Sáng sớm, tôi tỉnh lại. Xương sống thắt lưng đau nhói, tay chân uể oải không buồn động đậy.
Nhớ lại đêm qua điên cuồng, không kìm lòng ghé sát mặt anh cười. Tôi vươn tay, phác họa hình dáng ngũ quan anh. Anh thật là anh tuấn, lúc đeo gọng kính màu vàng vào lại càng hào hoa phong nhã.
Tôi nhớ lần đầu thấy anh, anh đứng trên bục cao vỗ tay, thân mặc âu phục chân mang giày da, vui vẻ chào hỏi. Khi đó tôi đang ngồi ở hàng ghế cuối trong hội trường hút thuốc, cùng đám bạn cười đùa mắng nhiếc. Ngẩng mặt lên nhìn thấy anh, giật mình, không biết có cảm xúc gì, quay đầu đi không để tâm.
Sau đó tôi quen anh. Ngày hôm sau tại đại hội tân sinh viên, tôi quăng sách mới vào tủ, cầm tiền sáng lóa ra căn tin mua thuốc. Lúc đó, thuốc và rượu là cả linh hồn, tôi dựa vào chúng để làm tê liệt thần kinh mình, hết sức phung phí. Cha mẹ cũng không để ý, mà có thể nói là dù có để ý, cũng không dám thể hiện trước mặt tôi. Tôi biết rõ điều này, suy cho cùng vết sẹo trên cổ tay kia cũng là do tôi tự cắt, thế nên càng tùy tiện làm xằng.
Tôi từng là một thiên tài, đương nhiên là hiện tại vẫn thế. Chẳng qua là do cảm giác mười sáu năm trời vươn lên dẫn đầu đám bạn cùng lứa được vạn người quan tâm tôi đã chán rồi, bèn tìm một lý do để bản thân quang minh chính đại thoát ra khỏi đó. Tôi từng đọc sách y học, biết được làm thế nào để khi nhìn qua vết thương trông thật đáng sợ nhưng thực tế không có gì nguy hiểm. Tất cả mọi người đều bị tôi lừa, thật giống như trong suốt mười sáu năm đó tôi cố tình ngoan ngoãn. Vậy nên tôi nghĩ đã thế mình phải buông thả. Hút thước, uống rượu, đua xe, làm-tình… Trừ những thứ gây nghiện ra thì tất tần tật đều đã thử một lần.
Sau đó lại cảm thấy chán. Lúc này thời gian đã qua bốn năm.
Thế nên tôi dành ra khoảng tám tháng, chấp nhận kỳ vọng bốn năm trước của cha mẹ là thi đậu vào đại học nọ. Tư duy của tôi cũng không vì bốn năm phóng túng đó mà hóa ngu si, lấy thành tích đứng nhất toàn trường mà nhập học, chọn chuyên ngành ngon nhất.
Thỉnh thoảng con người chính là vậy, không như người thường cả ngày vuốt mồ hôi mẹ lẫn mồ hôi con, cũng không giống người thiên bẩm nước tới chân mới nhảy. Tôi kiêu ngạo vì tư duy của mình, đồng thời cũng khinh thường những ánh mắt ghen tị xung quan, ngay cả thành tích mình đạt được tôi cũng không xem trọng. Bởi vì tôi tin là, có công mài sắt có ngày nên kim.
Tôi cảm thấy trên đời này cái gì cũng đơn giản, đơn giản quá làm cho tôi xem thường. Tôi không muốn lãng phí tâm tư, cũng không muốn lừa lọc ai. Chẳng hạn như tình cảm. Tình cảm là thứ rẻ rúm nhất trên đời này, không biết trời sinh ra thế nào, nhưng tôi khó có thể nén lại cảm giác không tin tưởng. Vậy nên tôi lên giường với bọn con gái, nhưng không có hứng thú nói chuyện yêu đương với họ.
Một ngày nọ, tôi cầm rượu trắng và thuốc lá vừa mua từ quán ra, thấy anh ngồi trên bãi cỏ, đang cầm sách đọc. Là sách y học đó, tôi chỉ cần lướt qua là biết liền, bốn năm trước chính là từ loại sách này mà học được cách làm cho người ta sợ hãi khi thấy vết thương. Tôi lấy ngón tay sờ sờ vào cổ tay trái phía trên băng đeo. Tôi không thường chơi bóng, nhưng vẫn luôn đeo băng tay, bởi vì tôi ghét người khác giả dối và khăng khăng tự cho là đúng khi gọi đó là sự quan tâm, nhất là lúc mà trong giọng nói còn mang vẻ sợ hãi và xa lánh.
Bỗng nhiên anh ngẩng đầu lên, cười với tôi.
Tôi nheo nheo mắt, hừ lạnh. Khoảnh khắc đó, tôi thấy thực sự rất ghét anh.
Tôi xoay người bỏ đi.
Vừa ra khỏi cổng trường liền bị một đám người chặn lại. Trong bốn năm tôi quen biết không ít người, nhưng tính tình chẳng biết lấy lòng ai, nên trong đó kẻ thù chiếm đa số. Cũng không phải là không có người ngăn lại, nhưng đó vẫn là lần tôi thảm hại nhất. Một mình đánh nhau với 7 đứa, trong đó còn có đứa mang theo dao. Nếu không có người báo cảnh sát, chắc là tôi đã chết trong lúc ẩu đả rồi.
Chết kiểu này thì thật sự mất mặt quá.
Tôi dựa vào vách tường thở dốc, nhìn bọn chúng hiên ngang nhảy lên xe máy chạy mất. Xe cấp cứu còn chưa đến, tôi có cảm giác máu mình không ngừng tuôn ra, nhưng tôi không muốn cầm máu lại. Có thể vết thương của tôi nhìn có vẻ rất kinh khủng nên những người hiếu kỳ vây quanh rất nhiều, nhưng không ai dám lại gần. Tôi ngồi dựa xuống tường, tầm mắt dần tối lại, cảm thấy chán muốn chết, bắt đầu âm thầm đếm xem sau bao lâu mình sẽ hôn mê, rồi chết.
Rời khỏi cái thế giới buồn tẻ này, cũng không phải chuyện gì đáng để làm cho người khác thương tâm.
Thế nhưng tôi không thành công.
Một bóng người từ trong đám đông vụt ra, không biết như thế nào lại tháo dây thắt lưng ra, buộc nhanh quanh bắp đùi tôi đang chảy máu.
Tôi không có cảm giác được cứu mạng, chỉ cảm thấy không ra làm sao cả. Nheo mắt lại, nhìn qua cuốn sách y học bên cạnh, chợt gió thổi lớn, đúng lúc lật sang phần sơ cứu cầm máu.
Ah… Thì ra là một thằng mọt sách.
Tôi nghĩ vậy, chuyển tầm mắt lên người anh.
Lúc này anh đã cởi áo sơ mi ra, xé thành những mảnh nhỏ đắp lên miệng vết thương, màu trắng của vải nhanh chóng bị biến thành màu đỏ, căn bản máu không ngừng chảy, nhưng anh vẫn cố gắng, mím môi lo lắng rồi lại cầm máu đâu vào đấy. Quanh đó tự nhiên có người đưa áo của mình cho anh, trong tay anh tôi từ từ bị biến thành cái bánh bao. Anh thấy máu không còn tuôn nữa, nhẹ nhõm thở phào, trên mặt hiện ra nụ cười tươi rói.
Tôi ghét anh cười như vậy. Dịu dàng, trầm tĩnh, bình yên… Cho dù là tính từ nào cũng chưa từng thuộc về tôi. Tôi cố ý khiêu khích anh, hung dữ tức giận nói: “Này, còn không mau cởi thắt lưng ra, muốn chân tôi hoại tử à?”
Rõ ràng anh không nghĩ tôi biết được chuyện này, tay chân lóng ngóng tháo thắt lưng ra, nhưng bị tôi ngăn lại.
Vẫn còn chưa phải lúc, bây giờ mà tháo ra tôi sẽ bị mất máu mà chết.
Anh bị tôi cười nhạo liền thay đổi sắc mặt, mục đích của tôi đã đạt được. Nhưng bỗng nhiên anh vung tay lên đấm vào mặt tôi một phát, mặt tôi bị lệch sang một bên, kinh hãi.
“Câm lại! Muốn chết sao, đồ ngu!”
Tôi lập tức khôi phục tinh thần, cháng váng nén lại ý muốn chửi người trong đầu, lại bị anh bế lên, chạy tới xe cấp cứu không biết đến từ lúc nào.
Tôi ngửa đầu nhìn mặt anh, nhưng bị ánh sáng mặt trời rực rỡ làm chói mắt.
Có những lúc, thật sự rất muốn chết.
Nghĩ vậy, trong đầu tôi có chút hụt hẫng, nhưng không chịu thừa nhận thật ra trong sâu thẳm lòng mình một tia le lói muốn thoát khỏi tử thần.
Lúc đặt tôi lên cáng cứu thương, anh chợt thấp giọng nói: “Còn sống thì muốn chết lúc nào cũng được, nhưng chết rồi sẽ không có cơ hội sống lại.”
Vốn dĩ muốn nói ra suy nghĩ của mình, nhưng nhìn thấy ánh mắt lo lắng của anh, tôi bật cười, nhắm mắt lại.
Những ngày ở trong bệnh viện rất khó chịu. Tôi không phải là thằng ngớ ngẩn, nên càng ghét cái nhìn của người khác —– bất kể là thương hại hay ghê tởm. Nhưng ở trên giường bệnh, biết được không ít chuyện này nọ.
Thậm chí có một người phụ nữ còn lấy tôi ra làm tấm gương xấu để dạy bảo con mình.
“Con phải ngoan ngoãn nghe lời, không được đánh nhau, nếu không sẽ giống như anh này.”
Bé vang giọng nói trẻ con giận dỗi hỏi: “Giống anh này rồi không luyện đàn dương cầm nữa được không ạ?”
Tôi nhịn không được cười thành tiếng, từ từ nhắm mắt lại. Người phụ nữ kia hốt hoảng, cho rằng tôi đã ngủ rồi, cuốn quýt dắt con đi trong tiếng cười của tôi.
Tôi thấy người nằm viện và động vật trong sở thú cũng không khác gì nhau, vừa bị giới hạn tự do, vừa bị người khác tham quan.
Ở trong bệnh viện một tháng, lúc cha mẹ đến thăm chỉ lắc đầu thở dài. Sau khi cha mẹ đi rồi, chị tôi bỗng nhiên ôm tôi khóc rống, làm tôi phát hoảng.
Không phải là do chuyện chị tôi khóc, mà là chuyện chị ấy ôm tôi.
Gia đình tôi rất cứng nhắc, tôi nhớ trước đây tôi rất thích nắm tay chị,cả ngày ở bên cạnh chị, vì thế bị đánh không ít lần. Từ đó về sau khoảnh khắc gần gũi nhất với người nhà, có lẽ là khi tôi được vào đại học, mẹ rưng rưng nước mắt cảm động xoa xoa đầu tôi.
Chị ôm tôi nói rất nhiều chuyện.
Chị nói chị hiểu cảm giác của tôi, cả họ hàng chỉ có một thằng con trai duy nhất, hy vọng của ông nội và cha đều đặt hết cả vào tôi, chị nói chắc chắn tôi cảm thấy mệt mỏi lắm mới có thể làm ra chuyện khác người như vậy.
Tôi cười lạnh.
Chị nói thật ra cha mẹ cũng không dễ dàng gì. Cha chỉ là một công nhân bình thường, nuôi hai chị em lên đến đại học cũng rất vất vả. Mẹ thì thân thể không tốt, lại làm lụm cực nhọc, mấy năm nay tóc bạc đi nhiều. Chị còn nói đặc biệt 4 năm trước, chị hay thấy cha mẹ trong phòng thở dài.
Tôi không thay đổ sắc mặt.
Cuối cùng chị ấy cũng đi, để lại cho tôi một hộp bánh đậu xanh ngày nhỏ tôi rất thích.
Tôi cầm lấy hộp bánh kia, đưa cho mấy bé chạy ngang chạy dọc trên hành lang. Chị ấy không biết, từ khi quấy mẹ làm bánh đậu xanh bị cha bắt gặp đánh cho một trận, tôi đã không còn ăn thứ bánh này.
Giống như cưỡi ngựa xem hoa, phòng bệnh của tôi trong một tháng biến thành sân khấu kịch.
