Thấm thoắt, Tuyết
Nhung đã đến Mĩ được ba tháng. Đối với một sinh viên, thời gian ba tháng đồng nghĩa với quá trình đi từ những trang sách đầu tiên đến kỳ thi
cuối cùng. Còn với thiên nhiên ngoài kia, ba tháng là khoảng thời gian
màu xanh non mơn mởn của vạn vật được thay thế bởi vẻ lạnh lẽo thê
lương. Trên những cánh đồng trống chỉ còn lại vài quả bí ngô người ta
quên thu hoạch và những rễ cây khô héo. Sau sự trỗi dậy yếu ớt của thiên nhiên và ánh mặt trời gay gắt là nét đìu hiu khô quạnh. Chúng như đang
nhắc nhở con người rằng nếu những trái chín mùa thu đã đến lúc tàn lụi
thì chỉ nay mai thôi hoa tuyết mùa đông sẽ bay kín khắp trời.
Những chiếc áo phông ngắn tay đã sớm được thay bởi những bộ áo gió mùa thu.
Trên những con đường cắt ngang khuôn viên trường, đôi lúc người ta đã
nhìn thấy những chiếc áo lông ấm áp. Cho dù trời mới chỉ mưa và vẫn chưa có tuyết rơi, song hơi lạnh đã luồn vào trong gió, thấm vào cơ thể và
tâm hồn mỗi người, nhắc nhở người ta về sự tồn tại của nó.
Song
với Tuyết Nhung, cuộc sống vài tháng qua của cô hoàn toàn trái ngược với thiên nhiên ngoài kia. Thiên nhiên chuyển từ nóng sang lạnh, còn cô lại bước từ lạnh sang nóng. Khi mới đặt chân đến Mĩ, cô luôn cảm thấy bị
coi thường, cảm thấy cô đơn và yếu đuối. Song giờ đây, cô đã có thêm rất nhiều bạn bè, trái tim cũng đã ấm áp trở lại. Thậm chí đôi lúc vuốt lên má mình, cô đã có thể cảm nhận được nhiệt huyết tuổi trẻ chảy tràn
trong da thịt. Lẽ nào mọi thứ đều đang ngầm nói với Tuyết Nhung rằng:
với sự mai mối của ông tơ bà nguyệt, cô đang từng bước tiến gần đến tình yêu?
Mỗi lần Tuyết Nhung nghĩ đến hai từ “tình yêu”, trái tim cô lại đập loạn nhịp, đầu óc trở nên choáng váng. Người đầu tiên khiến cô
có cảm giác yếu đuối khi đứng trước anh lại là chàng trai người Mĩ vừa
lạ lẫm vừa thân thuộc, vừa đáng ghét vừa thú vị - Lancer!
Người
con trai đó đã dễ dàng phá bỏ phòng tuyến bấy lâu nay Tuyết Nhung vẫn
tưởng rằng vô cùng kiên cố, và bước vào cuộc sống của cô. Bề ngoài, con
đường Lancer tiến vào trái tim cô có vẻ dễ dàng. Song nếu dựa theo những tiêu chuẩn quan hệ nam nữ của người Mĩ, xem ra anh ấy đã vô cùng vất
vả. Với một thanh niên Mĩ bình thường, quãng thời gian ba tháng – chín
mươi ngày làm “quân tử hảo cầu” quả là dài kinh khủng. Đa số họ đều giải quyết xong mọi chuyện với đối phương chỉ trong vòng mười phút ngắn
ngủi, dài nhất cũng chỉ vài ba ngày: nếu yêu nhau thì lên giường, không
yêu thì đường ai nấy đi, rất dứt khoát rõ ràng. Chẳng ai giống Tuyết
Nhung và Lancer, vờn tới vờn lui, cãi tới cãi lui suốt ba tháng ròng mới đạt được bước tiến triển tình cảm vĩ đại là một cái ôm tượng trưng!
Nhưng khi nghĩ lại thật kĩ càng, Tuyết Nhung vẫn cảm thấy mọi chuyện xảy ra
quá nhanh, quá vội vã. Cho dù mục tiêu đến Mĩ quá rõ ràng, đó là tìm một người đàn ông có tấm lòng, nhưng tiền đề của mục tiêu đó phải đúng như
lời mẹ cô đã dặn, “phải mở to hai mắt mà tìm” chứ không thể nhắm mắt
đụng ai thì đụng. Ý nghĩa câu nói “mở to hai mắt mà nhìn” của mẹ là gì?
Theo kiến giải của Tuyết Nhung, nó đại thể là: đầu tiên phải học những
khóa học về tình yêu trong hôn nhân, đọc đủ các loại sách nhập môn liên
quan đến nội dung này, rồi sau đó áp dụng chúng vào cuộc sống, kiên trì
tỉ mỉ quan sát và thử thách một chàng trai nào đó, tuyệt đối không được
lựa chọn sai chỉ vì một phút giây bồng bột của bản thân.
Vậy,
Tuyết Nhung đã nghiêm túc quan sát và thử thách Lancer như những gì mẹ
cô mong muốn hay chưa? Đương nhiên là chưa. Chỉ có một điều cô có thể
khẳng định, đó là khi vừa mới bắt đầu, cô đã tự xây cho mình một phòng
tuyến tâm lý. Và chính hàng phòng tuyến này đã giúp cô chống lại sự tấn
công của tất cả những gã đàn ông có ý đồ với mình. Nhưng tại sao giờ
đây, hàng phòng tuyến kiên cố ấy lại sụp đổ tan tành chỉ trong vòng ba
tháng ngắn ngủi? Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng Tuyết Nhung chỉ có thể tìm
ra một đáp án duy nhất: Lancer là chàng trai có sức hút mà bất kỳ cô gái nào cũng không thể cưỡng lại.
Trong lòng Tuyết Nhung luôn thầm
hỏi người mẹ thân yêu của mình: nếu mẹ cũng đến Mĩ, cũng sống trong ngôi trường đầy xúc cảm và thú vị như cô hiện tại, cũng tình cờ gặp một
chàng trai vừa lãng mạn vừa mới lạ như Lancer, bị anh ấy tấn công quyết
liệt, cũng trải qua tất cả những gì mà cô và Lancer đã trải qua; thì bà
có thể mở to đôi mắt xinh đẹp của mình, kiên trì và tỉnh táo sắp xếp lại mọi cảm xúc, để thoát khỏi vòng xoáy tình yêu cuồng say hay không? Mẹ
à, trái tim không thể duy trì nhịp đập dựa vào những thứ đôi mắt ta nhìn thấy. Hoang dại, cảm tính, vô duyên cớ, ngốc nghếch đó là tất cả những
gì trái tim của chúng ta có. Mẹ thân yêu ơi, con xin lỗi. Bây giờ, dù
con có mở to mắt thế nào thì cũng chỉ là vô nghĩa! Bởi vì lúc này đôi
mắt của con đã không còn nữa. Con đã không còn nhìn thấy phương hướng,
không nhìn thấy Lancer, không nhìn thấy cả chính bản thân mình. Mẹ ơi,
con phải làm thế nào? Làm thế nào? Làm thế nào đây hả mẹ?
Người
ta vẫn nói, cuộc sống đầy tính kịch. Song với Tuyết Nhung, cuộc sống của cô vốn đã là một vở kịch. Đúng vào khoảnh khắc cô sắp ngã xuống vực
thẳm tình yêu, thì bỗng nhiên có người dang tay ra, ngăn cô lại. Người
đó chính là Ngô Vũ.
Chiều hôm đó, Tuyết Nhung ngồi lì trong phòng luyện đàn. Giáo sư đã giao cho cô luyện bản sonata cappela của J.S
Bach. Bản nhạc này Tuyết Nhung đã luyện được vài ngày, song bản thân cô
vẫn chưa thấy hài lòng với những gì mình làm được. Cô luôn cảm thấy gần
đây âm nhạc của mình chơi quá phù phiếm, mất đi nét cổ điển và nghiêm
cẩn vốn có trong nhạc J.S Bach. Có lẽ là vì tâm trạng cô đang ngày một
trở nên nóng nảy.
“Cốc… cốc… cốc!” Một tiếng gõ dài xen kẽ hai
tiếng gõ ngắn, có người nào đó đang gõ nhẹ lên cánh cửa phòng nhạc.
Tuyết Nhung lặng người, chẳng cần phải quay đầu lại xem ai đang đứng
ngoài cửa, cô cũng có thể đoán ra đó là Ngô Vũ! Cô vội vã chạy ra mở
cửa, quả nhiên là anh ấy! Là Ngô Vũ!
Nếu như nói Lancer tiến đến
bên Tuyết Nhung bằng sự lãng mạn và lém lỉnh rất Mĩ, bằng những bất ngờ
đến bàng hoàng, thì Ngô Vũ lại từ từ bước vào cuộc đời cô như nước chảy
đá mòn. Giống như hôm nay, việc anh ấy vượt ngàn dặm xa xôi từ Trung
Quốc đến Mĩ, rồi xuất hiện ngay trước mắt Tuyết Nhung không hề khiến cô
ngạc nhiên. Dù gần đây, hai người ít liên lạc với nhau do Tuyết Nhung
bận thích nghi với cuộc sống mới, song chỉ khi nào Ngô Vũ biến mất hoàn
toàn khỏi cuộc sống của cô, không đến Mĩ gõ cửa phòng nhạc như thế này
thì Tuyết Nhung mới thấy bất ngờ.
Lúc này, Ngô Vũ đang đứng
nghiêm chỉnh ngay trước mặt cô. Vì phòng nhạc hơi nhỏ, sau khi đóng cửa
lại, khoảng cách giữa hai người đã gần thêm rất nhiều. Có lẽ do vậy nên
họ bỗng thấy có chút ngượng ngùng.
Trong vài phút im lặng ngắn
ngủi, Tuyết Nhung chăm chú ngắm nhìn Ngô Vũ. Những kỉ niệm ấu thơ trong
sáng bỗng chốc ùa về. Cô như nhìn thấy cậu bé cắt đầu húi cua ngày nào
đang nhoẻn miệng cười.
Cha của Ngô Vũ là thầy dạy đàn đầu tiên
của Tuyết Nhung. Trước đây, mẹ cô và chú Ngô cùng dạy học ở trường Đại
học Sư phạm. Chú Ngô là giáo viên dạy vĩ cầm của khoa âm nhạc, còn mẹ cô là cô giáo dạy tiếng Anh của khoa Ngoại ngữ. Tuyết Nhung còn nhớ năm cô bốn tuổi, một ngày nọ, mẹ dẫn cô đến nhà chú Ngô, nhờ chú dạy đàn cho
cô. Nói ra kể cũng thú vị, hồi đó, người ra mở cửa cho hai mẹ con cô
chính là Tiểu Ngô Vũ. Vừa nhìn thấy khuôn miệng hơi nhếch lên của anh
ấy, Tuyết Nhung liền bật cười khanh khách, bị cô cười nhạo, Ngô Vũ liền
mím môi lại rồi chạy thẳng vào phòng.
Đó chính là ấn tượng đầu tiên của Tuyết Nhung về Ngô Vũ.
Sau này Tuyết Nhung mới biết, không chỉ cô học đàn, chú Ngô còn bắt cả con
trai mình học đàn. Vì Ngô Vũ lớn hơn cô một tuổi, nên đương nhiên anh ấy bắt đầu học sớm hơn cô một chút. Hai người họ nghiễm nhiên trở thành sư huynh sư muội của nhau. Khi Tuyết Nhung kéo những nốt nhạc đầu tiên,
Ngô Vũ đã kéo được cuốn sách nhạc thứ hai của nhạc trưởng Hidemi
Suzuki[1]. Nhưng chỉ nửa năm sau, Tuyết Nhung đã đuổi kịp Ngô Vũ.
[1] Hidemi Suzuki: Nhạc trưởng tài ba của Nhật Bản.
Thấy tiến độ học nhạc của con trai mình quá chậm chạp nên chú Ngô muốn lấy
Tuyết Nhung ra làm động lực thúc đẩy Ngô Vũ. Vì thế, ông quyết định để
hai đứa trẻ học cùng nhau. Do căn nhà quá nhỏ, nếu cùng chơi đàn chúng
sẽ làm ảnh hưởng đến hàng xóm, cuối cùng chú Ngô quyết định dẫn cả hai
đến phòng tập đàn của khoa nhạc.
Cứ thế, hai đứa bé dần dần tạo
nên một góc tranh riêng cho khoa nhạc. Mỗi ngày, cứ vào khoảng bốn năm
giờ chiều, người ta lại thấy có hai đứa trẻ dắt tay nhau đi vào đi ra
phòng nhạc. Đôi lúc, chú Ngô không ở đó, hai đứa lại ngồi cãi nhau ở cầu thang hoặc cùng đùa nghịch ở vườn hoa trong sân trường. Hồi ấy, tất cả
những cô chú ở đó đều gọi hai đứa là “hai tiểu thần đồng vĩ cầm”.
Theo lẽ thông thường, hai đứa trẻ vô tư lớn lên cùng nhau như Tuyết Nhung và Ngô Vũ sẽ trở thành đôi bạn thanh mai trúc mã, song sự thật họ chưa bao giờ là cặp thanh mai trúc mã đúng nghĩa. Bởi vì ngay từ cái nhìn đầu
tiên, Tuyết Nhung đã ghét cay ghét đắng cái miệng nhếch lên đó. Sau này
nghe đứa trẻ khác kể, miệng Ngô Vũ sở dĩ thành ra như vậy là do trước
đây mút sữa quá nhiều. Hồi nhỏ, Ngô Vũ rất thích khóc, đã khóc thì không ai có thể dỗ được, chỉ khi nào nhét núm sữa vào miệng, anh ấy mới chịu
nín. Không chỉ có thế, nghe nói khi quá lớn để ngậm núm sữa, Ngô Vũ bắt
đầu có tật mút tay: lúc đói mút tay, buồn ngủ cũng mút tay, thậm chí khi không vui cũng mút tay. Chính vì thế mà miệng của Ngô Vũ cứ dần bị
nhếch lên.
Sau khi nghe những truyền kỳ thú vị này, Tuyết Nhung
đương nhiên càng coi thường thằng nhóc thích mút sữa đó. Mỗi lần nhìn
thấy khuôn mặt ấy, cô lại tưởng tượng ra cảnh cậu ta mút núm sữa chùn
chụt. Nhưng thời gian dần trôi qua, Tuyết Nhung không còn ghét Ngô Vũ
như trước nữa. Đó là vì một vài chuyện xảy ra giữa bọn họ mà người lớn
không thể biết được.
Lần đầu tiên là vào năm Tuyết Nhung chín
tuổi, cô và Ngô Vũ cùng tham gia một cuộc thi văn nghệ của cung thiếu
nhi thành phố. Tất cả người lớn, kể cả Tuyết Nhung đều cho rằng Ngô Vũ
nhất định sẽ chiến thắng vì anh ấy là một thiên tài biểu diễn. Trong các bài biểu diễn báo cáo, chỉ cần đứng trên sân khấu, Ngô Vũ luôn phát huy rất tốt khả năng của mình. Thêm vào đó, khi đứng trước đám đông hoặc
lúc đối mặt với áp lực quá lớn, với tính cách điềm tĩnh, anh ấy không
bao giờ phạm những lỗi sai mà những đứa trẻ thường mắc phải như quên
nhạc, kéo sai nốt.
Tối trước hôm thi đấu, Tuyết Nhung và Ngô Vũ
cùng luyện đàn trong phòng nhạc. Luyện mãi luyện mãi, cuối cùng Tuyết
Nhung bỗng nhiên đặt đàn vào hộp, rồi đi qua chỗ Ngô Vũ đấm một phát đau điếng vào lưng anh. Chẳng đợi cho Ngô Vũ kịp hiểu ra chuyện gì, Tuyết
Nhung lập tức ngồi sụp xuống đất, ôm mặt khóc tức tưởi. Thấy vậy, Ngô Vũ hoảng sợ quỳ xuống hỏi: “Em làm sao thế? Tại sao em lại khóc?” Tuyết
Nhung vẫn khóc, càng khóc càng nức nở. Ngô Vũ lại hỏi: “Em đừng khóc,
đừng khóc được không?” Ai dè, Ngô Vũ càng nói như vậy, Tuyết Nhung lại
càng gào khóc to hơn nữa. Lúc đó, Ngô Vũ vô cùng bối rối: “Được rồi,
được rồi. Em đừng khóc nữa. Em muốn thứ gì anh cũng sẽ cho em, chỉ cần
em đừng khóc nữa.” Nghe thấy vậy, Tuyết Nhung liền ngẩng đầu lên, sụt
sịt nói: “Rõ ràng là anh biết em muốn gì, vậy mà vẫn giả bộ ngốc nghếch! Đồ trứng thối! Đồ ngốc! Đồ bú tí mẹ!” Dứt lời, cô cầm hộp đàn lên, chạy ra khỏi phòng nhạc.
Ngày hôm sau, trong vòng chung kết của cuộc
thi, Ngô Vũ bất ngờ kéo sai một nốt nhạc. Lỗi sai đó khiến anh kém Tuyết Nhung một điểm. Kết quả, cô chiến thắng, lập tức trở thành cây vĩ cầm
số một của đoàn văn nghệ thiếu nhi thành phố. Những danh hiệu “tiểu
thiên tài”, “tiểu thần đồng” cũng lũ lượt kéo đến với cô. Cũng từ đó,
Tuyết Nhung chính thức chọn vĩ cầm làm nghiệp của đời mình.
Sau
cuộc thi, chú Ngô vô cùng thất vọng về con trai mình. Trong khi đó, mẹ
của Tuyết Nhung lại càng thêm tin tưởng con gái bà có tài năng âm nhạc
thiên bẩm, chắc chắn thuộc về giới âm nhạc. Chỉ Tuyết Nhung và Ngô Vũ là hiểu đã có chuyện gì xảy ra. Song cô chưa một lần kiểm chứng những phán đoán của mình, cũng chưa từng nói lời cảm ơn với Ngô Vũ. Sự thay đổi
duy nhất trong thái độ của cô với Ngô Vũ đó là không còn ghét chiếc
miệng lúc nào cũng nhếch lên của anh, cũng không mắng anh là đồ trứng
thối, đồ ngốc như trước nữa. Với Tuyết Nhung, Ngô Vũ không hề ngốc
nghếch, tất cả đã quá rõ qua sự việc lần này.
Khi lớn thêm chút
nữa, cha của Tuyết Nhung ly hôn mẹ cô. Do kĩ năng chơi đàn của Tuyết
Nhung và Ngô Vũ ngày càng điêu luyện, nên chú Ngô đã tìm một thầy dạy vĩ cầm có tiếng cho cả hai. Chỉ đến khi thi đỗ vào khoa Cơ khí của trường
đại học kĩ thuật hàng đầu ở Bắc Kinh, Ngô Vũ mới cắt hết duyên nợ với âm nhạc. Còn Tuyết Nhung, vì sức khỏe của mẹ không được tốt, nên cô phải
học nhạc ở một trường đại học tại địa phương để có thể ở gần chăm sóc
mẹ. Mặc dù ở hai thành phố khác nhau, song vẫn giống như hồi nhỏ, họ
chưa từng thực sự rời xa nhau. Giống như một người anh trai, mỗi khi
nghỉ hè hay vào những dịp nghỉ dài cuối tuần, Ngô Vũ thường về thăm
Tuyết Nhung, cùng cô luyện đàn, đưa cô đi ăn uống, giúp cô làm các việc
nặng.
Người lớn của hai gia đình, thậm chí cả người mẹ nghiêm
khắc của Tuyết Nhung cũng rất yên tâm khi hai đứa ở bên nhau. Mẹ Tuyết
Nhung biết từ nhỏ con gái bà đã không thích chiếc miệng hếch lên của Ngô Vũ. Theo như bà phán đoán, nếu hai đứa trẻ có một phần một trăm khả
năng yêu nhau, thì chắc đã không cần đợi đến bây giờ. Hai đứa chính xác
là anh em của nhau, không ai có thể làm thay đổi tình bạn thuần khiết
giữa chúng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, với thành tích học tập
xuất sắc, Ngô Vũ thi đỗ nghiên cứu sinh của đại học Massachusetts và
sang Mĩ du học. Đó là lần đầu tiên hai người thực sự rời xa nhau, nhưng
khoảng thời gian đó cũng chỉ kéo dài hai năm ngắn ngủi. Tốt nghiệp thạc
sĩ xong, anh ấy được một trong ba hãng xe hơi lớn nhất nước Mĩ tuyển
dụng, rồi nhanh chóng đảm nhận một chức vụ quan trọng trong phòng kĩ
thuật thuộc chi nhánh công ty tại Thượng Hải. Sau này, cũng chính anh là người giúp Tuyết Nhung liên hệ với trường đại học Mi-chi-gân theo sự
nhờ vả của mẹ cô. Khi mẹ Tuyết Nhung mất, công ty cử Ngô Vũ sang Đức phụ trách một dự án hợp tác. Vì anh phải đi công tác suốt nên trước khi
Tuyết Nhung xuất ngoại, hai người không có nhiều cơ hội gặp nhau. Song
Tuyết Nhung biết, giữa cô và Ngô Vũ không cần nói lời tạm biệt, vì từ
khi mẹ mất đi, anh ấy chính là người thân, là anh trai của cô. Dù có đi
đến phương trời nào hai người nhất định sẽ lại gặp nhau.
Vậy nên, khi Ngô Vũ bất ngờ xuất hiện, Tuyết Nhung chỉ cần nghe tiếng gõ cửa là
đã có thể đoán ra đó chính là Ngô Vũ. Tất cả đều nằm trong dự liệu, cô
chẳng có gì phải ngạc nhiên.
“Sao trước khi đến đây anh không báo cho em một tiếng để em đi đón?” Tuyết Nhung lên tiếng, phá vỡ bầu không khí im lặng.
“Anh đi gấp quá, lại phải giải quyết rất nhiều việc trong một khoảng thời gian ngắn nữa.” Ngô Vũ đáp.
Chỉ khi nói chuyện với Ngô Vũ, Tuyết Nhung mới có cơ hội để quan sát anh ấy thật kĩ càng. Cậu nhóc ngày nào giờ đã thay đổi nhiều quá. Đầu tiên là
đôi môi, nó không còn nhếch lên như trước nữa. Mặc dù bây giờ những
đường nét trên môi Ngô Vũ vẫn chưa rõ ràng, song khóe môi banh ra hai
bên đã khiến anh ấy trông nam tính hơn rất nhiều. Một điểm khác biệt lớn nữa là cặp kính cận ngày xưa đã biến mất, có lẽ nó đã được thay bởi một cặp kính áp tròng. Lần đầu tiên, Tuyết Nhung nhìn thấy rõ hàng lông
mày, cặp mắt và sống mũi của Ngô Vũ. Cặp lông mày của anh rất dày, giống hệt của chú Ngô. Đôi mắt anh mặc dù không ánh lên vẻ tự tin như những
chàng trai Mĩ, nhưng không hề có vẻ né tránh. Nét cá tính nhất trên
khuôn mặt Ngô Vũ chính là sống mũi. Tuyết Nhung từng nghe nói “đàn ông
đẹp, đẹp ở sống mũi”. Chiếc mũi thẳng đứng nhưng không kiêu ngạo khiến
khuôn mặt Ngô Vũ toát lên vẻ nho nhã truyền thống của người Trung Quốc.
“Em thế nào? Đã quen với cuộc sống ở đây chưa?”
“Lúc mới đến vẫn chưa quen lắm, bây giờ thì tốt hơn nhiều rồi.” Tuyết Nhung thoải mái trả lời.
“Bây giờ em còn thiếu thứ gì không?” Ngô Vũ lại hỏi.
“Em vẫn ổn. Nếu thiếu thứ gì sẽ nói với anh sau.”
Đó là những câu trước đây họ từng nói mỗi lần Ngô Vũ từ Bắc Kinh trở về
thăm Tuyết Nhung. Nếu như đang ở Trung Quốc, Tuyết Nhung nhất định sẽ
cảm thấy rất ấm áp, rất gần gũi. Song đây là nước Mĩ, cách nói chuyện
kiểu này của Ngô Vũ chẳng hiểu sao lại khiến cô thấy là lạ.
“Em
vẫn dùng cây đàn đó ư?” Ngô Vũ liếc mắt nhìn cây đàn Tuyết Nhung đặt
trên ghế. Cô bật cười lớn: “Đương nhiên rồi, lẽ nào anh muốn lấy lại nó
à?” Dứt lời, cả hai cùng cười vang. Năm đó, chú Ngô phải khó khăn lắm
mới nhờ người mua được cây đàn này từ nước ngoài cho cậu con trai cưng
của mình. Kết quả, sau khi kéo thử một lúc, Tuyết Nhung liền mê mẩn nó.
Ai dè Ngô Vũ lại nói với cha mình, anh căm ghét cây đàn đến tận xương
tận tủy, anh hoàn toàn không có cảm hứng với nó. Nếu cha cứ bắt anh kéo
cây đàn đó, anh sẽ không bao giờ học vĩ cầm nữa! Dưới sự uy hiếp của con trai, chú Ngô đành phải nhượng bộ, giao cây đàn mà đứa con trai cưng
mình căm ghét cho cô bé không ghét bỏ nó – Tuyết Nhung.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều những bí mật giữa Tuyết Nhung và Ngô Vũ. Tuyết
Nhung biết, bất kể thứ gì của Ngô Vũ, nếu cô muốn, anh nhất định sẽ cho
cô.
“Nhung Nhi, sau này em sẽ kéo cây đàn này để mưu sinh, hay sẽ thay một cây đàn khác?”
Nghe câu hỏi này, Tuyết Nhung thực không biết phải trả lời thế nào. Ở Mĩ,
đàn của những nghệ sĩ vĩ cầm chuyên nghiệp tối thiểu cũng trên một vạn.
Đàn của những người bạn cùng lớp cô thậm chí còn lên đến vài vạn. Với
một sinh viên nghèo như Tuyết Nhung, chuyện đó quả là quá quá sức tưởng
tượng. Nghĩ đến đây, cô liền chuyển sang chủ đề khác: “Lần này anh đi
công tác bao lâu? Em dẫn anh đi thăm quan trường em nhé!”
“Anh không đi công tác. Anh đã đề nghị công ty điều đến làm việc tại trụ sở chính ở Mĩ rồi.” Ngô Vũ vẫn thản nhiên nói.
“Trời ơi! Thế còn cha mẹ anh thì sao?” Tuyết Nhung sững sờ.
“Họ vẫn khỏe. Anh cũng đã thuê người giúp việc. Em cứ yên tâm!”
Lúc này, Tuyết Nhung không còn biết phải nói gì nữa. Cô không diễn tả được
cảm giác thực sự của mình lúc này khi Ngô Vũ đột ngột đến bên cô. Một
mặt, Tuyết Nhung rất vui mừng vì cuối cùng cô đã có người thân ở Mĩ để
dựa vào, mặt khác, cô vẫn có chút lo lắng. Trực giác mách bảo Tuyết
Nhung rằng, giờ đây cô không thể là một chú chim sổ lồng, tự do bay lượn trên giữa đất Mĩ xinh đẹp này nữa.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT