Ngày còn đi học, thành tích của anh chỉ xếp hạng trung bình, riêng có năng
khiếu về âm nhạc là nổi trội. Hồi trung học, giáo viên thanh nhạc của anh đã
từng làm việc trên thành phố, tiếc nuối nói: "Giọng tốt như thế... thật quá lãng
phí tài năng, lãng phí tài năng", sau khi biết tin anh sẽ đi làm ngay khi tốt
nghiệp cấp ba.
Sao anh lại không muốn được lập nghiệp trong lĩnh vực mà mình có năng khiếu
chứ? Có điều, một đứa trẻ sớm chín chắn hơn tuổi như anh biết rất rõ rằng học
phí đắt đỏ của những trường nghệ thuật không phải là nơi anh đặt tương lai.
Với số điểm vừa đủ khó khăn lắm mới tốt nghiệp được cấp ba, giờ anh lại say
mê nghiên cứu ngành tài chính, chứng khoán, bởi vì anh hiểu rằng đây là con
đường ngắn nhất để vực dậy kinh tế gia đình, nếu sang năm đúng như những gì anh
dự đoán, thị trường cổ phiếu sẽ bước vào một thời kỳ hưng thịnh mới, không chừng
anh sẽ đủ tiền để mua nhà cưới Nhạn Lam cũng nên.
Nhưng tối nay nhìn những đồ thị hình gấp khúc tràn ngập mặt báo chứng khoán,
anh không tài nào tập trung tinh thần xem được.
Chú Đức là người anh quen biết từ khi còn rất nhỏ, chú ruột của Hắc Tử. Đồng
thời, cũng là nhân vật tiếng tăm lừng lẫy ở khắp Vấn Sơn này.
Từ khi mới mười mấy tuổi, Khương Thượng Nghiêu đã thường xuyên được nghe Hắc
Tử khoác lác khoe khoang về quá khứ huy hoàng của ông chú mình. Thời trẻ chú Đức
cũng từng làm những việc như trộm gà trộm chó, khi ấy vật chất thiếu thốn, chú
Đức còn đang ở độ tuổi được người ta gọi là anh Đức, lợi dụng chế độ phúc lợi
dành cho con em của công nhân viên chức ngành đường sắt, dắt theo một đám anh em
huynh đệ, bám vào thành tàu trộm đồ, hoành hành ngang dọc khắp tuyến đường sắt.
Chú Đức là kiểu người bảo thủ, một kiểu điển hình của bọn lưu manh thời ấy, xả
thân vì nghĩa, đồ đạc lấy được, đắt rẻ thế nào, đều được chú phân phát cho những
người hàng xóm xung quanh. Chú lại rất hay ra mặt bênh vực người khác, trẻ con
trong khu tập thể đường sắt bị ai bắt nạt cũng tới tìm chú nhờ giúp đờ, chú
thường không nói không rằng, xắn tay áo kéo theo đám thuộc hạ đi ẩu đả một trận
nhằm lấy lại thể diện cho người của mình. Vì vậy, cho đến tận bây giờ, trong khu
tập thể đường sắt nếu có ai nhắc đến chú Đức, thì có người sẽ lắc đầu, cũng có
người sẽ giơ ngón tay cái lên, và những lời truyền tụng không giống nhau.
Sau này những huynh đệ đi theo chú ngày một nhiều, chú lại có những vụ đầu cơ
trúng lớn, một vài năm phất lên rất nhanh.
Có điều, mấy năm gần đây, chú Đức không còn mạnh như trước nữa.
Không biết bắt đầu từ khi nào, ở Vấn Sơn, những thế lực ngầm ngoài mấy con
tôm con tép không có tên tuổi ra, chỉ có hai phái trụ sở lớn đường sắt và xưởng
cơ khí là nam bắc đối đầu. Một bên bảo vệ cho nguồn đầu tư bên ngoài, một bên
đại diện cho người bản địa, không ai chịu ai, chỉ cần một tranh chấp nhỏ là ngay
lập tức sẽ diễn biến thành trận ẩu đả lớn. Mười năm đổ lại đây, những kẻ lưu
manh bất hảo cũng biết chuyên tâm kiếm tiền, nên nếu so sánh với trước kia mà
nói, đã bớt đi rất nhiều. Đặc biệt là sau khi xưởng cơ khí phá sản, cả khu đất
lớn bị dỡ bỏ di dời, Nhiếp gia đang yếu thế là vậy mà cũng liên tiếp mở sauna,
câu lạc bộ đêm, kẻ cầm đầu có tiền thì đương nhiên huynh đệ thuộc hạ cũng phất
lên theo, hai phái này dần dần ở vào thế ngang vai ngang vế đối chọi nhau.
Nếu không phải là gió đông thổi bạt gió tây thì là gió tây thổi bạt gió đông.
Mối bất hòa giữa chú Đức và anh em họ Nhiếp không phải một sớm một chiều có thể
giải quyết được. Khương Thượng Nghiêu có thể hiểu được tâm trạng lo lắng của chú
Đức.
Nhưng anh lại không hiểu, tại sao chú Đức chỉ coi trọng một mình anh.
Là bởi vì khi còn nhỏ, bị Hắc Tử gào lên gọi "Con hoang, con hoang" khiến anh
gần như không thể nhẫn nhịn thêm được nữa, nhốt Hắc Tử vào trong nhà vệ sinh
điên cuồng cho tên đó một trận, suýt nữa còn ấn cả đầu Hắc Tử vào bồn cầu? Hay
vì sau khi Hắc Tử thoát được ra ngoài chạy về gọi chú, anh - một đứa trẻ hơn
mười tuổi nhìn đám thanh niên hai mươi mấy tuổi cao lớn vạm vỡ mà không chút sợ
hãi?
Anh còn nhớ lúc đó chú Đức đã sờ đũng quần anh, mỉm cười nói: "Tiểu tử, được
lắm, chưa đái ra quần, có dũng khí!", ánh mắt anh lóe lên vẻ tức giận rồi buột
miệng chửi một câu, đám người đứng sau lưng chú Đức cười đùa nham nhở, có người
lớn tiếng mắng anh, anh không thèm để ý. Mẹ anh đã từng nói với anh rằng, những
tay vật giỏi nhất trên thảo nguyên, nếu có thể dùng ánh mắt uy hiếp khiến đối
phương khiếp sợ trước, thì coi như đã thắng một nửa. Anh nhìn chăm chăm vào mắt
chú Đức, giống như dùng sức mạnh để đi vào tận trong tim của chú.
Khi đó chú Đức từ từ thu lại nụ cười, đấu mắt với anh vài phút rồi phì cười
thành tiếng, nhắc lại câu vừa nói: "Có dũng khí!", sau đó quay lại giữa đám
người đứng sau, tức giận cho Hắc Tử một cái bạt tai, còn mắng: "Con nít đánh
nhau, thua thì đánh lại, sao phải chạy về nhà gọi người? Hèn nhát!".
Sau chuyện đó, mỗi lần anh và Hắc Tử gặp nhau, chỉ lạnh lùng liếc mắt một cái
rồi cùng quay đầu đi. Cho tới tận nửa năm sau, Hắc Tử kéo đuôi tóc Nhạn Lam bắt
cô bé gọi bằng "anh", Nhạn Lam sợ hãi khóc suốt dọc đường về nhà tìm anh, anh và
Hắc Tử lại quyết đấu một trận long trời lở đất bên đường cái trước khu tập thể.
Cũng chính từ trận đánh này, hai người tự nhiên lại thấy mê... đánh nhau, buồn
chán không có việc gì làm Hắc Tử lại đứng dưới khu nhà anh gọi: "Có muốn xuống
đây luyện tập chút không?", anh nghe tiếng gọi, toàn thân hăng hái, đang làm
việc gì cũng tạm gác lại, xuống nhà so găng.
Thói quen đó được duy trì cho tới khi Hắc Tử tốt nghiệp cấp ba rồi nhập
ngũ.
Còn chú Đức, sau khi anh và Hắc Tử kết thành huynh đệ, anh thường xuyên gặp
chú. Lúc thì ở nhà Hắc Tử, cũng có khi là vào mùa hè, cùng Hắc Tử ra cái hồ gần
nhà nổ mìn bắt cá, tiện vào tứ hợp viện thôn dã gần đây của chú Đức ăn cơm
trưa.
Thời niên thiếu nhìn những "nhân vật" qua lại nhà chú Đức như thoi đưa, đúng
là Khương Thượng Nghiêu cũng có vài phần tò mò, vài phần muốn được bước vào thế
giới của họ. Nhưng khi lớn lên trong những trận đòn bằng chày cán bột của mẹ thì
anh đã hiểu: Thế giới đó, anh quyết không thể bước vào, cho dù chỉ là nửa
bước.
“Em luôn nhìn thấy khuôn mặt anh, khuôn mặt của ba năm về trước. Trong giây
phút nín thở khi nghe cô giáo giảng bài, trong lúc dừng bút khi làm bài tập,
trong giây phút hòa vào dòng xe buổi sáng sớm chờ đèn đỏ... đôi khi chỉ là vì
lúc gió thổi qua cành cây khô khốc, tạo ra những âm thanh ma sát rin rít vào
nhau, cũng khiến em nhớ lại ánh trăng và tiếng côn trùng cô độc của đêm đó. Cả
những giai điệu buồn lúc trầm lúc bổng của anh.
Mỗi khoảnh khắc nhìn thấy anh, trong đầu em luôn nảy sinh sự nghi hoặc: Em
đang ở đâu? Anh có hiểu được cảm giác đó của em không? Giống như vô hình trung
có ai đó đã mang một phần "em" đi, từng chút từng chút một, đưa đến gần anh
hơn.
Em buông tay bất lực, mỗi lần giật mình tỉnh dậy đều cảnh giác nhìn xung
quanh, bàng hoàng và hoảng loạn, không thể kiềm chế. Dần dần, em bắt đầu học
cách tận hưởng những giây phút vui vẻ ấy, tận hưởng thời gian của mỗi lần hẹn hò
bí mật này, và anh, luôn ở nơi sâu kín nhất trái tim em.
…”
Gần đây, Khánh Đệ hình thành thói quen viết nhật ký.
Giờ tự học buổi tối, em gái cô thương xuyên trốn học để đến lớp ghita, cách
bấm dây đã rất thành thục, khuôn nhạc nhìn cũng bắt đầu hiểu một chút. Mỗi lần
về đến nhà Ái Đệ luôn miệng kêu ra rả đầu ngón tay rất đau, bả vai rất mỏi, giáo
trình khô khan, nhưng ngày hôm sau vẫn đi học nlnr người bị bệnh đãng trí. Khánh
Đệ mỉm cười lắng nghe tất cả những lời oán thán của em gái, trong lòng mấy lần
muốn phát điên lên túm lấy nó mà lắc, ước ao Ái Đệ có thể nhắc lại tất cả những
lời mà Khương Thượng Nghiêu đã nói, những việc mà anh đã làm trong suốt hai
tiếng đồng hồ, không sót dù chỉ là một chi tiết nhỏ nào. Nhưng mỗi khi em gái vì
xót tiền hai xuất học phí mà lên tiếng cằn nhằn cô là đồ mọt sách, không biết
cách hưởng thụ cuộc sống, thì cô lại ngẩn ngơ mất mây giây, lắp ba lắp bắp đáp
lại một câu: "Sắp thi rồi".
Cô không biết phải làm thế nào với thứ tình cảm đột ngột trào dâng rồi lại
vội vã bị nén xuống trong phút chốc của mình, đành cầm bút viết như điên, khắp
mặt giấy là những nét chữ nguệch ngoạc được viết trong lúc gần như mất hết bình
tĩnh. Viết xong lại lén chui vào nhà vệ sinh, đốt sạch mớ giấy chất chứa đầy tâm
sự đó đi.
Sau khi ngồi nhìn chăm chăm những trang giấy cháy thành tro bụi, Khánh Đệ mệt
mỏi đi về phòng, không ngờ bị em gái phát hiện: "Chị? Chị vẫn chưa ngủ?", Ái Đệ
dụi mắt hỏi với giọng ngái ngủ.
Khánh Đệ lí nha lí nhí đáp lại một tiếng rồi chui vào giường.
Sau lần gặp gỡ tình cờ ở ga tàu, thực ra cô còn gặp anh thêm một lần nữa.
Anh đứng đợi Diêu Nhạn Lam tan học ở con đường đối diện với cổng trường, anh
đứng dưới tán cây bạch dương hai tay đút túi quần, dáng người cao gầy, ăn mặc
giản dị, phong thái chính trực, nghiêm nghị. Vào giây phút Khánh Đệ phát hiện ra
Khương Thượng Nghiêu đứng đó, ánh mắt cô rạng rỡ, rồi lại tắt lịm theo sự xuất
hiện của Diêu Nhạn Lam
Anh không thấy cô, trong mắt anh chỉ có Diêu Nhạn Lam.
Tháng này, Khánh Đệ soi gương nhiều hơn em gái Ái Đệ một cách bất thường. Cô
giống bố, chiều cao trội hơn các bạn cùng tuổi một cái đầu, từ đầu năm cấp hai
đã mặc định chỉ có thể ngồi dãy bàn cuối. Đầu lại nhỏ tỉ lệ nghịch với sự phát
triển của cơ thể, khoảng cách giữa hai hốc mắt rộng, môi lại quá dày. Soi gương
tự ngắm mình, nhớ lại khuôn mặt thanh thoát nhỏ nhắn của Diêu Nhạn Lam, nhướng
mắt nhìn mình trong gương, cô buồn bực: Tướng mạo xuất chúng, xuất chúng giống
người ngoài hành tinh. Buồn bực xong lại tự an ủi mình: Mình chỉ thua ở ngoại
hình thôi. Nhưng đúng giây phút đó, Khánh Đệ bỗng dưng bừng tỉnh. Không khí tốt
đẹp yên bình giữa anh Khương và Diêu Nhạn Lam, là do thời gian bồi dưỡng, không
ai có thể lay chuyển được điều đó. Thứ mà cô thua không chỉ là hình thức, mà còn
là thời gian.
"Chị, chị chưa ngủ à?" Ái Đệ mơ mơ màng màng hỏi thêm lần nữa. "Cuộc thi ngày
mai em còn không lo, chị lo gì chứ?"
"Ngủ đây." Cô kéo chăn lên ngang ngực, buồn buồn lặp lại: “Chị ngủ đây".
Môn thi cuối cùng của kỳ thi giữa kỳ, mắt Khánh Đệ nhìn chằm chằm vào những ô
để trống trong bài thi, rất lâu sau đó cô thở dài, mang bài lên nộp. Không cần
đợi đến khi công bố kết quả, cô cũng biết lần này điểm số sẽ thảm không thể thảm
hơn.
Ra đến nhà xe cô nhìn thấy Diêu Cảnh Trình, người đã nộp bài sớm hơn Khánh Đệ
rất nhiều, đang ngồi trên yên sau xe cô, rõ ràng có ý đợi. Diêu Cảnh Trình thấy
cô dừng bước trước cửa nhà xe, bối rối quay mặt sang hướng khác rồi đứng lên,
rồi như đột ngột quyết định điều gì đó, lại ngồi xuống
"Tránh ra." Khánh Đệ đi tới nói với cậu ta
"Không tránh." Giọng cậu ta oang oang.
Khánh Đệ vừa tức vừa buồn cười, anh chàng này hơn nửa tháng nay đã như kẻ thù
không thèm nhìn mặt cô, không thèm nói chuyện với cô, Đàm Viên Viên mắng cậu ta
là kẻ hẹp hòi xấu bụng, cậu ta cũng quyết không mở miệng, giờ lại tỏ vẻ lì lợm
tới cùng. "Cậu muốn nói gì với tôi?"
Diêu Cảnh Trình lại một lần nữa quay mặt đi, một lúc sau mới nói: "Nghỉ đông
thì thế nào?".
Khánh Đệ trong lòng đấu tranh tư tưởng không ngừng. Cô thoái thác với em gái
là không có thời gian để đi học ghita, nhưng giờ đã đến kỳ nghỉ đông cô không
còn cớ nào để từ chối nữa. Rốt cuộc là cô có muốn đi hay không? Có thể đi
không?
"Cậu nói gì đi chứ? Nghỉ đông có đi được không?" Diêu Cảnh Trình có chút sốt
ruột.
Cô do dự nói khẽ: "Chắc là được".
Diêu Cảnh Trình reo lên một tiếng rồi nhảy phốc khỏi yên xe, tươi cười, nói:
"Vậy mau cho mình số điện thoại?", rồi lại hỏi: "Lần trước mình đã cho em gái
cậu số máy nhắn tin, nhờ Ái Đệ chuyển cho cậu, sao cậu không nhắn cho
mình?".
Khánh Đệ nghi hoặc: "Tiểu Ái? Chắc là em ấy quên". Nghĩ thế nào lại quyết
định không nhịn nữa, hỏi: "Chẳng phải cậu định tuyệt giao với mình sao? Muốn
mình nhắn tin cho cậu để làm gì? Không có ai để bắt nạt phải không?".
Diêu Cảnh Trình gãi gãi đầu, lẩm bẩm nói: "Ai nói là tuyệt giao đâu? Ai dám
bắt nạt cậu?". Nói xong tìm trong túi lấy ra một chiếc bút: "Đưa tay đây cho
mình", vừa dứt lời định túm lấy tay của Khánh Đệ.
Khánh Đệ hất tay cậu ta ra, đỏ mặt xấu hổ nhìn quanh. Diêu Cảnh Trình cũng
biết mình đã quá đường đột, lúng túng giải thích: "Mình ghi số cho cậu".
Lưu lại số điện thoại của nhau trên vở xong, Khánh Đệ cúi người xuống mở khóa
xe, liếc mắt thấy Diêu Cảnh Trình vẫn ngập ngừng đứng ngay cạnh đó, như muốn nói
gì lại thôi, cô mềm lòng, hỏi nhỏ: "Diêu Cảnh Trình, lần trước cậu nói thích tôi
phải không?".
Sắc mặt Diêu Cảnh Trình thoáng ửng đỏ, không dám nhìn thẳng vào mắt Khánh Đệ,
làm bộ như đang tìm chìa khóa xe đạp cúi đầu nói: "Đương nhiên rồi. Lẽ nào những
lời như thế mà cũng có thể là giả sao?".
"Cậu thích tôi ở điểm nào?" Khánh Đệ tò mò hỏi.
Câu hỏi này có lẽ đã khiến Cảnh Trình khó xử, cậu ta ngẩng đầu lên nhìn cô,
bần thần ra sức suy nghĩ để tìm đáp án.
"Chính cậu cũng không biết sao?" Khánh Đệ chẳng còn gì để nói, đẩy xe của
mình ra.
"Đợi đã." Diêu Cảnh Trình lập tức chặn bánh sau của xe lại, nói nhanh: "Sao
mình lại không biết? Bởi vì cậu giống chị mình, vừa chăm học lại vừa nhẹ nhàng,
học giỏi nữa, đối xử với em gái cũng rất tốt".
Diêu Cảnh Trình ù ù cạc cạc: "Mình đã nói sai điều gì sao? Này, Thẩm Khánh
Đệ, đừng chạy!".
"Diêu Cảnh Trình là tên đại ngốc, cóc mà đòi ăn thịt thiên nga. " Sau bữa cơm
tối Khánh Đệ trở về phòng, nhìn thấy em gái mình đứng một lúc lâu bên cạnh bàn
học, mắt nhìn chằm chằm vào quyển vở trên tay, miệng lẩm bẩm mắng: "Tên đại
ngốc'".
Khánh Đệ gõ cửa, lúc ấy Ái Đệ mới biết là cô vào, lập tức quay người đứng đối
diện với cửa phòng, đồng thời nhanh chóng giấu quyển vở trên tay ra đằng
sau.
Ngay sau đó, Ái Đệ chột dạ nhìn xuống như vừa làm việc gì đó tội lỗi, bởi vì
cặp sách và những vật dụng trong cặp của Khánh Đệ đang bày ra chiếm đến nửa cái
bàn.
"Chị, em đang tìm hai tấm thẻ từ đó, hai tấm thẻ mà lần trước bạn anh Hoài
Nguyên cho chúng ta ấy. Là lần ở quán Internet Tấn Đằng".
Giải thích chính là vì muốn che giấu, giọng Ái Đệ nhỏ dần: "Em tìm khắp nơi
mà không thấy".
Khánh Đệ bước tới, giật quyển vở bài tập trên tay em gái, chính là quyển vở
mà Diêu Cảnh Trình đã viết lại số nhắn tin của cậu ta. Sau đó kéo ngăn kéo bàn
học ra, hai tấm thẻ từ rõ ràng nằm ngay trên cùng, mở ra là thấy.
Ái Đệ ngượng ngùng, khẽ nói: "Sao em lại không nhìn thấy nhỉ?".
Khánh Đệ im lặng không nói, thu sách vở trên bàn cho lại vào cặp sách. Ái Đệ
phụng phịu ngồi xuống, tay chống má quan sát chị, thấy cô không cả buồn nhướng
mày, bất giác buồn bực giậm chân: "Sao tính khí chị càng ngày càng kỳ quái thế?
Thắc mắc thì cứ hỏi, tức giận thì thể hiện ra, lạnh lùng với em làm gì? Chị biết
rõ em không giấu được chuyện gì bao giờ mà!".
"Em thông minh như thế mà còn phải hỏi chị giận chuyện gì sao?" Trách móc em
gái xong, tự Khánh Đệ cũng thấy những lời của mình có phần cay nghiệt, cô hạ
thấp giọng chậm rãi nói tiếp: "Diêu Cảnh Trình nhờ em đưa cho chị số máy nhắn
tin của cậu ta, thế mà em không nói gì, giờ lại còn lục tung đồ đạc của chị lên.
Cậu ta cho chị số thì làm sao? Em không thích cậu ta, chị biết. Nhưng, Ái Đệ, có
phải em đang quản quá nhiều chuyện rồi không? Cậu ta là bạn học của chị, cũng
không phải người xấu, bất luận thế nào sau này bọn chị cũng sẽ là bạn, chị phải
kết bạn với những người như thế nào, tự chị biết".
"Chẳng phải em cũng là vì tức giận hay sao? Vừa thi xong ra khỏi phòng đã gặp
anh ta, anh ta xông tới hỏi em có ý gì? Tại sao không đưa số của anh ta cho
chị?" Ái Đệ nghịch nghịch ngón tay của mình, khẩu khí có vẻ tự đắc: "Lần trước
em đã nói với anh rồi, rằng 'chị em không thích anh'. Nhưng anh ta lại cứ bám
riết lấy em không chịu tha, hỏi tại sao? Em còn có thể làm thế nào? Em nói thẳng
với anh ta rằng chị phải thi đỗ đại học, sau này phải xuất sắc hơn người, quanh
quẩn với anh ta thì được cái gì? Hoàn cảnh gia đình không tốt, học cũng không
giỏi, sau này có thể làm được gì? Khi đó anh ta sầm mặt lại, nói em coi thường
anh ta, còn nói anh ta cũng có thể kiềm được nhiều tiền, Xí, chỉ với chút tài
vặt của anh ta? Có cái máy nhắn tin cũ rích mà cũng huênh hoang trước mặt em, ai
biết đó là anh ta lấy trộm hay là cướp được? Còn bảo em phải đưa cho chị số,
đừng hòng".
"Em nói với người khác những chuyện ấy làm gì? Gia cảnh nhà người ta tốt hay
xấu thì liên quan gì đến em?" Khánh Đệ bất giác cao giọng: "Thẩm Ái Đệ, em có
biết càng ngày em càng đáng ghét không? Cay nghiệt, xảo quyệt, còn nhiễm cả thói
con buôn, mặt mũi như mấy bà hàng tôm hàng tép, chẳng có chút gia giáo nào
cả…"
"Nhà chúng ta thì có gì gia giáo?" Ái Đệ đứng bật dậy, đang định nói tiếp thì
nghe tiếng bố quát từ ngoài phòng khách: "Khốn kiếp, suốt ngày cãi cọ!".
Căn phòng nhỏ đột nhiên im ắng hẳn xuống, chỉ có tiếng thở nhè nhẹ đang cố
gắng kìm nén của hai chị em.
Khóe môi Ái Đệ nhếch lên một nụ cười chế giễu, cố ép giọng mình ở mức thấp
nhất: "Gia giáo thật hay. Chị thấy không thuận mắt với em, em còn không thuận
mắt với chị hơn". Ái Đệ đưa tay cầm hai tấm thẻ nạp tiền trên bàn, khuôn mặt nhỏ
hơi nghếch lên ngăn không cho nước mắt chảy xuống: "Lớp ghita em cũng không
thích học nữa, vừa vất vả lại chẳng ích gì, mỗi lần nhìn thấy Diêu Cảnh Trình là
muốn nổi điên. Em đi lên mạng đây! Chị cứ ngồi ở nhà mà diễn vai hiền thục đoan
trang được mọi người yêu mến của chị đi, chị thích diễn thế nào thì diễn thế
đấy".
Khánh Đệ tức giận một cách bất lực, cô kìm nén tới mức mặt hết đỏ lại trắng,
thấy em gái mặc xong áo khoác chuẩn bị đi, bất giác bật ra một câu: "Em qua lại
với mấy người quen của anh Hoài Nguyên ít thôi, họ đều không phải là người tốt
đâu".
Ái Đệ chỉnh cổ áo: "Em vốn cũng đâu phải người tốt", nói xong bật cửa đi
ra.
Trời khuya dần. Tiếng gió lạnh rít lên nơi đầu phố, cảm giác thất bại trong
lòng Khánh Đệ không sao xua tan được.
Từ trước tới nay, mặc dù cô và Ái Đệ thỉnh thoảng có cãi cọ tranh chấp, nhưng
việc đó chưa bao giờ ảnh hưởng đến tình cảm giữa chị em họ. Cả hai vừa là chị
em, vừa là chiến hữu, hỗ trợ lẫn nhau, an ủi lẫn nhau. Trong vô số những ngày đã
qua, mỗi lần bị bố phạt đứng, bị bố bạt tai, hai chị em chỉ biết lén cầm chặt
bàn tay nhỏ rịn đầy mồ hôi của nhau. Nhưng bây giờ, hai bàn tay nhỏ với mười
ngón tay đang bấu chặt vào nhau kia như có hai ngón bị tuột ra. Khánh Đệ cảm
thấy sợ hãi, sợ em gái sẽ càng ngày càng xa mình, dần dần hai chị em sẽ trở
thành hai người xa lạ.
Khánh Đệ hắt hơi, hai tay ôm chặt lấy người, tiếp tục buồn bã bước trên đường
Đại Hưng.
Là một ngành kinh doanh mới nổi, số cửa hàng internet ở Vấn Sơn có thể nói là
đếm được trên đầu ngón tay, mà số cửa hàng chịu đầu tư tiền của vào đó thì ở Vấn
Sơn chỉ có một mình Tấn Đằng. Vừa đúng lúc kỳ nghỉ đông bắt đầu và mùa xuân sắp
đến, trong cửa hàng internet người đông nghịt, không khí ngột ngạt. Khánh Đệ men
theo từng dãy ghế để tìm em gái, vòng đi vòng lại hai lần, vẫn không thấy
đâu.
Cô ra khỏi cửa hàng internet, đứng ở góc phố chần chừ một lúc lâu, cuối cùng
quyết định đến lớp ghita xem thế nào.
Đi qua con hẻm nhỏ lạnh lẽo bên cạnh cửa hàng nhạc cụ, mới đến được cửa sau,
đã nghe thấy thấp thoáng tiếng nức nở đang cố kìm nén lẫn trong tiếng ghita mượt
mà ở tầng hai. Khánh Đệ suy nghĩ nhanh, theo bản năng vội nấp vào bóng tối dưới
gầm cầu thang sắt.
Quả nhiên là Ái Đệ. Giọng Ái Đệ khản đặc, khô khốc: "Tôi mặc kệ anh đã nói
những gì với chị tôi, giờ chị ấy không còn yêu quý tôi nữa, chỉ vì anh mà hôm
nay mắng tôi một trận. Diêu Cảnh Trình, anh đừng quá đáng quá!".
Khánh Đệ nghe thấy tên của Diêu Cảnh Trình, vô thức giật mình.
Người đang nói trên lầu chính là Diêu Cảnh Trình: "Anh và chị em nói gì em
chứ? Nếu có cô em vợ như em thì anh chắc chỉ còn nước rước lên thờ như thờ Đức
Phật thôi. Bà cô, tha cho anh đi. Thút tha thút thít chạy tới đây, mọi người lại
tưởng anh làm gì em rồi". Giọng cậu ta gấp gáp, Khánh Đệ có thể tưởng tượng cảnh
cậu ta đang vò đầu bứt tai.
Trên lầu đột nhiên im ắng, tiếp theo lại nghe thấy tiếng Ái Đệ vang lên, the
thé đầy ấm ức: "Ai là em vợ của anh, chị tôi và anh còn chưa đâu vào đâu cơ
đấy!".
Diêu Cảnh Trình bất lực nói: "Được rồi được rồi, là cái miệng anh nó hư, anh
lại nói sai. Ái Đệ, em đừng có tham gia vào chuyện giữa anh và chị em nữa được
không? Anh biết anh không xứng với chị em, thế đã được chưa? Em nói anh không có
tư cách đến tìm chị em, vậy anh hứa với em sau này anh sẽ kiếm được nhiều tiền,
kiếm rất rất nhiều tiền rồi mới đến tìm chị em, thế đã được chưa?".
“Không được.” Ái Đệ trả lời không cần suy nghĩ.
"Sao em lại bướng như thế chứ?" Diêu Cảnh Trình bắt đầu cáu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT