Tôi hỏi xem liệu cô có thể bị ép uống thuốc bởi một quy định gì đó không. Gregor giải thích chỉ người giám hộ hợp pháp mới có thể sử dụng biện pháp đó. Tôi gợi ý Jack, người tôi mới phát hiện vừa là bảo hộ vừa là quản lý cho cô, nhưng Gregor giải thích người bảo hộ thì chỉ có quyền hạn với tài sản của cô, chứ không có quyền gì với các quyết định tự thân của cô cả. Không ai có thể bắt một bệnh nhân phải vào bệnh viện trừ quan tòa, Gregor nói, và cũng chỉ được trong vài ngày thôi. Tôi cắt ngang là tôi không hề muốn cô phải vào viện, tôi chỉ muốn cô dùng thuốc thôi. Gregor nói rằng tất cả những gì tôi có thể làm là nhã nhặn đề nghị cô thôi. Rồi ông ta hỏi tôi xem liệu chúng tôi có thể ngừng nói về bệnh trạng của cô được không; dù ông ta thấy mình vẫn chưa xâm phạm quyền bảo mật của bệnh nhân, nhưng rõ ràng ông ta lo ngại mình đang tiến quá gần lằn ranh đó.
Chúng tôi đã bỏ dở chủ đề đó như thế. Tôi hỏi ông ta về Sayuri và ông ta kể với tôi rằng hai người họ ngày càng gặp nhau nhiều hơn. Mới có một cuộc hẹn tối qua, nói thật là thế. Rồi ông ta phản pháo rằng sao tôi cứ tọc mạch chuyện tình cảm của ông ta, trong khi chẳng bao giờ hé lộ chuyện riêng. Tôi cười xòa - Chuyện tình cảm nào chứ? - nhưng ông ta đã trả đòn. "Anh chẳng lừa được ai đâu."
Một khoảng lặng xen vào cuộc chuyện trò, nhưng đó là một khoảng lặng giàu ý nghĩa. Gregor lại uống một ngụm bourbon nữa và chúng tôi cùng nhau nhìn về phía mặt trời lặn. "Một đêm đẹp nhỉ," ông ta nói.
"Cô ấy chạm vào tôi," tôi bật ra.
Điều này làm Gregor bất ngờ. "Anh nói thế là ý gì?"
"Lần đầu tiên khi cô ấy tắm cho tôi và nhìn thấy... háng của tôi" - Gregor, nhờ vị trí của ông ta ở bệnh viện, đã biết về mất mát của tôi - "cô ấy kiểm tra nó. Lướt những ngón tay của mình lên khắp chỗ sẹo."
"Cô ấy đã nói gì?"
"Rằng cơ thể tôi có thế nào cũng không ảnh hưởng gì đến cô ấy."
"Anh có tin cô ấy không?" ông ta hỏi.
"Tôi không biết." Tôi lắc lắc chỗ rượu bourbon trong ly của mình. "Dĩ nhiên là có ảnh hưởng chứ. Nó có còn nữa đâu."
Gregor chau mày. "Tôi thất vọng đấy."
Giờ ông ta lại làm tôi bất ngờ. "Vì cái gì chứ?"
"Câu trả lời của anh," ông ta trả lời. "Vì tôi tin cô ấy, và tôi nghĩ anh cũng nên thế."
Lại một khoảng lặng nữa trong cuộc đối thoại, lần này người phá vỡ lại là tôi. "Đêm đẹp nhỉ?"
Ông ta gật đầu. Tôi đã không nói với ông ta rằng nhãn rượu bourbon Gregor mua cùng loại với chai rượu đã đổ lên đùi tôi, lấy mất cái vật đang là chủ đề nóng hổi hiện tại. Gregor mang rượu đến làm quà là có ý tốt, thế nên ích lợi gì đâu nếu làm ông ta phải nghĩ ngợi vì chuyện đó cơ chứ?
Tôi đã tưởng tượng cốc rượu bourbon đó sẽ chất đầy vị của những ký ức tồi tệ; ngược lại, nó chỉ có vị rượu ngon mà thôi. Và uống thật tuyệt: Marianne Engel cứ hay bám lấy cái suy nghĩ kỳ cục là morphine và bia rượu mà trộn với nhau thì thật tệ, nhưng tôi ngờ rằng Gregor đang cố cho tôi thấy con người hoang dại của ông ta bằng cách cho phép tôi làm một hai cốc.
Vài ngày sau, khi cô đã hồi phục, tôi hỏi Marianne Engel tại sao cô nghe đài trong lúc tạc tượng. Cô nhắc tôi nhớ rằng thời gian tạc càng lâu thì những gargoyle càng gào thét dữ dội hơn, và bật nhạc to là cách hiệu quả để át đi tiếng thét của chúng. Cô giải thích rằng khi cô đẽo xuyên qua những lớp đá thừa để tìm hình dạng thật sự của gargoyle, cách duy nhất để biết cô đã chạm đến lớp ngoài của bức tượng hay chưa là cứ đẽo thẳng vào nó. Nếu gargoyle gào thét trong đau đớn. Marianne Engel sẽ biết là mình đã đẽo đủ sâu.
Tôi hỏi liệu cô có sợ mình sẽ làm át cả những chỉ dẫn quan trọng của Chúa không. Cô cười trấn an tôi rằng trong cả thế giới này, chẳng đâu có được thứ âm nhạc đủ lớn để át những tiếng chỉ dẫn của Người cả.
Vấn đề chủ yếu mà các bệnh nhân bỏng phàn nàn là phía bảo hiểm chỉ chi trả độc có một bộ quần áo tạo áp suất, bất chấp việc những bộ áo quần này tốn hàng ngàn đô la và phải mặc lên người suốt hai mươi ba tiếng mỗi ngày. Thời gian còn lại, người bệnh sẽ được tắm rửa, và nếu người chăm sóc đang bận tắm cho người bệnh rồi, thì làm sao người ấy có thể cùng lúc giặt cái bộ áo áp suất đó chứ? Đây là lý do tại sao bắt buộc phải có ít nhất hai bộ. "Nhưng giá cả!" những công ty bảo hiểm khóc thét lên khi họ từ chối chi trả. Hơn nữa, dù có được giữ gìn cẩn thận đến đâu chăng nữa thì những chất liệu tạo áp suất này cũng chỉ bền được độ ba tháng mà thôi.
Những công ty bảo hiểm không thành vấn đề với tôi, vì mọi chi phí của tôi đã được Marianne Engel bao hết rồi. Nhưng tôi vẫn phải băn khoăn về va li tiền dưới gầm chiếc giường xương, làm sao cô có thể cáng đáng nổi tất cả những thứ này chứ? Cô luôn luôn trấn an tôi rằng khả năng tạc tượng tuyệt vời của cô đã nhận được những phần thưởng xứng đáng và rằng cô cũng chẳng muốn tiêu tiền vào việc gì cả. Tôi vẫn không thấy chắc chắn lắm, nhưng nếu cố tranh cãi thì tôi sẽ ra sao đây? Những vết thương của tôi sẽ không được chữa trị ư?
Bộ quần áo và mặt nạ tạo áp suất của tôi cuối cùng cũng hoàn thành vào giữa tháng Ba. Khi Sayuri trao chúng cho tôi, tôi thấy cảm kích tức thì trước tâm sức của tất cả mọi người. Chiếc mặt nạ đã được đánh giấy ráp để có thể nhẹ nhàng bám lấy khuôn mặt tôi. Sayuri cũng cho tôi biết đám sinh viên thực tập đã nghiên cứu kỹ lưỡng những phần sẹo lồi trên mặt tôi, theo đó mà chuẩn bị tấm mặt nạ nhựa tương ứng.
"Anh cũng cần dùng cả cái này nữa," cô lôi một thiết bị kỳ cục có gắn lò xo ra. Tình trạng bỏng của khuôn mặt đã làm tôi trở nên cực kỳ nhạy cảm với khóe môi - mô sẹo quanh mép tôi - những phần ấy, nếu không được chú ý cẩn thận, sẽ làm tôi ăn nói khó khăn trong tương lai. Sau khi đặt cái banh miệng vết thương vào miệng theo đúng quy cách, tôi bắt đầu kéo mặt nạ lên mặt. Chiếc mặt nạ phải ở nguyên vị trí ấy mọi lúc mọi nơi, chỉ trừ khi tắm rửa và chăm sóc da, thậm chí cả lúc tôi ngủ. Tôi hỏi Marianne Engel trông tôi thế nào (trong lúc đó tôi phát hiện ra cái banh miệng vết thương đã làm chất giọng méo mó của tôi trở nên tệ hơn) và cô đáp tôi trông giống như một người đàn ông sẽ sống rất thọ.
Tôi soi gương. Như thể một địa đồ sẹo chằng chịt trên khuôn mặt tôi vẫn chưa đủ, giờ tôi còn phải chịu cảnh địa đồ ấy bị chiếc mặt nạ nhựa trong đè dẹp lép. Vùng da bình thường đỏ tấy giờ đã chuyển trắng bệch dưới áp suất và cái banh miệng vết thương đã khiến miệng tôi vều ra thành một nụ cười gằn đáng tởm. Mọi khiếm khuyết đều được phóng đại tối đa, và tôi trông chẳng khác nào thằng con hoang của bác sĩ ăn thịt người Hannibal Lecter và Ma nữ trong nhà hát Opera.
Sayuri trấn an tôi rằng phản ứng tiêu cực lúc đầu là rất bình thường, vì tất cả những bệnh nhân bỏng - gồm cả tôi nữa, dù đã được thông báo rõ ràng - vẫn cứ đinh ninh chiếc mặt nạ sẽ giúp họ che giấu khuôn mặt mình. Nhưng thực tế thì ngược lại. Nó sẽ không che chắn cho tôi và giúp tôi đối mặt với mọi thứ; nó là cái đĩa thí nghiệm dưới kính hiển vi của thế giới.
Sayuri giải thích các trình tự chuẩn của việc mặc bộ quần áo tạo áp suất và chỉ cho Marianne Engel cách buộc các sợi dây lại với nhau. Trong khi họ đang rối rít với các chi tiết kỹ thuật, tôi một mình tận hưởng cảm giác mới lạ, như trượt vào nắm tay siết chặt của một vị thần cuồng nộ nào đó. Đó chỉ là vải thôi mà, tôi tự nhủ. Đó không phải là chính bản thân mình. Dù sao tôi vẫn thấy lạnh xương sống.
DỄ CHỊU THẬT ĐẤY NHỈ? NHƯ THỂ NGƯƠI ĐANG BỊ CHÔN SỐNG VẬY. Con rắn sung sướng cười nhạo tôi. TA ĐANG TỚI ĐÂY.
Tôi thấy Marianne Engel đang chờ mình ở phòng ăn, mặc một bộ kimono lụa màu xanh ngọc. Họa tiết thêu cảnh, đứng dưới cây anh đào nở hoa gần dòng sông cá chép tung tăng bơi lội, mũi thêu trau chuốt. Trên nền trời đầy sao của bộ áo ấy, ánh trăng tròn chiếu sáng đôi tình nhân như thể đó không chỉ là nguồn sáng mà còn là người bảo vệ tình yêu của họ nữa.
Cô hỏi tôi đã sẵn sàng ăn chưa. Tôi trả lời rằng rồi. Tôi khập khiễng bước ra, phát hiện thực đơn hôm nay là món Nhật.
"So desu ne.(26) Anh giỏi quan sát thật," cô khẽ cúi xuống nói. Vẻ sóng sánh trên bộ kimono của cô tan vào chiếc khăn xanh da trời thắt ngang eo, được kết thành một cái nơ obi sau lưng. "Tôi đang đọc Makura no soushi."
"Ừm, tôi đã thấy nó trên giá sách của cô. Gối-cái gì đó, có phải không?"
"Sách gối đầu giường của Sei Shounagon. Một tác phẩm văn học rất nổi tiếng của Nhật Bản, viết vào thế kỷ thứ mười, và cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Hay ít nhất cũng là những gì họ nói, ai mà biết chắc được? Tôi đang tính làm gì đó với nó. Anh sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều tác phẩm vĩ đại của Nhật Bản không có bản dịch tiếng Latin chuẩn xác."
"Không, tôi chẳng ngạc nhiên đâu."
Marianne Engel nhanh nhẹn bước những bước ngắn vào trong bếp, cô thậm chí còn đi cả geta, guốc mộc truyền thống của Nhật. Cô trở lại với một khay sushi đầy màu sắc: những lát cá trắng (và cam và bạc) nằm gọn trên lớp cơm nắm; những hạt trứng cá đỏ rải trên lớp tảo biển; tôm hùm cuộn vào nhau; cứ như đang ôm nhau thắm thiết trong những giây phút cuối cùng trên trái đất ấy. Có cả inarizushi, cơm nắm được bọc trong lát đậu phụ vàng óng ngọt ngào. Gyoza, sủi cảo làm từ thịt bò hoặc thịt lợn, đẫm nước xốt đen tuyền cay nồng. Yakitori, những dải thịt gà và thịt bò nướng trên xiên gỗ. Rồi thì onigiri, cơm nắm hình tam giác gói trong tảo biển; mỗi nắm cơm, cô giải thích, lại có nhân khác nhau, rất ngon: mận chín, trứng cá, gà, cá ngừ hay tôm hùm.
Chúng tôi lau tay với o-shibori, một loại khăn ướt, rồi cô đập hai lòng bàn tay vào nhau. Cô nói, "Itadakimas!" (câu mời trước khi ăn của người Nhật), trước khi khấn thêm bài kinh bằng tiếng Latin quen thuộc.
Cô chỉ tôi cách khuấy xúp miso đúng kiểu và tuyên bố rằng ăn mì ramen thì phải xì xụïp to vào vì nó không chỉ làm mì nguội mà còn làm mì có vẻ ngon hơn nữa ấy. Dù cô uống rượu sake, cô cứ khăng khăng bắt tôi uống mỗi trà ô long; cô vẫn không bỏ được cái suy nghĩ là rượu và morphine không được uống cùng nhau. Cứ khi nào cốc của tôi vơi quá nửa, cô lại trang trọng nghiêng đầu đổ đầy cốc. Khi tôi cắm đôi đũa vào bát cơm để chúng có thể đứng thẳng như hai cái cây mọc trên đỉnh núi tuyết, cô ngay lập tức lôi chúng ra. "Như thế là không tôn trọng người chết."
Khi cuối cùng cũng ăn xong, cô sung sướng xoa hai tay vào nhau. "Tối nay tôi sẽ kể cho anh nghe câu chuyện về một người phụ nữ khác cũng tên là Sei, dù người này phải sinh sau cuốnSách gối đầu giường hàng trăm năm cơ."
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT