TÔI CHẠY THEO ĐẠI LỘ HAI VỀ PHÍA Nam rồi rẽ sang phố 50 và đi theo hướng Đông cho tới tận cuối phố và bỏ chiếc xe lại ở một họng nước chữa cháy cách cao tốc FDR nửa dãy nhà. Tôi hy vọng cảnh sát khu vực 17 sẽ tìm phát hiện ra nó, thấy nghi ngờ và làm một số xét nghiệm. Quần áo có thể vứt bỏ. Xe thì không dễ thế. Nếu như người của Lila đã dùng chiếc Impala để chạy khỏi hiện trường vụ giết người bằng búa, trong xe sẽ có một số dấu vết. Bằng mắt thường thì tôi không thể thấy chúng, nhưng các Đội Điều tra Hiện trường[45] không chỉ dựa vào quan sát bằng mắt thường.

Tôi dùng vạt áo lau tay lái, cần số và các tay nắm cửa. Rồi tôi ném chìa khóa xuống một tấm ghi, đi bộ trở lại đại lộ Hai và đứng trong bóng tối chờ xe taxi. Có một dòng xe cộ vừa phải chạy về mạn dưới thành phố, mỗi chiếc đều sáng lên bởi những đèn pha phía sau nó. Tôi có thể thấy trong mỗi chiếc có mấy người. Tôi ghi nhớ thông tin của Theresa Lee: xe taxi giả, lượn quanh mạn trên thành phố bằng đại lộ Mười, mạn dưới ở đại lộ Hai, một gã ngồi trước, hai gã phía sau. Tôi đợi một chiếc taxi hoàn toàn không có người trừ lái xe rồi bước ra và vẫy nó. Tài xế là người Sikh từ Ấn Độ tới, đội một chiếc khăn xếp, có bộ râu quai nón rất dày và biết rất ít tiếng Anh. Không phải cảnh sát. Ông ta đưa tôi chạy về phía Nam tới quảng trường Union. Tôi xuống xe ở đó, ngồi trên một chiếc ghế băng trong bóng tối và quan sát lũ chuột. Quảng trường Union là nơi tốt nhất trong thành phố để xem chúng. Ban ngày Cơ quan Quản lý Công viên bón phân làm bằng máu và xương thú cho các luống hoa. Ban đêm lũ chuột mò ra kiếm ăn nơi chỗ phân bón ấy.

Đến 4 giờ tôi ngủ thiếp đi.

Đến 5 giờ, một trong hai chiếc điện thoại thu được rung lên trong túi tôi.

Tôi tỉnh dậy, dành một giây kiểm tra bên trái, bên phải và phía sau rồi lật đật lôi chiếc điện thoại ra khỏi túi quần. Nó không đổ chuông, chỉ có tự rùng rùng. Chế độ im lặng. Màn hình nhỏ đơn sắc ở mặt trước của nó ghi: Cuộc gọi hạn chế. Tôi mở ra và màn hình lớn có màu ở trong cũng ghi nội dung tương tự. Tôi áp chiếc điện thoại vào tai và nói, “Hello.” Một từ mới, được phát minh ra gần đây.

Lila Hoth trả lời tôi. Giọng của cô ta, thanh điệu của cô ta, kiểu nói của cô ta. Cô ta nói: “Vậy đấy, ông đã quyết định tuyên chiến. Rõ ràng không có nguyên tắc can dự nào dành cho ông cả.”

Tôi nói, “Chính xác thì cô là ai?”

“Ông sẽ biết.”

“Tôi muốn biết bây giờ.”

“Tôi là cơn ác mộng tệ hại nhất của ông. Như hai giờ trước đây. Và ông vẫn đang giữ một thứ thuộc về tôi.”

“Thế thì đến mà lấy. Tốt hơn là hãy điều thêm mấy thằng quân của cô. Cho tôi tập thể dục nhẹ nhàng thêm một chút.”

“Đêm nay ông gặp may, thế thôi.”

Tôi đáp, “Tôi luôn may mắn.”

Lila hỏi, “Ông đang ở đâu?”

“Ngay bên ngoài nhà cô.”

Có một khoảng ngừng. “Không, không phải.”

“Chính xác,” tôi nói. “Nhưng cô vừa mới xác nhận rằng cô đang ở trong một căn nhà. Và rằng ngay lúc này cô đang đứng cạnh cửa sổ. Cảm ơn cô về thông tin đó.”

“Thực sự thì ông ở đâu?”

“Tòa nhà liên bang,” tôi đáp. “Cùng người của FBI.”

“Tôi chẳng tin ông đâu.”

“Tùy cô thôi.”

“Hãy cho tôi biết ông đang ở đâu.”

“Gần cô,” tôi đáp, “đại lộ Ba và phố 56.”

Lila mở miệng đáp lời nhưng ngừng ngay lập tức. Cô ta nói không quá một âm th. Một âm bật. Khởi đầu của một câu thể hiện sự mất kiên nhẫn, mang tính cãi vã và hơi tự mãn. Kiểu như, Thế thì chẳng phải gần tôi đâu.

Cô ta chẳng ở chỗ nào gần đại lộ Ba và phố 56.

“Cơ hội cuối cùng,” Lila Hoth nói. “Tôi muốn có tài sản của mình.” Giọng cô ta dịu lại. “Chúng ta có thể thỏa thuận nếu ông muốn. Hãy để nó ở một nơi an toàn rồi cho tôi biết địa điểm. Tôi sẽ cho người đến lấy. Chúng ta không cần gặp nhau. Ông thậm chí có thể được trả tiền.”

“Không phải tôi đang tìm việc đâu.”

“Ông đang tìm cách được sống đấy chứ?”

“Tôi chẳng sợ cô đâu, Lila.”

“Đó là điều Peter Molina đã nói đấy.”

“Nó đang ở đâu?”

“Ngay ở đây, cùng chúng tôi.”

“Còn sống không?”

“Đến mà tìm hiểu.”

“Nó đã để lại lời nhắn cho huấn luyện viên.”

“Hoặc có thể tôi đã mở băng mà cậu ta ghi trước khi chết. Có thể cậu ta đã bảo tôi rằng huấn luyện viên của cậu ta không bao giờ nghe điện thoại trong bữa tối. Có thể cậu ta đã nói cho tôi nhiều điều. Có thể tôi đã buộc cậu ta phải làm thế.”

Tôi hỏi, “Cô đang ở đâu, Lila?”

“Tôi không thể nói cho ông biết,” cô ta nói. “Nhưng tôi có thể cho người đón ông.”

Cách ba chục mét, tôi thấy một chiếc xe cảnh sát chạy trên phố 14. Chạy từ từ. Ánh sáng hồng lóe lên bên ô cửa sổ khi người lái quay đầu sang phải lại sang trái.

Tôi hỏi, “Cô đã quen biết Peter Molina được bao lâu?”

“Kể từ khi tôi đón cậu ta ở quán bar.”

“Nó vẫn còn sống chứ?”

“Đến mà tìm hiểu.”

Tôi nói, “Cô đang trong giai đoạn chỉ mành treo chuông đấy Lila. Cô đã giết bốn người Mỹ ở New York. Sẽ chẳng ai lờ chuyện đó đi cả.”

“Tôi chẳng giết ai hết.”

“Người của cô đã làm việc ấy.”

“Những người đã rời khỏi đất nước này. Chúng tôi vô can.”

“Chúng tôi à?”

“Ông hỏi quá nhiều đấy. Họ đi cả rồi. Ngay cả xe của họ cũng không còn tồn tại.”

“Nếu người của cô hành động theo lệnh cô thì các cô không vô can đâu. Đó là âm mưu.”

“Đây là đất nước của các bộ luật và các phiên tòa. Chẳng có bằng chứng nào hết.”

“Xe hơi thì sao?”

“Không còn tồn tại.”

“Cô sẽ không bao giờ được vô can vì tôi. Tôi sẽ tìm ra cô.”

“Tôi hy vọng thế đấy.”

Cách ba mươi mét, một xe cảnh sát giảm tốc độ xuống như bò.

Tôi nói, “Hãy ra đây mà gặp tôi, Lila. Hoặc trở về đi. Một trong hai con đường ấy. Nhưng kiểu gì cô cũng bị hạ gục ở đây.”

Cô ta nói, “Chúng tôi chưa bao giờ bị hạ cả.”

“Chúng tôi là những ai?”

Nhưng không có câu trả lời. Cuộc gọi đã kết thúc. Chẳng có gì, ngoài sự yên lặng ngu xuẩn của đường dây không còn cuộc hội thoại.

Cách ba mươi mét, chiếc xe cảnh sát dừng lại.

Tôi gập điện thoại đút vào túi.

Hai cảnh sát ra khỏi xe, bước về phía quảng trường.

Tôi ở yên tại chỗ. Đứng dậy bỏ chạy thì quá khả nghi. Tốt hơn nên ngồi yên. Trong công viên không chỉ có một mình tôi. Tại đây có chừng bốn chục người. Trong đó một số người là dân sống tại đây. Những người khác là khách vãng lai. New York là thành phố lớn. Năm quận. Hành trình trở về nhà mất nhiều thời gian. Thường thì nghỉ dọc đường vẫn dễ hơn.

Hai cảnh sát rọi đèn pin vào mặt một người đang ngủ.

Họ tiếp tục. Rọi đèn vào người tiếp theo.

Và người tiếp nữa.

Chẳng hay.

Chẳng hay chút nào cả.

Nhưng tôi không phải người duy nhất có kết luận như vậy. Quanh quảng trường, tôi thấy nhiều bóng người từ các băng ghế đứng dậy tản đi theo các hướng khác nhau. Có lẽ là những kẻ bị lệnh truy nã đặc biệt, những kẻ buôn bán ma túy có hàng đút trong ba lô, những người hoàn toàn đơn độc không muốn gặp ai, những kẻ hoang tưởng bất lực cảnh giác với hệ thống chính quyền.

Hai cảnh sát, khu vực rộng khoảng một mẫu, chừng ba mươi người vẫn nằm trên ghế, khoảng mười người mới di chuyển.

Tôi quan sát.

Hai cảnh sát tiếp tục di chuyển. Ánh đèn pin của họ lấp loáng trong bóng đêm. Những cái bóng dài đổ xuống. Họ kiểm tra người thứ tư, rồi người thứ năm. Rồi người thứ sáu. Thêm nhiều người đứng dậy. Một vài người rời hẳn, một số chỉ chuyển từ ghế này sang ghế khác. Quảng trường đầy những dáng người, một số đứng yên, một số di chuyển. Mọi thứ đều di chuyển chậm chạp. Một điệu nhảy lười biếng, mệt mỏi.

Tôi quan sát.

Sự thiếu quyết đoán mới xuất hiện trong ngôn ngữ cơ thể của hai viên cảnh sát. Giống như hai con mèo chăn gia súc. Họ tiến đến những người vẫn còn trên ghế. Họ quay đi soi đèn vào những người bỏ đi. Họ tiếp tục bước, cúi người, quay người. Chẳng theo kiểu nào cụ thể. Chỉ là những cử động ngẫu nhiên. Họ tiếp tục đi tới. Họ đến cách tôi chừng mười mét.

Rồi hai viên cảnh sát bỏ đi.

Họ thực hiện trò chơi với những chiếc đèn pin vòng cuối cùng để lấy lệ rồi đi về xe mình. Tôi quan sát họ đánh xe đi. Tôi ngồi trên ghế, thở ra và bắt đầu nghĩ về những con chip GPS gắn trong hai chiếc điện thoại di động mà tôi đã thu được đang nằm trong túi. Một phần trong tôi nghĩ rằng Lila Hoth sẽ không thể tiếp cận được các vệ tinh theo dõi. Nhưng một phần khác trong tôi tập trung vào câu nói của cô ta. Chúng tôi chưa bao giờ bị hạ cả. Chúng tôi là một từ lớn. Chỉ hai âm tiết nhưng có hàm ý lớn. Có lẽ những kẻ xấu từ Đông Âu đã giành được nhiều hơn chứ không chỉ những hợp đồng cho thuê giếng dầu và quyền khai thác khí đốt. Có lẽ chúng mang hình thức những hạ tầng cơ sở khác. Bộ máy tình báo của Liên Xô cũ hẳn đã biến đi đâu đó. Tôi nghĩ về các máy tính xách tay, đường truyền băng thông rộng và tất cả những loại công nghệ mà tôi không hiểu lắm.

Giữ hai chiếc điện thoại trong túi, nhưng tôi đứng khỏi ghế băng và hướng về phía tàu điện ngầm.

Đó là một sai lầm nghiêm trọng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play