ĐÚNG LÀ MỘT CHUYẾN ĐI TÀU KINH HOÀNG. Tốc độ kinh hoàng, bóng đen gầm rít, tiếng ồn liên tiếp, những vật cản không nhìn ra nổi cứ lao thẳng vào tôi, sự dữ dội lên đỉnh điểm. Cả con tàu chao đảo, bật lên hạ xuống, rung, lắc bên dưới tôi. Mọi khớp nối đều đe dọa kéo tuột tôi ra. Tôi bám cả tám ngón tay vào đường thoát nước nông, đẩy mạnh đầu hai ngón tay cái lên trên và các ngón chân xuống dưới, giữ chặt một cách tuyệt vọng. Gió quất vào quần áo tôi. Những ô cửa lắc lư và rung dữ dội. Đầu tôi va nảy vào chúng như búa khoan.

Tôi đã đi tàu hết chín khối nhà trong tình trạng như thế. Rồi chúng tôi tới phố 23, tàu phanh gấp. Tôi chúi về phía trước, ngược với lực nắm chặt của tay trái và lực giữ của chân phải. Tôi bám thật chặt và với tình trạng lệch sang một bên ấy, tôi được con tàu đưa thẳng vào ánh sáng chói lóa của ga với tốc độ ba mươi dặm một giờ. Sân ga lướt qua rất nhanh. Tôi bám chặt vào toa đầu như đỉa bám. Nó dừng ngay ở đầu phía Bắc ga. Tôi cong người, những cánh cửa tách ra phía dưới. Tôi bước vào bên trong và ngồi thụp xuống ghế ở gần nhất.

Chín khối nhà. Có lẽ một phút. Đủ để chữa cho tôi khỏi bệnh lướt tàu điện ngầm đến hết đời.

Trong toa tôi có ba hành khách khác. Chẳng ai trong họ thậm chí để mắt tới tôi. Những cánh cửa khép chặt lại. Tàu tiếp tục hành trình.

Tôi xuống tàu ở quảng trường Herald. Nơi phố 34 gặp Broadway và đại lộ Sáu. 4 giờ kém 10 sáng, vẫn đúng kế hoạch. Tính từ phía Bắc điểm tôi lên tàu ở quảng trường Union, tôi đã đi được hai mươi dãy nhà và khoảng bốn phút. Quá xa và quá nhanh đối với sự chống chọi có tổ chức của Bộ Quốc phòng. Tôi đi từ dưới đất lên và cuốc bộ từ Đông sang Tây dọc theo phía sườn hoành tráng của cửa hiệu Macy. Rồi tôi đi hết đại lộ Bảy theo hướng Nam tới cửa khách sạn Lila Hoth đã chọn.

Tay nhân viên bốc hành lý ban đêm đang ngồi sau quầy. Tôi không kéo khóa áo khoác cho anh ta xem. Tôi nghĩ việc ấy không cần thiết. Tôi chỉ bước tới chỗ anh ta, khom người tới vả vào tai anh ta. Tay này rơi khỏi chiếc ghế cao. Tôi nhảy qua quầy, túm lấy cổ gã dựng thẳng dậy.

Tôi nói, “Cho tôi biết số các phòng.”

Anh ta làm theo yêu cầu. Năm phòng riêng rẽ, không sát nhau, tất cả đều trên tầng tám. Anh ta cho tôi biết phòng có hai người phụ nữ. Các gã đàn ông chia nhau ở bốn phòng còn lại. Ban đầu có mười ba gã, có tám giường. Năm gã không gặp may.

Hoặc năm gã làm nhiệm vụ canh gác.

Tôi lấy cuộn băng keo đen khỏi túi và dùng chừng tám mét để buộc chân tay của gã bốc hành lý. Chỉ là món đồ giá một đô rưỡi ở cửa hàng bán đồ gia dụng song cũng là một trong các dụng cụ theo chuẩn của Lực lượng Đặc biệt, giá trị tương đương thiết bị liên lạc vệ tinh, hệ thống định vị hay súng trường giá cả ngàn đô. Tôi dính phần cuối cùng dài mười lăm phân qua miệng gã đàn ông. Tôi lấy thẻ từ mở khóa của anh ta. Chỉ giật phăng nó khỏi phần dây xoăn. Rồi tôi giấu anh ta khuất tầm mắt trên sàn phía sau quầy và hướng về phía thang máy. Vào trong, bấm chọn tầng cao nhất có trong ô số, số mười một. Hai cánh cửa khép lại và xe thang đưa tôi đi lên trên.

Lúc ấy thì tôi kéo khóa áo xuống.

Tôi chỉnh cho khẩu súng có góc đeo phù hợp với người mình rồi lấy găng tay da từ túi kia ra đeo vào tay trái. Khẩu MP5SD không có tay cầm phía trước. Khác với dòng K to và ngắn có tay nắm bè bên dưới đầu nòng. Với dòng SD, ta đặt tay phải trên tay nắm và tay trái đỡ giá đặt nòng. Nòng súng phía trong có ba mươi lỗ khoan. Thuốc súng trong đạn không cháy cũng chẳng nổ. Nó vừa cháy vừa nổ. Nó bùng cháy. Nó tạo ra một bong bóng khí cực nóng. Một phần khí thoát ra qua ba mươi lỗ, làm giảm bớt tiếng ồn và khiến viên đạn bay chậm lại ở mức gần bằng tốc độ âm thanh. Giảm thanh cho một khẩu súng chẳng có ý nghĩa gì nếu viên đạn bắn ra với tốc độ siêu thanh. Đạn bay chậm là đạn không tiếng động. Cũng như súng trường bắn tỉa VAL. Khí thoát ra đi qua ba mươi lỗ, lan ra và xoáy tròn ở khoang giảm thanh phía trong. Rồi nó đi sang khoang thứ hai, lan thêm ra và xoáy tròn chút nữa. Lan ra làm khí mát đi. Nguyên tắc vật lý cơ bản. Nhưng không đáng kể. Có lẽ nó giảm từ mức siêu nóng xuống cực nóng. Và phần giá đỡ nòng phía ngoài bằng kim loại. Thế nên mới dùng găng tay. Không ai dùng khẩu MP5SD mà không có găng tay. Springfield là kiểu người biết nghĩ về mọi điều.

Cạnh bên trái khẩu súng là công tắc kết hợp khóa an toàn và lẫy chọn chế độ bắn. Tôi nhớ là dòng SD đời cũ có lẫy ba nấc. S, E và F. S là an toàn. E là bắn phát một, F là bắn tự động. Có lẽ là viết tắt theo chữ tiếng Đức. E là ein, đại loại thế, dù Heckler & Koch đã thuộc sở hữu của một công ty Anh từ lâu rồi. Tôi cho là họ đã quyết định rằng theo truyền thống vẫn hay. Nhưng Springfield đã mang cho tôi một khẩu đời mới. Dòng SD4. Nó có lẫy chọn bốn chế độ. Không có chữ viết tắt. Chỉ có hình vẽ minh họa. Để tiện cho người nước ngoài hoặc người sử dụng súng không biết chữ. Một vạch trắng là an toàn, hình một viên đạn nhỏ màu trắng là bắn phát một, hình ba viên là bắn loạt ba phát một, hình cả một chuỗi đạn dài là tự động bắn liên tục.

Tôi chọn bắn ba phát một. Kiểu tôi thích. Kéo cò một lần, xoay ba viên cỡ chín ly trong vòng một phần tư giây. Điều không thể tránh được là mũi súng chếch lên theo một góc, được giảm thiểu nhờ sự kiểm soát cẩn thận và sức nặng của thiết bị giảm thanh, dẫn đến chuỗi ba vết thương chết người khá gọn theo một đường thẳng đứng dài chừng gần bốn phân.

Tốt cho tôi.

Ba mươi viên. Mười loạt. Tám mục tiêu. Mỗi mục tiêu một loạt, cộng thêm hai loạt dành cho trường hợp khẩn cấp.

Cửa thang máy mở ra ở tầng mười một, trong đầu tôi nghe thấy tiếng Lila Hoth nói về những chiến dịch từ rất lâu ở Korengal: ta phải dành viên đạn cuối cùng cho bản thân, bởi ta không muốn bị bắt sống, nhất là bởi tay những phụ nữ bộ tộc.

Tôi rời thang máy bước vào hành lang yên tĩnh.

Nguyên tắc chiến thuật tiêu chuẩn đối với bất kỳ cuộc tấn công nào: tấn công từ vị trí cao. Tầng tám ở dưới tôi ba tầng. Có hai lối xuống: cầu thang bộ hoặc thang máy. Tôi thích dùng cầu thang bộ hơn, đặc biệt khi sử dụng vũ khí giảm thanh. Chiến thuật phòng thủ khôn ngoan là bố trí một người ở cầu thang. Cảnh báo sớm cho bọn chúng. Xử lý đơn giản đối với tôi. Hắn có thể bị xử lý một cách yên lặng và dễ dàng.

Cầu thang có một cánh cửa xập xệ bên cạnh ô thang máy. Tôi khẽ mở cửa và bắt đầu tiến xuống. Các bậc cầu thang bằng bê tông đầy bụi. Mỗi tầng được đánh dấu bằng một con số lớn sơn bằng tay màu xanh. Tôi tiến êm ru xuống tới tầng chín. Sau đó là cực kỳ im lặng. Tôi ngừng lại ngó qua tay vịn bằng kim loại.

Không có người gác ngoài cầu thang.

Chiếu nghỉ đầu cầu thang tầng tám chẳng có ai. Quả là đáng thất vọng. Nó khiến công việc phía bên kia cánh cửa khó khăn hơn hai mươi lăm phần trăm. Năm gã ngoài hành lang chứ không phải bốn gã. Và cách phân bố phòng chứng tỏ rằng một số gã ở bên trái tôi, một số bên phải. Đội hình ba và hai, hoặc hai và ba. Một giây dài quay về hướng không thích hợp, rồi một cú ngoắt cực kỳ quan trọng.

Không dễ.

Nhưng đã là 4 giờ sáng. Ở mức tỉnh táo thấp nhất. Một sự thật chung cho cả nhân loại. Liên Xô đã nghiên cứu điều đó, qua các bác sĩ.

Tôi dừng ở phần cửa sát cầu thang và hít một hơi sâu. Rồi một hơi nữa. Tôi đặt bàn tay đeo găng lên tay nắm của súng. Tôi bỏ ngón tay khỏi vòng cò khẩu MP5.

Tôi kéo cửa.

Tôi giữ cánh cửa ở điểm tạo góc bốn mươi lăm độ với bàn chân tôi. Nhúc nhắc nòng khẩu MP5 trong bàn tay đeo găng. Quan sát và lắng nghe. Không có âm thanh nào. Không trông thấy gì. Tôi bước vào hành lang. Ngoắt về một phía. Rồi ngoắt về phía còn lại.

Không có ai ở đó.

Không có canh gác, không có gã cảnh giới nào, không gì cả. Chỉ có một dải thảm bện bẩn thỉu, ánh sáng vàng lờ mờ và hai hàng cửa đóng chặt. Chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng rầm rì, rung rinh của thành phố và tiếng còi hụ xa xa.

Tôi khép lại cánh cửa cạnh cầu thang phía sau lưng.

Tôi xem số phòng và bước nhanh tới phòng của Lila Hoth. Áp tai vào khe cửa nghe thật kỹ.

Tôi chẳng nghe thấy gì.

Tôi đợi. Tới cả năm phút. Mười phút. Không có tiếng động nào. Chẳng ai có thể đứng yên và im lặng lâu hơn tôi.

Tôi nhét thẻ mở cửa của gã bốc hành lý vào khe. Một ánh sáng đỏ nhỏ xíu. Rồi xanh. Rồi tiếng tạch. Tôi ấn mạnh tay nắm cửa xuống và có mặt trong phòng sau một phần tích tắc.

Căn phòng trống không.

Phòng tắm trống không.

Có những dấu hiệu cho thấy mới có người ở. Cuộn giấy vệ sinh đã lỏng ra và có vết xé rách. Bồn rửa ướt. Một khăn tắm đã được sử dụng. Giường có vết nhăn. Những chiếc ghế đã xê dịch.

Tôi kiểm tra bốn phòng còn lại. Tất cả đều trống không. Tất cả đều bị bỏ trống. Không bỏ lại gì. Không có bằng chứng nào cho thấy sẽ có sự trở lại ngay lập tức.

Lila Hoth, tiến trước một bước.

Jack Reacher, sau một bước.

Tôi bỏ găng tay, kéo khóa áo lên lần nữa và đi xuống sảnh. Tôi kéo gã bốc hành lý ban đêm cho ngồi dậy dựa lưng vào quầy, giật miếng băng keo khỏi miệng gã.

Gã nói, “Đừng có đánh tôi lần nữa.”

Tôi bảo, “Tại sao không?”

“Không phải lỗi của tôi,” gã nói. “Tôi đã nói sự thật. Ông hỏi tôi đã cho họ vào những phòng nào. Thì quá khứ.”

“Chúng đi lúc nào?”

“Khoảng mười phút sau lần đầu tiên ông tới.”

“Anh gọi cho chúng hả?”

“Tôi phải làm thế mà, ông anh.”

“Bọn chúng đã đi đâu?”

“Tôi không biết.”

“Bọn chúng đã trả gì cho anh?”

“Một ngàn đô,” gã nói.

“Không tệ.”

“Cho một phòng.”

“Điên rồ,” tôi nói. Đúng thế thật. Với số tiền ấy chúng đã có thể trở lại khách sạn Four Seasons. Trừ phi chúng không thể làm thế. Đó là vấn đề.

Tôi dừng lại trong góc tối trên vỉa hè đại lộ Bảy. Bọn chúng đã đi đâu? Nhưng trước tiên, bọn chúng đi bằng cách nào? Không bằng xe hơi. Trên đường tới đây, chúng có mười lăm người. Nếu như vậy chúng sẽ phải cần ít nhất ba chiếc xe. Mà các khách sạn cũ hoen ố chỉ có một nhân viên bốc hành lý đêm làm việc một mình, không có dịch vụ đậu và lấy xe cho khách.

Taxi? Có thể, trên đường tới đây, từ mạn giữa thành phố tới lúc đêm hôm khuya khoắt. Và lại đi ra, lúc 3 giờ sáng trên đại lộ Bảy? Tám người, đòi hỏi đồng thời ít nhất hai xe taxi không khách.

Không có khả năng.

Tàu điện ngầm? Có thể. Có thể lắm. Có ba tuyến trong phạm vi một dãy nhà. Lịch hoạt động ban đêm, chờ tối đa hai mươi phút trên sân ga, nhưng rồi tẩu thoát về mạn trên hoặc mạn dưới thành phố. Nhưng đi đâu? Chẳng phải là nơi cần đi bộ một cuốc dài khi xuống tàu đầu kia tuyến. Một nhóm tám người vội vã bước trên hè phố rất dễ bị chú ý. Có sáu trăm nhân viên điều tra trên phố. Khách sạn khác duy nhất mà tôi nhắm chúng có thể đến nằm mãi ở tận phía Tây tuyến tàu điện ngầm chạy qua đại lộ Tám. Đi bộ mười lăm phút, có khi hơn. Nguy cơ bị lộ quá lớn.

Vậy, là tàu điện ngầm, nhưng tới đâu?

Thành phố New York. Ba trăm hai mươi dặm vuông. Hai trăm lẻ năm ngàn héc ta. Tám triệu địa chỉ khác nhau. Tôi đứng tại chỗ mà phân loại các khả năng như một cái máy.

Tôi đầu hàng.

Rồi tôi mỉm cười.

Cô nói nhiều quá, Lila.

Một lần nữa đầu tôi nghe thấy giọng nói của cô ta. Ở phòng trà khách sạn Four Seasons. Cô ta nói về những chiến binh Afghanistan thời xưa. Than phiền về họ, từ quan điểm vờ vịt của mình. Trên thực tế khi ấy cô ta đang huênh hoang về người của chính cô ta, và những cuộc giao tranh qua lại không có hiệu quả của Hồng quân. Cô ta đã nói: Du kích Hồi giáo thật thông minh. Họ có thói quen rút về những vị trí mà trước đó chúng tôi đã gạch bỏ, coi như các vị trí đã bị bỏ.

Tôi trở lại quảng trường Herald. Về tàu tuyến R. Tôi có thể xuống tàu ở góc giao giữa đại lộ Năm và phố 59. Từ đó đến những căn nhà cũ ở phố 58 chỉ phải đi bộ một quãng ngắn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play