Bỗng nghe Cưu Ma Trí lại lên tiếng:

- Tiểu tăng được nghe tiên sinh nổi danh bằng kiếm pháp và có đề cập đến môn "Lục mạch thần kiếm" tại chùa Thiên Long nước Ðại Lý là thiên hạ đệ nhất kiếm và tiếc là chưa được biết rõ cho thoả chí bình sinh. Tiểu tăng được tin tiên sinh quy tiên rồi liền đến chùa Thiên Long nước Ðại Lý, định lấy Lục mạch thần kiếm phả đốt ở trước mộ tiên sinh để báo đền tri kỷ. Không ngờ, Khô Vinh lão tăng chùa Thiên Long giảo quyệt và đa mưu, gặp lúc khẩn cấp, lão dùng nội lực tiêu huỷ kiếm phả. Tiểu tăng không hoàn thành được ý nguyện Quý Trát treo gươm thiệt lấy làm xấu hổ vô cùng!

Mộ Dung Bác nói:

- Ðại sư chí tình, tại hạ rất lấy làm cảm kích. Huống chi Lục mạch thần kiếm hãy còn tồn tại ở nhân gian. Vừa rồi Ðoàn công tử nước Ðại Lý cùng nhục tử tỷ đấu, đã phóng kiếm khí tung hoành. Vậy tiếng đồn Lục mạch thần kiếm là thiên hạ đệ nhất kiếm quả nhiên danh bất hư truyền.

Giữa lúc ấy, có bóng người thấp thoáng trong Tàng kinh các lại thêm một người nữa, chính Mộ Dung Phục. Gã đi sau mấy bước, vào đến trong chùa thì đã mất hút cha con Tiêu Phong.

Khi tìm đến Tàng kinh các, thì nghe thấy phụ thân đang đề cập đến Ðoàn Dự dùng Lục mạch thần kiếm để thắng mình. Y lấy làm nhục nhã vô cùng.

Mộ Dung Bác lại hỏi:

- Cha con họ Tiêu định tìm giết cho bằng được tại hạ mới cam lòng, và họ hiện ở trong này. Ðại sư nghĩ sao?

Cưu Ma Trí đáp:

- Ðã là chỗ tri kỷ, có lẽ đâu tự thủ bàng quan.

Tiêu Phong thấy Mộ Dung Phục đuổi đến thành ra bên họ ba người mà mình chỉ có hai. Cả năm người này đều là những tay cao thủ bậc nhất. Mộ Dung Phục tuy kém một chút, nhưng cũng không thể coi thường được. Ðối phương hơn một người là lập tức chiếm được ưu thế. Ông lo rằng chẳng những khó lòng giết được Mộ Dung Bác mà có khi cha con mình phải bỏ mạng trong Tàng kinh các này cũng chưa biết chừng.

Tuy Tiêu Phong nghĩ vậy, nhưng vốn đầy lòng dũng cảm. Càng lâm vào nghịch cảnh, lại càng thần oai lẫm liệt.

Ông lớn tiếng quát:

- Trường hợp hôm nay, nếu không kẻ sống người chết quyết chẳng thôi. Hãy tiếp chiêu của ta đây!

Dứt lời, Tiêu Phong vung chưởng nhằm đánh vào Mộ Dung Bác.

Mộ Dung Bác vung tay trái lên ngưng tụ công lực để hoá giải.

Bỗng nghe những tiếng rắc rắc, giá sách mé tay trái bị gãy tan. Những mảnh gỗ bay lên tới tấp. Kinh sách xếp trên rớt xuống lả tả.

Nguyên chưởng lực của Tiêu Phong hùng hậu vô cùng. Mộ Dung Bác tuy đã vung chưởng giải khai, nhưng chưởng lực của Tiêu Phong không tiêu tan mà chỉ trệch phương vị đi đánh vào giá sách.

Giá sách này tuy bằng gỗ đàn rất kiên cố, nhưng chịu làm sao nổi chưởng lực của Tiêu Phong có thể đập tan bia vỡ đá.

Mộ Dung Bác tủm tỉm cười nói:

- "Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong", quả nhiên danh bất hư truyền. Tiêu huynh! Ta có lời muốn nói, Tiêu huynh có chịu nghe không?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Dù ngươi có xảo ngữ đến mấy cũng đừng hòng ta bỏ mối thù giết vợ.

Mộ Dung Bác nói:

- Ngươi muốn giết ta để báo thù, nhưng tình thế bữa nay e rằng chưa chắc ngươi đã làm nổi. Bên ta ba người mà bên Tiêu huynh chỉ có hai thử hỏi bên nào chiếm được ưu thế?

Tiêu Viễn Sơn nói:

- Dĩ nhiên bên ngươi thắng thế. Nhưng bậc đại trượng phu lấy ít chọi nhiều phỏng có sợ gì?

Mộ Dung Bác nói:

- Cha con họ Tiêu anh danh cái thế, bình sinh có sợ ai bao giờ. Nhưng dù không sợ mà bữa nay muốn giết ta tưởng cũng khó lắm. Ta muốn cùng Tiêu huynh đề nghị một cuộc trao đổi và Tiêu huynh vẫn có thể thoả nguyện việc báo thù. Nhưng cha con Tiêu huynh phải ưng chịu một điều.

Tiêu Viễn Sơn cùng Tiêu Phong tự hỏi:

- Thằng giặc già này có nguỵ kế gì đây?

Lão trầm ngâm không trả lời .

Mộ Dung Bác lại nói:

- Chỉ cần cha con Tiêu huynh ưng thuận điều này rồi cứ vào giết tại hạ để báo thù. Tại hạ đành bó tay chịu chết, quyết không kháng cự, Cưu Ma Trí sư huynh và Phục nhi không được ra tay cứu giúp.

Mộ Dung Bác nói vậy khiến cho cha con Tiêu Phong rất lấy làm kỳ.

Cưu Ma Trí cùng Mộ Dung Phục cũng không khỏi kinh hãi, chẳng hiểu ra sao?

Mộ Dung Phục la lên:

- Gia gia! Họ ít mình nhiều...

Cưu Ma Trí cũng hỏi:

- Mộ Dung tiên sinh sao lại nói thế? Tiểu tăng còn một hơi thở, cũng quyết không để người khác đụng đến mình tiên sinh.

Mộ Dung Bác nói:

- Tấm lòng cao nghĩa cả của đại sư, tại hạ rất lấy làm cảm kích. Kết giao được một người bạn như thế thà chết cũng cam lòng. Tiêu huynh! Tại hạ có điều thỉnh giáo. Năm trước tại hạ phao tin đó ra gây thành vạ lớn. Tiên sinh có biết vì lẽ gì mà tại hạ làm việc thất đức đó chăng?

Tiêu Viễn Sơn lửa giận đùng đùng trỏ tay vào mặt Mộ Dung Bác mắng:

- Ngươi là kẻ hèn hạ tiểu nhân làm điều càn rỡ, giao tai tất vạ thì hà tất còn hỏi đến dụng ý làm chi?

Dứt lời lão tiến lên một bước phóng quyền đánh luôn.

Cưu Ma Trí chênh chếch người đi liệng tới, vung hai chưởng lên ngăn cản." Sầm"một tiếng rùng rợn! Quyền chưởng chạm nhau nảy lửa. Kình lực xông lên đến nóc nhà làm cho cát bụi rớt xuống ầm ầm. Bên quyền bên chưởng đụng nhau không phân cao thấp. Cả hai người cùng ngấm ngầm bội phục nhau.

Mộ Dung Bác nói:

- Tiêu huynh hãy tạm dẹp lôi đình. Xin nghe tại hạ nói hết đã. Mộ Dung Bác này tuy bất lương, nhưng cũng có chút tiếng tăm trên chốn giang hồ, lại cùng Tiêu huynh không quen biết, dĩ nhiên là không thù oán. Còn như đối với Huyền Từ phương trượng chùa Thiếu Lâm tại hạ cùng y mối thâm giao lâu ngày. Tại hạ đã phí bao nhiêu tâm lực, để gây ra xích mích giữa hai bên để thành thế cả lực lượng tan nát. Theo lẽ thường mà nói thì tự nhiên phải có lý do trọng đại.

Tiêu Viễn Sơn mắt nhường toé lửa quát hỏi:

- Lý do gì trọng đại? Ngươi, ngươi nói mau đi!

Mộ Dung Bác nói:

- Tiêu huynh! Tiêu huynh là người Khất Ðan, Cưu Ma Trí Minh vương là người nước Thổ Phồn. Còn bên kia là người võ lâm Trung Nguyên đều gọi các vị là Phiên bang di địch không phải là hàng thượng quốc. Lệnh bang là Bang chúa Cái Bang, võ công thao lược, hùng tài lừng lẫy tiếng tăm. Thiệt là một bậc anh hùng hào kiệt cổ kim hiếm có. Chỉ vì quần Cái Bang biết y là dòng dõi Phiên tộc Khất Ðan, liền trở mặt không dung. Chẳng những không nhận y làm Bang chúa mà còn muốn giết y đi nữa mới cam tâm. Tiêu huynh! Tiêu huynh thử nghĩ coi việc đó có gì là công đạo?

Tiêu Viễn Sơn nói:

- Tống, Liêu vốn không thù oán, cuộc chinh chiến giữa hai nước đã kéo dài hơn trăm năm nay. Ngoài chốn biên cương người hai nước thấy nhau là giết, xưa nay vẫn thế. Bang chúng Cái Bang đã biết ta là người nước Liêu thì khi nào thờ kẻ thù làm chủ nhân? Ðó là lẽ thường chẳng có gì là công đạo với không công đạo.

Tiêu Viễn Sơn ngừng một lát lại nói tiếp:

- Bọn Huyền Từ phương trượng, Uông Kiếm Thông có giết vợ con cùng thuộc hạ cũng là sự ngẫu nhiên, chứ không phải cố ý. Dù họ có cố ý chăng nữa thì cũng chỉ do mối tương tranh giữa hai nước Tống, Liêu chẳng lấy chi làm lạ. Còn ngươi lại bày mưu kế thâm độc để hại người. Như vậy thì không thể buông tha được.

Mộ Dung Bác nói:

- Theo quan niệm của Tiêu huynh thì mỗi khi hai nước giao tranh, dấy động can qua, chỉ cần kiềm chế được đối phương để thủ nhân, nghĩa đạo đức nữa ư?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Binh bất yếm trá, xưa nay vẫn thế. Cái nhân của Tống tướng công chỉ để cho đời sau chê cười. Ngươi hỏi chuyện không liên can gì đến mình làm chi?

Mộ Dung Bác tủm tỉm cười hỏi:

- Tiêu huynh bảo Mộ Dung Bác này là nước nào?

Tiêu Viễn Sơn run lên đáp:

- Ngươi là họ Mộ Dung ở Cô Tô thì dĩ nhiên là người Hán thuộc Nam triều chớ còn là người nước ngoài nữa hay sao?

Mộ Dung Bác lắc đầu đáp:

- Tiêu huynh nói thế là sai.

Rồi hắn quay lại nhìn Mộ Dung Phục nói:

- Hài nhi! Chúng ta là người nước nào?

Mộ Dung Phục đáp:

- Chúng ta là họ Mộ Dung thuộc giống Tiên Tỵ. Trước kia nước Ðại Yên lừng danh miền Hà Sóc, gây dựng nên giang sơn gấm vóc. Nhưng cay đắng vì địch nhân nham hiểm tàn ác, khuynh đảo được nhà.

Mộ Dung Bác nói:

- Hài nhi có biết tại sao ta đặt tên cho con là "Phục" không?

Mộ Dung Phục đáp:

- Gia gia muốn hài nhi lúc nào cũng không được quên lời di huấn của tổ tiên là phục hưng nước Ðại Yên đoạt lại giang sơn.

Mộ Dung Bác nói:

- Ngươi lấy ngọc tỷ truyền quốc của Ðại Yên cho Tiêu tiên sinh coi.

Mộ Dung Phục vâng lời, thò tay vào bọc lấy ra một cái ấn vuông bằng ngọc đen. ấn ngọc này khắc đầu con báo rất linh động.

Mộ Dung Phục xoay ấn lại để rõ hàng chữ ra.

Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong, Cưu Ma Trí ba người tinh mắt phi thường, nhìn rõ ấn khắc sáu chữ: "Ðại Yên hoàng đế chi bảo". Ấn ngọc tỷ này điêu khắc rất tinh vi. Góc trên bị sứt một chút chắc là mấy trăm năm nay cái ấn này đã trải qua nhiều bước gian lao. Tuy không phân biệt được chân hay giả, nhưng quyết nhiên là một vật chế đã lâu đời.

Mộ Dung Bác lại nói:

- Ngươi lấy "Thế hệ phả" của Hoàng đế nước Ðại Yên ra cho Tiêu tiên sinh coi.

Mộ Dung Phục vâng lời, cất ngọc tỷ vào bọc rồi tiện tay móc ra một gói vải dầu.

Trong gói này có một bức lụa vàng viết chữ son bằng hai thứ văn tự. Mé phải là thứ chữ ngoằn ngoèo không ai hiểu biết. Chắc đó là văn tự Tiên Tỵ. Mé tả là chữ Hán. Trên đầu viết: "Thái Tổ Văn Minh đế huý Hoảng", phía dưới viết: "Liệt Tổ Cảnh Chiêu đế Tuấn". Dưới nữa viết: "U đế huý Vi".

Ðoạn giữa viết: "Thế Tổ Thành Võ đế huý Thuỳ", mé trên dòng này viết: "Liệt Tôn Huê Mẫu đế huý Bảo". Mé dưới là "Khai Phong Công huý Tường", "Triệu Vương huý Lâu".

Mảnh lụa vàng này đoạn dưới chép: "Trung Tôn Chiêu Võ huý Thịnh". "Chiêu Văn đế huý Hy".

Về tên huý những chữ Hoàng đế đều viết thiếu nét (ngày trước tên huý các vua phải viết bớt đi một nét, viết đủ là pham huý).

Ðến năm Thái Thượng thứ sáu nhà Nam Yên về đời Mộ Dung Siêu mất nước. Các đời sau đều là thứ dân không có ai làm Ðế Vương công hầu nữa.

Trải qua nhiều triều đại xa xăm, con cháu dòng họ Mộ Dung rất đông đúc.

Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong, Cưu Ma Trí, lúc này ba người không để tâm xem kỹ nhưng cũng nhìn cuối cùng hệ biểu này là tên Mộ Dung Phục, phía trên Mộ Dung Phục là Mộ Dung Bác.

Cưu Ma Trí nói:

- Té ra Mộ Dung tiên sinh là dòng họ vương tôn của nước Ðại Yên. Tại hạ thật là thất kính.

Mộ Dung Bác thở dài nói:

- Một kẻ di dân mất nước còn giữ được cái đầu kể là đã may lắm rồi. Có điều nhớ tới lời di huấn của liệt tổ, nên lúc nào cũng nghĩ đến công cuộc phục hưng. Mộ Dung Bác này bất tài, bôn ba trên chốn giang hồ đã nửa đời người thuỷ chung cũng chẳng làm nên công cán gì. Họ Mộ Dung tại hạ thuộc dòng Tiên Tỵ có âm mưu đồ công việc phục quốc. Tiêu huynh tưởng có nên chăng?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Ðược làm vua thua làm giặc. Quần hùng đuổi hươu ở Trung Nguyên (con hươu là ví với Thiên hạ) thì còn có việc gì là nên với cả chẳng nên nữa.

Mộ Dung Bác nói:

- Ðúng lắm! Lời nói của Tiêu huynh rất hợp với tại hạ. Họ Mộ Dung muốn phục hưng nước Ðại Yên hễ gặp cơ hội là nắm lấy. Tại hạ nghĩ rằng, hiện nay người họ Mộ Dung ít cơ hội, thế lực đơn bạc, công cuộc trung hưng đất nước đâu phải chuyện dễ dàng. Chỉ trông vào thiên hạ đại loạn khắp chốn, xảy động can qua thì mới có cơ hội để mà hành động.

Tiêu Viễn Sơn trầm giọng hỏi:

- Ngươi phao tin thất thiệt để gây chuyện xích mích giữa nhà Tống và nước Ðại Liêu để mong xảy cuộc đại chiến chăng?

Mộ Dung Bác đáp:

- Chính thế. Nếu giữa nhà Tống và Ðại Liêu xảy cuộc chiến tranh thì Ðại Yên mới có thể thừa cơ phát động được. Tại hạ đã tưởng ngày trước, nhà Ðông Tấn có loạn Bát Vương họ Tư Mã tàn sát lẫn nhau, bọn Ngũ Hồ mới có thể chiếm đất Trung Nguyên. Tình thế ngày nay cũng tương tự như vậy.

Cưu Ma Trí gật đầu nói:

- Ðúng lắm! Giả tỷ Tống triều xảy cuộc ngoại xâm, trong sinh nội biến, thì chẳng những Mộ Dung tiên sinh có hy vọng phục quốc mà nước Thổ Phồn tôi cũng được chia sẻ chén canh.

Tiêu Viễn Sơn hắng giọng liếc mắt nhìn hai người. Mộ Dung Bác nói:

- Lệnh lang ở nước Liêu làm đến Nam Viện đại vương, một tay nắm giữ binh quyền, ngồi trấn thủ Nam kinh. Giả tỷ xua quân xuống Nam hết đất đai Bắc ngạn sông Hoàng Hà của Nam triều, dựng nên công nghiệp rực rỡ thì tiến ra có thể tự lập làm vua mà lui về cùng được phú quý, khi ấy liền tay đem hào kiệt Trung Nguyên quy tụ vào một chỗ rồi giết đi, như dẫm lên đàn kiến. Ngày trước lệnh lang bị Cái Bang đuổi có phải nhân dịp này mà trả oán được không?

Tiêu Viễn Sơn nói:

- Ngươi muốn con ta hết sức vì ngươi dùng trò đục nước béo cò để thoả cái dã tâm khôi phục nước Yên phải không?

Mộ Dung Bác nói:

- Ðúng thế! Nếu họ Mộ Dung dựng cờ khởi nghĩa dấy quân vào cướp Sơn Ðông, mà được nước Ðại Liêu hưởng ứng, đồng thời mấy nước Thổ Phồn, Ðại Liêu, Ðại Lý, cùng Tây Hạ cũng đứng lên thì năm nước chúng ta chia cắt nhà Ðại Tống không phải là chuyện khó. Nước Yên của tại hạ không dám động chạm đến một tấc đất của Ðại Liêu. Nếu công cuộc phục hưng thành tựu thì chỉ lấy đất Nam triều. Vụ này rất có lợi cho Ðại Liêu. Sao Tiêu huynh lại không vui lòng cử sự? Lão nói đến đây, đột nhiên xoay tay phải ra thì trong tay đã nắm lưỡi đao truỷ thủ sáng loáng. Lão vung tay lên đâm lưỡi truỷ thủ vào cạnh ghế nói:

- Nếu Tiêu huynh theo lời đề nghị của tại hạ thì xin lập tức đâm chết tại hạ để báo thù cho phu nhân. Tại hạ quyết không kháng cự.

Roạc một tiếng! Lão xé vạt áo để hở ngực ra.

Tiêu Viễn Sơn thật không ngờ đến Mộ Dung Bác lại thuyết mình như vậy. Cả hai cha con lại càng không ngờ là đối phương chiếm được ưu thế mà đành bó tay chịu chết. Lão không biết đáp thế nào cho phải.

Cưu Ma Trí nói:

- Mộ Dung tiên sinh! Người ta thường nói đã không cùng chủng loại thì tam tinh cũng khác nhau. Huống chi việc quân quốc đại sự thì chuyện mưu cơ giả trá là rất cần. Giả tỷ Mộ Dung tiên sinh cam tâm chịu chết, nhưng sau đó cha con họ Tiêu không làm theo lời của tiên sinh thì cái chết của tiên sinh chẳng... nhẹ như lông hồng?

Tiêu Viễn Sơn nói:

- Hài nhi! ý kiến lão này dường như không phải là giả trá. Ngươi tính thế nào?

Tiêu Phong đáp:

- Không được!

Ðột nhiên ông phóng chưởng ra nhằm vào cái ghế gỗ đánh chát một tiếng. Cái ghế gãy làm mấy đoạn. Lưỡi truỷ thủ xuyên qua ván lầu rớt xuống tầng dưới Tàng kinh các.

Ông nghiêm nghị nói:

- Mối đại thù giết mẹ đâu có thể đem ra làm chuyện mua bán? Báo được thì báo, cha con ta chịu chết nơi đây. Những chuyện tham lam hèn hạ, cha, con họ Tiêu mình đâu có thể làm được?

Mộ Dung Bác ngửa mặt lên trời cả cười rồi lớn tiếng nói:

- Ta thường nghe nói Tiêu Phong đại hiệp là tay anh hùng quán thế, kiến thức phi thường. Dè đâu bữa nay mới thấy rõ y là kẻ không hiểu đại nghĩa mà chỉ sinh cương theo cái dũng của kẻ thất phu. Ha ha! Thiệt là đáng tức cười!

Tiêu Phong biết lão dùng lời nói khích, lạnh lùng đáp:

- Tiêu Phong là anh hùng hào kiệt cũng được mà phàm phu tục tử cũng được, nhưng không chịu để kẻ khác dùng làm cái bung xung cho thoả tâm nguyện của họ.

Mộ Dung Bác nói:

- Kẻ ăn lộc phải biết trung quân, đại hiệp lại nghĩ đến tư cừu của cha mẹ không đem lòng tận trung báo quốc há chẳng bất nghĩa với Ðại Liêu?

Tiêu Phong tiến lên một bước hiên ngang nói:

- Ngươi vừa mới nói ngoài biên cương hai nước Tống, Liêu thù hận giết nhau gây nên thảm trạng. Ngươi đã thấy cảnh người Tống và người Liêu chia lìa vợ con, nhà tan, người chết rồi chứ gì? Hai nước Tống, Liêu bãi việc binh đao mấy chục năm trời, nếu lại gây cuộc chiến chinh, đoàn thiết kỵ Khất Ðan vào xâm lấn Nam triều sẽ có bao nhiêu người Tống phải phơi thây? Bao nhiêu người Liêu phải uổng mạng?

Ông nói tới đây chợt nghĩ tới tình trạng ngày nọ ở ngoài ải Nhạn Môn quan. Tống binh cướp lương thảo cực kỳ tàn khốc, ông càng cất cao giọng nói tiếp:

- Cuộc chiến chinh thảm khốc trên thế gian này ai là người nắm chắc được phần thắng? Nhà Ðại Tống binh nhiều, lương đủ, chỉ cần mấy viên đại tướng hết lòng chống cự thì nước Ðại Liêu và nước Thổ Phồn có hợp lực chiến đấu may ra mà thắng được, cũng phải máu chảy thành sông, thây chất thành núi, để cho họ Mộ Dung nhà ngươi thừa cơ phục hưng Yên quốc. Việc kiến công lập nghiệp cần phải giữ đất yên dân như thế nào? ...

Bất thình lình ngoài cửa sổ có thanh âm khàn khàn một lão già:

- Phúc đức! Thiệt là phúc đức! Tiêu cư sĩ đây lòng từ thiện, thương xót lê dân thiên hạ, đúng là lòng dạ của đức Bồ Tát.

Năm người nghe tiếng giật mình kinh hãi vì họ đều là những tay cao thủ tuyệt đỉnh, thế mà có người đứng ngoài cửa sổ, chẳng một ai biết. Hơn nữa nghe giọng lưỡi người này nói thì dường như y đứng ngoài cửa sổ đã lâu.

Mộ Dung Phục quát hỏi:

- Ai đó?

Rồi không chờ đối phương trả lời, phóng chưởng đánh sầm một tiếng. Hai cánh cửa sổ bật tung ra bay rớt xuống. Chỉ thấy trên dãy hành lang ngoài cửa sổ, một vị lão tăng gầy khô như hạc, mình mặc áo xám, tay cầm chổi đang khom lưng quét tước.

Nhà sư này đã tuổi cao, vài sợi râu thưa thớt chùng xuống trước ngực đều đã bạc hết. Coi cử động của nhà sư rất chậm chạp tựa hồ không còn khí lực gì nữa mà lại giống người không biết võ công.

Mộ Dung Phục lại hỏi:

- Ngươi lén lút vào trong này bao lâu rồi? Nhà sư già từ từ ngẩng đầu lên hỏi lại:

- Thí chủ bảo bần tăng lén lút tại... trong này đã bao lâu ư?

Cả năm người chăm chú nhìn lão thì thấy cặp mắt đã mờ, mục quan không còn tinh thần gì nữa, nhưng nghe giọng nói thì đúng là âm thanh vừa khen ngợi Tiêu Phong.

Mộ Dung Phục nói:

- Ðúng đó! Công tử gia đây hỏi ngươi ẩn núp trong này đã bao lâu?

Nhà sư giơ ngón tay ra tính hồi lâu rồi lắc đầu. Vẻ mặt ra chiều ảm đạm nói:

- Bần tăng không nhớ được rõ. Chẳng hiểu là bốn mươi hai hay bốn mươi ba năm rồi. Bần tăng chỉ nhớ mang máng đêm đầu tiên Tiêu lão cư sĩ này đến xem kinh bần tăng đã ở đây mười mấy năm. Về sau Mộ Dung lão cư sĩ lại đến. Rồi năm ngoái một vị Phiên tăng nước Thiên Trúc là Ba La Tinh cũng đến lấy trộm kinh. Hỡi ôi! Ông này chưa đi ông kia lại đến. Bao nhiêu kinh sách trong Các đảo lộn cả lên. Chẳng biết mấy ông làm gì?

Tiêu Viễn Sơn rất đỗi kinh ngạc nghĩ thầm:

- Mình vào chùa Thiếu Lâm để lén lút nghiên cứu võ công, các tăng lữ trong chùa chẳng một ai hay, sao nhà sư này lại biết rõ? Vừa rồi lão đứng dưới nghe mình nói mới lên tiếng.

Lão liền hỏi:

- Thế mà sao từ bấy đến nay ta không gặp nhà sư?

Nhà sư già đáp:

- Cư sĩ đem hết tâm thần vào việc nghiên cứu võ kinh phái Thiếu Lâm, nên không để ý đến lão tăng. Lão tăng còn nhớ đêm đầu cư sĩ vào gác mượn cuốn "Vô Tướng kiếp chỉ phổ". Hỡi ôi! Rồi từ đêm ấy cư sĩ đi vào ma đạo. Thiệt là đáng tiếc!

Tiêu Viễn Sơn càng kinh hãi hơn vì đêm đầu quả nhiên lão lén vào Tàng kinh các tìm đến cuốn "Vô Tướng kiếp chỉ phổ". Lão biết rằng đó là một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm. Khi ấy lão mừng rỡ vô cùng, và tưởng ngoài mình ra không còn người nào hay biết. Chẳng lẽ nhà sư già này quả nhiên đã đứng bên mình nhìn rõ hay sao?

Nghĩ vậy Tiêu Viễn Sơn ngẩn người ra không biết nói sao.

Nhà sư già lại nói:

- Lần thứ hai, cư sĩ lấy cuốn "Ban nhược chưởng pháp" ra coi. Khi đó lão tăng lại ngấm ngầm thở dài biết rằng cư sĩ đã mê man rồi, trong lòng không mở. Bần tăng liền đem bộ "Pháp hoa kinh" đặt vào chỗ mà vẫn lấy sách. Pho này gồm bốn mươi hai chương. Bần tăng chỉ mong cư sĩ mượn lấy nghiên cứu để tỉnh ngộ. Chẳng ngờ cư sĩ chỉ điên đảo thần hồn về võ công, còn về chính tông Phật pháp lại chẳng thèm rờ đến. Cư sĩ bỏ hai cuốn kinh sang một bên tìm được pho "Phục Ma trượng pháp" thì mừng cuống quít lấy đi. Hỡi ôi! Mê man chìm đắm vào trong bể khổ, chẳng biết ngày nào mới quay đầu lại?

Tiêu Viễn Sơn nghe nhà sư già thuật lại thì ra những hành vi lén lút của mình ba mươi năm trước trong Tàng kinh các chẳng sai chút nào. Lão trước còn ngạc nhiên sau đâm ra hoảng sợ, rồi từ chỗ hoảng sợ đi tới chỗ khủng khiếp. Sau lưng toát mồ hôi lạnh ngắt, trái tim cơ hồ ngừng đập.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play