Sáng sớm, Trần Uyển đã bị đánh thức bởi tiếng la hét của đứa
trẻ nhà hàng xóm.
Mảnh đất cô đang sống là khu đông dân nhất thành phố, mặc dù
là những căn nhà có từ thời Vãn Thanh nhưng sớm đã chẳng có dấu tích tao nhã cổ
kính của hơn trăm năm trước, ngoài khu vực của cư dân sống còn có một khu dành
cho cán bộ khu là những căn nhà cũ kĩ giờ đã được sử dụng làm xưởng nhuộm ở lân
cận. Các dinh thự của những gia đình quyền quý ngày xưa bây giờ lại là nơi sống
của những người dân có mức thu nhập thấp nhất thành phố. Một dinh thự thường có
tới mấy gia đình cùng chung sống, nên người nào nói gì to tiếng chút là hàng
xóm đều nghe rõ. Bởi vậy, cùng lúc thím Lưu phát vào mông đứa nhỏ làm nó khóc
thét lên thì lập tức có tiếng khuyên giải của hàng xóm bốn bên, tiếng ho của
người già buổi sáng, tiếng gọi con dậy ăn cơm sáng, lại còn có hai chú chim họa
mi mà cụ già ở nhà đối diện nuôi đang hót líu lo, và xa xa là tiếng luyện thanh
của cô Liễu - bài tập mà cô phải làm hằng ngày, cả con hẻm Chu Tước theo những
ánh nắng đầu tiên của buổi sáng sớm cũng trở nên sinh động, đầy sức sống.
Cô nhìn đồng hồ, thấy chẳng còn sớm sủa gì, lòng thầm trách
mình một tiếng rồi vội vàng dậy mặc quần áo, thu dọn giường chiếu.
Trần Uyển cầm bàn chải đánh răng và chiếc cốc đi ra sân, mở
vòi hứng nước, cùng lúc đó thì cậu đi vào: “Hôm qua dọn đồ muộn, cậu định để
con ngủ thêm một chút rồi mới gọi”.
“Tỉnh rồi thì phải dậy chứ”, cô trả lời ậm ờ khi miệng đang
đầy bọt kem đánh răng. Tối qua nhà dì Lý ở dãy đường phía sau có con gái đi lấy
chồng về lại mặt nên nhờ nhà Trần Uyển nấu mấy mâm cỗ mời bà con thân thích đến
dự. Đều là hàng xóm lâu năm, hơn nữa chẳng ai khá giả gì, nên cậu cũng ngại lấy
nhiều tiền công, chỉ lấy chút tượng trưng, cứ bận quần quật suốt tối. Hơn mười
giờ mọi người mới tan, cả nhà lại phải dọn dẹp mất một tiếng đồng hồ mới được
nghỉ ngơi.
Rửa mặt xong, thấy cậu đi vào nhà bếp, cô liền đi theo. “Cậu
ơi, cậu đi nghỉ chút đi, để đó con làm cho”, vừa nói cô vừa giật cái thùng gỗ
trong tay cậu. Củng Tự Cường cũng không tranh với cô, để mặc cô bê đi.
“Tiểu Vũ vẫn chưa dậy à?”, cậu hỏi.
“Chưa, nay là Chủ nhật, để nó ngủ thêm một chút. Cậu, con đi
trước đây.”
Cậu cô sầm mặt, khẽ mắng thằng nhóc rồi gật đầu với cô và đi
ngược vào, định gọi Tiểu Vũ.
Cái thùng gỗ phải nặng đến mười mấy cân, ngày trước cô không
bê nổi, giờ thì được rồi. Đến sân trước, mới có thưa thớt vài ba khách hàng,
toàn là hàng xóm thân quen, cô cười chúc mọi người buổi sáng tốt lành. Mợ đang
bận phía sau, cô bê thùng tới để đổi cái thùng không.
Nhà cô là hộ gia đình sống lâu năm ở hẻm Chu Tước, nên
khoảng sân trước nhà có thể nói là rộng rãi nhất nhì nơi đây. Có điều, sau khi
cậu bị sa thải thì cuộc sống rơi vào khó khăn, vốn sẵn có chút nghề trong tay
nên cậu mợ liền chia khoảng sân này thành hai phần, sân trước là tiệm bán đồ ăn
sáng, cũng chỉ là mấy món rau xào và món nhậu đơn giản, ở giữa là nhà bếp, tối
qua do diện tích phía trước bày biện bàn tiệc không đủ nên cũng mượn luôn gian
giữa bày được thêm hai bàn. Nhà cô nằm ở cửa hẻm Chu Tước, mặc dù người dân
trong hẻm rất ít khi ra ngoài ăn cơm, nhưng do nằm ngay đầu đường gần với đường
lớn phía trước, thỉnh thoảng cũng có thể bán cho người qua đường, bởi vậy cũng
tằn tiện nuôi sống đủ bốn miệng ăn.
Sáng chủ nhật buôn bán lúc nào cũng chán, người đến ăn rất
ít, nhưng tào phớ lại đắt hàng, cứ một lúc cô lại phải bê một thùng lớn khác
ra.
Sức khỏe của mợ không tốt, nhìn dáng vẻ một nắng hai sương
của mợ xem ra còn tiều tụy hơn cả những lúc thường, Trần Uyển giục mợ đi nghỉ,
việc còn lại cứ để cô. Mợ đau lòng, dịu dàng nhìn cô: “Vậy mợ nghỉ trước, cậu
con chuẩn bị ra giờ đó. Đây, múc bát tào phớ bưng ra cho bà Lý đi con”.
Nhà bà Lý là căn thứ năm của dãy đường phía sau, rất thân
thiết với mợ, mợ thương bà, biết mắt bà kém, lại chẳng có con cháu gì nên giúp
được gì thì giúp. Trần Uyển tay bê bát tào phớ, trong túi có khoảng năm mươi
đồng mà mợ đưa để mang cho bà Lý, cô men theo con hẻm Chu Tước đi về phía sau.
Thật ra, nhìn từ bên ngoài, hẻm Chu Tước rất đẹp, lướt qua
bờ tường trắng là những mái hiên với những hàng ngói xanh ngả màu xám, chỉ có
điều tường đã ngả màu, ngói đã đổ rêu, mặt đường lát đá cẩm thạch có lẽ rất lâu
rồi không được tu sửa, mấp mô cứ đi được mấy bước lại gặp những ổ gà đọng nước
sau cơn mưa đêm qua. Con đường hẻm Chu Tước một bên là những ngôi nhà cũ, một
bên là dòng Thanh Thủy. Thanh Thủy trước đây là dòng sông bảo vệ thành, nghe những
người già kể lại thì khi nhỏ họ còn có thể ra đây bắt cá, nhưng bây giờ thì
toàn sình lầy, cộng thêm rác thải của những hộ dân sống gần đó và cả nguồn nước
thải từ nhà máy nhuộm ở thượng nguồn, tạo nên đủ loại màu sắc tạp nham. Bình
thường còn chịu được, chứ mưa như ngày hôm qua, rác rưởi bùn lầy từ trong dòng
sông trôi nổi lênh láng, mùi vô cùng khó chịu.
Trần Uyển nhớ lúc mới chuyển tới sống ở hẻm Chu Tước, mỗi
khi ngửi thấy mùi này là đầu óc lại căng lên, nhưng bây giờ, nó đã trở thành
một phần của cuộc sống, xem ra hoàn cảnh sống có thể cải biến rất nhiều phương
diện của con người, ngay cả tính cách của cô cũng thay đổi không ít, không còn
giống với con bé trong quá khứ, lúc nào cũng hồn nhiên, ương bướng, không biết
trời cao đất dày là gì.
Đi vội đến ngã rẽ cuối con đường, từ phía sau có một chiếc
xe phóng tới với tốc độ rất nhanh, cô định tránh mà không kịp. Con hẻm Chu Tước
không rộng, cùng lắm là có thể cho một chiếc xe đi, cô còn chưa kịp ép sát
người vào tường thì chiếc xe đã vút qua bắn nước tung toé, khiến cả người cô
ướt hết.
Cô thầm rủa một tiếng xui xẻo, cuối xuống phủi những giọt
nước bùn bám trên quần. Chiếc xe phía trước phanh gấp, sau đó lùi lại một chút
và dừng ngay bên cạnh cô. Cô ngước đầu lên, bắt gặp đôi mắt đầy vẻ kinh ngạc,
sau đó sự kinh ngạc được trút bỏ, rồi đầy phấn khích nhìn cô chằm chằm. Trong
lòng cô bỗng nhiên hoảng hốt, nhưng nét mặt trở nên lạnh lùng, đứng thẳng người
đi về phía trước.
“Ơ, cái này”, người đàn ông đó gọi giật từ phía sau.
Bước nhanh được vài bước, người đàn ông lại lái xe chậm rã
đuổi theo: “Này”.
Còn hai bước nữa là tới con đường của dãy phố phía sau, Trần
Uyển dừng lại, quay người nhìn anh ta. Người đó thò đầu ra cửa xe, ánh mắt nhìn
thẳng cô đầy vẻ thích thú. Trông bộ dạng anh ta cũng khoảng hai mươi tư, hai
mươi lăm tuổi rồi, lớn tuổi thế mà sao chẳng có đạo đức gì nhỉ? Trần Uyển thấy
tai mình nóng ran, trong lòng không ngừng oán thán.
Cô trừng mắt với anh ta, nhưng anh ta lại cười dưới ánh mặt
trời vô cùng sinh động. Gương mặt cô càng trở nên lạnh lùng, tiếp tục đi về
phía trước.
“Này!”
“Làm gì thế?”, cô quay người hùng hổ hỏi, “Chỗ này đường
hẹp, không thể đi xe vào được. Còn nữa, chỗ nào cũng có vũng nước, anh không
thể chạy chậm lại được hả? Ngộ nhỡ đụng xe vào đứa trẻ và cụ già phía trước thì
phải làm sao?”.
Người kia có lẽ không ngờ rằng cô lại đáo để đến thể, lấy
làm ngạc nhiên rồi cười khoe hàm răng trắng, đều. “Cô đừng lo, ban ngày ban mặt
thế này tôi không bắt cô đâu, tôi chỉ muốn hỏi, có phải Thuần Dương quan ở đây
không?”
Trần Uyển bị anh nói trúng tâm tư, có chút bối rối, chỉ ngón
tay về phía trước, “Đi thẳng, sau đó quẹo trái, cái sân có cây hoè cổ thụ chính
là nó đấy”, nói xong, cô không dám nhìn anh ta, vội vã đi vào con đường phía
sau.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT