Mỗi người đều có tiêu chuẩn hạnh phúc riêng, đối với tôi, có thể ở cạnh người mình yêu thương đã là một niềm hạnh phúc to lớn rồi. Chính vì thế, những ngày tháng không có An Tâm đã trở thành sự giày vò mà tôi chưa từng được nếm trải, mỗi phút mỗi giây đều đau đớn vô cùng.

Từng ngày trôi qua, hi vọng của tôi cũng dần tan biến. Tôi đã tự an ủi mình rằng An Tâm chỉ nhất thời bỏ đi do chưa thể bình tâm lại thôi, vài ngày sau, em sẽ nhớ tôi và quay về. Mỗi ngày tan ca, trước khi mở cửa bước vào nhà, tôi đều mong đợi sẽ được nhìn thấy ánh đèn sáng, An Tâm sẽ sà vào lòng tôi, khẽ nói những lời xin lỗi và nhớ thương. Nhưng lần nào cũng vậy, chào đón tôi về nhà chỉ có bóng tối mênh mông và sự im ắng trống trải. Tôi đã thất vọng hết lần này đến lần khác.

Cứ cách vài ngày tôi lại gọi điện đến trung tâm văn hóa quần chúng Thanh Miên và sếp Phan để hỏi thăm tin tức của An Tâm. Mẹ em nói cách đó không lâu, An Tâm đã gọi điện hỏi thăm bố mẹ và nói rằng em vẫn bình an, sau đó thì không có tin tức gì nữa. Sếp Phan thì khăng khăng nói từ khi đến Bắc Kinh, An Tâm không hề liên lạc gì với đội, không ai biết tin tức của em. Đến khoảng giữa thu, tôi gọi vào di động của sếp Phan thì không thấy ai nhấc máy, gọi cho bố mẹ An Tâm thì lúc nào cũng là đường dây bận. Tiếng “tút… tút…” không ngừng vang lên trong ống nghe khiến lòng tôi từ chỗ nóng như lửa đốt đến nguội như tro tàn.

Tôi lại viết thư cho bố mẹ An Tâm, cũng đợi đủ tám ngày, rồi hai tuần mà không thấy hồi âm. Một tháng sau, bưu điện gửi bức thư đó lại cho tôi, vẫn còn nguyên vẹn, cộng thêm một mảnh giấy nhỏ dán trên phong bì, ghi: “Không tìm thấy người nhận.”

Tôi cầm bức thư đó, thẫn thờ đứng nửa tiếng đồng hồ.

Từng ngày trôi qua, tôi không còn hi vọng kì tích sẽ xuất hiện nữa. Tan ca, tôi không buồn về nhà mà chỉ muốn tìm một nơi tối tăm và yên tĩnh nào đó để gặm nhấm sự cô đơn và tuyệt vọng của mình. Tôi thường xuyên ngủ ở câu lạc bộ đua ngựa, hoặc cùng đồng nghiệp đi quán bar thâu đêm suốt sáng, vùi đầu vào men rượu, say rồi lại chửi bới lung tung, để nỗi đau trong tim bị men rượu bào mòn bớt. Đã rất lâu tôi không đến quán bar, ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy, tiếng nhạc xập xình chói tai hòa lẫn với mùi rượu bia khiến tôi bất chợt nhớ lại hình ảnh của mình trong quá khứ. Tất cả những biến cố, ân oán tình thù tranh nhau ùa về trước mắt tôi, sau đó, tôi dường như đã trở lại là Dương Thụy của một năm trước. Tôi ngước đôi mắt mơ màng vì men rượu lên nhìn quanh, dường như tôi chưa từng rời khỏi chốn phồn hoa náo nhiệt đó, chưa từng có một cuộc gặp gỡ khắc cốt ghi tâm nào. Điều đó khiến tôi càng lúc càng khát khao buông thả vào những cơn say, vì khi tỉnh dậy, tôi sẽ lại rơi vào hố sâu của sự buồn bã và tuyệt vọng.

Ở quán bar, tôi thường gặp đám bạn chơi bời ngày xưa và cả những cô gái tôi đã từng hẹn hò. Mỗi khi nhìn thấy họ, tôi thường cố tình tránh né và lạnh nhạt vì tôi luôn vô thức so sánh họ với An Tâm. Trong mắt tôi, bọn họ đều dung tục đến mức không thể chịu nổi, khiến tôi mất hết hứng thú. Tôi không muốn ở cạnh bọn họ vì sự trái ngược đó luôn khiến tôi không tự chủ được mà nhớ đến An Tâm. An Tâm của tôi đã đi rồi, em sẽ không quay lại nữa, không còn thuộc về tôi nữa. Cho dù chuyện tình của chúng tôi có lâm ly, cảm động lòng người đến đâu thì cũng đã là chuyện cũ rồi, giống như một trang sách khi đã xem qua thì sẽ không giở lại nữa, nếu tôi cứ cố níu kéo quá khứ thì cũng chỉ giày vò chính mình thôi.

Tôi cũng gặp cả Lưu Minh Hạo. Cậu ta ngồi cùng vài người bạn làm ăn, cả buổi tối chỉ thẫn thờ uống rượu, trông có vẻ già đi nhiều. Cậu ta nói sắp kết hôn với Lý Giai nên không tiện ra ngoài chơi bời, sau đó hỏi tôi đi đâu suốt cả mùa hè. Tôi không kể chuyện mình và An Tâm đi Vân Nam, chỉ nói rằng tôi đang làm việc tại một câu lạc bộ đua ngựa nên rất bận. Lưu Minh Hạo lấy danh thiếp của tôi và nói cậu ta cũng thích trò đua ngựa, có thời gian sẽ đến chỗ tôi chơi. Đột nhiên, cậu ta nhắc đến An Tâm.

“Thế An Tâm thì sao, cô ấy làm ở đâu? Hai người đã kết hôn chưa?” Cậu ta hỏi.

Tôi không biết phải trả lời thế nào.

Cậu ta lại nói: “Không ngờ bản lĩnh của cô ấy lại lớn đến thế, khiến cậu biến thành một người hoàn toàn khác. Cậu bây giờ không thích chơi bời, có chuyện cũng không thèm nói với anh em. Tôi mà kết hôn nhất định sẽ không giống như cậu đâu.”

Tôi chán nản uống một hơi cạn ly rượu rồi cười khổ, nói: “Tôi và An Tâm đã bỏ nhau rồi, thật đấy, tôi mà nói dối cậu thì tôi là thằng khốn nạn.”

Lưu Minh Hạo nửa tin nửa ngờ, hỏi: “Hai người lại cãi nhau à? Sao mà giống như trẻ con thế! Tôi bảo này, bát đũa trên chạn cũng có lúc xô nhau, vợ chồng cãi nhau là chuyện thường tình, đầu giường cãi nhau, cuối giường làm lành ấy mà.”

Tôi ra hiệu cho phục vụ mang thêm rượu rồi nói: “Bọn tôi bỏ nhau thật rồi mà. Cô ấy bỏ đi từ lâu rồi, chắc là về quê.”

Lưu Minh Hạo nhìn mặt tôi, dường như đã tin là thật. “Tại sao vậy? Cậu hay cô ấy nói lời chia tay trước? Có phải vì thằng bé đó không?”

Tôi không đáp lời, chỉ uống rượu. Lưu Minh Hạo thấy tâm trạng tôi không tốt, liền an ủi: “Haizz… không biết tôi và Lý Giai có ở được với nhau không đây, không khéo cũng bị cô ta đá bay đi giống cậu ấy chứ. Khổng Tử nói rất đúng, tiểu nhân và đàn bà là khó nuôi nhất.”

Tôi và Lưu Minh Hạo tuy có khúc mắc nhưng vẫn là bạn thân chí tốt. Tôi không rõ loại người như Lưu Minh Hạo được coi là quân tử hay tiểu nhân, có khó nuôi hay không, có nên kết bạn hay không nhưng dù sao đi nữa, cậu ta cũng có một vai trò đặc biệt trong cuộc đời của tôi. Ba người con gái quan trọng nhất từng xuất hiện trong đời tôi đều do một tay cậu ta mối lái cả.

Tối hôm đó, tôi và Lưu Minh Hạo đều uống đến say mèm, xiêu vẹo đi ra khỏi quán bar, thậm chí còn lao ra đường để gọi xe taxi. Lúc tạm biệt, Lưu Minh Hạo lè nhè hét vào tai tôi: “Này, Dương Thụy… nghĩ thoáng một chút đi, cái cũ không đi cái mới không đến…. Mấy hôm nữa, anh sẽ giới thiệu cho chú mối khác nhé. Thích người quen hay người lạ hả?”

Tôi xua tay, không buồn trả lời. Sau khi ngồi vào taxi, tôi bắt đầu nôn thốc nôn tháo, ra cả ghế sau. Tài xế kéo tôi ra khỏi xe và khăng khăng bắt tôi phải trả tiền cọ xe. Lưu Minh Hào cũng chạy đến bênh vực tôi, hai thằng say và bác tài xế xui xẻo đó dây dưa rất lâu. Sau đó, tôi cũng chẳng nhớ mình có đền tiền không, cũng không biết đã về nhà bằng cách nào, hình như là Lưu Minh Hạo đưa tôi về.

Sau vài lần say không biết trời trăng gì, tâm trạng của tôi dần ổn định lại, không còn cố sống cố chết uống rượu giải sầu nữa. Tôi lại chuyên tâm cho công việc như trước. Trước đó, tôi bị phạt làm công việc hậu cần trong vài tuần, đến khi tâm tình ổn định với được quay lại làm quản lý trực ban. Giám đốc và đồng nghiệp sau này mới biết tôi bị thất tình, thấy tôi đã vượt qua đau khổ, họ cũng mừng cho tôi.

Ba ngày sau khi tôi được “khôi phục chức vị”, có một vị khách lạ đến câu lạc bộ. Đó là một cô gái trẻ. Cô gái đó vừa bước vào sảnh đã đến thẳng bàn quản lý trực ban của tôi, ngồi xuống khi tôi chưa kịp mời. Lúc đó, tôi đang nói chuyện điện thoại với một vị khách nước ngoài muốn đặt tiệc, vừa nói vừa ghi chép thông tin. Tôi ra hiệu cho cô ấy đợi một lát. Nói chuyện điện thoại xong, tôi ngẩng đầu lên và mỉm cười một cách chuyên nghiệp, nhưng nụ cười mang tính nghiệp vụ đó chỉ kéo dài vài giây đã lập tức đông cứng trên khuôn mặt đầy vẻ kinh ngạc của tôi.

Chúng tôi nhìn nhau một lúc lâu rồi tôi mới sực nhớ ra nói: “Ồ, Bội Bội!”

Chính là cô gái tên Bội Bội mà tôi đã dẫn đi tham quan Bắc Kinh hơn một năm trước. Bội Bội cười, chào: “Dương Thụy.”

Tôi có chút ngại ngùng, không biết nên nói gì vì nhìn thấy Bội Bội cũng giống như thấy lại quá khứ của mình vậy. Một lúc sau, tôi nói: “À… Cô đến Bắc Kinh lúc nào vậy, định đi cưỡi ngựa sao?”

Bội Bội mỉm cười nhìn tôi một lúc mới đáp: “Không, tôi không muốn cưỡi ngựa.”

Tôi ngây người, hỏi: “Ồ, vậy… tôi có thể giúp gì cho cô?”

Bội Bội bật cười trước câu hỏi mang đậm tính nghiệp vụ của tôi, nói: “Vậy tôi cũng đặt một bàn tiệc đi.”

Tôi liền lấy đơn đặt hàng và bút ra, không quên khôi phục “nụ cười mỉm nghiệp vụ” kia, ân cần niềm nở hỏi. “Được, xin hỏi cô muốn đặt tiệc với mức giá nào?”

Bội Bội hỏi lại: “Chỗ các anh có những mức giá nào?”

Tôi nhanh nhẹn giới thiệu: “Mức thấp nhất là hai trăm năm mươi tệ một người, cao nhất là một nghìn tệ một người, không gồm rượu bia và phí thuê chỗ, ngoài ra còn cộng thêm mười lăm phần trăm phí phục vụ, hoa tươi trang trí sân khấu chúng tôi tặng miễn phí, nếu cô là hội viên thì sẽ không mất phí phục vụ, phí thuê chỗ cũng sẽ được giảm…”

Bội Bội ngắt lời tôi: “Vậy thì đặt mức cao nhất đi.”

Tôi ghi giá cả vào đơn đặt hàng, lại hỏi: “Vậy cô đặt mấy chỗ?”

“Bốn chỗ.”

“Xin hỏi cô đặt vào thời gian nào?”

“Khi nào anh có thời gian rảnh?” Bỗng nhiên Bội Bội hỏi tôi.

Tôi ngẩng đầu, sững sờ.

Bội Bội nhẹ nhàng nói: “Tôi mời chị họ và bạn trai của chị ấy, cũng mời cả anh. Hi vọng anh có thể đến dự.”

Tối hôm đó, ngồi trong sảnh tiệc sang trọng nhất của câu lạc bộ, lần đầu tiên tôi được tận hưởng các dịch vụ và thưởng thức các món sơn hào hải vị với tư cách một vị khách. Lưu Minh Hạo và Lý Giai cũng đến, ai cũng ăn mặc rất sang trọng. Lưu Minh Hạo kéo tôi ra ngoài, nháy mắt, nói: “Này, đừng quên con cá lớn này là do tôi dắt đến đấy nhé, cậu nhất định phải nắm chặt cơ hội, đừng để sổng mất đấy.”

Bữa cơm hôm đó rất vui vẻ. Bội Bội là một cô gái thẳng thắn và cởi mở, có tư tưởng và quan điểm rất khác với người Trung Quốc đại lục, tuy thế tôi và cô ấy nói chuyện lại rất hợp nhau. Ăn xong, Bội Bội rủ chúng tôi đến quán bar “Con trai con gái”, nơi chúng tôi quen nhau. Tôi và Bội Bội ôm nhau nhảy, vô cùng hào hứng. Đó là lần đầu tiên sau khi An Tâm bỏ đi, tôi có thể cười nói vui vẻ, hơn nữa, suốt cả buổi tối, tôi hoàn toàn không nhớ đến em một lần nào.

Đúng vậy, nếu có thể, tôi nên quên An Tâm đi.

Ba ngày sau, không hiểu tại sao tôi lại chủ động gọi điện thoại đến khách sạn của Bội Bội và hỏi cô ấy có muốn đến một quán ăn bình dân ở Bắc Kinh để ăn cơm không, tôi mời. Bội Bội hỏi tôi sao lại mời cô ấy đi ăn, sợ cô ấy một mình ở Bắc Kinh buồn quá sao. Tôi im lặng một lúc, không hiểu sao lại buột miệng đáp: “Không, vì tôi thấy hơi buồn. Cô có rảnh không? Nếu không thì thôi vậy.”

Bội Bội cũng im lặng một hồi lâu rồi nói: “Đương nhiên là tôi rảnh rồi.”

Những ngày sau đó, hầu như tối nào tôi và Bội Bội cũng đi ăn với nhau ở những quán ăn nhỏ kém sang trọng. Tôi kể cho Bội Bội nghe về Bắc Kinh, còn cô ấy kể chuyện nước Mỹ cho tôi nghe. Đó đều là những điều mới mẻ và lạ lẫm đối với chúng tôi. Một lần, Bội Bội đưa tôi lên căn phòng khách sạn nơi cô ấy đang ở, chúng tôi nói chuyện đến tận khuya. Sau đó, Bội Bội tiễn tôi ra tận cửa, chúng tôi chăm chú nhìn nhau, Bội Bội ngả người dựa vào cánh cừa và nhắm mắt lại. Tôi biết Bội Bội muốn tôi hôn cô ấy, và tôi đã làm như vậy.

Hôm sau, chúng tôi lại đi ăn cùng nhau rồi lại về khách sạn của Bội Bội. Hôm đó, chúng tôi đã ngủ cùng nhau. Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi cảm nhận được sự nhục nhã âm ỉ trong lòng, đó là lần đầu tiên tôi qua đêm với phụ nữ sau khi An Tâm bỏ đi, tôi thấy có lỗi với em.

Bội Bội cùng tôi đến quán cà phê ở tầng ba của khách sạn để ăn sáng. Cô ấy rủ tôi sang Mỹ. Tôi có thể nhận ra được Bội Bội rất nghiêm túc trong mối quan hệ này, cô ấy đã quyết định gắn bó cuộc đời với tôi.

Một tuần sau, Bội Bội quay về Mỹ. Chúng tôi thường xuyên viết thư và gọi điện cho nhau. Cô ấy vô tư thể hiện nỗi nhớ và tình cảm với tôi, trong khi tôi lại có phần kín đáo, ngại ngùng. Cũng vì thế mà Bội Bội hay than phiền tôi quá lạnh nhạt với cô ấy nhưng không hiểu sao cô ấy lại thấy đó là nét cuốn hút ở tôi.

Có lẽ chỉ có bản thân tôi mới biết những lời yêu thương mình dành cho Bội Bội giả tạo và miễn cưỡng đến thế nào. Không phải tôi không thích Bội Bội mà vì tôi luôn băn khoăn một vấn đề: Chẳng phải tôi yêu An Tâm sao? Bây giờ, tôi còn yêu em nữa không? Tuy nhiên, tôi biết tôi nên đi, rời khỏi quê hương càng xa càng tốt. Tôi rất yêu An Tâm nhưng em buộc tôi phải ra đi. Nếu tôi cứ ở lại Bắc Kinh, trong căn nhà của chúng tôi thì sẽ không bao giờ có thể quên được hình bóng em, trong khi tôi thật sự muốn quên em để có một cuộc sống mới. Và Bội Bội đã cho tôi một cơ hội.

Một ngày trước khi rời khỏi Bắc Kinh, tôi đã nhốt mình trong nhà cả ngày, lấy từng món đồ mà tôi và An Tâm đã từng dùng, bao gồm cả quần áo và đồ chơi của Tiểu Hùng ra xem và vuốt ve chúng rất lâu. Vì An Tâm, cũng vì Tiểu Hùng, tôi nhỏ những giọt nước măt cuối cùng. Sau đó, tôi lại cất chúng vào chỗ cũ và dọn dẹp căn nhà. Cuối cùng, tôi viết một lá thư cho An Tâm. Tôi vẫn cố chấp tin rằng sẽ có một ngày em quay về và nhìn thấy căn nhà phủ đầy bụi cùng lá thư trên tủ đầu giường.

An Tâm, cuối cùng em cũng về rồi sao?

Ngày mai, ngày Mười bảy tháng Mười một năm 2000, anh sẽ đáp chuyến bay đi Mỹ, mãi mãi không quay lại Bắc Kinh nữa, trừ phi em muốn anh quay về. Anh vốn định trao trọn cả cuộc đời này cho em, vậy mà em lại không cần anh. Anh muốn em được sống hạnh phúc nhưng em lại không muốn như thế. Em có sự lựa chọn của riêng mình, chỉ tiếc rằng cho đến bây giờ, anh vẫn không biết lựa chọn của em là gì. Em không giống bất kỳ người con gái nào trên thế giới này, vì em đã để lại cho anh vết thương lòng không thể lành lặn và bỏ đi mất. Vì thế, anh nhất định phải đi thật xa, đến một nơi hoàn toàn xa lạ để quên em đi, giống như em đã quên anh vậy.

Thôi, không viết nữa, anh sắp khóc rồi đây này, anh không muốn khóc vì em nữa. Cho đến bây giờ anh vẫn không dám tin chúng ta lại có thể chia đôi hai ngả như thế này. Đây là sự thật sao? Có lẽ chỉ đến giây phút máy bay đưa anh rời khỏi mặt đất thì anh mới tin rằng đây là sự thật.

Liệu chúng ta có gặp lại nhau không? Đến khi già rồi, liệu chúng ta có muốn quay về đây không? Nếu thực sự có ngày đó, anh vẫn sẽ ôm hôn em thật chặt, dù em đã trở thành một bà lão nhăn nhúm. Nếu lúc đó em vẫn muốn bắt đầu lại cuộc sống của chúng ta trong căn nhà nhỏ đơn sơ này thì anh vẫn sẽ đồng ý. Dù đang ở đâu, nghèo khổ hay giàu sang, đã có gia đình hay chưa, anh vẫn sẽ quay về. Anh sẽ nói với con cháu của mình rằng hồi trẻ, anh từng có một mối tình khắc cốt ghi tâm, không thể nào quên. Anh sẽ đối xử tốt với họ, coi như một sự bù đắp để họ cho anh quay về bên em.

Viết xong, tôi đã òa khóc như một đứa trẻ, để những tuyệt vọng và ảo tưởng mà tôi luôn ôm ấp trong những ngày qua theo nước mắt lưu lại trên lá thư. Đêm hôm đó, tôi mang chìa khóa nhà đến nhờ Lưu Minh Hạo giữ hộ, để nếu An Tâm quay về mà không thấy tôi thì vẫn vào nhà được. Trong số bạn bè của tôi, em chỉ quen biết Lưu Minh Hạo.

Lưu Minh Hạo nhận chìa khóa, cười cười nhắc nhở: “Cậu đã theo Bội Bội sang Mỹ rồi thì không được đứng núi này trông núi nọ nữa đấy nhé!”

Tôi không nói gì.

Lưu Minh Hạo thấy vậy cũng thu lại nụ cười cợt nhả, hỏi: “Chào bố chưa?”

Tôi lắc đầu, nói: “Chưa, tôi không muốn để bố tôi biết việc tôi ra nước ngoài, ông mà biết chắc chắn sẽ lấy lại căn nhà này cho bằng được. Đó là tổ ấm của tôi và An Tâm, tôi muốn giữ lại cho cô ấy. Vả lại, biết đâu một ngày nào đó, Bội Bội sẽ chán tôi, khi đó tôi sẽ quay về đây.”

Lưu Minh Hạo gật đầu nhưng lại nói: “Haiza… sao cậu nghĩ nhiều thế.”

“Có lẽ tôi đã thực sự trưởng thành rồi nên không thể chuyện gì cũng làm theo ý mình, bất chấp hậu quả như trước được. Làm gì cũng phải tính sẵn đường lùi. Phụ nữ đều sáng nắng chiều mưa cả.”

Lưu Minh Hạo lại gật đầu, cười, nói: “Tôi nghĩ cậu sắp phát điên thì có. Haizz… đều là họa do An Tâm gây ra cả.”

Hôm sau, Lưu Minh Hạo chở tôi đến sân bay, cả đoạn đường thấy tôi chỉ im lặng, ủ dột nên ra sức khích lệ: “Ra nước ngoài là chuyện tốt, có thể mở mang đầu óc. Hơn nữa, nếu cậu trở thành chồng của Bội Bội thì coi như một bước lên tiên rồi còn gì. Dù làm một nhân viên quèn trong công ty của gia đình Bội Bội cũng được, sau này có chức có quyền thì đừng quên tổ quốc, đừng quên đám chiến hữu nghèo rớt mồng tơi này đấy. Bọn tôi sẽ đợi cậu về nước đầu tư vào công ty, hôm nay tôi cứ nói trước với cậu, lúc về đừng quên đó.”

Thực ra, Lưu Minh Hạo không hề biết tôi đi Mỹ chính là để quên đi tất cả.

Thu qua đông đến, sau đợt tuyết đầu mùa, tôi đã vượt nửa vòng trái đất để đến nước Mỹ. Ngồi trên máy bay, tôi cố nhìn xuống dưới qua khung cửa sổ hình bầu dục, tôi muốn nhìn ngắm vùng đất quê hương bị hoa tuyết bao phủ một lần nữa nhưng mây mù quá dầy đặc nên không thấy gì cả.

Đến Mỹ, tôi ở lại nhà của Bội Bội. Tất cả mọi thứ xung quanh đối với tôi đều xa lạ, nhưng điều đó đã phần nào giúp tôi quên đi những người và việc trong quá khứ, ngoại trừ An Tâm.

Ngay từ đầu, tôi đã có một dự cảm rằng dù có đi Mỹ thì tôi cũng khó lòng quên được An Tâm. Dẫu cho cuộc sống ở Mỹ hoàn toàn khác với cuộc sống ở Bắc Kinh, nhưng mỗi chi tiết từ ăn ở đến chuyện đi lại đều khiến tôi liên tưởng tới An Tâm. Càng ngày tôi càng nhớ những vật dụng của An Tâm để ở nhà cũ, vì không được nhìn thấy chúng nên lúc nào tôi cũng thấy bứt rứt khó chịu.

Một hôm, tôi và Bội Bội cùng đến một cửa hàng trong khu phố người Hoa, bất chợt nhìn thấy trên giá có một chiếc đĩa CD trông rất quen, chính là ca khúc Hạnh phúc hơn anh của Trần Hiểu Đông. Tôi liền mua đĩa CD đó và vội vã kéo Bội Bội về nhà. Sau khi về đến nhà, tôi nghe đi nghe lại bài hát đó suốt mấy ngày liền, khiến Bội Bội không khỏi cảm thấy kì lạ, hỏi: “Bài hát này hay đến mức ấy sao? Em thấy cũng bình thường thôi mà.”

Bội Bội làm sao biết được đó là lời chúc phúc An Tâm dành cho tôi. Mỗi khi nghe nó, tôi lại như nghe thấy giọng nói của An Tâm.

Anh nhất định phải hạnh phúc hơn em nhé,

Có như vậy mới không uổng phí sự rút lui của em,

Dù đau đến mấy em cũng không than thở,

Tình yêu không cần bù đắp bằng lời xin lỗi,

… Cứ yên tâm theo đuổi hạnh phúc của anh,

Đừng để ý đến việc em có muốn hay không, có cô đơn hay không.

…Nhất định phải hạnh phúc hơn em nhé…

Tôi đã đứng trước khung cửa sổ, nhìn ngắm bầu trời âm u của Los Angeles, bên tai văng vẳng từng câu hát, và lần đầu tiên trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ phải quay về Bắc Kinh.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play