Phòng giam đặc biệt chẳng có cơm cũng chẳng có nước, chỉ có sự yên tĩnh vô
tận khiến người ta muốn phát điên. Qua ô cửa sổ nhỏ trên cánh cửa sắt, có thể
nhìn thấy ánh mặt trời bị mạng dây điện phân cắt thành những ô nhỏ, thỉnh thoảng
từ nơi xa xăm cũng vọng lại một vài âm thanh, phiêu diêu, khó nắm bắt.
Tối hôm ấy Khương Thượng Nghiêu lập tức bị giam vào phòng giam đặc biệt này,
cái chết của Thành mặt rỗ không làm nguôi cơn phẫn nộ trong lòng anh, khuôn mặt
đầy máu, bỗng khiến anh nhớ lại những ký ức cũ... vào thời khắc Cảnh Trình vĩnh
viễn rời khỏi thế giới này, trước mắt anh là một màn sương mù đỏ quạch. Anh hết
lần này tới lần khác gầm lên: "Vào đây", những nắm đấm điên cuồng nhằm vào cánh
cửa sắt và vách tường xung quanh mà nện, cứ như Nhiếp Nhị của Vấn Sơn đang đứng
trước mặt mình. Khi sức lực cạn kiệt, nỗi lo lắng cho Nhạn Lam lại giày vò khiến
tinh thần anh như muốn nổ tung, anh xếp bằng ngồi trong góc phòng bắt đầu ra sức
nhớ lại những chuyện đã xảy ra.
Đoạn ký ức về sau anh không nhớ rõ, tối hôm đó phải đứng ở tư thế lái máy bay
quá lâu, đầu óc trong tình trạng máu dồn lên não anh hành động hoàn toàn theo
bản năng, đầu tiên là vì căm hận, sau thì vì ra sức giằng co nên đơn thuần đấy
chỉ là ham muốn được sống một cách thú tính. Khi anh bị đưa đi thẩm vấn anh cũng
mô tả như thế: Tôi không biết, tôi chỉ biết khi ấy nếu tôi không phản kháng thì
người chết sẽ là tôi, dao lam ở đâu ra tôi hoàn toàn không biết gì.
Thành mặt rỗ bị một mảnh dao lam mỏng như tờ giấy cứa vào cổ họng.
Người giết chết Thành mặt rỗ là Lương Chí Dũng, một cái tên rất bình thường,
vừa bị bắt giam vì tội trộm cắp được mấy ngày. Một người thâm trầm ít nói.
Khi cảnh sát xông vào phòng giam số chín, anh ta điềm tĩnh như không lau máu
trên mặt mình, ném hung khí đi, giơ tay lên cao úp mặt vào tường chịu trói.
Trong lúc thẩm vấn, anh ta cũng rất thẳng thắn, khi mới vào anh ta bị tên tù cầm
đầu sai đàn em đánh đập, giết chết Thành mặt rỗ chẳng qua là mượn loạn báo thù
mà thôi. Về mảnh dao lam đó, nó được găm dưới đế giày của anh ta, anh ta giữ
nhằm phòng thân.
Người trong giới đều biết tính chuyên nghiệp của việc cắt cổ. Nếu chỉ là cắt
vào cổ họng thì không thể dẫn đến cái chết, quan trọng là phải cắt vào đúng động
mạch. Nhưng động mạch ở cổ lại có tính năng tự bảo vệ, khi gặp sự tấn công của
những vật bên ngoài sẽ co rút lại tránh né. Tính chuyên nghiệp của việc cắt cổ
họng thứ nhất là ra tay nhanh, thứ hai là dứt khoát, thứ ba là thuần thục, chỉ
cần một nhát mà cắt đúng vị trí nơi yết hầu. Có điều chẳng ai buồn quan tâm tới
chân tướng, chỉ cần có người nhận tội là được, nói trắng ra lần làm loạn trong
phòng giam này bị đồn thổi rộng rãi thì chẳng ai được lợi lộc gì, cảnh sát cũng
phải ăn cơm để sống.
Sau khi Khương Thượng Nghiêu được thả khỏi phòng giam đặc biệt, lại bị đưa về
phòng giam số mười một dãy ba trước kia. Anh Ngưu khi nhìn thấy anh không kìm
được nhếch mép cười, tên khỉ gầy tay áp sát vào quần, mặt hờ hững như không
nhưng lại giơ ngón tay cái lên, còn những người khác khi nhìn thấy Khương Thượng
Nghiêu, lấm la lấm lét thêm vài phần kính sợ.
"Chân nhân không lộ tướng, thì ra chính là đây." Đợi sau khi người cảnh sát
đưa Khương Thượng Nghiêu vào phòng giam rời đi, ngón tay cái của tên khỉ gầy gần
như bật thẳng lên trước mặt anh: "Một trận mà thành danh!".
Chuyện chống đối trong tù là chuyện thường xảy ra, chống đối được thì công
thành danh toại, mà thất bại thì bi thảm vô cùng, chẳng khác gì cảnh chuột cống
chạy qua đường, mà số người thành công rất ít.
"Chẳng liên quan gì đến tôi cả, nếu không có người mới vào đó, thì người bị
khiêng ra sẽ là tôi." Cổ họng Khương Thượng Nghiêu vẫn chưa khỏi hẳn, lại mấy
ngày liền không nói, nên nghe giọng rất kỳ lạ.
"Thế mới gọi là cao thủ chứ! Mới vào chưa được bao lâu, đã lấy một mạng
người. Nghe tôi nói này người anh em, thật sự là cậu có liên quan tới bọn Tang
Cẩu à? Không giống chút nào!" Thấy vẻ mặt nghi hoặc không hiểu của Khương Thượng
Nghiêu, tên khỉ gầy buồn bực: "Không phải cậu?".
"Giết người?"
"Tên họ Lương giờ vẫn đang bị giam trong phòng đặc biệt đó, không phải cậu
mua hắn ta? Người trong giới vừa nhìn là biết, án nhỏ thì bị phạt nghiêm, án lớn
lại được tha, chỉ là nhằm vào một người. Rõ ràng là trước khi vào đây đã nhận
tiền của người ta mà bán mạng.”
Kiểu đãi ngộ vô cùng đặc biệt này nếu không phải là bố già thì không thể
hưởng, Khương Thượng Nghiêu có từng nghe qua, nhưng chưa bao giờ nghĩ nó lại xảy
ra với mình. Sự nghi hoặc luẩn quẩn trong lòng, khiến vẻ mặt anh dần trở nên
nghiêm nghị.
Mấy ngày sau luật sư Nghiêm vào gặp gỡ bàn bạc, khi Khương Thượng Nghiêu bước
chân vào phòng đón tiếp, anh vô cùng kinh ngạc, bao nhiêu lo lắng, giày vò mong
nhớ suốt những ngày qua, nhất thời xúc động chỉ muốn vứt bỏ mọi kìm nén chạy lên
ôm chặt Diêu Nhạn Lam vào lòng mà giữ gìn bảo vệ. Cũng may khi bắt gặp đôi mắt
đầy nước của Nhạn Lam, anh như lấy lại được chút lý trí, liếc mắt nhìn người
cảnh sát đứng giám sát gần đấy, nhận thấy mình cũng chưa để lộ quá nhiều sơ hở,
lúc ấy mới chậm chạp ngồi xuống, đặt hai tay bị còng lên mép bàn.
Đôi bàn tay với những đốt xương thô to của anh đang run rẩy thể hiện tâm
trạng của anh lúc này, nếu không phải bị nhắc nhở hết lần này đến lần khác trước
khi vào đây, Diêu Nhạn Lam đã muốn òa lên nức nở.
Án hình sự trước khi đưa ra xét xử tuyên án, để ngăn chặn mớm cung, phạm nhân
không có quyền được gặp người nhà. Nỗi lo sợ và nhớ nhung suốt mấy tháng nay
cuối cùng cũng được giải tỏa, Diêu Nhạn Lam và Khương Thượng Nghiêu cứ như thế
im lặng nhìn nhau, ánh mắt đã truyền tải sự vấn vương giữa họ. Ngay cả những khi
trả lời câu hỏi của luật sư Nghiêm, anh cũng hơi nghiêng mặt, ánh mắt rơi trên
đôi má gầy gò của Nhạn Lam.
