Lão tiêu đầu cùng con dâu nghe thấy Vân Nhạc thất thanh la lớn liền tiến đến gần xem thấy trên vai thiếu tiêu đầu có một vết thâm tím dài chừng năm ngón tay và lớn chừng hai ngón.

Thấy vậy, Vân- Nhạc lắc đầu thở dài:

- Vết thương này là bị âm thủ đả thương đây, nhưng thiếu tiêu đầu không hay, và chắc bệnh này phát từ hồi phục thử (mùa hè). Lại y sĩ không biết bệnh này do nội thương mà nên, làm cho thiếu tiêu đầu uống thuốc giải cảm và thuốc bổ gan bổ thận.

Thế là, Lại lão đã lầm thêm nữa, tà nhiệt uất kết trong kinh Thái Dương, không sao phát ra được, cho nên máu trong mồm mũi mới đổ ra như vậy. Sức lực của con người có hạn, cứ uống lầm thuốc thế này mãi, chỉ mười ngày nữa “dầu cạn đèn khô”, dù có thần tiên tới đây cũng chịu.

Lão tiêu đầu tán dương Vân Nhạc vô cùng:

- Thiếu hiệp quả thực học rộng tài cao, khiến lão thán phục khôn tả!

Vân Nhạc móc túi lấy một cái hộp đồng nhỏ và đẹp, mở nắp lấy mười hai cái kim nhỏ như tóc ở bên trong ra. Kim ấy dài chừng bốn tấc và là kim bằng vàng thực. Chàng cắm mười hai cái kim ấy vào trong mười hai trọng huyệt của thiếu tiêu đầu. Chàng lại dặn lão tiêu đầu sai người đi mua ngay ngải cứu và củ gừng già, càng nhiều bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.

Minh Ỷ vội chạy ra nhà ngoài, sai bảo phổ ky đi mua tức thì.

Nửa tiếng sau, mọi người đã thấy thiếu tiêu đầu rên rỉ rồi. Lúc ấy, phổ kỵ đi mua ngải và gừng vừa về tới. Vân Nhạc nhờ lão tiêu đầu và Minh Ỷ đè đầu thiếu tiêu đầu không cho cử động, rồi chàng lấy ba miếng gừng đắp lên trên vết thương, và phủ lá ngải lên đốt. Làm như vậy ba lần, thiếu tiêu đầu đau đớn kêu la như dê kêu vậy, gân cốt rung động, mồ hôi toát ra như mưa, cứ cố gượng ngồi dậy vì đau quá không chịu nổi.

Nhưng, trên đầu bị lão tiêu đầu và vợ đè chặt, thiếu tiêu đầu không sao dậy được, hai mắt trợn to như hai cái chuông đồng, mồm cứ kêu la đau đớn vô cùng. Đốt tới chín lần gừng và đốt ngải, thiếu tiêu đầu đã la tới hết hơi kiệt sức rồi, Vân Nhạc mới ngừng tay:

- Bây giờ nội thương đã hết, không việc gì nữa.

Lão tiêu đầu và Minh Ỷ mới buông tay ra, Vân Nhạc khẽ rút mười hai chiếc kim vàng ra, đỡ bệnh nhân ngồi dậy, khẽ đánh vào sau lưng một cái.

Thiếu tiêu đầu liền khạc luôn ra một đống máu tanh hôi, ai ngửi thấy cũng buồn nôn buồn mửa.

Vân Nhạc lại đặt bệnh nhân nằm xuống, lấy giấy bút viết luôn hai toa thuốc một chuyên trị thổ huyết, một lý trung điều khí. Thấy chữ của chàng như rồng bay phượng múa, lão tiêu đầu đứng sau tấm tắc khen luôn mồm.

Kê hai toa thuốc xong, Vân Nhạc dặn bảo:

- Uống hai toa thuốc này chỉ bảy ngày là cùng, bệnh sẽ khỏi hết.

Nói tới đấy, chàng lại kê thêm một toa thuốc nữa và nói tiếp:

- Toa này là Thiên Kim Chưng Tử Bí Phương. Cuối cùng mới uống tới toa thuốc này. Đến tháng năm sang năm, tại hạ sẽ tới đây uống chén rượu mừng cháu bé đầy tháng.

Minh Ỷ, đứng cạnh đó, nghe thấy chàng nói như vậy, xấu hổ đến hai má đỏ bừng, còn lão tiêu đầu thì hớn hở tươi cười, nói liên tiếp:

- Lẽ dĩ nhiên rồi, lẽ dĩ nhiên rồi...

Vân Nhạc cùng lão tiêu đầu đi thăm nom bốn người tiêu sư, và chàng cũng cho mỗi người một toa thuốc.

Nửa đêm hôm ấy, chàng chích cho Cố mẫu một lần, và cũng cho uống cả thuốc hoàn đơn để cho chóng khỏi. Sau đó chàng lại dùng chân lực của bản thân đả thông huyệt đạo của Cố mẫu. Quả nhiên Cố mẫu đã đi lại được, nhưng vẫn còn hơi yếu ớt.

Vân Nhạc, Cố cô nương với lão tiêu đầu ở trong thư phòng bàn việc kín, không ai hay biết ba người bàn những những việc gì. Trời mới tảng sáng, Vân Nhạc đã cùng mẹ con Cố cô nương rời khỏi tiêu cục, không ai biết ba người đi đâu cả.

Giữa giờ Thân và Mùi, trước cửa Thiên Mã Tiêu Cục người đi lại đông đúc, nơi đây vì gần chùa Tướng Quốc, nên phồn thịnh hơn các khu phố khác, ngoài những người qua đường đi lại chen vai thích cánh ra, còn trẻ con nô đùa, bọn hàng rong buôn bán đi qua, xen lẫn tiếng chuông mỏ của chùa Tướng Quốc càng làm cho nơi đây náo nhiệt khôn tả.

Lúc ấy, bỗng có tiếng vó ngựa từ xa phóng tới, người qua đường vội né sang hai bên lề để tránh.

Lư Khôn đang khoanh tay đứng ngoài cửa tiêu cục xem cảnh ngoài đường, bỗng nghe thấy tiếng vó ngựa, liền đưa mắt lên nhìn. Y thấy mấy con ngựa Mông Cổ cao lớn phi tới, khách cởi trên lưng ngựa đều ăn mặc áo bông màu. Lư Khôn nhìn kỹ mặt bọn người đi tới đó có vẻ kinh hãi, nhưng vẫn cứ làm ra bộ bình tĩnh như thường vậy.

Bốn người đó đi tới cột cờ của tiêu cục liền ngừng cương lại tung mình nhảy xuống đất, nhẹ nhàng và nhanh nhẹn vô cùng. Cả bốn người đó cùng một động tác, tựa như ở trên mình ngựa bay xuống vậy. Như vậy đủ thấy võ thuật của họ cao siêu biết bao.

Trong đó có một ông già mặt dài dưới cằm có mấy sợi râu lưa thưa, xương khoanh mắt lòi ra hơn người, trái lại đôi ngươi sâu hoắm vào, lộ ra ánh sáng rất oai nghi.

Y ngẩng đầu nhìn lá cờ của tiêu cục một cái bỗng cười nhạt một tiếng, rồi lên tiếng bảo tên đứng cạnh:

- Trần Bằng, giật lá cờ này xuống cho ta.

Một đại hán tuổi trạc bốn mươi vâng lời và liếc nhìn Lư Khôn một cái ra vẻ khinh thị.

Cờ hiệu của tiêu cục khác dùng dây thừng treo lên hạ xuống, riêng cờ của Thiên Mã

Tiêu Cục thì khác hẳn, hàng ngày hai lần treo lên và hạ xuống đều do một tên phổ ky khinh công rất khá leo lên trên ngọn cột treo hay hạ xuống.

Tên Trần Bằng nắm cột cờ thấy bằng sắt và to bằng cánh tay người, tự biết không sao vật gãy xuống được thể nào cũng phải leo lên trên ngọn mới hạ được lá cờ đó xuống, nhưng... y không muốn leo như vậy, vì làm như thế mỏi chân của y đi.

Y thấy gần đó có một cây cổ thụ cao chừng năm trượng, lá đã trụi gần hết nhưng cây này chỉ cao bằng hai phần ba cột cờ thôi, và cách cũng khá xa, Trần Bằng định mượn cây đó làm nơi đạp chân, liền nhún vai nhảy thẳng lên, dáng điệu đẹp vô cùng.

Ông già nọ bỗng cười và nói với hai tên đứng cạnh:

- Khinh công của Trần lão càng ngày càng cao siêu...

Y chưa nói dứt lời, đã thấy có sự không may xảy ra rồi.

Thì ra Trần Bằng nhằm cành cây cao nhất và cũng là chỗ gần cột cờ nhất, để làm nơi đạp chân mượn sức nhảy lên trên ngọn cột cờ, thì hạ lá cờ xuống dễ như trở bàn tay ngay.

Ngờ đâu, hai chân của y vừa đụng tới cành cây đó thì đột nhiên nghe tiếng kêu “rắc” một cái, cành cây đó không gió mà tự gãy ngay lúc Trần Bằng vừa đạp chân tới. Thân hình Trần Bằng tựa như con diều đứt giây rơi thẳng xuống mặt đất.

Cũng may lúc sắp xuống tới đất thì hai chân của y xuống trước nên y chỉ loạng choạng mấy cái thôi, nhưng y cũng đỏ mặt tía tai, xấu hổ vô cùng rồi.

Những người qua đường già trẻ đứng xem quanh đó đều cười xòa lên.

Ông già mắt lõm biết thế nào cũng có ai định tâm phá bĩnh đây? Nhưng người nào lại có huyền môn cương khí cao siêu đến thế mà có thể bắn gãy cành cây một cách bí mật như vậy được? Y tự nghĩ:

- Công lực của mình không sao bắn trúng cành cây cao như vậy và đúng lúc như thế được?

Nghĩ xong, y liếc mắt nhìn các người đứng quanh đó một vòng. Y thấy một ông già béo lùn, hai mắt ti hí, và bên cạnh y có hai thiếu niên và một thiếu nữ, người nào người nấy lưng đều đeo bảo kiếm.

Cả bốn người đều tủm tỉm cười, trông vẻ ngạo mạn vô cùng.

Ông già mắt lõm nhận định hành động bắn gãy cành cây là bọn ông già béo lùn tạo nên, liền trợn mắt và đang định lên tiếng mắng chửi. Không ngờ ông già béo lùn đã cả cười và lên tiếng trước:

- Mấy đứa con nít đã nhìn thấy rõ chưa? Thế nào cũng có cao thủ dùng thủ pháp kỳ tuyệt thiên hạ bắn gãy cành cây ấy. Thủ pháp đó cao minh quá, lão già này mới được mục kích lần thứ nhất trong đời già này.

Bọn Trần Bằng thấy ông già béo lùn nói như vậy, biến sắc mặt định lên tiếng, thì Lư Khôn đứng trước cửa tiêu cục đã nói trước:

- Hì hì, có tài ba không đi nơi khác mà biểu diễn, lại cứ đến trước cửa tiêu cục này làm trò cười cho thiên hạ xem làm gì?

Y đã thấy có cao thủ khác trợ giúp, mới dám thốt ra lời lẽ mỉa mai như vậy.

Trần Bằng tức giận vô cùng, nhún vai nhảy tới, cách nhau bảy tám trượng xa, chỉ thoáng cái thân hình của y phi tới trước mặt Lư Khôn rồi, tốc độ nhanh kỳ lạ.

Bỗng có một luồng ánh sáng như điện chớp nhằm sau lưng Trần Bằng cuốn tới đau buốt tận xương, giật mình kinh hãi, vội đạp mạnh một cái, người bắn sang bên phải ba thước.

Y lại nghe thấy kêu “soẹt” một tiếng, vai trái đã bị rạch một vết thương dài năm tấc rồi.

Lư Khôn thấy Trần Bằng nhảy xổ lại, vội giơ tay giữ thế để chống đỡ, sau y thấy có người ra tay giúp đỡ, liền thâu quyền lại, lùi ra hai bước, đứng sang bên mỉm cười để xem.

Có lẽ từ khi ra đời tới giờ, Trần Bằng mới bị thất thế lớn như vậy. Y tức giận đến mặt xám xanh, liền quay lại nhìn, thấy một thiếu nữ đẹp như hoa nở, đôi mắt lóng lánh rất oai nghi, tay cầm thanh bảo kiếm đang đứng chỗ cách mình chừng năm thước.

Thiếu nữ này chính là Lan cô nương đã điêu ngoa vô cùng ở đất Kim Hoa. Nàng nghe thấy người ta nói, Quái Thủ Thư Sinh gây nên nhiều chuyện lạ ở Thái Nguyên, nàng liền đoán ngay ra Quái Thủ đó tức là Vân Nhạc chớ không sai nên nàng mới định đi tìm kiếm, không ngờ giữa đường gặp Ải Phương Sóc Kinh Phương, Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu ba người. Lúc ăn cơm, Lan cô nương mới kể cho ba người hay Quái Thủ Thư Sinh Dư Vân có lẽ là Tạ Vân Nhạc ngụy trang.

Kinh Phương nghe thấy nói như vậy, nghĩ ngợi một lúc rồi vỗ đùi một cái và la lớn:

- Phải, con bé này nói đúng. Thằng nhãi ấy ở Dương Gia Tập đánh lừa cả lão này nữa.

Lão đã nói tại sao lão tứ của anh em Long Môn lại bỗng nhiên nhũn người nằm xuống như vậy, phải rồi đúng tên nhãi đó đấy, chúng ta đi kiếm nó đi.

Bốn người vội vàng đi tới Lạc Dương nghe thấy Vân Vụ Sơn Trang bị đốt, Nhâm Thất Cô bị đánh gãy tay chết. Bốn người lại đến Vân Vụ Sơn Trang chỉ thấy nhà cửa đổ nát, không còn một bóng người nào hết. Thì ra Long Môn Tứ Quái giải tán người trong trại và dọn đi nơi khác rồi.

Ải Phương Sóc bất đắc dĩ phải nghĩ đến Thiên Mã Tiêu Cục ở Cao Gia Câu. Thế rồi bốn người lại đi tới Khai Phong thì vừa gặp câu chuyện xảy ra như trên.

Hãy nói lúc ấy ông già mắt lõm với hai người kia thấy Trần Bằng bị thương liền cùng xông đến phía Lan cô nương. Lại bỗng thấy hai luồng ánh sáng bạc ở trên trời phi xuống nhằm ba người kia mà chụp tới. Có lẽ là Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu đã ra tay xông lại tấn công.

Thấy thế, ông già mắt lõm quát lớn một tiếng, phất mạnh tay áo một cái, chỉ thấy một luồng gió mạnh vô cùng, gạt tung hai thanh kiếm của Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu qua một bên. Đồng thời thân hình của hai chàng cũng bị sức mạnh ấy đẩy ra hơn năm thước, cho nên hai chàng kinh ngạc vô cùng.

Kinh Phương lớn tiếng cả cười:

- Thiết Trụ Kình Công khá cao siêu đấy, không ngờ Phi Thiên Diêu Tử đã ra khỏi núi Hùng Nhỉ, thật là hân hạnh được gặp gỡ tại nơi đây.

Ông già mắt lõm tức là Phi Thiên Diêu Tử Lâu Kính Đức, danh tiếng lừng lẫy ở Hà Lạc.

Lâu Kính Đức thét một tiếng quát hỏi:

- Ngươi là ai?

Ải Phương Sóc ha hả cả cười, vẻ mặt trông rất thần bí đáp:

- Bạn không nhận ra lão, nhưng lão nhận ra bạn, lão bất tử này chính là anh em kết nghĩa của kẻ đối đầu với bạn, Truy Hồn Phán Tạ Văn, lão họ Kinh tên là Phương đấy.

Nói đến đây ngừng giây lát, Ải Phương Sóc lại nói tiếp:

- Nghe nói người anh em kết nghĩa của lão sắp lên núi Hùng Nhĩ lần nữa. Vậy bạn còn đứng ngẩn người ở đây làm gì? Như vậy có phải lỡ mất dịp may không, ông bạn già ơi!

Phải biết năm xưa, Lâu Kính Đức may mắn lắm mới thắng Truy Hồn Phán một chưởng, nhưng sự đắc thắng đã không vinh dự cho lắm, nên đến nay y vẫn còn tấm tức trong lòng.

Sau y nghe thấy người ta đồn Tạ Văn đã chết nhưng y biết Tạ Văn khôn ngoan vô cùng, nên vẫn không dám tin cái chết đó là thật. Gần đây lại nghe thấy Tạ Văn lại tái xuất chỉ sợ địch thủ lên núi Hùng Nhĩ kiếm mình để trả thù.

Nay y nghe thấy Ải Phương Sóc nói như vậy, ngẩn người ra giây lát, rồi cả cười vài tiếng mới đáp:

- Lúc nào Hùng Nhĩ Sơn cũng mở rộng cửa để đón tiếp các bạn. Lâu mỗ sẽ ở trên núi nghênh đón. Nếu bạn họ Kinh có rảnh, xin cũng giáng lâm một thể.

- Lão bất tử này không ưa bạn lắm, và đã có người em kết nghĩa của lão, cũng đủ làm cho bạn nhức đầu rồi.

Lâu Kính Đức nghe nói cười nhạt một tiếng, bỏ mặc Ải Phương Sóc, quay nhìn Lư Khôn với ánh mắt hậm hực. Lư Khôn không chờ Lâu Kính Đức trả lời vội lên tiếng nói:

- Lâu lão đương gia hà tất phải làm lớn chuyện ra làm gì, cây cờ hiệu của tệ cục có đáng là bao đâu, nhưng muốn hạ nó xuống không phải là chuyện dễ. Còn thiếu hiệp hôm qua ở đây là đã trừng trị Dương đường chủ, sáng nay đã rời khỏi nơi đây lên phía bắc rồi. Lúc đi thiếu hiệp còn dặn lại, bảo lão đương gia có gan thì lên Bắc Kinh mà kiếm y.

Lâu Kính Đức tới đây là muốn kiếm Vân Nhạc để trả thù, bị Ải Phương Sóc cản trở như trên, y lại thấy Trần Bằng nhảy lên cành cây, mà cành cây tự dưng bỗng gãy. Như vậy tất phải có tay nội gia tuyệt đỉnh ẩn núp ở nơi nào ra tay phá bĩnh rồi. Vì vậy y không dám giận dữ như trước nữa, nay y nghe Lư Khôn nói như vậy, tiện cho mình rút lui lắm, liền cười khì một tiếng và đáp:

- Tên tiểu bối đó cũng khôn ngoan đấy, có lẽ y đã biết Lâu mỗ thể nào cũng tìm đến đây tìm kiếm, đã bỏ chạy ngay. Nhưng dù y có tài đến đâu đi chăng nữa cũng không thoát khỏi bàn tay của lão phu.

Lư Khôn thấy một người có tên tuổi như vậy mà thốt lên những lời lẽ bề ngoài hăng hái, nhưng bên trong thì ẩn đầy sợ sệt, liền cười thầm, nhưng y cũng không dám chọc tức Lâu Kính Đức nữa, chỉ cứ đứng yên như tượng gỗ vậy.

Nhưng mọi người có biết đâu Phi Thiên Điêu Tử xảo quyệt vô cùng, không bao giờ dám ra tay đấu những trận mà không nắm chắc phần đắc thắng.

Hiện giờ các hào khách quái kiệt đã qui ẩn, đều lần lượt xuống núi. Cứ nói việc lần này Quái Thủ Thư Sinh xuất hiện ở Trung Nguyên, y đã gởi thiếp cho khắp hết lục lâm anh hào và xúi giục các ma đạo, cao thủ tham dự cuộc săn bắt Dư Vân. Như vậy Quái Thủ Thư Sinh hành tung có thần bí đến đâu cũng không sao tránh khỏi tầm mắt của bấy nhiêu cao thủ. Trừ phi Dư Vân qui ẩn ngay, nếu quả thật Dư Vân ẩn núp không ra quấy nhiễu nữa thì chúng còn sung sướng vui mừng hơn. Tất nhiên nếu ai có thể diệt được Quái Thủ Thư Sinh, thì chúng càng vui mừng hơn.

Từ khi Tích Lịch Thủ Dương Bật bị đại bại trở về, ân hận vô cùng và nghĩ tới thiếu niên đối thủ của mình là sư điệt của Dư Vân. Sư điệt võ công đã giỏi như vậy, tất nhiên tài ba của Dư Vân phải giỏi gấp đôi.

Lâu Kính Đức nghe thấy Dương Bật nói như vậy trong lòng kinh hãi vô cùng, nhưng vẫn chưa tin hẳn mới dẫn bọn Trần Bằng hạ sơn đi tới Thiên Mã Tiêu Cục, mục đích để dò thăm sự thật hư ra sao. Y chưa thấy thiếu niên nọ đâu cả đã trông thấy cành cây không gió mà gãy, như vậy đã đoán ra trong tiêu cục thể nào cũng có người võ công tuyệt đỉnh ẩn núp.

Cho nên y mới chịu nhịn như vậy và quyết định quay trở về núi để nghĩ cách khác rồi mới quyết định hành chỉ.

Hãy nói Lâu Kính Đức nói chuyện với Lư Khôn xong, quay đầu lại nhìn Đông Phương Ngọc Côn, Khương Tôn Diệu, Lan cô nương rồi nghĩ thầm:

- Ba tên này ở đâu có ba thanh bảo kiếm như thế. Mình bấy nhiêu năm nay muốn kiếm được một thanh cũng không có lấy một cơ hội may mắn nào? Hiện giờ trước mắt đây...

Nghĩ tới đó lòng tham ác thúc đẩy, y định giở Thiết Trụ Kình Khí ra tấn công ba người và định chờ lúc ba người tránh né, thì y giở Cầm Nã Thủ Pháp để cướp lấy một thanh bảo kiếm. Nghĩ tới đây y định ra tay tấn công, bỗng sực thay đổi ý kiến quay lại bảo mấy tên thủ hạ:

- Chúng ta đi thôi!

Bọn Trần Bằng ba người liền vâng lời quay mình đi theo, rồi bốn người cùng nhảy lên trên yên ngựa.

Lâu Kính Đức bỗng quay lại hất tay áo bên tay phải vào người Lan cô nương một cái thật mạnh. Lan cô nương không kịp đề phòng bỗng thấy trước mặt có một đống lù lù như tảng núi lớn đẩy mạnh tới, khiến thân hình nàng loạng choạng mấy bước.

Khương Tôn Diệu vẫn trấn tĩnh như thường, thấy vậy liền múa kiếm nhảy lên nhằm vai của Kính Đức chém luôn một kiếm.

Ải Phương Sóc quát lớn một tiếng, giở luôn Ngũ Hành Chân Lực tuyệt kỷ của mình ra để cứu cho Lan cô nương, nhưng có ngờ đâu Kính Đức đã lanh lẹ vô cùng tránh khỏi thế kiếm của Khương Tôn Diệu và thế chưởng của Kinh Phương, đồng thời y lại búng vào yếu huyệt của cánh tay phải Lan cô nương, nên thanh bảo kiếm Thu Xương rơi ngay xuống đất.

Lâu Kính Đức nhanh như điện chớp, cúi mình xuống nhặt thanh kiếm Thu Xương vừa cầm vào cán kiếm đó đã thấy cánh tay đau buốt vô cùng. Thế là Thu Xương bảo kiếm lại rơi xuống thềm đá.

Đồng thời lại còn một chuyện kỳ lạ nữa xảy ra là Lâu Kính Đức nghe sau lưng có móng tay sắt cắm sâu vào rồi túm y tung mạnh ra phía sau năm sáu trượng, rơi xuống một thân cây mới lăn xuống đất.

Ải Phương Sóc bỗng thấy một bóng người mặc áo màu xám nhảy tới tấn công rồi đi mất, cũng không biết y từ đâu tới và cũng không biết y đi về phía nào, nhanh nhẹn như điện

chớp vậy. Bọn Ải Phương Sóc đều là những tay cao thủ có hạng trong võ lâm mà không ai trông thấy rõ được thân hình và bộ mặt của người kia thì những người thường đứng quanh đó làm sao mà thấy được.

Lâu Kính Đức nghiến răng chịu đựng, nhảy lên trên ngựa quất roi phóng nhanh như bay.

Bọn Trần Bằng ngồi trên lưng ngựa trông thấy tấn kịch ấy cũng biến sắc mặt, rồi lẳng lặng theo Lâu Kính Đức phóng ngựa theo liền.

Những người đứng quanh đều không hiểu gì hết ngạc nhiên nhìn nhau.

Vừa rồi bọn Ải Phương Sóc bốn người nghe thấy Lư Khôn nói có một thiếu hiệp vừa rời khỏi nơi đây đi về phía bắc rồi, nên cả bốn người cũng không vào Thiên Mã Tiêu Cục nữa.

Lan cô nương thấy Lư Khôn vẫn còn đứng ngoài cửa liền hỏi luôn:

- Xin hỏi... Quý tiêu cục có vị thiếu hiệp nào họ Tạ không? Người đó gần đây ở Lạc Dương tới ấy mà.

Lư Khôn lắc đầu cười đáp:

- Không dám dấu nữ hiệp. Tệ cục không có ai họ Tạ hết. Nhưng có một thiếu hiệp họ Nghiêm đi cùng vợ và mẹ vợ từ Lạc Dương tới. Sáng hôm nay Nghiêm thiếu hiệp đã rời khỏi nơi đây để đi Bắc Kinh rồi.

Lan cô nương nghe thấy Lư Khôn nói như vậy, chán nản vô cùng vì suốt dọc đường nàng nghe người ta nói, lại thêm lời ước đoán Ải Phương Sóc thì thiếu niên họ Nghiêm là Tạ Vân Nhạc chớ không ai và lại có một thiếu nữ theo sau chàng nữa. Tuy vậy nàng vẫn chưa dám xác định thiếu niên họ Nghiêm là Tạ Vân Nhạc. Lúc này nàng lại nghe thấy Lư Khôn nói chàng cùng đi với vợ và mẹ vợ nữa nàng cảm thấy đau đớn vô cùng, đứng lịm người ra hồi lâu!

Ải Phương Sóc thấy vậy cũng ái ngại thay nàng, liền chắp tay chào Lư Khôn và nói:

- Quấy phá ngài đã nhiều quá, lão rất cám ơn.

Nói xong, lão hiệp quay lại nói với Lan cô nương:

- Lan cô nương, chúng ta hãy đi du ngoạn Tướng Quốc Tự trước rồi hãy quyết định hành chỉ sau.

Bọn Ải Phương Sóc bốn người, vội quay người đi thẳng.

Tướng Quốc Tự ở gần Thiên Mã Tiêu Cục xây từ năm Thiên Bảo Lục niên thời Nam Bắc Triều. Tên cũ là Tướng Quốc Tự tới Cảnh Vân nhị niên đời Đường mới đổi thành tên Tướng Quốc Tự này. Từ đời Kim Nguyên, Minh đến Thanh đời nào cũng có trùng tu lại một thắng cảnh rất có tiếng của Trung Hoa, lúc nào cũng có người đến lễ bái và du ngoạn đông đảo như hội vậy.

Hãy nói bọn Ải Phương Sóc theo mọi người vào trong chùa, tới trước một người kể chuyện, liền ngừng chân lại nghe. Đông Phương Ngọc Côn bỗng trông thấy hai người rất cao đang len đám đông đi tới kinh hãi vô cùng, liền dùng khuỷu tay thích Khương Tôn Diệu một cái và ra hiệu bằng mắt cho sư huynh.

Khương Tôn Diệu quay lại nhận ngay ra hai người đó chính là Tần Trung Song Quái, trong lòng cũng kinh hãi vô cùng.

Tần Trung Song Quái ăn mặc rất lịch sự, nhưng trông không được cân đối chút nào, Đại Quái Đồng Tướng mặt rỗ, Nhị Quái Ba Sơn Điêu mặt dài như mặt lợn. Cả hai đều là ma đầu, tiếng tăm lừng lẫy nhất thời. Nhất Phi Phượng Kiếm Pháp của chúng, được xưng tuyệt kỷ trong võ lâm nữa.

Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu ra đời không được bao lâu, ở dưới núi Bảo Kê đả thương môn hạ của Nhị Quái không đầy mười hiệp, nếu không có người ra tay cứu giúp thì hai thiếu hiệp đã bị toi mạng rồi.

Tần Trung Song Quái đã sớm trông thấy hai vị thiếu hiệp ở đây cho nên mới thủng thẳng đi lại. Khi tới gần, Đại Quái Đồng Tướng nhếch mép cười nhạt một tiếng và nói với

Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu rằng:

- Tiểu bối, chúng ta gặp gỡ nơi đây, thật là có duyên quá.

Khương Tôn Diệu cũng không chịu lép vế, liền trả lời:

- Phải, gặp lại nhau rồi, mi muốn sao nào?

Đồng Tướng cười một cách ngạo mạn:

- Chả muốn sao cả, quí hồ các ngươi tự chặt một cánh tay, thì chúng ta đi liền.

Những du khách thấy Đại Quái nói như vậy, liền ngừng chân lại đứng xem.

Lan cô nương nghe tên lạ mặt đó ăn nói ngông cuồng như vậy tức giận vô cùng bèn quát lớn:

- Các người là ai? Sao lại ăn nói ngông cuồng như vậy?

Nói xong nàng phi chưởng, nhắm ngực Đồng Tướng đánh luôn.

Lan cô nương đang tìm Vân Nhạc mãi không thấy trong lòng bực tức vô cùng, nhân dịp này liền đem những sự bực tức đó mà phát tiết vào hai người lạ mặt đó, nhưng nếu nàng biết kẻ địch là Tần Trung Song Quái thì nàng cũng không dám ra tay đột ngột như thế.

Mọi người trông thấy chưởng của Lan cô nương sắp đánh tới ngực Đại Quái, bỗng thấy thân hình Đại Quái như hành vân lưu thủy lướt lên một bước thế là chưởng của Lan cô nương đánh hụt liền, Lan cô nương vội rụt tay lại nhưng ngờ đâu Đại Quái đã quay trái tay, định bắt cổ tay của nàng.

Theo lý mà nói thì cổ tay của Lan cô nương thế nào cũng bị Đại Quái bắt được, nhưng tay của Đại quái vừa giơ ra tới lưng chừng, thì hình như gặp phải trở lực, nên chậm ngay lại.

Nhờ vậy Lan cô nương mới kịp thời rút tay về, nhưng cũng kinh hãi đến toát mồ hôi lạnh, và cổ tay cũng bị sức gió của mấy ngón tay Đại Quái lướt qua làm cho đau buốt rồi.

Đại Quái Đồng Tướng liếc mắt nhìn xung quanh, chỉ thấy cạnh đó có thêm Ải Phương Sóc Kinh Phương thôi.

Kinh Phương mỉm cười lên tiếng:

- Thật là âm hồn bất tán, bao nhiêu năm quen biết nhau, không ngờ lại hiển linh ở nơi đây. Đồng lão đại, tiếng tăm lừng lẫy như vậy mà ra tay đối phó với một con bé như thế kia, không sợ thiên hạ người ta chê cười hay sao?

Nhị Quái Ba Sơn Điêu khì khì cười nhạt đáp:

- Thế ra ngươi đã đỡ đầu cho con nhãi kia phải không? Phong thanh ngươi ở Dương Gia Tập đánh bại Long Môn Ngũ Quái tiếng tăm lừng lẫy bốn phương, món nợ trước của chúng ta chưa thanh toán xong, thì nên kết liễu ngay lúc này và ngươi cũng nên giở môn Ngũ Hành Chưởng ra, để cho anh em ta xem kỹ lại ra sao nào?

Ải Phương Sóc ha hả cười một hồi:

- Quí hồ anh em ngươi có hứng thú thì lão bất tử này xin tiếp ngay.

Đại Quái Đồng Tướng vội tiếp lời:

- Hay lắm, chúng ta sẽ gặp nhau ở dưới chân Phồn Tháp nhé?

Nói đoạn, y quay lại nhìn Khương Tôn Diệu và Đông Phương Ngọc Côn rồi nói:

- Cả hai ngươi nữa, ta cùng thanh toán hết.

Nói xong, Song Quái từ từ quay mình đi thẳng.

Các du khách đứng xem rất đông, bỗng thấy trong đám đông người có một hình bóng phi nhanh vô cùng lướt qua phía sau Song Quái. Cái du khách bỗng cười ồ lên và giơ tay chỉ trỏ, có vẻ nhạo báng chê cười. Bọn Ải Phương Sóc cũng trông thấy rõ...

Thì ra sau lưng Tần Trung Song Quái bị người nào dán một tờ giấy vàng độ một thước, trên vẽ cái đầu người, trông giống như mặt Song Quái vậy, dưới viết ba chữ “Bán đầu người”.

Ải Phương Sóc cũng kinh hãi vì thấy thân thủ người nọ cũng tinh tuyệt. Điều lạ nhất là võ học cao siêu như anh em Song Quái, mà bị người ta dán miếng giấy sau lưng mà không hay biết gì cả thì thật là tuyệt tác.

Thấy du khách nhìn mình cười, Nhị Quái mới cảnh giác. Chúng nhìn sau lưng nhau, đều kinh ngạc và xấu hổ vô cùng. Vội ra tay bóc tờ giấy vàng ở lưng cho nhau. Nhị Quái Ba Sơn Điêu không những xấu hổ mà lại còn tức giận vô cùng.

Ải Phương Sóc nhe răng cười một cách khoái chí và nói:

- Hai vị đã gặp phải tay cừ khôi nhất thời rồi. Lần này hai vị ra đây, ở trước mặt mọi người mất hết sĩ diện như vậy. Theo ý Kinh mỗ đây, hai vị rút trong ổ quỉ ở trên núi Kỳ Sơn thì có an nhàn hơn không?

Nói xong, Ải Phương Sóc lại lớn tiếng cười một hồi rồi quay lại nói với bọn Lan cô nương rằng:

- Chúng ta mau đi tới chân Phồn Tháp đợi chờ. Có lẽ bị người ta làm nhục nhã như vậy, Song Quái không dám tới đấy nữa đâu.

Lão hiệp nói xong không thèm nhìn mặt Song Quái, dẫn ba người đó xuyên qua đám du khách đi thẳng.

Song Quái đứng ngẩn người ra ở đó, xấu hổ đến lịm người đi, không sao lên tiếng được. hai anh em nhìn nhau một hồi. Đại Quái Đồng Tước lên tiếng trước:

- Ta xem lão già họ Kinh thể nào cũng trông thấy rõ kẻ đã giỡn chúng ta. Chi bằng chúng ta đuổi theo y hỏi xem là ai mới được.

Nói xong Song Quái liền lẻn người vào đám đông đi thẳng.

Tiết trời giá lạnh nhưng không thể cản trở nỗi các du khách đến Tướng QuốcTự.

Bọn người này nghe thấy Đại Quái hẹn ước với bọn Ải Phương Sóc đấu ở dưới chân

Phồn Tháp, nên ai nấy cũng ùa về phía đó để xem một trận đấu hiếm có.

Chỗ người kể chuyện bỗng có một người tuổi trung niên, vẻ mặt âm thầm vộiđứng lên trên ghế, hai tay thọc vào tay áo hô một tiếng rồi cũng tiến về phía tây.

Phồn Tháp ở phía đông nam thành, xây từ năm Tống Thái Bình Hưng Quốc nhị niên, lấy tên là Hưng Tự Tháp, cao chín tầng nhưng đến đời nhà Minh, nghe lời thầy địa lý phá đi sáu tầng, nên bây giờ còn lại có ba tầng thôi, lối lên rất nguy hiểm nên du khách không mấy ai dám trèo lên. Bốn xung quanh đỉnh tháp đều bằng phẳng như một cái đài vậy.

Bọn Ải Phương Sóc đi đến Phồn Tháp mà chưa thấy bọn Song Quái tới liền nói với

Đông Phương Ngọc Côn ba người rằng:

- Chắc các người cũng biết võ học của Tần Trung Song Quái rất tuyệt, nhưng sự thật tài ba của chúng tầm thường thôi. Chúng tự phụ Phi Phượng Kiếm Pháp của chúng là thiên hạ đệ nhất kiếm pháp. Theo sự nhận xét của lão già này thì kiếm pháp của chúng có hơn nhiều kiếm pháp của kẻ khác thật, nhưng chưa có thể gọi là tuyệt học được, lát nữa ba người cứ liên hiệp vào tấn công, quí hồ bảo thủ được, đừng để cho chúng thắng ngay, thì người hồi nãy đã đùa giỡn chúng trong chùa Tướng Quốc thể nào cũng tới đây trợ giúp chúng ta.

Lan cô nương ngạc nhiên hỏi:

- Kinh lão tiền bối, người dán chữ vào lưng chúng là ai thế? Chẳng hay lão tiền bối có trông thấy rõ mặt người không? Không biết có phải là y...

Nàng nói tới chữ y đặc biệt nhấn mạnh, hiển nhiên nàng rất quan tâm đến Vân Nhạc.

Ải Phương Sóc cũng đoán người đó là Vân Nhạc nhưng không dám cả quyết liền lắc đầu đầu:

- Hiện giờ có biết bao kỳ nhân hiệp sĩ ra đời, biết chắc đâu mà nói!

Lan cô nương nghe Kinh Phương nói như vậy, không khác gì một lưỡi kiếm đâm vào bụng, lẳng lặng cúi đầu xuống.

Mọi người còn đứng yên lặng, Khương Tôn Diệu bỗng nhìn về phía xa và nói:

- Kinh lão tiền bối, Song Quái đã đến rồi. Hình như phía sau chúng có nhiều người võ lâm theo nữa.

Ải Phương Sóc gật đầu đáp:

- Có lẽ những người đó chỉ đến xem thôi.

Thân hình Song Quái nhanh như bay, chỉ trong nháy mắt đã tới trước mặt mọi người rồi.

Ải Phương Sóc ha hả cả cười hỏi:

- Hai vị thật là người có tín nhiệm? Chúng ta lên trên đỉnh tháp đấu kiếm nhé?

Đại Quái Đồng Tướng quát lớn:

- Hãy khoan!

- Sao vậy?

- Không phải Tần mỗ khinh các người đâu, dù bốn người có hợp lại, cũng không định lại mười hiệp của thế kiếm Phi Phượng Kiếm Pháp của anh em mỗ. Anh em mỗ lần này tới Khai Phong là vì có việc riêng, chớ không phải đến đây để đối xử với các người đâu. Mỗ hỏi các người, chẳng hay có thấy rõ mặt kẻ đã đùa giỡn anh em mỗ không? Quí hồ người tả hình dáng cho anh em mỗ hay thì việc trước coi như xóa bỏ.

Ải Phương Sóc tít mắt cười đáp:

- Xin nói thực để hai vị hay, mỗ cũng không thấy rõ mặt của người đó ra sao, nhưng công lực của người đó quả thực cao hơn hai vị nhiều. Hai vị có gặp người ta cũng không làm gì nỗi đâu, chưa biết chừng lại còn bị bêu xấu lần nữa, theo ý lão thì hai vị nên dẹp ý định đó đi, mà trở về Kỳ Sơn thì hơn!

Nhị Quái quát lớn:

- Nếu vậy chắc các người đã hiểu tên người ấy là ai phải không?

Ải Phương Sóc vẫn cười như cũ đáp:

- Phải, lão đã đoán ra được tám phần, chắc các người cũng như lão, thế nào cũng đoán ra là ai rồi phải không?

Kinh Phương nói xong không những bọn người Lan cô nương ngạc nhiên mà Song Quái cũng ngạc nhiên nốt. Nhị Quái giận dữ quát lớn:

- Ngươi mau nói tên ấy ra là ai?

Vừa nói Nhị Quái ra tay như gió bắt luôn cổ tay của Ải Phương Sóc, Kinh Phương không ngờ Nhị Quái ra tay nhanh như vậy, muốn tránh cũng được, liền vận nội công giơ cánh tay trái ra đỡ. Nhị Quái nắm phải cánh tay của Ải Phương Sóc, tựa như nắm phải một thỏi sắt vậy, liền tăng gia thêm tám thành chân lực, nhưng Kinh Phương có phải là người tầm thường đâu, vội hất mạnh cánh tay phải một cái và nhún chân lùi về phía sau năm thước.

Tuy vậy lão hiệp cũng kinh hãi đến toán mồ hôi lạnh ra, cánh tay hãy còn tê tái, nhưng vẻ mặt vẫn làm ra bộ không hề hấn gì tươi cười nói:

- Nếu lão đoán không sai, hai người lại động lòng hiếu thắng tranh cường, sợ người nọ cướp mất danh hiệu thiên hạ đệ nhất kiếm của các người đi phải không? Nhưng danh hiệu đó là các người tự xưng lấy chứ không phải người ta ban cho. Phi Phượng Kiếm Pháp của các người tuy kỳ ảo thực, nhưng thắng sao nỗi kiếm học của các đại môn phái.

Đại Quái Đồng Tướng lẳng lặng không nói gì, còn Nhị Quái thì tức giận đến nghiến răng nghe kèn kẹt. Một lát lâu, Đại Quái Đồng Tướng mới lên tiếng:

- Vậy ngươi nói người đó có phải là Quái Thủ Thư Sinh Dư Vân không?

Ải Phương Sóc gật đầu đáp:

- Phải, chính là y.

Đại Quái nghĩ ngợi giây lát lại hỏi:

- Còn thiếu niên họ Nghiêm giết chết Nhâm Thất Cô ở Vân Vụ Sơn Trang lại là ai thế?

- Việc này Kinh mỗ rõ hơn các ngươi, thiếu niên họ Nghiêm là dòng dõi của Dư Vân, cho nên mới dám tự phụ là thiên hạ đệ nhất kiếm như vậy.

Kinh Phương đã biết Dư, Nghiêm hai người là hai mà một, một cũng là hai, nên mới nói như vậy để làm loạn tinh thần của Nhị Quái.

Đại Quái có vẻ tin, liền hỏi:

- Nếu vậy, kẻ vừa đùa anh em ta, không phải là Dư Vân thì là thiếu niên họ Nghiêm phải không?

- Các ngươi cũng tự phụ quá, chẳng lẽ chỉ có Dư Vân và thiếu niên họ Nghiêm hai người mới động được các người hay sao? Bấy nhiêu năm nay, trong võ lâm có biết bao ẩn thế quái kiệt, đã liên tiếp xuất hiện giang hồ, người nào chả cao cường hơn các ngươi.

Cứ nói Cao Ly Cống Sơn tứ lão cũng đã tài ba hơn Song Quái nhiều, còn lão nghe nói Dư, Nghiêm hai vị sáng nay đã lên Bắc Kinh rồi, còn người đùa giỡn hai vị lại là kẻ khác, nhưng lão không thấy rõ mặt, cho nên không dám cả quyết là ai cả.

Nói xong, Kinh Phương lẩm bẩm tự nói:

- Phi Phượng Kiếm Pháp đã hơn ai đâu mà cũng dám tự xưng là thiên hạ đệ nhất.

Nhị Quái không nhịn được cười nhạt đáp:

- Cao Ly Cống Sơn tứ yêu đã là cái quái gì, chúng ta phải đấu với chúng một phen mới được. Họ Kinh kia, người chớ có dùng đại ngôn dọa nạt chúng ta Tần Trung Song Quái. Ai không phục Phi Phượng Kiếm Pháp thì cứ việc ra tay đấu thử xem.

Ải Phương Sóc đưa mắt nhìn xung quanh chẩu mồm nói:

- Hôm nay quí vị anh hùng qui tụ dưới Phồn Tháp này, ai nấy cũng đều là đương kim cao thủ. Nếu người nào đã sợ Tần Trung Song Quái, thì họ cũng không dám đến đây rồi.

Mưu mô của Ải Phương Sóc rất khôn ngoan, khen ngợi những anh hùng hào kiệt đứng xem quanh đó trước, như vậy không ai dám tỏ ra mình là hèn nhát nữa.

Tất nhiên trong bọn anh hào đó cũng có một số người hiểu rõ mưu mô của Kinh

Phương, nhưng chỉ có thể chửi thầm lão hiệp mà thôi. Đại Quái Đồng Tướng không nghĩ ngợi tới bề sâu về lời nói của Kinh Phương đã thét lớn:

- Như vậy cũng được, bọn vá áo túi cơm kia đều hóa thành anh hùng hào kiệt cả.

Nhưng ta bất chấp hết cả, ai không phục thì cứ việc lên trên Vũ Vương Đài mà đấu.

Nói xong, y kéo Nhị Quái song song tung mình nhảy lên, chỉ thấp thoáng mấy cái đã lên tới Vũ Vương Đài rồi.

Vũ Vương Đài rất rộng rãi chỉ có phía bắc có cái miếu thờ vua Đại vũ, còn ba mặt kia thì không có gì che chở hết. Trên mặt đài xây bằng gạch cổ xanh xưa, bằng phẳng như cái gương vậy.

Lúc ấy quần hào bị Ải Phương Sóc và Nhị Quái hai bên kẻ đưa người đẩy, họ biết tuy Tần Trung Song Quái đang trấn thiên hạ thật, nhưng họ không tiện công nhiên rút lui, đều phải lần lượt lên hết trên đài.

Nhị Quái rút thanh trường kiếm ra và nói với quần hào rằng:

- Nếu các người tự lượng không địch nổi anh em ta, thì bây giờ có thể rút lui xuống núi ngay đi, để khỏi phải mang nhục, và làm mất cả thanh danh của sư môn mình.

Bọn quần hào thấy Nhị Quái phách lối như vậy, trong lòng tức giận vô cùng, liền có ba người, trạc ngoài ba mươi, tay cầm kiếm cùng xông tới giữa đài. Người đi trước kiếm để ngang chắp tay chào:

- Ba anh em chúng tôi là Điểm Thương Tam kiếm, muốn lãnh giáo Ba lão sư vài hiệp!

Vẻ mặt làm ra khinh thị, Ba Sơn Điêu cười nhạt đáp:

- Lão phu cũng nghe tiếng kiếm pháp của Điểm Thương khá tinh kỳ, không ngờ hôm nay được kiến thức ở nơi đây, nhưng các người có thành lệ cùng liên hiệp tấn công cùng một lúc phải không, hay là luật lệ sư môn của ba người như thế?

Người đứng đầu tên là Chung Hùng nghe Nhị Quái nói như vậy, mặt đỏ bừng vội đáp:

- Kiếm pháp Điểm Thương của anh em chúng tôi chỉ là trò chơi trẻ con thôi, không dám tự khen là thiên hạ đệ nhất kiếm được. Vừa rồi nghe thấy Đồng lão sư đã nói với Kinh lão sư rằng dù tất cả các người có mặt tại đây liên hiệp tấn công hai vị, cũng không sao địch nổi Phi Phượng Kiếm Pháp đến hiệp thứ mười. Cho nên chúng tôi mới dám táo gan ra đây lãnh giáo hai vị là thế.

Ba Sơn Điêu vẻ mặt vênh váo cười với giọng ngông cuồng đáp:

- Nếu vậy các người cứ ra kiếm trước đi.

Lan cô nương nghe thấy bọn Chung Hùng xưng là Điểm Thương Tam kiếm, liền nghĩ tới cảnh trước kia Vân Nhạc với tay không nắm lấy đầu kiếm của cao thủ Điểm Thương là Thần Kiếm Thủ Thi Nguyên Lượng rồi run mạnh một cái, thanh trường kiếm đó gãy làm đôi.

Nàng nghĩ tới đây, trong lòng ước mong lúc này mà có Vân Nhạc tới đây thì thích biết bao.

Lúc này Điểm Thương Tam kiếm đứng ra ba góc bao vây Nhị Quái, còn Đại Quái đứng sang một bên xem.

Đột nhiên Điểm Thương Tam Kiếm tấn công một lúc, chỉ thấy kiếm quang lấp lóe nhằm các nơi yếu hiểm Ba Sơn Điêu mà tấn công. Kiếm thức của ba người nhanh vô cùng và sự hợp tác nhất tiến, nhất thoái đều ăn khớp vô cùng.

Lúc ấy mọi người đứng ngoài xem thấy Nhị Quái bất cứ né tránh về phương hướng nào, thì ba thanh kiếm của phái Điểm Thương cũng bao vây tới tấp về phía đó mà đâm vào những chỗ yếu hiểm của đối thủ.

Ngờ đâu Nhị Quái không những không thèm tránh, mà lại nhún mình một cái, lộn vòng lên cao, thế là những kiếm của phái Điểm Thương đều hụt hết, trong khi Nhị Quái múa kiếm như gió bão tấn công ba người trong một lúc.

Điểm Thương Tam Kiếm từ khi sư huynh Thần Kiếm Thủ bị Vân Nhạc đánh gãy kiếm liền về núi khóc lóc kể với sư môn tôn trưởng, người Chưởng môn lại còn trách mắng Thi Nguyên Lượng một hồi.

Và cũng vì thế người Chưởng môn bàn với mấy tay cao thủ trong môn phái mình, nghiên cứu ra một pho kiếm thức cao thâm khác rồi bắt môn hạ gắng công luyện tập. Cho nên một năm nay kiếm học của phái Điểm Thương tinh tiến hơn lúc trước nhiều. Người Chưởng môn liền phái Tam Kiếm xuống núi để dò xét động tĩnh trong võ lâm.

Ngày hôm nay Điểm Thương Tam Kiếm nghe nói Tần Trung Song Quái có môn Phi Phượng Kiếm Pháp lừng danh khắp thiên hạ, cho nên ba người mới định tâm ra đấu thử xem là thế.

Ba người thấy thế kiếm của mình đâm hụt liền đổi chỗ ngay, nhưng chỉ nghe “soẹt” một tiếng rất khẽ, ba mũi kiếm của ba người đã bị kiếm của Nhị Quái chặt mất một mảnh nhỏ rồi. Nhưng ba người vẫn xông vào tấn công như trước.

Vài hiệp sau mọi người nghe Nhị Quái thét lớn một tiếng, đã thấy thân hình Tam Kiếm bị đánh bật ra ngoài Vũ Vương Đài rồi và kiếm của người nào cũng bị chặt gãy làm đôi.

Điểm Thương Tam Kiếm chỉ thấy ngực như có cái gì đè ép, khó thở vô cùng và mặt đỏ bừng, xấu hổ khôn tả!

Song Quái cười một cách ngông cuồng và nói:

- Kiếm học của phái Điểm Thương không ngờ lại xoàng xĩnh đến thế! Không đầy ba hiệp đã đại bại liền. Hôm nay lão phu không sát giới, tạm tha chết cho các ngươi.

Điểm Thương Tam Kiếm tức giận vô cùng, lườm Song Quái một cái rồi cắm đầu chạy thẳng.

Lúc ấy quần hùng thấy Nhị Quái võ nghệ cao siêu như vậy nên không ai dám lên đài vì biết nếu thượng đài thì chỉ để bêu xấu cả võ phái. Thấy mọi người kinh hãi, Nhị Quái lại càng kiêu ngạo thêm.

Bỗng nghe thấy “koong” một tiếng, mọi người nhìn lên đài thấy thanh kiếm trong tay

Nhị Quái bỗng nhiên rơi xuống mặt đài. Ai nấy cũng đều ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có thể xảy ra như thế được, cả Kinh Phương cũng ngạc nhiên nốt.

Ba Sơn Điêu vừa kinh hãi vừa ngơ ngác trông thật buồn cười! Đại Quái liền phi thân tới, trợn mắt lên nhìn xung quanh.

Thì ra lúc Ba Sơn Điêu đang cầm kiếm đứng, với vẻ mặt kiêu ngạo vô cùng, bỗng nghe thấy có một luồng gió thổi tới, trong gió có cát bụi rất nhiều, không ngờ một hạt bụi trong đám bụi bay tới đụng phải thanh kiếm bị đẩy rơi liền.

Nhị Quái hết sức cầm cự, nhưng cảm thấy hộ khẩu tay tê tái không sao nắm giữ được thanh kiếm.

Nhị Quái cũng tự biết hạt bụi đó thế nào cũng có một người núp ở một nơi ném tới, nhưng y không đoán ra được người nào mà lại có thủ pháp siêu tuyệt như vậy và nếu người đó đã tài giỏi đến thế thì hà tất lại núp trong một xó đánh trộm như vậy. Y càng nghĩ càng không hiểu và không thể đoán ra được.

Đại Quái liếc mắt nhìn mọi người, nhưng vẫn không sao kiếm được kẻ ra tay đã ném rơi kiếm của em mình và y cũng không dám hỏi Ba Sơn Điêu là tại sao.

Một lát sau Nhị Quái cố gượng mãi mới định lại được tâm thần, cúi nhặt thanh kiếm lên.

Ải Phương Sóc khúc khích cười một hồi, ngửng mặt lên kêu lớn:

- Tần lão quái, lão hãy xem người em kết nghĩa của lão bị bệnh co gân kìa? Gió trên núi như vậy, nếu để cho y bị lạnh sẽ chết ở dọc đường thì nguy đấy. Chi bằng bạn đưa cho y về Kỳ Sơn nơi sào huyệt cũ chữa chạy thì hơn, cả hai anh em tuổi tác như thế, sắp chết đến nơi mà còn tranh giành hiếu thắng làm gì! Theo ý lão chẳng lẽ hai vị không sợ người ta lấy trộm mất nửa cuốn Thái Công Tố Thư hay sao? Và biết đâu kẻ đã khích bác hai vị xuống núi lại chẳng là người muốn lấy được cuốn Tố Thư đó?

Nói xong lão hiệp cả cười một hồi. Lời nói nói đó trúng ngay tim đen Song Quái nên cả hai anh em đều biến sắc mặt, nhưng chỉ trong giây lát lại bình tĩnh ngay.

Đại Quái cười nhạt một tiếng mới nói với Kinh Phương rằng:

- Vạn Tượng Cốc trên núi Kỳ Sơn chúng ta có sát cơ ẩn phục, ai lẻn vào cũng phải chết, như vậy ai còn táo gan dám vào để ăn trộm Tố Thư nữa?

Tần Trung Song Quái được Kỳ Sơn Quái Dị Lão Nhân đem về nuôi nấng dạy bảo từ hồi nhỏ và dạy cho hết nửa cuốn Thái Công Tố Thư đó.

Chính trong giang hồ không ai biết được tông tích của Quái Dị Lão Nhân cả, là vì lão nhân không hề bước chân ra đời. Sau khi Nhị Quái học thành nghề, không bao lâu lão nhân chết vì bệnh.

Nhị Quái liền đem nửa cuốn Tố Thư đó hạ sơn du lịch. Không đầy ba năm, Nhị Quái đã đánh bại mấy chục tên kiếm thủ trong võ lâm. Thế là tên tuổi của hai anh em lừng lẫy tức thì. Trong ba năm, Nhị Quái kết giao với nhiều bạn khá tồi bại.

Người trong võ lâm đều muốn dò biết lai lịch và sư môn của Song Quái. Có một hôm, sau khi say sưa, Song Quái tiết lộ mình là môn hạ của Quái Dị Lão Nhân và những võ công của hai anh em đều học theo nửa cuốn tố thư.

Từ đấy trở đi người trong võ lâm đều thèm thuồng cuốn võ học bí kíp đó, liền ra tay trộm cướp cuốn Tố Thư của Song Quái. Nhưng vì võ công của Song Quái quá cao siêu, nên không ai lấy được cuốn bí kíp đó cả. Sau có người bạn tri kỷ khuyên răn, Song Quái liền trở về núi Kỳ Sơn nghiên cứu lại Thái Công Tố Thư. Một mặt thì anh em y xếp đặt chỗ ở mình tại Vạn Tượng Cốc. Đó là chuyện bốn mươi năm về trước.

Sau đó hai mươi năm trời những người thèm thuồng muốn chiếm được cuốn Thái Công Tố Thư tới Vạn Tượng Cốc là bị toi mạng tức thì nên không ai dám bén mảng tới Kỳ Sơn nữa, cũng may cho tới ngày nay Tần Trung Song Quái cũng chưa hiểu thấu hết được toàn bộ huyền ảo trong cuốn kỳ thư đó, bằng không anh em y có thể vô địch thiên hạ, còn thêm một điều may nữa là cuốn kỳ thư đó chỉ còn có phân nửa thôi.

Bốn mươi năm nay Nhị Quái chỉ thâu có năm người đồ đệ thôi. Ngoài vợ con và cả người nhà trong sào huyệt của chúng tất cả chỉ có sáu mươi người. Môn qui của chúng rất nghiêm, nhưng chúng hay bênh vực đồ đệ và người nhà.

Vì vậy năm tên môn hạ lúc ra ngoài tác quái, tác ác mà Nhị Quái chẳng hay biết gì.

Người ngoài cũng biết Nhị Quái không phải là tay vừa cho nên ai nấy đều làm thinh.

Lần này Nhị Quái hạ sơn, vừa rồi Ải Phương Sóc nói chúng định tranh giành cái tên hiệu Đệ Nhất Kiếm đó chỉ đoán trúng phân nửa thôi.

Hãy nói về Kinh Phương khi nghe thấy Đại Quái tự khoe khoang Vạn Tượng Cốc không ai có thể vào được, liền ha hả cười đáp:

- Bạn tự phụ quá. Trong một năm thế nào Kinh mỗ cũng sẽ lên Vạn Tượng Cốc một phen xem cơ quan ấy có thể cản trở được Kinh mỗ hay không?

Đại Quái cũng cả cười một hồi rồi nói:

- Được, được, chúng ta sẽ tái kiến trên Vạn Tượng Cốc, còn vừa rồi bạn nói, hồi sáng này Quái Thủ Thư Sinh rời khỏi đây để đến Bắc Kinh, tin đó có thật không?

Ải Phương Sóc gật đầu, Đại Quái lại nói:

- Như vậy chúng ta cũng phải lên Bắc Kinh ngay.

Nói xong y đảo mắt nhìn mọi người một lượt rồi mỉm cười nói tiếp:

- Bây giờ mỗ tin chắc không ai bảo môn Phi Phượng Kiếm không phải là kiếm thuật kỳ tuyệt của thiên hạ nữa.

Nhị Quái từ từ thâu kiếm lại nhún mình nhảy ngang đầu mọi người rồi chạy thẳng xuống núi.

Lúc ấy có một đại hán trong quần hùng nhổ nước bọt nhìn theo Nhị Quái cất tiếng chửi đổng:

- Hai quái vật này tự phụ quá, mỗ không muốn lôi thôi chớ không mỗ ra tay cho chúng một bài học để xem chúng còn làm bộ làm phách được không...

Mọi người quay lại nhìn, nhưng không ai thèm trả lời cả. Họ chỉ tiếp tục xuống núi hết, trong bọn quần hùng cũng có một số quen biết với Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu. Cũng có người kính ngưỡng tài ba của Ải PhươngSóc nữa. Những người đó đều vây quanh ba người trò chuyện không ngớt.

Trong bọn đó có một người là Cánh Trường Tu, đệ tử của Kim Đỉnh Thượng Nhân, Chưởng môn phái Nga Mi, tuổi trạc đôi mươi mặt trắng trẻo, đẹp trai vô cùng.

Lúc ở trên Đài Vũ Vương, đứng xem y liếc mắt nhìn Lan cô nương tỏ vẻ ái mộ vô cùng, và bây giờ y cũng tiến đến chắp tay chào Ải Phương Sóc:

- Hậu sinh là Cánh Trường Tu, môn hạ của phái Nga Mi, thường nghe gia sư Kim Đỉnh Thượng Nhân nói tới lão tiền bối luôn. Hôm nay hân hạnh được yết kiến lão tiền bối ở đây.

Ải Phương Sóc “ủa” một tiếng vừa cười vừa đáp:

- Lịnh sư năm xưa lúc chưa làm Chưởng môn phái Nga Mi, lão có gặp mặt ba bốn lần. Chắc bây giờ Thiêm Công của lịnh sư tinh tiến hơn nhiều, chẳng hay lịnh sư mạnh giỏi chớ?

Cánh Trường Tu xuôi tay cung kính đáp:

- Gia sư nhờ hồng phúc của lão tiền bối cũng được mạnh giỏi.

Nói xong, y liếc mắt nhìn Lan cô nương một cái. Thấy vậy Ải Phương Sóc liền hiểu ngay, định làm mối cho hai người nên cả cười:

- Cánh hiền điệt lần này thừa lịnh của tôn sư có nhiệm vụ gì thế?

- Hậu sinh thừa lịnh xuống núi hành đạo chứ không có nhiệm vụ gì nhất định cả.

- Nếu vậy thì hay lắm, bần lão đây cũng không có hành chỉ gì cả và đang định lên phía bắc tìm thêm một người, nay gặp hiền điệt, chẳng hay hiền điệt có vui lòng nhập bọn không?

Cánh Trường Tu mong muốn được như vậy, liền luôn mồm vâng vâng, dạ dạ.

Kinh Phương lại nói:

- Lão giới thiệu hiền điệt với ba người bạn đây.

Nói đoạn lão hiệp giới thiệu Lan cô nương, chỉ thấy nàng cười nhạt một tiếng thôi.

Lúc ấy, Ải Phương Sóc kêu đói, liền thúc giục cả bọn về Khai Phong, Cánh Trường Tu lẳng lặng theo sau Lan cô nương.

Sáng sớm hôm sau, trên bờ đê ở Long Đỉnh, có một văn sĩ tuổi trạc tam tuần, mặt vàng như nghệ, mặc áo long bạch hổ phủ nhiễu, tay dài như vượn đang ung dung đi trên bờ đê, thưởng thức cảnh sắc của Long Đỉnh. Long Đỉnh trước kia là đại nội của cố cung triều đình nhà Tống đến nhà Minh năm thứ mười một của Hùng Vũ, xây Chu Vương Phủ ở nơi đây, đắp núi đất ở sau Vương Cung để làm nơi du ngoạn và nghỉ ngơi.

Đầu nhà Thanh đổi nơi đây thành Cấm Viện. Đến năm thứ chín của vua Ung Chính đổi Cấm Viện đi nơi khác, xây Vạn Thọ Cung lên mới gọi là Long Đỉnh.

Phía nam có phường, trước phường có hai con sư tử đá, cao chín thước trông rất oai nghi. Đó là cổ vật của Bắc Tống, phương bắc xây một con đường để phóng ngựa đến Long Đỉnh, dài chừng hai dặm, hai bên con đường ấy có hồ lớn, con đường đó còn gọi là đê nữa.

Long Đỉnh được xây một đài vuông cao chừng sáu bảy trượng, trên đài có chín gian điện. Trước điện là sáu mươi bốn bực đá, hai bên có tay rồng.

Tới mùa hạ, Long Đỉnh vì đất cao nên rất mát mẻ và khách du lịch cũng đông như kiến cỏ. Du khách đứng trên đài nhìn xuống cảnh sắc dưới hồ thật là tuyệt đẹp.

Hãy nói về văn sĩ nọ đang ung dung đi trên đê, bỗng nghe có tiếng chuông ngân từ chùa Hiếu Nghiêm ở phía tây vọng tới, liền dừng bước nhìn về phía xa. Bỗng trong bụi lau ở giữa hồ có một chiếc thuyền nhỏ, trên thuyền có một ông già đang nhẹ nhàng buông mái chèo, ông già râu dài bay phất phới, đang dùng chèo đưa thuyền đến trước mặt người nọ và lớn tiếng gọi:

- Tạ lão đệ, sao không xuống thuyền để trò chuyện với lão?

Không cần nói rõ ai cũng biết văn sĩ đó là Quái Thủ Thư Sinh Tạ Vân Nhạc rồi, còn ông già nọ là Yến Vân Đại Hiệp Bạch Vũ, người đã hẹn Vân Nhạc đến gặp gỡ nơi Long Đỉnh này.

Thấy ông già gọi, Vân Nhạc liếc nhìn xung quanh, không thấy một du khách nào đi tới, liền vén áo nhảy xuống thuyền vừa cười vừa hỏi:

- Bạch đại hiệp tỏ mắt thật. Tại sao lại nhận ra tại hạ?

Bạch Vũ vỗ tay đáp:

- Nghe Cửu Chỉ Thần Cái mô tả thân hình của lão đệ, nên vừa trông thấy đã nhận được ngay, mặc dầu đệ đã cải dạng rồi. Bây giờ chúng ta hãy đến giữa hồ trong bụi lau chuyện trò với nhau một phen.

Chỉ nghe thấy tiếng mái chèo nhẹ lướt trên mặt nước kêu róc rách. Chiếc thuyền đi nhanh như tên bắn, chỉ trong giây lát sau đã vào trong bụi lau và mất dạng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play