Lãnh đạo trường học đến thăm, làm bộ làm tịch an ủi, tôi nắm lấy cơ hội này xin hẳn một phòng ký túc xá riêng. Dù sao dưới sự chú ý của các phóng viên, lão già đó sẽ tự nguyện dùng một phòng kí túc xá để đổi lấy cảnh đại gia đình vui vẻ. Rồi cô giáo chủ nhiệm cũng đến, trước là phê bình hành vi đánh nhau của tôi, sau là nói chỉ cần tôi thay đổi chắc chắn có thể vượt trội hơn người, vân vân và mây mây…
Tôi nhẫn nại nghe, chết cũng không chịu mở miệng, chỉ khi nào thật cần thiết mới “vâng” hay “dạ” cho qua. Nửa tiếng sau cũng chịu đi.
Tôi nghĩ là cô giáo không nên tiếp tục hy vọng gì ở tôi.
Quả nhiên sau này không thấy cô ta tới thăm nữa.
Lúc xuất viện tôi có chút hụt hẫng. Tôi nằm viện một tháng mà anh lại không thèm tới thăm một lần. Tốt xấu gì anh cũng đã cứu mạng tôi.
Tôi chống nạng khập khiễng đi vào kí túc xá, ngay cả ga giường cũng chưa trải, nằm thẳng cẳng trên ván giường ngủ quên trời quên đất, mãi cho đến khi có người gõ cửa.
Ở một mình cũng có điểm bất lợi, không thể sai bảo ai, chuyện gì cũng phải tự thân vận động.
Tôi sốt ruột ra mở cửa.
“Ai vậy?”
Giọng nói anh vang bên ngoài cửa: “Là tôi.”
Tôi dừng tay trên cửa một lúc mới mở ra, nhìn anh đứng bên ngoài mồ hôi đầy đầu, trong tay cầm theo cặp lồng cơm.
Thấy anh chưa kịp thay quân trang, mới nhớ ra là một tháng tôi ở trong bệnh viện đúng lúc cả trường huấn luyện quân sự, bỗng nhiên thấy xấu hổ.
Anh quan sát phòng tôi một lúc, lại nhăn mày: “Cậu cứ thế mà ngủ à? Còn muốn ở viện mấy ngày nữa đúng không?”
Tôi thẹn quá hóa giận, manh miệng phản bác: “Tôi đã sớm khỏe lại rồi!”
“Thật không? Vậy sao bác sĩ nói cậu còn muốn tĩnh dưỡng thêm một tháng?”
Tôi không hé răng, nhìn anh cười chỉ muốn in ngay một đấm lên mặt anh.
Vòng vo đâu đó xong, anh để cặp lồng lên bàn, nói với tôi: “Ăn cơm đi, tôi hỏi quản lý kí túc rồi, cậu vừa từ viện về ngủ luôn đến tận giờ, thật không biết làm sao dạ dày cậu lớn nổi, ngủ liền một ngày mà không đói sao?”
Không thể tin được tôi lại vì lời nói của anh mà lấm lem hai mắt, viện cớ lấy nạng để lau nhanh khóe mắt, miệng không lưu tình: “Thật bà tám!”
Anh cứng đờ người, bực mình dọn lại lồng cơm vừa mới mở ra.
“Cậu không muốn ăn thì thôi!”
Tôi vội vàng đầu hàng.
“Tôi sai rồi. Tôi muốn ăn cơm. Xin lỗi có được không?”
Anh nhìn tôi chăm chú, chợt lấy tay gõ lên đầu tôi một cái.
Tôi ôm đầu, giận dỗi trừng mắt anh, rồi lại cười.
~~~~
“Em cười một mình cái gì đó?”
Anh ngồi xuống mép giường. Mùi hương thức ăn từ bếp bay vào trong phòng.
Tôi chuyển mình ôm lấy anh, ở trên vai anh nói: “Em nghĩ chúng ta đều biết chuyện này.”
Anh cũng cười, có chút bất đắc dĩ nói: “Phải rồi, không biết ai ngốc nữa, khai giảng được một tháng mới nhớ hỏi tên anh.”
Nhất thời tôi thẹn quá hóa giận.
Anh nghịch nghịch mái tóc tôi, rồi đứng dậy.
“Ra ăn cơm nào, đừng bám giường nữa. Anh bây giờ không bế em được nữa đâu.”
“Chê em béo thì cứ nói thẳng!” Tôi gào lên sau lưng anh.
Kỳ thật chúng tôi đều hiểu, không phải là do tôi béo, mà là chúng tôi đã già rồi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT