Lộc Tục đẩy mái chèo, thuyền gỗ rẽ sông tiến sâu vào lãnh thổ Lạc Việt, cảnh tượng cứ thế lớn dần trong đôi mắt của những vị khách lạ. Nước gợn mạn thuyền, gợn vào lòng người khơi gợi vô vàn cảm xúc, với Nguyễn Lữ là sự xúc động khi về với đất tổ. Dáng vẻ ông ta như cây khô sắp chết vừa gặp cơn mưa rào. Nguyễn Lữ luôn miệng lẩm bẩm: -Xích Quỷ là đây… nước Xích Quỷ ở đây… Nước biếc đưa thuyền trôi dưới những cây cầu vắt ngang sông lớn. Cầu làm bằng tre – một loại thực vật rất phổ biến tại Xích Quỷ. Phía sau cầu, ngôi làng của người Lạc Việt chầm chậm hiện ra trước mắt những vị khách Phi Thiên. Làng có hơn trăm nóc nhà nằm rải rác hai bên bờ sông, một số nằm ngay trên mặt sông như bè nổi. Nhà cũng làm bằng tre, riêng những ngôi nhà trên bờ sông, chúng được dựng cao hơn mặt đất. Vô Phong cảm thấy khá kỳ lạ, Nguyễn Lữ bèn giải thích rằng lối xây dựng ấy bắt nguồn từ việc chống hung thú thời cổ. Phía sau hai bờ sông là hai dãy núi xám sừng sững lừng vang tiếng thác đổ. Có nơi nước cuộn từ đỉnh trút xuống phía dưới như bức rèm rủ khổng lồ che giấu vẻ hoang sơ; nơi khác vách đá dựa nhau thành bậc, dẫn nước chảy thành thác nhiều tầng. Những con thác tạo ra các nhánh sông đan xen ngôi làng rồi chảy ra dòng sông lớn. Tên tóc đỏ ngó trước ngoái sau, lồng ngực phập phồng như muốn hòa nhịp cùng bản nhạc vĩ đại của không gian. Thuyền chầm chậm trôi qua gầm cầu. Phía trên, bọn trẻ con nô đùa chạy qua chạy lại. Nghịch ngợm chán, chúng nằm dài trên cầu nghỉ mệt. Một đứa bắt đầu hát, rồi lũ nhỏ bắt đầu hát theo: Hồng hoang nguyên thủy Thiên địa sơ khai Núi chưa thành hình, sông chưa thành dải Chưa có cỏ cây, chưa có muôn loài Không ánh nắng mai Bóng đêm ngự trị Bỗng đâu xuất hiện một người kỳ vĩ Cao muôn trượng, chân sải vạn dặm xa Tay ngày bốc đá truyện copy từ . Dựng nên cột trụ Thiên địa chia tách, bừng sáng tinh tú Muôn loài nảy nở, chấm dứt âm u Có sông có núi Có rừng có cây Có lạc điểu bay, có giao long quẫy Có trời vạn dặm, có biển trùng khơi Bỗng một người tới Từ nơi xa xôi Ngài phát rừng, xẻ núi, giết ác thú Dạy người cày cấy, dạy người đi săn Vạn người đồng quy Dựng nên Xích Quỷ Ngài ra đi, để lại con của Rồng Sức mạnh vô địch, phép thuật vô biên Nghe nơi phương bắc Có một nàng Tiên Rồng vượt biển, băng qua trăm dặm đường Thấy nàng trong động, ngỏ lời kết duyên Như cá thấy nước Như chim thấy trời Hai người kết đôi, sinh bọc trăm trứng Trứng nở trăm người, có gái có trai Nhưng duyên không dài Không gì mãi mãi Đôi lứa tan đàn, trăm con xẻ nghé Đắng lòng, người theo cha, kẻ theo mẹ Mẹ đi về núi Cha lui về biển Xích Quỷ còn đó, còn giống Rồng Tiên Lập triều đại mới, giữ nước bình yên Mười tám đời vua Biết bao câu chuyện Như ngoại xâm phương bắc, dân thống khổ Có người dũng sĩ, uy mãnh như hổ Đơn thương độc mã Xông pha trận địa Mưa máu đầy trời, địch nhân khiếp vía Khắc dấu lên bia: Huyết Thiên Thiết Giáp Như chuyện ba người Chỉ vì tình yêu Hai người, nhưng chỉ một nàng yêu kiều Người được thiên vị, kẻ bị ghẻ lạnh Ngàn đời giao tranh Sơn Thần, Thủy Thánh… Trông thấy những vị khách lạ, bọn trẻ ngừng hát rồi nhào ra thành cầu với ánh mắt hiếu kỳ. Chúng là những bé trai, tất cả đều cởi trần, cổ đeo dây vuốt bạc. Một thằng nhỏ đen nhẻm gọi lớn: -Ông Lộc Tục! Mười năm rồi mới thấy ông về! -Ờ! Bọn bay giờ lớn quá nhỉ? -Họ là ai thế hả ông? – Đứa khác tò mò hỏi. -Khách phương xa, bên kia khu rừng! Bọn trẻ phấn khích nhảy ùm xuống sông. Chúng thoăn thoắt bơi như cá, chẳng mấy chốc đã tới gần thuyền. Mái tóc đỏ của Vô Phong nổi bật nhất nên hắn trở thành trung tâm chú ý của lũ trẻ. Thằng nhóc ban nãy lại chú mục về phía Lục Châu, nó gãi đầu nghĩ ngợi, sau thốt lên: -Chị là Lục Châu, công chúa nước Phi Thiên! Hết thảy mọi người ngạc nhiên. Một đứa bé sống ở nơi hoang dã thế này sao mới nhìn qua đã biết công chúa? Lục Châu bèn hỏi: -Sao em biết? -Sao không chứ? Chị nổi tiếng lắm, ai mà không biết? – Đứa trẻ cười tươi – Bọn em được dạy mà! Rõ ràng tộc Lạc Việt không tự bó hẹp mình như người ta vẫn lầm tưởng. Dường như họ biết tường tận những gì đang xảy ra bên ngoài. Thằng bé nọ chuyển hướng sang Vô Phong. Ánh mắt nó sáng rực khi thấy cán kiếm “bộc phá” sau hông của hắn, thằng nhỏ liến láu: -Là kiếm phải không? Anh tóc đỏ đẹp trai cho em xem nó một chút thôi, nhé? Em hứa xem xong trả liền! Vô Phong bật cười trước lời nịnh nọt vừa ngây thơ vừa buồn cười của nó. Lộc Tục cầm mái chèo té nước vào mặt thằng nhóc: -Ngươi chưa trả ta cây sáo đâu nhé, Trần Toản. Định chôm luôn hả? Trần Toản cười khì khì: -Cháu định trả ông rồi chứ! Tại ông đi lâu quá! Ông già khoắng nước xua lũ trẻ: -Sáng rồi, bọn bay về đi học ngay! Trần Toản gác tay lên thành thuyền, mặt chảy dài chán nản.Trẻ con nơi đâu cũng giống nhau khi coi học hành là một cực hình: -Cháu muốn ra biển kia. Học mãi ngán lắm! -Này con nhái, cha chú ngươi phải học chán mới đi biển. Ngươi tưởng bơi được ở cái con sông bé tí này mà đòi ra đấy? Nhưng ta công nhận ngươi giống con nhái thật! – Lộc Tục chống nạnh cười ha hả. Bọn trẻ cười sặc, Trần Toản thở phì phì hai bên mép vẻ bất mãn. Nghe lời ông già, thằng bé bơi đi nhưng được một quãng, nó ngoái lại nói với gã tóc đỏ: -Nhà em ở đằng kia, anh tóc đỏ! Nếu tới chơi, nhớ mang theo kiếm nhé! Bọn nhỏ liền bơi theo Trần Toản. Dù muốn hay không, chúng vẫn phải đi học như bao đứa trẻ khác ở thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, cách giáo dục của người Lạc Việt có vẻ khá tốt. Thuyền trôi dòng tiến sâu hơn vào làng. Xen giữa những ngôi nhà là vườn cây ăn trái, những người phụ nữ đang tích cực thu hoạch thành phẩm hoặc gieo trồng hạt giống. Họ đi chân trần, tóc đen búi cao, người khoác nhiều lớp áo mỏng đơn màu cùng váy xám bằng vải thô. Vô Phong cảm giác phụ nữ nơi đây giống cô gái tên Diễm mà hắn từng gặp tại Cố Niên thành. Họ hoàn toàn mang dáng vẻ tự nhiên thuần khiết, không hề giống những cô nàng rất đỗi xinh đẹp nhưng cứng nhắc như con rối tại Thiên Kỷ thành. Trông thấy Lộc Tục, những người phụ nữ liền vẫy tay chào và không quên nở nụ cười với đám khách Phi Thiên. Lộc Tục chào lại rồi hỏi: -Này các cô, tộc trưởng có nhà không? -Có! – Một người đáp – Ngài ấy vừa từ biển về! Lộc Tục cảm ơn, sau tiếp tục chèo thuyền về phía trước. Vô Phong cảm giác khá lạ vì dân cư nơi đây không giao tiếp bằng thổ ngữ như người Thanh Thủy hay người Đà Ma. Hắn đem thắc mắc này hỏi Lộc Tục thì ông già đáp: -Thực ra chúng ta có ngôn ngữ riêng, nhưng chúng quá rắc rối, một đứa trẻ phải mất hàng chục năm để nhận diện mặt chữ. Khi dựng nước Xích Quỷ, chúng ta đã sử dụng ngôn ngữ phổ thông thay thế. A, chúng ta đến nơi rồi! Ông già đẩy ánh mắt của mọi người theo cái hất hàm của mình. Phía trước họ, ngôi làng kết thúc ở nơi hai dãy núi giao nhau. Những khối đá màu xanh rêu phủ nhấp nhô so bì cao thấp, chẻ dòng nước thành vô vàn sợi tơ mảnh mai như mái tóc bạc, vô tình tạo ra muôn con thác nhỏ giữa con thác lớn. Vạt núi trắng xóa những bọt nước phù du tựa tuyết phủ. Ngôi nhà tộc trưởng nằm ngay cạnh chân thác, nó cũng đơn sơ mộc mạc giống bao căn nhà khác, không có vẻ gì là nơi ở của người vốn một thời làm vua Xích Quỷ. Lộc Tục neo thuyền cạnh nhà rồi gọi lớn: -Tộc trưởng! Có khách! Ai nấy tâm trạng háo hức muốn xem Kinh Dương Vương hơn hai ngàn tuổi là người thế nào. Nguyễn Lữ cũng hồi hộp không kém, hai lần ông ta dẫn Trần Độ tới nhưng chưa hề gặp vị tổ tiên tối cao. Bất quá, họ đợi mãi mà không thấy tiếng trả lời, có vẻ như người trong nhà đã đi vắng. Ngay lúc ấy, một cánh tay trồi lên từ dưới mặt nước bám vào thành thuyền. Rồi chủ nhân của cánh tay bước lên, cất giọng sang sảng: -Chào mừng khách quý, ta… Đôi chân trần rắn rỏi ấn mũi thuyền chúc xuống khiến mọi người đổ nhào về phía trước. Vị tộc trưởng nhận ra màn xuất hiện của mình khiến thuyền sắp chìm thì vội nhảy lên hiên nhà, tự giới thiệu: -Chào mừng khách quý, ta là tộc trưởng Lạc Việt! Vô Phong nhìn vị tộc trưởng, cảm thấy hơi chút ngỡ ngàng vì người này khá trẻ, không giống người già nua đã sống hơn ba ngàn năm. Dáng dấp ông ta cao lớn, người để trần, làn da rám nắng cuồn cuộn những múi cơ bắp – một cơ thể khiến bao gã trai trẻ ao ước. Nhưng điều ấn tượng nhất và cũng kỳ dị nhất là một nửa thân thể tộc trưởng dày đặc hình xăm thủy quái vùng vẫy giữa đại dương. Con thú này giống rồng nhưng... xấu xí, dữ tợn hơn rất nhiều và không hề có chân. Trái ngược vẻ hiếu kỳ của đoàn khách Phi Thiên, Nguyễn Lữ vội vã cúi lưng thành kính: -Được gặp người là diễm phúc cho kẻ hậu sinh này! Vị tộc trưởng nhăn mặt phẩy tay: -Trời ạ, ông bạn gọi ta là “người”? Dẹp cái đó giùm, nghe chẳng thuận tai tí nào! Ta tên Lạc Long, ông bạn cứ thế mà gọi! Lạc Long? – Mọi người nhìn nhau. Hỏa Nghi nói: -Chẳng phải tộc trưởng là Kinh Dương Vương sao? Lạc Long cười, đoạn chỉ về ông già Lộc Tục: -Cha ta hả? Đây chứ đâu! Cả đám quay ngoắt về phía sau. Vô Phong kêu lên: -Sao lại là ông? -Lộc Tục là tên cúng cơm của ta. – Ông già đáp – Mà các người đòi gặp tộc trưởng chứ đâu muốn gặp ta? Mọi người ngạc nhiên quá đỗi, chẳng ai nghĩ thủy tổ người Lạc Việt lại là ông già lái thuyền lùn tịt này. Nguyễn Lữ đỏ bừng mặt. Có lẽ việc chẳng biết tên cúng cơm của bậc thủy tổ khiến ông ta bối rối. Lạc Long cười lớn: -Cha ta thôi giữ chức tộc trưởng lâu lắm rồi! Thôi, mọi người vào thay quần áo đi, bộ đứng đây mãi hả? Đến giờ cả đám mới để ý rằng ai nấy đều ướt như chuột lột. Họ theo tộc trưởng vào nhà để thay quần áo. Vì nhà chỉ có một buồng ngủ nên cánh đàn ông nhường hai cô gái thay đồ trước. Trong lúc chờ đợi, Vô Phong nhìn ngang ngó dọc ngắm nghía phòng khách. Ngay cửa ra vào là bàn thờ, trên bày biện ba lư sành men trắng vân xanh đang nghi ngút hương khói, phía góc chồng những xấp giấy vàng mã. Bất giác nhớ tới kinh nghiệm xương máu ở nhà Bất Vọng, tên tóc đỏ vội vàng tránh xa bàn thờ vì sợ Oán Hồn Dạ Hỏa tái hiện. Sau chuyến đi tới Xích Quỷ, hắn rút ra một điều là chớ nên động vào những đồ vật tâm linh. Ngoài bàn thờ, phòng khách có nhiều thứ giống kỷ vật gia đình, hoàn toàn không có ý trưng bày như căn phòng chói lóa chiến tích của thuyền trưởng Nhất Long. Những kỷ vật đa số nguyên lành nhưng cũng không ít thứ sứt mẻ, chúng là vũ khí, y phục, hoặc thậm chí cả những món vô giá trị như lá khô, gỗ mục. Vô Phong đặc biệt chú ý một thanh trường đao xỉn màu đất cùng bộ áo giáp. Áo giáp kết bằng những miếng vảy xanh đen hình bình hành, áo choàng bên ngoài được phủ lớp lông xám của lạc điểu. Hỏa Nghi hỏi được sờ nắn hiện vật hay không thì Lạc Long tươi cười “cứ thoải mái!”. Hắn vuốt tay lên lớp vảy, cảm giác mềm nhưng rất chắc. Đụng tới mấy thứ này, Hỏa Nghi phấn khích vô cùng: -Của ngài phải không? Lạc Long lắc đầu: -Vốn là của cha ta, rồi ông truyền lại cho ta. Hỏa Nghi cười ranh mãnh, đoạn nhấc bộ áo giáp xuống rồi ướm thử lên người ông già Lộc Tục: -Vậy ngài vào để tôi xem hào khí khi xưa còn không? Lộc Tục nhăn mặt: -Hồi ấy ta cao hơn, đẹp trai hơn các ngươi nhiều. Giờ khoác thứ đó khác nào mặc váy? Mọi người cười rộ. Riêng Nguyễn Lữ lúi húi ghi chép từng lời của Lộc Tục như những tư liệu lịch sử quý giá. Ông ta hận không thể lưu giữ hình ảnh những kỷ vật trong nhà tộc trưởng, bèn hí hoáy vẽ lại dù trình độ chỉ ở mức vẽ gà ra chó. Nguyễn Lữ cung kính hỏi Lộc Tục: -Thưa người, có phải những thứ này đã theo người thuở dựng nước? -Phải. Mà ngươi cứ xưng hô “người” là sao nhỉ? Nghe chối tai quá! Ta đâu phải thần thánh! -Xin người thứ lỗi. Tôi chỉ bày tỏ lòng thành kính. Cha con Lộc Tục hết nói nổi tên hậu sinh. Vô Phong cảm thông với Nguyễn Lữ. Ông già vàng bủng đại diện cho một thái cực nhỏ nhưng đối lập gay gắt với phần lớn những người Xích Quỷ đã lãng quên tổ tiên. Ngay việc không biết tên thật của Kinh Dương Vương là Lộc Tục cũng khiến ông ta cắn rứt. Vừa lúc ấy, Lục Châu và Tiểu Hồ từ trong buồng bước ra. Họ mặc áo lụa mỏng đơn màu, váy đen dài tới mắt cá, những đường chỉ trắng may rất khéo tạo nên những hoa văn hình lạc điểu ở gấu váy. Vô Phong xì khói đằng mũi khi thấy phía sau áo lụa là một chiếc áo nhỏ quây ngực và chừa lại khoảng cổ trắng ngần. Thứ này gọi là “yếm”. Công chúa thì khỏi nói, điều hắn ngạc nhiên là Tiểu Hồ. Cứ tưởng nho nhỏ, ai dè cũng… dữ dội quá! – Hắn khịt mũi. Y phục mà hai cô gái đang mặc là của vợ tộc trưởng, tên gọi Mẫu Cơ. Bà ta đang bận cùng phụ nữ trong làng đang bận gieo cấy. Dĩ nhiên là bọn Vô Phong mặc đồ của Lạc Long. Ngài tộc trưởng cao lớn nên y phục rộng thùng thình so với người thường. Gã nào cũng thắt dây lưng ngang hông để ngăn quần theo đà rơi xuống. Áo thì thừa vì tộc trưởng chẳng bao giờ mặc áo. Và Lạc Long vẫn giữ nguyên tấm thân trần khi tiếp khách. Bỗng thấy vẻ mặt sượng sùng của hai cô gái, ngài tộc trưởng bèn khoác tạm một chiếc áo sờn, đoạn cười: -Mấy trăm năm chẳng đón khách, ta quên hết quy tắc rồi! Thông cảm nhé! Nào, các vị khách quý, hãy nói xem các vị cần gì ở chúng ta? Tộc trưởng rất thẳng thắn và thoải mái, vì vậy Lục Châu tập trung ngay vào vấn đề. Ngoài chuyện Quỷ Vương thứ năm nằm trên đỉnh Hoành Sơn, nàng cũng kể lại sơ qua những sự vụ lúc trước. Cha con tộc trưởng chăm chú lắng nghe từng chi tiết. Sau cùng Lạc Long nói: -Chúng ta rất muốn giúp đỡ. Nhưng giờ rất, rất, rất khó! Nói rõ một chút, chúng ta có lòng, nhưng ta dám khẳng định cả tộc không ai dám đưa các vị lên Hoành Sơn vào thời điểm này, kể cả ta. Khuôn mặt Lục Châu căng thẳng. Nàng thảng thốt: -Tại sao vậy, thưa ngài?
-Đang tháng cô hồn, công chúa à. – Lạc Long thở dài – Những vị thần trong Tam Bất Tử đang sống dậy. Thủy Thánh giờ này cũng lởn vởn quanh Cây Cầu Vĩ Đại. Cuối cùng… ta nghe danh công chúa tài năng có thừa, nhưng ta dám chắc cô không thể đương đầu Huyết Thiên Thiết Giáp trên đỉnh Hoành Sơn. Trước lúc tới Xích Quỷ, mọi người đều nghe qua cái gọi là tháng cô hồn. Tộc trưởng bèn giải thích: -Tháng này, những linh hồn vất vưởng hoạt động rất mạnh. Chúng đói khát và trở nên mất kiểm soát. Lưng chừng Hoành Sơn là một nơi như thế. Ngày thường không sao, nhưng hễ vào tháng cô hồn, nó trở thành mê cung không lối thoát. Lộc Tục tiếp lời: -Ta từng suýt chết ở đó. Vẻ mặt nghiêm trọng của ông già vẽ ra những cung đường nguy hiểm của Hoành Sơn. Sáu người Phi Thiên bắt đầu hoang mang. Không có dân bản địa, sao họ có thể đi qua rừng hoang nước độc? Lục Châu nhỏ nhẹ: -Tôi biết rất khó. Nhưng xin các ngài giúp đỡ, chúng tôi không thể để mất thêm Quỷ Vương nào nữa. Hãy coi như đây là lời thỉnh cầu của tôi. Nếu Xích Quỷ yêu cầu điều gì, Phi Thiên sẽ cố gắng đáp ứng. Lạc Long cười ngất: -Cô bé già hơn tuổi nhỉ? Nhưng chúng ta chẳng yêu cầu gì cả. Tộc Lạc Việt không liên quan tới Xích Quỷ từ lâu rồi. Chúng ta cũng không hèn nhát. Nói về Quỷ Vương, cha ta là một trong ba thủ lĩnh thế giới, tất hiểu chúng nguy hiểm cỡ nào. Vấn đề là… nói sao nhỉ? Xui xẻo! Đúng vậy! Bất cứ người Lạc Việt nào lên Hoành Sơn giờ này sẽ mang lại xui xẻo cho cả tộc. Lục Châu cúi đầu chán nản. Người Lạc Việt có niềm tin riêng như dân chúng thế giới tin tưởng Vạn Thế, bảo họ phá bỏ niềm tin thật không dễ. Huống hồ người Lạc Việt coi trọng vấn đề tâm linh hơn bất cứ ai. Như hiểu nỗi khổ của công chúa, Lạc Long trấn an: -Đừng lo, ta chưa nói hết mà! Tuy không thể giúp đỡ trực tiếp, nhưng theo cách gián tiếp thì không thành vấn đề. Lộc Tục nhướn mắt: -Này, không phải ý ngươi là… -Đúng vậy, cha có thể dùng phép Đồng Tử. Ngoài cha, chẳng ai thông thạo phép ấy hết! -Vậy ngươi quyết định giúp đỡ họ? Nghĩ kỹ chưa? -Đã giúp thì giúp tận lực, cha à. Chuyện hôm nay ảnh hưởng ngày mai. Cha hãy bói xem giờ nào tốt để họ còn lên đường. Lộc Tục chống cằm nghĩ ngợi hồi lâu, mọi người im lặng theo. Cuối cùng, ông già thở hắt một hơi khó nhọc: - Ngươi là tộc trưởng, ta nghe ngươi vậy. Lạc Long mỉm cười, sau bước ra hiên rồi cất tiếng hú the thé. Xa xa, một con chim lạc xòe cánh bay tới và đậu trên tay tộc trưởng. Lúc này Vô Phong mới nhìn rõ hình dạng lạc điểu. Giữa trán con chim có hai nhúm lông cong dài quá khổ xuôi theo lưng, đôi mắt thanh thiên luôn thường trực cái nhìn xa xăm, lớp lông xám trong dáng đứng gù gù khiến nó giống một nhà hiền triết thông thái. Tộc trưởng nhìn thẳng mắt nó, miệng cất những thanh âm chói tai. Con chim lúc lắc cái mỏ dài rồi lao đi. Lát sau, khắp ngôi làng rền vang tiếng trầm bổng của lạc điểu. Tộc trưởng ngoái về phía công chúa: -Ta đã thông báo tin tức rồi. Nếu có người tình nguyện giúp đỡ, họ sẽ tới. Còn không, chúng ta sẽ phải dùng phép Đồng Tử. Nhưng trước mắt, các vị hãy tạm thời nghỉ ngơi, đợi cha ta bấm giờ tốt xong hẵng đi. Có thờ có thiêng có kiêng có lành, đúng không? Dù văn minh hay hiện đại, Lạc Việt hay Xích Quỷ, dân xứ này đều chung quan niệm giờ tốt mới làm nên chuyện. Sáu người Phi Thiên chẳng còn cách nào khác, đành nghe theo lời tộc trưởng. Lạc Long chèo thuyền đưa cả đám tới những ngôi nhà gần đó. Những người phụ nữ vui vẻ chấp nhận đề nghị của tộc trưởng cho phép nhóm công chúa ở nhờ vài ngày. Đa số mọi người mệt nhoài sau chuyến đi nguy hiểm nên lăn ra ngủ ngay lập tức. Riêng Nguyễn Lữ vẫn miệt mài công việc thu thập tư liệu lịch sử. Ông ta đi khắp chốn, hỏi han tất cả những vị tổ tiên với lòng thành kính tuyệt đối. Vô Phong thấy ngủ ngáy giờ này thật lãng phí cuộc sống, định lân la sang căn nhà kế bên rủ công chúa đi chơi thì chợt nhớ nàng đang ở cùng Tiểu Hồ. Chẳng muốn giáp mặt thú dữ, hắn liền thôi ngay ý định ấy. Tên tóc đỏ tót ra ngoài hỏi Lạc Long: -Tộc trưởng! Ông biết nhà thằng nhóc Trần Toản ở đâu không? -À, chỗ ấy thuộc địa phận của dòng họ Trần. Muốn tới hả? Được thôi, lên đây! Tộc trưởng chèo thuyền chở Vô Phong về hạ lưu sông. Tộc trưởng vừa chèo vừa kể chuyện họ Trần. Theo lời ngài, Triều đại Kinh Dương Vương có vô số tướng lĩnh giỏi đến từ nhiều dòng họ, đông nhất phải kể đến họ Trần. Danh xưng “dòng họ lớn nhất” không phải do số lượng thành viên mà là những đóng góp của họ cho đất nước. Một dòng họ tồn tại giữa khói lửa trận mạc suốt hai nghìn năm, tham dự mọi cuộc chiến tranh của Xích Quỷ quốc trong thời đại phi cơ giới. Trần Toản không phải thành viên họ Trần. Thằng bé vốn là trẻ mồ côi mà Lộc Tục tìm thấy ở Thiên Kỷ thành. Sau đó, ông già đã đặt cho nó một cái tên: Trần Toản và nhờ dòng họ Trần chăm sóc nuôi dạy. Lạc Long nói: -Cha ta đặt tên nó theo tên một vị tướng thuộc dòng tộc. Kẻ đó hành động theo cảm tính hơn là lý trí, nhưng y rất dũng mãnh, rất nhiệt huyết! -Người đó đâu? -Chết trận. Y chưa được hai mươi tuổi kia! Nhớ chuyện xưa cũ, lòng người chợt buồn. Ngàn năm sống trên cõi đời, chuyện sống chết với Lạc Long không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng Vô Phong vẫn nhìn ra chút hoài niệm ở đôi mắt của ngài. Hắn bèn lái chủ đề khác: -Tộc trưởng, ông bao nhiêu tuổi? -Gần một nghìn. Ta không nhớ. Những người sống lâu thường chẳng quan tâm tới tuổi tác. Vô Phong tiếp lời: -Những người khác thì sao? Họ cũng sống lâu như ông chứ? -Đa số kém hơn, nhưng vài người lớn hơn một chút. Đến hai mươi tuổi, thể chất của chúng ta chững lại, quá trình lão hóa lâu hơn người thường. -Vậy các ông sống lâu hơn người Thanh Thủy và Đà Ma? -Thể chất mỗi dân tộc khác nhau, ta không dám chắc. Thời phi cơ giới, khá nhiều người có tuổi thọ ngang, thậm chí vượt cha ta, nhưng tất cả bọn họ đã lụi tàn rồi. Nhưng con cháu Lạc Việt không được như cha ông vì họ phải trải qua vô vàn chiến tranh. Nước Xích Quỷ từng bị ngoại tộc xâm lược, đồng hóa một thời gian dài. Thời kỳ hỗn loạn thiếu ăn thiếu mặc, thể trạng người Xích Quỷ suy giảm tới cùng cực. Sau này đất nước phục hồi, những tố chất xưa kia mới dần quay trở lại. Nhưng phải mất rất, rất lâu nữa họ mới bằng đấng tổ tiên. Vô Phong nằm dài trên thuyền ngắm mây trời, cánh chim Lạc thi thoảng lượn qua tầm mắt. Hắn hỏi: -Tại sao các ông rời bỏ Xích Quỷ? Chẳng lẽ các ông không đoái hoài đất nước nữa sao? -Vì cha ta nhận ra một con thú dữ đang quẫy đạp trong trái tim người Lạc Việt. Khi chúng ta chưa tự cứu chính mình thì không thể cứu lấy con cháu chúng ta. -Con thú nào? Lạc Long chỉ cười không đáp, khuôn mặt đầy đặn thoáng nét ưu tư. Tộc trưởng vốn rộng rãi vui tính nhưng riêng vấn đề này ông im lặng. Vô Phong đoán rằng ông già Lộc Tục làm thế để bảo vệ người Lạc Việt khỏi một tai họa khủng khiếp nào đó. Nhưng có vẻ ông ta đã hơi sai lầm khi để mặc con cháu tự do lớn lên mà không hề có chút ý niệm nào về tổ tiên. Hoặc có thể chính hắn đã đánh giá vấn đề một cách phiến diện. Thuyền đang trôi, bỗng nhiên Vô Phong thấy ông già Lộc Tục đang trò chuyện với một người lạ. Người đó có mái tóc đen xù và cứng như rễ tre; nước da bóng màu gỗ gụ; cơ thể đồ sộ như gấu xăm hình thủy quái nhưng lại chằng chịt vết sẹo, thành thử dấu xăm hung dữ và đáng sợ gấp bội. Tộc trưởng Lạc Long cao lớn nhưng vẫn chưa là gì so với người đàn ông khổng lồ này. Dân làng nhìn ông ta bằng thái độ sợ hãi xen lẫn khinh thị. Nhưng người nọ chẳng để ý. Trò chuyện với Lộc Tục xong, ông ta bước xuống chiếc thuyền to và dài, vẫy chào tộc trưởng Lạc Long, nhìn qua tên tóc đỏ rồi chèo thuyền đi hướng khác. Ông ta chèo bằng tay, không cần sào như người khác. Vô Phong hỏi ngay: -Người nào vậy, tộc trưởng? -Mạc Điển, cháu nội của Mạc Dung, hiện là thủ lĩnh họ Mạc. -Có phải Mạc Dung quỳ gối trước ngoại xâm phương bắc? Ngài tộc trưởng cười gượng: -Anh bạn trẻ biết nhiều ghê nhỉ? Vô Phong hối hận vì đã tỏ ra thông minh quá lố. Dù vậy, Lạc Long cũng kể rằng họ Mạc sống ở phía sau dãy Hoành Sơn, hoàn toàn cách biệt với ngôi làng. Thuyền trôi dòng về hạ lưu – địa phận của dòng họ Trần. Ngôi làng của họ Trần nằm ở chỗ giáp ranh giữa sông và biển, sóng dập dìu mang theo hơi thở mằn mặn. Thuyền trôi rải rác, lác đác bóng người ngồi im lìm ôm cần câu đợi cá. Những chòi lá nhô cao trên dòng nước dần hiện ra. Những người đàn ông vừa từ trên núi trở về, họ bơi lội dưới sông, vẫy tay chào Lạc Long rồi lại tiếp tục công việc. Vô Phong để ý nam giới ở đây đều xăm hình thủy quái. Cảm giác tò mò, hắn liền chỉ vào dấu xăm của tộc trưởng: -Ngài tộc trưởng, đây là con gì? Có phải… rồng không? -À, rồng, một sản phầm tưởng tượng. Ngoại tộc phương bắc lần đầu tiên xâm lược chúng ta bằng đường biển. Không may là… họ đi vào đúng lãnh địa của thứ này! – Lạc Long chỉ chỉ vào dấu xăm thủy quái – Chúng là giao long, háu ăn khôn tả. Những kẻ sống sót vẽ lại hình ảnh của chúng dựa trên trí nhớ hỗn loạn, và con rồng ra đời. Công bằng mà nói, con rồng họ vẽ rất… thân thiện, đáng yêu hơn giao long nhiều. Vô Phong nghĩ rằng Lạc Long đang mỉa mai, hắn bật cười. Tộc trưởng vội đính chính: -Ta khen thật đấy! Gặp lũ giao long, cậu hết ưa nổi chúng luôn! -Vậy tại sao các ông xăm chúng? -Nó chứng nhận rằng một người đàn ông Lạc Việt kiêu hãnh, mạnh mẽ như giao long và đủ sức đi biển. Trên bờ sông, ngư dân đang bận rộn tu sửa thuyền bè để chuẩn bị chuyến đi biển mới. Đối với đàn ông chốn này, cuộc sống của họ gắn liền nơi muôn trùng sóng gió. Phần vì mưu sinh, phần vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức. Xét nhiều khía cạnh, họ rất giống với loài giao long khi coi biển là nhà. Lạc Long ra sông định bắt cá. Vô Phong lanh chanh đòi lái thuyền. Ông tộc trưởng nghi ngờ: -Biết chèo không thế? -Thì phải thử mới biết chứ! Hắn lăng xăng nhảy lên giữa thuyền, cậy khỏe cầm sào chọc nước. Lạc Long cũng chẳng hướng dẫn, cứ để xem hắn làm thế nào. Thuyền gỗ phăm phăm lướt, Vô Phong vênh mặt ra chiều ta đây cũng giỏi giang như ai. Nhưng được một quãng thuyền bắt đầu quay tròn, hắn càng đẩy sào, thuyền càng xoay mòng mòng, tiến không được, lui không xong, các ngư dân quanh đó thấy vậy cười ngặt nghẽo. Xoay mãi chóng mặt, Vô Phong lảo đảo chân, ngã tòm xuống nước. Mấy ngư dân gần đó vừa tức vừa buồn cười với tên lộn xộn tóc đỏ vì hắn đang đuổi hết cá của họ. Lúc rơi xuống nước, Vô Phong thoáng thấy vài hình ảnh lờ mờ dưới đáy sông. Vô Phong hít hơi lặn sâu. Ban đầu nước tràn vào cay xè mắt nhưng hắn quen dần và bắt đầu nhìn ra cảnh vật. Sông rất sâu, sâu như biển. Ánh mặt trời xuyên tấm màn nước, le lói soi rọi một nghĩa địa khổng lồ gồm những chiến thuyền cổ xưa đã mục nát. Gỗ ám cát bụi, buồm bám rêu phong, kiếm đã gãy, người đã chết, nhưng bóng dáng chiến trường vẫn âm ỉ như muốn đốt cháy thời đại này. Tên tóc đỏ ngoi lên và nói với Lạc Long những gì mình vừa nhìn thấy. Tộc trưởng nói: -Sông này khi trước là chiến tuyến hiểm yếu do họ Trần trấn giữ. Nghĩa địa ấy chôn thuyền, chôn người – cả dân Xích Quỷ cùng quân xâm lược phương bắc. -Có vẻ quan hệ giữa Lạc Việt với các nước phương bắc không tốt đẹp mấy? -Đúng vậy. Từ rất, rất lâu rồi. – Lạc Long cười – Họ luôn bành trướng, luôn tìm kiếm lãnh thổ mới. Hai người đương nói chuyện, bỗng dòng sông sôi sùng sục, nước màu thanh thiên chuyển sắc tối. Đàn cá trắng xóa nháo nhào bơi ngược dòng. Lạc điểu trên trời bỗng chốc tụ tập rít lên những tiếng điếc tai. Ngư dân vội bơi thuyền về phía tộc trưởng, nói lớn: -Giao long tới! Lạc Long gãi đầu: -Ái chà! Hôm nay cá ngoài biển hết sạch hay sao mà chúng mò về đây nhỉ? -Chúng… có ăn thịt người không? -Ăn rất khỏe là đằng khác! – Tộc trưởng cười. Ngay lúc đó, từ chòi lá gần con thuyền, một người đàn ông phăm phăm chạy ra với vẻ mặt hớn hở. Người này cao lớn ngang Lạc Long, lưng trần chăng đầy sẹo. Ông ta hướng cái đầu trọc của mình về phía tộc trưởng đoạn nói không kịp thở: -Chào tộc trưởng! Trời ơi, lâu lắm ông mới tới, uống rượu tí nhé? Đợi chút, tôi đi lấy đồ nhắm về! Ông ta vươn vai làm vài động tác giãn gân cốt rồi nhảy xuống sông, bơi thẳng về phía giao long xuất hiện. Có vẻ con thủy quái chính là thứ đồ nhắm mà ông ta nói tới. Lạc Long cười: -Hắn là Khánh Dư, gã con buôn của họ Trần. Ôi, ngồi với gã là nhậu tới bến luôn! Ít phút sau, khúc sông kín đặc người gia tộc Trần, kẻ ngồi thuyền, người bơi sải. Tất cả bọn họ nhóng mắt về phía Khánh Dư đang đơn độc giữa dòng nước. Không gian nín lặng. Lạc điểu sà xuống vai con người, đôi mắt xanh thông thái ngắm nhìn trận chiến sắp diễn ra. Một điều lạ là không ai giúp đỡ Khánh Dư, Lạc Long nói với tên tóc đỏ: -Khánh Dư đâu kêu ai giúp hắn? Một người đàn ông phải tự quyết và có trách nhiệm với quyết định của mình. Bỗng một thanh âm lớn lay chuyển con sông. Một bóng đen khổng lồ thoát khỏi làn nước rồi đâm bổ xuống người Khánh Dư nhanh như chớp lóe. Vô Phong giật bắn người, mắt chẳng kịp dõi theo hình dạng thủy quái. Những rẻo đá gần đó run bần bật trước sóng lớn. Sóng tan, sự tĩnh lặng đáng sợ trôi đi một cách nặng nề như muốn ép tim người vỡ vụn. Bất thình lình, dưới lòng sông bùng lên tiếng gào xuyên thấu màng nhĩ. Thủy quái trồi lên, Khánh Dư tóm chặt cổ nó, đôi tay cứ nhè thẳng đầu con thú mà đấm như chày giã gạo. Mắt gã vằn máu, thái dương nổi gân xanh lè. Giao Long điên tiết quẫy đầu quăng Khánh Dư xuống nước. Bây giờ Vô Phong mới thấy rõ ràng bộ dạng thủy quái. Đôi mắt lồi vàng khè, đồng tử chẻ dọc hệt mắt rắn, quanh cổ lờm xờm bộ bờm màu xanh rung lên hạ xuống theo mỗi nhịp thở. Cái mõm hơi nhô ra và cứng rắn bóng màu thép nguội, hàm dưới có răng nanh cực dài ngắt lên, hai lỗ mũi bé tí ở hàm trên chốc chốc phụt khói nước. giao long không hề có sừng như rồng. Khánh Dư vẫy tay trêu ngươi hung thú: -Xuống đây! Giỏi thì xuống đây! Giao long ngoác mồm đe dọa. Nó bơi quanh tìm yếu điểm của đối phương, cái đầu gồ ghề không ngừng di chuyển, lưỡi dài ngoằng liên tục thò ra thụt vào như rắn. Tộc trưởng nói: -Chúng có thể quần chiến rất lâu. Kết liễu đối phương bằng một đòn chí mạng là điều chúng ưa thích. -Giao Long có bao giờ bỏ chạy? -Chúng thông minh khi không đụng vào kẻ mạnh hơn. Nhưng chúng sẽ chiến đấu đến chết chỉ để giết địch thủ. Giao long quật đuôi, sóng nước tung trào vỗ mặt Khánh Dư. Con thú theo đà đâm xuống. Nhưng gã họ Trần đã kịp né người trong gang tấc, tay bám bộ bờm leo lên đầu thủy quái, những cú đấm cứ nhè thẳng bộ óc mà giáng xuống. Giao long đau đớn quẫy lung tung, hết chồm xuống nước lại vọt lên trên. Nhưng con thú chẳng vừa, nó bắn lên không trung, khi rơi xuống bèn lấy nước làm nền, nghiêng đầu ép bẹp đối thủ. Bị áp lực từ hai phía đột ngột dồn vào, Khánh Dư choáng váng, mắt nổ đom đóm. Giao long uốn người, lỗ mũi phun nước, miệng ngoác táp mồi, bờm phần phật gió. Khoảnh khắc dường như chậm lại. Ngay lúc ấy, Khánh Dư vặn người, tay vút nhanh đấm thẳng mõm thủy quái. Một tiếng nổ tan tác không gian, mặt nước dậy sóng nhấn chìm cả người lẫn quái vật. cá không bơi, chim không lượn, người không chớp mắt. Bọt nước sủi, bóng đen trồi về phía trước. Lạc Long gật gù: -Chà! Mạnh thật! Giao long nổi, nhưng nổi lềnh phềnh, hai mắt tụ máu. Khánh Dư mò lên, ngạo nghễ đứng trên đầu ác thú, tay vỗ ngực: -Nói xem ta là người tộc nào? Dân chúng dòng tộc Trần cười lớn, họ giơ tay biểu thị sự khâm phục: -Ngươi là người Lạc Việt! Trăm giọng nói lay động miền nước vô tận. Giao Long chiến đấu đến chết vì nó là giao long, người Lạc Việt chiến đấu đến chết vì họ là người Lạc Việt. Những kẻ ấy đã chiến đấu và sẽ chiến đấu chỉ vì một niềm kiêu hãnh giản đơn của những kẻ dũng cảm… …những kẻ đã dũng cảm sống dưới bánh xe luôn chà đạp của lịch sử. Khánh Dư túm bờm Giao Long, cười lớn: -Con này to đấy! Cả họ chúng ta nên đánh chén một bữa nhỉ? Tiện đây mời tộc trưởng nữa! Mọi người cười rộ. Vô Phong ngạc nhiên: -Các ông ăn thịt giao long? -Sao không chứ? Đặc sản đó, nhắm rượu thì tuyệt vời! Phía sau mọi người bỗng xuất hiện thuyền của Lộc Tục. Trên thuyền là Lục Châu và Tiểu Hồ, ngoài ra còn có một người phụ nữ Lạc Việt. Làn da bạch ngọc, tóc xõa đen buông lưng, mới gặp Vô Phong ngỡ tưởng đó là cô gái tên Diễm ở Cố Niên thành. Nhưng dung diện người phụ nữ này hiền hậu, không man mác buồn như cô ta. Bất quá hai người bọn họ có khá nhiều điểm tương đồng. Lục Châu chỉ về người phụ nữ này đoạn nói với Vô Phong: -Phong à, đây là vợ tộc trưởng, tên Mẫu Cơ! Mẫu Cơ mỉm cười cúi đầu chào hắn. Vô Phong vội cúi đầu đáp lại, bên tai nghe rõ mồn một tiếng của Lạc Long đương lẩm bẩm: -Sao nàng tới đây chứ? Ta đang muốn uống rượu…
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT