Khi nhận được thư của ông Hốp-Xơn, tôi đang vừa nghĩ nhiều về việc bắt con cá một sừng, vừa nghĩ nhiều về ý định vượt qua những cánh đồng Tây -Bắc. Tuy vậy, đọc xong thư của ông bộ trưởng, tôi hiểu ngay rằng sứ mệnh thực sự của tôi, mục đích của cả cuộc đời tôi là phải tiêu diệt được con quái vật này, không cho nó làm hại mọi người. Tôi vừa kết thúc một cuộc hành trình gian khổ nên rất mệt mỏi và cần nghỉ ngơi: Tôi rất mong trở về Tổ quốc, về với bạn bè và căn phòng ở Vườn bách thú, về với những bộ sưu tập quí giá của tôi! Nhưng không gì có thể ngăn cản tôi tham gia đoàn thám hiểm này. Sự mệt nhọc, bạn bè, những bộ sưu tập -tất cả đều bị quên đi! Không cần suy nghĩ nhiều , tôi nhận ngay lời mời của chính phủ Mỹ. Tôi nghĩ:
“Dù thế nào, mọi con đường cũng đều dẫn tới bờ biển nước Pháp! Nó sẽ giúp ta mang về Viện bảo tàng tự nhiên Pa-ri cái sừng dài không dưới nửa mét của nó". Nhưng trong khi chờ đợi tương lai xa xôi đó, tôi còn phải tìm nó ở phía bắc Thái Bình Dương, nói khác đi, là phải đi về phía ngược với nước Pháp.
-Công-xây!
-Tôi nóng ruột gọi to. Công-xây là người giúp việc tôi và theo tôi đi khắp nơi. Tôi mến anh ta và anh ta cũng quý tôi. Công-xây tính điềm đạm, trung thực, cần cù, thường nhìn nhận các bước ngoặt của số phận một cách triết lý, rất khéo tay và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Trái hẳn với tên gọi, anh ta chẳng bao giờ khuyên ai, ngay cả khi người ta đến hỏi ý kiến. Vì thường xuyên tiếp xúc với giới khoa học của Vườn bách thú. Công-xây học tập được nhiều điều. Anh ta chuyên về phân loại tự nhiên, rất thành thạo về các "kiểu, nhóm, lớp, bộ, họ, giống, loài". Nhưng kiến thức của anh ta đến đấy cũng là hết. Phân loại là năng khiếu tự nhiên của Công-xây, anh ta không tiến xa nữa. Nhưng dù sao Công-xây cũng là người rất tốt. Mười năm nay, Công-xây theo tôi trong tất cả các chuyến đi nghiên cứu. Tôi chưa hề thấy anh ta kêu ca phàn nàn khi chuyến đi bị kéo dài hay gặp khó khăn, gian khổ, Công-xây sẵn sàng theo tôi đi bất kỳ nước nào, dù đó là Trung Quốc hay Công-gô, dù đường xa đến mấy. Ngoài ra, Công-xây có thể tự hào về sức khỏe hiếm có bất chấp mọi bệnh tật, về những bắp thịt rắn chắc và một hệ thần kinh rất vững vàng. Công-xây ba mươi tuổi, so với tuổi tôi thì như mười lăm so với hai mươi. Xin các bạn thứ lỗi cho cách diễn đạt rắc rối của tôi vì đó chỉ là cách thú nhận rằng tôi đã bốn mươi tuổi! Nhưng Công-xây có một nhược điểm. Là người câu nệ hình thức, anh ta bao giờ cũng gọi tôi là "giáo sư", điều đó làm tôi rất bực mình.
-Công-xây!
-Tôi gọi lần thứ hai và hối hả chuẩn bị lên đường. Tôi rất tin ở lòng trung thành của Công-xây. Thông thường, tôi không hỏi xem anh ta có đồng ý đi theo tôi không, nhưng chuyến đi này có thể sẽ kéo dài chưa biết đến bao giờ, có thể sẽ nguy hiểm, vì đây là cuộc săn bắt một con vật có khả năng đánh chìm tàu chiến xuống biển như một cái vỏ hạt dẻ! Mọi người dù dửng dưng đến đâu cũng phải suy nghĩ ít nhiều!
-Công-xây!
-Tôi gọi lần thứ ba. Công-xây xuất hiện.
-Giáo sư gọi tôi ạ?
-Anh ta vừa vào vừa hỏi.
-Đúng vậy, anh bạn ạ. Anh hãy thu xếp đồ đạc của tôi và chuẩn bị cho mình nữa. Hai giờ nữa chúng ta sẽ lên đường!
-Xin tùy giáo sư, -Công-xây bình thản trả lời.
-Không được lề mề một chút nào! Anh xếp tất cả hành lý, quần áo của tôi vào va-li, càng nhiều càng nhanh càng tốt.
-Còn những bộ sưu tập của giáo sư thì sao ạ?
-Công-xây hỏi.
-Chúng ta sẽ giải quyết sau.
-Sao lại sau ạ?
-Chúng sẽ được bảo quản ở khách sạn. Rồi tôi sẽ cho gửi về Pháp.
-Thế chúng ta không về Pa-ri ạ?
-ừ... tất nhiên sẽ về... nhưng có lẽ phải đi vòng một chút...
-Xin tùy ý giáo sư. Đi vòng cũng được ạ!
-Vòng một chút thôi! Chúng ta chỉ đi chệch đường thẳng một chút thôi! Và đi bằng tàu A-bram Lin-côn.
-Xin tùy giáo sư.
-Công-xây ngoan ngoãn trả lời.
-Anh bạn ạ, anh biết không, chúng ta sẽ đi để trừ khử con quái vật, con cá thiết hình nổi tiếng đó. Tác giả bộ sách "Những bí mật của biển sâu" không thể từ chối việc đi cùng thuyền trưởng Pha-ra-gút trong chuyến thám hiểm này được. Nhiệm vụ thực vinh quang nhưng cũng rất nguy hiểm, vì phải hành động một cách mò mẫm và con quái vật có nhiều điều bí ẩn. Nhưng dù thế nào, thuyền trưởng của chúng ta cũng sẽ không cho nó thoát!...
-Giáo sư đi đâu, tôi xin đi đó ạ, -Công-xây trả lời.
-Anh cứ nghĩ kỹ đi! Tôi chẳng muốn giấu anh điều gì cả. Tham gia những cuộc thám hiểm thế này có thể sẽ không trở về đấy.
-Xin tùy giáo sư. Mười lăm phút sau, va-li đã xếp xong. Công-xây chuẩn bị rất nhanh, có thể bảo đảm là anh chẳng quên gì, vì anh ta xếp quần áo cũng thạo như phân loại chim và cá vậy. Người phục vụ ở khách sạn mang hành lý của chúng tôi ra phòng ngoài. Tôi chạy vội xuống tầng dưới, thanh toán tiền nong ở văn phòng khách sạn, nơi luôn luôn tấp nập khách mới đến. Tôi yêu cầu chuyển về Pa-ri những kiện hàng gồm tiêu bản động vật và thực vật đã sấy khô. Sau đó, tôi và Công-xây nhảy lên xe ngựa. Mấy phút sau, xe đỗ ở bến, nơi tàu Lin-côn đang thả từng cuộn khói dày đặc. Hành lý của chúng tôi được mang ngay lên boong. Tôi chạy lên tàu và hỏi thuyền trưởng Pha-ra-gút. Một thủy thủ dẫn tôi đi. Một sĩ quan tư thế hùng dũng bắt tay tôi và hỏi:
-Ngài là Pi-e A-rô-nắc?
-Vâng. Còn ngài là thuyền trưởng Pha-ra-gút?
-Vâng, chính tôi! Xin chào giáo sư! Chúng tôi đã dành cho ngài một phòng riêng! Tôi đáp lễ và biết thuyền trưởng đang rất bận chuẩn bị cho tàu nổ máy nhổ neo, tôi chỉ đề nghị cho biết phòng riêng của tôi ở đâu. Tàu Lin-côn rất thích hợp với nhiệm vụ mới. Đó là một chiếc tàu chiến có những máy móc tối tân chạy bằng hơi nước có áp suất tới bảy at-mốt-phe. Với áp suất đó, tàu Lin-côn chạy nhanh mười tám hải lý một giờ. Tốc độ như vậy là nhanh nhưng tiếc thay vẫn chưa đủ để đuổi bắt con cá khổng lồ kia. Sự trang trí bên trong tàu cũng tương xứng với những phẩm chất hàng hải của tàu. Tôi rất hài lòng về căn phòng riêng ở phía lái và thông với phòng ăn.
-Chúng ta ở đây rất tiện, -tôi bảo Công-xây.
-Thưa giáo sư vâng. Tôi bảo Công-xây mở va-li, xếp ra những đồ dùng cần thiết còn tôi thì lên boong xem tàu chuẩn bị nhổ neo. Đúng lúc đó, thuyền trưởng Pha-ra-gút hạ lệnh tháo dây neo tàu Lin-côn ở bến Blúc-lin. Nếu tôi đến chậm 15 phút, thậm chí ít hơn, thì có lẽ tàu đã lên đường và tôi sẽ không được tham gia cuộc thám hiểm rất đặc biệt, có một không hai này, cuộc thám hiểm dù có thuật lại một cách chân thực cũng vẫn bị coi như một chuyện bịa đặt hoàn toàn. Thuyền trưởng Pha-ra-gút không để mất một ngày, một giờ nào. ạng ta phải tức tốc tới những vùng biển đã phát hiện ra quái vật. Pha-ra-gút gọi trưởng máy lên hỏi:
-áp suất đã đủ chưa?
-Thưa, đủ.
-Cho tàu chạy!
-Pha-ra-gút ra lệnh. Mệnh lệnh lập tức được truyền xuống buồng máy. Chân vịt quay ngày càng nhanh. Tàu Lin-côn hùng dũng tiến quân, có hàng trăm xuồng và tàu kéo chở đầy người tiễn đưa long trọng. Bến tàu Blúc-lin và tất cả khu vực dọc sông It-ri-vơ của Niu I-ooc chật ních người. Những tiếng hoan hô từ miệng năm mươi vạn người vang lên không ngớt. Hàng ngàn khăn tay được tung lên trời cho tới khi tàu Lin-côn ra tới vịnh Hút-dôn ở mỏm ngoài cùng của bán đảo, nơi thành phố Niu I-ooc đang xây dựng. Ba giờ chiều. áp lực hơi nước tăng lên, chân vịt quay ngày càng nhanh. Chiếc tàu chạy dọc theo bờ cát thấp Long Ai-len và tới gần tám giờ sáng thì mở hết tốc lực vượt trên sóng nước Đại Tây Dương đen thẫm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT