Rốt cuộc Phương Giải đã bị giam trong mật lao của Đại Nội Thị Vệ Xử này bao lâu rồi, chính bản thân hắn cũng hoàn toàn không có khái niệm gì hết. Ở một nơi ngày đêm lẫn lộn chẳng thể phân biệt thế này, muốn nắm được sự di chuyển của thời gian là một điều rất khó rất khó. Nhưng cũng may, từ sau khi Trác Bố Y đến thăm, hắn đã không còn nàng đơn một mình.

Khâu Dư mỗi ngày đều đến, có lẽ là do thấy có lỗi với người thiếu niên này, có lẽ là vì sự hiếu kì của nàng đối với cơ thể này. Nhưng bất luận là vì lí do gì, Phương Giải cũng đều kính trọng nàng. Giáo thụ Ninh Ngôn nói, cái ngày mà Phương Giải bị bắt giam, Khâu Dư tức giận đến đập nát cả bàn của Chu Viện trưởng, phá tan phòng của ông ta. Đây là việc mà chỉ có người dũng khí lớn lắm mới làm ra. Phương Giải chắc chắn, người trong Viện Diễn Võ dám làm ra việc như thế tuyệt đôí không nhiều, không chừng chỉ có mình giáo thụ Khâu Dư thôi.

Đôi câu vài lời đã là ân tình, huống hồ là phá tan phòng của Chu Viện trưởng một cách ngang tàng dã man.

Phương Giải từng hỏi Khâu Dư, đập nát bàn của Chu Viện trưởng, phá tan phòng của ông ta, rồi cảm giác như thế nào? Vừa lúc đó Khâu Dư đang chuẩn bị rời khỏi và trở về Diễn Võ Viện. Nàng chắp tay ra sau, di tới cửa rồi hơi ngừng lại một chút, sau đó đầu cũng không quay lại mà chỉ nói:

- Sảng khoái!

Cho nên Phương Giải càng khẳng định, tuyệt đối không được chọc giận người phụ nữ này.

Những lúc rảnh rỗi, hắn thường nghĩ, mình phải bị giam bao lâu nữa? Cứ giam giữ không thả ra ngoài, giết cũng không giết, xá tội cũng không xá tội, đúng là khảo nghiệm sự nhẫn nại của hắn mà. May là những lời của giáo thụ Ninh Ngôn khiến hắn hiểu ra rất nhiều chuyện, nên hắn cũng dần bình tĩnh trở lại. Tuy vẫn có cảm giác hưởng thụ, nhưng miễn cưỡng có thể tâm bình khí hoà mà học tập, yên tĩnh kiên định tu luyện.

Chỉ có điều hắn không biết, mấy ngày nay Hoàng đế thật sự là quên mất hắn.

Chiến sự ở Tây Bắc đã đến thời điểm hết sức căng thẳng. Đại quân mấy mươi vạn từ các nơi khác điều đến Tây Bắc đều đã vào vị trí, vật tư cung cấp cho trăm vạn đại quân cũng đã vào vị trí, lại thêm biên quân và quân đóng ở các lộ của Tây Bắc. Bây giờ số nhân mã tập trung ở Sơn Đông Đạo đã không dưới bảy mươi vạn. Đến lúc này, đã không còn gì để giấu được nữa.

Và thành Phàn Cố, lại trở nên quan trọng hơn cả.

Thành Trường An đã vào đông, thì thành Phàn Cố đương nhiên càng lạnh hơn tới mức người ta không thể thích ứng được. Nhưng ở đây vốn không có chia ra bốn mùa, ngược lại càng đi về phía tây, càng đi sâu vào đế quốc Mông Nguyên thì khí hậu lại ấm dần trở lại. Nghe nói ở Kim Trướng một năm bốn mùa như xuân, nhưng người Đại Tuỳ chưa ai được chứng kiến.

Phàn Cố đi xa hơn nữa về phía tây, vượt qua dãy núi Lang Nhũ chính là lãnh địa của Mãn Đô Kỳ đế quốc Mông Nguyên. Ở đây cơ bản là không khác gì mấy so với Phàn Cố, chỉ là dường như gió ở đây mạnh hơn thôi. Kỳ chủ Mãn Đô Kỳ - Mãn Đô Lạp Đồ - là một người cực kì cứng rắn thuộc phái chủ chiến. Lâu nay y luôn chủ trương gây chiến với Đại Tuỳ. Mấy năm nay, những cuộc xung đột nhỏ giữa biên quân phía bắc Đại Tuỳ với biên quân Mông Nguyên, phần lớn đều Mãn Đô Lạp Đồ này lập mưu.

Đối diện với núi Lang Nhũ là thành Niết Bàn, biên thành cực đông của Mông Nguyên. Trong thành có hai ngàn kị binh Mông Nguyên, tướng quân ở đây là nhân tài thế hệ trẻ của gia tộc Mãn Đô – Mãn Đô Lang.

Mấy mươi vạn hùng binh Đại Tuỳ tập kết ở Sơn Đông Đạo, Mãn Đô Lang đương nhiên đã sớm biết. Ngay khi vừa nhận được tin báo, y đã phái người đi nhanh đến thành Vân Đài - trị thành của Mãn Đô Kỳ - báo tin, bất chấp ngày đêm. Lãnh địa của Mãn Đô Kỳ được xem là nhỏ nếu so với các kỳ khác ở Mông Nguyên, nhưng qui mô cũng có đến mấy ngàn dặm. Mãn Đô Kỳ không ít thì nhiều cũng có chút quan hệ huyết thống với gia tộc Hoàng Kim. Tuy quan hệ rất xa, nhưng loại quan hệ huyết thống này khiến họ có thể danh chính ngôn thuận tự xưng là quí tộc.

Gia tộc Hoàng Kim thống trị Mông Nguyên, có họ Khoát Khắc Đài Mông, trong ngôn ngữ Mông Nguyên thì nó có nghĩa là “sói có cánh”. Đại Hán bây giờ có tên Khoát Khắc Đài Mông Ca, người Đại Tuỳ quen gọi là Mông Ca. Gia tộc Hoàng Kim đã thống trị vùng thảo nguyên rộng lớn này hơn ngàn năm. Từ khi Đại Luân Minh Vương đời đầu tiên trao vương miện cho gia tộc Hoàng Kim trên Đại Tuyết Sơn đến nay, đã qua mấy mươi đời.

Gia tộc Khoát Khắc Đài Mông ra đời và phát triển ở cực tây thảo nguyên. Theo truyền thuyết, nghìn năm về trước, thảo nguyên do một tên ma quỷ hắc ám thống trị. Mỗi năm các dân du mục đều phải cống dâng một người sống làm vật hiến tế, còn phải cống nạp gần như toàn bộ số dê bò, dân chúng lầm than. Sau đó, khi sứ giả của ma quỷ hắc ám đến lãnh địa của gia tộc Khoát Khắc Đài Mông, người thủ lĩnh trẻ tuổi của bộ tộc Khoát Khắc Đài Mông Khoách dùng loan đao chém chết sứ giả, rồi đứng trên Đại Tuyết Sơn phát hiệu lệnh đến khắp thảo nguyên, lật đổ chế độ thống trị của ác ma.

Các bộ tộc dân du mục bị áp bức quá lâu đều hưởng ứng, khởi binh đi theo Mông Khoách, trải qua hơn trăm trận chiến lớn nhỏ, cuối cùng cũng đánh bại quân đội của ác ma. Với sự giúp đỡ của Đại Luân Minh Vương đời đầu tiên của Phật tông, họ đã giết chết ác ma có pháp lực cao cường, lập nên đế quốc Mông Nguyên lớn mạnh và thống nhất.

Mông, có nghĩa là gia tộc Khoát Khắc Đài Mông. Nguyên, đại diện cho sự bắt đầu, vòng tuần hoàn vô cùng vô tận. Nghe nói tên của đế quốc cũng là do Đại Luân Minh Vương ban cho.

Đương nhiên, đây chỉ là truyền thuyết. Nhưng điều chắc chắn là, trong cuộc chiến thống nhất Mông Nguyên của gia tộc Khoát Khắc Đài Mông năm xưa, Phật tông đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi một nhiệm kì Đại Hán Mông Nguyên, đều là tín đồ Phật tông ngoan đạo và là đệ tử của Đại Luân Minh Vương. Mặc dù chỉ là hư danh, Đại Hán sẽ không thật sự lên Đại Tuyết Sơn tu luyện, nhưng cái hư danh này, lại chính là thủ đoạn hiệu quả nhất giúp gia tộc Khoát Khắc Đài Mông thống trị thảo nguyên.

Quyền uy của gia tộc Hoàng Kim, Khoát Khắc Đài Mông, là không thể chống lại. Nếu người nào mạo phạm gia tộc Hoàng Kim, thì sẽ chịu trừng phạt nghiêm trọng nhất, là diệt tộc.

Mông Nguyên tuy không có phân chia triều đình rõ ràng như đế quốc trung nguyên, nhưng trải qua nghìn năm nay, cũng đã có một cơ chế hoàn thiện. Điểm khác biệt lớn nhất so với các quốc gia trung nguyên chính là, người Mông Nguyên tôn sùng vũ lực. Trong quan điểm của họ, các văn nhân biết làm thơ viết câu gì đó của trung nguyên, cũng giống như thằng hề biểu diễn tạp kĩ ở quốc gia họ vậy. Họ rất khó có thể lí giải, Hoàng Đế trung nguyên lại để cho đám người trói gà không chặt đó chấp chưởng triều quyền.

Trong mắt người Mông Nguyên, chỉ có võ sĩ mới đáng được người khác tôn trọng.

Mãn Đô Lạp Đồ đã năm mươi mấy tuổi. Y luôn hi vọng, lúc còn sống có thể suất lĩnh kị binh dũng mãnh của thảo nguyên quyết một trận tử chiến với người Tuỳ. Y vốn nghĩ rằng mình không thể sống đến ngày đó. Nhưng trời cao chiếu cố, chiến tranh ập đến một cách đột ngột, không hề có dấu hiệu báo trước.

Lúc nhận được tin cấp báo của Mãn Đô Lang, Mãn Đô Lạp Đồ với bộ râu đã bạc phơ trầm mặc một hồi lâu. Y đột nhiên cảm thấy hoảng sợ, không biết là mình nên phẫn nộ hay nên vui mừng.

Đối với chiến tranh, một người năm mươi tuổi, thật ra đã sớm hiểu ra một đạo lý.

Chiến tranh… luôn không phải là một điều tốt đẹp.

Thái độ của gia tộc Mãn Đô với Đại Tuỳ tuy cứng rắn, nhưng chỉ là một thói quen. Mà khi chiến tranh thật sự xảy ra, Mãn Đô Lạp Đồ mới phát hiện, bản thân y rêu rao mấy chục năm, mà vẫn chưa có chuẩn bị gì hết.





Hà Đại Tráng là một lão binh đã nhập ngũ bảy năm, thuộc Hữu Kiêu Vệ. Năm xưa lúc y vừa gia nhập quân đội, luôn mơ ước rằng có ngày y sẽ được như phụ thân mình, cầm đao chiến đấu trên lãnh thổ quân địch, chém đầu tất cả những kẻ dám phản kháng quân đội Đại Tuỳ, để đổi quân công.

Phụ thân y cũng từng là chiến binh của Hữu Kiêu Vệ, từng tham gia chiến dịch diệt Thương. Thời thơ ấu của y, trôi qua trong những hồi ức của phụ thân. Y rất thích những câu chuyện như thế, rất thích ngắm khuôn mặt đỏ chót như uống sau rượu mỗi khi phụ thân kích động, và còn ngọn lửa không thể kìm chế được trong mắt ông.

Mặc dù phụ thân y cho đến khi tuổi già về hưu, vẫn chưa thể có được một chức vị Thập trưởng, nhưng vẫn không thể ngăn cản lòng kiêu hãnh của ông lão sống mấy mươi năm trên lưng ngựa. Trong câu chuyện của phụ thân, chứa đầy giết chóc, cướp đoạt, cũng không thiếu gì gian dâm các phụ nữ địch quốc. Nhưng phụ thân y hoàn toàn không cho đây là sự phản bội đối với mẫu thân y, ngược lại, ngay cả mẫu thân y cũng không cảm thấy làm như vậy là có gì sai.

Thời niên thiếu, Hà Đại Tráng thích nhất là trò quơ cây đao gỗ mà phụ thân y làm cho. Khi chơi trò đánh trận giả với các bạn trong làng, những đứa yếu ớt thường bị ép làm quân Thương, còn những đứa to con khoẻ mạnh thì luôn tranh giành cơ hội đóng vai quân Tuỳ.

Điều làm cho Hà Đại Tráng thấy bất đắc dĩ là, lúc còn nhỏ y rất nhỏ con, luôn là đứa bị ăn hiếp. Trong trò chơi mà từ nhỏ đến lớn y luôn yêu thích, y luôn là người đóng vai kẻ địch của Đại Tuỳ, sau đó chết dưới đao gỗ của mấy đứa khác. Tuy điều này khiến hắn không vui, nhưng vẫn không làm giảm bớt sự nhiệt tình của y đối với trò chơi này.

Y luôn cảm thấy rốt cuộc rồi cũng sẽ có một ngày, y trở nên cao lớn khôi ngô, nhận lấy binh phục Đại Tuỳ từ tay phụ thân, nhận lấy cây hoành đao sắc bén vô cùng, trở thành nhân vật chính trên chiến trường, đạp tất cả kẻ địch dưới chân mình.

Y mơ ước rất nhiều năm, cho đến khi y trở thành một quân nhân.

Trong hai năm đầu sau khi nhập ngũ, y vẫn duy trì khát vọng đối với chiến tranh. Nhưng tuổi tác càng lớn, tư tưởng càng trưởng thành, y phát hiện mình lại thấy sợ chiến tranh. Y không dám nói với bất cứ ai về mối lo này, vì y sợ sẽ bị người khác chê cười. Thân là chiến binh Đại Tuỳ, làm sao có thể sợ chém giết được?

Tuy rằng bây giờ y thật sự to con vạm vỡ, nhưng thứ trong tay y đã không còn là đao gỗ nữa, mà là một cây hoành đao thật sự.

Y tự hào vì phụ thân của mình, phụ thân y cũng tự hào về y. Cả đời phụ thân chưa làm qua Thập trưởng, mà Hà Đại Tráng tòng quân mới năm năm thì đã được thăng chức, trở thành Đội Chính rồi, dưới trướng y có tới năm mươi binh sĩ tinh nhuệ. Mỗi khi nhắc đến, phụ thân y cũng đều đắc ý cười toe toét.

Ngay khi hơn một năm về trước, thần may mắn chiếu cố, y lại lần nữa được thăng chức. Hà Đại Tráng được thăng làm Lữ Suất, nắm giữ một trăm binh sĩ.

Nhưng lần thăng chức này, y không hề thấy vui trong lòng.

Trận chém giết một năm về trước, tới bây giờ vẫn khiến y không tài nào yên giấc. Y cùng với rất nhiều đồng đội khác trong Hữu Kiêu Vệ cùng nhau xuất phát, rời khỏi doanh trại, đi đến cái nơi tên là thành Phàn Cố. Đêm tối hôm đó, họ phụng mệnh xông vào trong thành, giết sạch tất cả những người trong đó.

Mệnh lệnh của cấp trên nói, các bá tánh thành Phàn Cố đã bị người Mông Nguyên mua chuộc, bán tình báo nước ta cho địch. Thật đáng xấu hổ! Những người đó không còn là người Tuỳ đầy kiêu ngạo nữa. Các binh sĩ phẫn nộ xông vào, giết chết mỗi một khuôn mặt xa lạ. Những bá tánh đang trong giấc nồng ấy đều trở thành ma dưới đao binh sĩ nước mình, kể cả người già phụ nữ và trẻ em.

Đêm hôm đó, Hà Đại Tráng cũng giết không ít người.

Phẫn nộ làm mờ mắt y, giết chóc làm tay y nhuốm màu máu. Lúc y ngừng lại, tỉnh táo lại thì đột nhiên cảm thấy lạnh dọc sống lưng.

Những bá tánh bị tàn sát đó, có thật đều là gian tế của Mông Nguyên không?

Y không thể xác định, nhưng cũng không dám đi tìm hiểu.

Y nghe nói, thì ra quân thủ thành của thành Phàn Cố đều bị giết hết rồi. Trước khi họ xông vào thành Phàn Cố nửa ngày, tám trăm biên quân ở đây đã bị kỵ quân dưới trướng Đại Tướng Quân nghiền thành thịt nát xương tan.

Những chuyện này, trở thành ác mộng mà y vĩnh viễn không thể thoát khỏi. Không biết đã bao nhiêu đêm, y giật mình tỉnh giấc với mổ hôi chảy đầm đìa, trong đầu vẫn là gương mặt của những phụ nữ và trẻ em đó, không thể xoá đi được.

Y bắt đầu nốc rượu, tửu lượng càng ngày càng lớn, nhưng lại càng ngày càng không dễ say.





Hà Đại Tráng quay đầu nhìn các binh sĩ theo sau y. Tay y làm động tác đè xuống, ra dấu tất cả cúi thấp người xuống. Một trăm binh sĩ được vũ trang tới tận răng theo sát sau lưng y. Hai Đội trưởng, một trái một phải, từ đầu chí cuối đều bảo vệ hai bên cánh của y. Họ xuất phát từ thành Phàn Cố khi vừa chập tối, sai đó ẩn núp trên núi Lang Nhũ này suốt một đêm.

Quân Tuỳ biết quân Mông Nguyên đặt không ít trạm gác ngầm trên núi Lang Nhũ này, nhưng chưa từng quá lưu tâm. Sự tồn tại của những trạm gác đó, chính là minh chứng cho việc người Mông Nguyên cũng sợ quân Tuỳ. Họ sợ người Tuỳ sẽ vượt qua núi Lang Nhũ, cho nên mới lén lén lút lút phái không ít thám báo ở đây.

Nhiệm vụ của Hà Đại Tráng, chính là dùng thời gian một đêm quét sạch tất cả thám báo của Mông Nguyên trên núi này.

Đêm nay, bọn Hà Đại Tráng ít nhất đã giết chết hai mươi thám báo Mông Nguyên, mà không gây ra động tĩnh gì. Trước khi trời sáng, còn lại chỗ cuối cùng chưa tới kịp. Đó chính là nơi cao nhất của núi Lang Nhũ, ít nhất có ba mươi binh sĩ Mông Nguyên trường kỳ trấn thủ ở đó. Khi nhìn thấy thám báo Mông Nguyên đầu đội nón trụ bằng da, thân mặc áo giáp màu xám xuất hiện cách họ trăm mét, Hà Đại Tráng day day hàng lông mày, xua đi những suy nghĩ đâu đâu trong đầu.

- Chia làm hai đội bọc đánh, một đội vòng tới một bên khác của núi, đề phòng có người chạy thoát. Đội còn lại theo ta, tiến lên trước.

Y thấp giọng dặn dò một câu, sau đó từ từ đưa cây liên nỏ lên, đặt ngay lại, nhắm thẳng vào một thám báo Mông Nguyên đang tuần thị trong phạm vi ba mươi mét.

- Giết!

Một tiếng gào trầm thấp phát ra từ cổ họng y, mấy cây tên cùng lúc bắn nhanh ra, làm cho người Mông Nguyên té rầm xuống đất. Y đứng dậy, rút hoành đao ra:

- Đại Tuỳ!

- Tiến lên!

Các binh sĩ hô một tiếng, xông lên cứ điểm cuối cùng của người Mông Nguyên trên núi Lang Nhũ này.

Chiến tranh

Tới rồi.

----------oOo----------

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play