Cảm thấy mình đang già đi, cô thử tìm tòi điểm khác biệt cơ bản so với ngày trước thì phát hiện ra rằng cách nhìn nhận sự vật của mình đã ít nhiều thay đổi. Như thế mắt bỗng được rửa sáng, có người đúc rút như thế khi qua bên kia tuổi ba mươi. Nhờ rửa sáng, họ thấy tràn lan khắp nơi toàn ảo ảnh và vọng tưởng, thấy sự vật đều đang nằm trong quá trình từ từ phân hủy. Phân hủy đến một mức độ nào đó thì tan tành rệu rã, một cội nguồn nguyên vẹn thuần túy lại xuất hiện. Đây là vòng tuần hoàn khép kín đầu cuối rất dài, dài đến đâu và tần suất thế nào con người chưa tính toán được.

Nó thuộc vể bí mật thời gian.

Mắt được rửa sáng, con người nhận ra hạn chế của mình, cảm giác bất lực trổ nhánh đan kết quấn riết xuống tận gốc.Ta như người đi qua sợi dây thép chăng giữa các tòa nhà chọc trời, thanh thăng bằng duy nhất chính là ý chí. Thế giới như được tạo nên từ các khối xếp hình của con trẻ, đung điêng chực đổ, rệu rã tan tành. Dưới chân là bóng tối sâu hút, bên tai là tiếng gió rít gào, trên mây thảng hoặc vọng lại tiếng chim ríu rít, toàn những bẫy rập bí ẩn không thể đo đếm được, ta cho rằng tứ chi và thần kinh mình đã đủ mạnh mẽ, có thể trụ vững trong hoàn cảnh này. Bèn nắm chặt công cụ duy nhất, hành động theo mách bảo của nội tâm. Bước chân ra, dây thép rung bần bật bên dưới. Giống như lời cảnh báo thầm lặng của số mệnh.

Ta tự nhận đang hoàn thành một nhiệm vụ bất khả thi, nhưng rất có thể cuối cùng lại phát hiện ra rằng mình chỉ sa vào một trò đùa ác nghiệt.

Chu Khánh Trường, từ rất sớm, đã cảm nhận được sự hoang đường khi hoàn cảnh cá nhân và trật tự số mệnh bắt tay với nhau. Điều này khiến cô chọn cách nhìn nhận sự vật theo hướng nghiêm khắc, cuối cùng trở thành một cô gái với vẻ mặt luôn quật cường, tìm một con đường một lối đi riêng. Hoặc là, giống như Fiona bạn cô từng nói, Chu Khánh Trường không hợp với thế tục. Cô tự xây dựng nền tảng của mình, tuy hạn hẹp nhưng kiên định lạ thường. Không thay đổi, không từ bỏ, không hoài nghi, không phủ nhận.

Làn việc trong ngành truyền thông. Mỗi lần một tuần đi ăm cơm chung tiền ai nấy trả. Ấn định vào mỗi tối thứ Sáu, hàng ăn Quảng Đông. Nếu không phải đi công tác, mọi người lại đúng giờ tụ tập, vun đắp tình cảm hỗ trợ công việc. Nguyên tắc làm truyền thông là nội dung chương trình phải điều chỉnh chóng kịp thời theo phản ứng của dư luận, mà truyền miệng với nhau nhiều khi lại là cách thức trực tiếp hiệu quả nhất. Khánh Trường và Fiona cũng ở trong nhóm này. Thị xã Vân Hòa là nguyên quán của Khánh Trường, phường Hoa Tường trực thuộc Vân Hòa là nguyên quán của Fiona, hai nơi cách nhau không quá tám mươi cây số, có thể coi là đồng hương.

Họ là những người mạnh mẽ năng động, sau mấy năm lăn lộn ở Thượng Hải, dấu vết gốc gác đều đã phai nhòa cả, không nhìn rõ từ đâu đến nữa. Tuy nhiên, con đường đưa đẩy họ tới đây thì khác nhau. Fiona là học sinh giỏi hạng nhất cấp tỉnh, thi đỗ vào khoa Ngữ văn Đại học Phúc Đán, lấy bằng xong không muốn về quê nữa. Còn Khánh Trường, tốt nghiệp một trường bết bát trong tỉnh, đổi nghề vài lần, cuối cùng đến Thượng Hải mưu sinh sau khi trải qua một giai đoạn đặc biệt của đời người, là hôn nhân.

Fiona làm việc ở một tuần báo thời thượng có tia ra khổng lồ. Phỏng vấn chủ yếu toàn những nhân vật thành công: ngôi sao điện ảnh, nghệ thuật gia, tinh hoa doanh nhân, trí thức có ảnh hưởng, quan chức chính phủ... ra vào những chốn danh giá, các câu lạc bộ và nhóm họp kín, trung tâm hàng hiệu, khách sạn cao cấp, phòng tranh tiệc tùng và yến ẩm. Xoay hết một vòng ấy, thay da đổi thịt. Trở thành người phụ nữ sành điệu của đô thị, không còn là cô gái hồn hậu trải qua mười bảy năm đầu đời ở thôn quê nữa. Tính cách sắc sảo hoạt bát, học hành và sự nghiệp đều nổi trội. Khiếm khuyết duy nhất chỉ là cái tên nguyên quán trông đầy nhức nhối trên chứng minh thư. Nguyên quán này đã thành ra trật trìa với cuộc sống hiện tại, nhưng lại là di sản lịch sử mà Fiona ghi khắc nhất.

Càng ý thức rõ ràng, càng nhiều ý chí để thay đổi. Fiona tự hoàn thiện bản thân một cách kiên định, không tiếc sức mình. Bằng chứng đầy chiến tích là đã đem tinh thần bền bỉ từng chinh phục tiếng Anh ra để học tiếng Thượng Hải chuẩn. Hiển nhiên tiếng Thượng Hải chuẩn còn khó khăn hơn nâng hạng tiếng Anh rất nhiều, vì tiếng địa phương đòi hỏi cao độ về khẩu ngữ, tục ngữ, phát âm đặc thù. Nhưng giống như kết quả rèn luyện tiếng Anh, tiếng Thượng Hải của Fiona về cơ bản không có chút sơ hở nào. Bản thân cô khó mà đong đếm được mình đã khổ công rèn giũa bao nhiêu để đạt được thành tích này, nhưng những người quen biết xã giao đều tưởng Fiona là dân Thượng Hải như họ cả. Điều này rất có ý nghĩa với cô.

Nhưng điều Fiona coi trọng nhất, với Khánh Trường lại chỉ là thứ yếu.

2

Khánh Trường cảm thấy những trách nhiệm và trải nghiệm mà một người gánh trên mình mới là quan trọng. Đó chính là cội rễ của nguồn sáng sinh mệnh. Cô thường chú ý nhìn xem đường nét hình dáng bản thân hiện lên thế nào khi nguồn sáng ấy rọi vào người.

Cô kể với Thanh Trì một quãng hồi ức thời niên thiếu. Mười bốn tuổi, cô là một thiếu nữ nổi loạn, bất hòa với những người nuôi nấng mình, không chịu về nhà, thường xuyên trốn học, không hứng thú với trường lớp bài vở, chán ngán mọi thứ. Có lúc còn đem món tiền lẻ tiết kiệm được nhờ nhịn cơm trưa mua vé xe lửa hoặc xe khách đến thôn làng thị trấn gần đấy để du lịch chớp nhoáng. Cô làm như thế rất nhiều lần. Lang thang đường núi tìm đến một thôn trang, ngồi chơi bên hồ, trên đồng hoang, trong hẻm núi độ nửa ngày rồi lại bắt xe về.

Một chiều mùa hạ, cô bỏ xuống trước khi tàu hỏa tới ga cuối, đặt chân lên một tiểu trấn vô danh, rồi lạc đường. Lần theo dãy núi, đi lòng và lòng vòng, vào một đường hầm xe lửa đục thông lòng núi. Đây là con đường bắt buộc phải đi qua, bằng không chỉ còn nước quay lại lối cũ. Cô vẫn nhớ đường hầm đó dài dằng dặc. Trống trải, hun hút, lạnh lẽo, lạnh ngắt. Dần dần, dần dần, có thể nhìn thấy lờ mờ nơi cửa ra ánh lên ngời ngời trời mây và bóng núi, một dãy dài những lùm trúc đào hồng trắng chen nhau, hoa đơm chi chít.

Cô bước đi rất lâu, nghe tiếng bước chân và tiếng thở nặng nề hổn hển vang vọng trong đường hầm. Mắt không chớp, cứ nhìn chằm chằm vào vùng sáng, không để nỗi sợ hãi và bàng hoàng trong lòng xóa nhòa ý niệm về thời gian. Đột nhiên từ đằng sau, một đoàn tàu hỏa rúc còi ầm ầm lao vào đường hầm. Ánh đèn chói chang bùng lên khiến mắt như bị lóa, không khí bị ma sát phát ra tiếng ken két. Gió thốc tới như triều xối. Cô dán sát lưng và tay chân vào vách đá, thân thể mềm nhũn đi, dồn hết sức để trụ vững. Quay nghiêng mặt sang một bên, mắt nhắm nghiền, nín thở, đợi tàu hỏa đi qua.

Gió như xuyên qua não bộ và thân thể, khiến người muốn nát vụn. Cô kể với anh, em cảm nhận được từng bộ phận trong người mình đều phản ứng dữ dội với nó. Đoàn tàu lao đi xa rồi, cô bèn dốc sức chạy, chạy về khoảng trời mới mẻ ở nơi tận cùng kia, vừa chạy vừa thấy tim đau dọi lên từng cơn. Giống như một ám chỉ hay ngụ ý, rằng cô sẽ trở thành một người luôn luôn kiếm tìm nguồn sáng và tiến bước vì nó. Mỗi lần trải nghiệm là một lần khẳng định, là ý muốn rõ ràng mà lớn lao của nội tâm, kêu gọi quá trình ấy bắt đầu và cụ thể hóa, không xác định được tiền nhân hậu quả, nhưng cứ như thiêu thân bị cuốn về phía hơi ấm và ánh sáng.

Vì thế cô biết, con đường mà mình phải đối mặt nhất định sẽ hoang mang gian khó, đồng thời cần phải dốc nhiều sức lực hơn nữa.

3

Bản tính con người có xu hướng tìm lợi tránh hại, để rồi cuối cùng lại đi ngược lại những ước vọng tốt đẹp ban đầu. Cũng có thể cái ước vọng ban đầu tốt đẹp ấy vốn chỉ là một dải cầu vồng trông thấy mà không chạm tới được trên dãy núi lam tím hun hút vời vợi đằng xa, chứ không phải là món tráng miệng buổi chiều đặt trong bát sứ trắng với tay ra là thưởng thức được. Trong những việc mà con người ta làm, điều may ra ý nghĩa là mỗi bước chân đi đều đưa họ tiến về dãy núi ấy với lòng hăm hở nhiệt thành, chứ không phải những tràng ợ hơi no nê trầm đục vọng ra từ thực quản sau khi nhồm nhoàm ăn uống.

Trải qua vài ngành nghề khác nhau, đến năm hai mươi lăm tuổi, Khánh Trường cộng tác với một tạp chí văn hóa mới khai trương. Khả năng được khai quật, dần dà cô gặt hái được tiếng tăm tích cực trong ngành. Ngoài thời gian làm việc ở công ty quảng cáo, cô thường kiêm nhiệm việc phỏng vấn cho tạp chí. Quen Fiona cũng là do viết bản thảo giúp cô ấy. Cho dù chỉ là một cuộc nói chuyện với một chủ quán cà phê thì nội dung, góc độ khai thác, vẻ tinh khôi của bài phỏng vấn vẫn đầy sức hút. Đặt câu hỏi sắc sảo, hàm nghĩa sâu xa mà ngôn từ dung dị. Thay vì bảo đó là thiên phú, nên nói rằng, cô chọn lựa được góc nhìn và khía cạnh chính xác khách quan là nhờ giá trị quan trong tâm hồn mách bảo.

Khánh Trường ấp ủ ước mơ trở thành một người bản lĩnh, làm việc đâu ra đấy, có niềm tin, không để mình bị vùi dập bởi sức mạnh và quan niệm của đám đông hay tập thể. Khác với Fiona, cô không sốt sắng ngụy trang bề ngoài và hình thức, không nung nấu ước vọng bước lên giai tầng xã hội cao hơn và được người đời công nhận. Cô không đếm xỉa đến công nhận, cũng không đếm xỉa đến việc không được công nhận. Ví dụ điển hình là cô chưa bao giờ học nói tiếng Thượng Hải. Nghe thì hiểu hết, nhưng nói thì một câu cũng không. Chỉ bởi, cô xác định tất thảy đều là những thứ không mảy may ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.

Sau khi chính thức vào làm ở tạp chí, cô được phân công chuyên mục phỏng vấn, bắt đầu tự quyết định lấy chủ đề, nội dung và cách thục hiện. Cùng với nhiếp ảnh gia, cô đi khắp các vùng xa xôi trên đất nước. Trẻ em thất học trong thôn nhỏ núi sâu, làng bệnh nhân AIDS, lạt ma Tây Tạng tự đắp tượng Phật, linh mục vừa truyền giáo vừa trồng thảo dược cho sơn dân chữa bệnh, đạo sĩ ẩn cư trên núi Chung Nam, người mẹ phát chứng trầm cảm giết phăng ba đứa con, người đàn ông trốn trong hang động để tránh lệnh truy nã, huyện lị có dòng sông ô nhiễm làm trẻ em ra đời bị dị tật... Những chủ đề ly kì và cuộc đời bấp bênh ấy là nội dung mà cô tìm kiếm.

Mỗi chuyến phỏng vấn thông thường đòi hỏi một tuần hoặc nửa tháng long đong đi lại. Cách thức làm việc vất vả tỉ mỉ. Phỏng vấn xong về nhà ghi chép, sửa sang, dựng bài, làm thành một chuyên đề tử tế. Bàn bạc với nhiếp ảnh gia về hình minh họa, biên tập trình bày. Đêm trước khi gửi bài đều thức trắng ở văn phòng. Nếu không rời Thượng Hải đi công tác, mỗi sáng thứ Hai lại định kỳ đến tòa soạn họp. Không nghi ngờ gì nữa, cách làm việc của Khánh Trường hoàn toàn ăn ý với luồng sáng nội tâm cô, nó thắp lên nguồn sức mạnh sâu lắng tích lũy trong người, trong lòng, nhưng tự cô lại không hề hay biết.

Đây là con đường mà Khánh Trường dùng để kiểm chứng và xét lại sự tồn tại của bản thân chứ không chỉ là nghề nghiệp đến giờ thì làm nhằm lĩnh lương để sống. Cũng có khả năng, niềm tin trong lòng cô đã thu hút công việc đó đến.

Trong hiện thực rữa nát như đầm lầy bốc mùi khăm khẳm, trong hẻm sâu suối thẳm trên núi cao cách biệt trần ai, tìm kiếm dấu vết giao thoa giữa trời đất và bản tính người. Càng ở nơi nguy hiểm gian khó, dấu vết này càng rực lên bức thiết và gấp gáp.

4

Tháng Mười năm hai mươi bảy tuổi, Chu Khánh Trường đến sân bay Phố Đông, chuẩn bị bay lên Bắc Kinh làm giúp Fiona một bài phỏng vấn khổ lớn. Đối tượng phỏng vấn là quản lý cấp cao của một công ty Canada chuyên kinh doanh phần mềm. Đây đáng lẽ là nhiệm vụ của Fiona, nhưng cô nhiều việc quá không chia năm xẻ bảy thân mình ra được, Chu Khánh Trường bèn nhận lời chữa cháy giúp. Thư kí của người ta đã trao đổi với cô trên điện thoại. Cuộc phỏng vấn được ấn định vào 3 giờ chiều. Chu Khánh Trường đến Bắc Kinh rồi thì cứ đi thẳng đến CBD.

Tàu vận chuyển của sân bay đông nghịt khách. Chạy hết đường hầm, lên đến đường ray trên cao, toàn cảnh thành phố hiện ra ngoài cửa sổ. Vòm trời Bắc Kinh vào một thời điểm nào đó thường là xám trắng. Không khí ô nhiễm tù đọng khiến người ta ngạt mũi, đau họng, hoa mắt nhức đầu. Sáng sớm đánh răng mà muốn nôn ọe. Nhưng Thanh Trì nói, sống ở mảnh đất này vài năm, những triệu chứng đó sẽ dần dần chấm dứt. Không phải vì bình phục, mà vì thói quen. Con người cuối cùng đều bị khuất phục bởi thói quen. Ý chí của chúng ta không hề cứng rắn như tưởng tượng, cũng không thể lựa chọn một sự chính xác hợp lý. Chỉ có một sự chính xác thôi, đó là cách tồn tại mà người ta phải chấp nhận, dù liên quan đến không khí, thành thị, hôn nhân, cá tính hay gì khác. Đây là kết luận của anh.

Bây giờ, cô đang ngồi sát cửa sổ, lơ đãng nhìn ngắm thành phố phải tạm lưu lại vài người vì chuyến công tác này. Bắc Kinh mùa thu có những khoảnh khắc ngắn ngủi bầu trời cũng xanh ngắt, cao vời vợi, không khí thoáng đãng. Đằng sau có hai người đàn ông từ Mỹ sang, một già một trẻ, say sưa nói chuyện, liên tục trầm trồ vẻ thích thú mới mẻ trước cảnh vật nơi đây. Ngồi đối diện cô là hai thiếu nữ Hàn Quốc, trẻ trung, trang điểm lộng lẫy, đang giơ điện thoại tự chụp, sôi nổi giết thời gian bằng thú tiêu khiển tẻ nhạt. Ở đây không tồn tại người không có mục đích. Xuống tàu rồi, ai nấy đều biết mình đi về đâu. Thành thị là một hang động khổng lồ. Cần nhanh chóng lần theo những lối nhỏ bí mật dẫn vào lòng nó. Cá thể phải bị nuốt chửng thì mới an toàn, như thế tính nguy hiể của nó sẽ được che giấu đi.

Đây không phải lần đầu Khánh Trường tới Bắc Kinh, cô không có thiện cảm gì với thành phố này, nhưng cô thích cái tôi xuất hành đơn độc của mình. Ở một thành phố trang trọng xa cách, sự an ổn nội tâm càng thêm rõ rệt, vì biết không cần nảy sinh quan hệ với nó. Đến đi tùy ý. Người ta sẽ chỉ dây dưa, gửi gắm tình cảm, hình thành lịch sử ở thành phố có mối quan hệ mật thiết với mình. Mà thông thường là vì ở đó có những đối tượng gây ảnh hưởng và tác động. Người nhà, người yêu, bạn bè.. những yếu tố này quyết định vị trí cuối cùng mà một thành phố xác lập nên trong cuộc đời người ta.

Đối với Khánh Trường, Vân Hòa, Lâm Viễn, Thượng Hải, là những thành thị như vậy.

Hai mươi ba tuổi. Cô đi Hoàng Sơn chơi. Trên xe khách, cô gặp Trang Nhất Đồng, hai mươi tư tuổi, trai Thượng Hải. Họ ngồi cùng hàng nghế, đều du lịch một mình. Ước nguyện của cô đã phát ra năng lượng mạnh mẽ nào đó, thu hút hết những yếu tố cần thiết để trở thành hiện thực chăng? Ngày hè oi ả, mở cửa sổ cũng chỉ thấy gió nóng hầm hập lùa vào. Trong xe không có điều hòa, hành khách chập chờn ngủ gật, xe vòng vèo hồi lâu trên những con đường ngoằn ngoèo ven núi. An Huy vừa trải qua một trận lũ lụt, dọc đường nước ngập mênh mang, xác gia súc nổi lềnh bềnh.

Cô ở Vân Hòa, làm phục vụ cho một chuỗi quán cà phê ở quảng trường trung tâm, sống một cách tất bật. Lúc làm ca ngày lúc làm ca tối, mặc đồng phục đen tạp dề xanh lá, đứng ở quầy thu ngân bán bánh ngọt. Nhiều khi bận tối mắt tối mũi, cứ xoay xoay mòng mòng vì công việc, chỉ hận không có ba đầu sáu tay.Thảng hoặc được lúc rảnh rỗi, tựa vào bàn cà phê quan sát từng người khách đi vào và đi ra, nghiên cứu các chi tiết của họ, đoán xem cuộc sống họ thế nào. Đêm khuya hết ca, cô đạp xe xuyên qua thành phố chìm đắm trong mùa mưa phùn trở về căn nhà trọ nhỏ. Cô cảm thấy trong thân thể mình chỗ nào cũng chứa đầy một câu chuyện, nói khác đi, đó là một dòng chất lỏng ăm ắp sức mạnh, cuộn chảy trong huyết quản. Cần được bộc lộ và vượt lên.

Cô còn trẻ, chẳng sợ hãi điều chi ở cuộc đời này. Chỉ cần giữ vững hi vọng là sống tiếp được.

Cuộc sống bản thân nó có giới hạn, trừ phi có hành động nào đó dẫn dắt chúng ta thoát được tầm nhìn hạn hẹp, theo đuổi cái vô hạn, còn nếu không vượt qua được, tồn tại chỉ là một quá trình buồn tẻ và chóng vánh.

Người thanh niên lạ mặt bên cạnh đang buồn ngủ, rồi gà gật, cái đầu dần dần ngoẹo đi, cuối cùng ngả hẳn vào vai cô. Bắt nguồn từ lòng thương xót bản năng, cô chẩm chậm ngả anh ta xuống, mở lòng bàn tay, đỡ mặt cho anh ta ngủ được yên. Anh ta là một thanh niên không nghề không nghiệp. Đàn ông như thế này, bình thường đều đánh bạn với mẫu phụ nữ cứng rắn hoang dã. Do năng lượng bản thân không đủ, trong quan hệ tình cảm, anh ta cần được tiếp nhận và chăm sóc. Khuôn mặt đẹp đẽ, khóe mắt đầu mày lộ rõ vẻ nhu nhược, mặc sơ mi đen, để tóc dài, ăn bận rất chăm chút. Đang chìm trong cuộc sống chông chênh, thất nghiệp, thất tình, nghiện hút. Gia đình khá giả, dung dưỡng được anh ta muốn làm gì thì làm.

Họ cùng du ngoạn Hoàng Sơn. Ngắm mặt trời mọc, tìm nhà hàng ăn cơm, hoàng hôn thì ngồi trên núi uống bia, chụp ảnh cho nhau, ở cùng phòng khách sạn, chúc nhau ngủ ngon, năm ngày cứ thế trôi qua. Phần lớn thời gian họ âm thầm lặng lẽ, có chăng chuyện trò cũng rời rạc, chẳng hiểu sao lại thấy ở bên nhau rất yên bình. Anh ta biết cô đọc nhiều sách, viết lách được, ước mong có cơ hội thử sức trong ngành quảng cáo ở các thành phố lớn. Lúc chia tay anh nói, em đến Thượng Hải đi. Thượng Hải có nhiều công ty quảng cáo lắm, thể nào em cũng tìm được việc.

Cô bẩm sinh nhạy bén, lòng đã có linh cảm và chắc chắn, bèn trầm giọng hỏi anh, chúng ta có thể lấy nhau không, Như thế đến Thượng Hải, em có thể tìm anh.

Có thể, anh nói.

5

Thiên thời địa lợi nhân hòa như thế đấy. Những việc do số phận an bài thì sớm muộn gì cũng chạy vào đúng quỹ đạo của nó.

Nhất Đồng đang ở thời điểm nản lòng, cần có một sự thay đổi mạnh mẽ hầu khuyến khích bản thân kháng cự lại bầu không khí nặng nề tù đọng của đời mình. Khánh Trường thì đang mong rời khỏi Vân Hòa, rời khỏi vùng đất ẩn giấu quá khứ và ám ảnh. Mong muốn này cám dỗ vô cùng, mau chóng trở thành tiếng gọi chói tai trong huyết mạch cô. Cô nắm ngay lấy cơ hội, đóng gói lịch sử, đoạn tuyệt với cuộc sống ngày cũ, quyết tâm dấn thân bất chấp mạo hiểm. Thực tế thì đây là cơ hội duy nhất mà cô có thể nắm bắt được, cô không thể bỏ lỡ.

Anh tin tưởng cô vô điều kiện, có lẽ số phận đã an bài anh ở đây để đón đưa cô một đoạn đường. Cho dù cư xử rất nông nổi, biết rằng bản thân không thể đem lại sự yên ấm cho cô, nhưng vẫn tỏ ra dũng khí và trách nhiệm, sẵn sàng đứng ra trả giá cho sự bồng bột của mình. Rất nhiều năm về sau cô vẫn cảm kích câu nói ấy, câu nói mà không phải người đàn ông nào cũng sẵn sàng đưa ra. Sự thật là rất nhiều phụ nữ đã trải qua quá trình dài dằng dặc với nhiều khó khăn để giành được lời hứa hẹn như vậy.

Ba anh thường xuyên làm ăn ở nước ngoài, một năm về được vài bận. Trong nhà còn mẹ và chị. Mẹ anh cứng rắn thực tế, không sao hiểu được một cô gái tỉnh lẻ chỉ ở cùng Nhất Đồng năm ngày làm cách nào mà dụ dỗ được anh đồng ý kết hôn. Tuy Nhất Đồng luôn gây phiền phức, nhưng bà chấp nhận cưng chiều đứa con trai duy nhất. Thiếu gì người ngoại tỉnh muốn đến Thượng Hải chiêm ngưỡng thế giới hoa lệ. Cô nàng nhà quê này hẳn là thèm muốn hư vinh, bà khinh bỉ nghĩ, cho rằng cô đang ủ mưu dùng nhà họ làm bàn đạp mà thôi. Hai người về với nhau, chẳng qua mỗi người giữ một tờ giấy chứng nhận kết hôn, không nhẫn, không tiệc cưới, không lời chúc phúc, cũng không có thứ gì khác. Cứ thế vun vén cho xong một đám cưới âm thầm, bị khinh miệt cũng không oan.

Không có cha mẹ đến dự, không có hồi môn mang theo, cô chỉ là một cô gái tứ cố vô thân, hoàn cảnh gia đình và học vấn đều chẳng có gì nổi trội, thứ duy nhất đáng kể là ý chí sinh tồn ở nơi đô hội.

Sống ở nhà họ, có chỗ nương thân. Tìm được việc làm, xây dựng cuộc đời. Bắt đầu từ công ty quảng cáo nhỏ lương tháng ba nghìn đồng, nửa năm sau, cô được một công ty quảng cáo nước ngoài mời về, lương tháng nhảy lên tám nghìn đồng. Nhất Đồng tuyệt nhiên không tim việc làm, ở nhà chơi game suốt ngày suốt đêm, cắt đứt hoàn toàn mối dây liên lạc với thế giới bên ngoài. Khánh Trường không ngại làm việc vất vả, chỉ không tài nào thích ứng được với bầu không khí đấu đá căng thẳng hay làm gì cũng phải để ý đến thái độ của người khác. Việc ăn nhờ ở đậu dạy cho cô một bài học thực tế và phũ phàng, đó là thế thái rất nhạt nhẽo nhân tình rất lạnh lùng.

Sáu tháng sau, cô dọn ra ngoài thuê nhà ở riêng, tự lo lấy cuộc sống và chi tiêu.

Ly thân được ba tháng, Nhất Đồng đến tìm cô.

Anh ở nhà, không cách nào rời khỏi gia đình, mảnh đời vô mục đích của anh chỉ có chỗ dựa này thôi, anh phải giữ gìn. Cô chẳng qua chỉ là một cuộc tao ngộ trong đời. Đây là hiện thực, chính xác, chân thực, tàn khốc, không dính dáng gì đến tình yên hay tình thương. Mỗi người bọn họ đều kháng cự một cách yếu ớt cuộc sống mà họ phải gánh vác. Cuộc hôn nhân này về bản chất chính là một hành động kháng cự. Họ dùng nó để đột phá một giai đoạn đặc biệt nào đó của đời mình, không liên quan gì đến người kia cả.

Buổi tối anh ngủ cùng trên chiếc giường đơn trong căn phòng trọ của cô, giấc ngủ ập đến rất nhanh, như trẻ con. Cô không có ai để nương tựa, anh lại không thể làm điểm tựa cho ai, nhưng được làn da và hơi thở ấm áp này bao bọc, cô bỗng nhận ra mình bơ vơ vô cùng. Cô cần tình cảm nhưng không có được, đành giả vờ là không cần. Lẻ loi cô độc cũng phải sống sót được ở thành phố xa lạ này. Cô cần tìm hiểu bản chất của tình yêu nhưng không sao tìm hiểu được, đành bắt mình tin rằng nó không tồn tại.

Buổi sáng tỉnh dậy, xin phép nghỉ nửa ngày để nấu cơm cho anh. Họ bị ràng buộc bằng hôn nhân, nhưng lại là cuộc hôn nhân rỗng tuếch, thậm chí hai bên chưa từng chăm sóc lẫn nhau. Anh ăn cơm xong, ngập ngừng chốc lát rồi nói, ba mẹ đả thông tư tưởng rồi, muốn em về. Ba mẹ sẽ mua nhà cho chúng mình. Cô thoáng thấy nghi ngờ, sau khi chứng kiến cảnh ly thân giằng xé này, lẽ nào hai bậc phụ mẫu thực sự muốn động tay động chân sắp xếp cho tương lai của họ. Anh nói, xem nhà rồi, ở Phố Đông. Ba mẹ thanh toán đợt đầu, những đợt sau chúng mình tự trả, nhả sẽ do ba mẹ đứng tên.

A! Đúng là người Thượng Hải, cặn kẽ chi li. Trả lần đầu thôi, các lần sau thì bắt cô trả, coi như giúp họ mua căn nhà này. Đứng tên ba mẹ, giả sử một mai ly hôn thì căn nhà nghiễm nhiên không dính dáng gì đến cô cả. Họ hiểu rõ rằng Nhất Đồng hiện thời không có thu nhập, tương lai cũng chưa chắc đã có. Đề phòng nhau đến như thế thì còn gì đáng tin tưởng mà thương lượng. Họ có thể giữ cô lại, nhưng sẽ bắt cô làm trâu làm ngựa. Cô lặng im, đứng lên, quay vào bếp rửa bát. Không nói lời nào.

Lòng đã nguội lạnh, như nham thạch. Cuối cùng cô ly hôn. Lấy chồng một năm, ở bên nhau được sáu tháng. Thoắt cưới thoắt bỏ. Trong cuộc hôn nhân này, thứ cô mong thu hoạch là tình cảm, cuối cùng lại đúng như lời mẹ anh từng nói, chỉ thông qua nó lấy bàn đạp nhảy sang bờ bên kia. Đây không phải là điều cô ấp ủ về sự kết hợp của họ. Nhưng cuối cùng cô vẫn ở lại Thượng Hải.

Tuổi trẻ sức sống dồi dào không nao núng trước vất vả. Mới sẽ thay cũ, vết thương lành lặn tự lúc nào, không để lại đau đớn. Cô không ngạc nhiên về sự trơ lì vô cảm của mình mỗi khi hoàn cảnh trở nên khó khăn hoặc biến động. Đổi việc. Đổi chỗ ở. Vào một tạp chí, lương tăng, từ nơi xa xôi hẻo lánh dọn tới gần Tĩnh An Tự sang trọng, thuê phòng ở một chung cư cao tầng ngay giữa khu vực sầm uất. Bốn mươi mét vuông, giá thuê rất đắt. Cô thường xuyên làm việc ở nhà, cần nơi thuận tiện đi lại và cơ sở hạ tầng xung quanh đầy đủ để không cảm thấy gò bó. Giống như mọi phụ nữ độc thân sống một mình, cô treo rèm sa cho cửa sổ, sửa bồn cầu rò nước, thay bóng đèn, nấu ăn trong bếp, vừa ăn vừa đọc tài liệu trước vô tuyến đang bật. Không trồng cây cảnh hay nuôi thú cưng. Cô thường xuyên phải đi công tác, không thể chăm sóc cho sinh vật nào khác trong cuộc sống của mình. Bơ vơ trơ trọi ở thành phố này, không bà con thân thích, cô phải tự lực sinh tồn.

Cần mẫn làm việc. Lĩnh lương trả tiền nhà, tiền đi lại, tiền mua sách mua CD mua DVD mua cà phê mua bánh mì và các loại chi phí sinh hoạt khác. Chưa bao giờ oán thán. Làm việc gì cũng phải cố gắng đạt đến tiêu chuẩn tự đặt ra. Cá tính này cần thiết không kém gì tài năng. Khánh Trường cũng sống dựa vào ngòi bút, khả năng viết lách không hề thua kém một người học cao như Fiona. Cô hiểu rằng tất cả những công việc cô làm vì sinh tồn thì đều vô nghĩa, không nên để lại vết tích. Nhưng cuộc đời con người ta, nhiều khi được định sẵn là sẽ hình thành nhờ những việc mà nếu không để lại vết tích thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì cả.

Cô còn hiểu rằng, tình cảm khó mà gặp được sự trân trọng tương xứng, bèn dùng thể chất và ý chí để đấu tranh với hoàn cảnh, dùng hành động để giành lấy những thắng lợi lớn hơn từ hiện thực.

Cô trở thành người tin tưởng và cống hiến cho thực tế.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play