Trong đời Tiết Thần Y, người ở xa hàng ngàn dặm đến nhờ chữa bệnh cứu mạng là việc rất thường, hầu như ngày nào cũng có. Nhưng lúc này mọi người đang thiết kế để bắt Kiều Phong, một kẻ vô cùng độc ác, người lẫn quỷ thần đều căm giận lại tự nhiên dẫn xác đến, thực khiến cho người ta không khỏi sinh lòng ngờ vực.

Tiết Thần Y đưa mắt nhìn A Châu từ đầu đến chân, thấy nàng tuy diện mạo xinh tươi nhưng chẳng có chi là nghiêng nước nghiêng thành.

Hơn nữa, tuổi nàng còn nhỏ, quyết nhiên Kiều Phong không thể bị sắc đẹp của cô bé này quyến rũ.

Tiết Thần Y ngắm xong, chợt nghĩ ra, tự hỏi: "Phải chăng cô bé này là em gái y?"

Rồi ông tự trả lời: "ồ! Không phải! Y đối với song thân cùng sư phụ mà còn hạ thủ được thì không có lý nào vì một đứa em gái lại dấn mình vào nơi nguy hiểm để rước lấy cái hoạ sát thân".

Ông lại lẩm bẩm: "Hay đó là con gái y?

Cũng không phải, mình chưa từng nghe ai nói Kiều Phong đã lấy vợ kia mà!"

Tiết Thần Y là người rất tinh thông y lý, chỉ trông qua tướng mạo đã nhìn ngay ra những đặc điểm.

Ông thấy Kiều Phong cao lớn, vạm vỡ mà cô bé dáng người mảnh dẻ, thanh tú không giống Kiều Phong chút nào thì đoán chắc ngay hai người này không có liên quan cốt nhục gì với nhau.

Tiết Thần Y trầm ngâm một lúc rồi hỏi:

- Cô nương đây họ gì? Ðối với các hạ có dây dưa thế nào?

Kiều Phong chột dạ không biết trả lời ra sao vì từ khi ông biết nàng chỉ thấy gọi là A Châu, cũng chẳng biết cô có phải họ Châu không.

Kiều Phong đành hỏi lại nàng:

- A Châu! Có phải cô họ Châu không?

A Châu mỉm cười, đáp:

- Tôi họ Nguyễn, tên Thi. Vì tính tôi ưa mặc áo màu hồng nên thiết gia tôi kêu bằng A Châu.

Kiều Phong gật đầu, nói:

- Tiết Thần Y! Cô ta họ Nguyễn, tôi cũng mới quen biết.

Tiết Thần Y càng lấy làm kỳ, hỏi:

- Thế ra cô ta không phải là người thâm giao với các hạ?

Kiều Phong đáp:

- Nàng là một người thị tỳ của ông bạn tại hạ. Chỉ có thế thôi.

Tiết Thần Y hỏi:

- Ông bạn các hạ là ai?

Chắc phải là người rất thân như tình cốt nhục.

Không thì sao các hạ lại cứ o bế cô ta đến thế?

Kiều Phong lắc đầu nói:

- Ðây mới là người bạn thần giao mà thôi, tôi chưa từng biết mặt.

Kiều Phong vừa dứt lời, quần hào trong nhà đại sảnh đều "ủa" lên một tiếng kỳ dị.

Quá nửa số người không tin lời ông, ai cũng nghĩ rằng trên đời đâu có chuyện lạ thế.

Ðây chắc là y chỉ mượn việc này làm cớ để thực hành âm mưu gì khác.

Song nhiều người biết trước nay Kiều Phong không nói dối bao giờ.

Dù gần đây ông có làm nhiều việc độc ác nhưng con người tự trọng ấy vị tất đã công nhiên nói dối ai.

Tiết Thần Y đưa tay chẩn mạch cho A Châu, thấy mạch nàng chạy rất là yếu ớt, chân khí trong người trống rỗng không còn gì.

Ông xem mạch cả hai bên tả hữu lại càng biết rõ, nói:

- Nếu cô này không được các hạ đem nội lực mình tiếp vào cho thì cô đã chết rồi.

Nguyên nhân cái nội thương trầm trọng của cô là vì trúng phải Kim cương chưởng của Huyền Từ đại sư.

Tiết vừa nói câu này, các vị anh hùng trong nhà đại sảnh đều chấn động, nhất là hai nhà sư Huyền Nạn và Huyền Tịch càng rất đỗi ngạc nhiên, tự hỏi: "Phương trượng sư huynh mình có dùng Kim cương chưởng đánh cô bé này bao giờ? Giả tỷ cô bị trúng Kim cương chưởng thật thì có lý nào còn sống được?"

Huyền nạn nói:

- Tiết cư sỹ! Phương trượng sư huynh bần tăng mấy năm nay không ra khỏi bổn tự, mà trong chùa Thiếu Lâm trước nay không để cho một người đàn bà con gái nào vào.

Bần tăng e rằng Kim cương chưởng này không phải của sư huynh tôi.

Tiết Thần Y nhíu đôi lông mày, nói:

- Trên đời này còn ai biết phép Kim cương chưởng của quý phái?

Huyền Nạn, Huyền Tịch nhìn nhau không nói gì.

Hai nhà sư này ở chùa Thiếu Lâm mấy chục năm, cùng thụ huấn một vị sư phụ với Huyền Từ.

Hai vị đã luyện tập không biết mất bao nhiêu công phu, nhưng tư chất có hạn nên không thể nào luyện được Kim cương chưởng là một tuyệt kỹ tối cao của phái Thiếu Lâm.

Cách đây một trăm năm, cả phái Thiếu Lâm không một ai luyện được Kim cương chưởng, đến nay mới có tay kỳ tài luyện được mà thôi.

Có điều những yếu quyết về môn này các vị cao tăng mấy đời trước đã chép vào sách võ kinh, nên mấy trăm nhà sư chùa Thiếu Lâm dù không luyện được nhưng cũng không đến nỗi thất truyền.

Huyền Tịch toan hỏi: "Có đúng cô này trúng Kim cương chưởng không?", nhưng nhà sư e rằng hỏi như vậy không tiện nên ngừng lại không hỏi nữa.

Nếu câu hỏi này buột miệng đưa ra thì tựa hồ như có ý nghi ngờ Tiết Thần Y nói không đúng,há chẳng phạm lỗi đại bất kính. Huyền Nạn lại nói:

- Bần tăng chắc là trong vụ này còn có điều chi khuất khúc.

Sư huynh tôi là một vị cao tăng đạo đức, giữ địa vị cao cả cầm đầu một môn phái, có lẽ đâu lại phóng chưởng ra đánh cô bé này bị thương nặng đến thế.

Tôi chắc trăm phần trăm tiểu cô nương đây không phải là trúng đòn của sư huynh tôi, vì người chưa biết cô bao giờ.

Quần hùng đều khen phải và đồng thanh nói:

- Ðúng là trong vụ này có chuyện xảo trá chi đây.

Nói xong, mọi người trừng mắt nhìn Kiều Phong lộ vẻ bất bình, vì ai nấy đều tưởng ông đã lộng hành quỷ kế trong vụ này.

Kiều Phong nảy ra một ý nghĩ: "Hai nhà sư này đã không nhận là A Châu bị Huyền Từ đánh bị thương, âu là ta lái câu

chuyện này ra đằng khác, nếu mình nói thật thì Tiết Thần Y nhất định không chịu chữa vì ông ta rất nể mặt phái Thiếu Lâm".

Nghĩ vậy, Kiều Phong cũng nói theo chiều:

- Phải lắm! Huyền Từ phương trượng vốn một lòng từ bi, một nhà tu hành đại cao đức trọng như người quyết không bao giờ quá tay đánh bị thương cô gái nhỏ tuổi.

Tiết Thần Y giao tình rất hậu với phái Thiếu Lâm, nếu chính phái Thiếu Lâm ra tay đánh bị thương, tất nhiên Tiết Thần Y không chịu cứu chữa.

Tôi nghi có kẻ mạo nhận tiếng tăm là cao tăng chùa Thiếu Lâm để làm bại hoại thanh danh phái Thiếu Lâm.

Huyền tịch, Huyền Nạn đưa mắt nhìn nhau, lẩm nhẩm gật đầu, nghĩ thầm:

"Thằng cha Kiều Phong tuy là một tên đại gian ác, nhưng y nói mấy câu này thật đã tỏ ra biết điều."

A Châu cũng cười thầm tự nghĩ: "Kiều đại gia nói không sai một ly.

Quả nhiên có đứa giả làm vị cao tăng chùa Thiếu Lâm để loè bịp.

Chỉ không đúng ở chỗ nó không giả mạo làm Huyền từ phương trượng, lại giả mạo làm nhà sư Trí Thanh mà

thôi."

Huyền Tịch, Huyền Nạn cùng Tiết Thần Y đoán thế nào nổi cơ mưu của Kiều Phong.

Tiết Thần Y không thấy hai vị cao tăng Huyền Tịch, Huyền Nạn nói vậy cũng cho là phải, liền nói:

- Theo những luận cứ này thì trên đời hãy còn kẻ khác sử được môn Kim cương chưởng của quý phái.

Lúc gã này hạ thủ bị vật gì ngăn trở, chưởng lực mười phần đã bớt đi bảy tám.

Vì vậy Nguyễn cô nương không đến nỗi chết ngay lập tức.

Chưởng lực của gã này cũng cực kỳ hùng hậu, tôi e rằng gã có thể song đôi với Huyền Từ phương trượng.

Ðời nay không còn người thứ ba nào bằng được nữa.

Kiều Phong trong lòng ngấm ngầm bội phục: "Vị quốc thủ thần y họ Tiết này,phép chữa bệnh của ông thật là thần thông, mới xem mạch A Châu đã biết rõ căn bệnh, lại tả được rất đúng không sai một ly lúc Huyền Từ động thủ và kéo tấm gương ra đỡ.

Chắc chắn ông đủ tài chữa khỏi A Châu".

Nghĩ tới đây, nét mặt lộ vẻ vui mừng, Kiều Phong nói tiếp:

- Nếu vị tiểu cô nương này phải bỏ mạng vì Kim cương chưởng thì thanh danh phái Thiếu Lâm bị tổn thương rất nhiều, xin Tiết Thần Y mở lượng từ bi...

Nói xong xá dài. Huyền Tịch không chờ Tiết Thần Y trả lời, hỏi A Châu:

- Ai đã ra tay đánh cô nương bị thương và bị đánh ở đâu? Người đó hiện giờ ở đâu?

Nhà sư vừa nghĩ đến thanh danh chùa Thiếu Lâm, vừa băn khoăn trên đời này còn có kẻ biết môn Kim cương chưởng độc đáo của phái Thiếu Lâm, nên muốn hỏi cho ra.

A Châu bổn tính đã hay trào phúng lại là người rất thông minh, lẽ nào nàng không nói theo hùa Kiều Phong, nàng là người lẹ miệng, bịa đặt trơn như cháo chẩy.

Nàng tính rằng: "Mấy ông sư này đều khiếp vía công tử ta, đã thế thì ta đưa công tử ra để doạ chơi".

Nghĩ vậy, nàng nói:

- Gã đó là một chàng công tử trẻ tuổi, mặt mũi khôi ngô tuấn tú.

Tôi đang cùng Kiều đại gia đây ở trong khách sạn, nói chuyện về thuật chữa thuốc của Tiết Thần Y thật là thần sầu quỷ khốc.

Không những hiện nay chẳng ai bằng mà đời xưa cũng không ai bì kịp, sau này không còn người kế tiếp.

Con người ta ở đời, ai mà không ưa lời tâng bốc.

Tiết Thần Y bình sinh đã được nghe không biết bao nhiêu người tâng bốc mình, nhưng lời tâng bốc ở miệng một thiếu nữ nhỏ tuổi nói ra thì đây mới là lần thứ nhất, hơn nữa nàng không ngại ngùng về chuyện khoa trương quá đỗi.

Tiết Thần Y nghe xuôi tai, không nhịn được vuốt râu mỉm cười.

Kiều Phong nhíu đôi lông mày lẩm bẩm: "Chết chưa! làm gì có chuyện này mà cô dám phóng đại ra thế?"

A Châu lại tiếp:

- Lúc đó tôi có bảo: "Trời sinh ra vị Tiết Thần Y này thì các ông học võ giỏi đến đâu cũng bằng vô ích".

Kiều đại gia hỏi lại: "Sao lại vô ích?"

Tôi nói: "Người nào bị đánh chết rồi, ông Tiết Thần Y có thể cứu sống lại được.

Thế thì các ông luyện quyền múa kiếm còn được ích gì?

Ông giết một người thì ông Tiết Thần Y lại cứu một người, ông giết hai người thì ông Tiết Thần Y cứu một cặp, có phải ông chỉ nhọc lòng vô ích không?"

Miệng nàng như sông như biển, thanh âm trong vắt.

Tuy nàng đang bị trọng thương mà nàng nói rất lém láu, khiến người nghe không biết chán tai.

Nàng nói tới đây, ai cũng vui vẻ, có người phải bật lên tiếng cười.

Tuyệt ở chỗ là nàng không hề hé miệng cười, chỉ dí dỏm nói tiếp:

- Góc phòng khách bên kia, một chàng công tử nghe chúng tôi nói chuyện, thốt nhiên cười lạt, bảo: "Chẳng qua chưởng lực khắp thiên hạ đều nhẹ như không, nội lực chẳng có gì đáng kể, nên gã y sinh họ Tiết đó mới vớ được cái hư danh. Nếu bị ta đánh một chưởng, thử xem gã có trị nổi không nào?"

Gã nói xong liền vung chưởng lên không nhằm đánh vào người tôi.

Tôi thấy gã ngồi cách đến vài trượng,cho là y nói đùa, chẳng có gì đáng để ý, song Kiều đại gia đây cả kinh...

Huyền Tịch hỏi:

- Y đưa hai tay ra đỡ phải không?

A Châu lắc đầu, đáp:

- Không phải. Nếu được Kiều đại gia giơ tay ra đỡ thì gã công tử trẻ tuổi kia đánh tôi bị thương làm sao được.

Vì Kiều đại gia ngồi cách tôi khá xa, không kịp đến cứu, đại gia vội chụp lấy cái ghế ném tạt ngang vào quãng không để chắn chưởng lực.

Kình lực đại gia rất lợi hại, lại ném trúng tầm.

Hai kình lực chạm nhau bật một tiếng vang, cái ghế bị chưởng lực của gã thanh niên đánh gãy tan.

Còn tôi cảm thấy người nhẹ bồng bồng, tựa hồ muốn bay lên trên mây, không còn chút khí lực nào nữa.

Rồi thấy gã công tử đó nói: "Bây giờ ngươi đi kêu Tiết Thần Y chữa cho, rồi mai đây khi y chữa cho Huyền Từ đại sư là đành chịu bó tay".

Huyền Nạn chau mày, hỏi:

- Gã nói vậy là có ý gì?

A Châu nói:

- Dường như gã có ý hăm doạ mai đây sẽ dùng Kim cương chưởng đánh Huyền Từ đại sư đến vô phương cứu chữa.

Quần hùng rú lên một tiếng kinh hãi.

Có người nói:

- Ðúng là lối "gậy ông đập lưng ông".

Người thì bảo:

- Quả nhiên là Cô Tô Mộ Dung rồi!

Sở dĩ các vị dùng hai chữ "quả nhiên" là để tỏ ý đã đoán trước rồi mới nói.

Nguyên A Châu đã biết Mộ Dung công tử muốn tìm đến chùa Thiếu Lâm để rửa hờn, nên nàng thổi phồng câu chuyện lên doạ nạt đối phương và để phô trương oai phong Mộ Dung công tử.

Bỗng thấy Du Câu nói:

- Vừa rồi Kiều huynh bảo có kẻ mạo danh cao tăng chùa Thiếu Lâm để loè bịp.

Bây giờ cô nương đây lại bảo là một gã thanh niên công tử đánh cô bị thương.

Không hiểu ai nói đúng?

A Châu vội đáp:

- Quả có kẻ mạo danh cao tăng phái Thiếu Lâm.

Tôi có thấy hai vị hoà thượng tự xưng là những nhà sư chùa Thiếu Lâm đi bắt trộm con chó mực người ta về mổ ăn.

Nàng tự biết mình nói dối mãi tất có chỗ lòi đuôi liền đánh trống lảng sang chuyện khác.

Tiết Thần Y biết nàng nói cũng có chỗ đúng sự thật, chưa quyết định được có nên chữa cho nàng hay không, đưa mắt hết nhìn Huyền Tịch, Huyền Nạn lại nhìn Du Ký, Du Câu.

Sau ông nhìn Kiều Phong cùng A Châu. Kiều Phong nói:

- Tiết tiên sinh hôm nay mở lượng cứu cho cô này, rồi Kiều mỗ suốt đời không quên đại đức.

Tiết Thần Y cười gằn, lạnh lùng hỏi:

- Kiều huynh bảo ngày sau không quên đại đức, chẳng lẽ bữa nay Kiều huynh còn tưởng sống sót được mà ra khỏi Tụ Hiền trang này ư?

Kiều Phong đáp:

- Bất luận Kiều mỗ còn sống ra khỏi nơi đây hay chết rồi mới ra được cũng thế, điều đó không có gì đáng kể.

Kiều mỗ xin Tiết Thần Y cứu chữa cho cô nương sống mà thôi, thương thế cô cực kỳ trầm trọng.

Tiết Thần Y lạnh lùng nói:

- Tôi cứu chữa cho cô này làm gì?

Kiều Phong đáp:

- Người ta thường nói rằng "dù xây bảy lượt phù đồ, không bằng làm phúc cứu một người".

Tiết tiên sinh đã làm bao nhiêu việc công đức cho các phái võ lâm,nay cô nương đây không tội tình chi mà mất mạng, tưởng tiên sinh rộng lòng trắc ẩn mà chữa nội thương cho cô.

Tiết Thần Y xẵng giọng:

- Bất luận là ai trên cái cõi đời này đưa cô ta đến đây ta cũng chữa cho cô.

Hừ! Hừ! Chỉ mình ngươi đưa đến là ta không chữa.

Kiều Phong biến sắc, sầm nét mặt lại, nói:

- Bữa nay các vị hội họp ở Tụ Hiền trang để đối phó với Kiều mỗ, làm gì mà Kiều mỗ chẳng biết...

A Châu nói xen vào:

- Trời ơi! Kiều đại gia đã biết vậy, sao còn mạo hiểm đến đây làm gì?

Kiều Phong nói:

- Tôi tưởng các vị đây đều đường đường là những bậc đại trượng phu, biết rõ phải trái.

Có giết chăng nữa cũng chỉ giết một mình Kiều mỗ là đủ hả giận, chứ có can dự gì đến cô nương đây.

Tiết tiên sinh có ý thống hận Kiều mỗ mà giận luôn cả đến Nguyễn cô nương thì thật là không nên.

Tiết Thần Y bị Kiều Phong vặn cho một lúc cứng họng, hồi lâu mới nói:

- Trị bệnh cứu mạng cho người hay không là tuỳ ở lòng mừng, giận, yêu, ghét của ta, người ngoài miễn cưỡng ta thế nào được?

Kiều Phong! Ngươi làm tội đại ác, bọn ta đang muốn truy nã ngươi phân thây trăm mảnh để tế điện cha mẹ và sư

phụ ngươi. Ngươi đã tự dẫn xác đến đây, đừng hòng có chuyện tử tế nữa. Ngươi liệu mà tự xử đi thôi.

Tiết Thần Y nói tới đây, vẫy tay một cái.

Quần hào nhốn nháo cả lên, tới tấp rút binh khí ra.

Trong nhà đại sảnh ánh đao, kiếm loé lên rùng rợn; khí giới đủ thứ, nào gươm trường, đao ngắn, nào búa bén, roi dài. Trên nóc nhà cũng có tiếng xôn xao vọng xuống.

Các vị trên đây cũng lăm lăm cầm binh khí, trấn giữ những chỗ hiểm yếu.

Kiều Phong tuy đã trải qua không biết bao nhiêu trận mạc, nhưng trước kia suất lĩnh quần chúng Cái bang đi đối địch, bên mình người nhiều, thế lớn, chưa bao giờ một mình bị hãm trùng vi như lần này, lại còn đèo một cô gái bị trọng thương.

Làm thế nào để thoát khỏi vòng vây?

Thật không còn kế gì nữa nên không khỏi chột dạ.

A Châu lại càng kinh hãi, bật lên tiếng khóc, nói:

- Kiều đại gia ơi! Ðại gia cứ bỏ tôi ở đây để tìm đường chạy thoát.

Bọn họ không thù oán gì với tôi tất không nỡ giết.

Kiều Phong sực nghĩ ra: "Quả đúng thế thật! Ðây toàn là những người nghĩa hiệp, quyết không có lý nào vô cớ hại nàng. Ta sớm tìm cách thoát khỏi chốn này là hơn".

Nhưng sau ông nghĩ lại: "Bậc đại trượng phu đã làm phúc thì phải làm cho chót. Tiết Thần Y chưa nhận lời chữa thương, không hiểu nàng sống chết ra sao thì Kiều Phong này nỡ nào tham sống sợ chết bỏ đi cho đành".

Ông đảo mắt nhìn khắp bốn phía thấy vô số tay cao thủ võ lâm.

Những tay cao thủ này có người danh vang bốn bể, có hạng tuyệt nghệ hơn đời,Kiều Phong biết quá nửa.

Kiều Phong nhác trông thấy những tay cao thủ thì hùng tâm tráng khí lại nổi lên, những ý tưởng khiếp nhược tiêu tan hết, ông lẩm bẩm:

"Dù Kiều Phong này thịt nát xương tan giữa Tụ Hiền trang đây, phỏng có chi là đáng kể.

Bậc đại trượng phu sống đã lấy làm vui, chết có chi là đáng sợ?" Nghĩ vậy, ông cười ha hả, nói:

- Tiết Thần Y! Các ông đều bảo tôi là người Khất Ðan, muốn giết tôi đi trừ mối lo tâm phúc.

Hà hà! Là người Khất Ðan hay là người Hán, Kiều mỗ đến lúc này vẫn chưa biết rõ...

Bỗng trong đám người có tiếng nhỏ nhẹ cất lên:

- Ðúng rồi! Ngươi là giống khốn kiếp còn chưa tự biết hay sao?

Thanh âm này cùng với thanh âm nhạo báng Cái bang lúc trước là một.

Người này nấp vào trong đám đông nói một câu rồi im ngay nên không hiểu là ai.

Quần hùng quay về phía phát ra tiếng nói đã đôi ba lần, thuỷ chung vẫn chẳng ai máy môi.

Nếu bảo là người đó thấp lùn nên không trông thấy thì cũng phải vì trong đám này chẳng có ai thấp lùn đặc biệt cả. Kiều Phong nghe mấy câu đó, chú ý nhìn hồi lâu rồi gật đầu không để ý đến nữa, quay sang nói với Tiết Thần Y:

- Giả tỷ là người Hán, hôm nay bị ông sỉ nhục như vậy thì Kiều mỗ này chẳng chịu thôi đâu.

Nếu tôi quả là người Khất Ðan, tức là kẻ địch của nhà Ðại Tống, thì việc đầu tiên tôi phải giết tiên sinh, chứ nếu tôi giết vị anh hùng nào khác thì tiên sinh lại cứu cho họ sống lại, có phải thế không?

Tiết Thần Y đáp:

- Phải rồi! Phải rồi! Ngươi muốn giết ta thì giết đi chứ ta có cần gì.

Kiều Phong nói:

- Bữa nay tôi khẩn cầu tiên sinh cứu cho cô nương đây, thế là một mạng đổi một mạng.

Kiều mỗ vĩnh viễn không bao giờ đụng đến chân lông tiên sinh.

Tiết Thần Y khanh khách cười, nói:

- Bình sinh lão phu trị bệnh cứu người, chỉ có người cầu khẩn mình, chưa từng có ai uy hiếp.

Kiều Phong nói:

- Tôi nói một mạng đổi một mạng, rất hợp lẽ công bằng, nào phải uy hiếp tiên sinh.

Tiếng nói nhỏ nhẹ trong đám đông lại nổi lên:

- Ngươi mở miệng nói láo sao không biết thẹn?

Chỉ lát nữa đã bị loạn đao băm nát ra như cám mà còn dám bảo tha mạng cho người ư?

Ngươi...Kiều Phong thốt nhiên cả giận, quát lên:

- Vác mặt ra đây cho ta xem mi là ai?

Tiếng quát làm rung chuyển mái ngói, bụi cát trên tường nhà rơi xuống tới tấp.

Quần hùng nghe tiếng quát đều phải ù tai, trống ngực đánh loạn lên.

Trong đám đông một gã đại hán ngất ngưởng đi không vững, tựa hồ như người say rượu, chệnh choạng bước ra.

Quần hùng thấy gã mình mặc bào xanh, mặt xám như tro, thân thể cao lớn đều không nhận ra là ai.

Hắc Bạch Kiếm Sử An nói:

- Ủa! Y là Truy Hồn Trượng Ðàm Thanh. Phải rồi! Ðúng là đồ đệ Diên Khánh thái tử không sai.

Truy Hồn Trượng Ðàm Thanh mặt mũi nhăn nheo, dường như toàn thân đau đớn vô cùng.

Tay gã luôn luôn vuốt ngực loạn lên, trong người phát ra tiếng nói:

- Ta... ta với ngươi không thù không oán, sao ngươi lại phá pháp thuật của ta?

Thanh âm gã nhỏ nhẹ, y nói mà không máy môi chút nào.

Mọi người thấy vậy đều kinh hãi.

Trong nhà đại sảnh chỉ có hai ba người là biết y có thuât phúc ngữ (nói bằng bụng), lại sẵn nội công vào bậc thượng thừa, có thể làm cho đối phương mê man, kinh hãi mà chết.

Có điều nếu y gặp phải tay đối thủ, công lực còn thâm hậu hơn thì thuật của y chẳng những không linh nghiệm nữa mà chính mình y lại bị thương tổn.

Tiết Thần Y cả giận hỏi:

- Có phải ngươi là đồ đệ ác Quán Mãn Doanh Ðoàn Diên Khánh?

Ðây ta mở anh hùng đại yến, mời các vị anh hùng hảo hán trong thiên hạ.

Ngươi là hạng hèn mạt vô liêm sỉ, sao dám trà trộn vào đây?

Bỗng thấy trên cây cao có tiếng người vọng lại:

- Ngươi nói cái gì mà anh hùng với đại yến?

Ta chỉ cho là cuộc tụ họp của lũ chó má!

Ðầu câu tiếng hãy còn ở xa mà vừa hết câu người đã theo âm thanh vụt đến, từ trên tường cao lẹ làng rơi xuống.

Người nay cao lênh khênh mà gầy khẳng gầy kheo, cử động cực kỳ mau lẹ.

Trên nóc nhà vô số người vung quyền, phóng kiếm ra ngăn trở đã bị chậm trễ, gã lướt qua như không.

Trong nhà đại sảnh nhiều người nhận biết y là Cùng Hung Cực Ác Vân Trung Hạc.

Vân Trung Hạc vừa rớt xuống sân, lạng người đi một cái đã vào tới đại sảnh.

Gã túm lấy Ðàm Thanh nhảy xông lại trước mặt Tiết Thần Y.

Trong nhà đại sảnh vô số tay cao thủ đều sợ gã làm thương tổn đến Tiết Thần Y.

Bảy tám người bước ra hộ vệ cho Tiết.

Dè đâu Vân Trung Hạc đã định trước, giả vờ tiến lên để lùi ra rồi nhảy vọt lên tường cao.

Nên biết rằng những tay anh hùng hảo thủ ở đây rất nhiều, nếu lấy thực lực mà tỷ thí thì có đến bốn năm chục tay thắng nổi Vân Trung Hạc.

Song ai nấy đều bất ngờ nên gã chiếm được thượng phong.

Hơn nữa, khinh công của gã đến mực phi thường, khi gã nhảy lên tường rồi thì không còn ai đuổi kịp.

Nhiều người trong quần hùng thò tay vào túi móc ám khí,nhưng thấy những người trên nóc nhà tới tấp đuổi theo, gọi nhau í ới, ngăn gã lại nên không ai dám phóng ám khí ra, và những người đuổi theo cũng không kịp.

Kiều Phong la lên:

- Ðể gã đó!

Rồi vung tay đánh ra một chưởng lên không.

Chưởng lực phóng ra rất nhanh, tựa như một thứ khí giới vô hình, chụp cả phía trước cho cả phía sau lưng Vân Trung

Hạc.

Vân Trung Hạc rú lên một tiếng, té lăn xuống đất, miệng trào máu tươi ra như suối.

Ðàm Thanh vẫn đứng nhưng hết xiêu sang bên nọ lại vẹo sang bên kia, miệng đã ú ớ trông rất buồn cười.

Nhưng trước tình hình nghiêm trọng chẳng ai cười lên được, trái lại ai nấy đều khiếp sợ.

Tiết Thần Y biết Vân Trung Hạc tuy bị trọng thương nhưng còn có sơ cứu được, còn Ðàm Thanh thì tâm hồn tiêu tán mất cả rồi.

Thiên hạ không còn thứ linh đan diệu dược nào cứu mạng cho gã được nữa.

Tiết nghĩ đến Kiều Phong mới sơ sơ một tiếng quát, một chưởng phóng ra không gian mà uy lực đã ghê gớm đến thế. Nếu hắn muốn giết mình thì vị tất đã có người ngăn trở kịp.

Tiết Thần Y còn đang ngẫm nghĩ, chợt thấy Ðàm Thanh đứng yên không nhúc nhích, miệng hết ú ớ, hai mắt trợn ngược lên, rõ là người đã tắt nghỉ.

Vừa lúc nãy Ðàm Thanh buông lời vũ nhục Cái bang, quần hào Cái bang căm phẫn vô cùng,nhưng lúc đó chưa biết là ai, khí tức chẳng biết trút vào đâu.

Bây giờ thấy Kiều Phong đánh chết gã, họ đều có cảm giác khoan khoái trong lòng.

Bọn Ngô trưởng lão, Tống trưởng lão đều là những tay hảo hán trực tính, suýt nữa mở miệng reo hò để hoan hô Kiều Phong.

Song vì nghĩ đến ông là giống Khất Ðan đại cừu nên phải cố nén lòng.

Tuy không nổi tiếng hoan hô, nhưng ai cũng nghĩ thầm: "Nếu không được Kiều Phong làm Bang chúa thì Cái bang bất lợi vô cùng.

Trên bước đường chông gai từ đây trở đi, Cái bang không có những ngày huy hoàng lừng lẫy tiếng tăm như trước

nữa".

Kiều Phong nói:

- Hai vị Du huynh! Hôm nay tại hạ gặp ở đây rất nhiều bạn bè, song bạn đã trở nên cừu địch cả rồi.

Trong lòng tại hạ xiết bao cảm xúc, mong rằng đại huynh cho mấy bát rượu giải phiền.

Mọi người thấy Kiều Phong đòi uống rượu đều lấy làm kinh dị.

Du Câu lẩm bảm: "Ðể ta xem y định giở trò gì đây?" rồi sai người nhà lấy rượu ra.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play