Tuy Xu nói muộn giờ không đi ăn được nhưng khi đến trường, cậu ta vẫn đi về hướng canteen. Điều này đúng như tôi nghĩ, tôi còn giả vờ hỏi lại:

- Ơ, sao lại đi hướng đó, lớp mình đi hướng này cơ mà.

- Có người kêu đói bụng, không học được còn gì

Cậu ta hừ lên một tiếng. Tôi cười tủm tỉm đi đằng sau. Hai chúng tôi gọi hai tô mì thịt bò rau cải, ăn vội ăn vàng để còn kịp giờ vào lớp.

Tan ca học, điện thoại của tôi đổ chuông. Tôi không nhìn số người gọi đến mà nhấn nút trả lời:

- Alo, xin hỏi ai gọi cho Phụng Yến đấy ạ?

- Là anh. Anh đang chờ em trước cổng trường.

Tôi ngạc nhiên, đi nhanh về phía cổng trường. Giờ tan trường nên trước cổng trường và chỗ gửi xe rất đông. Tôi dáo dác nhìn xung quanh. Ánh đèn đường lờ mờ hắt lên một bóng người cao lớn, khoảng 1,7 -1,8m, dáng hơi gầy, đứng thẳng tắp y như cái cột đèn đằng sau. Anh nhìn thấy tôi đang ngó dáo dác tìm nhưng anh không gọi tôi. Cho tới khi tôi nhìn thấy anh, anh mỉm cười. Nụ cười ấy, tôi bỗng cảm giác yên bình.

Tôi bước nhanh ra chỗ anh đứng, nhìn anh.

- Em định trốn anh phải không? Anh nói trước với em là rất khó trốn. Em học lớp nào, tầng nào anh cũng biết. Thậm chí anh còn biết, hôm nay em đi học muộn là bởi vì còn mải ăn mì trong canteen.

Tôi trừng mắt nhìn anh, cắn cắn môi.

Anh bảo tôi lên xe. Anh sẽ đưa tôi đi ăn rồi đi uống cà phê. Anh nhẹ giọng:" Đừng từ chối, anh có chuyện muốn nói với em".

Tôi lấy điện thoại ra, gọi cho Xu bảo có bạn đưa tôi về rồi. Sau đó tôi lên xe của anh. Đi trên đường, gió thổi vù vù, tôi ngồi cách anh một khoảng trống, giống như mỗi khi tôi ngồi cùng xe với người khác. Anh im lặng, một tay vòng ra sau lưng, tìm tòi bàn tay tôi. Anh nắm lấy tay tôi, nhẹ nhàng kéo tay tôi ôm lấy eo của anh. Tôi bị kéo như vậy nên buộc lòng phải ngồi gần anh hơn. Bàn tay anh thật ấm, các ngón tay gầy gầy, xương xương nhưng rất có lực. Tôi im lặng vòng tay ôm anh.

Đến quán ăn có vẻ ngoài bình thường, anh đỗ xe lại, bảo tôi vào bên trong ngồi chờ anh đi gửi xe. Bên trong quán ăn sạch sẽ, cũng có vài cặp đôi đang ngồi ăn. Có điều, bàn nào cũng là hai người đi chung, có thể họ là bạn bè, có thể họ là người yêu, tôi quan sát một lượt và đoán thế.

Anh bước vào quán, mang theo hơi lạnh từ bên ngoài vào. Anh ngồi đối diện với tôi, đưa thực đơn cho tôi chọn món. Tôi không kén ăn, miễn sao no bụng là được. Tôi nghiên cứu rất nhanh rồi gọi vài món ăn nhẹ. Bởi vì là ăn thêm nên tôi tránh gọi món nhiều dầu mỡ. Tôi bao quát xung quanh một lần nữa, những cặp đôi kia họ toàn ngồi cùng một phía với nhau, riêng đôi của chúng tôi là hai người ngồi đối diện.

Anh thấy tôi nhìn xung quanh như vậy, chỉ mỉm cười nhìn tôi. Anh đưa tay ra, nắm lấy hai bàn tay tôi. Một luồn hơi ấm bao trùm hai bàn tay lạnh giá của tôi khiến tôi rùng mình một cái. Nếu bạn đang đi ngoài đường lạnh giá, mà bạn bước vào một nơi ấm áp, kín gió, bạn sẽ hiểu được cái rùng mình này của tôi.

Anh nói: " Tay em lạnh quá, để anh muốn ủ ấm cho em".

Tôi cúi đầu, đỏ mặt.

Tôi không hiểu vì sao, cứ đến mùa đông lạnh giá, chân tay tôi rất lạnh.Kể cả tôi đi găng tay và đi tất, nhưng nếu ai đó cầm tay tôi, lúc đó tôi có đi găng tay đi chăng nữa, người kia vẫn cảm nhận được tay tôi rất lạnh. Huống chi là tôi không đi găng tay thì bàn tay tôi lạnh buốt đến cỡ nào. Tôi không thể mặc quá ấm. Nếu mặc quá ấm thì sẽ bị đổ mồ hôi, như thế tôi hay bị cảm lạnh và ốm. Tôi mặc áo vừa đủ ấm, thỉnh thoảng vẫn có một chút gió lạnh len lén lùa vào bên trong. Tuy hơi rùng mình vì lạnh nhưng tôi lại không bị ốm như khi tôi mặc quá ấm. Cơ thể tôi quả là kỳ lạ.

- Cứ vào mùa đông, chân tay em đều lạnh như thế này dù có đi găng tay hay đi tất đi chăng nữa - tôi thành thật trả lời

- Đó là bởi vì em có một mình. Nhưng bây giờ em có anh, đôi tay này sẽ không bị lạnh nữa - anh chăm chú nhìn tôi nói

Tôi ngẩng đầu nhìn anh, cười, không nói gì thêm.

Thật lòng tôi không hi vọng anh với tôi sẽ bước thêm một bước. Tôi không cần biết bối cảnh gia đình anh thế nào, chỉ xét riêng về học vấn, tôi thua xa nhanh. Tôi nghe chị Phương Hằng nói anh là sinh viên xuất sắc. Ngay từ năm cuối Đại học, Bộ đã có lời mời về cơ quan công tác. Anh còn học thêm thạc sĩ và cả cái gì đó nữa, tôi không để đầu lắm nên không nhớ.

Món ăn được đưa lên. Tôi xếp bát, còn anh lau đũa và thìa. Tôi ăn chậm như bản tính vốn có. Tôi ăn cơm ở nhà hay ở công ty, hoặc ăn tiệc ở đâu đó, tôi cũng đều ăn chậm. Tôi vừa ăn vừa nếm xem món ăn họ nấu có những vị gì, dùng nguyên liệu gì để nấu. Tôi bắt đầu có thói quen để ý này kể từ khi đi làm, được đi ăn nhiều nơi, nghe mọi người bàn luận về món ăn, điều này khiến tôi chú ý.

Anh vừa ăn vừa nhìn tôi. Hai người chúng tôi ăn trong yên lặng. Ăn xong, anh đưa đến một quán cà phê. Nhìn từ bên ngoài vào, quán mang phong cách đơn giản, cảm giác rất " chất phác". Tôi nghĩ, người chủ quán ắt hẳn là người giản dị.

Bước vào quán, không gian đúng như tôi nghĩ, mọi thứ đều bài trí đơn giản nhưng gọn gàng sạch sẽ. Tôi chọn bàn, ngồi xuống, lúc đó, anh mới ngồi xuống và vẫn ngồi vị trí đối diện tôi. Quán cà phê có người dắt xe nên từ khi bước vào quán, anh đều nắm tay tôi, nhẹ kéo đi về phía trước. Tôi nhìn bàn tay to lớn ấm áp kia, tâm tư hơi có chút hỗn loạn.

Anh dường như hiểu được ý nghĩ của tôi. Anh vẫn duy trì nụ cười nhẹ nhàng, còn tôi, dường như bị lạc vào trong nụ cười đó tự lúc nào. Hai chúng tôi gọi đồ uống xong xuôi, anh liền mở lời:

- Em có câu hỏi nào về anh không?

- Em không

- Em không tò mò về anh sao?

- Em không - tôi trả lời như một cái máy

- Em không để ý đến anh sao?

- Em không

- Vì sao vậy?

- Chẳng vì sao cả.

- Em không có cảm giác với anh?

- Em với anh biết nhau chưa lâu, làm sao nói có cảm giác hay không có cảm giác.

- Lý lịch trích chéo của em, anh biết hết rồi. Còn về phần anh, sẽ nói cho biết. Anh quê ở huyện A. Nhà anh có 4 anh chị em. Anh là con thứ 3 trong gia đình. Anh chị anh đã lập gia đình, dưới anh còn một cô em út đang học năm cuối Học viện Ngoại Giao. Bố mẹ anh là công nhân viên chức bình thường. Ở quê anh vẫn còn đồng ruộng. Nhưng bố mẹ anh thoát ly đi làm công nhân nên không có ruộng. Từ khi nghỉ hưu sớm theo diện mất sức, bố mẹ anh thuê ruộng của người ta để làm. Bố mẹ anh năm nay gần 50.

Tôi bất giác lẩm bẩm tính toán. Anh cười cười nhìn tôi. - Bố mẹ anh ở quê nên lấy chồng lấy vợ sớm lắm. 18 tuổi mẹ anh đã lấy chồng, 19 tuổi đã sinh con rồi. Không như ở Hà Nội, mọi người lập gia đình muộn hơn. Như anh ở quê đã bị giục lấy vợ rồi.

- Anh hi vọng, em sẽ đồng ý qua lại với anh. Anh muốn bước vào cuộc sống của em. Anh muốn hiểu em hơn nữa. Vì thế, đừng trốn tránh anh có được không?

- Em không trốn tránh anh. Anh đừng nghĩ nhiều như thế. Với điều kiện của anh, có thể tìm được người thích hợp hơn em. Em không thích hợp với anh. Em xin lỗi.

- Sao em biết em không thích hợp với anh? Em tự cho là như thế phải không?

- Vâng, em là đứa con gái ngang tàng, bướng bỉnh, học vấn thấp, gia đình lại bình thường, công ăn việc làm không ổn định. Nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, em với anh cũng không cân xứng.

- Em đã nghĩ tới cả điều đó rồi cơ à? Chứng tỏ em có để ý đến anh.

- Bất kỳ ai nhìn vào đều thấy rõ, điều này không cần phải suy nghĩ hay cân nhắc gì nhiều. Anh làm việc liên quan đến đối ngoại, hơn nữa là bộ đội, có sự nghiêm túc và đứng đắn. Anh nhìn em xem, có chỗ nào biểu hiện em là người nghiêm túc, đứng đắn không?

- Em hình như tự ti về bản thân.

- Anh hiểu thế nào cũng được.

Tôi nhìn chăm chú tách cà phê nâu sữa. Mùi cà phê thoang thoảng trong không khí, thơm nồng. Chóp mũi tôi hơi cay cay, tôi bặm môi. Tôi vốn rất ít khóc, đặc biệt, tôi không khóc trước mặt ai bao giờ. Khả năng kiềm chế của tôi rất cao.

Anh hình như nhìn thấy được nội tâm giằng xé của tôi. Anh không nói gì, kêu phục vụ đổi thức uống khác cho tôi.

Tôi hung hăng nhìn anh, cầm cốc cà phê dốc thẳng vào cổ họng, rồi vênh mặt lên nhìn thách thức.

Anh vẫn yêu cầu mang thức uống khác cho tôi. Anh nói: "Em đừng tưởng làm thế thì anh sẽ chán ghét em. Anh không dễ dàng bỏ cuộc thế đâu. Con gái, buổi tối uống cà phê không tốt, sẽ hại da".

Tôi thả lỏng người, dựa lưng vào thành ghế, cầm tách cà phê trống rỗng, tâm tư hỗn độn.

Tôi cứ trầm mặc như thế cho tới khi người phục vụ mang một ly nước quả cho tôi. Tôi nhìn chăm chú ly nước quả, rồi nhìn anh, rồi lại nhìn ly nước quả. Tôi không kịp suy nghĩ gì thêm, tôi khoác vội balo lên vai, rất nhanh lao ra cửa, bước luôn lên chiếc xe taxi đang đỗ chờ khách. Bởi vì ngày thường lịch học của tôi được sắp xếp khít khao từng phút từng giờ nên động tác của tôi thường nhanh và dứt khoát, lâu dần thành thói quen. Nghĩ là làm luôn, bởi vậy sau một loạt động tác liên hoàn như vậy, Khánh Phong không đuổi kịp theo tôi. Anh tính tiền xong thì tôi cũng đã ngồi lên taxi đi mất. Trên đường đi, tôi gọi cho Xu, hẹn cậu ta ra vườn hoa trong công viên. Chú lái taxi nhìn tôi qua gương với ánh mắt khinh bỉ. Chắc chú nghĩ tôi là con gái hư hỏng. 10 giờ đêm, chủ động hẹn bạn trai ra công viên. Tôi đã quá quen với những ánh mắt như vậy nên tôi không không để ý.

Tôi đứng chờ Xu ở cổng công viên. Giờ này mà đi vào công viên một mình rất nguy hiểm. Hoặc là gặp kẻ hút chích, hoặc là gặp cướp. Vườn hoa mà tôi hẹn Xu ngay lối đi ở cổng công viên, chỗ đó có đèn cao áp, xung quanh có dàn đèn hắt lên chiếu sáng cả một vườn hoa. Buổi tối nhìn vườn hoa lung linh rất đẹp. Gọi là công viên nhưng thực chất là một khu quần thể có hồ nhân tạo và vườn hoa, có xích đu, có chỗ sân cỏ tạo không gian xanh cho trẻ em vui chơi giải trí.

Tôi cúi đầu nhìn mũi giày vải dính bụi lấm lem, từng cơn gió lạnh hun hút thổi tới, tôi cởi dây buộc tóc, xõa tóc ra. Hai tay đút vào túi áo, chờ đợi.

Cuối cùng cậu ta cũng đến. Nhìn thấy tôi đứng trong gió lạnh như vậy có chút cảm thương. Tôi nhìn thấy trong mắt cậu ấy một sự thương hại. Bỗng nhiên tôi nổi nóng với cậu ấy. Tôi quát tháo cậu ấy, cấm không cho nhìn tôi với ánh mắt thương hại như thế. Tôi không cần sự thương hại của bất kỳ ai cả. Cho tới mãi về sau này, tôi mới biết, ánh mắt lúc đó của Xu lúc đó không phải là sự thương hại.

Chờ cho tôi phát tiết xong, Xu nhẹ nhàng bảo : - Đứng ở đây gió lắm, ra kia ngồi đi.

Tôi ngồi bệt xuống bờ đá viền bao quanh vườn hoa. Tôi co chân, gục mặt xuống gối, ngồi khóc. Xu vẫn im lặng chờ đợi. Tôi không hiểu vì sao tôi lại có thể khóc ngon lành trước mặt cậu ta. Có thể, với cậu ấy, tôi không cần phải phòng bị cái gì cả. Khi ở bên cạnh cậu ấy, tôi là chính tôi. Tôi coi cậu ta là một người bạn đúng nghĩa. Hơn nữa, cậu ta cũng chẳng biết gì về công việc của tôi cả. Một lần cậu ta hỏi tôi công việc hiện tại là gì. Tôi nói với cậu ta rằng: tớ không thích ai hỏi quá sâu vào đời tư của tớ, trừ khi tớ cảm thấy thích hợp thì sẽ tự nói ra. Từ lần đó trở đi, cậu ta không bao giờ hỏi tôi nữa.

Tôi khóc một hồi, rồi kể hết mọi chuyện cho cậu ta nghe. Tôi kể về công việc của tôi, kể về những con người mà tôi gặp ở bể bơi, về những điều vụn vặt tôi học được từ cái xã hội thu nhỏ đó. Tôi kể về Khánh Phong, về điều anh ấy đã nói với tôi, cả điều tôi từ chối anh ấy.

Xu không nói gì, vẫn nhìn ra phía trước, lẳng lặng lắng nghe tôi nói. Cậu ta nghe thấy tiếng tôi hắt xì, nhẹ giọng nói:" Phụng Yến, về thôi. Muộn rồi".

11 giờ 30 đêm, tôi về đến khu tập thể.

- Để tớ đưa cậu lên nhà - Xu nói nhỏ

- Tớ có phải là em bé đâu mà cần phải dắt lên thế. Nhà tớ ở tầng nào tớ lại không biết, tớ đi lạc được chắc - tôi nhỏ giọng trêu chọc Xu

- Muộn rồi, nhỡ đâu mẹ cậu mắng, tớ sẽ nói thay cậu có phải hơn không?

- Cậu điên à, mẹ tớ nhìn thấy tớ đi cùng cậu có khi lại càng mắng nhiều hơn ý chứ. Đêm muộn rồi lại còn đi chơi với con trai, hàng xóm lại tưởng tớ yêu đương sớm. Cậu về đi.

Tôi nói xong thì quay lưng dứt khoát đi lên nhà. Tôi không có thói quen nhìn lại đằng sau lưng. Lúc quay lưng đi, tôi nhìn thoáng trong vườn hoa có một bóng người ngồi cao ngất, bất động ở ghế đá trước khu tập thể. Thỉnh thoảng có người ngồi đó chờ cửa, chờ người yêu, thậm chí có người còn ôm hôn nhau ở chỗ đó, có khi là người nghiện, chích xong ngồi phê thuốc. Tôi không có thói quen chú ý đến những điều vụn vặt đó. Tôi tập trung vào việc của tôi. Tôi bước lên cầu thang tầng 1, cảm giác có người bước sau lưng. Tôi hơi sợ. Tôi đi nhanh đến đầu cầu thang tầng 2, đúng lúc ánh đèn cao áp chợt sáng. Bình thường đèn cao áp được bật từ 6 giờ tối, nhưng chả hiểu sao hôm nay lại bật muộn như vậy. Nhờ ánh đèn hắt lên, tôi liếc mắt nhìn xuống phía cầu thang tầng 1, đúng là có một người đàn ông đi theo sau lưng tôi, cách tôi khoảng nửa cầu thang. Khi tôi bước chân lên bậc thang tầng 3 thì anh ta đang đi lên bậc thang tầng 2. Bóng dáng này có điểm quen quen. Bóng người cao gầy, khoảng 1,7-1,8m, bước chân lên bậc thang không phát ra tiếng động. Chẳng lẽ là.... ..... Tôi sững sờ, bất động.

Là anh, Chu Khánh Phong. Chính là anh ấy.

Tôi không nghĩ anh lại ngồi dưới khu nhà chờ tôi về. Tôi cứ đứng như thế im như thế nhìn anh. Đôi mắt anh sáng như hai ngôi sao nhỏ, ngẩng đầu nhìn tôi. Chân tôi như bị đổ chì, cứ đứng như thế, không nhúc nhích được. Anh đến gần tôi, xoay người tôi lại, nhẹ nhàng ôm tôi vào ngực. Anh thì thầm: "Cho anh cơ hội bước vào cuộc sống của em, có được không?"

Giọng anh thật êm, lồng ngực của anh thật ấm, vòng tay anh thật vững chãi. Tôi hít mùi hương của anh. Bỗng nhiên tôi giật mình. Tôi đẩy anh ra, không nói gì, dứt khoát bước lên cầu thang. Anh có đi theo tôi hay không, tôi cũng không biết. Mà tôi cũng chẳng cần biết. Một lúc nữa, khi mẹ tôi ra mở cửa sắt chung, anh sẽ được biết một phần cuộc sống hàng ngày của tôi. Anh sẽ chán, sẽ tự động bỏ rơi tôi thôi.

Tôi gọi nhẹ ngoài cửa sắt chung: " Mẹ ơi, mở cửa cho con".

Tôi gọi đến lần thứ 4, mẹ tôi lầm bầm chửi rủa. Mỗi lần tôi đi về muộn, mẹ tôi luôn là người mở cửa cho tôi. Và vẫn như mọi lần, mẹ tôi sẽ nói:

- Tổ sư mày, đi đến giờ này mới về à? Học hành chó gì, có khi lại đi đàn đúm hội hè vớ vẩn. Cái loại đi học mà đến 11 - 12 giờ đêm mới về thế này, chỉ có đi học làm đĩ thôi. Mày nhìn xem, bây giờ là mấy giờ mới vác mặt về. Cơm hàng cháo chợ sướng nhỉ? Mày đ...thương tao. Ở nhà tao nghe bố mày chửi rủa cả ngày lẫn đêm, còn chúng mày sáng vác mặt ra khỏi nhà, tối đêm mới thèm mò về. Tao mà không vướng cơm nước cho chúng mày, tao cũng đi. Chứ ở nhà mà nghe bố mày chửi rủa đến điên cả đầu làm gì.

Cũng như mọi lần, tôi không nói gì cả, lẳng lặng đi vào. Mẹ tôi lầm bầm chửi rủa tôi cho tới khi tôi đi mệt thì thôi.

Nhà tôi ở tập thể. Mỗi căn hộ khép kín 35m, có hai phòng. Mùa đông, mẹ tôi và Phụng Lê sẽ ngủ trên giường ở phòng trong, bố tôi ngủ trên đệm ở phòng ngoài, cũng chính là phòng khách. Còn tôi, dù là mùa đông hay mùa hè, tôi đều nằm trên ghế đi-văng cạnh cửa sổ. Mùa đông, mẹ tôi treo rèm cửa cản gió, từng đợt gió thổi phồng cả rèm. Lòng tôi cũng lạnh như băng. Hay là bởi tại tôi được sinh ra vào một ngày mùa đông giá rét nên tính tình tôi mới cứng rắn và khô khan như thế.

Lại nói đến sinh nhật. Cũng sắp đến sinh nhật tôi rồi. 1-12. Tôi nhớ năm đầu tiên khi chuyển ra khu tập thể này, tôi phát hiện ra người hàng xóm cũng có ngày sinh nhật trùng với tôi. Sáng hôm sau, tôi gặp anh ấy, anh ấy chủ động hỏi có phải chính xác ngày sinh nhật của tôi là ngày 1-12 hay không. Tôi gật đầu, cười. Sang năm sau, sau khi bạn bè tôi về hết. Anh mang sang cho tôi một bó hoa, anh bảo ở nhà anh quá nhiều hoa, để không hết nên mang cho tôi một bó, nhờ tôi dùng hộ. Tôi rất vui vẻ nhận lời.

Tôi rất thích hoa. Phàm bất kể thứ gì có gắn hoa tôi đều thích.

Tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi nhớ đến lời nói của Khánh Phong. Lần đầu tiên, tôi mất ngủ, mà nguyên nhân lại liên quan đến đàn ông.

Sáng hôm sau, 7 giờ sáng, tôi lơ mơ dậy. Mẹ tôi vẫn lầm bầm chửi tôi vì cái tội đêm qua về muộn. Tôi ra ban công vừa lúc gặp Quốc Cường xách cặp đi làm. Tôi và anh nhìn nhau cười, thay cho lời chào. Hôm nay tôi làm ca tối, vị trí vệ sinh công nghiệp. Bữa trưa hôm nay tôi nấu. Phụng Lê cũng vội vã ra khỏi nhà. Nhà tôi gần bến xe buýt nên Phụng Lê thường đi xe buýt đi học. Phụng Lê cùng đi xuống cầu thang với Quốc Cường.

Ăn cơm trưa xong, tôi lái xe đến bể bơi. Hôm nay tôi làm cùng ca với chị Thúy Chi và chị Lương Hiền. Chị Lương Hiền vừa là giáo viên dạy bơi, vừa xin làm vị trí cứu hộ.

Mùa đông, vắng khách hơn mùa hè nên khi có thời gian rỗi, tôi thường đọc sách hoặc nói chuyện với chị Thúy Chi. Tôi kể cho chị Thúy Chi về Chu Khánh Phong. Nghe xong, chị nhìn tôi. Tôi hiểu cái nhìn đó là gì. Chị tỏ ý không đồng tình về cách hành xử của tôi với Khánh Phong. Tôi cụp mắt xuống. Chị Thúy Chi thở dài. Với chị, tôi luôn là đứa con ngoan và hiếu thảo, chỉ có điều tôi bướng bỉnh và quá thẳng thắn. Điều đó sẽ gây bất lợi cho đường đời về sau này của tôi.

Ăn cơm tối, cũng là lúc khách đến bể đông hơn một chút. Tôi giúp chị Thúy Chi bán đồ thể thao. Xong xuôi, không còn việc gì khác, tôi vào dãy ghế ngồi chờ thay đồ ở phía bên trong dành cho khách nữ, tôi mang sách ra đọc.

Tôi nghe thấy tiếng chị Thúy Chi gọi tôi: "Phụng Yến, có bạn tìm này".

Tôi ló cổ ra: "Dạ, em ở đây. Em ra ngay đây".

Tôi đi ra ngoài, hơi giật mình một chút. Tôi rất nhanh lấy lại bình tĩnh. Tôi nhìn thấy Khánh Phong, đang ngồi ở hàng ghế dành cho khách. Bên trong anh mặc sơ mi kẻ caro, bên ngoài, anh quàng khăn màu xanh dương, áo khoác dày. Anh mặc quần jean, đi giày thể thao.

Mùa đông, nhân viên bể bơi mặc đồng phục thể thao. Tôi hơi gầy nên mặc bộ thể thao nhìn như hơi rộng. Có hai anh em sinh đôi, là khách bơi thường xuyên ở bể, thường dùng thẻ VIP. Tôi nghe mọi người phỏng đoán chắc bố mẹ hai người đó làm chức quyền nên thường dùng thẻ VIP. Tôi lấy nước mời Khánh Phong, rồi ngồi cạnh anh, hai anh em sinh đôi ngồi bàn đối diện với tôi. Họ vừa bơi xong, đang lau tóc.

- Sao anh biết em làm ở đây?

- Chẳng có cái gì liên quan đến em mà anh không biết?

- Thế cậu có biết ở bể bơi Phụng Yến là hoa hậu không? - chị Thúy Chi chen lời.

- Chị, chị cứ trêu em. Em thì xinh đẹp gì? - Tôi đỏ mặt cãi lại

- Ui giời, sân bay thế kia thì hoa hậu cái gì - Một trong hai anh em sinh đôi kia nói chen vào.

Tôi đã quá quen với những lời sỗ sàng như thế nên chẳng quan tâm lắm.

- Cậu không nhanh tay trói Phụng Yến thì dễ bị hớt tay trên lắm đấy. Ở bể có mấy anh Tây với mấy cậu trẻ trẻ thích Phụng Yến lắm. Nhưng con bé này nhìn thấy lũ con trai là trốn như trốn cọp ấy - chị Thúy Chi cố tình khơi ra.

- Khiếp, xấu như ma ai thèm vợt - một trong hai người sinh đôi lại chen lời vào.

Tôi trừng mắt nhìn họ. Hai người đó giống nhau như đúc nên tôi không phân biệt được đâu là anh, đâu là em. Một người tên Đức Long, một người tên Minh Long. Nhưng tôi chịu, không thể phân biệt được hai người bọn họ.

- Tôi xấu đấy, hai cậu còn nhìn tôi làm gì cho bẩn mắt - tôi phản bác

- Cũng biết xấu cơ à? Có hai loại người khiến người khác phải nhìn: một là quá xinh, hai là quá xấu. Mà em thì quá xấu. Tôi buộc phải nhìn thôi - một trong hai người thản nhiên nói

- Ai là em đấy. Giở chứng minh thư ra xem ai lớn hơn ai nào?

- Con gái dù có hơn tuổi thì vẫn làm em thôi. Sự thật vẫn là như thế còn gì. Bây giờ gọi anh đi cho quen miệng.

- Hừ !

Tôi không thèm đôi co với bọn họ. Tôi quay sang giới thiệu bể bơi nước nóng với Khánh Phong. Anh chăm chú lắng nghe, rồi nói:

- Em có biết bơi không?

- Em không

- Không biết bơi để anh dạy cho em - một trong hai người sinh đôi lại chen vào.

- Không ai dạy hai cậu khi người khác nói chuyện không được nói xen vào hay sao? - tôi cáu.

- Hi, Yến - một giọng lơ lớ vang lên. Tôi quay sang nhìn. Đó là Gonzalo - anh chàng người Tây Ban Nha đang theo đuổi tôi.

Tôi có chút đau đầu khi nhìn thấy anh ta. Tôi chỉ muốn làm bạn, nhưng anh ta lại nói thẳng rằng anh ta rất thích tôi.

- Yến, lâu rồi không gặp em. Anh vừa đi công tác về. Anh nhắn tin cho em nhiều lần rồi sao em không trả lời - Gonzalo thẳng thắn hỏi.

- Dạo này em có chút bận, lại hay quên kiểm tra điện thoại - tôi nói dối.

- Cô ấy là đang là người yêu của tôi đấy - một trong hai người sinh đôi nói với Gonzalo.

Gonzalo nhìn tôi với ánh mắt tức giận.

Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi lại rơi vào cái tình huống chó má này. Tôi cũng chẳng buồn giải thích với thanh minh với Gonzalo. Thôi, cứ coi như là thế đi.

Chị Thúy Chi cười bí hiểm. Chị Lương Hiền nín cười.

Tôi nhìn sang Khánh Phong, anh lơ đãng nhìn vào bên trong bể bơi, coi như không nghe thấy câu chuyện vớ vẩn kia.

Chị Thúy Chi nói tôi đi tắm gội sớm rồi về sớm. Hôm nay có bạn trai chờ, chị ấy đặc cách cho tôi tan ca sớm.

Vì chúng tôi làm ở bể bơi nên việc bơi lội và tắm gội cực kỳ thoải mái. Tôi được nghe chị Hiền dạy bơi nhiều lần, cộng với nhìn nhiều người học bơi mãi cũng thành quen. Tôi nghĩ, nếu chị Hiền dạy, chắc tôi cũng sẽ nhanh biết bơi. Tôi ngó vào bể bơi, nhìn thòm thèm

Bể bơi nơi tôi làm việc hoàn toàn trong nhà, ngăn cách bên trong với bên ngoài là một dãy kính chịu lực dày 5cm, cao khoảng 2-3m. Nghĩa là người bên trong và bên ngoài đều nhìn thấy nhau. Khánh Phong nhìn vào bể bơi, anh ủng hộ tôi học bơi. Tôi ngại ngùng lắc đầu.

- Chắc sợ lộ ra thân hình sân bay chứ gì - giọng nói đáng ghét của một trong hai anh em sinh đôi kia lại vang lên.

- Thân hình tôi thế nào kệ tôi, liên quan quái gì đến hai người, làm sao hai người cứ chõ miệng vào thế - tôi cáu thực sự

- Sao lại không liên quan, nếu thích học bơi, hai anh đây sẽ dạy em. Người khác đừng mơ có cơ hội ôm em dưới nước nhé.

- Hai người có bị điên hay không? - tôi hét lên.

Hai cái người giống nhau chết tiệt kia cứ nhìn tôi tủm tỉm cười. Nhìn bộ dáng thật là đáng ghét. Tôi vùng vằng lấy đồ đi vào phòng tắm.

Trong lúc tôi đang say sưa làm sạch cơ thể thì chị Thúy Chi và chị Lương Hiền tranh thủ phỏng vấn nhanh Khánh Phong.

- Cậu là bạn trai của Phụng Yến đấy à?

- Vâng

- Thế mà mấy lần chị hỏi, nó toàn giấu. Ở bể bơi có nhiều cậu ngấp nghé nó lắm, nhưng nó cứ ngúng nguẩy thôi. Hóa ra là có người yêu rồi. Bảo sao.... ....Cậu làm nghề gì, bao nhiêu tuổi?

- Em là bộ đội, 25 tuổi ạ

- Bộ đội đơn vị nào thế? Đóng quân ở Hà Nội hay ở vùng xa?

- Đơn vị em ở Hà Nội

- Con bé mới 20 thôi. Trẻ con lắm. Nó trượt đại học, mà nó đang đi học tại chức đấy. Nó nói tiếng Anh tốt lắm. Nhiều cậu Tây thích nói chuyện với nó lắm.

- ( Cười)

- Con bé rất ngoan. Đi chơi đâu cũng mua quà về cho mẹ và em. Nó chẳng bao giờ mua gì cho bản thân cả. Chắc cậu lên nhà nó rồi phải không?

- Vâng

- Cậu quen nó lâu chưa?

- Em mới quen Phụng Yến thôi

- Con bé còn trẻ con, đừng chấp nó nhé. Tuổi nó đáng ra là đang đi học, bây giờ phải ra ngoài xã hội kiếm tiền, cũng tội con bé lắm.

- Vâng

Hai anh em sinh đôi ngồi từ nãy đến giờ không lên tiếng, bỗng nhiên, nói chen vào:

- ( Hất mặt) Làm ở đơn vị nào?

- Tôi mới đi làm thôi, chưa phải là nhân viên chính thức

- Biết bọn này là ai? Con Tướng A đấy. Nói để cho bên đấy biết, Phụng Yến- hai anh em nhà này chấm rồi. Người khác đừng có mà mơ động vào cô ấy.

- ( Cười)

- Cười đểu à? Đây không nói chơi.

Tôi đi ra khỏi phòng tắm, tóc rối bung, lòa xòa xuống mặt.

- Này, anh thấy em đã xấu lại còn luộm thuộm - một trong hai người sinh đôi kia nói

- ( Im lặng)

- Tai em điếc đấy à? Anh là đang nói với em đấy

- ( Im lặng)

- Em không cần học tại chức tại cheo gì cả, anh bảo bố anh xin cho đi học trường Quân đội. Hơi khổ một tí thôi nhưng sau lại sướng.

- Tôi nói này, các người có là con của ông trời đi chăng nữa, tôi cũng không thích dây dưa với hai người. Hai người để tôi yên - tôi quát to

Tôi thật bội phục cái độ trơ mặt của hai anh em nhà này. Biết thế, lúc đó tôi không đỗ xe xuống can ngăn hai người họ đánh nhau.

Đó là vào buổi tối, trên đường đi làm về, tôi nhìn thấy hai anh em sinh đôi kia đánh nhau với hai người khác cũng choai choai xấp xỉ tuổi nhau. Tôi thấy một trong hai người sinh đôi ngã xuống, máu me đầy lưng với bụng. Tôi không nghĩ ngợi gì cả, đỗ xe rồi lao lên vỉa hè hô hoán.

Bẵng đi một thời gian, hai người này đi bơi lại thì bắt đầu trêu chọc tôi.

Khánh Phong nhìn cái mặt đỏ bừng vì tức giận của tôi thì hơi cười cười. Tôi ngượng quá, quay sang quát luôn cả anh: "Anh cười cái gì mà cười?"

Anh vẫn tủm tỉm cười, lấy máy sấy, sấy tóc khô cho tôi. Tôi buộc lên, đi giày vải và khoác balo lên vai. Tôi chào mọi người và đi lấy xe.

Khánh Phong đi xe song song với tôi. Anh mời tôi đi uống chút đồ gì đó cho ấm bụng.

Tôi dẫn anh đến quán Trà Hoa. Không gian yên tĩnh, thoảng nhẹ trong không khí mùi trà hoa nhàn nhạt ngọt ngọt. Mỗi người được phát một tấm đệm, ngồi xuống sàn gỗ. Bàn trà làm bằng trúc, hình vuông, khoảng 50cm x 50cm. Có lần chị Lương Hiền đã dẫn tôi đến đây uống trà hoa. Tôi thích quán này.

- Mọi người ở bể bơi có vẻ rất yêu quý em - Khánh Phong mở lời trước

- Cũng tùy ạ, có người nọ người kia thôi - tôi nhàn nhạt trả lời.

- Em học tại chức xong, có tính tiếp tục làm ở bể bơi không, hay sẽ chuyển sang công việc khác.

- Có chứ. Em làm ở bể bơi để lấy tiền trả học phí cho em và cho Phụng Lê. Học xong, em sẽ gửi đơn xin việc nơi khác. Ở bể bơi, nhiều thành phần tạp nham lắm.

- Nếu cần giúp, em cứ gọi điện thoại cho anh.

- Vâng

- Phụng Lê định thi trường nào?

- Em nghĩ sức học của hai chị em em không tốt lắm. Em tính hướng em ấy thi trường trung cấp Tài chính kế toán. Nghề kế toán cũng là một nghề ổn định, cũng dễ xin việc hơn. Sau này có điều kiện, học thêm lên nữa.

- Cũng đúng.

- Ngoài học văn hóa, em cũng nên học thêm vi tính và ngoại ngữ nữa. Nếu cần tiền, anh sẽ giúp em.

- Em cảm ơn. Em không có năng khiếu học ngoại ngữ.

- Chị Thúy Chi nói em nói rất tiếng Anh rất tốt

- Ui, mọi người ở bể bơi không biết tiếng Anh. Em chỉ hơi biết hơn họ một chút thôi. Gọi là khua môi múa mép thôi. Có làm nên cơm cháo gì đâu anh

- Em giấu diếm anh làm gì?

- Em nói thật mà.

- Em không có thắc mắc gì cần hỏi về anh sao?

- Em không

Đây là lần thứ hai, Khánh Phong hỏi tôi câu hỏi này. Cũng như lần trước, tôi xác nhận là không có tò mò về đời tư của anh.

Anh thoáng trầm xuống.

Tôi cũng không nghĩ gì nhiều. Tôi bây giờ chỉ cần lo học thêm mấy thứ kia, ngoài ra, vấn đề tình cảm, tôi còn quá trẻ để hiểu đời, hiểu người. Tôi cảm thấy chưa phải lúc thích hợp để nói chuyện yêu đương.

Hai chúng tôi lại đi song song ra về. Anh đưa tôi đến tận cầu thang, mang xe của tôi đi gửi rồi chờ cho tôi bước chân vào nhà, lúc đó anh mới lái xe rời đi

Ngày hôm sau, chị Thúy Chi và chị Lương Hiền kể cho tôi nghe mẩu đối thoại của Khánh Phong với hai anh em sinh đôi kia.

Tôi chỉ cười, không quan tâm lắm.

Từ hôm đó, cứ đến ngày tôi đi học, anh đều lên nhà chờ tôi, hàn huyên với tôi rồi đưa tôi đi học. Tan học, anh lại đưa tôi về. Trừ khi đi công tác hoặc công việc quá bận rộn anh mới không sang nhà tôi.

Những hôm bố tôi say, tôi thường ngồi dưới vườn hoa chờ anh. Tôi không muốn anh chứng kiến cảnh bố tôi say rượu nói lè nhè rồi chửi tục.

Vèo cái lại hết một tháng.

Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Tôi lại làm ca chiều tối nên tôi nhờ Phụng Lê ở nhà tiếp đón bạn tôi, chẳng may có bạn nào nhớ tới ngày sinh nhật của tôi mà đến nhà.

Tôi không tổ chức sinh nhật ở bể bơi nên cũng chẳng ai biết. Tối hôm đó, tôi làm cùng ca với một chị khác. Tôi làm đến hết ca. Như mọi hôm, tôi tắm rửa xong xuôi rồi mới ra về. Trời về khuya, từng cơn gió lạnh thấu xương thổi tới. Tuy trời về đêm nhưng bởi vì gần trung tâm thành phố, lại là trục đường chính nên mọi người vẫn đi lại náo nhiệt. Tất nhiên mật độ không nhiều như ban ngày.

Tôi thưởng thức sinh nhật một mình trong cái lạnh giá của đêm khuya. Có chút tủi thân, có chút buồn bực. Tôi nghĩ: ngày mai trời lại sáng - như tên của bộ phim Trung Quốc tôi đã từng xem. Chỉ cần nghĩ tới đó, lòng tôi lại phấn chấn. Tôi thở dài một cái, vặn ga, lao nhanh về nhà.

Tôi gửi xe xong thì bước nhanh về phía cầu thang. Tôi bất giác nhìn về hướng vườn hoa, dưới ánh đèn cao áp vàng vọt, tôi nhìn thấy anh đang ngồi trên ghế đá, ôm hoa, chờ tôi về.

Mắt tôi rất tinh. Tôi nhìn một cái là nhận ra dáng người anh luôn. Tôi bước đến chỗ anh ngồi, trêu chọc anh.

- Anh ôm hoa chờ em nào thế?

- Còn chờ em nào nữa. Anh chờ cái em mà suốt ngày đi giày vải, lưng đeo balo nặng trịch, đi xe máy Trung Quốc màu xanh lục, biển số 30xxxxxx.

- Thế anh cứ ngồi chờ tiếp đi nhé. Em đi lên nhà đây.

Tôi lè lưỡi trêu anh.

Anh đứng dậy, nắm tay tôi, nhét bó hoa vào tay tôi và nói: Chúc mừng sinh nhật em. Rồi anh đưa cho tôi một gói quà nhỏ nhỏ, bọc giấy màu hồng. Tôi lí nhí nói cảm ơn.

Anh đẩy tôi lên nhà đi ngủ sớm. Tôi gật đầu, bước nhanh đi lên nhà. Từ trên tầng 4 nhìn xuống, tôi thấy anh vẫy vẫy với tôi. Cho đến khi mẹ tôi mở cổng sắt chung, anh mới rời đi.

Tôi cầm ổ khóa, khóa cổng sắt chung lại. Tôi nghe tiếng lạch cạch mở cửa gỗ ở nhà Quốc Cường. Vẫn như năm trước, anh đưa cho tôi một bó hoa và nói: "Nhờ em dùng hộ anh, trong nhà anh có nhiều hoa quá."

Tôi nhìn bó hoa của Quốc Cường đưa, mỉm cười, sảng khoái nhận lấy.

Sinh nhật tôi năm nay có thêm một bó hoa và một gói quà nhỏ xinh.

Tôi vệ sinh cá nhân xong thì mở gói quà Khánh Phong tặng. Bên trong, có cái vòng tay được ghép từ các ô vuông đủ màu sắc. Các ô vuông đều mang một chữ cái, ghép lại thành: I like you so much

Một tấm thiệp nho nhỏ viết lời chúc sinh nhật. Chữ của anh ấy thật đẹp, nét chữ góc cạnh, đều đặn, từng nét chữ dứt khoát, rõ ràng.

Tôi đeo vòng tay lên, ngắm nghía một lúc rồi chìm vào giấc ngủ. Đêm đó, tôi đã mơ thấy anh.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play