt Vịnh-sưa đẩy cửa bước vào đứng nghiêm
báo cáo: “Báo cáo anh, Mừng nó rất vô kỷ luật. Em vừa bắt gặp nó trèo
tót lên tận ngọn cây bút bút đằng sau doanh trại, cái cây cao nhất vườn
mà anh có lệnh cấm không được ai trèo lên ấy...“. Anh phải sợ hãi kêu
lên: “Trời! Cái thằng! Đêm hôm khuya khoắt thế này nó trèo lên làm gì
trên ấy? Ngã một cái thì tan xương còn gì“. Vịnh nói:
”Dạ, nó
trèo để hái lá tầm gửi đậu cheo leo trên cái ngọn chót vót nhất ấy. Hái
cả một ôm tướng. Em gọi nó xuống hỏi: “Cậu hái làm chi cái thứ lá ba láp đó mà trèo cây giữa lúc nửa đêm, lỡ ngã mần răng?” Nó cãi lại em: “Thứ
lá tầm gửi ni quý lắm chứ anh tưởng! Cắt nhỏ, phơi khô, sao vàng, hạ
thổ, rồi sắc lên mà uống thì mắc bệnh hen suyễn kinh niên nặng mấy cũng
lành“. Em tức quá hỏi: “Ai bày bậy bạ cho cậu rứa mà cũng dại dột nghe
theo?” Nó nói:
”Cụ Ba trà già nhất trong xóm tui bày. Đây là môn thuốc gia truyền quý nhất của cụ. Cụ thương tui lắm cụ mới bày cho chứ
người khác a, có thuê vàng, cụ ấy cũng chẳng bày cho mô“...”Chắc trong
cuộc đời chú bé này có một uẩn khúc gì đây?” Anh nghĩ vậy rồi ôn tồn
hỏi:
-EM muốn biết sau khiđã đánh đuổi hết bọn thực dân, nước ta
đã được hoàn toàn độc lập, thì những người bị mắc bệnh hen suyễn kinh
niên có thể chữa lành được không, có phải thế không em?
-Dạ phải ạ... - Mừng trả lời, giọng hồi hộp.
-Vậy thì anh xin cả quyết nói với em rằng, không những chỉ bệnh hen suyễn
kinh niên, mà cả những bệnh hiểm nghèo khác, cũng sẽ được chữa khỏi. Vì
lúc đó mọi thứ thuốc men tốt nhất, mọi thứ máy móc dụng cụ chữa bệnh
công hiệu nhất, đều được dành để chữa cho nhân dân lao động, trong đó có các em, cha mẹ, ông bà các em. Những thứ này, dưới thời nô lệ, chỉ dành riêng cho bọn thực dân, vua quan, bọn giàu có, lắm tiền nhiều của mà
thôi, những người như anh em chúng ta đừng có hòng mà rờ đến! Em còn
muốn hỏi gì thêm nữa không?
-Dạ thôi ạ. - Mừng vui sướng đáp to.
Cặp mắt của em ngời lên, long lanh dưới bóng sẫm vành mũ cứng đội sụp
quá nửa mặt, ngước nhìn đội trưởng cảm kích, biết ơn.
Rồi như không sao kiềm giữ nổi niềm sao xuyến, bồng bột trong lòng, Mừng chồm qua vai Vịnh-sưa thì thào nói với Tư-dát:
-Anh Tư nì, độc lập sướng quá anh hè?
Tư-dát cho câu hỏi của Mừng là thừa. Nó đáp, không thèm quay đầu lại:
-Chuyện! Độc lập mà không sướng thì tội vạ chi cả nước lăn lưng ra Mặt trận nện nhau với tụi Tây, bể đầu chảy máu!
10
Phía mặt trận tiếng súng thưa dần. Một vài tràng nổ rời rạc trước khi tắt
hẳn. Đêm đã khuya lắm, bên ngoài trời vẫn rả rích mưa...
Trong ngôi lầu “doanh trại” đã im hẳn tiếng rì rầm chuyện trò của các chiến sĩ nhỏ tuổi.
Từng tổ một, nằm úp thìa trên những tấm phản, những mặt bàn kêu liền nhau,
ôm nhau ngủ ngon lành. Nhiều chiếc chăn bị đạp tung, mấp mé tụt xuống
đất. Có đứa nằm xoay ngang đầu lộn xuống chân, chân gác lên bụng bạn nằm bên cạnh. Có đứa bật lên cười khúc khích, ú ớ nói mê... Có lẽ đây là
giấc ngủ ngon lành bình thản nhất của những chiến sĩ trước giờ ra trận.
Ngôi lầu chìm nghỉm trong bóng tối sâu thẳm, ướt át mưa đêm. Chỉ còn một
khoảng sáng rất nhỏ ở tầng gác hai. Đó là gian phòng làm việc của đội
trưởng. Anh đang ngồi cắm cúi viết dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn bão. Anh chuẩn bị giấy tờ cho các tổ sáng mai đến nhận nhiệm vụ ở các đơn
vị. Anh nghiên cứu sắp xếp phiên chế lại các tổ, để làm sao mỗi tổ đều
có đội viên đã từng được tham gia chiến đấu, và đội viên mới; đội viên
giỏi chuyên môn, nhanh nhẹn, tháo vát và đội viên chậm, ít sáng kiến...
Sau khi soát lại danh sách đội viên và đọc kỹ lý lịch của các em, anh phát
hiện ra rằng quá hai phần ba số đội viên đã nhập ngũ rất sớm. Các em Du, Phát, Chà, Nghĩa-kỳ, Ba, Châu, Lượm, Quỳnh, Tề, Dật... có em nhập ngũ
tháng 12 năm 1945, có em tháng 1 năm 1946. Hơn một nửa số độ viên đã
tham gia chiến đấu từ ngày đầu nổ súng.
Trường hợp nhập ngũ của
nhiều em thật đặc biệt và khá tức cười, hiếm thấy trong lý lịch các
chiến sĩ lớn tuổi. Nếu Cách Mạng là một dòng sông, và cuộc đời của mỗi
chiến sĩ là một con suối đổ vào dòng sông đó, thì các em lại là những
tia nước nhỏ bé, bất ngờ vọt ra từ một kẽ đá, một vết nứt trên thân cây, hoặc trút xuống từ một đài hoa gió thổi nghiêng... Nhưng cái điều kỳ
thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã tự len lỏi hoà vào dòng
sông Cách Mạng hùng vĩ, lúc nào không ai hay.
Trước khi vào Vệ Quốc Đoàn, Hoà-đen làm ngề bán đậu phụng rang nóng dòn.
Em Bồng lại chuyên nghề “bánh mì mới ra lò” từ năm mười hai tuổi. Những
buổi sáng mùa đông mưa dầm lạnh cắt ruột, trong lcú những đứa trẻ khác
bằng tuổi nó còn nằm cuộn tròn trong chăn ấm, mếu máo với quà sáng, Bồng phải mong manh áo cộc, quần đùi, đứng run lập cập trước lò bánh chờ đến lượt đếm bánh. Đếm xong, nó khoác cái bị bánh to che khuất cả người lên vai, đi vòng hết phố này sang phố khác. Nó cố lấy hơi để rao cho những
người đang cuộn tròn trong chăn ấm nghe tiếng: “Bánh mì nóng giòn mới ra lò đê...ê...ê“. Hồi bọn Tàu Tưởng còn đóng ở Huế, một hôm, nó thừa cơ
nẫng luôn của một tên lính Tàu say rượu, khẩu súng “tôm-sơn” nước thép
còn xanh biếc. Nó tuồn khẩu súng vào bị bánh mì, rồi đàng haòng khoác
lên vai lảnh lót rao: “Ai... bánh mì nóng mới ra lò đê...ê...” Nó đi
thẳng đến đơn vị Vệ Quốc Đoàn đang ở Cung An Định mà sáng sáng nó vẫn
thường bán bánh cho các anh. Nó nộp các anh khẩu súng mà báng và nòng
còn nóng sực vì bị vùi giữa đống bánh mì nóng mới ra lò. Nó ủng hộ luôn
cả bị bánh mì để các anh “thời” cho ấm bụng. Nó nói: “Bị bánh là của nhà chủ. Mất bớt một bị, lão ta chẳng nghèo đi mô mà các anh lo. Còn khẩu
súng là của em. Các anh phải thưởng công cho em, cho em được vô VỆ Quốc
Đoàn. Em chán cái kiếp đi ở tớ cho người ta lắm rồi!”
Tư-dát, cái chú đội viên miệng liến láu suốt ngày, lúc nào cũng làm trò hề chọc cho cả đội cười, và nhát gan thì không ai bằng, thế mà đã từng làm một việc liều lĩnh nhất đời. Trên đường đi học về - nó học năm đệ nhất trung học trường Khải Định - Nó ghé vào Ga Lớn xem tàu hoả đỗ lại. Đúng hôm đó,
cả đoàn tàu chở Vệ Quốc Quân nam tiến. Các anh ngồi trên các toa tàu
căng đầy khẩu hiệu, biểu ngữ: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt
của thịt Việt Nam!” “Thà chết không quay lại đời nô lệ!...” Các anh rập
ràng vỗ tay hát vang: “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu... Xếp bút
nghiên coi thường công danh...” Nó liền liệng luôn cái cặp sách xuống
sông, lén nhảy lên tàu, trốn theo đoàn quân Nam tiến. Tàu đến ga Truồi,
nó mới bị phát hiện và giữ lại. Người ta nhờ chuyến tàu ra Huế gửi trả
chú về nhà. Nhưng nó cứ bíu chặt lấy các anh vệ Quốc Quân Nam tiến mà
khóc: “Các anh mà trả em về nhà thì cha mạ em tuốt xương em ra. Cha mạ
em giữ đòn lắm!” Các anh hỏi: “Nhưng chú mình nghĩ ngợi cách răng mà
đang đi học lại nhảy bừa lên tàu trốn vô thấu đây?” Chú liến láu nói:“Chỉ tại các anh hết. Các anh cứ vỗ tay mà hát rầm trời: Xếp bút nghiên
lên đường tranh đấu... làm em không nhịn nổi, phải xếp bút nghiên theo
các anh...”, - “Rứa bút nghiên chú mình xếp vô mô cả rồi?”, - “Dạ em xếp hết xuống sông Hương với cả cái cặp da mới nữa... Bởi rứa chừ mà về nhà thì cha mạ em tuốt xương em ra...“. Chú cứ vừa mếu, vừa khóc vừa liến
láu làm các anh không nhịn được cười. Cuối cùng các anh đành phải cho
chú nhập đơn vị. Đơn vị chú vào đến ga lăng Cô, được điện của Ban chỉ
huy trung đoàn chỉ thị ở lại đây bổ xung cho tiểu đoàn Mười Tám lúc này
đang đóng ở vùng Nước Ngọt., Cần Hai. Tư-dát trở thành liên lạc viên của tiểu đoàn Mười Tám từ đó.
Rồi trường hợp nhập ngũ của các em
Lượm, Châu, Ba, Kỳ, Quỳnh... Của Vệ-to-đầu...Và gần đây nhất là trường
hợp nhập ngũ của Mừng... Mà mỗi lần chợt nghĩ đến anh lại phải bật cười: Cái thằng...
Đội trưởng Lê Thắng trước cách mạng Tháng Tám là
học sinh trường Kỹ Nghệ thực hành Huế. Ngay sau ngày Cách mạng thành
công, anh ra nhập VỆ Quốc Đoàn và được đề bạt làm Trung đội trưởng chỉ
huy một trung đội Tiếp Phòng Quân. Mấy tháng sau, anh được điều động về
ban Tham mưu trung đòan công tác ở Phòng Tình báo. Huế nổ súng. Ban Tham Mưu quyết định tập trung tất cả các em liên lạc của trung đoàn, thành
lập đội Thiếu niên trinh sát. Tham mưu trưởng chỉ định anh về phụ trách
Đội. Thật tình lúc được trao nhiệm vụ, anh chẳng lấy gì làm phấn khởi.
'Một sĩ quan tình báo lại về chỉ huy một sắp trẻ con hỉ mũi chưa sạch,
thật chán chết!“. Anh thầm nghĩ vậy. Nhưng chỉ sau một thời gian sống
gần gũi các em, để tâm tình tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và trường hợp
tham gia bộ đội của mỗi em, anh trở nên gắn bó, yêu mến cái đơn vị nhỏ
bé này biết bao.
Thật ra, khi chưa tiếp xúc với các em, anh đã
nghĩ về các em với kinh nghiệm cuả bản thân. Đời anh cũng có một quãng
tuổi thơ như các chiến sĩ nhỏ tuổi mà anh đang phụ trách, chỉ huy. Nhưng đó là một tuổi thơ tầm thường. Chẳng có gì đáng ghi nhớ... Những trò
nghịch ngợm ranh mãnh, những trận đòn của bố mẹ, những lo lắng hồi hộp
trước các kỳ thi.... Quãng tuổi thơ đó lướt qua cuộc đời anh không để
lại dấu vết gì, như dòng nước lặng lẽ chảy qua một khoảng trời bằng phẳg và dốc. So với tuổi thơ các chiến sĩ bé nỏ anh đang phụ trách, khác xa
biết bao! “Trong tương lai - anh thầm nghĩ - các đội viên của anh, qua
cuộc chiến đấu vĩ đại này, sẽ hổi tưởng lại tuổi thơ của mình. Ôi, tuổi
thơ của đời ta đẹp đẽ biết bao! Nó đã được gắn liền với vận mệnh, với sự sống còn của đất nước và của Cách Mạng từ thuở còn trứng nước!”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT