Bình sinh Ðinh Xuân Thu phải cái tật là rất ưa nghe những lời phỉnh nịnh. Người ngoài nói khéo chẳng khác nào gãi trúng vào chỗ ngữa, lão lại càng thích phổng mũi lên. Bọn đồ đệ này đã theo lão mấy chục năm trời. Lão yên trí rằng chúng khoa trương công đức mình là thật. Nếu có kẻ nào không biết thổi phồng lão lên thì lão lại ngờ hắn là không có dạ trung thành.
Bọn đệ tử hiểu biết sâu xa tính nết lão, hễ cứ gặp được dịp là chúng chụp ngay lấy để tán dương một cách rất ngộ nghĩnh .
Nên biết rằng đối với Ðinh Xuân Thu kẻ đệ tử nào kém khoa nịnh hót để mất lòng sư phụ hãy còn là việc nhỏ, song không giờ phút nào quên được mối lo âu về tính mạng mới là việc lớn hơn.
Tình thực mà nói thì không phải bọn đệ tử phái Tinh Tú hết thảy đều là hạng mặt dày vô sỉ cả đâu, nhưng một là vì tình thế bắt buộc không xu nịnh sư phụ quyết không thể tồn tại được, hai là chúng đi theo thầy lâu ngày, câu chuyện nịnh bợ đã thành thói quen rồi cứ thuận miệng tuôn ra, chẳng lấy thế làm điều đáng thẹn nữa.
Ðinh Xuân Thu vuốt râu mỉm cười nghe bọn đệ tử ca tụng khoái chí vô cùng? Bộ râu của lão lúc đấu phép cùng sư huynh là Lung á lão nhân Tô Tinh Hà đã bị cháy mất một mảng lớn, nhưng thưa thớt còn lại được một ít cũng tạm đủ để vuốt chơi.
Về sau lão lại ngấm ngầm tung thuốc kịch độc tam tiếu tiêu dao tán làm cho Tô Tinh Hà mất mạng. Vậy cuộc đấu đó cuối cùng vẫn là lão thắng thì dù có mất một ít râu cũng chẳng đáng kể gì.
Trong khoảng thời gian chừng ăn xong bữa cơm, những lời tán dương đã nhạt đi dần dần. Còn gã nào muốn nói trường giang đại hải, Ðinh Xuân Thu cũng dơ tay lên ra hiệu cho họ đừng nói nữa.
Lời tán tụng chấm dứt thì lại thấy bọn đệ tử đồng thanh nói:
- Công đức sư phụ trùm trời lấp đất. Bọn đệ tử chúng con ngu dốt, muôn phần không biểu dương được một.
Ðinh Xuân Thu gật đầu mỉm cười quay ra hỏi A Tử:
- A Tử! Mi còn điều chi muốn nói nữa không?
A Tử nghĩ ngay:
- Trước kia sư phụ vốn thiên ái mình hơn ai hết ma cũng chỉ vì chỗ mình khéo ca tụng lão ở nhiều điểm đặc biệt, đưa ra những lời tán dương mà bọn sư huynh không đề cập đến, vì họ kém thông minh, chỉ nhai đi nhai lại những câu thông thường có cả trăm năm rồi.
Nghĩ vậy nàng liền lên tiếng:
- Sư phụ! Sở dĩ đệ tử lấy cắp Bích Ngọc vương đỉnh của sư phụ cũng là vì có quan niệm riêng.
Ðinh Xuân Thu cặp mắt long lên hỏi:
- Quan niệm của mi thế nào?
A Tử thưa:
- Thời kỳ sư phụ còn ít tuổi, công lực chưa đến tột độ như ngày nay, mới cần mượn Bích Ngọc vương đỉnh để cung ứng vào việc luyện công. Nhưng từ hai năm nay, bất luận là ai có mắt để trông, đều hiểu biết thần thông sư phụ lệch đất nghiêng trời, thần sầu quỷ khốc. Cái Bích Ngọc vương đỉnh kia chẳng qua mới có khả năng quy tụ được những trùng độc, nhưng đem so với thủ pháp của sư phụ thì nó chỉ là đom đóm so với ánh sáng mặt trăng mặt trời. Sự việc biến chuyển cũng như nghệ thuật của sư phụ tiến triển vô bờ bến, thì làm sao còn đem chuyện năm xửa năm xưa ra mà nói. Nếu quả sư phụ không muốn rời bỏ cái đỉnh ngọc đó thì chẳng qua là tấm lòng nhớ đến vật cũ mà thôi. Thế mà các vị sư huynh hoảng hốt vô cùng, cho là sư phụ không có cái đỉnh đó không xong nói những là bản môn trọng bảo, đỉnh ngọc thần thông trời đất gì, tưởng chừng như mất nó có thể xảy đến những việc vô cùng trọng đại. Thế thì các vị thật ngu xuẩn không biết đến đâu mà kể! Và gián tiếp các vị coi thần thông của sư phụ ta không vào đâu hay sao.
Ðinh Xuân Thu nghe nàng nói, ruột nở lên lồng bồng, lão gật đầu lia lịa nói:
- Ừ! ừ! Con này nói cũng có lý!
A Tử lại nói tiếp
- Ðệ tử còn nghĩ rằng: Võ công phái Tinh Tú ta đã cao cường đến mực khắp thiên hạ không còn môn phái nào sánh kịp, mà sư phụ là bậc đại nhân đại lượng không muốn chấp nhất với bọn võ lâm ở Trung Nguyên, vì bản lãnh của chúng chẳng đáng để sư phụ bận tâm dời gót ngọc đến Trung Nguyên. Cũng vì thế mà những hạng ngu xuẩn khác nào ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung, rồi chẳng thiếu gì môn phái tự tôn tự đại. Họ biết rằng sư phụ không thèm đến so bì với họ, họ lại càng làm già, nêu lên những nhãn hiệu kỳ khôi nào là võ học danh gia, nào là đương thế cao nhân chẳng còn uý kỵ gì nữa. Tuy họ giễu võ dương oai ở Trung Nguyên nhưng chẳng một tên nào dám bén mảng đến phái Tinh Tú ta để lĩnh giáo mấy chiêu. Hết thảy đều biết võ công sư phụ đã cao thâm đến mực không biết đâu mà lường. Họ chỉ đem bốn chữ thâm bất khả trắc (sâu thẳm không lường) bàn đi tán lại, nhưng thực ra họ chẳng biết cao minh đến mức độ nào mà chỉ nói một cách hàm hồ như vậy thôi.
Ngừng một lát để lấy hơi, A Tử lại nói tiếp:
- Thề rồi họ Mộ Dung ở Cô Tô lên mặt phi thường, phái Thiếu Lâm ở Hà Nam cũng tự xưng là Thái Sơn, Bắc Ðẩu trong võ lâm. Còn nữa nào Lung á tiên sinh, nào họ Ðoàn nước Ðại Lý đều nghiễm nhiên khoe mình là những nhân vật phi thường. Sư phụ thử tưởng tượng xem có đáng buồn cười không?
Thanh âm nàng trong trẻo, uyển chuyển dễ nghe, câu nào cũng đánh trúng vào tâm khảm Ðinh Xuân Thu, so với kiểu xưng tụng to tiếng của bọn đệ tử kia lão nghe lọt tai hơn nhiều. Bộ mặt Ðinh Xuân Thu mỗi lúc một thêm tươi cười hơn hớn. Lão sướng đến lờ đờ cả mặt.
A Tử lại nói:
- Ðệ tử nảy ra một ý nghĩ con nít: Thần thông của sư phụ như vậy mà không đến Trung Nguyên để trổ một hai ngón cho chúng mở rộng tầm mắt ngu xuẩn ra, đồng thời dạy cho chúng biết rằng ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác, trên loài người còn có hạng người mà chúng chưa biết đến. Nên đệ tử có ý mời sư phụ xuống Trung Nguyên cho bọn đệ tử kia được kiến thức hơn một chút. Nhưng nếu cung thỉnh sư phụ một cách bình thường thì không xứng đáng với một người thứ nhất không tiền khoáng hậu. Ðịa vị của sư phụ khác với người thường thì dĩ nhiên cách mời sư phụ xuống Trung Nguyên cũng phải đặc biệt. Vì thế mà đệ tử mượn chiếc Bích Ngọc vương đỉnh là cố ý thôi thúc đại giá sư phụ đến Trung Nguyên.
Ðinh Xuân Thu khoái quá không nhịn được nữa nổi lên một tràng cười ha hả nói:
- Như lời con nói thì ra con lấy đỉnh ngọc cũng chỉ vì một niềm hiếu thuận.
A Tử đáp:
- Ðó là một điều con không dám chối cãi. Nhưng ngoài tấm lòng hiếu thuận, bên trong còn có chút tư tâm.
Ðinh Xuân Thu chau mày hỏi:
- Con còn tư tâm gì nữa?
A Tử tủm tỉm cười đáp:
- Xin sư phụ tha thứ cho. Con nghĩ rằng mình đã là đệ tử phái Tinh Tú, không khỏi có ý muốn cho oai danh mình vang lừng thiên hạ, mà con đi đâu cũng được mọi người kính nể cho tỏ mặt với đời. Cái tư tâm nhỏ mọn của đệ tử là ở chỗ đó.
Ðinh Xuân Thu cười ha hả khen:
- Nói phải, nói phải! Trong môn phái ta biết bao nhiêu là đệ tử mà chưa thấy gã nào có tâm cơ linh mẫn như con. Té ra con lấy cắp Bích Ngọc vương đỉnh với mục đích để làm nổi danh cho ta. Ha ha! Con là đứa nhỏ lẻo bẻo mồm miệng, giết đi kể cũng đáng tiếc, vì mình ta thiếu mất một đứa có tài nói năng để giải buồn. Nhưng nếu muốn ta bỏ việc này đi không xét nữa...
A Tử vội cướp lời:
- Sư phụ có lòng tiện nghi cho đệ tử, nhưng bản môn từ trên xuống dưới chẳng ai là không cảm kích tấm lòng khoan hồng đại lượng của sư phụ, và từ đây sắp đến, ai nấy càng tận tâm tận lực phụng sự sư môn, dù có phải tan xương nát thịt cũng cam lòng.
Ðinh Xuân Thu nói:
- Ngươi nói thế để đánh lừa người khác còn có thể được, nhưng đối với ta thì vô ích. Ta đâu có hồ đồ đến thế? Hừ! Theo lời ngươi nói nếu ta tước hết công lực ngươi, cắt đứt gân mạch ngươi...
Lão vừa nói đến đây, bỗng nghe thấy một thanh âm dõng dạc vang lên:
- Ðiếm gia! Sắp chỗ ngồi cho ta!
Ðinh Xuân Thu liếc mắt ngó ra thì thấy một chàng thanh niên mình mặc hoàng bào lưng đeo trường kiếm ngồi nay cái bàn bên cạnh, không biết chàng đã vào điếm từ lúc nào? Chàng chính là Mộ Dung Phục mà lão đã tiếp qua một chưởng.
Ðinh Xuân Thu tuy mải nghe A Tử tán dương, nhưng lão đang ngồi trong nhà khách sạn mà bên mình thốt nhiên có thêm người, lão không để ý đến thì cũng là một chỗ sơ hở lớn. Giả tỉ Mộ Dung Phục nhiên ám toán thì e rằng bị nguy rồi.
Ðinh Xuân Thu giật mình đánh thót một cái, hơi biến sắc mặt. Nhưng lão là người thâm độc dị thường, trấn tĩnh được ngay.
A Tử chưa từng gặp mặt Mộ Dung Phục bây giờ nàng thấy một chàng thanh niên công tử, trong lòng không khỏi nao nao, khen thầm:
- Người này cực kỳ phong lưu tuấn nhã! Một nhân vật thế mà sao ta chưa biết qua bao giờ?
- Xin chào lão tiền bối. Thế mới biết người ta trong vòng luẩn quẩn, chạm trán nhau hoài. Vừa mới có duyên kỳ ngộ chia tay chưa mấy chốc bây giờ lại gặp tiên sinh đây!
Ðinh Xuân Thu đáp:
- Ðó là lão phu có duyên với công tử.
Lúc ấy điếm tiểu nhị chạy đến trước bàn Mộ Dung Phục hỏi:
- Thưa công tử! Công tử xơi cơm hay là ăn bánh?
Mộ Dung Phục đáp:
- Hãy lấy một cân rượu ngon và thức nhắm, còn ăn gì sẽ lấy sau.
Ðiếm tiểu nhị vâng dạ, trở gót vào trong.
Ðinh Xuân Thu vừa cùng chàng đối một chưởng. Trong lúc thảng thốt lão chưa kịp thi triển phép Hoá công đại pháp, lão thấy chưởng lực chàng không những hùng hậu mà còn biến ảo tuyệt diệu. Lão chưa chiếm được ưu thế chút nào, mà tấm lòng tự phụ là không ai bằng, thì khi nào chịu để người khác ngang hàng với mình?
Lão lẩm bẩm:
- Ta phải lập tức cùng gã động thủ để quyết thắng bại. Bây giờ hãy xử trí cho xong A Tử rồi sẽ tính. Ta thường nghe đồn công lực họ Mộ Dung ở Cô Tô đã đi đến mức siêu quần nhập hóa, các giới võ lâm đều khoa trương gã rất nhiều, chắc lời đồn không phải là vô lý. Nay Tinh Tú lão tiên đã đến Trung Nguyên mà để thằng lỏi này làm nhụt nhuệ khí há chẳng đáng hận ư?
Ðinh Xuân Thu là người tâm cơ thâm hiểm, lão không nắm chắc phần thắng bằng võ công liền nghĩ cách ám toán.
Lão quay sang bảo A Tử:
- Ngươi bảo giả tỷ ta phế trừ võ công của ngươi, cắt đứt gân cốt ngươi, chặt một tay một chân ngươi, hoặc chặt cả hai chân hai tay, ngươi cũng đành chịu chết chứ không chịu thổ lộ cái đó ở đâu? Có phải thế không?
A Tử sợ hãi vô cùng, run run đáp:
- Sư phụ là bậc đại tượng, chẳng nên để những câu nói hồ đồ của đệ tử vào tai.
Mộ Dung Phục cười nói:
- Ðinh tiên sinh! Tiên sinh đã bấy nhiêu tuổi đầu, sao còn chấp nhặt với đứa con nít làm chi? Mời tiên sinh qua đây, chúng ta uống mấy chén rồi đàm luận võ với nhau có phải hay hơn không? Trước những người ngoài mà đem việc trong nhà ra thanh toán, như vậy thì sao tiện?
Bỗng nghe có tiếng quát lên:
- Nếu ngươi biết kính cẩn dập đầu lạy sư phụ ta là Tinh Tú lão tiên để thỉnh giáo, thì Tinh Tú lão tiên bản tính rất ưa dắt díu bọn hậu bối may ra được người cho biết cho một hai điều. Mi dám nói đàm luận võ với Tinh Tú lão tiên há chẳng khiến cho người ta phải cười nẻ ruột.
Gã cười lên mấy tiếng, vẻ mặt cực kỳ bí hiểm cổ quái. Sau một lúc gã lại cười ha hả, tiếng cười nghe rất khô khan. Sau trận cười này mồm miệng há hốc ra mà không nói được tiếng nào. Vẻ mặt vẫn bí hiểm, và vẫn giống như người đang cười.
Bọn đệ tử phái Tinh Tú biết gã đã trúng phải Tam tiếu Tiêu Dao tán đều không khỏi kinh hãi lo sợ. Chúng nhìn gã đồng môn trúng Tam Tiếu Tiêu Dao tán tắt hơi rồi, không ai dám hé răng hé lợi, đã cúi đầu xuống không dám ngó sư phụ nữa.
Bọn chúng tự hỏi:
- Không hiểu gã tiểu tử đó nói năng xúc phạm thế nào làm sư phụ u uất, đến nỗi người thi hành thủ đoạn ghê gớm để giết y?
Ðinh Xuân Thu trong lòng vừa tức giận vừa sợ hãi. Nguyên khi đang đối thoại với A Tử khẽ giơ tay áo lên ngấm ngầm vận nội lực dùng phấn Ðộc Tam Tiếu Tiêu Dao Tán vào Mộ Dung Phục. Thứ phấn Ðộc này không hương không sắc, lại cực kỳ vi tế, khách ngồi trong tửu điếm không tài nào nhìn rõ được.
Lão chắc mẩm dù võ công Mộ Dung Phục cao đến đâu cũng không thể phát giác ra được.
Nào ngờ Mộ Dung dùng thủ đoạn gì hất Tam Tiếu Tiêu Dao Tán vào người đệ tử mà lão cũng không hay. Chết mất một gã đệ tử chẳng có gì đáng tiếc xong Mộ Dung Phục đang lúc cười nói mà chẳng thấy gã dơ tay áo lên mà hất được phấn độc qua người khác, thì công lực này còn quá phi thường, quá sức tưởng tượng của mọi người.
Ðinh Xuân Thu là người kiến văn quảng bác, trong lúc đột ngột lão chẳng nghĩ ra thứ công phu gì. Lão nhớ lại chính sách gậy ông đập lưng ông biết rõ là một thủ pháp mà Mộ Dung Phục chuyên dùng. Thủ pháp này tương tự như thủ pháp đón lấy ám khí để đánh lại, đón lấy mũi phi tiêu, mũi tên để phóng lại, bây giờ gã lại đón lấy phấn Ðộc để tung ra. Nhưng phấn Ðộc nhỏ li ti không hình không sắc mà sao gã cũng không để cho thấm vào người, lại hất ra ngoài được?
Ðinh Xuân Thu lại nghĩ:
- Nếu là thủ đoạn gậy ông đập lưng ông thì Tam Tiếu Tiêu Dao Tán do mình phóng ra, sao gã lại không hất trở về mình. Thôi phải rồi! Chắc là thằng lỏi con này uý kỵ lão tiên, nên không dám vuốt râu hùm.
Lão nghĩ đến ba chữ vuốt râu hùm, tiện tay đưa lên vuốt râu thì đụng ngay phải bảy tám sợi râu bị cháy dở chỉ còn ngắn chưn. Trong lòng lão không lấy thế làm buồn mà lại mừng thầm, lẩm bẩm:
- Công lực Tô Tinh Hà cao thâm biết là chừng nào, rút cục vẫn bị chết về tay lão tiên thì thằng lỏi Mộ Dung Phục miệng còn hơi sữa có chi đáng kể?
Ðinh Xuân Thu nghĩ nhiều lắm, nhưng dù sao lão không muốn tỏ ra mình kém cỏi trước mặt bọn đệ tử.
Lão nói:
- Mộ Dung công tử! Công tử cùng ta thật có duyên với nhau. Lại đây mau! Ðể ta mời công tử một chén rượu.
Nói xong lão lấy ngón tay gẩy một cái, chén rượu đặt trên bàn mình bay sang trước Mộ Dung Phục. Cái búng tay của lão thật là tuyệt diệu! Chén rượu bay đi bằng bặn không chút nghiêng ngửa, nên không rớt ra ngoài nửa giọt.
Giá vào lúc khác thì bọn đệ tử đã thi nhau tán tụng. Nhưng vừa rồi một gã đồng môn lên tiếng nói mấy câu đã bị chết một cách quái dị, nên chúng sợ hãi quá, không hiểu sư phụ có dụng ý gì, nên chẳng ai dám mở miệng tán dương. Song ít ra cũng phải reo lên một tiếng tán thưởng nên điềm nhiên như không tất bị sư phụ thi hành những hình phạt không thể chịu nổi.
Chén rượu vừa hạ xuống trước mặt Mộ Dung Phục, bọn đệ tử reo một tiếng: "Tuyệt diệu!" như sấm vang.
Trong bọn đệ tử có ba tên đặc biệt nhát gan không dám hoan hô. Khi ba gã này thấy bọn đồng môn reo hò, mới sực nhớ ra mình chưa lên tiếng. Chúng vội kêu lên tuyệt diệu! nhưng ba tiếng tuyệt diệu này chậm mất một chút, rõ ràng không được tề chỉnh.
Ba gã thấy bọn đồng môn quở trách thì vừa bẽn lẽn vừa sợ hãi vô cùng!
Mộ Dung Phục nói:
- Ðinh tiên sinh là bậc tiền bối. Có lý đâu tiền bối lại kính mới rượu vãn bối trước bao giờ. Chén rượu này vãn sinh không dám bái, để vãn bối chuyển sang kính mời lệnh cao đồ vậy!
Nói xong chàng thổi phù một cái, chén rượu đột nhiên lại bay truyền đến trước mặt một tên đệ tử phái Tinh Tú ngồi ở mé tả.
Ðinh Xuân Thu thấy Mộ Dung Phục thổi chén rượu thì biết ngay chàng đã dùng phép Tứ lạng bát thiên cân. Lão tự biết: Tay mình cùng chén rượu là hai vật hữu hình chạm vào nhau, tuy lực đạo cực kỳ diệu, nhưng cũng chưa ly kỳ bằng gã lấy hơi thổi chén rượu cho bay đi. Ðem so ra tuy khó phân biệt được ai hơn ai kém. Nhưng ngoài thì người không biết võ công cũng đều nhìn nhận cách chuyển chén rượu của Mộ Dung Phục như vậy đủ chứng tỏ Ðinh Xuân Thu đã bị thua chiêu này.
Thực ra Mộ Dung Phục thổi cho chén rượu bay đi cùng với Ðinh Xuân Thu búng tay một cái thì cũng chưa thể phân biệt được nội lực hơn kém. Có điều Mộ Dung Phục khôn khéo hơn cách Ðinh Xuân Thu phải dùng tay khiến cho người ngoài trông thấy tưởng chừng như dùng hơi thổi chén rượu vừa có vẻ tài tình hơn và nội lực cũng mạnh hơn Ðinh Xuân Thu.
Gã đệ tử phái Tinh Tú thấy chén rượu bay đến, hốt hoảng không biết làm thế nào, chẳng hiểu nên tránh đi hay là dơ tay ra đón lấy.
Gã còn đang ngẫm nghĩ thì chén rượu đã bay đến nơi. Gã không kịp nghĩ nhiều hơn nữa, tự nhiên dơ tay trái ra đón lấy chén rượu nói:
- Chén rượu này của sư phụ tại hạ kính khen thưởng tử!
Gã định dùng chưởng lực đẩy chén rượu trở lại đến trước mặt Mộ Dung Phục thì đột nhiên một tiếng rú thê thảm úi chao! vang lên. Gã ngã ngửa về phía sau rồi không thấy nhúc nhích gì được nữa.
Bọn đệ tử trông thấy hiểu ngay rằng sư phụ lúc búng chén rượu đã để thuốc kịch đôc trong móng tay rồi, thuốc độc này đã bám vào xung quanh cái chén. Mộ Dung Phục chỉ cần cầm đến chén, bất tất phải uống rượu, cũng đủ mất mạng như gã đệ tử này rồi.
Ðinh Xuân Thu biến sắc, trong lòng căm giận vô cùng! Lão biết rằng mình vố này nữa thì không thể che mắt được bọn đệ tử và chúng đều biết mình lấy phấn độc để ám hại Mộ Dung Phục, không ngờ lại bị gã gieo vạ làm mất mạng đệ tử phái Tinh Tú.
Lần đầu gặp Mộ Dung Phục, lão đã đối một chưởng với chàng và biết rõ chưởng lực đối phương ghê gớm. Nếu dùng thực lực tranh đấu vị tất mình đã ăn đứt gã.
Với ý nghi như vậy, lão quyết định dùng Hoá công đại pháp để đối phó với Mộ Dung Phục. Nhưng diễn biến xảy ra nhường này, lão không thể yên tâm được. Lão hai tay bưng chén rượu từ từ đứng lên nói:
- Mộ Dung công tử! Lão phu mời công tử một chén này!
Lão vừa nói vừa đi lại trước mặt Mộ Dung Phục.
Mộ Dung Phục vừa ngó vào thấy trong chén rượu trắng có ẩn hiện ánh sáng xanh lè, rõ ràng có pha thuốc kịch độc. Chàng ngó lại thì không còn cách nào để tránh được nữa.
Ðinh Xuân Thu đi đến trước mặt Mộ Dung Phục chỉ còn cách một cái bàn bát tiên. Mộ Dung Phục liền hít mạnh một hơi. Rượu ở trong chén Ðinh Xuân Thu đang cầm đột nhiên bay lên thành một sợi dây nước xanh lè.
Ðinh Xuân Thu la thầm:
- Lợi hại quá!
Lão biết rằng đối phương hít hơi vào cho rượu vọt lên rồi lại thở ra để rượu bắn về phía mình. Tuy rượu bắn vào mình cũng chẳng có gì đáng ngại nhưng khắp người rượu ướt đầm đìa thật khó coi.
Nghĩ vậy lão vận nội lực nhắm vào dây rượu thổi mạnh.
Bọn đệ tử phái Tinh Tú đã nhiều lần được thấy sư phụ đấu phép người, tỷ như cùng Tô Tinh Hà đấu nội lực. Nhưng hai bên đều huy động võ công thượng thừa để đẩy cây cột lửa, bên nào mạnh là thắng bên nào yếu là thua. Sự việc biến diễn rõ ràng trước mắt.
Lần này chỉ thấy một dây lửa xanh biếc từ trong chén rượu bay lên, chúng biết là sư phụ lại cùng đối phương tỉ thí công lực. Gã nào cũng đều nghĩ đến những câu tán tụng mới mẻ để tâng bốc sư phụ lên.
Không ngờ Ðinh Xuân Thu phóng nội lực ra mà Mộ Dung Phục không chống lại. Dây lửa cứ tiến thẳng đến trước mặt y.
Bọn đệ tử đều ồ lên một tiếng. Chúng không ngờ sư phụ lại thắng đối phương một cách dễ dàng đến thế! Ðầu óc chúng không được linh mẫn mà Ðinh Xuân Thu lại thắng địch quá mau chóng khiến chúng không kịp nghĩ ra câu gì tán tụng hay ho. Trong đầu óc chúng chỉ lảng vảng những danh từ cũ mèm như: "Võ công cái thế", thiên hạ vô song... đều không ăn nhập gì đến diễn biến này.
A Tử lúc đầu đã tưởng sư phụ mình gặp phải tay kình địch, lòng này đương vui mừng mừng thầm, nàng tạm tìm dịp để thoát thân. Nàng không ngờ đối phương không chịu nổi một đòn, đâm ra thất vọng.
Bọn đệ tử phái Tinh Tú vừa há miệng ra sắp reo hò thì dây lửa đã lại gần đến mũi Mộ Dung Phục chỉ còn cách độ nửa thước.
Ðột nhiên dây lửa đi chênh chếch về mé tả thành vòng đường hình cung vọt qua bên mé đầu Mộ Dung Phục ra phía sau mau lẹ vô cùng, chui ngay vào trong miệng một tên đệ tử phái Tinh Tú.
Nguyên tên này đã há miệng ra sắp reo hò nhưng chưa kịp lên tiếng thì dây lửa ở chén rượu độc đã bắn vọt vào miệng gã rồi chui xuống bụng.
Dây lửa đi lẹ quá, gã đang cao hứng bật lên một tiếng:
- Tuyệt quá!
Rồi gã mới giật mình phát giác ra kêu lên:
- Chết rồi!
Gã ngã gục ngay xuống đất, mặt mũi chân tay gã chỉ trong chớp mắt đã nát ra rồi quần áo cũng bị cháy sạch, chỉ còn lại một đống xương trắng.
Mộ Dung Phục thấy thuốc độc ghê gớm như vậy không khỏi rùng mình, la thầm:
- Mình bôn tẩu giang hồ bấy lâu, mà chưa từng thấy chất độc nào ghê gớm thế này mà cũng chưa thấy ai có hành động bá đạo như vậy.
Cuộc tỉ đấu giữa hai người chưa rõ ai cao, ai thấp, mà phái Tinh Tú đã chết luôn mất ba tên đệ tử. Như vậy cũng đã hơi rõ phần thắng về ai rồi.
Ðinh Xuân Thu căm hận vô cùng. Lão đặt chén rượu xuống bàn rồi phóng chưởng ra đánh Mộ Dung Phục.
Mộ Dung Phục từng nghe tiếng Hoá công đại pháp của phái này đã lâu. Y gia tâm đề phòng rất cẩn thận. Vừa thấy Ðinh Xuân Thu phóng chưởng ra, liền lạng người đi một cái, tay phải phóng chưởng ra phản kích.
Ðinh Xuân Thu phóng liền ba chưởng veo véo, Mộ Dung Phục đều dùng thân pháp để né tránh không để cho tay lão chạm vào.
Hai người đánh nhau ra chiều mỗi lúc một mau. Trong quán rượu nhỏ bé bàn ghế ngổn ngang, lối đi chật hẹp, tiến thoái bất tiện. Hai người chỉ tiến lui ở khe những bàn ghế mà không một tiếng động. Quyền chưởng hai bên không chạm nhau, bàn ghế cũng không bị xô đẩy chút nào.
Bon đệ tử phái Tinh Tú thấy hai bên kịch đấu thì sợ hãi, đứng sát cả vào tường không dám trốn ra ngoài. Vì thế là phạm tội đại bất đối với sư phụ và sau việc này chúng tất bị nghiêm trị. Bọn chúng biết rõ tình thế nguy hiểm vô cùng, chỉ chạm phải một chút chưởng phong là có thể nguy hại đến tính mạng, trừ phi người chúng có thể biến thành tờ giấy mỏng để dán vào tường được, ngoài ra không còn cách nào nữa.
Mộ Dung Phục thủ nhiều công ít. Chưởng pháp của y tuy rất tinh, nhưng không dám đối chưởng thật sự với Ðinh Xuân Thu thành ra như người bị trói chân trói tay, lâm vào thế kém. Tinh Tú Lão Quái từng gặp đại địch, kinh nghiệm rất phong phú, nên lão vừa trao đổi mấy chiêu, đã biết ngay Mộ Dung Phục không dám đối chưởng thật sự. Rõ ra y sợ mắc phải Hoá công đại pháp của mình.
Ðinh Xuân Thu thấy đối phương sợ tuyệt kỹ đó, liền dùng ngay yếu điểm này để áp chế y. Nhưng Mộ Dung Phục thân pháp kỳ diệu phóng chưởng vừa mau lẹ vừa khó đoán được phương hướng chiêu lực nên tuy muốn đối chưởng với y cũng không phải chuyện dễ.
Hai bên đấu thêm mấy chưởng nữa. Ðinh Xuân Thu quyết định đổi ý. Lão dùng tay phải tung hoành như vũ bão để uy hiếp đối phương, còn tay trái lão giả vờ sử dụng không được tinh nhuệ. Lão cố ý che đậy để Mộ Dung Phục khỏi khám phá ra.
Mộ Dung Phục là một tay võ học gia truyền nổi tiếng, đối phương có nhược điểm gì, lẽ nào y lại không nhìn ra? Y nghiêng người, quyền đi nửa vòng rồi đột nhiên phóng hai chưởng ra, uy thế cực kỳ mãnh liệt nhằm đánh vào cạnh sườn bên tả Ðinh Xuân Thu.
Ðinh Xuân Thu khẽ rú lên một tiếng, lùi lại môt bước, nhưng không dám đưa tay trái ra đón chiêu.
Mộ Dung Phục tự hỏi:
- Không hiểu ngực và cạnh sườn bên tả lão quái này đã bị nội thương gì?
Tuy thế công y nhằm vào mé hữu mà thực ra y lại vận dụng nội công để cốt đánh vào mé tả.
Hai bên đấu hơn hai chục chiêu nữa. Ðinh Xuân Thu rút tay trái về thủ vào trong tay áo. Chưởng bên phải đổi thành thế trảo nhằm chụp xuống Mộ Dung Phục.
Mộ Dung Phục nghiêng người lách qua phóng quyền đánh thẳng vào cạnh sườn mé tả.
Ðinh Xuân Thu lúc này chỉ chờ có vậy, thấy đối phương quả nhiên đánh đến, bất giác trong bụng mừng thầm.
Bỗng nghe tay áo lão nổi gió lên vù vù. Ðinh Xuân Thu đã phất tay áo bên trái để cuốn lấy tay phải bên địch.
Mộ Dung Phục lẩm bẩm:
- Dù tụ phong của ngươi có lợi hại gấp mười đã làm gì nổi ta?
Thôi quyền chàng phóng ra không chịu thu về, chỉ vận thêm kình lực vào cánh tay để tiếp nhận tay áo đối phương.
Bỗng nghe đánh soạt một tiếng. Tay áo bên phải Mộ Dung Phục bị tụ phong của Ðinh Xuân Thu đánh rách toạc một miếng, hở cả da thịt trắng nõ ra. Da cánh tay trên đỏ ửng.
Nguyên tụ phong của Ðinh Xuân Thu ác liệt vô cùng, cứng như thanh sắt đập vào cổ tay Mộ Dung Phục. Nếu chàng không vận thêm công lực đẻ đề phòng thì cánh tay này đã thành tàn phế rồi.
Mộ Dung Phục trong lòng kinh hãi, thoi quyền đang đánh ra rất ác liệt, đột nhiên đầu quyền bị giật một cái đã bị bàn tay Ðinh Xuân Thu nắm được.
Chiêu thức này đã ra ngoài sự ước đoán của Mộ Dung Phục. Y biết ngay là lão giả vờ bị thương mé tả để làm kế dụ địch, nên mình mắc mưu lão.
Lúc này nếu y vận động chân khí thì kình lực về thì thuốc độc trong người Ðinh Xuân Thu sẽ thừa cơ theo đường nội lực thu về mà thấm vào trong thân thể y.
Lúc này thật nguy hiểm vô cùng. Mộ Dung Phục có ý hối hận nghĩ thầm:
- Mình tự cao tự đại coi Tinh Tú Lão Quái không vào đâu, không chịu trù liệu kế hoạch vẹn toàn từ trước, một mình mạo hiểm khiêu chiến với lão.
Mộ Dung Phục đã lâm vào tình trạng muốn thôi cũng không được nữa, y liền vận dụng nội lực toàn thân phóng ra đầu quyền đầy sức mạnh.
Bàn tay Ðinh Xuân Thu rất lớn nắm trọn được cả đầu quyền Mộ Dung Phục vào lòng bàn tay, nhưng đối phương phản ứng mau lẹ phi thường, lão cảm thấy toàn thân run bắn lên, các huyệt mạch đều căng cứng. Cánh tay bên tả ngâm ngẩm đâu, xem chừng không nắm chặt được quyền của đối phương.
Ðinh Xuân Thu đã vận Hoá công đại pháp cần ơhải được chạm vào thân thể đối phương. Nhưng nếu nội lực mình kém đi tất bị nội lực đối phương đẩy ra thì công lực không hóa vào đâu được. Trong lúc lão sợ hãi, lập tức vận thêm kình lực và việc đầu tiên là phải tóm chặt được đầu quyền của đối phương. Nhưng lúc này Mộ Dung Phục nội lực gia tăng rất nhiều và đã giựt được tay ra rồi.
Nên biết rằng Ðinh Xuân Thu trước đây đã dùng Hoá công đại pháp để đối phó với Huyền Nạn đại sư. Kể về nội lực thì Huyền Nạn cũng chẳng kém gì Mộ Dung Phục. Nhưng Huyền Nạn đối song song với Ðinh Xuân Thu, chưởng lực nhà sư mạnh bao nhiêu thì chưởng lực của lão quái cũng tăng lên bấy nhiêu. Lúc lão phóng chiêu, hai tay lão liền chặt với nhau nên thủ thắng được.
Bây giờ lão dùng bàn tay nắm lấy đầu quyền Mộ Dung Phục thì chỉ có sức ép một bên, nên Mộ Dung Phục giựt mạnh một cái Ðinh Xuân Thu không thể giữ chặt được nữa, phải buông ra.
Quyền chưởng hai bên vừa rời nhau trong chớp mắt, bàn tay Ðinh Xuân Thu vừa bị hất ra, lại nắm ngay được đầu quyền đối phương.
Mộ Dung Phục hừ lên một tiếng lại vận nội kinh. Nhưng lần này nội kinh vừa vận ra đã cảm thấy chìm xuống đáy biển, không hiểu tiêu tan đi đâu mất hết.
Mộ Dung Phục ngấm ngầm kêu lên một tiếng: "Úi chao!"
Trước khi y đến gây sự với Ðinh Xuân Thu đã định bụng phải làm cách nào không để cho Hoá công đại pháp của lão chạm vào mình được. Nhưng lúc lâm sự lại không tránh khỏi.
Lúc này Mộ Dung Phục ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục vận nội kình để kháng cự, thì dù nội lực có mạnh đến đâu đi nữa cũng bị hóa tán đi và như thế thì chỉ trong khoảnh khắc, bao nhiêu công lực mất hết thành ra phế nhân.
Nếu dùng phép Bảo nguyên thủ nhất thu nội lực về thì Ðinh Xuân Thu lại là một tay dùng thuốc độc ghê gớm. Thuốc độc của lão không ai biết đâu mà lường được, nó vẫn có thể theo đường chân khí rút về mà luồn vào người rồi xâm nhập đến tạng phủ. Rút cục vẫn không chống cự lại được.
Mộ Dung Phục đang ở vào tình thế nguy ngập, vô kế khả thi. Bỗng sau lưng y có người lớn tiếng nói:
- Sư phụ khéo xếp đặt cơ mưu khiến cho thằng lỏi này bị hãm vào tuyệt địa.
Mộ Dung Phục vừa xoay tay trái vừa lùi về phía sau hai bước. Chàng không quay đầu lại chỉ nghe tiếng nói, mà thò tay ra nắm trúng ngực tên đệ tử phái Tinh Tú.
Cô Tô Mộ Dung có phép cầm nã tuyệt diệu. Ðó cũng là một kỹ thuật mượn sức người để đánh người và kêu bằng Ðẩu chuyển tinh di
Người ngoài không biết rõ ngọn ngành nên cho cái lối gậy ông đập lưng ông của nhà Mộ Dung là thần diệu khôn lường. Bao nhiêu những tuyệt kỹ các môn phái khắp thiên hạ nhà Mộ Dung ở Cô Tô không sót một môn nào mà lại hiểu biết một cách rất sâu xa. Khi nào muốn hạ sát ai lại dùng môn tuyệt kỹ nổi tiếng của người đó để hạ sát.
Thực ra những môn tuyệt kỹ trong các phái võ khắp thiên hạ kể có hàng ngàn hàng vạn thì dù Mộ Dung có thông minh đến đâu cũng không thể học hỏi hết được. Huống chi đã là một môn tuyệt kỹ thì đâu phải một sớm một chiều mà thành. Ðúng ra nhà Mộ Dung chỉ có thuật Ðẩu chuyển tinh di là xảo diệu vô cùng. Bất luận đối phương thi triển tuyệt kỹ nào, nhà này cũng chuyển phương hướng để phản kích vào chính những người đã ra chiêu.
Tỷ như người giỏi chiêu Toả hầu Thương phóng thương đâm vào yết hầu nhà Mộ Dung thì y lại dùng thuật Ðẩu chuyển tinh di khiến mũi thương quay trở lại đâm vào cổ mình.
Người nào giỏi về Ðoạn tỵ đao đao phóng ra lại đi đến kết quả tự chém đứt cánh tay mình. Cũng binh khí ấy cùng chiêu thức ây, nhưng mắt không trông thấy nhà Mộ Dung dùng thuật đẩu chuyển tinh di nên không ai đoán được là chính người đó lại mất mạng về chiêu thức của mình, mà thực ra là họ đã tự sát.
Người ra tay võ công càng cao thâm thì cái chết lại càng ly kỳ.
Có điều nhà Mộ Dung Phục nếu không lấy một chọi một hay không nắm được phần thắng đối phương thì không bao giờ dùng đến thuật Ðẩu chuyển tinh di cả. Nhà Mộ Dung ở Cô Tô sở dĩ tiếng tăm vang lừng khắp giang hồ thực ra là nhờ ở Ðẩu chuyển tinh di mà không ai biết đến.
Có điều thuật Ðẩu chuyển tinh di nếu áp dụng vào việc di chuyển phương hướng những vật hữu hình như khí giới quyền cước thì còn dễ, chứ đến di chuyển những thứ vô hình như nội lực, khí công thì thật là khó.
Mộ Dung Phục tuy đã luyện thuật này lâu năm mà vẫn chưa đạt đến mức cao siêu tột độ. Y phải gặp Ðinh Xuân Thu là tay cao thủ vào bậc nhất, tự biết mình không thể dùng phép Ðẩu chuyển tinh di để quay lại hại chính mình đối phương được. Nên bao lần chàng đã thi triển thuật Ðẩu chuyển tinh di mà kẻ chịu thất bại là những đệ tử phái Tinh Tú. Cách di chuyển của chàng chỉ sang được người thứ ba.
Ðinh Xuân Thu ngấm ngầm dùng Tam Tiếu Tiêu Dao Tán quăng chén để tung hơi độc và phóng tia rượu độc, lần nào Mộ Dung Phục cũng đổi được kẻ chết thay cho mình một cách dễ dàng. Bây giờ Ðinh Xuân Thu dùng Hoá công đại pháp, Mộ Dung Phục không còn cách nào di chuyển được thì vừa gặp lúc một tên đệ tử phái Tinh Tú muốn tâng công sư phụ há miệng đứng hô ở ngay bên y.
Mộ Dung Phục trong lúc cấp bách, không kịp nghĩ nhiều, liền nắm ngay lấy tên này để thay thế cho mình. Cuộc mạo hiểm này chàng thật không ngờ cũng phát sinh hiệu lực.
Bản ý Tinh Tú Lão Quái là hóa giải công lực của Mộ Dung Phục nhưng ngờ đâu lại hóa giải công lực của tên đệ tử của mình.
Mộ Dung Phục khác nào người được cải tử hoàn sinh. Y thấy cuộc thử thách của mình thành công, dĩ nhiên nắm lấy dịp quyết không để Ðinh Xuân Thu kịp suy nghĩ. Y liền đẩy tên đệ tử này cho người gã chạm vào mình một tên đệ tử khác.
Tên đệ tử thứ hai công lực cũng bị hóa giải vì phép hóa công đại pháp của Ðinh Xuân Thu.
Ðinh Xuân Thu thấy mình nắm được đầu quyền của Mộ Dung Phục mà lại thấy y dùng lối mượn sức người để đánh người làm hại đệ tử của mình lão căm hận vô cùng. Nhưng lão nghĩ rằng:
- Nếu mình muốn bảo toàn sinh mạng cho mấy tên đệ tử vô dụng này mà buông tha đối phương thì không biết bao giờ nắm lại được dịp này nữa. Thực là thiên nan vạn nan. Thằng lỏi này mà chạy thoát thì mình bị thiệt những năm tên đệ tử mà chỉ vớ được nửa cái tay áo của hắn. Thế là phái Tinh Tú đại bại rồi. Tinh Tú lão tiên còn có mặt mũi nào để diễu võ dương oai ở Trung Nguyên nữa?
Nghĩ vậy lão quyết định không buông đầu quyền Mộ Dung Phục ra. Mộ Dung Phục lại lùi mấy bước để dính tên đệ tử này vào tên đệ tử khác cho Ðinh Xuân Thu hóa giải công lực.
Chỉ trong khoảnh khắc ba tên đệ tử phái Tinh Tú đã bị kiệt quệ chân khí, khác nào như người bị ma quỷ hút máu, thân thể khô kiệt tinh huyết, dính vào với nhau không sao gỡ ra được. Những tên đồ đệ kia thấy vậy cả kinh, lại thấy Mộ Dung Phục lùi dần về phía mình bất giác chúng đều thất thanh la hoảng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT