Tôi không biết vì sao tôi lại có mặt trên boong tàu. Có lẽ Nét đã vác tôi lên đó. Dù sao tôi cũng đang thở hít không khí trong lành của biển. Các bạn tôi cũng đang thở hít say sưa như vậy.
-Chà chà! Dưỡng khí quả là của quý!
-Công-xây nói.
-Thưa giáo sư, giờ thì giáo sư đừng e dè gì cả. Có đủ không khí cho tất cả mọi người. Nét Len chẳng nói chẳng rằng. Anh ta chỉ ngoác miệng ra để thở đến nỗi cá mập nom thấy cũng phải mất tinh thần! Chúng tôi lại sức rất nhanh, nhưng khi quay lại, ngoài chúng tôi ra, tôi chẳng thấy bóng một thủy thủ nào. Cả thuyền trưởng nữa. Những thủy thủ kỳ dị của tàu Nau-ti-lúx chỉ cần chút không khí trong tàu là đủ. Những lời nói đầu tiên của tôi là lời cảm ơn hai người bạn cùng đi. Trong những giờ hấp hối kéo dài. Công-xây và Nét đã cố gắng cho tôi sống. Ân nghĩa này biết lấy gì trả được!
-Giáo sư nói đến chuyện ân huệ làm gì!
-Nét trả lời.
-Có gì đáng gọi là ơn đâu. Đó là chỉ một con tính đơn giản. Tính mệnh giáo sư quý hơn chúng tôi nhiều. Vì vậy cần bảo vệ.
-Không đúng đâu, ông Nét ạ, -Tôi trả lời.
-Không có gì cao quý hơn tấm lòng tốt và cao thượng như tấm lòng của ông!
-Giáo sư quá khách khí!
-Nét ngượng nghịu.
-Cả anh nữa, Công-xây ạ, anh cũng rất mệt.
-Không ạ, không mệt lắm đâu ạ. Thú thực, tôi cũng thiếu chút ít không khí, nhưng tôi đã quen rồi. Hơn nữa, tôi thấy giáo sư bị ngất nên bản thân tôi cũng chẳng muốn thở nữa. Tôi hết sức xúc động.
-Các bạn, từ nay chúng ta mãi mãi gắn bó với nhau. Đối với tôi, các bạn có đầy đủ quyền hạn...
-Và tôi sẽ sử dụng quyền đó, -Nét ngắt lời tôi.
-ấy ấy!
-Công-xây nói.
-Đúng, -Nét nói tiếp, -tôi sẽ sử dụng quyền mang giáo sư đi theo, khi tôi rời bỏ cái tàu Nau-ti-lúx quỷ quái này.
-Thực ra, chúng ta chẳng đang đi theo một chiều hướng tốt là gì, -Công-xây nói.
-Đúng vậy, -Tôi trả lời, -chúng ta đang hướng về mặt trời, mà mặt trời ở đây là phương bắc.
-Nhưng vấn đề là ở chỗ tàu sẽ chạy về Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, nói khác đi là sẽ chạy đến một vùng biển có nhiều tàu qua lại hay hoang vắng, -Nét nói. Tôi không giải đáp được câu hỏi đó. Bản thân tôi cũng sợ thuyền trưởng Nê-mô sẽ đưa chúng tôi về Thái Bình Dương nằm giữa bờ biển châu Mỹ và châu á. Tới đó, ông ta sẽ kết thúc chuyến đi vòng quanh thế giới của mình và sẽ quay về những vùng biển, nơi tàu Nau-ti-lúx được độc lập, tự do nhất. Nhưng nếu tàu quay lại Thái Bình Dương, xa miền đất có người ở thì kế hoạch của Nét sẽ ra sao? Một thời gian ngắn nữa chúng tôi sẽ được biết chính xác về điều này. Tàu chạy rất nhanh, vượt qua vòng Nam cực rồi hướng về mũi Hoóc. Bảy giờ tối 31 tháng ba, tàu chạy ngang qua điểm cực nam của châu Mỹ. Tới đây, tất cả những gian khổ vừa qua của chúng tôi đã bị quên đi. Chúng tôi chỉ nghĩ đến tương lai. Thuyền trưởng Nê-mô không xuất hiện trên boong tàu cũng như trong phòng khách. Viên thuyền phó hằng ngày đánh dấu trên bản đồ bán cầu, giúp tôi theo dõi chính xác đường đi của tàu. Tối hôm đó, tôi rất sung sướng khi thấy tàu đang rẽ sóng Đại Tây Dương mà chạy về hướng bắc. Tôi báo cho Nét và Công-xây biết kết quả quan sát của tôi.
-Rất tốt, -Nét nói, -nhưng tàu chạy về đâu?
-Cái đó thì tôi chịu, ông Nét ạ.
-Biết đâu sau chuyến đi Nam cực, thuyền trưởng chẳng cho tàu chạy lên Bắc cực rồi quay về Thái Bình Dương qua cái eo biển tây bắc gớm ghiếc ấy?
-Biết ông ta thế nào mà nói trước!
-Công-xây trả lời.
-Thôi kệ ông ta, -Nét nói, -chúng ta sẽ chuồn trước.
-Dù sao, -Công-xây nói thêm, -thuyền trưởng Nê-mô cũng là một người chân chính, và chúng ta sẽ không phải ân hận gì vì đã quen với ông ta.
-Đặc biệt là khi phải chia tay với ông ta!
-Nét nói. Hôm sau mùng 1 tháng 4, mười hai giờ kém mấy phút tàu nổi lên mặt biển. Chúng tôi thấy ở phía tây có bờ biển. Đó là miền Đất Lửa. Sở dĩ những người đi biển gọi như vậy là vì họ thấy nhiều khói từ những túp lều của thổ dân bốc lên. Đất Lửa là một nhóm đảo trải ra trong khoảng ba mươi dặm chiều dài và hai mươi dặm chiều ngang, giữa 53o và 56o độ vĩ nam, giữa 67o50’ và 77o15’ độ kinh tây. Bờ biển có vẻ thấp, nhưng phía xa sừng sững những ngọn núi lớn. Tôi phân biệt được cả ngọn Xác-mi-en-tô nhọn hoắt. Nét cho tôi biết là tùy theo đỉnh núi có bị mây che phủ hay không mà người ta dự đoán được thời tiết xấu hay tốt.
-Thật là một phong vũ biểu tuyệt vời.
-Tôi nhận xét.
-Vâng, đó là phong vũ biểu tự nhiên. Nó chưa lừa dối tôi lần nào khi tàu chạy qua eo Ma-gien-lăng.
Đúng lúc đó, đỉnh núi Xác-mi-en-tô nổi lên trên nền trời, báo trước thời tiết tốt. Tàu Nau-ti-lúx lặn xuống rồi tiến đến gần bờ, nhưng chỉ chạy dọc theo bờ có mấy hải lý. Đến chiều tối, tàu đã tới gần nhóm đảo Phôn-clen. Sớm hôm sau, tôi nhìn thấy những ngọn núi trên nhóm đảo này. Biển ở đây không sâu lắm. Lưới trên tàu thả xuống lấy được mấy loài tảo đặc biệt. Từng đàn ngỗng trời và vịt trời bay đến bờ biển. Thế là bữa ăn trưa trên tàu lại được cải thiện. Tôi ngắm nhìn nhiều loài sứa rất đẹp mắt và muốn giữ lại mấy tiêu bản của những động vật hình cây này, nhưng tiếc là ở ngoài môi trường nước biển, chúng sẽ bị phân hủy nhanh chóng. Khi những ngọn núi cuối cùng của đảo Phôn-clen khuất sau chân trời, tàu Nau-ti-lúx lặn xuống sâu hai mươi, hai nhăm mét rồi chạy dọc bờ biển Nam Mỹ. Thuyền trưởng Nê-mô vẫn không xuất hiện. Tối mùng 3 tháng 4, tàu vẫn chạy dọc bờ biển Pa-ta-gô-ni-a. Cuối cùng, tàu vượt qua vùng cửa sông La Pla-ta, rồi ngày mùng 4 tháng 4 thì chạy ngang U-ru-guay, nhưng cách bờ biển năm mươi hải lý. Tàu lượn theo bờ biển ngoằn ngoèo kỳ dị của Nam Mỹ nhưng vẫn hướng về phía bắc. Thế là từ khi đặt chân lên tàu Nau-ti-lúx ở biển Nhật Bản, chúng tôi đã đi được một vạn sáu ngàn dặm. Đến 11 giờ trưa, tàu vượt qua chí tuyến nam rồi chạy ngang qua mũi Phri-ô ra khơi. Thuyền trưởng Nê-mô không ưa quãng bờ biển Bra-xin có người ở này nên cho tàu phóng nhanh vun vút khiến Nét rất bực mình. Chẳng một chú cá nào, chẳng một con chim nào theo kịp tàu, và tất cả những kỳ quan của vùng biển này đều chỉ lướt qua chúng tôi. Tàu phóng nhanh như vậy mấy ngày liền. Chiều mùng 9 tháng 4, chúng tôi nhìn thấy điểm cực đông của Nam Mỹ là mũi Xanh-rốc. Nhưng tàu Nau-ti-lúx lại chạy về phía khác và lặn xuống lớp nước sâu nhất của lòng chảo nằm giữa mũi đất đó và dãy núi Xi-e-ra Lê-ôn trên bờ biển châu Phi. Dưới đáy lòng chảo đó nổi lên mấy ngọn núi tô điểm thêm cho cảnh vật biển sâu. Tôi nói vậy chủ yếu là dựa vào những bản đồ do chính tay thuyền trưởng Nê-mô vẽ và căn cứ vào những quan sát riêng của ông ta. Suốt hai ngày tàu băng qua quãng biển sâu vắng lặng đó. Nhưng ngày 11 tháng tư tàu bỗng nổi lên, chúng tôi trông thấy bờ một vùng biển lớn do cửa sông A-ma-dôn tạo nên. Con sông này đổ vào biển một khối nước lớn đến nỗi nước biển bị nhạt đi trong khoảng nhiều dặm. Tàu vượt xích đạo. Cách chúng tôi hai mươi hải lý về phía tây là Guy-an thuộc Pháp, nơi chúng tôi có thể tìm được nơi nương náu. Nhưng gió đang thổi mạnh làm nổi lên những đợt sóng cồn hung dữ. Với một chiếc xuồng mỏng manh thì sao có thể bơi tới bờ được! Nét Len hiểu rõ được điều đó nên không đả động gì đến chuyện chạy trốn cả. Còn tôi thì cũng lờ đi chẳng nói một lời về những kế hoạch của Nét, sợ anh ta sẽ làm những việc liều lĩnh chắc chắn sẽ đưa tới thất bại. Tôi được đền bù đầy đủ về sự trì hoãn đó bằng công việc nghiên cứu khoa học rất thú vị. Hai ngày vừa qua, 11, 12 tháng 4, tàu Nau-ti-lúx không lặn xuống. Chiếc xuồng con đã đem về tàu đủ loại động vật, hình cây, cá và bò sát. Có lần một con cá đuối rất dẹt bị mắc lưới. Con cá này tròn và dẹt đến nỗi nếu chặt đuôi thì nó sẽ giống hệt một cái đĩa. Nó cân nặng hai mươi ki-lô-gam, dưới trắng, trên hơi đỏ có xen những chấm xanh thẫm lớn, da nhẵn. Khi đặt nó lên boong nó quẫy mạnh hòng thoát xuống biển, nhưng Công-xây rất quý con cá đuối đó nên nhào tới. Tôi chưa kịp ngăn lại thì hai tay anh ta đã nắm lấy con cá. Công-xây tức khắc bị tê liệt, ngã bổ chửng và la to gọi tôi:
-Giáo sư! Giáo sư cứu tôi với! Tôi và Nét nâng anh ta dậy rồi xoa bóp cho. Công-xây vừa tỉnh dậy thì miệng đã lắp bắp:
-Lớp có sụn, bộ cá mập có mang di động, họ cá đuối, giống cá đuối điện.
-Đúng là cá đuối điện, anh bạn ạ. Chính nó đã làm anh đau đấy.
-Thưa giáo sư, ngài có thể tin là tôi sẽ trả mối thù này.
-Trả thù bằng cách gì?
-Bằng cách ăn thịt nó! Anh ta thịt con cá to ngay chiều tối hôm đó nhưng chỉ ăn qua loa cho hả giận vì nói thực, thịt nó cứng như đế giày. Ngày 12 tháng 4, tàu Nau-ti-lúx đến gần Guy-an thuộc Hà Lan, cách cửa sông Ma-rô-ni không xa. ở đây có mấy nhóm bò biển. Những con vật đẹp đẽ, hiền lành này dài sáu, bảy mét, nặng bốn tấn. Thiên nhiên đã dành cho loài bò biển này một vai trò quan trọng. Cũng như hải cẩu, bò biển tìm thức ăn ở những đồng cỏ ngầm, do đó chúng dọn sạnh những đống cỏ chất đầy cửa những con sông nhiệt đới. Tôi nói thêm:
-Các bạn có biết, từ khi con người tiêu diệt gần hết giống vật có ích này thì xảy ra chuyện gì không? Hiện nay cỏ chất đống lại bị thối rữa, làm ô nhiễm không khí. Không khí bị ô nhiễm gây ra bệnh sốt vàng là một tai họa cho đất nước này. Bệnh sốt tự do hoành hành từ cửa sông Ri-ô đờ La-pla đến eo Phlo-ri-đa. Tuy thủy thủ tàu Nau-ti-lúx không dám coi thường điều này, nhưng họ vẫn hạ độ sáu chú bò biển. Bếp ăn quả là đang rất cần dự trữ thịt tươi, mà thịt bò biển thì ngon tuyệt, ngon hơn thịt bò nhà nhiều. Cuộc săn bò biển chẳng có gì thú vị. Chúng cứ để người ta giết mà không chống đỡ lại. Thế là mấy tấn thịt được sấy khô rồi đưa vào kho thực phẩm trong tàu. Cũng hôm đó, chiếc thuyền con thả lưới bắt được một số cá bám, một loài cá ở đầu có một cái "đĩa" bầu dục. Cái "đĩa" này gồm những bản sụn nằm ngang di động, có khả năng tạo nên giữa những bản sụn này một khoảng chân không giúp nó bám vào các vật khác như một ống giác. Khi việc bắt cá đã kết thúc, tàu Nau-ti-lúx tiến lại gần bờ. ở đây có mấy con rùa biển đang ngủ bập bềnh trên mặt nước. Bắt giống rùa này rất khó vì chúng rất thính và có mai rất cứng. Nhưng nếu dùng cá bám thì có thể bắt dễ dàng. Loài cá bám này thực là những lưỡi câu sống.
Thủy thủ trên tàu buộc vào đuôi cá một cái vòng rộng để cá bơi được thoải mái. Chiếc vòng này được buột vào thuyền bằng một đoạn thừng dài. Được thả xuống biển, cá bám liền bơi đến bám chặt lấy mai rùa. Chúng bám chặt đến nỗi thà bị vỡ nát ra chứ không chịu buông tha con mồi. Sau đó, cá được kéo về thuyền, kèm theo những chú rùa bị chúng bám. Thế là chúng tôi tóm được mấy chú rùa dài một mét, nặng tới hai tạ. Mai rùa được phủ nhiều lớp sừng mỏng, trong suốt, màu nâu xám, đốm trắng và vàng, là vật rất hiếm. Ngoài ra, thịt rùa biển cũng ngon như rùa thường. Tới đây, chúng tôi kết thúc những ngày ở gần vùng biển A-ma-dôn và ngay đêm ấy tàu Nau-ti-lúx ra khơi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT