Trí Thanh nhìn ra bốn mặt toan do cửa trước viện Bồ Ðề chạy ra.
Kiều Phong nghĩ bụng: "Nếu y ra ngả đó tất là bị bắt". Nghĩ tới đó, bỗng cảm thấy một luồng gió thổi đến sau lưng thì biết ngay có người sắp nhảy vào chỗ mình núp. Ông bèn giơ tay trái ra nắm lấy huyệt mạch môn tay trái địch nhân, rồi vận nội lực vào bàn tay khiến người đó toàn thân tê nhức không nhúc nhích được nữa.
Kiều Phong bắt được địch nhân rồi chú ý nhìn xem là ai. Ðèn lửa trong chùa chỉ sáng lờ mờ nhưng nhãn quang Kiều Phong rất lanh lợi, vừa nhìn đã biết ngay là Trí Thanh. Ông thoáng rùng mình một cái nhưng rồi hiểu ngay, lẩm bẩm: "Phải rồi. Y cũng như mình, định chạy vào sau lưng pho tượng này ẩn núp, bất ngờ lại trúng vào chỗ mình. ý chừng y thấy pho tượng Bồ Ðề này lớn hơn cả. Nhưng y đã định chạy ra cửa trước sao lại chuồn vào đây? à phải rồi! Y giả bộ như vậy để đánh lạc hướng năm nhà sư ngã lăn dưới kia, để những người đến sau hỏi tất những vị này bảo là y chạy ra cửa trước, nhưng kỳ thực y chuồn vào cửa sau lần đến đây. Tên này thực cũng đa mưu."
Kiều Phong nghĩ bụng như vậy, tuy vẫn giữ chặt Trí Thanh, ghé miệng vào tai y khẽ nói:
- Mi mà la lên là ta đánh cho một chưởng chết liền, mi có hiểu không?
Trí Thanh không nói nên lời và chỉ sẽ gật đầu. Ngoài cửa lớn đã có bảy tám nhà sư đến tiến vào. Trong bọn này ba vị cầm đèn đuốc, đại điện sáng rực cả lên. Quần tăng thấy năm nhà sư nằm lăn dưới đất, đều sửng sốt. Một vị la lên:
- Tên ác độc Kiều Phong lại hạ độc thủ.
Người thì hỏi:
- Trời ơi! Trí Quang, Trí Uyên sư huynh đấy ư?
Vị khác nói:
- Ôi thôi, ai để tấm gương đồng ra đây? Kiều Phong lấy mất kinh sách viện Bồ Ðề rồi. Phải mau mau bẩm bạch phương trượng.
Kiều Phong nghe các nhà sư nghị luận không khỏi bật cười, bao nhiêu tội họ đều đổ lên đầu mình hết. Chỉ trong khoảnh khắc, quần tăng đến tụ họp mỗi lúc một đông.
Kiều Phong thấy Trí Thanh cố sức cựa quậy để thoát thân. Ông hiểu ngay,giữa lúc này quần tăng đang nhốn nháo mà bọn Trí Quang, Trí Uyên chưa hồi tỉnh,nếu Trí Thanh không bị mình giữ tất y trốn thoát một cách rất dễ dàng, cứ việc
đường hoàng đi ra vì có ai ngờ gì đến y đâu, họ đều cho mình là hung thủ.
Rồi Kiều Phong lại nghĩ thầm: "Xét cho cùng thì Trí Thanh vẫn chưa giỏi sao mà còn núp vào đây làm chi? Cứ ngang nhiên do cửa giữa mà ra cũng chẳng ai hỏi đến y". Ðột nhiên trong đại điện im bặt, không ai nói câu gì nữa, thì ra phương trượng Huyền Từ cùng những vị thủ lĩnh các viện đã đến. Thủ lĩnh viện Long Thụ là Huyền Tịch đưa tay ra vỗ bọn Trí Quang, Trí Uyên cho tỉnh dậy rồi hỏi:
- Ðây cũng là thủ đoạn của Kiều Phong phải không? Sao hắn lại biết những bí mật trong tấm gương đồng?
Trí Quang đáp:
- Không phải Kiều Phong, chính là...
Nhà sư toan nói "chính là Trí Thanh", bỗng đột nhiên gã nhảy xổ đến bên một nhà sư đứng cạnh Huyền Từ phương trượng, nắm áo mắng luôn:
- Giỏi thiệt! Sao ngươi dám hạ độc thủ?
Kiều Phong muốn nhìn trộm nhà sư kia mắng ai nhưng không có cách nào nhìn rõ được, lại không dám ló đầu ra ngoài, trong đại điện đông như vậy, chỉ cần vô ý một chút là bị phát giác. Bỗng thấy một người kêu lên:
- Trí Quang sư huynh! Sao lại lôi kéo tôi làm gì?
Trí Quang đáp:
- Ngươi đá ngã năm người bọn ta và lấy cắp kinh sách, thế này thì gớm thật!
Bẩm phương trượng, tên phản tặc Trí Thanh này mở trộm tấm gương đồng trong viện Bồ Ðề để lấy cắp kinh sách.
Người kia kêu lên:
- Sao, sao? Tôi luôn luôn bên cạnh phương trượng, biết đâu mà lấy trộm kinh sách?
Huyền Tịch đại sư nghiêm nét mặt, nói:
- Trước hết hãy đặt tấm gương đồng lại rôi nói hết đầu đuôi cho chúng ta nghe.
Trí Uyên chạy lại đặt tấm gương đồng vào chỗ cũ. Lúc này Kiều Phong trông qua tấm gương đồng đã rõ, ông thấy một nhà sư trỏ tay, khoa chân ra chiều tức tối.
Kiều Phong vừa ngó thấy mặt người đó, bất giác cả kinh vì y chính là Trí Thanh.
Ông thất kinh nhìn lại nhà sư bị ông bắt, thì thấy tướng mạo y giống hệt nhà sư Trí Thanh ngoài đại điện, nhìn kỹ mới thấy hơi khác chút đỉnh, trông qua thì không ai phân biệt được.
Kiều Phong lẩm bẩm: "Trên đời này sao lại có người giống nhau đến thế? Chắc hai người này là anh em sinh đôi, một người vào chùa Thiếu Lâm xuất gia đầu phật, còn một người vẫn ở ngoài trần tục, như vậy cũng hay. Y chờ cơ hội thuận tiện, giả trang làm hoà thượng để vào chùa trộm kinh. Nhà sư Trí Thanh đã không rời phương trượng nửa bước thì còn ai nghi ngờ cho y nữa."
Bỗng nghe Trí Quang thuật lại chuyện Trí Thanh thăm hỏi những bí mật về tấm gương đồng ra sao, cùng mình lỡ lời nói ra bốn chữ thế nào, rồi Trí Thanh giả vờ ra ngoài đi tiểu ngầm đá ngã bốn nhà sư và cùng mình động thủ thế nào, nhất nhất thuật lại, lúc Trí Quang thuật chuyện, Trí Uyên cùng ba nhà sư kia luôn luôn phụ hoạ vào để chứng thực là lời Trí Quang nói đúng. Từ nãy đến giờ, Huyền Từ phương trượng lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng nghe Trí Quang kể xong, điềm đạm hỏi:
- Ngươi trông rõ là Trí Thanh chứ?
Trí Quang cùng Trí Uyên đồng thanh đáp:
- Bẩm bạch phương trượng, chúng tôi cùng Trí Thanh không thù không oán, vu hãm cho y làm gì?
Huyền Từ thở dài, nói:
- Việc này bên trong còn có nhiều uẩn khúc, trong hai giờ này Trí Thanh ở luôn bên mình ta, không rời nửa bước.
Nghe phương trượng nói vậy, năm nhà sư kia không ai dám lên tiếng nữa.
Huyền Nạn xác nhận:
- Chúng tôi cũng trông thấy Trí Thanh sư đệ luôn luôn kề cận phương trượng sư huynh. Có lý đâu còn đến viện Bồ Ðề lấy trộm kinh được.
Huyền Tịch hỏi:
- Trí Quang! Khi ngươi cùng Trí Thanh động thủ, quyền cước y có chiêu thức nào khác lạ không?
Trí Quang la lên:
- À quên, giờ tôi mới nhớ ra, lúc Trí thanh cùng tôi động thủ, y không sử những chiêu thức võ công bản phái.
Huyền Tịch hỏi:
- Y sử chiêu thức môn phái nào, ngươi có nhận ra không?
Trí Quang lộ vẻ bâng khuâng không trả lời được. Huyền Tịch lại hỏi:
- Y sử trường quyền hay đoản đả? Y dùng thủ pháp cầm nã về môn "địa trường" hay "thông tế"?
Trí Quang đáp:
- Y... y dùng võ công âm hiểu lạ thường. Ðệ tử mấy lần để ý mà không hiểu là y theo đường lối nào.
Huyền Tịch, Huyền Nạn cùng mấy vị lão tăng vào bậc tiền bối đưa mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn phương trượng, tỏ ra đã cảm thấy hôm nay gặp phải một tay đối thủ bản lĩnh tuyệt luân, thủ đoạn huyền ảo, khiến bọn mình không ai hiểu được.
Bây giờ chỉ có cách là một mặt mở cuộc điều tra, một mặt trấn định những người tòng sự ai thấy điều kỳ dị cũng đừng hoang mang. Không thế thì trong chùa sẽ rối loạn, nhốn nháo, e rằng những tai hoạ khó lòng thu xếp cho yên được. Huyền Từ hai tay chắp để trước ngực, nói:
- Kinh sách cất ở viện Bồ Ðề là Phật Pháp của vị cao tăng tiền bối bản tự soạn ra để cứu dân độ thế. Nếu đệ tử nhà Phật lấy được để nghiên cứu tụng niệm thì còn khá, giả tỷ lọt vào tay trần tục, họ không biết tôn trọng thì thật là tội lớn. Các vị sư đệ, sư điệt hãy về phòng riêng yên nghỉ, ai nấy chăm lo công việc phận sự mình.
Quần tăng nghe lời phương trượng dặn bảo đều giải tán đâu vào đấy, chỉ có bọn Trí Quang, Trí Uyên vẫn nhìn Trí Thanh bằng con mắt hằn học.
Huyền Tịch trợn mắt nhìn họ, bọn Trí Quang cả sợ không dám nói gì nữa, cùng Trí thanh ra đi.
Quần tăng lui ra rồi, trong đại điện chỉ còn Huyền Từ, Huyền Nạn, Huyền Tịch, ba nhà sư ngồi xuống bồ đoàn trước tượng phật. Huyền Từ đột nhiên cất tiếng hô:
- A di đà phật. Tạ tội, tạ tội!
Câu hô vừa dứt, ba nhà sư đứng phắt dậy, chuyển mình nhảy rất lẹ đến phía sau tượng phật, đồng thời phóng chưởng ra đánh vào Kiều Phong. Kiều Phong không ngờ ba nhà sư phát giác ra tông tích của mình, lại không ngờ mấy vị lão tăng tuổi bảy tám mươi, vừa hô vừa đánh ra chưởng mau lẹ và ghê gớm đến thế.
Chỉ trong chớp mắt, ông thấy hơi thở khó khăn, trước ngực như bị đè nén. Ba vị cao tăng chùa Thiếu Lâm liên hiệp công kích thực là khủng khiếp. Trong lúc hoang mang, ông cảm thấy cả trên dưới và bốn bề đều bị chưởng lực ba vị cao tăng phong toả. Ðể chống lại sức mạnh, nếu mình không dùng sức mạnh phản kích thì chính mình tất thương.
Không đủ thì giờ suy tính, ông đánh ra phía trước một chưởng. Chưởng lực hai bên va chạm nhau, tượng phật đổ lỏng chỏng. Kiều Phong không dám chần chờ,thuận tay nhắc Trí Thanh lên, tung mình nhảy ra phía trước, bỗng thấy sau lưng có luồng chưởng phong ghê gớm đánh tới, tựa hồ có người phóng "Kim cương chưởng", một môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm.
Chưởng này mà đánh trúng thì đến ngũ tạng trong người cũng phải tan nát. Kiều Phong vẫn không muốn phản kích bằng chưởng lực, ông thò tay ra chụp lấy tấm gương đồng dùng làm lá chắn để che sau lưng. Bỗng nghe đánh "choảng" một
tiếng. Huyền Nạn phóng "Kim cương chưởng" đánh trúng vào tấm gương mà tay phải Kiều Phong cũng tê buốt.
Ông mượn đà chưởng phong của Huyền Nạn nhảy ra xa hơn một trượng, bỗng nghe thấy sau lưng có tiếng người đang hít chân khí một cách khác thường. Ông là người kiến thức cao siêu lại dồi dào kinh nghiệm giang hồ, vừa nghe tiếng thở hít lạ, đã biết ngay là có một vị cao tăng Thiếu Lâm sử chiêu "Phách không thần quyền".
Ðối với loại võ công này tuy chưa đáng sợ, song ông không thể đem nội lực ra chống đỡ được, dùng tấm gương đồng để che mặt sau, vận nội lực ra cánh tay phải.
Giữa lúc đó ông thấy đối phương dùng quyền đánh vèo lại, phương vị chiêu này cũng khác lạ. Kiều Phong ngạc nhiên, nhưng rồi hiểu ngay lập tức là thần quyền vị lão tăng này không phải nhắm đánh mình mà nhắm đánh vào sau lưng Trí Thanh.
Kiều Phong cùng Trí Thanh vốn không quen biết nên bản tính ông không muốn cứu y. Song ông xách y trên tay, tự nhiên ông phải chiếu cố đến y. Tấm gương đồng đã che được cho Trí Thanh thì một tiếng "choảng" vang lên do tấm gương đồng phát ra to như tiếng lệnh vỡ vì tấm gương này đã bị lão tăng dùng "Không quyền" đánh bể rồi. Kiều Phong xoay tấm gương đó che đỡ rồi xách Trí Thanh nhảy lên nóc nhà.
Ông cảm thấy người Trí Thanh rất nhẹ, đối với tấm thân to lớn vạm vỡ chẳng xứng chút nào. Trong lòng còn đang ngờ vực thì tiếng lệnh nổ vang lên làm cho ông không đứng vững được nữa, đầu gối nhũn ra ngã khuỵu xuống. Từ khi Kiều
Phong bôn tẩu giang hồ, ông chưa từng gặp tay đối thủ nào lợi hại đến thế, nên không khỏi giật mình. Ông chuyển thân một cái, đứng phắt dậy, khi đó lại hiên ngang không để ý đến khi đó mình đang bị cường địch bao vây. Huyền Từ lại hỏi:
- A di đà phật! Tội lỗi! Tội lỗi! Kiều thí chủ đã đến chùa Thiếu Lâm giết người,lại còn phá tượng phật, vậy mời thí chủ nếm một chưởng này.
Huyền Từ không chờ Kiều Phong trả lời, đưa hai chưởng ra quyện thành vòng tròn, từ từ chụp xuống Kiều Phong. Chưởng lực chưa xáp tới, Kiều Phong đã cảm thấy hơi thở nặng nề. Chỉ trong chớp mắt, chưởng lực Huyền Từ như làn sóng thuỷ triều đổ xuống. Kiều Phong vứt bỏ tấm gương đã vỡ, tay phải ra chiêu "Khán long hữu hối" trong "Hàng Long Thập bát chưởng".
Hai luồng chưởng lực gặp nhau bật lên tiếng vang nho nhỏ. Vậy mà uy lực rất mạnh, khiến cho Huyền Từ và Kiều Phong đều bị lùi lại ba bước. Kiều Phong lúc này đã cảm thấy đuối sức, buông Trí Thanh xuống, nhưng nhờ nội lực thâm hậu chỉ vận chân khí lên là lập tức tinh thần lại phấn chấn. Ông không chờ Huyền Từ phóng đến chưởng thứ hai, đã la lên:
- Xin cáo từ!
Rồi xách Trí Thanh băng mình nhảy lên nóc nhà đi tuốt, tai còn vẳng nghe thấy hai nhà sư Huyền Nạn, Huyền Tịch thốt ra những tiếng kinh dị. Ðón chưởng Huyền Từ phương trượng vừa phóng là "Nhất phách lưỡng tán". Nhà sư phải tụ hợp hết sức bình sinh để đánh ra chưởng này, đánh vào đá cũng vỡ nát, mà đánh vào người thì hồn bay phách tán, vì thế mà mệnh danh "lưỡng tán".
Chưởng pháp này chỉ đánh ra một chiêu mà sức mạnh rùng rợn. Ðối phương dù công lực thâm hậu đến đâu cũng không thể chịu đựng được đến chưởng thứ hai, chỉ một đòn cũng đủ chết mất mạng rồi. Người phát chưởng lực non nghiêng biển này phải có nội lực ghê gớm mới thay đổi chiêu thức được.
Ðối phương nếu không có nội lực phi thường cũng không tài nào chống đỡ nổi.
Thế mà Kiều Phong gặp chiêu "Nhất phách lưỡng tán" chẳng những không chết mà chỉ trong chớp mắt đã phục hồi nguyên lực, xách người nhảy lên nóc nhà chạy trốn, trách nào Huyền Nạn, Huyền Tịch chẳng thốt nên những tiếng kinh dị.
Huyền Nạn than rằng:
- Võ công gã này quyết không kém gì bọn ta, thật là một mối lo không nhỏ cho các phái võ trên chốn giang hồ.
Huyền Tịch nói:
- Ta phải sớm tìm cách nào trừ khử gã đi để tránh một mối lo vô cùng trọng đại.
Huyền Nạn gật đầu, Huyền Từ phương trượng ngó theo nẻo đường Kiều Phong chạy trốn, mắt nhà sư già đăm đắm nhìn ra phương trời. Lúc Kiều Phong chạy trốn còn quay đầu lại nhìn ba nhà sư, bỗng thấy tấm gương đồng bị nhà sư đánh vỡ thành mười mấy mảnh tung toé trên mặt đất, những mảnh này còn phản chiếu hình bóng ông vào đó.
Kiều Phong lại rùng mình, ông không hiểu sao cứ mỗi lần trông thấy bóng mình lại băn khoăn trong dạ. Ông không sao tự giải đáp được tình trạng cổ quái này.
Nhưng hiện giờ ông phải gấp rút lo chạy cho xa chùa Thiếu Lâm nên đành bỏ hẳn việc nghi ngờ lảng vảng trong đầu óc để chạy cho nhanh, rồi ông cũng quên đi dần dần.
Kiều Phong đã thuộc hết đường ngang lối dọc trên núi Thiếu Thất, dù nhắm mắt ông cũng có thể nhớ được hết những khe ngách nhỏ hẹp vòng vèo trên sườn núi.
Ông chuồn ra phía sau núi rồi dò những nẻo đường chật hẹp, gai góc mà chạy.
Chạy được chừng mấy dặm, bên tai không còn nghe tiếng những nhà sư Thiếu Lâm đuổi theo nữa mới yên dạ. Ông buông Trí Thanh xuống đất, quát hỏi:
- Mi muốn chạy cho thoát thân, sao không chạy trước đi?
Dè đâu Trí Thanh chân vừa chấm đất, người đã nhủn ra rơi phệt xuống tựa như người chết.
Kiều Phong giật mình, để tay vào mũi y thấy hơi thở rất yếu ớt, như có như không. Ông lại sờ vào cổ tay cũng thấy mạch chạy trầm lạc trì trệ, dường như sắp tắt nghỉ đến nơi.
Kiều Phong nghĩ thầm: "Ta còn biết bao nhiêu nghi vấn cần phải hỏi gã, không để chết ngay được. Có lẽ gã lọt vào tay ta, sợ âm mưu bại lộ đã uống thuốc độc tự sát."
Ông đặt tay vào ngực gã nghe tim đập, bỗng giật nảy mình vì thấy ngực gã mềm mại tựa như ngực đàn bà.
Kiều Phong vội rút tay về, rất lấy làm kỳ, tự hỏi: "Hay gã là một cô gái cải trang?" Ông vội móc đá lửa trong mình, bật lên soi vào mặt nhà sư Trí Thanh, thì thấy hai bên má có những chấm xanh như râu mọc, cổ cũng có bướu, rõ ràng là một chàng trai.
Kiều Phong lại càng nghi ngờ, đưa hai tay lên sờ đầu nhẵn bóng không có chút gì giả mạo.
Kiều Phong là người hào sảng, khoái đạt, không câu nệ tiểu tiết như anh chàng thư sinh Ðoàn Dự.
Ông đưa tay vào lưng nhấc bổng Trí Thanh lên, quát hỏi:
- Mi là đàn ông hay đàn bà? Nếu như mi không nói thật, ta sẽ lột xiêm áo ra chiêm nghiệm.
Trí Thanh máy môi muốn nói gì nhưng không còn hơi sức thốt ra lời nào nữa. Rõ ràng là gã đã đến lúc hấp hối, mạng sống tựa ngàn cân treo sợi tóc.
Kiều Phong lẩm bẩm: "Bất luận gã là trai hay gái, là người ngay hay kẻ gian cũng không thể để gã chết ngay được". Ông đưa hai tay ra đập vào sau lưng gã rồi vận khí từ huyệt đan điền ra cánh tay, từ cánh tay xuống đến bàn tay rồi chuyển vào thân thể Trí Thanh.
Nguyên vừa rồi Kiều Phong cùng Huyền Từ phương trượng đối nhau một chưởng, chưởng lực "Nhất phách lưỡng tán" đâu phải tầm thường. Lúc đó tay trái Kiều Phong nắm giữ Trí Thanh để gã trúng chưởng lực đó, khiến gã bị thương, giờ
Kiều Phong đem chân khí mình chuyển vào nội thể gã để tạm thời duy trì tính mạng cho gã trong chốc lát rồi sẽ tìm thày thuốc giải cứu sau.
Không ngờ nội lực sung mãn của ông chính là phương thuốc rất hay để chữa trọng thương cho Trí Thanh. Trí Thanh được chân khí Kiều Phong cuồn cuộn truyền vào, khác nào đĩa đèn khô kiệt được rót dầu vào, mạch chạy dần dần mạnh lên và hơi thở cũng điều hoà trở lại.
Kiều Phong thấy Trí Thanh chưa đến nỗi chết ngay trong chốc lát đã hơi yên dạ.
Ông tính rằng: "Nơi đây chưa xa chùa Thiếu Lâm mấy, không thể đình lại lâu được". Ông liền hai tay bồng hẳn Trí Thanh lên, rảo bước chạy về nẻo Tây Bắc.
Ông lại cảm thấy thân thể Trí Thanh quá nhẹ nhàng, không hợp với tầm vóc to lớn,thì nghĩ bụng: "Ta lột xiêm áo gã thì không nên, nhưng trụt giày gã thì có gì là không tiện?" Nghĩ vậy, ông đưa tay ra trụt giày nhà sư.
Nhưng vừa cầm vào chân gã, thì thấy cứng ngắc như chân người chết rồi. Ông kéo mạnh một chút, một vật theo tay tuột ra: chính là một bàn chân giả bằng gỗ.
Lúc sờ vào chân Trí Thanh thì thấy nhỏ bé mềm mại, bất giác thốt lên một tiếng kinh dị, lẩm bẩm: "ủa! Quả gã là con gái!" Kiều Phong lại vận động khinh công,càng chạy lẹ.
Chạy được hồi lâu, ông độ chừng đã xa chùa Thiếu Lâm năm sáu mươi dặm.
Trời đã bình minh, phương đông hé sáng, Kiều Phong ôm Trí Thanh chạy đến đầu một khu rừng nhỏ thì gặp một khe suối nước trong xanh. Ông liền dừng bước,vốc nước suối lên rửa mặt Trí Thanh rồi lấy vạt áo cà sa lau cho sạch. Ðột nhiên mặt Trí Thanh lở ra từng mảng thịt rơi xuống, Kiều Phong giật nảy mình, tự hỏi:
"Tại sao da thịt y lại rữa nát thế này?"
Ông ngưng thần, nhìn kỹ vào mặt Trí Thanh thì sau lớp thịt nát lộ ra một làn da trắng như tuyết, trong như ngọc.
Trí Thanh bị Kiều Phong bồng lên, chạy rất mau giữa lúc hôn mê bất tỉnh, bây giờ nước lạnh đắp vào hồi tỉnh, giương mắt lên nhìn,thấy Kiều Phong thì gượng cười, khẽ nói:
- Kiều Phong Bang chúa!...
Nhưng gọi được một câu rồi sức yếu không nói thêm được nữa, lại nhắm mắt lại.
Kiều Phong nhìn mặt Trí Thanh thấy lỗ chỗ, nhiều chỗ gồ lên lõm xuống, trông không rõ tướng mạo. Ông liền dùng mảnh áo tăng bào xuống suối, lấy nước lau qua lau lại cho bao nhiêu phấn bột rơi hết đi, để lộ bộ mặt trái xoan của một cô thiếu nữ. Kiều Phong la lên một tiếng thất thanh:
- Trời ơi! Té ra là A Châu cô nương!
Nguyên người hoá trang làm Trí Thanh hoà thượng để trà trộn vào viện Bồ Ðề chùa Thiếu Lâm là một tên nữ tỳ Mộ Dung Phục, tên gọi A Châu. Nàng có thuật cải trang khéo léo, mau lẹ, trên đời không ai bì kịp. Nàng đệm gót bằng một bàn chân giả cho cao người lên, lấy bông đệm vào vai, vào bụng cho tầm vóc to lớn,dùng bột dùng phấn nhồi cho lớn mặt ra.
Nàng cải trang khéo đến nỗi các nhà sư Trí Quang, Trí Uyên luôn luôn bên cạnh Trí Thanh mà cũng không nhận ra được. Nàng đang lúc mê man, bên tai bỗng nghe thấy tiếng Kiều Phong gọi "A Châu cô nương" cũng muốn trả lời để giải thích vì sao mình trà trộn vào chùa Thiếu Lâm nhưng không còn chút hơi sức nào, đầu lưỡi cũng đờ ra không chịu tuân theo mệnh lệnh.
Nàng chỉ khẽ la lên một tiếng, nói không ra lời rồi lại ngất đi. Khi Kiều Phong còn ôm Trí Thanh mà chạy, trong lòng ông không biết bao nhiêu căm thù, cho y là người gian trá hiểm độc. Cả đến cái chết của song thân cùng sư phụ mình hẳn có liên quan đến y, nên ông không tiếc công phu khó nhọc cứu cho y sống để tra hỏi mọi việc.
Ông đã định sẵn trong bụng nếu Trí Thanh không chiêu xưng sẽ dùng cực hình thảm khốc để tra tấn, ngờ đâu lúc y lộ chân tướng lại là A Châu cô nương thành ra vỡ mộng.
Kiều Phong tuy có vài lần gặp A Châu, A Bích và đã cứu hai nàng thoát khỏi độc thủ bọn võ sỹ Tây Hạ, nhưng ông vẫn không biết A Châu thiện nghề hoá trang, A Bích thông thạo âm luật. Giả tỷ mà ông gặp Ðoàn Dự thì còn đoán được đôi phần.
Kiều Phong thấy A Châu lại ngất đi, vội truyền chân khí vào người nàng để chữa nội thương. Bây giờ ông đã thấy rõ không phải nàng trúng độc mà vì chưởng lực đánh bị thương. Ông trầm ngâm một hồi, lúc vỡ lẽ ra không khỏi ngấm ngầm hối hận: "Sở dĩ nàng trúng chưởng Huyền Từ phương trượng đến bị trọng thương là tại mình nắm giữ nàng trong tay. Giả tỷ mình dừng dính líu vào việc không đâu này, để nàng ra vào tự do thì nàng chạy thoát thân, quyết không đến nỗi gặp phải đại nạn."
Ông vẫn có lòng ngưỡng mộ Mộ Dung Phục, "vì thần phải nể cây đa" nên đối với gã thị tỳ của Mộ Dung ông cũng nhìn bằng con mắt đặc biệt. Kiều Phong nghĩ thầm: "A Châu đã bị trọng thương do mình mà ra thì không có lý nào bỏ nàng mà không chữa cho đành. Bây giờ phải đưa nàng đến một thị trấn mời danh y điều trị".
Nghĩ vậy, ông liền bảo:
- A Châu cô nương! Tôi bồng cô đi tìm một thị trấn để chữa thương cho cô, cô đừng trách tôi về tội mạo phạm.
Nói xong, ẵm nàng lên, bước mau đi về phía bắc. Chẳng mấy chốc trời đã sáng rõ, Kiều Phong lấy áo thầy chùa của A Châu che mặt nàng để người ngoài khỏi dị nghị là mình bồng thiếu nữ mà đi. Ði được hai mươi dặm thì đến một thị trấn đông đúc, người đi chợ sáng rất là tấp nập.
Kiều Phong hỏi thăm người đi đường biết trấn này tên gọi Hứa Gia Tập, một nơi tập họp các sản phẩm lân cận như lương thực, bông, gai, da trâu,... để rồi chia đi bán các ngả.
Ông tìm đến một khách sạn lớn, mướn hai gian phòng, đưa A Châu lên nghỉ.
Những người trong khách sạn thấy Kiều Phong cùng A Châu không ra vợ chồng cũng chẳng phải anh em, bộ tịch rất là khả nghi. Song nhác thấy Kiều Phong hiên ngang lẫm liệt nên không dám hỏi nhiều.
Kiều Phong không có tiền bạc chi hết,ông nhăn mày ra vẻ lo phiền... A Châu thều thào nói:
- Trong bọc tôi có xuyến vàng, kiềng vàng...
Kiều Phong nói:
- Thế thì hay lắm, cô nương lấy ra cho tôi đem đổi.
Nàng cất tay phải lên nhưng không đủ sức. Kiều Phong thấy việc cấp bách, liền thò tay vào trong bọc nàng lấy ra một đôi xuyến vàng và một chiếc kiềng vàng đánh rất đẹp.
Kiều Phong nghĩ thầm: "Cái kiềng này hoặc của cha mẹ, hoặc chú bác nàng cho làm đồ trang sức khi nàng lên mười tuổi, đem đổi đi mất thì đáng tiếc."
Nghĩ vậy, ông cầm cái kiềng đặt xuống dưới gối nàng rồi đem đôi xuyến đi đổi tiền được mười tám lạng rưỡi bạc, ông liền mời một vị y sinh đến coi thương thế cho nàng. Y sinh vừa xem mạch vừa lắc đầu lia lịa. Thầy nghĩ một lúc rồi không hốt thuốc, tiền xem mạch cũng không lấy, luôn miệng nói:
- Tôi không chữa được, thật là đáng tiếc.
Nói xong, ra cửa về thẳng. Nguyên thày lang chẩn mạch cho A Châu, thấy nhiều đường kinh mạch bị đứt, sắp chết đến nơi, thày lo ngồi chậm một chút có thể liên luỵ đến mình.
Kiều Phong cả kinh, lại đi mời thày khác. Thày này có hốt thuốc nhưng cũng bảo:
- Bệnh cô nương đây không còn thuốc nào chữa được. Thang thuốc này chẳng qua là để tỏ ra đã hết sức mà thôi.
Kiều Phong xem toa thuốc, thấy kê những vị tầm thường như cam thảo, bạc hà,cát cánh, bán hạ,... đến người bị cảm xoàng uống cũng chẳng ăn thua, nên không đi mua thuốc nữa mà lại vận chân khí, truyền nội lực vào người nàng. Trong
khoảnh khắc, sắc mặt A Châu đang lợt lạt đã trở lại hồng hào rồi nàng nói:
- Kiều Bang chúa! Rất cảm ơn Bang chúa đã cứu cho. Giả tỷ tôi bị bắt vào tay mấy ông trọc đầu không tài nào thoát chết.
Kiều Phong nghe giọng nàng đã có khí lực thì cả mừng, đáp:
- A Châu cô nương! Tôi rất áy náy về bệnh tình cô nương, không biết có khỏi được chăng?
A Châu nói:
- Bang chúa đừng kêu tôi bằng cô nương gì hết, cứ gọi thẳng ngay cái tên A Châu là đủ rồi. Bang chúa vào chùa Thiếu Lâm có chuyện chi?
Kiều Phong nói:
- Tôi cũng không còn là Bang chúa chi nữa, từ đây xin miễn xưng hô như vậy.
A Châu nói:
- Vậy tôi xin kêu bằng Kiều đại gia!
Kiều Phong lại hỏi:
- Cô vào chùa Thiếu Lâm làm gì? Hãy nói cho tôi nghe đã.
A Châu cười, đáp:
- Tôi nói ra xin Kiều đại gia đừng cười vì tội tôi đã phá quấy. Tôi nghe công tử nhà tôi đến chùa Thiếu Lâm, nên tôi đến đó tìm công tử để nói với chàng về việc Vương cô nương. Ngờ đâu đến nơi thì nhà sư hung dữ gác cổng bảo chùa Thiếu Lâm cấm ngặt không cho đàn bà con gái vào. Tôi tranh biện với y lại bị mắng nhiếc đuổi ra. Song tôi cố tìm cách để vào bằng được.
Kiều Phong tủm tỉm cười, nói:
- Cái kiềng của cô trên có chạm chữ "Con nhỏ mười tuổi này ngày càng nghịch ngợm" là của ai cho cô?
A Châu đáp:
- Của gia gia tôi đó.
Nói đến gia gia, nàng lộ vẻ buồn thiu, chắc là gia gia nàng đã quá cố nên Kiều Phong không đả động đến việc đó nữa, hỏi sang chuyện khác:
- Cô cải trang vào chùa Thiếu Lâm, bao nhiêu vị đại hoà thượng không biết cô là gái. Sau khi vào được rồi, cô không lộ bản tướng cho các vị hoà thượng đó coi để họ phải tức mình vỡ bụng mà vẫn không làm gì được.
Nguyên Kiều Phong trước vẫn tôn kính hết thảy mọi người trong chùa Thiếu Lâm, nhưng từ lúc Huyền Khổ đại sư chết rồi, quần tăng không hỏi rõ đen trắng,một mực đổ tội cho ông làm ba việc đại ác: giết mẹ, giết thầy, nên ông không khỏi căm tức. A Châu nghe Kiều Phong nói thích quá, ngồi nhổm dậy, vỗ tay cười, nói:
- Kiều đại gia! Ðại gia quả là cao kiến. Chờ khi tôi khỏi rồi sẽ cải dạng nam trang vào chùa, xong rồi mặc nữ trang hiên ngang đi ra khiến cho mấy lão hoà thượng phải tức đến hộc máu ra chơi... à... à...
Ðột nhiên nàng không nói tiếp được nữa, thân thể lại nhũn ra, nằm phục xuống giường, không nhúc nhích được.
Kiều Phong cả kinh, đặt ngón tay lên mũi thì thấy tựa hồ như nàng đã ngừng thở thì trong lòng nóng nảy, vội đặt bàn tay vào huyệt linh đài sau lưng nàng, vận động chân khí truyền vào trong người nàng. Chỉ trong thời gian chưa uống cạn tuần trà, A Châu từ từ nằm ngửa lên, cười nói:
- Úi chà! Sao tôi đang nói lại ngủ thiếp đi? Kiều đại gia! Quả là không ổn rồi.
Kiều Phong cũng biết tình hình rất nguy ngập, nhưng miệng vẫn nói:
- Mình cô chưa được khoẻ hẳn, hãy ngủ đi một lát để dưỡng thần.
A Châu nói:
- Tôi không thấy nhọc lắm. Chẳng qua vất vả mất nửa đêm trời. Kiều đại gia hãy đi ngủ một lát.
Kiều Phong nói:
- Phải đó! Tôi về phòng nghỉ một lúc rồi sẽ sang thăm cô.
Ông trở ra phòng khách, gọi năm cân rượu, hai cân thịt bò chín, rót rượu ngồi uống một mình. Tửu lượng ông ghê lắm, có thể nói là thiên hạ vô song, nhưng lúc này trong lòng phiền não, rượu vào thấy say ngay. Ông uống hết năm cân rượu đã chuếnh choáng. Ông cầm hai chiếc bánh bao vào phòng cho A Châu.
Vào phòng rồi ông gọi hai tiếng vẫn không thấy thưa, liền chay đến đầu giường,thấy nàng hai mắt nhắm nghiền, má lõm xuống như người chết rồi.
Kiều Phong đưa tay ra sờ đầu thấy còn hơi nóng, vội vận chân khí vào người nàng. A
Châu dần dần tỉnh lại, ra chiều vui vẻ cầm lấy bánh ăn.
Kiều Phong thấy vậy, biết rằng lúc này nàng hoàn toàn nhờ có chân khí của mình mà sống.
Chỉ trong một giờ, nếu không truyền chân khí vào cho nàng, tất nàng tắt thở mà chết, biết làm thế nào được.
A Châu thấy Kiều Phong trầm ngâm không nói, nét mặt lo buồn, nàng là một thiếu nữ thông minh lanh lợi, đã đoán ra mọi sự, liền hỏi:
- Kiều đại gia! Tôi bị thương rất nặng. Thày lang bảo không thuốc nào trị được phải không?
Kiều Phong vội đáp:
- Không! Không! Không sao cả! Cô chỉ dưỡng bệnh mấy hôm là khỏi.
A Châu nói:
- Tôi biết rồi! Ðại gia đừng dối tôi. Tôi cảm thấy trong lòng trống rỗng, không còn chút hơi sức nào nữa.
Kiều Phong an ủi:
- Cô cứ yên tâm dưỡng bệnh, thế nào tôi cũng có cách chữa cho cô lành bệnh.
A Châu nghe giọng Kiều Phong nói, biết là mình bị thương trầm trọng, trong lòng sợ hãi, bất giác tay run lên, cái bánh mới ăn hết một nửa đã rớt xuống đất.
Kiều Phong cho là nàng mất hết nội lực, lại đưa bàn tay đặt vào huyệt linh đài để truyền chân khí cho nàng. Lúc này thân trí A Châu tỉnh táo, nàng cảm thấy một luồng khí nóng từ lòng bàn tay Kiều Phong truyền vào người mình, rồi lập tức thấy khắp thân thể chỗ nào cũng dễ chịu.
Nàng trầm ngâm một lát, biết rằng mình bị đã bị nguy ngập mấy lần và đều nhờ chân khí Kiều Phong cứu sống, trong lòng xiết bao cảm kích, xiết bao sợ hãi. Nàng tâm cơ lanh lợi nhưng dù sao cũng là cô gái nhỏ tuổi, vì cảm xúc quá, nước mắt trào ra. Nàng nói:
- Kiều đại gia! Tôi không muốn chết! Ðại gia đừng bỏ tôi một mình ở đây.
Kiều Phong nghe nàng nói, rất đỗi thương tâm kiếm lời an ủi:
- Cô cứ yên lòng, tôi không bỏ cô đâu. Kiều Phong này là hạng người nào, nỡ bỏ một người bạn trong lúc lâm nguy sắp chết mà không giải cứu?
A Châu nói:
- Tôi không đáng là bạn hữu với đại gia. Kiều đại gia! Hay là tôi muốn chết? Có phải người ta chết rồi biến thành quỷ sứ không?
Kiều Phong thở dài, biết mình lỡ lời "sắp chết mà không cứu" để nàng phải thổn thức, liền ôn tồn bảo nàng:
- Cô chớ đa nghi! Cô còn ít tuổi, mới bị thương xoàng, sao lại nói đến chuyện chết chóc?
A Châu hỏi:
- Ðại gia có biết nói dối không?
Kiều Phong đáp:
- Tôi không biết nói dối.
A Châu trầm ngâm một lát rồi nói:
- Ðại gia là một vị anh hùng hảo hán trong võ lâm. Người ta đã có câu ví "Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung". Ðại gia cùng công tử tôi đều nổi tiếng hai miền Nam Bắc, bình sinh đại gia đã nói câu gì không thật chưa?
Kiều Phong đáp:
- Lúc còn nhỏ tôi cũng hay nói dối, nhưng từ khi bôn tẩu giang hồ thì không lừa dối ai hết.
A Châu nói:
- Ðại gia bảo tôi bị thương không nặng, câu ấy thiệt hay dối?
Kiều Phong lẩm bẩm: "Nếu cô biết thương thế cực kỳ trầm trọng tất không yên dạ, chỉ làm cho khó chữa thêm. Vì muốn cô mau khỏi nên buộc lòng ta phải nói dối cô". Nghĩ vậy liền đáp:
- Tôi không nói dối đâu mà!
A Châu thở dài, nói:
- Thế thì hay lắm. Tôi yên tâm rồi. Kiều đại gia ơi! Tôi cầu xin đại gia một việc.
Kiều Phong hỏi:
- Việc gì?
A Châu nói:
- Ðêm nay đại gia ở trong phòng tôi, đừng đi chỗ khác.
Trong thâm tâm nàng cũng biết rồi, nếu Kiều Phong ra ngoài thì mình khó lòng sống được đến sáng.
Kiều Phong cười, đáp:
- Ðược lắm! Chẳng cần cô nói tôi cũng định bụng ngồi trong này với cô đêm nay.
Thôi cô đừng nói nhiều nữa, ngủ yên đi một lúc.
A Châu nhắm mắt lại một lúc rồi lại mở mắt ra, nói:
- Kiều đại gia! Tôi không ngủ được, muốn yêu cầu đại gia một điều nữa được không?
Kiều Phong nói:
- Ðược chứ! Ðiều gì vậy cô?
A Châu nói:
- Tôi chỉ khó ngủ một lúc. Hễ má má tôi ngồi bên giường hát cho tôi nghe vài ba câu là tôi ngủ được ngay.
Kiều Phong hỏi:
- Bây giờ biết má cô ở đâu mà tìm. Ðiều này hơi khó đấy.
A Châu nói:
- Má má tôi mất rồi. Kiều đại gia! Ðại gia hát cho tôi nghe vài câu cũng được.
Kiều Phong không khỏi buồn cười một cách cay đắng. Ông là một bậc nam tử trượng phu, biết mở miệng hát gì bây giờ. Ðiều này thực chịu thôi, ông nói:
- Tôi không biết hát mà.
A Châu hỏi:
- Lúc đại gia còn nhỏ, má má có hát cho đại gia nghe không?
Kiều Phong lắc đầu, nói:
- Dường như cũng có đấy, nhưng lâu ngày quên hết rồi, mà có nhớ chăng nữa cũng không hát lên được.
A Châu thở dài, nói:
- Ðại gia không chịu hát thì chả có cách gì nữa.
Kiều Phong buồn rầu, đáp:
- Không phải tôi không chịu hát, thực ra tôi không biết hát đó thôi.
A Châu bỗng nghĩ ra một việc, vỗ tay cười, nói:
- À ! Thôi được rồi! Kiều đại gia! Tôi lại xin đại gia một việc mà việc này không có lý nào đại gia từ chối.
Kiều Phong thấy cô bé này tinh nghịch, từ lời nói cho chí việc làm không ai biết đâu mà dò. Nàng lại cầu mình một việc mà không là việc kỳ quái gì đây. Ông là người cẩn thận, giao hẹn trước:
- Cô hãy thử nói nghe nào. Có được thì mới nhận lời, nếu không làm được thì đành phải chịu.
A Châu nói:
- Việc này dễ lắm, dù đứa nhỏ bốn năm tuổi cũng làm được, tưởng còn có việc dễ hơn nữa!
Kiều Phong vẫn dè dặt đáp:
- Cô hãy nói cho tôi biết việc gì trước.
A Châu mỉm cười, đáp:
- Ðại gia kể chuyện cổ tích cho tôi nghe, bất luận là chuyện hoang đường hay chuyện tích gì cũng được, thế là tôi ngủ liền.
Kiều Phong nhíu đôi lông mày ra chiều khó nghĩ. Mới đây ông còn là Bang chúa một bang lớn nhất trong đám giang hồ, lãnh tụ quần hào uy danh khét tiếng, miệng thét ra lửa. Mới có mấy ngày nay bị người cất chức Bang chúa đuổi ra khỏi Cái Bang. Song thân cùng sư phụ là những người thân nhất đời cũng tạ thế.
Chính thân mình không biết là người man mọi hay người Hán, còn bị người khoác cho hai chữ phản nghịch gây nên ba tội đại ác. Bao nhiêu nỗi đau đớn vùi dập đã chẳng có ai cùng mình chia sẻ mối lo âu thì chớ, còn phải ở trong khách sạn này để bầu bạn với một cô bé. Cô lại còn bắt hát, bắt kể chuyện cổ tích, đều là những chuyện đàn bà, trẻ con vô vị.
Trước kia ông mới nghe ai nói nửa câu chuyện vẩn vơ là lập tức bưng tai chạy ngay. Ông chỉ ưa cùng anh em uống rượu, đánh bạc, ăn to nói lớn. Sau khi rượu say nóng mặt lại bàn đến việc quân, việc nước, việc anh hùng hảo hán trong thiên hạ.
Có bao giờ nói chuyện hoang đường hay chuyện cổ tích con cà con kê, thế có đáng buồn cười không.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT