Tan nương nhìn xem, như thế này đã đủ chưa?”

Một chiếc hộp thếp vàng đặt lên bàn, từng lớp, từng lớp được mở ra, một bàn tay nuột nà như ngọc thò vào vốc đầy trân châu mỹ ngọc đổ xuống mặt bàn vang lên những tiếng lanh canh.

Lớp hộp cuối cùng cũng được mở. Lúc nhìn thấy đôi vòng tay phỉ thúy trên lớp nhung màu lam sẫm, khóe mắt lão nữ nhân trên đầu đeo đầy châu ngọc hơi động đậy, nhưng vẻ mặt vẫn cứng đờ như khúc gỗ, không buồn mở miệng nói nửa câu.

Chần chừ một lúc, chỉ nghe tiếng vòng xuyến leng keng va nhau, cánh tay phải thon thả của nữ nhân run rẩy, tháo hết trang sức trên đầu, trên mình, lại dịu dàng nói: “Can nương… mọi thứ con đều để lại. Can nương tính sao?”

Khuôn mặt bự phấn của tú bà vẫn không mảy may lay động, bà ta dùng móng tay sơn đỏ chót búng lớp bọt trà, khẽ nhấp một ngụm. Lăn lộn trong chốn phong trần bao nhiêu năm, đã nếm trải những ngọt đắng của đời người, biết được nữ tử một tay đào tạo ra còn kiếm được cho mình bao nhiêu tiền, làm gì có chuyện dễ dàng cho cô ta thỏa nguyện?

“Can nương, bao nhiêu năm nay, Nguyệt nhi giúp người kiếm được không ít tiền, bây giờ con chẳng cần gì cả, chỉ cần được người không ra khỏi đây – lẽ nào can nương cũng không chấp thuận?” Nàng gần như van xin.

“Tâm Nguyệt à…” người được gọi là “can nương” thong thả thổi lớp bọt trà, rốt cuộc cũng chịu mở miệng, giọng nói đượm nét cười cợt lạnh lẽo, “năm đó sau khi xuống phía nam, phụ mẫu con nghèo đói bệnh tật, chỉ biết trông mong vào mấy lạng bạc bán con để cứu mạng. Tuy chỉ là mười lạng, nhưng khế ước lại vĩnh viễn, hôm nay nếu không được ta đồng ý, con đừng hòng đi đâu.”

“Can nương…” nữ tử định nói; vẻ cười cợt càng hiện rõ trên mặt người đàn bà chủ lầu xanh: “Tâm Nguyệt, con nói thử xem, mười lăm năm nay có bao giờ ta động một ngón tay đến con? Từ lúc con tám tuổi đã mời người đến dạy cầm kỳ thư họa để con không mất đi phong vị xuất thân thư hương, đến lúc con mười lăm tuổi mới đem ra làm chiêu bài, tấm lòng can nương đổ lên mình con, có thể cùng bạc mà đánh đổi sao?”

Bà ta uể oải dùng móng tay gạt tiếp một lớp bọt trà, búng đi thật xa: “Bước chân vào nghề này, tính gì đến cái gọi là chân tâm? Tiểu tử của Nhan gia chỉ là thư sinh áo vải – thiếu gì đạt quan quý nhân (°) để mắt đến con, can nương có cho con đi, không dám đảm bảo sau này con được bình bình an an.”

Lão nữ nhân nói năng hết sức lạnh nhạt, những người sống trong chốn phong trần đều thế. Nhưng dẫu bà ta hất hẳn một chậu nước lạnh cũng không thể dập tắt nhiệt tâm của một người.

Nhận thấy can nương thần sắc bất động, tình hình đã trở nên vô vọng, giọng nói rụt rè van cầu bỗng lạnh băng.

“Can nương muốn thu hồi cả tính mệnh của con sao? Thôi, để Nguyệt nhi thành toàn cho người.”

Cánh tay mảnh mai như mỹ ngọc rút khỏi đống châu bảo chất trên bàn, làn sáng lóe lên, “soạt” một tiếng, nghe như tiếng xé lụa.

“Ôi!” Mọi tỷ muội nha hoàn trong phòng kêu lên kinh hãi, làn da óng ả như tơ rách toạc.

Một vết rách sâu hoắm từ mày phải kéo xuống môi, máu phun như suối, thoáng chốc đã biến gương mặt như hoa như ngọc thành đáng sợ như la sát. Từng giọt máu đỏ tươi từ gương mặt ngọc ngà của nữ tử rớt xuống đất như hạt hạt mã não, châu báu rụng rơi.

Nữ tử áo tím xinh đẹp, tay cầm chắc cây thoa hình chim phượng bằng vàng khảm ngọc, lạnh lùng nhìn can nương đang điềm nhiêm uống trà, mũi thoa nhọn hoắt dính một giọt máu, càng tô thêm vẻ rùng rợn.

Rốt cuộc sắc mặt tú bà cũng thay đổi, đứng phắt dậy, chung trà trong tay sánh mất hơn nửa.

“Hủy rồi… cuối cùng cũng bị hủy rồi! Hòn ngọc mười tám năm tốn bao tâm lực mài giũa, hoa khôi lừng lẫy kinh sư ba năm nay, đệ nhất danh đán Lâu Tâm Nguyệt của Dương Liễu Uyển… lại bị hủy như thế này sao?”

Xưa nay tính tình Lâu Tâm Nguyệt vẫn hòa nhã, không õng ẹo lả lơi hay lên mặt khinh người, ngay cả can nương nuôi nàng từ nhỏ tới lớn cũng không ngờ nàng hành động rồ dại như thế.

Chỉ trong một sát na, toàn bộ bảo bối đều vỡ vụn.

Sắc mặt tú bà vừa kinh ngạc vừa phẫn nộ, ném thẳng cánh chung trà trên tay vào nữ tử đứng giữa phòng, rít lên chói tai: “Hay! Hay cho Lâu Tâm Nguyệt! Cút ngay cho ta! Nửa xu cũng không được mang theo, lập tức cút ngay khỏi Dương Liễu Uyển.”

Thoáng chốc, ngay cả trang sức cài đầu cũng bị lột sạch, nữ tử áo tím lại mỉm cười: “Đa tạ can nương thành toàn.” Nàng khấu đầu, máu vẫn đổ xuống mặt, đoạn đứng dậy bước đi không hề ngoái lại.

Trên mặt đất hằn rõ dấu máu của một lạy vừa rồi.

Đệ nhất ca vũ đất kinh sư, hoa khôi số một Dương Liễu Uyển Lâu Tâm Nguyệt đã tự chuộc thân như thế.

Ngày hôm sau, tin tức truyền khắp thành Lâm An, đâu đâu cũng nghe thấy người ta bàn tán, đoán xem công tử họ Nhan đủ khả năng khiến tuyệt thế mỹ nữ dứt tình với Dương Liễu Uyển là nhân vật phong lưu tiêu sái cỡ nào?

“Múa như Tâm Nguyệt vườn liễu rủ,

“Hát tựa Đào Hoa mặc gió đùa.”

Điệu múa của Lâu Tâm Nguyệt cô nương tại Dương Liễu uyển cùng lời hát của Tiết Ca Phiến cô nương tại Đào Hoa cư được xưng tụng song tuyệt chốn thanh lâu trong thành Lâm An. Biết bao bậc vương tôn công tử quăng ngàn vàng một tối chỉ vì điệu múa lời ca mê đắm lòng người của mỹ nhân.

Nhưng gió ấm vẫn đu đưa làm say du khách, điệu ca vũ của Triệu Yến (°°) cuối cùng cũng tiêu tan. Ngọc đã vỡ, phong lưu cũng trôi theo mây gió.

Khắp tửu quán trà lâu, chỗ nào người ta cũng xôn xao, có cả văn nhân nhã sĩ cảm khái mà ngâm vịnh, như thể một truyền kỳ xuất hiện. Nhưng không ai muốn hỏi tiếp đoạn kết câu chuyện thế nào, tựa hồ họ đều cho rằng truyền kỳ nên ngưng lại trong màu máu đỏ diễm lệ mà thê lương

Kinh sư tất nhiên không giống những nơi khác, ngày mới tràn lên ngõ Thiên Thủy sớm hơn nhiều, lúc Bạch Loa mở cửa hiệu đã nghe loáng thoáng tiếng người.

“Mau lên, mau lên! Cô nương có thể cho tại hạ tạm thời ẩn thân một lúc chăng?” Bạch Loa vừa nhích ra, đã thấy một nam tử trẻ tuổi, dáng vẻ nho nhã thư sinh nhảy lên bậc thềm, nhận ra chủ hiệu là một nữ tử liền hơi tỏ ra do dự, nhưng thấy các cửa hiệu quanh đó chưa mở cửa, bèn đánh bạo, vừa thở hổn hển vừa hỏi. Không đợi Bạch Loa hồi đáp, y tiến vào trong.

Bạch Loa không cản cũng không đồng ý, bàn tay mảnh mai chạm hờ vào mép cửa, bình thản đánh giá anh chàng thư sinh kia.

“Cô nương xin đừng hiểu lầm, tại hạ không phải người xấu. Chỉ là có việc riêng tư không tiện cho người ngoài biết…” Thư sinh trẻ tuổi đương nhiên nhận ra bạch y thiếu nữ đang nghi ngờ, vội vàng giải thích, đồng thời thò đầu ra nhìn ngó quanh quất kỹ lưỡng: “Nếu có nữ tử áo tím đến tìm người, vạn lần xin cô nương nói rằng không gặp…”

Y chưa nói dứt lời, thấy nơi góc đường thấp thoáng màu áo tím, tức thì quay người trốn vào sau bình phong.

Bạch Loa không cần hỏi cũng lờ mờ đoán ra vài phần, khóe miệng hé nụ cười lạnh lẽo. Nàng vừa mở cửa, chưa kịp rửa mặt bèn quay vào lấy một một chiếc lược bằng sừng trâu, múc đầy chậu nước rửa mặt, nhúng lược vào chậu, buông tóc xuống chậm rãi chải.

“Xin hỏi… vừa nãy cô nương có thấy ai qua đây?”

Bạch Loa đang rửa mặt, chải đầu, bên tai chợt vang lên giọng nói dịu dàng của nữ tử, tuy có phần gấp gáp vẫn không che được nét ưu nhã – quả nhiên đến ngay. Nàng nghiêng đầu chải tóc, không lắc cũng không gật.

“Xin cô nương… tôi thấy chàng đi vào ngõ này, chắc cô nương nhìn thấy. Xin cô nương cho tôi biết Nhan công tử ở đâu!” Thoáng chốc, giọng nói mất hẳn bình tĩnh, Bạch Loa vốn định tiếp tục chải đầu, người đó bước đến trước mặt nàng, nắm tay áo run giọng cầu xin.

Gương mặt đối phương đập vào mắt, đột nhiên bạch y thiếu nữ đang bình thản cũng hít sâu một hơi khí lạnh.

Gương mặt tan nát này… phảng phất như miếng ngọc thạch mỹ diệu nhất bị rạch một đao, bất nhẫn cùng cực.

“Tôi tìm chàng đã lâu, vất vả lắm mới thấy chàng chạy vào đây! Cầu xin cô nương, cho tôi biết chàng ở đâu!” Nữ tử áo tím vẫn nắm tay áo Bạch Loa, ánh mắt lộ rõ vẻ nóng lòng, nhưng dáng vẻ ấy càng khiến gương mặt thêm đáng sợ. Vết thương trên mặt mới đóng vảy, kéo dài từ khóe mắt xuống miệng, nhìn vừa ghê rợn vừa thảm liệt.

“Lâu cô nương?” Bình thường vẫn nghe mọi người ngoài phố bàn tán, lúc này Bạch Loa chợt bật lên câu hỏi.

Nữ tử áo tím ngẩn người, theo phản xạ kéo tấm khăn lụa trên cổ lên che vết thương trên mặt, mắt ánh lên nét phức tạp, nghiến răng gật đầu, dịu giọng nói: “Vâng… cô nương, xin cô cho tôi biết, thật ra Nhan công tử ở đâu?”

Bạch Loa chăm chú quan sát nữ tử thảm thương như mảnh ngọc vỡ nát, trong mắt liên tục lóe lên tia sáng, bàn tay giữ tóc buông xuống, khua khua trong chậu nước rửa mặt. Nàng không dùng trâm vấn lên mà buông tay, mái tóc dài đen nhánh buông xuống như thác đổ, xòa lên bờ vai.

Tiếng gõ chưa dứt, trong phòng chợt vang lên một tiếng “vù” như có loài chim nào đó bay qua. Đoạn vang lên tiếng hô “Ối chà,” đau đớn, từ sau bình phong nhảy ra một nam tử, vừa ôm dầu vừa khua tay loạn xạ.

“Tuấn Khanh!”, vừa thấy người, nữ tử mới đến kinh hãi xen lẫn vui mừng, vội chạy tới.

Thư sinh nho nhã bộ dạng khá khó coi, trên đầu rách toạc, liên tục xua tay: “Con gì đấy? Con gì mổ ta?” Y từ sau bình phong nhảy ra, “vù”, một con chim trắng muốt cũng từ đó đập cánh bay ra, đậu trên đám cây cối.

“Tuấn Khanh… chàng không sao chứ?” Thấy tình lang như vậy, Lâu Tâm Nguyệt vội rút một vuông khăn tay ra nhưng Tuấn Khanh chạm vào mặt nàng, nghiêng đầu tránh đi như chạm vào điện, sắc mặt thoạt trắng thoạt đỏ.

“Tuấn Khanh, mấy hôm nay muội tìm chàng đến khổ…” Thấy y tránh đi, sắc mặt Lâu Tâm Nguyệt trắng bợt, cúi đầu khe khẽ nói, “muội biết gia đình chàng không đồng ý chuyện của chúng ta, nhưng muội đã chuộc thân, ngày tháng còn dài, có thể từ từ….”

“Ta lại không muốn nàng chuộc thân!” Nhan Tuấn Khanh giậm chân, “nàng coi mình đi… chuyện gì cũng quyết làm bằng được, hôm nay mới thành thế này, ta…” Y không nói nốt được, bởi chạm vào ánh mắt Lâu Tâm Nguyệt, chợt thấy hoảng hồn, không nói được tiếng nào nữa.

“Nguyệt nhi, chúng ta ra ngoài tìm chỗ nào nói chuyện, được chăng?” Giọng y nhu hòa hẳn, miễn cưỡng dùng ánh mắt ôn nhu nhìn lên gương mặt tan nát khiến người khác bất nhẫn – y vừa lỏng người, quả nhiên dáng vẻ dịu dàng hẳn.

Ánh mắt sáng rực khiếp người của Lâu Tâm Nguyệt cũng nhu hòa theo, trong mắt ầng ậng – lòng nặng nề cực độ, không tin rằng mình đã thua như thế.

“Tuấn Khanh…” Nàng định nói nhưng Nhan Tuấn Khanh đã chộp lấy vai nàng, kéo đi.

Ra khỏi cửa, thư sinh văn nhã giận dữ trừng mắt nhìn nữ chủ nhân Hoa Kính.

Con anh vũ lông trắng chao cánh đậu xuống vai Bạch Loa, trên chiếc mỏ nhọn sắc còn vương lại vết máu.

“Tuyết nhi… ngươi đoán tiếp theo sẽ thế nào?” Bạch Loa cầm lược lẩm bẩm hỏi một câu, nhìn theo đôi tài tử giai nhân đi về phía sâu trong ngõ Thiên Thủy, vừa đi vừa thấp giọng trao đổi.

Chim chóc tuy thông minh nhưng chung quy lại vẫn không thể trò chuyện với con người, anh vũ đập cánh, lặp lại mấy cậu được dạy: “Lấy chồng! Lấy chồng! Khi nào thì Bạch Loa tiểu thư lấy chồng?...”

“Chà…” Mấy câu lạc lõng được nói lên bằng giọng nhừa nhựa khiến bạch y thiếu nữ bật cười khanh khách., gương mặt vốn lạnh lùng trầm tĩnh như có gió xuân thổi qua, tràn đầy niềm vui, nàng mỉm cười: “Súc sinh ngu xuẩn, từ lúc nào học được cái thói mồm mép châm chọc ấy hả? Lần trước đúng ra nên cắt đứt hẳn lưỡi ngươi mới phải.”

“Gả cho người ta! Gả…” Anh vũ tựa hồ biết chủ nhân đang cười, càng làm bộ làm tịch, nhưng thần tình Bạch Loa thoáng chốc trầm xuống, đôi mày u ám hẳn, đưa tay chải tóc. Con anh vũ đậu trên vai bị bức bay vụt đi, đậu lên vành chậu rửa mặt, nó không hiểu chuyện gì xảy ra, nghoẹo đầu nhìn chủ nhân, líu líu lo lo.

Gả cho người ta. Vì sao những nữ tử đó, dầu cho thông tuệ như Lâu Tâm Nguyệt, đã gặp qua nhiều hạng người mà vẫn không thoát khỏi lối suy nghĩ thường tục. Có lẽ… mọi nữ tử trên đời đều ký thác tình cảm vào một nơi sai lầm chăng?

Nỗi niềm thê lương của Ngu Cơ có khí phách cái thế của Bá Vương, tấm lòng trinh liệt của Lưu Lan Chi có Tiêu Trọng Khanh (1) sống chết không rời - còn bao nhiêu người khác, lại hoàn toàn không tìm được nơi đáp lại cảm tình tương xứng. Không hiểu sao Lâu Tâm Nguyệt và Nhan Tuấn Khanh lại gợi cho nàng liên tưởng đến một truyền thuyết khác ở Lâm An: mối tình giữa Bạch Xà và Hứa Tiên (2).

Nữ tử ôm một mối thâm tình lại gặp phải loại nam tử như thế. Thư hương môn đệ như Nhan Tuấn Khanh đúng là có chút tài khí, chút đồng cảm với nàng nhưng thật ra y quá nhu nhược, giả tạo – làm khách tìm vui ở thanh lâu ắt không ảnh hưởng gì, nhưng nam tử như thế… không thể nào kết hợp với hoa khôi trong lòng luôn phân chia tình cảm rạch ròi.

"Ngu xuẩn, ngu xuẩn quá!" Đột nhiên, Bạch Loa đang trầm mặc chải đầu, quăng ngay lược vào trong chậu khiến nước bắn lên tung tóe, con anh vũ sợ hãi đập cánh bay lên. Sắc mặt nàng lạnh lùng, phức tạp, nốt ruồi như giọt lệ bên khóe mắt gần như rơi xuống.

Một thời thần sau, các cửa hiệu trong ngõ Thiên Thủy lục tục mở cửa, một ngày ồn ã, tất bật lại bắt đầu.

Bạch Loa đứng dưới hàng hiên chăm chút hoa cỏ, đưa mắt liếc về một góc con ngõ.

Hồi sau, cuối cùng Bạch Loa cũng thấy chiếc bóng mặc áo tím từ góc đường ơ thờ bước ra. Lâu Tâm Nguyệt lấy khăn lụa che mặt, men theo con hẻm lát đá xanh, bước chân hình như hơi phiêu hốt, bên cạnh nàng ta không thấy bóng dáng thư sinh Nhan Tuấn Khanh.

Nàng đứng thẳng dậy, nhìn Lâu Tâm Nguyệt bước tới.

Khuôn mặt tuy không dám để người khác nhìn thấy nhưng thân hình xinh đẹp kia vẫn thế, gợi cho người ta nhớ đến vũ nữ nổi danh đất kinh sư.

“Lâu cô nương, vào nghỉ chút nhỉ?” Bạch Loa thấy nàng ta thong thả bước tới, sắp đi qua cửa, không nén được bèn bật lên tiếng gọi.

“Chàng nói… dầu tôi đã chuộc thân nhưng vẫn là gái lầu xanh. Trừ phi tôi có thân thế thanh bạch, còn thì chàng không thể đưa tôi về nhà gặp cha mẹ.” Nữ tử áo tím nhấp một ngụm trà nhài, thẽ thọt nuốt xuống cổ họng, trầm mặc hồi lâu cuối cùng cũng lên tiếng, giọng nói khản đặc chứa chan niềm tuyệt vọng.

Nàng không biết bạch y cô nương chủ tiệm hoa này là ai nhưng vẫn thấy đó là người duy nhất mình có thể cởi lòng.

“Bạc tình lang.” Bạch Loa chăm chút đám hoa cỏ, nhẹ nhàng đặt cành văn trúc mới mọc cố định lên giá, ngữ điệu có phần lạnh lùng.

Thân hình Lâu Tâm Nguyệt rúng động, nghiến răng cố nén mấy giọt lệ không rơi xuống chung trà, lí nhí: “Chuyện này, chuyện này… không thể trách chàng… gia đình thư hương môn đệ sao…sao có thể chấp nhận một người…”

“Cô nương đã minh bạch, lúc đó sao còn chuộc thân để theo y?” Bạch Loa vấn tóc, lạnh nhạt thốt, tưới chút nước vào chậu hoa – văn trúc ưa ẩm, cần phải chăm chút kỹ lưỡng, cứ mang đến nơi trực tiếp nhận ánh dương quang là khô héo.

“Tôi cho rằng… chàng chân tâm với mình nên quyết tâm, sớm muộn gì cũng thuyết phục được phụ mẫu chàng.” Lâu Tâm Nguyệt cầm chặt chung trà, thanh âm càng lúc càng nhỏ, “Tôi thật sự chỉ muốn cùng chàng sống trọn đời… Thật vậy ư! Cõi đời này chấp nhận một nữ tử bán tiếng cười chứ không thể chấp nhận một nữ tử hoàn lương sao?”

Bạch Loa ngẩng đầu, vừa toan lên tiếng nhưng Lâu Tâm Nguyệt thấy ánh mắt lãnh liệt của thiếu nữ áo trắng bèn đứng phắt lên, thanh âm cũng trở nên quả quyết: “Nhưng tôi không hối hận! Cô nương không cần phải nói những lời không hay về Tuấn Khanh, tôi nói cho cô nương biết, bất kể sự việc thế nào – cũng là tôi chọn lựa, tôi sẽ không hối hận.”

Nàng cố nén lệ, làm ra vẻ cứng cỏi, nhưng vì vậy mà khuôn mặt càng khó coi – dẫu nàng xinh đẹp như trước, thư sinh đó vị tất đã chịu cưới nàng, huống hồ giờ nàng xấu xí như la sát.

Bạch Loa cúi đầu thở dài, tiếp tục dùng một chiếc thuổng nhỏ xới đất cho mấy chậu hoa cỏ.

Nếu sau năm, bảy năm nữa, nếm đủ mùi vui buồn, sướng khổ của đời, có lẽ Lâu Tâm Nguyệt không bất cần như hôm nay --- nhưng nàng vẫn còn trẻ, trái tim nàng vẫn còn ấm nóng, nên sẵn sàng đem đánh cược mọi thứ.

Ái tình tuổi trẻ lẽ nào đều như thế? Mù quáng, điên cuồng, bất chấp tất cả, dù cho đất trời hòa làm một, mây gió tan tành vẫn thề không hối hận --- người ngoài nhìn vào có lẽ khinh miệt nói rằng: đó không phải ái tình mà chỉ là mê luyến, là cơn mê nhất thời… nhưng dẫu chỉ là cơn mê thoáng qua, có khi lại lấy đi những thứ vĩnh hằng.

--- Gương mặt tuyệt mỹ giờ tan nát của vũ nữ này là minh chứng.

“Chỉ trách thân tôi không trong sạch… nếu không phải nữ tử phong trần thì tốt quá… nếu không phải thì tốt quá…” Ngữ khí chao chát kiên định vừa thốt ra đã tan biến, Lâu Tâm Nguyệt mệt mỏi gục xuống, dùng chung tì lên trán, “Tôi cũng muốn thanh thanh bạch bạch gả cho chàng… nhưng, nhưng cha mẹ đã bán tôi, không phải lỗi của tôi!”

Rốt cuộc, vũ nữ danh động kinh sư khe khẽ cất tiếng khóc, bao nhiêu năm nàng phải gìn giữ dáng vẻ yêu kiều nên ngay lúc khóc cũng không dám phóng túng, vẫn lay động lòng người.

Bạch Loa khom người xén tỉa chậu văn trúc, mái tóc rủ xuống che ánh mắt của nàng. Bàn tay nàng cũng hơi chậm lại.

“Thoát thai hoán cốt một lần là lại thanh thanh bạch bạch ngay, vả chăng có thế thật, liệu có vãn hồi được không?” Đột nhiên Bạch Loa cúi đầu, bình thản hỏi một câu, “Nếu cô nương thật sự muốn thế, tôi có thể giúp.”

Giọng nói lạnh lùng mang theo ma lực khó tả khiến nữ tử áo tím nghe xong mở lớn cặp mắt, nhìn sang với vẻ không dám tin.

“Cách!” một tiếng vang lên khe khẽ, Bạch Loa bẻ một cành cong queo trên cây văn trúc.

“Đây là…”, từ lúc khép cửa tiến vào, Lâu Tâm Nguyệt đã thấy một chậu hoa để trên bàn tỏa ra mùi hương thơm ngát, bèn ngạc nhiên hỏi.

Bàn tay Bạch Loa cẩn thận đặt chậu hoa xuống, mỉm cười: “Đây là bảo châu mạt lị (3) -- rất hiếm đấy.”

Lâu Tâm Nguyệt quan sát đóa hoa còn e ấp, hoa nhài bình thường đều cánh đơn màu trắng tinh, nhưng cánh của đóa hoa này lại trùng trùng điệp điệp, thậm chí tạo thành hình tú cầu, màu xanh nhạt.

“Chậu bảo châu mạt lị này không phải để cho cô nương chăm sóc..” Bạch Loa khẽ mỉm cười, tỏ ra thần bí khó đoán, nốt ruồi như giọt lệ sắp rơi trên khóe mắt lại khẽ động, nàng hơi cúi xuống, thở dài, “mà cần cô nương đào nó lên, bứt rễ và ăn sạch.”

Thân hình Lâu Tâm Nguyệt rung động, ngẩng đầu nhìn bạch y thiếu nữ thanh lệ thần bí, buột miệng hỏi: “Ăn xong thì sao?”

“Sẽ chết.” Bạch Loa che miệng mỉm cười, “ăn vào rồi sẽ vô cùng đau đớn, lập tức chết ngay…”

“Chuyện đó…” tử y nữ tử kinh ngạc nhìn chậu hoa mỹ lệ, tỏ ra hơi sửng sốt.

“Bất quá cô nương không cần phải sợ… đó chỉ là giả chết.” Không đợi Tâm Nguyệt hỏi, Bạch Loa xua xua tay, khẽ cưởi: “Rễ bảo châu mạt lị mà dùng vào sẽ có công dụng bế khí ngưng mạch – mỗi thốn rễ duy trì giả chết được một ngày… ‘Lâu Tâm Nguyệt’ sẽ ‘chết’ rất dễ dàng, còn ‘cô nương’ sẽ ‘sống lại’ một lần nữa.”

Ánh mắt Tâm Nguyệt sáng lên – người lan tâm huệ chất như nàng, không cần giảng giải nhiều cũng hiểu phải làm sao.

Không sai… nếu có loại kỳ hoa này, nàng sẽ đi gặp Tuấn Khanh thương nghị chuyện giả chết phục sinh – đó khác nào thoát thai hoán cốt! Cái túi da “Lâu Tâm Nguyệt” này có chôn đi cũng không sao, mấy ngày sau tỉnh lại sẽ đường đường chính chính bước vào Nhan gia… sống những tháng ngày cử án tề my, phu xướng phụ tùy.

“Tôi biết cảm tạ cô nương thế nào? Hiện tại tôi không còn gì… đúng rồi.” Trong lúc quá vui mừng, giọng nói của vũ nữ danh động kinh sư thoáng run rẩy, vội vàng cho tay vào ngực áo tìm, chợt nhớ ra một việc, móc tiểu ngọc phật đeo trên người, “tôi chỉ mang cái này theo, những thứ khác để lại hết cho can nương… vật này do Tuấn Khanh tặng tôi, chàng nói là ngọc Lam Điền cực phẩm.”

Thấy ánh mắt nữ tử áo tím không giấu nổi tia kích động, cầm tiểu ngọc phật trong lòng tay, sắc mặt Bạch Loa vẫn bình thản – Lâu Tâm Nguyệt nhận ra, tâm lý lạnh hẳn… ánh mắt thiếu nữ áo trắng như được phủ một bức màn lạnh ngắt, không khác gì ánh mắt can nương ở Dương Liễu Uyển.

“Ở Hoa Kính chỉ còn lại một cây hoa này… đại khái trên đời cũng không còn mấy cây… Mấy hôm trước nghe nói Dụ vương gia mang ngàn lạng bạc trắng đến phủ Phúc Châu tìm kiếm mà đành tay không quay về.” Ánh mắt Bạch Loa vẫn lạnh nhạt, quay người đùa nghịch với con bạch anh vũ, lạnh lùng thốt.

Sắc mặt Lâu Tâm Nguyệt trắng nhợt, tròng mắt hiện rõ tia tuyệt vọng, nhưng thần bí thiếu nữ lại nói tiếp một câu: “Cửa hiệu bán hoa của tôi có một quy củ, nếu muốn chậu hoa này – cần dùng thứ mình trân quý nhất trao đổi.”

“Nhớ lấy, gốc bảo châu mạt lị này đã sống mười hai năm, rễ dài năm thốn – tối đa cô nương chỉ được dùng ba thốn.” Nữ chủ nhân Hoa Kính đặt chậu hoa vào tay Lâu Tâm Nguyệt, dặn dò thêm một lần, “Giả chết mà quá ba ngày, quan tài được chôn xuống, không khí trong đó sẽ hết dần, dẫu cô nương có tỉnh lại cũng vô dụng.”

“Tôi nhớ rồi… đa tạ Bạch cô nương.” Lâu Tâm Nguyệt dùng khăn lụa che mặt, đón lấy chậu bảo châu mạt lị, gật đầu liền liền, ngữ khí có phần kích động, “ơn tái tạo này, tôi và Tuấn Khanh nhất định sẽ đến tận nơi khấu tạ.”

“Đợi đến ‘ngày đó’ hẵng nói…” Bạch Loa vẫn bình thản mỉm cười, trong mắt sâu thẳm lóe sáng, “nên nhớ, cô nương còn thiếu tôi tiền mua hoa – cô nương cũng đã đồng ý sẽ dùng vật quý giá nhất để đổi lấy.”

Sắc mặt Lâu Tâm Nguyệt hơi nhợt đi, điều kiện cổ quái quá!

Nàng là một nữ tử thông minh, bình thường có lẽ sẽ nhận ra ngữ khí của bạch y thiếu nữ có phần cổ quái nhưng bây giờ đang bị chữ “tình” che mắt, chỉ muốn làm sao nhanh nhanh đạt được ái tình viên mãn nên không nghĩ ngợi nhiều mà đồng ý ngay. Trừ tấm thân tàn ra, nàng còn gì để đáng gọi là “thứ trân quý nhất”?

“Đúng rồi, ngọc phật này… coi như đặt cọc lại chỗ của cô nương.” Lâu Tâm Nguyệt đi được mấy bước, liền quay lại, cứ thế mà đi khiến nàng áy náy nên cởi dây ngọc đặt vào tay Bạch Loa, không hiểu sao, ánh mắt nàng ảm đạm hẳn đi, “được cô nương khảng khái tặng cho danh hoa hãn thế, kiếp này Tâm Nguyệt không thể báo đáp, tương lai sẽ kết cỏ ngậm vành báo đáp đại ân của cô nương.”

Bạch Loa mỉm cười, nữ tử thiên tính thông minh này tuy bị tình cảm che mắt nhưng vẫn dựa vào trực giác nhận ra được có chuyện không bình thường.

“Đợi chút đã.” Thấy vũ nữ áo tím ôm chậu hoa toan cất bước đi, Bạch Loa không nén được, cất tiếng gọi lại, nàng ngẫm nghĩ một hồi đoạn quay người vào trong lấy ra một túi gấm nhỏ: “Vật này, cô nương nên mang theo.”

Lâu Tâm Nguyệt nhìn nàng với vẻ hơi kinh ngạc, nhưng không đợi nàng ta hỏi, Bạch Loa đã xua tay: “Đừng hỏi gì nữa, dù gì cô nương cũng nên nghe tôi, đừng cho Nhan công tử biết vật này, cứ lẳng lặng mang nó theo, bất luận sống chết gì cũng không được bỏ lại, cô nương hiểu không?”

Lâu Tâm Nguyệt tuy kinh ngạc, có phần cảnh giác đối với thần bí thiếu nữ, chủ nhân hiệu bán hoa cỏ này, nhưng vẫn dụng lực gật đầu, cất túi gấm không đầy một xích vào tay áo.

“Tấm bùa hộ mệnh này… sẽ mang đến vận may cho cô nương.” Thấy Lâu Tâm Nguyệt thu nhận, Bạch Loa khẽ mỉm cười, giọt lệ như nốt ruồi chực rơi phảng phất như đang khóc, tạo nên vẻ đẹp mê ly, “mau đi tìm Nhan công tử thương lượng nên làm gì tiếp theo – Lâu cô nương, nhớ bảo trọng.”

Bóng áo tím đi xa, thiếu nữ bạch y trường phát chợt thu lại nét cười, thở dài sườn sượt. Bạch anh vũ bay đến cạnh càng, thấy khuôn mặt chủ nhân có vẻ lạnh lùng hơn thường nhật.

“Ngọc Lam Điền cực phẩm?” Đưa mắt nhìn ngọc phật trong lòng tay, Bạch Loa khẽ liếc biết ngay đồ giả, nụ cười lạnh tanh treo trên khóe môi, nàng vung tay, quăng viên đá phế vật vào chậu hoa.

Nữ nhân… có phải đều mù quáng như thế không?

“À, lão tam, ngươi coi kìa --- sáng sớm đã đưa đi, con cái nhà ai nhỉ?”

“Các ngươi có biết hoa khôi Lâu Tâm Nguyệt của Dương Liễu Uyển không?”

“À… không phải mấy ngày trước cô nương này mới theo một tên mặt trắng ư? Hình như tự hủy nhan sắc… không có gì hay, còn nhắc đến cô ta làm gì? Hiện tại nổi nhất phải là Tiết Ca Phiến cô nương!”

“Ha ha… tin tức của các huynh không linh rồi nhỉ? Ta nói cho các huynh biết, Lâu hoa khôi chuộc thân vốn định đi theo một tên tiểu tử họ Nhan - kết quả mệnh bạc, rời Dương Liễu Uyển mới hai chục ngày đã mắc bệnh mà chết tại một biệt viện…”

“Hả, cái gì? Thật chết vậy à?—Đúng là hơi đáng tiếc thật.”

“Chứ không phải sao? Mới mười tám tuổi, lại vừa hoàn lương, khiến tiểu tử họ Nhan khóc lóc chết đi sống lại.”

“Hắn khóc cái gì? Dù gì nữ nhân đó cũng đã qua tay, hiện tại mặt mũi đã xấu như dạ xoa – ta nói tên mặt trắng đó có phúc khí vì Lâu hoa khôi chết rất đúng lúc – bằng không, ngươi tưởng hắn có thể chân chính cưới nàng ta chắc?”

“Nói đúng lắm… ôi, đào hoa vận như thế bao giờ mới đến lượt Tôn lão tam ta?”

“Khi nào ngươi đủ đức hạnh…”

Tiếng mấy kẻ vô lại uống trà bàn tán nhỏ dần, bạch y thiếu nữ đứng dưới mái hiên buông kéo cắt hoa xuống, nhìn theo đội khâm liệm đi qua phía ngoài ngõ Thiên Thủy.

Tang lễ hết sức bình thường. Nếu không có nam tử khóc lóc thương tâm và người nằm trong quan tài không phải là hoa khôi từng danh động kinh sư thì đó đơn thuần chỉ là chuyện sống chết ở đời.

Bao nhiêu người cùng đi đưa tiễn, chẳng qua vì muốn xem truyền kỳ đẹp đẽ mà thê lương hạ màn thế nào.

Nhan Tuấn Khanh mặc áo tang nhưng dùng vải bố trắng che mặt đặng không ai nhận ra. Y khóc lóc thê lương, tuy mất đi hình tượng nam tử hán nhưng bậc công tử phong lưu ôn nhu như y đau lòng vì mất người yêu tất hành động như thế, khiến những người đi xem buông tiếng thở dài.

Nhưng ánh mắt Bạch Loa không để tâm đến thư sinh đau lòng quá độ mà vừa chạm vào nắp áo quan liền biến sắc. Anh vũ phảng phất cảm giác thấy trên mình chủ nhân toát ra sát khí đáng sợ, “vù” một tiếng bay lên đám cây cối cạnh đó.

“Quả nhiên là vậy.” Đội đưa đám rình rang đi qua hồi lâu, Bạch Loa mới thốt lên mấy tiếng, chợt cười lạnh, vung tay – “soạt”, một cành sơn trà khô bị lưỡi dao sắc lẹm cắt đổ.

Nửa đêm ba ngày sau, thành Lâm An chìm trong mưa xuân lây rây.

Ở khu mộ phần ngoài thành bắc, đêm tối đen như mực, thỉnh thoảng vang lên tiếng rền rĩ thê lương.

“Sạt, sạt, cạch, cạch”, âm thanh vang lên trong bóng đêm, vừa cấp thiết vừa điên cuồng.

- Đó là tiếng móng tay cào vào gỗ, rùng rợn vọng vào tai.

“Ngột ngạt… ngột ngạt quá.”

“Cho tôi ra! Cho tôi ra!”

Trong không gian nhỏ hẹp đến ngạt thở, nàng dùng toàn lực đẩy nắp quan tài nhưng không mảy may ăn thua – không thể nào… không thể nào! Rõ ràng Tuấn Khanh đã bảo rằng quan tài không đóng đinh, sau ba ngày y sẽ tới đón nàng.

Y từng an ủi nàng: Chỉ cần nàng mở mắt ra, y sẽ ở cạnh đợi nàng tỉnh lại – rồi cưới nàng làm vợ.

Nhưng sao giờ Tuấn Khanh không tới? Vì sao y không tới?

“Cho tôi ra!... Khó thở quá… cho tôi ra!”

Đẩy một hồi … nặng quá! Nắp áo quan đóng đinh cứng ngắc, hoàn toàn bất động.

“Tuấn Khanh! Tuấn Khanh! Tuấn Khanh!”

Trong bóng đêm vang lên tiếng gào lạc giọng, mỗi lần gào lại dùng toàn lực đẩy nắp áo quan chắc nịch như màn trời che phủ, nhưng móng tay cọ vào gỗ liền gãy gục, phát ra âm thanh soàn soạt, bóng đêm tử vong vẫn trầm trầm.

“Tuấn Khanh, Tuấn Khanh… Tuấn Khanh…” Hơi thở của nữ tử trong áo quan mỏng manh dần, lẩm bẩm gọi đến kiệt lực, tĩnh tâm một hồi, nàng đột nhiên bật cười cuồng dại – hóa ra là thế! Hóa ra kết cục là thế.

Đem một người còn sống cho vào quan tài là thành toàn cho y cả về hiếu đạo và tình nghĩa… đúng, nàng “bệnh”, bệnh rất nặng, chắc chắn phải chết – cơ hội tốt như thế, y lại thông minh, đời nào chịu bỏ qua?...

Lúc dùng trâm vàng rạch mặt, nàng kiên định vô hối, nhưng lúc dùng đinh sắt đóng lên nắp quan tài, sao y lại tuyệt tình đến thế?

“Tuấn Khanh! Tuấn Khanh! Tuấn Khanh!”

“Ta không cam lòng… ta không cam lòng! Dù phải mất mạng dưới ba tấc đất, cũng phải hóa thành lệ quỷ đến tìm ngươi.”

Trong quan tài, nữ tử cuồng loạn cào nắp và thành quan tài, ngón tay đầm đìa máu. Không khí giảm dần, nàng nghẹt thở, lồng ngực như đang có ngàn vạn con kiến cắn xé tim phổi, ngón tay nàng tự cào vào da – đột nhiên, chạm vào vật gì đó trong lớp áo lót.

- Túi gấm. Thiếu nữ thần bí đó có trao cho nàng túi gấm.

Trong bóng tối, nữ tử thở hắt ra, bàn tay liên tục run rẩy, cầm vật trong túi gấm mà phảng phất như tìm được cây cọc cứu mệnh: đó là một cây chủy thủ không đầy một xích, phát ra hàn khí bức nhân.

“Đó là bùa hộ thân của cô nương.” Thiếu nữ áo trắng dặn.

Thanh lý xong gian phòng cuối cùng, Nhan Tuấn Khanh thở dài nhìn Yêu Nguyệt biệt viện trống trơn – cuối cùng, tất cả đều qua. Trường phong lưu khiến ai ai cũng biết này chắc cũng chôn vùi theo bụi trần tục.

Nhớ lại những xáo trộn mấy ngày qua, y không khỏi bồi hồi: chẳng phải trong chốn phong trần không có chân tâm sao? Sao y lại gặp phải một nữ tử cái gì cũng cả tin là thật? Vũ nữ sắc nghệ quán tuyệt kinh sư lại vì y mà gây ra ngần ấy chuyện, khiến khắp thành xôn xao – còn nghĩ nữa mà làm gì, loại diễm phúc đó y có nguyện ý tiếp thụ chăng?

Nếu chấp nhận, y biết ăn nói thế nào với cha mẹ, phụ thân xưa nay nghiêm cẩn mà biết y ra vào chốn phong lưu hoa nguyệt, tất sẽ theo gia pháp giáo huấn đến nơi đến chốn, lý nào chịu nhận một thanh lâu nữ tử bước vào nhà? Còn cả việc chung thân được định từ nhỏ - thê tử chưa đón về là con gái Chu thị lang – mối nhân duyên như thế, y chịu mất sao?

Huống hồ, chạm mắt vào gương mặt khủng khiếp của Tâm Nguyệt, y không thể chịu đựng nổi.

Nàng không biết y chỉ thích dáng vẻ xinh đẹp, múa dẻo hát hay ư? Dung mạo nàng như bây giờ, y làm sao chịu để mắt, đừng nói cái gì mà trọn đời trọn kiếp? Thế nguyền ư… những lời trong chốn phong nguyệt, có câu nào là thật?

Hôm nay… đã là ngày thứ tư rồi sao?

Y bất giác rùng mình, đoạn vội vàng tự an ủi: chắc không sao… không sao, y mua quan tài bằng gỗ lê hoa thượng phẩm, nắp dày hai thốn, lại tận mắt cho thợ đóng tới hai lớp đinh lên.

Dù là một nam tử khỏe mạnh, mà tay không cũng đừng hòng phá được. Không sao đâu… hắn có gì phải lo lắng, sau này cưới vợ sinh con, làm quan… khung cảnh chăn gấm nệm êm sẽ khỏa lấp những phong lưu bây giờ. Xuôi ngược gì thì chuyện người trong quan tài sống lại, ngoài y cũng không có ai biết được.

Món nợ lúc thiếu niên hồ đồ, thôi thì vùi sâu xuống cho nó tự rữa nát.

Nhan Tuấn Khanh lại thở dài nhìn biệt viện trống trải, thu tấm vũ y bảy màu Lâu Tâm Nguyệt mặc khi trước, vo lại đưa cho thư đồng Mặc Yên: “Mọi thứ thu vén hết chưa? Mớ y phục này mang đến đâu đó đốt hết đi… mọi thứ của Lâu cô nương không cần để lại gì.”

Mặc Yên lanh lợi nhưng hôm nay lại hiểu sai ý, cho rằng thiếu gia tâm tình chán nản, đảo mắt nhìn đống y phục, không thấy bộ bình thường Lâu cô nương thích mặc nhất, lắp bắp hỏi: “Chiếc trân châu sam đó thiếu gia có giữ lại làm kỉ niệm không? Những thứ khác nô tài sẽ đốt hết.”

“Trân châu sam? Không phải cũng trong đó sao?” Nhan Tuấn Khanh lấy làm kỳ quái, không buồn lật lại đống y phục xua xua tay cho gã thư đồng ra ngoài – dù gì toàn bộ những thứ ở đây, y không định giữ lại gì.

Mặc Yên đi rồi, y nhìn tòa biệt viện trống trải, chợt thấy thương cảm vu vơ…

Một năm rồi nhỉ? Nơi đây từng tha thướt phong quang biết bao nhiêu? Tựa gối thề nguyền, lẳng lặng mở cửa sổ ngắm trăng, cười đùa dưới khóm hoa… mỗi tối trước khi đi ngủ, Tâm Nguyệt đều mặc tấm vũ y nàng yêu thích nhất, múa cho mình y xem.

Phong thái tuyệt thế đó… đủ để nghiêng thành nghiêng nước.

Nhưng đến hôm nay chỉ còn là những mảnh vỡ trong quá khứ.

Y hơi buồn bã – kỳ thật y không muốn thế --- nhưng dù gì y vẫn chỉ là kẻ nhu nhược, không có dũng khí phản kháng phụ thân và gia tộc, vứt bỏ công danh lợi lộc.

Y chỉ có dũng khí làm một việc duy nhất, là đóng đinh lên áo quan, đóng những hai lớp.

Bàn tay thư sinh từ từ nắm chặt lại, ánh mắt thường ngày văn nhã chợt ánh lên những tia ác độc.

Đã nửa đêm rồi – y đến biệt viện này thu thập mọi thứ cũng để tránh tai mắt người đời. Trong thành Lâm An, ai nấy xôn xao bàn tán về nam tử trong màn kịch phong lưu này nhưng chi biết y họ Nhan mà thôi… từ đầu y đã lưu tâm, không nói tên thật với đám người hỗn tạp chốn phong trần. Tuấn Khanh chỉ là tên giả… Tuấn Khanh, Tuấn Khanh… bao lần nghe Tâm Nguyệt gọi trong lúc say mê, lần nào y cũng ngẩn ra rồi mới có phản ứng là tên mình.

Nữ tử ngốc nghếch … một mình nàng ta say là được rồi, còn muốn kéo y xuống vũng bùn nữa sao?

Màn đêm âm u, ngoài trời rì rầm mưa đổ - Giang Nam lúc đầu hạ đều mưa như thế, y vừa thấy vô vị vừa cảm hoài, chợt muốn ngâm lên một bài thơ. Nhưng y chưa kịp đọc lên câu đầu thì loáng thoáng nghe trong tiếng gió có lời ca vang vọng – “Gió xuân lất phất làn mưa bụi, Sấm động phù dung hé nhụy lòng.”

Tiếng ca thê thiết của nữ tử, vọng trong tiếng mưa gió phiêu diêu, quả nhiên là bài Vô Đề của Lý Nghĩa.

Lắng nghe tiếng ca, tay Nhan Tuấn Khanh chợt rung lên… giọng hát đó… giọng hát đó.

“Vầng trăng bẻ khóa hương ngan ngát, Ngọc hổ vương tơ mãi xoay vòng.”

Tiếng ca quen thuộc không hiểu từ đâu vọng đến, lồng lộng khắp biệt viện trống trải chìm trong cơn mưa đầu hạ.

Là nàng… là nàng!

Sắc mặt thư sinh trắng bợt, bàn tay run rẩy đẩy cửa phòng, chạy đến ngoài hành lang, chuẩn bị lao ra khỏi đại môn.

Nhưng vừa đến hành lang, chân y như mọc rễ, mắt trợn trừng nhìn về phía trước: dưới ánh đèn u ám ở hành lang, một nữ tử thướt tha, yêu kiều mặc trân châu sam, phất ống tay áo dài, đang uyển chuyển múa, đẹp đến nỗi không thốt thành lời. Nàng phất tay, ngoái lại, y nhìn rất rõ vết thương đáng sợ trên mặt nàng.

“Tuấn Khanh, muội về gặp chàng đây.” Trong lúc thoáng ngừng múa, nàng mỉm cười nói với y.

Nhan Tuấn Khanh thấy nàng đưa tay tới, mười đầu ngón tay đầm đìa máu, tựa hồ cào vào vật gì đó mà biến thành nông nỗi ấy. Nữ tử mỉm cười: “Tuấn Khanh, muội đợi chàng rất lâu mà không thấy chàng đến… vì sao chàng lại không đến?”

“Quỷ, quỷ!” Thư sinh bay hết hồn vía, sắc mặt chuyển màu xanh lướt, trong mắt kinh hoàng co lại, cơ hồ nứt ra. Đoạn y loạng choạng chạy theo hành lang, bước chân không còn tí khí lực nào, được mấy bước liền ngã lăn ra.

“Ôi…” Thấy y như vậy, nữ tử lại thở dài, trong mắt sáng rực lên, “Tuấn Khanh, không phải chàng vẫn bảo sống cùng nhau, chết chôn cùng huyệt sao?... Muội rất yêu chàng, chàng biết không?”

“Bi..ết…” Nhan Tuấn Khanh run rẩy lùi lại từng thốn một, gật đầu liền liền.

“Chàng không biết.” Nữ tử chợt tắt ngay nét cười, lạnh nhạt thốt, “chàng căn bản không biết!” Nàng cười vang, đưa tay lên phất ống tay áo, tiếp tục hát khúc Vô Đề:

“Cổ thị vén rèm trông Hàn thiếu,

“Mật phi buông gối Ngụy vương buồn.”

“Lòng xuân cùng sánh hoa đua nở,

“Một mảnh tương tư hóa tro tàn.”

Nàng ca vừa múa, thanh âm mỗi lúc một cao, hát dến câu cuối cùng trải ra thê lương như tiếng chim Ô Thước kêu đêm. Vũ y quay tròn như cơn lốc, nữ tử danh động kinh sư phiêu hốt bất định như bóng u linh khiến người ta hoa mắt. Bước chân nhanh dần, tới gần… tay áo phất phới chợt lóe lên lãnh quang – tất cả liền yên lặng như cũ.

“Cộc, cộc, cộc!”

Tiếng gõ cửa lúc nửa đêm vang lên gấp rút, nghe rất rõ ràng khiến chủ nhân thức giấc.

Bạch Loa mặc áo thắp đèn, lúc mở cửa hiệu cũng phải rùng mình – ngoài trời mưa lớn quá. Nhưng ánh mắt nữ tử đó còn lạnh lùng hơn.

“Lâu cô nương?” Bạch y thiếu nữ thấy khách đứng dưới mái hiên, toàn thân ướt sũng, liền tỏ ra ái ngại, đưa giá nến lên soi, nhận rõ bóng dáng bèn khẽ mỉm cười, “Lâu cô nương không phải quỷ… đã như thế, cung hỉ cô nương trùng sinh tái tạo. Mau vào đi!”

“Trùng sinh? Ha ha ha…” Lâu Tâm Nguyệt cúi đầu, nước mưa nhỏ tong tỏng từ vạt áo xuống đất, nở nụ cười lạnh tanh, “tôi mang đến trả cho cô nương tiền mua hoa còn thiếu.”

Nàng ta vẫn cúi đầu, không nói thêm gì, đưa chiếc bao vẫn ôm trong lòng ra: “Ở trong này – đó là thứ tôi trân quý nhất!”

Ánh mắt Bạch Loa thoáng ngưng lại, chăm chú nhìn vào chiếc bao ướt nhẹp. Nhìn kỹ mới thấy từng giọt đỏ lòm từ trong bao thấm ra ngoài.

“Cô, cô nương… đã giết y?” Bạch Loa có vẻ bất ngờ, buột miệng hô khẽ, “trời ơi!”

“Đúng.” Lâu Tâm Nguyệt ngẩng phắt đầu dậy, ánh mắt vốn nhu hòa chợt sáng lóe như điện.

Nàng ta mở bao, nhìn chiếc đầu với vẻ thâm tình, khẽ hôn lên trán rồi chậm rãi đưa tới: “Cô nương đã nói tôi phải dùng vật mình trân quý nhất để đổi bảo châu mạt lị. Bây giờ, tôi mang Tuấn Khanh… Tuấn Khanh đến đưa cho cô.”

Không sai… đó là thứ nàng yêu quý nhất.

Cho dù mất tất cả, trong đáy lòng nàng vẫn còn lại niềm tin và khát vọng vào ái tình.

--- Mà bây giờ cả đầu tình nhân nàng cũng giao ra.

Ánh mắt Hoa Kính nữ chủ nhân hơi tối đi, khóe môi thoáng hiện nụ cười thương cảm, đưa tay đón lấy chiếc bao. Trong đêm mưa lại gặp chuyện dính đến máu me này mà thiếu nữ kỳ quái đó không hề tỏ ra mảy may kinh hoảng.

Nhưng ngón tay nàng vừa chạm vào chiếc bao, bàn tay Lâu Tâm Nguyệt rụt lại cực nhanh. “Dừng tay!”, Bạch Loa biến sắc, không kịp đón lấy đầu người, lao tới như ánh chớp, giữ cánh tay phải Lâu Tâm Nguyệt dừng lại ngay trước tâm tạng – lưỡi chủy thủ dài không đầy một thước mới chạm vào làn da người vũ nữ bạc mệnh.

“Để mặc tôi.” Tử y nữ tử ngẩng đầu, nghiến răng nhìn Bạch Loa, vẻ mặt càng khó coi hơn, “Không phải việc của cô nương, mau buông tôi ra… buông tôi ra.”

“Có liên quan đến tôi.” Ngón tay Bạch Loa vô cùng mảnh mai, nhưng Lâu Tâm Nguyệt có cảm giác mấy ngón tay búp măng kia chạm vào cổ tay mình xong, toàn thân nàng ta chợt mềm nhũn vô lực. Ánh mắt Bạch Loa lóe sáng, phảng phất như một đĩa đèn lúc mờ lúc tỏ: “Lưỡi chủy thủ này là tôi cho Lâu cô nương mượn, hiện tại nên trả cho tôi.”

Đoạn phất tay đoạt lấy. Lưỡi chủy thủ cắt sắt như bùn lọt vào tay đối phương rồi, ánh mắt Lâu Tâm Nguyệt cơ hồ trống rỗng, thân hình nghiêng đi, tựa vào khung cửa không thốt lên lời. Vốn, nàng ta đem tâm tình không muốn sống nữa đến Hoa Kính, chuẩn bị kết thúc mọi sự xong là giải thoát… nhưng thiếu nữ kỳ quái kia đã cản lại.

“Đây là cửa hiệu của tôi, nếu Lâu cô nương muốn chết, xin tìm chỗ nào xa một chút.” Thiếu nữ bạch y trường phát ngồi xuống nhấc chiếc bao lên, lạnh lùng thốt, “cả vật này nữa, cô nương cũng nên đem theo. Bây giờ y vĩnh viễn thuộc về cô nương. Tên khốn này cũng có bản lãnh đấy, lúc còn sống khiến cô nương thần hồn điên đảo, chết rồi vẫn suýt nữa kéo theo cô nương tuẫn tình là sao nhỉ?”

Chiếc đầu bay tới, Lâu Tâm Nguyệt theo ý thức đưa tay ra đón, đầu tình nhân lọt vào lòng nàng, vòng tay trìu mến như lúc hai người còn nồng đượm thủ thỉ tâm sự. Nàng ôm lấy chiếc đầu, gục xuống khóc nức nở. Tuẫn tình? Nàng muốn cắt đứt mối tình này, nhưng … đó là chân tình đến mức nàng phải chết theo sao?

Bên ngoài mưa gió sụt sùi nghe như tiếng khóc.

“Ngày mai, lúc cửa thành mở, cô nương nên rời khỏi Lâm An. Đến Phúc Châu, đến Đại Lý… càng xa càng tốt.” Bạch Loa đưa ngón tay vuốt lưỡi chủy thủ sắc như nước, thong thả hoạch định, “đem bán số ngọc trên chiếc trân châu sam đủ cho cô nương tiêu pha thoải mái một thời gian dài – Lâu cô nương, ngày tháng sau này của cô nương còn dài lắm.”

“Nhưng… nhưng tôi đã giết người…” Khóc lóc một hồi, Lâu Tâm Nguyệt cũng tỉnh lại, nhận ra mình vừa gây ra chuyện đáng sợ thế nào, sắc mặt nhợt đi, run lẩy bẩy, “tôi đã giết người! Quan phủ sẽ tìm ra tôi.”

“Không sao, không sao… đừng sợ.” Bạch Loa cúi xuống, phảng phất như mẫu thân an ủi con gái, “Lâu Tâm Nguyệt đã chết rồi, không phải sao? Người cả thành Lâm An đều biết, không ai hoài nghi cô nương cả, có ai đi hoài nghi người chết đâu…”

“Tôi đã chết rồi sao?” Vũ nữ áo tím lẩm bẩm, ngẩng lên nhìn bóng đem vô biên chìm trong màn mưa.

“Đúng, cô nương đã chết.” Bạch Loa lại mỉm cười an nhiên, bỗng nhấn mạnh từng chữ: “nhưng cô nương cũng vẫn còn sống. Nhất định phải sống.”

Thân ảnh đơn chiếc của Lâu Tâm Nguyệt khẽ run lên, chợt mỉm cười cay đắng, vịn vào khung cửa đứng dậy. Tuy yếu ớt nhưng cuối cũng nàng cũng đứng dậy, tay vẫn ôm chiếc bao.

Hai nữ tử cứ thế đứng yên lặng trong đêm mưa.

Hồi lâu sau, Bạch Loa chợt hỏi: “Năm thốn rễ cây, cô nương còn lại bao nhiêu?”

“Hai thốn.” Lâu Tâm Nguyệt bặm môi, thấp giọng đáp: “Cô nương dặn dò không được uống nhiều, hai thốn còn lại tôi đã chôn xuống đất.”

Bạch Loa cúi đầu ngẫm nghĩ, nhẹ giọng bảo: “Lâu cô nương, xin nhờ cô một chuyện có được không?”

“Kết cỏ ngậm vành cũng xin báo đáp cô nương.” Lâu Tâm Nguyệt mỉm cười, thần sắc thê lương, ánh mắt mênh mang buồn bã, lí nhí: “Nhưng, tôi giúp được gì cho cô nương?”

“Bảo châu mạt lị này trong hiệu của tôi đã không còn, hai thốn rễ hoa đó xin nhờ cô nương chăm sóc - năm tới mọc lên lại mang đến cho tôi một chậu, thế nào?” Bạch Loa xoay xoay cái muỗng trong tay, chậm rãi nói, ngữ khí không cho người nghe chối từ.

Mưa tạnh dần, gió cũng lặng… ngày mai, liệu trời sẽ hửng?

Bạch Loa cầm giá nến, đứng bên cửa đưa mắt tiễn bóng áo tím xinh đẹp lẫn mất vào màn mưa chợt thở một hơi thật dài, chợt tựa vào cánh cửa nhắm mắt lại --- Lòng xuân cùng sánh hoa đua nở, Một mảnh tương tư hóa tro tàn.

Tuy vậy, nếu Lâu Tâm Nguyệt có thể nhẫn nại thêm một, hai năm chắc sẽ hiểu rằng: Dù thống khổ thế nào rồi cũng qua. Đáng sợ nhất là những người trong cơn tuyệt vọng không thể chờ đợi được dù chỉ mấy giấy phút ngắn ngủi, bất chấp tất cả mà tìm đến giấc ngủ vĩnh hằng…

Vì thế, nàng chỉ biết giao Bảo châu mạt lị cho nàng ta.

Nữ tử như Lâu Tâm Nguyệt tuy đa tình đến ảo tưởng nhưng cũng không kém phần khí tiết – đã đồng ý rồi nhất định sẽ chăm sóc chậu hoa cho đến ngày hoa nở, như nỗi niềm kiên trinh với ái tình.

-- Tuy nhiên, chỉ người nào có loại hoa đó mới biết, bảo châu mạt lị chỉ còn lại có hai thốn rễ vĩnh viễn không thể mọc mầm… vĩnh viễn không nở hoa.

Hoa có nở hay không quan trọng gì. Chỉ cần nữ tử đó có thể đợi đến lúc gió xuân xua đi giá lạnh trong tim, trở lại vui vẻ là được rồi…

Chỉ cần nàng ta sống sót là được rồi.

Tiểu chú: Mạt lị còn có tên là mạt lợi, Đông Pha đặt lên là loài hoa hương thầm, tên khác là mạn hoa, vốn xuất xứ từ Ba Tư, phần lớn sinh trưởng tại những vùng ấm áp ở phương Nam… Riêng bảo châu mạt lị bông hoa tuy nhỏ nhưng được coi là quý giá nhất, ban sớm chưa nở cụp lại như viên ngọc, đến chiều tối sẽ xòe cánh, hương thơm khắp nhà, thanh lệ vô cùng.

(°) đạt quan quý nhân: những người giàu có, quyền quý

(°°) Triệu Yến: hay còn gọi là Triệu Phi Yến, đại mỹ nhân đời Hán Thành Đế, có tài múa rất hay, điệu múa nhẹ nhàng uyển chuyển như bay như lượn tựa chim yến.

(1) Lưu Lan Chi và Tiêu Trọng Khanh: câu chuyện được coi là thiên tình sử của Trung Hoa. Cuối thời Đông Hán, thiên hạ loạn lạc, có một cô gái thông minh diễm lệ tên là Lưu Lan Chi. Nàng và thư sinh Tiêu Trọng Khanh yêu nhau thắm thiết nhưng khi kết hôn, mẹ của Tiêu Trọng Khanh lại ghét nàng, buộc con trai phải bỏ vợ. Phải vâng lời mẹ, Tiêu Trọng Khanh đành đưa Lan Chi về lại nhà mẹ đẻ, với nguyền sẽ mãi không xa nhau, đợi thời cơ thích hợp sẽ trùng phùng. Nhưng anh trai của nàng lại bức hôn, gả nàng cho con trai của Viên thái thú. Cự tuyệt không thành, cuối cùng hai người đã dùng cái chết để đổi lấy tự do ái tình....

(2) Bạch Xà và Hứa Tiên: Chuyện kể về phú ông họ Hứa nhân buổi nhàn du đã ra tay cứu giúp một con Bạch Xà thoát khỏi lũ trẻ ngây thơ đang đùa nghịch. Ngàn năm sau, Bạch Xà tu thành chính quả về trả ơn ân nhân (chuyển thế thành thần y Hứa Tiên). Hai người nên duyên, trong một lần say rượu, Bạch Xà hiện nguyên hình, Hứa Tiên hoảng sợ xua đuổi vợ mình khiến Bạch Xà vừa đau lòng vừa tức giận bỏ đi. Trải qua nhiều khổ mệnh (chống đối cả thiên đình, Bạch Xà bị nhốt trong tháp Phong Lôi, Hứa Tiên quyên sinh), linh hồn đôi uyên ương mới được mãi mãi bên nhau...

(3) bảo châu mạt lị: hoa nhài châu ngọc

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play