Lúc rời đi, Khương Thượng Nghiêu nhìn Diêu Nhạn Lam bằng ánh mắt sâu hun hút,
cứ như lần nhìn này sẽ là âm dương cách biệt, anh nhìn bao lâu cũng chưa thấy
đủ. "Luật sư Nghiêm, giúp tôi chuyển lời hỏi thăm tới gia đinh mình, còn nữa, tự
mình phải bảo trọng, nếu bị ức hiếp... nếu bị ức hiếp có thể tìm chú Đức."
Diêu Nhạn Lam mấy lần nước mắt muốn vỡ ra, nghẹn ngào gật đầu: ''Anh cũng bảo
trọng".
Đi ra khỏi cửa lớn, Diêu Nhạn Lam cứ mỗi bước lại quay đầu nhìn. Khánh Đệ
đang đứng chờ bên cạnh chiếc xe Jetta vội đi tới đón, hỏi: "Thế nào? Có gặp được
không?".
Không cần trả lời, chỉ nhìn những giọt nước mắt trong vui mừng của Nhạn Lam
cô cũng hiểu, Khánh Đệ cười thoải mái: "Thế là tốt rồi, yên tâm rồi chứ, lát nữa
về nói với cô Khương và cả bà để họ yên tâm".
"Khánh Đệ, cảm ơn em." Diêu Nhạn Lam cảm động.
"Cảm ơn em làm gì, nên cảm ơn luật sư Nghiêm đây, là anh ấy đã mạo hiểm để
chị đóng giả làm trợ lý."
Luật sư Nghiêm ngại ngùng đẩy gọng kính nơi sống mũi: "Lên xe đi".
Khánh Đệ thắt dây an toàn: "Luật sư Nghiêm, đã có quyết định chưa?".
Luật sư Nghiêm gật đầu: "Đơn xin phúc thẩm chúng tôi đã trình lên tòa rồi,
chỉ đợi đơn được duyệt, chờ ngày mở phiên tòa thôi".
Ba tháng sau, vụ án được thụ lý bởi tòa án nhân dân trung cấp Nguyên Châu. Cơ
quan công tố kiên quyết giữ nguyên đơn kiện, bị cáo Khương Thượng Nghiêu không
có ý kiến trước những tội mà bên công tố cáo buộc tội danh: Tham gia băng nhóm
xã hội đen có tổ chức, đột nhập vào nhà cướp của. Nhưng anh biện giải chưa từng
tham gia vào kế hoạch đó, trước đấy cũng chưa từng tham gia vào bất kỳ tổ chức
xã hội đen hay có hành vi phạm tội nào khác, nên xin tòa xem xét tình hình cụ
thể rồi tuyên án. Song luật sư biện hộ của anh lại cho rằng bên công tố cáo buộc
anh vào tội tham gia băng nhóm xã hội đen có tổ chức, đột nhập vào nhà cướp của
là không rõ ràng, chứng cứ không đủ.
Sau khi hội ý, bên tòa án đã ra phán quyết cuối cùng, bị cáo Khương Thượng
Nghiêu phạm tội tham gia băng nhóm xã hội đen có tổ chức, phạt hai năm tù giam,
tội đột nhập vào nhà cướp của, tình tiết phạm tội nhẹ, thái độ nhận tội thành
khẩn, phạt năm năm tù giam. Gộp cả hai tội lại, phạt bảy năm tù giam.
Vì phải đi học nên Khánh Đệ không thể đi Nguyên Châu tham dự phiên tòa, buổi
tối sau khi nhận được điện thoại xác thực tin tức của luật sư Nghiêm, lẽ ra cô
nên có cảm giác nhẹ nhõm như trút được tảng đá đè nặng bao lâu nay trong lòng,
nhưng sao vẫn bất an thế này.
Ái Đệ ngồi sát ngay bên cô, ghé cằm tì lên vai chị, nghe luật sư Nghiêm kể
lại phán quyết cuối cùng của tòa án, nó khẽ thở dài.
"Thở dài gì chứ? Mới mấy tuổi đầu."
"Không ạ." Ái Đệ quay đầu vùi mặt vào hõm vai chị, một lúc sau đã thấy cổ áo
cô bị thấm ướt bởi nước mắt.
"Tiểu Ái, em đang nghĩ gì?"
Ái Đệ sụt sịt một lúc, buồn buồn nói: "Chị, em chỉ mong luật sư Nghiêm nói
xong việc của anh Khương sẽ nhắc tới Cảnh Trình, cho dù Cảnh Trình có bị tuyên
án mười năm, hai mươi năm cũng được".
Khánh Đệ cười hờ, nụ cười còn chưa tắt, nước mắt đã rơi.
"Chị, chị đang nghĩ gì thế?"
"Chị à... chị đang nghĩ con người ta sống thật giống một câu nói: Giống như
sương sớm, ngày qua khổ đau (1). "
Cô còn nghĩ đến một câu nói khác nữa.
Chỉ vì ai đó, trầm ngâm đến nay (2).
(1), (2): Câu thơ trong bài Đoản Ca Hành kỳ 1 (bài hát ngắn kỳ 1) – Tào
Tháo
Mùa hè năm 2000, Thẩm Khánh Đệ thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Nguyên Châu
như mong ước.
Những chuyện xảy ra vào mùa xuân năm ngoái, giống như cơn ác mộng mãi không
tỉnh dậy được, vươn những chiếc xúc tu dài xấu xí của chúng ra, thâm nhập vào
cuộc đời mười tám năm đã qua của cô. Tất cả những con người và sự việc đã qua ấy
đều mục nát bẩn thỉu, khiến người ta không thể chịu được.
Nhưng khi bước lên con tàu đi về phía đông, tiếng ma sát giữa bánh tàu và
đường ray vang lên, ga tàu Vấn Sơn nhỏ dần nhỏ dần lùi lại phía sau, cho tới khi
chỉ còn là một chấm nhỏ xíu trong tầm mắt, thì tất cả những lỗ chân lông trên
người Khánh Đệ dường như tỏa ra một niềm vui khó tả.
Nhưng đột nhiên, một ký ức ngủ đông đã lâu từ trong đáy tim bỗng vùng bật dậy
thoát khỏi sự trói buộc, Khánh Đệ áp tay lên kính cửa sổ, vội vàng lau đi lớp
bụi trên đó, áp sát mắt vào đó nhìn về hướng Vấn Sơn.
... Không biết bắt đầu từ lúc mấy tuổi cho đến ngày hôm nay, em đã từng nói
với anh rằng, đi học và rời khỏi nhà là bước đầu tiên trong trình tự thực hiện
giấc mơ của em. Em sẽ sống thật tốt, anh cũng thế, phải sống thật tốt đấy.
Khánh Đệ làm đúng như những gì cô đã hứa, ở Nguyên Châu cô sống như cá gặp
nước. Học phí được miễn hoàn toàn vì cô cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về nông
thôn dạy ba năm, việc học hành đối với cô rất nhẹ nhàng, sau giờ học cô còn đi
làm thêm. Chi phí sinh hoạt của cô không nhiều, tiền kiếm được không chỉ tiết
kiệm để sau này cho Ái Đệ đi học, mà còn gửi một chút vào tài khoản của người
nào đó trong nhà tù ở Dã Gia Sơn.
Chưa đến hai tháng, cô nhận được một tấm thiệp xinh đẹp do người bạn học cấp
ba Đàm Viên Viên gửi, chị Chu - biên tập viên của tạp chí tuổi mới lớn mà cô
thường hay viết thư qua lại, gửi thiệp chúc mừng cô thi đỗ đại học, còn gửi kèm
cả một bức thư ngắn đặt hàng bài viết của cô.
Khánh Đệ lại cầm bút sau một thời gian dài lãng quên, tận dụng chút thời gian
eo hẹp, bắt đầu viết tản văn và tiểu thuyết về tuổi thanh xuân. Món tiền nhuận
bút đầu tiên được gửi đến, cô vui mừng khôn xiết, nhưng chẳng có ai để chia sẻ
nó, nên lại thấy hơi buồn. Cô mua cho Ái Đệ một chiếc áo định Tết sẽ mang về làm
quà, rồi lại nghĩ đến Bành Tiểu Phi, giờ cô đã biết sự khác biệt giữa nước Tonic
và nước giải khát có ga một tệ một chai trong các cửa hàng tạp hóa nhỏ rồi, thế
mà khi ấy cô còn nghĩ Bành Tiểu Phi tiết kiệm tiền thay cho mình. Nhưng Bành
Tiểu Phi đã quay lại trường để học thạc sĩ, đến cơ hội mời anh một bữa cơm để
cảm ơn cũng không được.
Buổi tối cô mời các bạn trong phòng ký túc ăn vịt quay, trường Đại học Sư
phạm Nguyên Châu và Đại học Công nghiệp là hàng xóm, chỉ một con phố nhỏ mà có
tới hai trường đại học, thường xuyên có nam sinh viên trường Công nghiệp tới tán
tỉnh các nữ sinh trường Sư phạm. Khánh Đệ tay cầm cốc bia, vô cùng thích thú tò
mò nhìn bọn họ trao đổi ánh mắt.
Cô không biết hát, nên không thể ngâm nga tình cảm của mình giống anh; cô
không phải là họa sĩ, nên không thể đưa ra được tiêu chuẩn của cái đẹp; cô còn
chưa phải là tác giả, nhưng cô sẽ cố gắng, giống như anh đã nói, cố gắng quan
sát tỉ mỉ và trải nghiệm những niềm vui trong cuộc sống, nắm bắt mỗi khoảnh khắc
chớp nhoáng của sự rung động. Cô nghĩ, đợi sau này khi về già, những mảng ký ức
từng khiến cô xúc động này sẽ xâu chuỗi lại thành cuộc đời của cô, đầy ắp những
vui vẻ những lời cảm thán, ngay cả khi ngầm chìm trong áp lực của cuộc sống cũng
có sao đâu? Những mệt mỏi của hiện thực thì ảnh hưởng gì? Cuộc sống chẳng phải
chính vì nhờ những thứ đó mà trở nên đáng quý hơn ư?
Cuối thu rồi, trên con phố nhỏ trải đầy một màu vàng rực. Thời gian này năm
ngoái, sau khi ký tên vào tờ phán quyết của tòa án, anh bị chuyển tới trại giam
Dã Gia Sơn, nơi đó nằm ở một thị trấn nhỏ gần nhà cậu Khánh Đệ. Đó là thị trấn
Dã Nam mà từ nhỏ cô đã rất thân thuộc, hai bên con đường nhỏ trong thị trấn đều
trồng cây phong, vào tiết trời thu mát mẻ trong lành thế này, e là sau bức tường
cao anh không thể nhìn thấy được những sắc màu rực rỡ đó.
Hoặc có thể trên đường đi thăm anh, Nhạn Lam sẽ mang theo chúng vào nhà
giam.
Thật tốt biết bao, lòng bàn tay trắng muốt từ từ mở ra, đặt vào tay anh một
đám màu sắc của mùa thu, sau đó họ nhìn nhau cười, những việc khác không cần
phải nói nữa.
Yêu và được yêu đều may mắn cả.
Khương Thượng Nghiêu và Diêu Nhạn Lam là những người may mắn nhất trên thế
giới này, yêu sâu sắc đối phương đồng thời cũng được đối phương yêu sâu sắc
lại.
Còn việc em không được gặp anh, về bốn trăm chín mươi mốt ngày xa cách đó, có
gì quan trọng chứ. Khánh Đệ cứ mơ hồ suy nghĩ như thế mà đi vào giấc mộng
mị.
Nghỉ đông, Khánh Đệ về Vấn Sơn. Thành phố nhỏ này không vì sự rời đi của cô
mà thay đổi, gia đình cô cũng thế. Vào buổi tối lễ Năm Cũ (3) bố Khánh Đệ đã hất
đổ cả bàn ăn, nguyên nhân là trong lúc ăn cơm Ái Đệ lí nhí nói không muốn học
tiếp mà muốn đi bán quần áo ở đường Đại Hưng. Bố của Khánh Đệ sau khi hất đổ bàn
ăn định lao tới để dạy dỗ cô con gái nhỏ, trong lúc lức giận xông lên giẫm phải
đống thức ăn bừa bộn tung tóe dưới đất, đặc biệt là món bì lợn nấu đông mà ông
thích ăn nhất, kết quả ngã gãy chân. Thế là vào đêm Ba mươi Tết, bố cô nằm trên
giường với chiếc chân bó bột, ba người còn lại trong gia đình quây quần xung
quanh ông ăn bữa cơm đoàn viên, sau đó lại vào phòng cô vui vẻ một hồi.
(3) Lễ Năm Cũ là ngày lễ truyền thống trong văn hóa của Trung Quốc, do
phong tục ở mỗi địa phương khác nhau, nên những ngày lễ được gọi là lễ Năm Cũ
cũng không giống nhau. Ví dụ ở Thượng Hải, người ta gọi ngày trước đêm Giao thừa
là lễ Năm Cũ, còn ở những địa phương khác thì coi ngày 23, hoặc 24 tháng Chạp là
lễ Năm Cũ.
Năm mới, con gái lớn về nhà, ông chồng gãy chân thật đúng dịp, chẳng thể đi
ra đi vào đá thúng đụng nia, bao nhiêu việc vui ập đến cùng một lúc, khiến ánh
mắt mẹ Khánh Đệ rạng rỡ lấp lánh ý cười.
Khánh Đệ không buồn để ý tới cô em gái đang sung sướng âm ỉ thử đổ, mà quay
sang hỏi ý kiến mẹ: "Mẹ, những gì Tiểu Ái nói mẹ thấy thế nào?".
"Mẹ không có ý kiến gì cả, con gái cuối cùng rồi cũng phải lấy chồng, chỉ cần
học đủ để hiểu biết hơn là được rồi. Sớm đi làm kiếm chút tiền, tới lúc lập gia
đình nhiều của hồi môn, thì gia đình chồng cũng không thể coi thường được."
Biết rõ đáp án sẽ là như thế, Khánh Đệ vẫn không cam tâm: "Mẹ, giờ thời thế
đã thay đổi rồi".
"Mẹ hiểu. Bố con cũng nói như thế, bố con nói Ái Đệ xinh đẹp, cố gắng học
hành chắc chắn sẽ lấy được tấm chồng tốt. Bác con vài hôm trước còn…"
"Mẹ!" Ái Đệ lập tức ném chiếc áo đang thử xuống, sa sầm mặt mày nói: "Họ muốn
bán phắt con đi chứ gì, mẹ cũng vào hùa với họ nữa!".
Môi mẹ Khánh Đệ khẽ mấp máy, một lúc lâu sau mới nói được một câu: "Con gái
lấy được tấm chồng tốt là được rồi", nghe thấy tiếng lầm bầm của bố Khánh Đệ từ
phòng bên cạnh vọng sang, mẹ cô vội vội vàng vàng đáp lại một tiếng rồi đứng dậy
đi ra.
Trước ánh mắt chằm chằm của chị gái, Ái Đệ cảm thấy không được tự nhiên, nó
quay mặt đi tránh ánh mắt ấy mấy giây, rồi dường như quyết định điều gì đó lập
tức quay lại nhìn thẳng vào mắt chị: "Em thật sự không muốn học nữa. Mọi người
đều biết em không thể thi đỗ đại học, em lại chẳng giống chị, ngồi lì trước bàn
học cả mấy tiếng đổng hồ cũng chẳng ê mông. Chị, chị còn nhớ lần nói chuyện của
chị em mình mấy năm trước không? Khi ấy hỏi chị có dự định gì, đánh chết chị chị
cũng không chịu nói. Lúc ấy, chị đã có ý định rời khỏi nhà rồi phải không, chị
đã có ý định bỏ lại mẹ và em rồi phải không? Vì thế nên rõ ràng chị có thể thi
vào một trường đại học tốt hơn, nhưng lại chọn học trường sư phạm đáng chết ấy.
Vì vậy chị thà học sư phạm chứ không chịu để bố trả tiền học phí cho mình không
muốn nhận ân huệ của ông ấy nữa. Chị có thể làm mồng Một lẽ nào em không thể làm
ngày rằm? Em cũng muốn sớm kiếm được tiền sớm độc lập, chị đi rồi...". Ái Đệ
khịt mũi, ấm ức mếu máo, nói tiếp: "Chỉ còn lại một mình em thôi. Tại sao em
không thể rời khỏi đây chứ?".
Trong những lời trách móc của em gái còn mang theo cả sự lưu luyến bịn rịn,
ánh mắt trách cứ của Khánh Đệ chuyển sang bi thương, trái tim cũng mềm ra như
nước, bước tới cầm chiếc áo mới mua cho nó lên, kéo Ái Đệ đến ngồi cạnh mép
giường, nói:
"Ai nói chị đi rồi, chị chỉ đi xa vài năm, học xong chị sẽ lại về. Vấn Sơn dù
có tồi tệ đến đâu cũng là nhà của chúng ta, còn có mẹ nữa. Học sư phạm không tốt
ư? Cơ hội tìm việc cũng dễ hơn các ngành khác, sau này tiết kiệm cũng đủ để nuôi
ba người chúng ta. Còn nữa, em còn nhỏ như thế mà đi buôn bán, bị người ta lừa
thì làm thế nào? Ai cho em tiền vốn? Bố thì chắc chắn là không rồi, mà số tiền
chị tiết kiệm được cũng không đủ".
"Em hỏi vay bác gái. Bác trai thăng chức phát tài, bác gái có làm rơi vãi một
ít qua kẽ tay thì đã làm sao? Bọn họ định làm gì em còn không biết? Tưởng em là
trẻ con chắc. Coi em là trẻ con cũng được, em mới có tí tuổi mà đã nhắm vào em
để trục lợi rồi?" Ái Đệ phì cười: "Vừa rồi những lời mẹ nói chị không nghe thấy
sao? Em mặc kệ, có tiền em cứ vay trước đã, sau này em phát tài rồi, xem họ định
giở trò gì với em".
Khánh Đệ thầm thở dài, càng kinh ngạc càng hỏi bằng giọng ân cần dịu dàng
hơn: "Bác gái và bố có kế hoạch gì? Bà ấy đã nói gì với em?".
Khuôn mặt vẫn còn những nét trẻ con của Ái Đệ khẽ nghếch Iên, khóe miệng cười
đầy vẻ chế giễu: "Anh họ giờ đang làm gì chị có biết không? Anh ta không dám làm
ăn ở Vấn Sơn, vì sợ gây sự chú ý, người ta chạy sang thành phố bên cạnh mua cả
hai quả núi, giấy phép bị giữ nên không làm gì được. Mấy hôm trước bác gái nói
đưa em đi chơi, đến nhà một người ở thành phố bên cạnh, trên đường đi còn khen
em ngoan, biết nghe lời, sau này sẽ cho em đi Nguyên Châu học đại học. Ở nhà
người đó em nhìn thấy cái gì chị biết không?".
"... Thấy cái gì?"
"…Thấy một người bị down!" Hai má Ái Đệ đỏ bừng lên, dường như đang nhớ lại
nỗi nhục nhã của ngày hôm ấy. "Hơn hai mươi tuổi rồi còn gọi em là chị chị, rớt
dãi chảy dầm dề. Mẹ anh ta nhìn em từ đầu tới chân mười mấy lần, chỉ thiếu nước
vạch mồm em ra kiểm tra răng thôi".
"... Khốn nạn!"
"Đúng, đúng là rất khốn nạn! Đáng căm hận nhất là khi về họ đưa bao lì xì cho
em thì bị bác gái cầm mất, thật ức quá! " Ái Đệ tức giận đá vào một cái chân ghế
để xả.
Khuôn mặt đang tràn ngập tức giận của Khánh Đệ vì câu nói cuối cùng của em
gái mà bùng nổ, cô dựa người vào chiếc chăn gấp để cuối giường bịt miệng khẽ
cười.
Ái Đệ ấm ức liếc mắt nhìn chị, lẩm bẩm nói: "Còn cả chị nữa, chẳng thương em
gì cả".
"Vốn đang rất lo lắng, nhưng thấy Tiểu Ái của chị rất lợi hại, có lẽ sẽ đối
phó được." Khánh Đệ vuốt mái tóc dài của em, rồi lại hỏi: "Sau đó thì sao? Tại
sao Ngụy Hoài Nguyên không yên ổn mà sống ở Vấn Sơn? Chẳng phải chị dâu vẫn muốn
anh ta luôn ở trong tầm mắt mình à? Dễ dàng để anh ta ra ngoài làm bậy
sao?".
"Chẳng có sau đó, sau đó bác gái ra sức vỗ ngực nói trời nói đất với em,
nhưng em chỉ thoái thác là để vài năm nữa, giờ em còn nhỏ. Bác ta lại đến thì
thầm to nhỏ với bố, em nói với bố là đừng có nông cạn như thế, với khuôn mặt này
của em, để vài năm nữa tìm đường dây của bác gái, bố muốn có một anh con rể có
tiền có quyền thế nào mà chẳng được? Cần một thằng con rể bị down thì làm được
gì? Còn Ngụy Hoài Nguyên..." Ái Đệ lén liếc trộm chị một cái, ngập ngừng định
nói rồi lại thôi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT