Sau khi cắt đứt với Thành Trì, cô để Định Sơn bước vào đời mình lần nữa. Đợi cô bình tâm, anh ngỏ lời cầu hôn.
Dĩ nhiên cô cảm thấy rất khó xử. Bèn hỏi, Định Sơn, anh đã quá rõ cuộc sống và con người em, tại sao còn nhắc lại chuyện này.
Anh nói, ừ. Chính vì hiểu rõ, nên anh muốn được chăm sóc cho em.
Anh biết là giữa chúng ta không có tình yêu mà. Chúng ta đâu có yêu nhau.
Hôn nhân là một hình thức liên minh. Anh muốn liên minh với sự chân
thực của số mệnh, em chính là sự chân thực đó, Khánh Trường. Có lẽ anh
tiêu cực hơn em, nhưng anh biết mình muốn gì, đủ sức trả giá những gì.
Em ở bên anh tức là thu hoạch của anh đó. Em giống như một chùm sáng.
Khánh Trường, em có sự chân thực.
Anh lại nói, đối với em, anh
không nuôi ý định chiếm hữu nhỏ nhen nào, cũng không cho rằng mình có
khả năng chiếm hữu em. Anh tôn trọng tính cách và công việc của em, em
có điểm đáng quý. Nhưng về mặt tình cảm, điểm yếu của em là đến giờ vẫn
chưa đủ chín chắn trưởng thành. Anh không muốn lúc em suy sụp, bên cạnh
lại không có ai nương tựa. Em cứ coi hôn nhân như một chốn nghỉ ngơi sau những giờ mỏi mệt đi. Bây giờ là đúng lúc rồi, anh biết rõ như thế. Anh rất mừng là còn có thể đứng bên em. Đây là quyết định của anh.
Họ đến Cục Dân chính đăng kí. Sáng ngày thu, âm u, mưa lạnh lất phất.
Khánh Trường mặc váy trắng, đeo chiếc nhẫn đính viên kim cương bé xíu
Định Sơn tặng. Anh mặc sơ mi mới màu lam. Cô ba mươi tuổi, anh ba mươi
ba, quen nhau đã năm năm, chia tay và tái hợp, rồi quyết định kết hôn.
Xếp hàng rất lâu, thủ tục xong xuôi thì đã gần trưa. Hai người ra nhà
hàng ăn cơm, mở một chai rượu. Đám cưới đúng như Khánh Trường mong muốn, đơn giản, yên tĩnh, chẳng ai không liên quan xen vào. Một nghi thức sơ
sài của riêng hai người họ.
Ở nhà hàng. Anh nói, Khánh
Trường, anh biết em nghiêm túc và bướng bỉnh trong tình cảm. Anh muốn
cho em sự yên ổn chứ không phải ràng buộc, nếu một ngày nào đó em tìm
thấy hướng đi, cứ tiến bước. Anh mong chúng ta có thể vì nhau mà sống và đi tới những nơi sáng sủa hơn, cho dù đây chỉ là ước muốn một phía của
anh. Anh yêu em sâu nặng, em phải tin điều đó.
Anh lại nói, em
có thể nghỉ ngơi một thời gian, hoặc tìm một đối tượng phỏng vấn mới,
băng mình vào công việc và những cuộc hành trình. Tóm lại, đừng bận tâm
đến điều gì khác, lương của anh đủ để duy trì cuộc sống cơ bản cho hai
ta. Em chỉ cần làm việc em yêu thích là được, anh sẽ ủng hộ.
Để nói được những lời này, chắc hẳn anh đã cân nhắc rất lâu. Cô rời tạp
chí, nhận các việc lẻ tẻ làm qua ngày, trách nhiệm cuộc sống sẽ chất lên vai anh, nhưng anh sẵn lòng gánh vác. Cô vươn tay qua bàn, anh nắm lấy, nhẹ nhàng vuốt ve các ngón tay cô, hai người bỗng cùng lặng im. Cô và
anh vẫn còn quá xa cách. Người đàn ông muốn gánh vác và chịu trách nhiệm này lại không có khả năng ma sát với tâm hồn cô. Ở bên anh, cô phải
tiếp tục giả vờ mình là người không cần yêu cũng vẫn sống ổn. Nhưng nếu
đây là sự sắp xếp mà số phận dành sẵn, thì ít nhất cô cũng biết là nên
học cách tuân theo.
Giữa người với người, phải tin tưởng
mới có thể nương tựa vào nhau. Đôi lúc tình yêu không đủ khiến người ta
tin tưởng, nhưng tôn trọng thì lại làm được điều đó. Khánh Trường ba
mươi tuổi, so với người con gái cách đây ba năm đến Chiêm Lý thăm cây
cầu thì cởi mở và điềm tĩnh hơn, không còn quá khích cố chấp trầm trọng
hóa như trước nữa. Một dạng thả lỏng sau khi đâm va hiện thực bất chấp
thói thường. Cô đã hấp thụ và tiêu hóa được nỗi cô độc thấm dần như nước chảy.
Nỗi cô độc của cô đã từng sắc cạnh như dao cạo, không
dung nạp bất cứ trạng thái nửa vời nào. Sự sốt sắng trong hành động và ý chí của cô đã từng hướng tới những mục tiêu kiên định, ngoan cố bác bỏ
các ranh giới mơ hồ với bản thân hoặc với bên ngoài, bướng bỉnh rạch ròi không đen thì trắng một cộng một là hai. Sau khi vật vã giãy giụa đủ
kiểu, nếm trải tình cảm với người không giống mình, cô quyết định thanh
lọc và chiếu chụp bản thân.
Cô lên núi, đến thôn Xuân Mai. Ở đây có duy nhất một trường tiểu học, do dân mở, trong trường có một
tình nguyện viên từ Anh sang, công tác được mười năm rồi. Khánh Trường
biết đến Thẩm Tín Đắc hoàn toàn do tình cờ. Đọc xong bút kí dạy học của
Tín Đắc, cô nảy sinh hứng thú với người phụ nữ này. Thực tế thì Thẩm Tín Đắc đã sống khép kín từ hai năm nay, khước từ mọi đề nghị phỏng vấn hay thăm hỏi. Khánh Trường vốn tính bền bỉ, bèn gửi thư điện tử cho Tín
Đắc, kèm theo các bài báo thực hiện trước đây, giải thích rõ rằng trọng
tâm và mấu chốt của cuộc phỏng vấn lần này không phải là ồn ào thu hút
sự chú ý của quần chúng - điều Tín Đắc vốn dị ứng. Cô cho biết hiện thời mình không thuộc biên chế của một đơn vị truyền thông nào, nên sẽ tự
quyết định cách thức đăng tải.
Một tháng sau, nhận được thư trả lời. Tín Đắc mời cô đến Xuân Mai. Nói, em thích chụp ảnh, phỏng vấn,
trò chuyện, hay quan sát, đều được. Ý tôi thì muốn em ở chơi Xuân Mai
như một người bạn. Nghe em kể chuyện về cầu Quan Âm Các, và cả những
chuyện khác nữa.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT