TÔI KHÔNG BIẾT CHÍNH
XÁC mình tỉnh dậy lúc nào. Đồng hồ trong đầu tôi vẫn đang chạy không
chuẩn. Nhưng dần dà tôi đã tỉnh. Tôi đang nằm trong một cái cũi. Hai cổ
tay và hai mắt cá bị buộc vào song bằng còng nhựa. Quần áo trên người
tôi vẫn còn nguyên. Trừ đôi giày. Chúng đã biến mất. Trong tình trạng lơ mơ, đầu tôi nghe tiếng nói của người anh trai đã mất. Một câu hồi còn
nhỏ ông thích nói: Trước khi cậu phê phán ai, hãy đi bộ một dặm bằng đôi giày của họ. Rồi khi cậu bắt đầu phê phán người ấy, cậu đã cách xa một
dặm và anh ta sẽ phải đuổi theo cậu khi đang đi tất[42]. Tôi nhúc nhắc
các ngón chân. Rồi tôi cựa hông. Tôi có thể cảm thấy rằng các túi quần
đã rỗng không. Họ đã lấy các thứ đồ của tôi. Có lẽ họ đã liệt kê toàn bộ số đó trong một mẫu biểu và gói chúng lại.
Tôi ngoẹo đầu qua vai và cọ cằm vào áo sơ mi. Râu mọc ít, dài hơn tôi nhớ một chút. Có lẽ
bằng mức mọc ra trong vòng tám tiếng. Con đười ươi trên kênh National
Geographic đã ngủ mười tiếng. Reacher thắng một bàn, trừ việc có lẽ họ
đã dùng liều nhẹ hơn cho tôi. Ít nhất tôi hy vọng rằng họ đã làm thế.
Con vật họ linh trưởng kia đã đổ sụp xuống như một thân cây kia mà.
Tôi lại nhấc đầu lên nhìn quanh. Tôi đang ở trong một xà lim, xà lim nằm
trong một căn phòng. Không cửa sổ. Đèn điện sáng. Công trình mới xây
trong công trình cũ. Một hàng ba chiếc cũi đơn giản làm bằng thép mới
sáng bóng được chấm hàn giáp mối, nằm thành một hàng thẳng trong căn
phòng to cũ xây bằng gạch. Mỗi cũi có diện tích chừng ba mét vuông và
cao hai mét rưỡi. Nóc cũng chắn song sắt giống như bốn thành xung quanh. Sàn làm bằng thép tấm.
Rìa các tấm thép đều được uốn gập mép,
tạo thành một cái khay nông sâu chừng hai phân rưỡi. Tôi đoán là để chứa các chất lỏng tràn ra. Có đủ thứ các loại chất lỏng có thể chảy ra
trong các xà lim. Chiếc khay được chấm hàn giáp mối phía trong một thanh sắt chạy quanh các song sắt thẳng đứng. Không có đinh vít nào đóng qua
sàn. Các xà lim không được vít cố định xuống sàn. Chúng chỉ nằm đó, ba
cấu trúc độc lập đặt trong một căn phòng cũ lớn.
Bản thân căn
phòng cũ lớn có trần cao giống hình cái thùng. Tất cả gạch đều phủ lớp
sơn trắng còn mới, song trông cũ và mềm. Có những người có thể nhìn kích thước gạch và kiểu người ta xếp gạch mà nói được chính xác một tòa nhà
nằm ở đâu, xây dựng khi nào. Tôi không phải một trong số đó. Nhưng dù
thế, với tôi, nơi này có nét của vùng East Coast. Thế kỷ mười chín, xây
bằng tay. Lao động nhập cư, làm nhanh và làm lậu. Có lẽ tôi vẫn đang ở
New York. Và chắc chắn tôi đang ở dưới lòng đất. Nơi này có vẻ như một
tầng hầm.
Không ẩm, không mát, nhưng về nhiệt độ và độ ẩm thì lại ổn định do bị chôn dưới lòng đất.
Tôi nằm trong chiếc cũi giữa ba chiếc. Tôi có chiếc cũi mình đang bị còng
vào, và một toa lét. Tất cả chỉ có thế. Chẳng có gì khác. Toa lét được
quây lại bằng một tấm mành ba mặt hình chữ U cao tầm mét tám. Bồn nước
trong toa lét có phần trên lõm tạo thành chậu rửa. Tôi có thể trông thấy vòi nước. Chỉ một cái. Chỉ có nước lạnh. Hai chiếc cũi còn lại trông
hệt như vậy. Cũi, toa lét, chẳng gì khác nữa. Chạy từ mỗi xà lim ra là
những đường mới đào trên sàn phòng. Đường rãnh hẹp, có ba đường cả thảy, hoàn toàn song song với nhau, được đào lên, lấp lại và làm nhẵn bằng bê tông mới. Tôi đoán đó là đường nước thải nối từ toa lét, và đường nước
dẫn tới vòi.
Hai cũi còn lại không có người. Tôi chỉ có một mình.
Ở góc xa của phòng, nơi tường giao với trần có một camera theo dõi. Một
mắt quan sát bằng kính nhỏ và sáng. Có lẽ các ống kính góc rộng, để đồng thời bao quát cả căn phòng. Để theo dõi được cả ba xà lim. Tôi nghĩ sẽ
có các microphone nữa. Có thể nhiều hơn một chiếc, một số đặt gần xà
lim. Nghe trộm bằng thiết bị điện tử là điều khó khăn. Độ rõ nét có ý
nghĩa quan trọng. Tiếng vang trong phòng có thể làm hỏng mọi thứ.
Chân trái tôi hơi đau. Một vết thương do đâm và một vết bầm, đúng nơi mũi
tên cắm vào. Máu trên quần tôi đã khô lại. Không bị chảy nhiều. Tôi thử
độ chắc của những chiếc còng ở cổ tay và mắt cá. Không thể phá được. Tôi giật và đạp chúng khoảng nửa phút. Không phải cố gắng để thoát ra. Chỉ
để kiểm tra xem tôi có bị ngất khi cố làm thế hay không, và nhằm thu hút sự chú ý của bất kỳ kẻ nào đó đang quan sát qua camera theo dõi và nghe qua các microphone.
Tôi không ngất đi lần nữa. Đầu tôi đau một
chút khi tỉnh táo ra, còn sự gắng sức không hề khiến chân tôi bớt chút
rần rật. Nhưng ngoài tất cả những triệu chứng vặt vãnh ấy ra thì tôi cảm thấy hoàn toàn ổn. Sự chú ý mà tôi đã lôi kéo bị trì hoãn hơn một phút
rồi xuất hiện dưới hình dạng một gã đàn ông tôi chưa từng thấy, bước tới với một chiếc ống tiêm dưới da. Một dạng nhân viên y tế. Trong tay kia
của anh ta là một cục bông ướt, sẵn sàng quẹt qua khuỷu tay tôi. Tay này dừng lại phía ngoài cũi nhìn tôi qua các chấn song.
Tôi hỏi, “Đó là liều gây chết người hả?”
Gã đáp, “Không.”
“Anh có thẩm quyền tiêm một liều gây chết người không?”
“Không.”
“Vậy thì nên lùi xa ra. Bởi dù anh có tiêm tôi bao nhiêu lần đi nữa, sau đó
tôi sẽ luôn tỉnh lại. Và một trong những lần ấy tôi sẽ lồng lên và túm
được anh. Hoặc tôi sẽ bắt anh xơi thứ đó, hoặc tôi sẽ cắm vào đít anh và tiêm nó từ phía trong đấy.”
“Đây là thuốc giảm đau,” gã đàn ông nói. “Một loại có tác dụng giảm bớt cơn đau. Cho chân ông.”
“Chân tôi ổn.”
“Ông chắc không?”
“Lui ra.”
Thế là gã làm theo. Gã đi ra qua một cánh cửa dày làm bằng gỗ sơn trắng hệt như những bức tường. Cánh cửa trông cũ. Nó thoáng kiểu gothic. Tôi từng thấy những cánh cửa tương tự ở các tòa nhà công cộng xưa cũ, các trường học thành phố, và những đồn cảnh sát.
Tôi lại thả đầu xuống cũi. Chẳng có cái gối nào. Tôi chăm chăm nhìn lên trần qua các thanh sắt và
chuẩn bị tĩnh trí lại. Nhưng chưa tới một phút sau, hai gã đàn ông mà
tôi biết bước vào qua cánh cửa gỗ. Hai nhân viên điều tra liên bang. Hai gã tay sai, không phải tay cầm đầu. Một trong hai tay này mang theo
khẩu Franchi 12. Trông có vẻ nó đã được nạp đạn, lên nòng và sẵn sàng.
Tay còn lại cầm một dụng cụ gì đó trong tay, trên cánh tay quấn một đoạn dây xích mảnh. Tay cầm súng bước tới sát chấn song cũi tôi, thò nòng
súng vào rồi gí mũi súng vào họng tôi và giữ yên ở đó. Tay cầm dây xích
mở khóa cửa vào. Không dùng chìa khóa, mà xoay vòng số sang trái và
phải. Dạng khóa dùng tổ hợp số. Gã mở cửa, bước vào trong, dừng lại bên
cạnh cũi của tôi. Dụng cụ trong tay gã giống như một chiếc kìm, nhưng
lại có lưỡi cắt thay vì hàm kẹp. Một dụng cụ dùng để cắt. Trông thấy tôi nhìn nó, tay này mỉm cười. Gã ngả người về trước, phía trên thắt lưng
tôi. Nòng khẩu súng dài ấn mạnh hơn vào họng tôi. Biện pháp cảnh cáo
khôn ngoan. Ngay cả khi hai tay còn đang bị khóa, tôi vẫn có thể gập
người từ phần eo về phía trước và ra một cú húc đầu rất chuẩn. Có thể
không phải cú mạnh nhất của tôi, nhưng với rất nhiều lực từ cổ tôi có
thể khiến gã này ngủ lâu hơn thời gian tôi đã ngất. Có lẽ còn lâu hơn
con đười ươi lưng trắng nữa. Đầu tôi vốn đã đau rồi. Một cú va chạm lớn
nữa cũng sẽ chẳng làm nó tệ thêm nhiều được.
Nhưng nòng khẩu
Franchi vẫn nằm chắc chắn đúng chỗ và tôi bị hạ xuống vị thế của kẻ chỉ
biết quan sát. Gã cầm dây xích gỡ xích rồi trải ra, như thể để dùng thử. Một sợi sẽ cột hai cổ tay tôi vào eo, một sẽ buộc lấy hai mắt cá, sợi
thứ ba sẽ nối hai sợi kia với nhau. Cách trói tù nhân theo đúng bài
chuẩn. Mỗi lần tôi sẽ có thể di chuyển một bước chân và nhấc hai bàn tay ra tới hông, nhưng tất cả chỉ có thế. Gã này khóa tất cả các xích, căng và thử, rồi gã dùng thứ dụng cụ của mình cắt các còng nhựa. Gã lùi ra
khỏi cái lồng, để cửa mở và đồng sự của hắn cất khẩu Franchi đi.
Tôi đoán là tôi phải trượt khỏi cái cũi và đứng dậy. Thế nên tôi đứng yên
tại chỗ. Ta phải kìm hãm những thắng lợi của đối thủ. Ta phải nhả chúng
ra, một cách chậm chạp và bần tiện. Ta phải làm cho các đối thủ thầm
thấy biết ơn cho từng chút phục tùng. Bằng cách đó có lẽ mỗi ngày ta
sống sót mà chỉ mất đi mười mất mát nhỏ, thay vì mất đi mười mất mát
lớn.
Nhưng hai tay nhân viên điều tra liên bang cũng đã được huấn luyện hệt như tôi. Điều đó thì rõ rồi. Họ không đứng đó để chịu đòn và
thất vọng. Hai gã chỉ bước đi, rồi tay buộc dây xích lúc nãy gọi với từ
cửa, “Cà phê và bánh ngọt chuyển qua lối này, bất cứ lúc nào ông muốn.”
Câu nói này lại trút gánh nặng lên tôi, đúng với mục đích nó được nói
ra. Chẳng hay ho gì khi đợi một giờ rồi thì lết lết đến mà ngấu nghiến
các thứ như thể tôi tuyệt vọng lắm. Thế đồng nghĩa với việc tôi bị chính cơn đói cơn khát của mình làm nhục giữa nơi công cộng. Chẳng hay ho
chút nào. Vậy nên tôi chỉ để một khoảng thời gian chờ mang tính tượng
trưng rồi trượt ra khỏi cũi và lê bước ra khỏi lồng.
Cánh cửa gỗ
dẫn tới một phòng có cùng kích thước và hình dạng như phòng chứa những
chiếc cũi. Cùng kiểu xây, cùng màu sơn. Không có cửa sổ. Ở giữa phòng có một cái bàn gỗ lớn. Hai chiếc ghế bên kia bàn, có sẵn ba tay nhân viên
điều tra liên bang. Một chiếc ở phía tôi, để trống. Đợi tôi. Trên bàn,
sắp thẳng hàng một cách gọn gàng là những thứ lấy từ các túi quần áo
tôi. Cuộn tiền mặt, được dàn phẳng và chèn dưới đống tiền xu sáng bóng.
Cuốn hộ chiếu cũ của tôi. Thẻ ATM. Chiếc bàn chải đánh răng gập. Thẻ
Metrocard tôi đã mua để đi tàu điện ngầm. Danh thiếp NYPD của Theresa
Lee mà cô đưa cho tôi lúc ở căn phòng lát gạch sàn trắng dưới Ga Trung
tâm. Tấm danh thiếp giả mà đội người địa phương của Lila Hoth đã trao
cho tôi ở góc phố giữa đại lộ Tám và phố 35. Chiếc thẻ nhớ tôi mua ở cửa hiệu Radio Shack, cùng lớp bọc cao su màu hồng. Cộng thêm máy di động
nắp gập của Leonid. Chín món đồ khác nhau, từng món đều trần trụi và cô
độc dưới những bóng đèn sáng gắn trên trần.
Bên trái bàn là một
cánh cửa khác. Cũng kiểu gothic, cùng kiểu đóng gỗ, cùng lớp sơn mới.
Tôi nghĩ nó dẫn tiếp tới một phòng khác là phòng thứ ba trong một chuỗi
ba phòng tạo hình chữ L. Hoặc là phòng đầu tiên trong số ba phòng, phụ
thuộc vào quan điểm người nhìn. Phụ thuộc vào việc người nhìn là kẻ cầm
tù hay bị cầm tù. Bên phải bàn là một tủ ngăn kéo thấp trông có vẻ là đồ dùng cho phòng ngủ. Trên đó là một chồng khăn ăn, một đống cốc bằng xốp chồng lên nhau, một cái phích bằng thép và một đĩa giấy đựng hai chiếc
bánh việt quất nướng. Chân mang tất, tôi chật vật tiến tới đó rót cho
mình một cốc cà phê từ cái phích. Làm việc này dễ hơn một chút so với
đáng ra phải thế do tủ ngăn kéo thấp. Hai bàn tay bị xích không cản trở
gì mấy. Tôi dùng hai tay giữ thấp chiếc cốc, bưng tới bàn. Ngồi xuống
chiếc ghế trống. Cúi đầu nhấp cà phê từ cốc. Việc làm này khiến tôi
trông như đang đầu hàng, đúng như mục đích nó được sắp đặt. Hoặc là cúi
mình, hoặc là chấp thuận. Cà phê cũng rất tệ, chỉ âm ấm.
Gã cầm
đầu khum tay lại để phía sau đống tiền của tôi, như thể gã đang tính cầm nó lên. Rồi gã lắc đầu, cứ như tiền là chủ đề quá tầm thường với gã.
Quá sức tầm thường. Gã đưa tay về phía trước và dừng lại phía sau cuốn
hộ chiếu của tôi.
Gã hỏi, “Tại sao nó hết hạn rồi?”
Tôi nói, “Bởi không ai có thể khiến thời gian đứng yên.”
“Ý tôi là, tại sao ông không gia hạn?”
“Không có nhu cầu ngay. Kiểu như ông không mang theo bao cao su trong ví ấy.”
Tay này ngừng một lát rồi hỏi, “Lần cuối cùng ông rời Mỹ là khi nào?”
Tôi nói, “Lẽ ra tôi đã ngồi nói chuyện với các ông, các ông biết mà. Ông
không cần phải bắn vào tôi một mũi tên như thể tôi là con vật gì đó trốn khỏi vườn thú.”
“Trước đó ông đã được cảnh báo nhiều lần. Và ông đã thiếu hợp tác rành rành ra đó.”
“Ông có thể đã dập tôi te tua.”
“Nhưng tôi đã không làm thế. Không gây hại thì không có lỗi.”
“Tôi vẫn chưa nhìn thấy giấy tờ của các ông. Tôi thậm chí chẳng biết tên các ông nữa.”
Tay này chẳng nói gì.
Tôi nói, “Không giấy tờ, không xưng tên, không đọc lời cảnh báo
Miranda[43], không cáo buộc, không luật sư. Thế giới mới can trường,
nhỉ?”
“Ông nói đúng rồi đấy.”
“Rồi, chúc may mắn với kiểu
đó,” tôi nói. Tôi liếc cuốn hộ chiếu của mình, như đột nhiên nhớ ra điều gì đó. Tôi nâng hai tay lên xa hết mức có thể và ngả người về trước.
Tôi đẩy cốc cà phê khỏi hẳn cho khỏi vướng, để nó nằm giữa cuốn hộ chiếu và chiếc thẻ ATM. Tôi nhặt hộ chiếu lên nheo nheo mắt nhìn nó và lật
lật những trang ở cuối. Tôi nhún vai, như thể trí nhớ đã lừa dối mình.
Tôi lại bỏ hộ chiếu lại chỗ cũ. Nhưng tôi đặt không đúng vào chỗ của nó. Mấy sợi xích hơi cản trở tí. Rìa cứng của cuốn hộ chiếu va vào cốc cà
phê làm nó đổ. Cà phê tràn ra, bắn tóe ra mặt bàn và chảy thẳng về cạnh
bàn bên kia vào lòng tay cầm đầu. Gã làm điều mà ai cũng làm. Gã nhảy
lùi lại, nửa đứng nửa ngồi và vỗ vào không khí như thể mỗi lần vỗ có thể đẩy từng phân tử của dòng chất lỏng đi hướng khác.
“Xin lỗi,” tôi nói.
Quần gã ướt sũng. Thế nên bây giờ gánh nặng nằm ở phía gã. Có hai lựa chọn:
hoặc ngắt quãng mạch thẩm vấn bằng việc nghỉ một chút để thay quần, hoặc tiếp tục với chiếc quần ướt. Tôi thấy gã này đang cân nhắc. Gã không
được bí hiểm như gã tự nghĩ về mình.
Tay cầm đầu chọn phương án
tiếp tục với chiếc quần ướt. Gã vòng về phía tủ ngăn kéo, thấm quần bằng khăn giấy. Rồi gã mang lại mấy tờ để lau bàn. Gã phải cố gắng lắm mới
không có phản ứng gì, mà bản thân việc này đã là một phản ứng rồi.
Gã hỏi lần nữa, “Lần cuối cùng ông rời Mỹ là khi nào?”
Tôi nói, “Tôi không nhớ.”
“Ông sinh ở đâu?”
“Tôi không nhớ.”
“Mọi người đều biết mình sinh ra ở đâu.”
“Cách đây đã lâu rồi.”
“Nếu cần thiết, chúng ta sẽ ngồi đây cả ngày.”
“Tôi sinh ở Tây Berlin,” tôi nói.
“Và mẹ ông là người Pháp à?”
“Bà ấy là người Pháp.”
“Giờ bà ấy làm gì?”
“Chết.”
“Xin lỗi.”
“Đó có phải lỗi của ông đâu.”
“Ông có chắc ông là công dân Mỹ không?”
“Câu hỏi này là kiểu gì thế?”
“Câu hỏi thẳng thắn.”
“Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp cho tôi một cuốn hộ chiếu.”
“Việc ông xin cấp hộ chiếu có trung thực không?”
“Tôi có đã ký vào đơn không?”
“Tôi tưởng tượng là ông đã ký.”
“Thế thì tôi tưởng tượng là nó trung thực.”
“Trung thực như thế nào? Ông được nhập tịch à? Ông sinh ra ở nước ngoài và bố mẹ là người nước ngoài mà.”
“Tôi sinh ở một căn cứ quân sự. Nơi đó được coi là lãnh thổ Mỹ. Cha mẹ tôi
có quan hệ hôn nhân. Cha tôi là công dân Mỹ. Ông ấy là lính thủy đánh
bộ.”
“Ông có thể chứng minh tất cả điều đó chứ?”
“Tôi phải làm thế sao?”
“Đây là việc quan trọng. Việc ông có phải công dân Mỹ hay không có thể ảnh hưởng tới những gì sắp xảy ra với ông.”
“Không, việc tôi kiên nhẫn đến mức nào sẽ ảnh hưởng tới những gì sắp xảy ra với tôi.”
Tay ngồi phía trái đứng dậy. Gã là kẻ đã gí mạnh mũi khẩu Franchi vào họng
tôi. Gã bước thẳng từ phía sau bàn sang trái và đi ra ngoài, qua cánh
cửa gỗ vào căn phòng thứ ba. Tôi liếc thấy những chiếc bàn làm việc, máy tính, tủ đựng hồ sơ, những hộc tủ ngăn nhỏ có khóa. Không có người nào
khác. Cánh cửa nhẹ nhàng khép lại sau lưng gã này và căn phòng chúng tôi ngồi trở nên yên tĩnh.
Gã cầm trịch hỏi, “Mẹ ông là người Algeria à?”
Tôi nói, “Tôi vừa mới bảo ông rằng bà ấy là người Pháp.”
“Một số người Pháp là người Algeria.”
“Không, người Pháp là người Pháp còn người Algeria là người Algeria. Chẳng phải khoa học cao siêu uyên bác gì đâu.”
“Được rồi, một số người Pháp có gốc là người nhập cư từ Algeria. Hoặc từ Morocco, hoặc Tunisia, hoặc một nơi khác ở Bắc Phi.”
“Mẹ tôi không phải thế.”
“Bà ấy là người theo đạo Hồi à?”
“Tại sao ông muốn biết?”
“Tôi đang điều tra.”
Tôi gật đầu. “Có lẽ điều tra về mẹ tôi thì an toàn hơn điều tra về mẹ ông.”
“Ý ông là gì?”
“Mẹ Susan Mark là một gái điếm nghiện ngập vị thành niên. Có khi mẹ ông làm việc cùng bà ta đấy. Có thể họ bắt khách với nhau.”
“Ông đang cố làm tôi nổi điên đấy hả?”
“Không, tôi đang thành công thì có. Mặt ông đỏ bầm hết còn quần thì ướt hết cả. Mà ông thì hoàn toàn chẳng đi tới đâu. Tóm lại tôi không nghĩ phiên
thẩm vấn hôm nay sẽ được viết làm tài liệu huấn luyện đâu.”
“Đây không phải trò đùa đâu.”
“Nhưng nó đang ngả về hướng đó.”
Tay này ngừng nói, sắp xếp lại suy nghĩ. Gã dùng ngón trỏ chỉnh lại chín
món đồ trước mặt mình cho thẳng thành một hàng. Gã xếp cho chúng thẳng
rồi đẩy chiếc USB tiến khoảng hai phân về phía tôi. Gã nói, “Ông đã giấu thứ này lúc chúng tôi khám người ông. Lúc trên tàu Susan Mark đã trao
nó cho ông.”
Tôi nói, “Tôi giấu hả? Cô ấy trao cho tôi à?”
Gã gật đầu, “Nhưng nó trống, với lại dù sao nó cũng quá nhỏ. Chiếc kia đâu?”
Tôi hỏi, “Chiếc kia nào?”
“Chiếc này rõ ràng là đồ giả để nhử mồi. Chiếc thật nằm ở đâu?”
“Susan Mark chẳng đưa gì cho tôi. Tôi mua chiếc này ở cửa hiệu Radio Shack.”
“Vì sao?”
“Tôi thích hình thức của nó.”
“Vì lớp bọc màu hồng à? Vớ vẩn.”
Tôi chẳng nói gì.
Gã hỏi, “Ông thích màu hồng hả?”
“Nhưng phải ở đúng chỗ.”
“Chỗ đó là chỗ thế nào?”
“Chỗ mà lâu rồi ông không có ở đó.”
“Ông giấu nó ở đâu?”
Tôi không trả lời.
“Nó nằm ở một chỗ trong cơ thể phải không?”
“Ông nên hy vọng là không. Ông vừa sờ vào nó rồi mà.”
“Ông thích kiểu ấy lắm hả? Ông có phải dân đồng tính không vậy?”
“Loại câu hỏi đó có thể hiệu quả ở Guantanamo, nhưng sẽ không hiệu quả với tôi đâu.”
Gã đàn ông nhún vai, dùng đầu ngón tay kéo chiếc USB trở về hàng, đoạn đẩy đồng thời tấm danh thiếp giả và điện thoại di động của Leonid về phía
trước chừng hai phân, như thể chuyển quân trên bàn cờ. Gã nói, “Ông đã
làm việc cho Lila Hoth. Tấm danh thiếp chứng tỏ rằng ông đã liên hệ với
đội mà cô ta thuê, còn điện thoại của ông cho thấy cô ta đã gọi ông ít
nhất sáu cuộc, số điện thoại của khách sạn Four Seasons có trong bộ nhớ
của máy.”
“Nó không phải điện thoại của tôi.”
“Chúng tôi tìm thấy nó trong túi ông.”
“Lila Hoth đã không ở khách sạn Four Seasons, người ta bảo vậy.”
“Chỉ do chúng tôi yêu cầu họ hợp tác. Cả hai chúng ta cùng biết rằng cô ta
đã ở đó. Ông đã gặp cô ta ở đó hai lần, và cô ta đã bỏ cuộc hẹn thứ ba.”
“Chính xác thì cô ta là ai?”
“Đó là điều ông cần phải hỏi trước khi đồng ý làm việc cho cô ta.”
“Tôi không làm cho cô ta.”
“Chiếc điện thoại chứng minh là có. Không phải khoa học cao siêu uyên bác gì.”
Tôi không nói gì.
Tay này hỏi, “Hiện Lila Hoth ở đâu?”
“Ông không biết à?”
“Chúng tôi biết bằng cách nào?”
“Tôi cho là các ông đã túm cô ta trước tôi, khi cô ta trả phòng. Trước khi ông bắn tên vào tôi.”
Tay cầm đầu không nói gì.
Tôi nói, “Sáng hôm ấy các ông đã có mặt ở đó. Các ông đã lục soát phòng cô ta. Tôi cho là các ông đã theo dõi cô ta.”
Tay này vẫn không nói gì.
Tôi nói, “Các ông đã để sổng mất cô ta, đúng không? Cô ta diễu ngay qua mũi các ông. Thế mới tuyệt. Đám các ông là hình mẫu cho tất cả chúng tôi
đấy. Một người nước ngoài có mối quan hệ không bình thường với Lầu Năm
Góc, thế mà các ông để cho cô ta đi hay sao?”
“Đó là một thất
bại,” gã nói. Gã trông có vẻ hơi bối rối nhưng tôi cho là gã không cần
phải thế. Bởi rời khỏi khách sạn trong tình trạng bị theo dõi là một
việc tương đối dễ. Ta thực hiện bằng cách không thực hiện. Bằng cách
không ra đi ngay lập tức. Ta gửi đồ đạc xuống qua nhân viên khách sạn
bằng thang máy chở đồ, đám nhân viên điều tra thì túm tụm ở sảnh, ta rời thang máy dành cho khách ở một tầng khác và chui vào chỗ nào đó chừng
hai tiếng cho tới khi các nhân viên điều tra bỏ cuộc và rời khỏi đó. Rồi ta đi ra. Làm thế này căng thẳng nhưng dễ làm, đặc biệt khi ta đã đặt
một phòng khác trong khách sạn này bằng một cái tên khác, điều mà chắc
chắn Lila Hoth đã làm, ít ra là đặt phòng cho Leonid.
Gã cầm đầu hỏi, “Hiện cô ta ở đâu?”
Tôi nói, “Cô ta là ai?”
“Là người nguy hiểm nhất ông từng gặp.”
“Cô ta trông không có vẻ thế.”
“Đó là lý do cô ta nguy hiểm đấy.”
Tôi nói, “Tôi không biết giờ cô ta ở đâu.”
Có một khoảng lặng dài, rồi gã cầm đầu đưa tấm danh thiếp giả cùng điện
thoại của Leonid trở lại hàng và đẩy danh thiếp của Theresa Lee lên. Gã
hỏi, “Viên thám tử biết đến mức nào?”
“Chuyện đó có liên quan gì?”
“Trước mặt chúng tôi có chuỗi công việc khá đơn giản. Chúng tôi cần tìm ra mẹ
con nhà Hoth, cần lấy lại chiếc USB thật, và trên hết chúng tôi cần bịt
lại những thông tin rò rỉ. Thế nên chúng tôi cần biết nó đã lan đến đâu. Thế nên chúng tôi cần biết ai biết được gì.”
“Chẳng ai biết gì. Người biết ít nhất là tôi.”
“Đây chẳng phải cuộc thi đâu. Ông chẳng giành được điểm nhờ chống đối đâu. Ở đây chúng ta đều cùng một phe.”
“Tôi không cảm nhận được như thế.”
“Ông cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.”
“Tin tôi đi, tôi đang thế đấy.”
“Thế thì nói cho chúng tôi biết ai biết những gì.”
“Tôi không phải người đọc được suy nghĩ của người khác. Tôi không biết ai biết gì.”
Tôi nghe tiếng cánh cửa bên trái mở ra lần nữa. Tay cầm đầu quay nhìn và
gật đầu ra hiệu đồng ý. Tôi quay người thì thấy gã ngồi trên chiếc ghế
bên trái. Tay gã cầm một khẩu súng. Không phải khẩu Franchi 12. Khẩu
súng bắn tên. Hắn nâng lên và bóp cò. Tôi né người, nhưng đã quá muộn.
Mũi tên cắm trúng vào phần trên cánh tay tôi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT