Đang suy nghĩ vu vơ về lời mời của Ngọc Lan và Lam Ngọc, đột nhiên từ đâu một giọng con gái cất lên nghe rõ to:

-Anh Phong…! Em ở đây nè!

Tôi ngạc nhiên nhìn xung quanh nhưng chẳng có ai quen cả. Rồi giọng nói đó lại cất lên nữa:

-Em ngoài cổng nè, anh không thấy hả?

Càng ngạc nhiên hơn khi trông về phía cổng trường chỉ là một con bé loắc choắc vung vẫy tay thu hút sự chú ý của tôi. Trông mặt nhỏ này cũng thấy quen quen nhưng thực sự thì tôi cũng chẳng nhớ đây là ai nữa.

Thiết nghĩ chắc nhỏ này đang lầm tôi với ai đó cũng giống tôi tên Phong hoặc nhận vơ thấy sang bắt quàng làm họ mặc dù tôi chẳng giàu có tẹo nào.

Thấy lí do thứ nhất có lí hơn nên tôi đành lờ con bé đi không chú ý đến nữa. Nhưng khi tôi dắt xe đạp ngang qua mặt con bé thì nó liền chạy theo ghì cái ghi đông xe lại:

-Anh hông nhận ra em hả?

-Em là ai?

-Trời, em là Diễm Linh, hồi nhỏ hay chơi với anh nè!

Đến giờ thì tôi mới tá hỏa ra con bé này chính là bé Linh (Lúc trước tôi hay gọi nó như thế). Nó năm nay 14 tuổi là con của chú Tư Chúc kế bên nhà nội tôi. Lúc trước mỗi khi về quê nó hay sang nhà tôi rũ đi chơi lắm. Bây giờ lại gặp nó ở đây nên tôi nhất thời không ngờ được.

Cũng vì thế mà giờ nó lại nhăn mặt chu mỏ giận dỗi:

-Giận anh luôn! Mới có 2 năm không gặp mà quên em rồi!

-Bậy, đâu có! Tại em lạ quá anh hông nhận ra!

-Thiệt chứ hả?

-Thiệt mà, anh không đùa!

Quả thật là như vậy đấy mọi người ạ. Chỉ mới 2 năm thôi mà con bé đã thay đổi đến chóng mặt. Lúc trước nó chỉ là một con bé tóc ngắn có nước da bánh mật suốt ngày chỉ long nhong khắp nơi cùng với mấy đứa nhỏ trong xóm. Nhưng giờ đây khi bước sang tuổi 14 cái tuổi người ta gọi là tuổi trổ mã thì nó lại thay đổi 180 độ trở thành một cô thiếu nữ tóc đuôi gà với khuôn mặt ưa nhìn. Hơn thế nữa, làn da bánh mật của nhỏ đã sáng hơn hẳn, không còn nhem nhúa như trước. Chẳng trách tôi không thể nào nhận ra nó trong thời gian ngắn được.

Nhưng vì sao nó lại ở đây trước cổng trường tôi lại là một thắc mắc lớn. Nó chắc cũng cảm nhận được thắc mắc của tôi nên vội mở miệng giải thích:

-Ba anh chưa nói với anh hả! Em với chị em lên đây ăn Tết ở nhờ nhà anh nửa tháng đó! Biết anh học trường này nên em xuống xe ở đây chờ anh nè!

-Sặc, có việc này nữa hả?

-Thôi em đói rồi, mình về ăn trưa đi anh!

Con bé ngồi lên xe sau giục tôi chẳng kịp suy nghĩ làm tôi muốn tìm chỗ nào đó thư giản ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết cũng chả được.

Kết cục là tôi phải đèo con bé suốt đoạn đường về nhà. Mà nó ngồi im thì tôi cũng chẳng phiền hà gì. Đằng này nó lại tíu tít cả lên. Đi đến đâu nó đều chỉ chỏ luyên thuyên đến đó, nhất là khi đi ngang mấy hàng ăn vặt thì nó lại càng khoái chí.

-Anh, bò né là gì vậy?

-À là thịt bò người ta chiên lên ăn cùng với trứng và bánh mì!

-Vậy còn bò phá lấu!

-Thì là lòng bò hầm với nước dừa!

-Bột chiên thì sao anh!

-Thì bột người ta cắt thành khối nhỏ chiến với hột gà!

-Hột gà nướng nữa kìa

-Người ta bỏ gia vị vào trong trứng gà rồi nướng lên ăn với rau răm!

Nghe tôi kể đến đâu con bé nuốt khan đến đó. Trong mặt khoái trá đến phát tợm. Tôi cũng muốn mua cho con bé một vài món để cho nó biết vị lắm nhưng nghĩ lại gần tới giờ cơm rồi mắc công nó lại bỏ mứa cơm thì mệt.

Nghe nó nó luyên thuyên một hồi tôi lại đâm mệt không trả lời nữa nhưng nó vẫn cứ luyên thuyên. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến những lời nó nói. Bé Linh vì muốn ăn Tết trên này nên đã cùng chị nó lên ở nhờ nhà tôi mấy ngày Tết. Nó thì chẳng sao có nó thì cũng vui nhà vui cửa, nhưng điều tôi lo nhất là chị của nó.

Nói thật với mọi người biết chứ từ hồi nhỏ đến bây giờ tôi với nhỏ Nhung (tên của chị nó) chưa bao giờ hạp khẩu nhau một lúc nào cả. Cứ gặp mặt là tìm cách troll nhau cho bằng được. Nhớ mấy lần tôi về quê bị nhỏ chọc cho tức điên mà giờ vẫn còn thấy ấm ức. Tôi không phải là người kiếm chuyện trước đâu, con nhỏ Nhung là người kiếm chuyện trước đấy, nhiều khi bị nhỏ hại mà tôi cứ muốn khóc thét vì chẳng làm được gì nó.

Đến giờ sau 2 năm cách biệt cứ tưởng là thoát khỏi cái ách chọc phá của nhỏ Nhung rồi ai ngờ lại tái ngộ trên Sài Gòn này, ngay vào nhà tôi mới ác. Chẳng biết mọi chuyện thế nào đây. Thú thật là tôi chằng muốn về nhà chút nào hết. Cứ nhìn thấy cái mặt cộng với lọn tóc đuôi ngựa bướm bỉnh của nhỏ thì tôi lại nổi máu.

Mà biết sao được, nhà tôi dù có xa cách mấy thì đạp vẫn tới nơi thôi, chưa kể Bé Linh lại giục tôi đạp nhanh về nhà ăn cơm nữa làm sao tôi có thể câu giờ được. Thế nên chỉ trong phút chốc, tôi lại đứng trước cánh cổng màu đen quen thuộc nhà mình.

Vừa xuống xe con bé đã oang oang lên gọi cổng:

-Chị hai, chú Ba ơi! Con với anh Phong về rồi nè!

-Ủa, ba anh cũng về rồi à?

-Dạ, chú ba nói sợ lúc tụi em đến mà anh đi học chưa về nên chú ba về sớm đợi cửa?

Chưa kịp hỏi thêm thì có tiếng dẹp lẹp xẹp từ trong nhà bước ra. Đó chính là ba tôi, vẫn bộ mặt ngầu ngầu làm tôi sợ chết khiếp:

-Mày về rồi à, vào nhà đi gần tới bữa trưa rồi!

-Ba sao không nói chuyện Nhỏ nhung với bé Linh lên nhà mình vậy?

-Lúc đầu tao cũng tính điện cho mày nhưng nghĩ lại sợ mày về không kịp bắt hai tụi nó đợi nên tao xin đoàn nghĩ một buổi về đây!

-Ùi, chán ba quá!

-Chán chán cái đầu mày, vào lẹ tao đói là cho mày ăn roi bây giờ!

Nghe ông nẹt như thế tôi đâm rùng mình bước vội vào nhà cùng với bé Linh lót tót theo sau.

Vào đến nhà tôi đã nghe loáng thoáng tiếng xào nấu phát ra từ dưới bếp. Ngay lập tức trong tâm trí của tôi lại hiện lên những hình ảnh của Hoàng Mai trước đây. Căn bếp đó chính là nơi để Hoàng Mai trổ tài nấu ăn của mình cùng với biết bao cao lương mĩ vị được em chế biến. Nhưng giờ nó đã trở thành một kí ức xa xỉ trong trái tim của tôi rồi. Những lúc bắt gặp những hình ảnh thân thương như thế tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài đứng cười khẽ một mình mà thôi.

-Ê thằng mắc dịch này, còn đứng đó nữa, mau vào phụ cái Nhung một tay đi!

Ba tôi thét lớn làm tôi giật mình hồn tiêu phách tán cuốn phăng vào bếp cùng với mở suy nghĩ hỗn độn trong đầu.

Hình ảnh đầu tiên của nhỏ Nhung xuất hiện trước mắt tôi vẫn là cái lọn tóc đuôi ngựa được cột cao bướm bỉnh, đặc điểm duy nhất mà tôi thấy ấn tượng nhất ở nhỏ. Xem ra nhỏ chẳng thay đổi là bao, họa chăng là cái đuôi tóc đó được cột cao thêm một chút nữa làm nhỏ đã bướm bỉnh nay làm càng bướm bỉnh hơn.

-À, Nhung ơi!

-Choảng…oảng…

Tôi chỉ vừa kịp thốt ra một tiếng gọi tên nhỏ thôi thì nhỏ đã duột tay làm rớt cái dĩa xuống đất nghe choảng đến điếc cả tai.

Nhỏ cuối xuống vừa nhặt chỗ dĩa vỡ vừa càu nhàu tôi:

-Đồ quỷ, vào không nói trước tự nhiên kêu tên người ta giật cả mình!

-Ẹc, tui cố ý đâu! Thôi để tui nhặt miểng dùm cho!

-Không cần! – Nhỏ hất tay tôi ra làm tôi mất đà suýt té.

Cùng lúc đó ba tôi với bé Linh chạy vào thấy miểng văng tứ tung trên mặt đất nên trợn mắt nghiêm trọng:

-Có chuyện gì vậy, sao miểng tùm lum dưới đất thế!

-Bạn Phong đó chú! Bạn ấy hù con rớt cả dĩa!

Nghe thế ông quay sang tôi hăm he:

-Phải không Phong? Tao bảo mày vào phụ cái Nhung mà!

-Nhưng con chỉ gọi tên bạn ấy thôi mà ba, ai biết bạn ấy giật mình đâu!

-Tao không biết, mày mau xin lỗi cái Nhung đi rồi hốt đống miểng đó vào!

Chẳng còn cách nào khác, tôi đành làm theo lời ông, xin lỗi con nhỏ Nhung trong sự uất ức cùng cực. Giờ mà có cái bao cát trước mặt thì chắc tôi đã đấm thủng nó luôn vì tức tối rồi. Gì đâu mà mới gặp lại thôi đã chơi tôi một vố quá tay thế này thì chẳng có thiện ý chút nào cả.

Thông qua những gì nhỏ Nhung đối với tôi bây giờ thì chắc mọi người cũng đã hình dung ra tôi với nhỏ Nhung đã đối đầu thế nào vào lúc trước rồi phải không. Tôi với nhỏ hồi còn dưới quê như nước với lửa, chẳng thể nào nói chuyện đàng hoàng quá 3 câu được, thế nào cũng có vài câu xỉa xói vào lời nói thôi.

Nhưng thường thì tôi không phải là người khơi màu cuộc chiến trước. Đa số những vụ chọc nhau toàn là nhỏ Nhung bày trò. Và tôi luôn là nạn nhân của những trò quậy phá đó. Ngặc một nỗi là tôi chẳng muốn đánh con gái nên chỉ tìm cách trả đũa lại những trò quậy phá đó thôi, phiền bà cố!

Vào giờ ăn ba tôi cứ nói chuyện với con nhỏ Nhung làm tôi hơi khó chịu nhưng cũng rán vễnh lổ tai lên nghe bởi vì cái tính tôi cũng khá nhiều chuyện:

-Con lên đây đến chừng nào?

-Dạ chắc là đến mùng 4 con về, cũng hông dám ở lâu đâu ạ!

-Không sao, con cứ ở đây tùy thích! Dù gì mai mốt cũng chuyển lên đây học mà!

-Phải đó, em muốn ở đây lâu hơn cơ! Nhìn chỗ nào cũng đẹp hết á! Chiều anh Phong chở em đi chơi nha!

-Ờ, rồi rồi!

Nó vòi vĩnh làm tôi không thể nào không không đồng ý được. Sẵn tiện đã mở miệng, tôi bèn hỏi luôn:

-Mà Nhung chuyển lên đây học hả?

-Ừm, sang năm 11 tui chuyển lên đây học! Có việc gì không?

-À, không có gì! Hỏi để biết thôi hề hề!

Bỗng dưng ba tôi lạnh giọng chen vào:

-Mày thì nên biết nhiều hơn đó, cái Nhung năm sau chuyển vào đây học sẽ ở nhà mình một thời gian! Tới lúc đó thì lo mà biết!

-Phụt…

Đang ngốn một họng cơm nghe hung tin tôi liền giật thót suýt phun hết ra ngoài. May mà có con bé Linh nó vuốt lưng với đưa cốc nước cho nếu không thì chắc đã nằm phòng máy lạnh trong bệnh viện rồi.

-Mày làm cái gì ghê thế, cái Nhung nó chỉ ở một thời gian để tìm nhà trọ thôi chứ có ở luôn đâu!

Ba tôi hơi nhíu mày khi thấy tôi lật lừa như thằng nghiện sau khi vừa khỏi bị hóc cơm.

-Nhưng trai gái mà ba!

-Tao không biết, tao lỡ hứa với chú Tư Chúc mày rồi, rán chịu đi con!

-Bộ Phong ghét mình lắm sao mà không cho mình ở ké vậy hả?

Đã thế con nhỏ Nhung còn phang thêm mấy câu vào nữa làm tôi uất nghẹn hết biết đường trả lời. Nếu nói không ghét thì phải cho nhỏ ở nhờ, còn nếu nói ghét thì chắc chắn sẽ lĩnh nguyên cái cốc tóe lửa của ba tôi. Đường nào cũng chết, đường nào cũng tàn, tiến thoái lưỡng nan.

Sẵn dịp ba tôi lại hỏi tới vụ của Hoàng Mai:

-Cái con nhỏ bữa hổm ở chung nhà với mày đâu rồi Phong!

-Dạ, à…

-Đừng nói nó đang siêu âm trên bệnh viện nghe con!

Nghe thế tôi liền giật thót chối đây đẩy:

-Đâu có ba, tại gia đình bạn ấy ổn rồi nên bạn ấy xin về đó thôi!

Ba tôi cũng chẳng làm căng, sau khi nghe xong liền ăn cơm tiếp, chỉ có con bé Linh tò mò lại hỏi tới:

-Chị nào ở chung với anh Phong vậy!

-À bạn anh, tại gia đình khó khăn nên ở nhờ nhà anh một thời gian!

Đến đây bỗng nhỏ Nhung chen vào:

-Hai người ở chung luôn à?

-Ờ, thì vậy!

-Bạn kia có đẹp không?

-Đẹp chớ!

Rồi nhỏ quay sang ba tôi:

-Chú lên bệnh viện xem thử đi ạ, không chừng bạn ấy đang ở chỗ siêu âm!

-Ê ê ê bà kia! Nói bậy bạ gì vậy?

-Con trai mấy người làm gì bỏ qua mấy vụ đó!

-Đừng có quơ đũa cả nắm à nghen, tui là tui đàng hoàng lắm đó!

Nhỏ chỉ khẽ cười rồi cắm đầu ăn cơm tiếp. Ngoài những trò khỉ trong lúc ăn của con bé Linh ra thì những diễn biến chính của bữa cơm trưa chỉ có bấy nhiêu thôi.

Tổng hợp lại thì tôi biết con nhỏ Nhung với em nhỏ là Diễm Linh lên đây đón Tết ở nhà tôi để làm quen không khí nhộn nhịp ở Sài Gòn trước khi chuyển lên đây học vào năm lớp 11. Mà tính tôi với con này khắc nhau nên chắc nếu ở chung với nhau thế này thì thế nào cũng có cự cãi xảy ra thôi, không sớm thì muộn, không nhanh thì trễ! Biết sau được đây, ba tôi đã ủy thác thế này rồi thì đành chịu vậy.

Sau bữa cơm đó ba tôi lại trở về bên đoàn. Ông dự định sẽ đi làm suốt tết để tăng thu nhập vì trong những ngày này có nhiều nơi mướn lân sư rồng về múa để rướt lộc cầu phú quý. Thù lao cho mỗi một lần múa như thế tăng cao hơn bình thường thậm chí là gấp 2 gấp 3 lần vì thế có rất nhiều đoàn lân sư rồng hoạt đồng xuyên suốt Tết, đoàn lân sư của ba tôi cũng không là ngoại lệ. Vì lí do đó đương nhiên ba tôi sẽ vắng mặt suốt Tết và thay vào đó là sự có mặt của chị em nhỏ Nhung vào dịp tết này, chán bà cố!

Vào đầu giờ chiều theo yêu cầu của bé Linh tôi dẫn nó ra ngoài công viên Hồ bán nguyệt để thưởng ngoạn không khí tập nập của đường phố ngày tết và tất nhiên nhỏ Nhung cũng đi theo vì lí do hết sức buồn cười:

-Tui phải đi theo em tui vì không biết ông sẽ làm gì với nó!

Công viên hồ bán nguyệt cách nhà tôi khoảng 4km, nằm trong một khu thắng cảnh đẹp mắt ở Phú Mỹ Hưng. Đương nhiên với tên gọi của nó, công viên này nằm gần hồ Bán Nguyệt lung linh với ánh đèn được bật sáng trải khắp bờ hồ.

Ngặc cái tôi chỉ có một xe đạp mà phải chở đến 2 người vì thế tôi đành phải gồng hết nội công trong người ra mà đạp như điên như dại mới mong đến công viên mau được. Lúc đầu nhỏ Nhung đòi ngồi giữa để ngăn cách con bé Linh thân với tôi nhưng một lúc sau thấy con bé Linh cứ loắc choắc chỉ chỗ này chỉ chỗ khác trên xe nên chúng tôi phải cho nó ngồi giữa để đề phòng tình trạng bé Linh rớt giữa đường, khổ!

Đến gần công viên, tôi bỗng ngập ngừng không bước nữa. Bởi vì muốn qua công viên hồ Bán Nguyệt phải đi qua cầu Ánh Sao. Đó chính là nơi tôi và Hoàng Mai chia tay cách đây không lâu. Nhìn từ hồ bán nguyệt, cầu Ánh Sao mong manh như sợi chỉ, lúc xanh lúc hồng vắt ngang mặt nước. Bây giờ gặp lại trong lòng rôi chợt dáy lên biết bao cảm xúc khó tả, những hình ảnh của Hoàng Mai lại ùa về đến ngập tràn.

Trong khoảnh khắc, bài học của Hoàng Mai lại vang lên trong đầu tôi: ”Trước khi yêu ai, anh phải hiểu được tình yêu là gì trước đã nếu không anh chỉ khiến người đó đau hơn mà thôi”

Vậy thực sự tình yêu là gì? Mình đang yêu ai?

-Anh Phong…nè…anh có nghe em nói hông!

Giọng của con bé Linh cất lên làm tôi tỉnh mộng quay về thế giới hiện tại với nhỏ Nhung và con bé Linh đang nhìn mình chăm chăm như động vật quý hiếm.

Biết đang bị nghi ngờ, tôi liền cười hềnh hệch chữa thẹn:

-Hề hề, có gì đâu! Tại đau bụng giữa đường!

-Ghê, đừng có đi gần tui đấy! Mắc công thả bom lại đổ thừa!

-Hừ ai thèm đi gần bà, mơ à!

Nhỏ Nhung chỉ hừ mũi rồi tiếp tục bước đi thưởng ngoạn cảnh đẹp, tôi và bé Linh vẫn lẽo đẽo theo sau như bảo vệ riêng của nhỏ vậy. Mà kể cũng ngộ, con bé Linh này đã xa tôi 2 năm rồi, đáng lẽ ra khi gặp lại nó cũng phải tỏ ra e dè một chút mới đúng chứ đâu phải đeo dính tôi như bây giờ đâu.

Nhưng nghĩ lại thì có người đi cùng tán phét, lanh chanh lóc chóc thế này cũng vui. Vả lại cũng đỡ làm tôi cảm thấy tủi thân khi nhìn mấy cặp đôi khác âu yếm bên nhau. Vì bé Linh giờ đây cũng tạm gọi là có chút nhan sắc nếu không muốn gọi là ưa nhìn. Đôi khi đi ngang mấy thằng FA nó cũng nhìn bé Linh với cặp mắt thèm thuồng vô số kể làm tôi cũng hãnh diện lây.

Tuy nhiên chuyến đi của chúng tôi sẽ tốt đẹp biết bao nếu như con nhỏ Nhung không gặp chuyện khiến tất cả đều mất vui hẳn

Ấy là lúc Nhỏ Nhung đi được hơn nửa chiều dài cầu Ánh Sao. Nhỏ bỗng nhiên nhăn mặt lục tìm thứ gì đó trong túi rồi dáo dác tìm kiếm xung quanh vẻ như sắp khóc đến nơi vậy. Thấy lạ, tôi và bé Linh chạy đến hỏi:

-Gì thế, tới phiên bà đau bụng rồi à!

-Không đùa, tui mất cái bóp tiền rồi!

Vừa nghe, con bé Linh đã nhảy đong đỏng lên chạy đến chỗ chị:

-Trời, chị hai kiếm kĩ chưa, xem có rớt chỗ nào không?

-Chị kiếm kĩ rồi, lúc ở chân cầu bên kia còn mà, giờ mất tiêu rồi, bực thật!

Quan sát một hồi lầu tôi cũng đã mường tượng được một vài sự việc trong đầu mình. Để cho chắc hơn nên bèn quay sang hỏi nhỏ Nhung:

-Này, bà hồi nãy có lạng vào chỗ đông người không!

-Ừ có! Đông mới vui chứ!

-Rồi có ai đụng chạm gì bà không!

-Không… – Rồi nhỏ nghĩ ngợi một lúc lâu – À…hình như có!

-Uầy, có hay không?

-Có, lúc nãy đang đi đến gần giữa cầu thì có một người đến hỏi tui đường đi!

-Rồi sao nữa?

-Cái tự nhiên có người đụng nhầm vào tui từ sau lưng!

Đến đây tôi đã chắc mẩm sự việc 90% rồi, nhưng để cho chắc hơn tôi hỏi thêm một câu nữa:

-Vậy bóp tiền bà để túi sau à!

-Ư, phải rồi! Thì tui thường để vậy mà! Có gì sai à?

-Ùm….!

Thấy tôi trầm ngâm không nói gì. Hai chị em tỏ vẻ bực mình giục tôi nói ngay. Riêng con bé Linh còn cố chọc lét phá tôi nữa. Thế nên tồi đành nói sự thật cho hai chị em biết:

-Uầy thì bà bị móc túi rồi đó!

-Hả, móc túi!

-Ờ, chắc cái bọn hỏi đường với đụng vào bà lúc nãy là cùng một băng đấy! Bà bị bọn chúng dụ rồi!

-Không thể nào! Cái người hỏi đường lịch sự lắm mà!

-Bọn móc túi bây giờ là vậy đó, dùng thủ đoạn làm phân tâm mấy người nhẹ dạ, mất cảnh giác rồi ra tay móc túi, giờ ra đường không tin bất cứ người lạ nào được đâu!

Bỗng tự nhiên nhỏ đùng đùng nổi giận với tôi:

-Giờ ông bảo tui là nhẹ dạ, mất cảnh giác chứ gì?

-Ơ, đâu có, tui đang giải thích cho bà mà!

-Đừng có ngụy biện với tui, tui biết ông đâu nghĩ tốt lành gì cho tui đâu, tui bị thế này ông khoái lắm chứ gì?

-Ơ, cái bà này! Tui nghĩ thế hồi nào! Ê nè…

Chưa kịp gọi với, nhỏ đã bỏ chạy một mạch xuống đầu cầu bên kia làm tôi với bé Linh chạy theo muốn bở hơi tai.

Dừng lại bên một băng ghế đá, nhỏ Nhung ôm mặt khóc tức tưởi làm tôi nhất thời bối rối chẳng biết làm gì ngoài để cho bé Linh an ủi chị của nó.

Thiệt là, nhỏ từ dưới quê mới lên chân ướt chân ráo, chưa hiểu cuộc sống phức tạp trên Sài Gòn phồn hoa, đô hội. Tôi chỉ muốn cho nhỏ Nhung hiểu rõ cái nhân tình thế thái trên này thôi mà, làm gì nhỏ khóc như thế chứ.

Thôi cũng chả trách, tự nhiên mất một số tiền lớn cộng với việc bị tôi dạy đời như thế chắc nhỏ cũng ấm ức lắm. Bao đời bắt rắn này lại bị rắn cắn không thấy bực tức sao được. Nếu tôi cà chớn chọc nhỏ thêm mấy câu chắc nhỏ bỏ nhà ra đi luôn ấy chứ. Nhưng hôm nay nhìn thấy cảnh cũ nơi chia tay thế này tôi cũng mủi lòng mà không đá động gì đến nhỏ nữa. Cứ để nhỏ khóc một hồi sẽ nín thôi, thời gian sẽ chửa lành tất cả mà.

Cảm nhận được những cơn gió lạnh khẽ luồn vào thân thể, tôi sọt hai tay vào túi quần nhìn ngắm bao quát cảnh vật xung quanh như thể mình là một người từng trải đang nhìn ngắm cảnh vật với con mắt già đời vậy.

Như thế là nhỏ Nhung và em nhỏ sẽ ở nhà tôi đến hết Tết. Từ nay về sau khi đi đâu chơi tôi cũng phải dẫn hai chị em rắc rối này đi theo mình, thiệt là mệt mà!

Chợt, tôi bỗng giật thót khi nghĩ đến Ngọc Lan và Lam Ngọc. Nếu như đi chơi với 2 chị em nhỏ thế này làm sao tôi đi xem pháo hoa với họ được đây…?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play