Một tuần trước cuộc chiến Cội Gió…

Với Khai Y, Băng Hóa quốc không hề đẹp.

Từ phòng làm việc tại dinh thự riêng – nơi mà vị đại thống lĩnh Băng Hóa đang kê chân trên một đôn gỗ và dựa lưng vào ghế – thủ đô Băng Hóa thành hiện lên qua cửa kính, chia thành nhiều mảng bởi những nan gỗ, nom như một bức tranh đã hoàn chỉnh màu sắc nhưng chưa tẩy các đường kẻ khung. Khai Y có thể thấy từng mảng màu riêng biệt: chỗ đậm chỗ nhạt, đây là mây trời kia là những tòa kiến trúc chóp nhọn, gần gần là cung đường sạch sẽ sang trọng trong Quận Bạc còn xa xa tít tận dãy tường thành là các tòa chung cư dành cho dân lao động. Nhưng dù là khung cảnh hay mảng màu nào cũng đều đẫm tuyết trắng. Đó là đặc trưng của thành phố này, của Băng Hóa và của cả phương bắc.

Khi còn nhỏ, Khai Y thấy phương bắc là một quả núi tuyết cao ngất. Dẫu thế giới biến động ra sao hay ánh mặt trời gay gắt thế nào, nó vẫn sừng sững và thách thức tất cả.

Nhưng bi kịch của một người biết tới sự vĩ đại là chứng kiến nó bị xói mòn.

Ngoài kia, tuyết vẫn rơi khắp Băng Hóa thành, mãi không dứt. Đó là mùa đông vĩnh cửu với nhiều người. Nhưng với Khai Y, nó là tuyết rơi ra từ quả núi tuyết vĩ đại đang tróc lở. Ngài đang chứng kiến sự vĩ đại lụi tàn. Nhưng đấy là Khai Y vẫn lạc quan. Cha ngài – đồng thời là đại thống lĩnh tiền nhiệm – khi còn sống đã bi quan hơn thế:

“Không có sự vĩ đại như anh tưởng tượng đâu, Khai Y. Cái ngày mà dòng máu Biệt Liên bị thảm sát, phương bắc vĩ đại đã không còn. Anh chứng kiến nó lụi tàn, còn ta nhìn nó sụp đổ ngay trước mắt.”

Tuyết rơi không nghỉ. Khai Y muốn uống. Ngài đại thống lĩnh Băng Hóa cần sự tĩnh tâm trong hơi rượu. Những ngày này, ngài muốn uống “sói xanh” để cái hơi nồng vị lửa cháy làm nóng cổ họng khản đặc. Không dễ mà thanh quản được nhàn rỗi khi phải làm chủ tọa cuộc họp giữa các dòng họ danh giá nhất Băng Hóa. Suốt mấy ngày đó, vị đại thống lĩnh quát tháo nhiều hơn là nói. Người Băng Hóa khi tranh luận luôn ồn ào nhặng xị, không đấm nhau là may lắm. Khai Y phải kìm hãm mấy con người danh giá đó không lên cơn khùng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Về điểm này thì đám quý tộc Băng Hóa không khác bọn du thủ du thực là mấy.

Nhưng sau những cuộc cãi vã bất tận, các dòng họ đều thống nhất là họ sẽ tham dự một buổi lễ tại Điện Mùa Hè. Họ cần xác thực về một huyền thoại rằng nó chỉ là huyền thoại hay sự thật.

Cửa phòng mở, Khai Y ngoảnh về phía ấy. Nữ tổng giám sát Lao Trâm đang ở đó, không chào hỏi cũng không lên tiếng với ngài, chỉ đợi. Khai Y không ưa người phụ nữ này. Các đời đại thống lĩnh Băng Hóa đều ghét cay ghét đắng người tổng giám sát, nhìn nhau còn khó chứ chưa nói bước cùng đường. Nhưng giờ họ phải đi chung một lối. Ngài đại thống lĩnh rời chỗ, uể oải tiến ra cửa. Từ lúc ấy cho tới khi ra khỏi dinh thự rồi lên xe ngựa kéo bằng dã yến, hai người hoàn toàn im lặng. Xe chạy được một quãng trên con đường lát đá phẳng lì Quận Bạc, bà tổng giảm sát mới cất lời:

- Ông đặt cược vào Cội Gió?

Khai Y chặc lưỡi. Bà tổng giám sát luôn đem lại cho ngài cảm giác “bị chất vấn” hết sức đậm đặc, khó chịu vô cùng. Sau cùng ngài đáp:

- Không còn nhiều cửa thì phải đặt vào đó. Đạn Đạo chơi bạc giỏi, tôi tin cậu ta.

- Ông đang chơi trò nguy hiểm. – Bà tổng giám sát hậm hặc – Đưa thánh sứ ra ngoài mặt trận, chiến đấu với mục tiêu vô định và không rõ ràng, liệu nó có thực sự ngăn chặn Liệt Giả? Tôi chẳng thấy điều gì liên quan hết! Tất cả chỉ là phỏng đoán và truyền thuyết vô căn cứ. Ông tin gã béo Đa Lạt à? Gã là con mọt sách, thích ăn uống nhưng chùi mép không sạch, bất cứ lúc nào tôi cũng thấy vụn bánh mì trên mũi của gã!

- Đa Lạt hay tuềnh toàng, hấp tấp. Cô mới thấy vụn bánh mì trên mũi cậu ta một lần và cũng là lần gặp gỡ duy nhất. Cái “lúc nào” mà cô nói không tồn tại. – Khai Y trả lời – Đa Lạt mọt sách thật, nhưng là con mọt đã ăn sạch sẽ mọi thư viện phương bắc và sẽ ăn mọi cuốn sách trên thế giới này nếu cậu ta sống đủ lâu. Cậu ta là số rất, rất ít người có thể đọc cổ tịch. Đừng tỏ vẻ am hiểu hay can thiệp vào chuyện của chuyên gia, điều cần làm là lắng nghe họ.

Bà tổng giám sát thở dài:

- Nghe theo ông đúng là bốc tuyết mà ăn! Cứ làm những việc chúng ta đang làm: tập trung vào Tuyệt Tưởng Thành, khai thác lợi ích tối đa từ nó, giải quyết chuyện phương bắc. Bao nhiêu thứ cần làm! Vậy mà ông lao đầu vào một câu chuyện mơ màng, dựa trên vài căn cứ mơ hồ, hành động như kẻ mơ mộng và đặt niềm tin vào những gã lơ mơ. Ông thực sự mơ ngủ đấy, Khai Y.

- Cô có quyền tố giác và luận tội tôi, cô là tổng giám sát cơ mà? – Khai Y nhếch mép – Sao? Không nói nữa à?! Mà cô lo lắng vận mệnh quốc gia hay lo cho ông bạn của tôi vậy?

Lao Trâm không trả lời. Vị đại thống lĩnh tiếp tục:

- Băng Hóa đã mất vị thế. Đó là sự thật. Chúng ta không còn nhiều ảnh hưởng ở Đại Hội Đồng. Lợi ích từ Tuyệt Tưởng Thành có giới hạn, càng bám trụ ở đó càng biến chúng ta thành kẻ trục lợi; nó không giống những vùng đất khác nơi mà chúng ta có thể vĩnh viễn khai thác. Công nghệ Lõi Cộng Hưởng Cực Điểm đã nằm trong tay người Phi Thiên, coi như thất bại. Mang nhiều tiền về cũng tốt nhưng tiếng nói chẳng hề tăng thêm. Đồng minh lẫn kẻ thù đang coi thường chúng ta.

- Vậy ông nghĩ rằng gửi các thánh sứ đến Cội Gió sẽ làm chúng ta được tôn trọng hơn? Tôi thì thấy những tài sản quốc gia sắp chết.

- Họ không chết. Họ hy sinh. – Khai Y sửa chữa.

Bà tổng giám sát nhướn mắt lắc đầu, hoàn toàn chịu thua trước Khai Y. Kể từ đó hai người hoàn toàn im lặng, mỗi người nhìn về một hướng khác nhau qua ô cửa sổ xe ngựa. Nhưng dù là ô cửa sổ nào thì tuyết vẫn rơi trước mắt họ, là hiện tượng thời tiết hay điềm báo tương lai tùy cách suy nghĩ của họ.

Chiếc xe ngựa dừng lại trước Điện Mùa Hè. Nếu là ngày đẹp trời, người ta sẽ thấy một cung điện rực rỡ sắc màu với ngọn tháp đồng hồ màu vàng kim phía tay trái và tháp chuông màu đỏ ối bên tay phải. Nhưng giờ là nửa đêm, tuyết rơi dày, Điện Mùa Hè hoàn toàn chìm khuất. Ngay cả hào quang phép thuật từ tháp chuông cũng chẳng thể đâm xuyên không gian ken đặc tuyết mà chỉ tụ thành quầng leo lét đằng xa. Sông Mùa Đông, con sông bên cạnh cung điện hoàn toàn chìm nghỉm trong bóng tối vì dãy đèn chạy dọc hai bờ kè tắt ngóm. Khai Y nhìn quanh, gật gù. Khung cảnh ảm đạm này do Khai Y dựng nên và ngài hài lòng với nó như người đầu bếp ưng ý với thực đơn của mình.

Người đánh xe mở cửa cho Khai Y và Lao Trâm, sau đánh xe đi ngay lập tức, không chút nấn ná chần chừ. Đội bảo vệ cung điện cúi đầu trước hai người rồi đẩy cửa chính điện, mở một lối đi trải thảm đỏ trên nền đá xanh dẫn vào trong. Những căn phòng, hành lang, cầu thang, lan can… đều không bóng người vì tất cả nhân viên bảo vệ, phục vụ, tuần tra, giám sát được lệnh ra ngoài. Điện Mùa Hè hoàn toàn trống trơn. Tất cả là chủ ý của Khai Y. Một ngày nào đó, bí mật sẽ rỉ ra như nước nhỉ qua khe nứt nhưng Khai Y muốn cái “ngày nào đó” tới lâu nhất có thể.

Qua nhiều hành lang, hai người tiến vào căn phòng trung tâm tòa điện. Nó là căn phòng duy nhất có ánh sáng giữa khối kiến trúc rộng lớn này. Không phải điện năng hay phép thuật, ánh sáng được thắp lên từ nến – hàng trăm cây nến đồng thời là hàng trăm ngọn lửa, sáng sủa và đẹp đẽ. Trong phòng có gần hai chục người đủ nam nữ già trẻ, thấy Khai Y và Lao Trâm xuất hiện, họ liền khom lưng cúi đầu trang trọng. Khai Y hơi tức cười. Từ trước tới nay hay gần hơn là cách đây dăm bữa, họ hết khinh khỉnh ngài lại chí chóe lẫn nhau. Giờ thì khác hẳn. Sự việc sắp diễn ra khiến họ phải nhớ lại quy tắc, nghi thức, thái độ, lời ăn tiếng nói… tất cả mọi thứ mà người ta biết đến là “quý tộc”, mọi thứ mà họ gần như đã lãng quên trong hàng thập kỷ. Khai Y cũng để ý rằng bọn họ đang thấp thỏm âu lo lại có chút mong chờ. Khai Y hiểu cho họ bởi chính ngài cũng như vậy, chỉ khác ở chỗ ngài không hề ngờ vực.

- Tại sao không phải là hoàng cung mà là chỗ này? – Bà tổng giám sát ghé đầu hỏi Khai Y – Điện Mùa Hè đã thành điểm tham quan du lịch từ lâu, làm lễ ở đây liệu có ổn?

- Tình huống bất khả kháng. – Ngài đại thống lĩnh trả lời – Vụ thảm sát bảy mươi năm trước đã làm hoàng cung ô uế, không thể làm lễ. Điện Mùa Hè chí ít vẫn thanh sạch, gần như tinh khiết, dấu ấn phép thuật còn nguyên vẹn. Các đời hoàng đế Biệt Liên thường xuyên ghé qua đây, để lại dấu ấn của mình, chúng sẽ lên tiếng nếu gặp người thừa kế chân chính… ồ, ông ấy tới rồi…

Khai Y hất hàm về phía cửa. Bà tổng giám sát nhìn theo, nhận ra hoàng đế Băng Hóa cũng tới. Vị hoàng đế cao tuổi, dáng người đậm, đầu bù tóc rối, y phục lấm lem tuyết. Ông vừa trải qua một chuyến hành trình mệt nhọc từ Đại Hội Đồng về Băng Hóa quốc, và cái cách ông tiến vào Điện Mùa Hè xem chừng khá vội vã. Khai Y, Lao Trâm cùng tất thảy mọi người cúi đầu, hoàng đế nói gấp:

- Ta đến muộn?!

- Vừa kịp lúc, thưa ngài. Buổi lễ sắp bắt đầu.

Hoàng đế thở phào rồi để các tùy tùng lau sạch tuyết bám trên người. Nom ông nhẹ nhõm hơn hẳn so với vóc dáng bề ngoài. Ông cười với bà tổng giám sát rồi choàng tay ôm đại thống lĩnh Khai Y. Mọi người trong phòng ngạc nhiên, đâu đó còn ồ lên một cách cảm thán. Sự thực là cả Khai Y và hoàng đế đều sở hữu dòng máu Biệt Liên trong huyết quản, tính ra là họ hàng nên thể hiện tình cảm thân thiết là bình thường. Nhưng ở đất nước này, người ta quen cảnh đại thống lĩnh và hoàng đế đỏ mặt tía tai cự cãi nhau hơn. Trong lúc đó, hoàng đế vẫn ôm Khai Y đoạn ghé tai thì thầm:

- Hãy để thời khắc này cho gia đình, em họ. Hy vọng ta được thấy người kế thừa chân chính thực sự, không phải những kẻ chỉ sở hữu một phần tư dòng máu đại đế như chúng ta.

- Ngài không cần hy vọng, bởi vì đó là sự thật. – Khai Y đáp – Chúng ta ở đây để đón chào người thân chứ không cần xác nhận.

- Dù gì thì nó vẫn là một buổi lễ xác nhận. – Hoàng đế nói – Cứ để nó diễn ra. Nếu buổi lễ hoàn thành, sẽ chẳng còn ai nghi ngờ nữa. Thủ tục vẫn là thủ tục, đúng không?

Hoàng đế rời khỏi Khai Y, hai tay chắp lại và chờ đợi. Khai Y hiểu tâm trạng của ông ta nhưng không muốn phô bày sự hiểu biết đó ra đằng miệng. Như hoàng đế đã nói: thời khắc này dành cho gia đình, Khai Y tôn trọng điều ấy. Cứ để mọi việc diễn ra và để nó tự nói lên tất cả là cách mà ngài lựa chọn.

Khi những người trong phòng đang rù rì bàn chuyện, một tiếng chuông vang lên, không lớn nhưng đủ để tất cả nghe thấy. Họ nhanh chóng tản ra, tự động xếp hàng vòng tròn và chừa ra khoảng trống giữa phòng. Ba người hoàng đế, Khai Y và Lao Trâm đứng đối diện cửa ra vào. Tất cả đều chờ đợi, riêng ngài đại thống lĩnh nín thở. Ngài thực sự không hề thở, lồng ngực hay cơ bụng của ngài đã cứng lại một chỗ như đá tảng. Đây không còn là buổi lễ hay sự chờ đợi thông thường với Khai Y, nó đặc biệt hơn thế.

Phía cửa, một đoàn người với các đại thánh sứ dẫn đầu tiến vào phòng, trên tay mỗi người bưng lư đồng tỏa hương thơm thoang thoảng. Theo sau họ là ông học giả Đa Lạt, gia đình dòng họ Thát ở Hoàng Hôn Cảng rồi gia đình Ẩn Lý Thị ở Diệp quốc. Ba người thân của Thát Khan choáng ngợp bởi họ chẳng hề nghĩ sẽ có ngày chạm mặt tất cả dòng họ danh giá nhất và những người quyền lực phương bắc. Khai Y phải giơ tay tỏ ý thân thiện nhằm trấn an họ. Ở chiều ngược lại, những người Băng Hóa cũng hiếu kỳ khi thấy Ẩn Lý Thị - gia tộc cổ xưa và lâu đời nhất Diệp quốc. Mọi cảm xúc, mọi con người, thế giới cũ, thời đại mới… tất cả đều tề tựu ở Điện Mùa Hè.

Cuối cùng, căn nguyên cuộc họp mặt kỳ lạ này rốt cục cũng xuất hiện. “Đến rồi!” – Mọi người bảo nhau, sau im lặng. Sự im lặng tuyệt đối. Nhờ phép thuật của các đại thánh sứ, một chiếc quan tài đá chậm rãi bay vào rồi lơ lửng tại khoảng trống giữa phòng. Tới khi ổn định, chiếc quan tài tự động tách đôi, để lộ một thi hài phụ nữ nằm bên trong. Ai nấy đều biết thi hài này đã chết hơn một năm và được bảo quản để tránh phân hủy. Các lư đồng đang tỏa hương thơm để át những mùi bảo quản nọ. Trong mắt Khai Y, cái xác đó lạnh toát, trắng bệch, hoàn toàn khác xa ký ức trong đầu ngài. Nhưng Khai Y không ngại, sự thật sẽ được kiểm chứng.

Các đại thánh sứ bước lên rồi đặt lư đồng quanh thi hài. Mỗi người rút một dao găm, nâng lên bằng hai tay, lầm rầm vô số cổ ngữ vốn thuộc về tôn giáo xưa cũ thời mà các tà thần còn thống trị phương bắc. Tôn giáo Vạn Thế không thể nuốt chửng toàn bộ phương bắc mà buộc phải chấp nhận những dòng chảy dị giáo vốn đã ăn sâu vào tiềm thức dân chúng. Thánh sứ phương bắc bởi vậy không chỉ thạo phép thuật từ Vạn Thế mà biết cả ma thuật từ tà thần. Cầu khấn hồi lâu, một đại thánh sứ mời hoàng đế tiến lên phía trước, dùng mũi dao trích máu từ đầu ngón tay của ông nhỏ xuống thi hài. Vị đại thánh sứ lầm rầm cổ ngữ, sau nói Ngôn Ngữ Chung như dịch lại mấy cổ ngữ cho mọi người hiểu:

- Dưới sự chứng kiến của các đấng cổ xưa, các dòng máu đáng thương rơi rớt từ những bậc kiến tạo vĩ đại, xin hãy hồi đáp! Nếu là kẻ giả mạo, băng tuyết sẽ trừng phạt. Nếu là người kế thừa chân chính, tất cả phải quỳ gối.

Những lư đồng nhả khói nhiều hơn làm hương thơm lan tỏa khắp căn phòng. Nhưng dẫu mùi thơm ngào ngạt tới đâu thì hơi tanh ít nhiều vẫn loáng thoáng quanh cánh mũi, giống như vườn hoa đẹp đẽ mọc lên từ nấm mộ. Lúc này, giọt máu nhỏ nhoi vừa nãy đã phủ kín thi hài như tấm áo tơ đỏ rực, càng đứng gần càng ngửi rõ hơi tanh. Với người Ẩn Lý Thị, họ hoảng hồn khi phải chứng kiến một nghi lễ tà dị nhưng với người Băng Hóa, nó lại quá đỗi bình thường. Nhìn thi hài đắp áo máu, Khai Y có chút chộn rộn và phải che nét mặt bối rối bằng cái ho khan. Chiến tranh, vấn đề chính trị, chuyện gia đình, tình huống khẩn cấp… chưa thứ nào khiến ngài đại thống lĩnh bối rối như bây giờ. Khai Y đang trở nên “con người” hơn bao giờ hết.

Tấm áo máu ngấm xuống thi hài, các đại thánh sứ lùi bước. Giờ là lúc chờ đợi. Chẳng ai – kể cả nhóm đại thánh sứ hay người già nhất – biết điều gì xảy ra tiếp theo. Bởi lịch sử không hề ghi nhận một buổi lễ tương tự, mọi giai đoạn tiến hành hay kết quả đều dựa trên ghi chú của tiền nhân. Vài phút trôi qua, căn phòng lặng như tờ, hơi tanh đã hết, mùi lư hương dịu bớt nhưng thi hài người phụ nữ chẳng hề chuyển biến. Mọi người bắt đầu xì xào, ngay cả Khai Y cũng sốt ruột. Mọi chuyện dần tệ hơn khi băng mỏng xuất hiện trên thi hài, dấu hiệu cho thấy người thừa kế giả mạo. Hoàng đế Băng Hóa vội ra lệnh:

- Dừng lại! Đưa Mục Á ra khỏi đây ngay! Chúng ta sẽ tính dịp khác.

- Không thể dừng được. – Một đại thánh sứ nói – Cổ chú đã cất lên thì không thể thu lại, các đấng cổ xưa đang dõi xuống, thưa ngài!

“Đấng cổ xưa!” – Khai Y bực bội. Cùng lúc ấy, học giả Đa Lạt lên tiếng:

- Có thể vì Mục Á không toàn vẹn. Ý tôi ở đây là Mục Á đã chết quá lâu nên cô ấy không toàn vẹn, nếu có thứ gì đấy liên kết dòng máu sẽ tốt hơn…

Nghe vậy, Khai Y mừng như bắt được vàng, nói ngay:

- Di cốt! Đưa di cốt của công chúa Đa Xuyến ra!

Vị học giả lật đật chạy đi rồi lát sau quay lại với hòm đựng di cốt. Nhiều người kiễng chân muốn tận mắt thấy di cốt. Đa Lạt mở chiếc hòm lót vải nhung, bên trong khối tinh thể óng ánh tím đỏ. Đa Lạt đặt khối đá lên thi hài, lớp băng bám dính trên cơ thể Mục Á tan vỡ ngay tức khắc. Vô số trận gió không biết từ đâu nổi lên khắp phòng, tưởng chừng như bắt nguồn từ mọi ngóc ngách trong Điện Mùa Hè. Những người chứng kiến đều cảm thấy có thứ vô hình xuyên qua họ và hướng tới quan tài đá, giống như hàng trăm ký ức lẫn tâm tình đang chảy về một mối. Thi hài Mục Á không còn mùi chất bảo quản, mùi tử thi hay mùi máu, đột nhiên hồng hào trở lại chẳng khác nào một người đang say ngủ. Đa Lạt cùng nhóm đại thánh sứ tiếp cận thi hài, sau nâng đầu nàng lên, mọi hành động chậm chạp cẩn thận vô cùng. Hoàng đế, bà tổng giám sát Lao Trâm, người họ Thát, người Ẩn Lý Thị, toàn bộ quý tộc Băng Hóa châu đầu vào xem xét. Họ nhìn thấy trên cổ Mục Á có dấu ấn vòng cung lẫn dấu chấm, xen giữa là cổ ngữ phương bắc và phát ánh sáng vàng cam. Thấy dấu ấn, vị quý tộc già nhất với râu tóc trắng xóa bỗng quỳ xuống thổn thức:

- Đại Đế… là dòng máu Đại Đế… hỡi Tashaya, đây là dòng máu của Đại Đế… nữ hoàng của tôi!

Vị quý tộc già không thể kiềm chế mà nói “nữ hoàng”, một từ xúc phạm tới vị hoàng đế đương nhiệm. Nhưng thay vì khó chịu, hoàng đế quỳ gối bên cạnh người quý tộc già đoạn xướng lời thành kính:

- Nữ hoàng của tôi, Đại Đế của tôi. Băng Hóa quốc và phương bắc quỳ dưới chân lệnh bà.

Không ai bảo ai cũng chẳng cần đợi đại thánh sứ xác nhận, mọi người thay phiên nhau quỳ gối, phủ phục trước thi hài Mục Á. Quý tộc Băng Hóa vui mừng thổn thức vì đã tìm thấy dòng máu Biệt Liên Đại Đế sau thời gian dài đằng đẵng. “Một thế kỷ!” – Vị quý tộc nào đấy cất lời. “Một thế kỷ!” – Những người khác lặp lại. Khai Y không chắc đó là mốc thời gian đúng nhưng ngài tin sự chờ đợi của người Băng Hóa còn lớn hơn một thế kỷ gấp nhiều lần. Đại thống lĩnh ngoảnh sang người Ẩn Lý Thị, thấy ông bà Ẩn Lý Điền Chức rưng rưng nước mắt vừa tôn kính vừa tự hào, họ có lý do để khóc. Kỳ cục nhất là họ Thát, ba người thân của Thát Khan lúng túng như gà mắc tóc dù họ được giải thích mọi thứ, được tiếp cận từng ngóc ngách trong câu chuyện Mục Á. Ba người thậm chí không hề biết ngay từ giờ phút này, họ Thát đã bước vào hàng ngũ quý tộc danh giá nhất phương bắc.

Sự mừng rỡ nhanh chóng hóa đau buồn. Người Băng Hóa đã tìm được Đại Đế của họ nhưng là một Đại Đế đã chết. Nữ hoàng của họ nằm đó, xinh đẹp hơn mọi con sông mọi rừng tuyết nhưng không bao giờ mở mắt. Nàng là Đại Đế cuối cùng của phương bắc.

Nước mắt mừng vui trở thành nước mắt đau khổ. Khi đau khổ, người Băng Hóa dễ giận dữ. Vị quý tộc già râu tóc trắng xóa đang phủ phục thành kính chợt đấm tay xuống sàn, tiếng xương nứt nghe rõ mồn một. Ông ta ngẩng đầu, hàm răng già cỗi nghiến chặt tới bật máu:

- Lực Lượng Mù Thủy, là bọn chúng! Một thế kỷ trước chúng giết con cháu Đại Đế, một thế kỷ sau chúng giết nữ hoàng. Lấy máu của chúng! Nữ hoàng phải được báo thù, lệnh bà cần chúng ta báo thù! Ngày mai, toàn bộ con cháu của tôi sẽ ra mặt trận! Chúng ta phải thảm sát bọn Mù Thủy, tắm máu chúng, diệt bọn chúng tận gốc rễ! Lũ phản bội nữa! Quật mộ chúng lên! Giày xéo hài cốt của chúng ngoài đường phố!

Những quý tộc Băng Hóa khác lập tức hưởng ứng lời kêu gọi. Đã lâu Khai Y mới thấy cảnh này, chính họ đã gây gổ với nhau vì vấn đề chính danh của Mục Á nhưng cũng chính họ đoàn kết lại vì một mục tiêu. Căn phòng tang tóc tiếng khóc thương trong phút chốc tràn ngập hận thù, ngay cả kẻ ít trí tưởng tượng nhất cũng cảm nhận được mùi máu xộc lên mũi. Đám quý tộc Băng Hóa giờ chẳng khác quân đoàn quái vật khát thịt người. Người Băng Hóa không quên nợ máu, họ sẽ trả đầy đủ.

Buổi lễ kết thúc, mọi người lần lượt rời khỏi phòng để Mục Á an nghỉ. Trước lúc đi, họ không quên vòng qua thi hài, nhìn thật kỹ vị nữ hoàng thất lạc rồi khắc sâu hình ảnh của nàng vào tâm khảm. Đêm nay người Băng Hóa không ngủ, họ sẽ dành hàng giờ thảo luận vô số kế hoạch trả thù, chi hàng tấn tiền tài lẫn nhân lực vào chiến tranh. Giờ đây chỉ còn bốn người gồm hoàng đế, đại thống lĩnh Khai Y, tổng giám sát Lao Trâm và ông học giả Đa Lạt ở lại với Mục Á.

- Ta sắp bận rộn. Ta tốn nhiều năm trời để ngăn họ chia rẽ, giờ lại gồng mình để ngăn họ đồng lòng đoàn kết… – Hoàng đế hất đầu ra phía cửa – Nhưng thôi, cứ để họ xả giận. Lan truyền tin tức khắp nơi, từ nơi gần nhất đến nơi xa nhất, nói rằng dòng máu đại đế đã trở về. Khi sự lan truyền đủ lớn, chúng ta sẽ công bố danh tính của lệnh bà. Người phương bắc sẽ biết Đại Đế trở về, họ phải được biết.

- Và họ sẽ biết lệnh bà đã qua đời. – Lao Trâm tiếp lời – Chúng ta sẽ có cớ tận diệt Lực Lượng Mù Thủy, một lần và mãi mãi.

Khai Y không đáp. Ngài đại thống lĩnh giờ chỉ chú tâm vào Mục Á, ánh mắt mơ màng. Nhưng Khai Y không phải dạng người dễ chìm đắm, ngài nghe thấy lời của hoàng đế dù tâm trí vẫn đầy những ảo cảnh xưa cũ:

- Nếu muốn làm gì thì làm ngay đi, Khai Y. Căn phòng này đã thành tâm điểm chú ý, cẩn thận hành động của cậu. Việc lộ ra ngoài, ta không đảm bảo cậu còn sống. Hy vọng cậu đúng, nhưng này Khai Y, những thứ đúng đắn chưa chắc là tốt. Cậu vẫn còn lựa chọn, em họ.

Nói hết câu, hoàng đế rời đi ngay, hoàn toàn không muốn liên đới với Khai Y thêm nữa. Bà tổng giám sát nhìn theo hoàng đế lại nhìn Khai Y, hết bóp trán rồi day thái dương:

- Cậu làm tôi đau đầu, Khai Y. Giờ thì sao? Một trích dẫn khác từ cổ thư à? Rằng máu thịt dòng họ Biệt Liên có thể tác động tới thế giới vật chất lẫn tâm linh? Cậu muốn lấy cơ thể Mục Á… không, là nữ hoàng… để giải quyết một chuyện đâu đâu mãi tận chân trời thế giới?

- Dòng máu Biệt Liên quả là như vậy, thưa bà! – Đa Lạt vội nói – Di cốt công chúa Đa Xuyến đã thay đổi địa chất Vương Quốc Cũ rất nhiều, một nơi vốn đầy tà khí, bị nguyền rủa và vô cùng khắc nghiệt. Rất nhiều báo cáo…

Ông học giả Đa Lạt định trưng ra tài liệu giấy tờ, bỗng chốc rụt lại trước cái quắc mắt của bà tổng giám sát. Trong lúc đó, ngài đại thống lĩnh vẫn không rời mắt khỏi Mục Á đoạn nói:

- Mọi trách nhiệm, tôi sẽ gánh, không liên quan tới bất cứ ai. Nếu thấy chướng mắt, cô có thể ra khỏi đây.

- Tôi có nghe vài lời đồn. – Lao Trâm tiếp lời – Người ta nói nhiều năm về trước, khi hoàng đế tiền nhiệm còn sống, nữ hoàng Mục Á đã từng đặt chân tới cung điện hoàng gia. Là thật? Có thật người tình năm đó của nữ hoàng là cậu, Khai Y?

- Ở Băng Hóa quốc, những lời đồn không cần xác nhận. Cô biết điều đó mà. – Khai Y đáp.

- Ra thế. Vậy cậu không có chút cảm xúc nào sao? – Lao Trâm lắc đầu – Đó hẳn là một tình yêu đẹp như bông hoa đỏ thắm trên cánh đồng xanh ngát, và giờ cậu vùi dập nó?

Khai Y im lặng. Thời gian trôi đi, không có vẻ gì là đại thống lĩnh sẽ trả lời và cũng chẳng dấu hiệu nào cho thấy ngài sẽ từ bỏ kế hoạch. Bà tổng giám sát thở dài:

- Nếu đã vậy thì chúc cậu may mắn, Khai Y. Băng Hóa quốc sống dưới cái bóng của cậu. Cậu quá to lớn, quá vĩ đại. Cậu đứng ở nơi mà không ai có thể chạm tới, cũng không ai có thể hiểu cậu. Nhưng thần Nê Mê không chừa ai đâu, Khai Y. Thần Nê Mê không bao giờ quên nợ. Các đấng cổ xưa sẽ không tha thứ cho cậu.

Lao Trâm rời khỏi phòng. Mang danh “giám sát” nhưng bà không đủ dũng cảm để chứng kiến những điều mà Khai Y sắp làm. Ngài đại thống lĩnh vẫn đứng đó, trân trân trước thi hài Mục Á, tưởng chừng nếu thời gian kéo dài mãi mãi thì ngài cũng sẽ mãi mãi đứng ở đó. Dường như ngài đang trông đợi một điều thần kỳ, hoặc có thể ngài đang tìm kiếm sự mộng tưởng thần kỳ, hoặc là ngài chấp nhận sự thật nghiệt ngã. Không ai biết. Ngay cả người bạn lâu năm của Khai Y là Đa Lạt cũng không biết ngài đang nghĩ gì.

Ở Băng Hóa quốc, đại thống lĩnh Khai Y đứng ở nơi cao vợi. Ngài đứng đó một mình, không người đồng cảm. Trớ trêu thay, người duy nhất hiểu Khai Y đang ở ngay trước mắt ngài nhưng không thể cất lời. Người chết không biết nói.

- Thưa ngài… chúng ta không còn nhiều thời gian. – Đa Lạt lên tiếng.

- Phải, xin lỗi vì bắt anh phải chờ. – Khai Y gật đầu – Chúng ta bắt đầu từ đâu?

- Trái tim. – Đa Lạt nói – Hỏa thiêu trái tim đúng cách, chúng ta sẽ có tinh thể hoàn mỹ. Nếu những lời mà Mi Kha nói là đúng thì một phần ý thức Mục Á… không, ý tôi là nữ hoàng… đang ký thác trong đầu Vô Phong. Ký ức đó kết hợp tinh thể sẽ tạo nguồn phép thuật đủ mạnh để xoay chuyển Cội Gió.

- Xoay chuyển được cỡ nào? – Khai Y hỏi.

- Tôi không dám chắc nhưng nếu những cổ thư ghi chép đúng, sức mạnh xoay chuyển sẽ khiến Cội Gió mạnh gấp đôi, tức là bằng cả Cội Nam và Cội Bắc thuở xưa gộp lại. Khi đó những trận gió từ Vùng Cội sẽ đẩy lui sự ô nhiễm bất chấp cả năm Tòa Trắng sụp đổ. Nhưng… nhưng chỉ là tôi tính toán thôi, thưa ngài… thực sự là không có nhiều bằng chứng…

Khai Y giơ tay ngắt lời vị học giả. Ngài đã nghe quá đủ. Đa Lạt lật đật mở một bao da, bên trong giắt đầy dụng cụ phẫu thuật. Khai Y lựa dao mổ đoạn lật áo của Mục Á, sẵn sàng lôi trái tim nàng ra khỏi lồng ngực. Ngay khi lưỡi dao cách da thịt vài đốt ngón tay, Đa Lạt chợt đằng hắng:

- Đại thống lĩnh… ngài còn nhớ ngày đó chứ, khi chúng ta hay tới Đông Môn Cao Lầu? Ngài nhớ nữ hoàng vẫn thích mua hoa chứ?

Đại thống lĩnh ngừng lại. Thời gian như ngừng lại. Rồi ngài trả lời:

- Cô ấy thích hoa trà. Phải là hoa trà từ cửa hàng dột nát rách rưới trong khu chợ trời Hoàng Hôn Cảng, chủ hàng là bà già người Xa Vịnh quốc cắn cảu khó tính và hay hút thuốc. Cô ấy nói chỉ nơi ấy bán thứ hoa trà đẹp nhất.

- Ngài vẫn nhớ tất cả, nhỉ? – Đa Lạt ái ngại.

- Tôi không quên bất cứ điều gì, anh bạn. Tôi chưa bao giờ quên. – Khai Y trả lời.

Đại thống lĩnh xuống dao. Lưỡi dao mổ cắt lồng ngực Mục Á, máu chảy dòng đỏ au trên làn da trắng như tuyết. Các đấng cổ xưa đang nhìn. Nữ thần báo thù Nê Mê đang nhìn. Mọi linh hồn thuộc dòng dõi Biệt Liên Đại Đế đang nhìn. Vạn Thế đang nhìn. Khai Y luôn ở một nơi mà không con người nào có thể chạm tới, nơi mà chỉ các vị thần trông thấy.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play