Làm người chị cả trong gia đình, xác suất sẽ độc thân tới già là rất cao.
Tham khảo các tác phẩm âm nhạc như “Đò dọc” hay “Chị tôi” ... hầu hết
đều phản ánh tình trạng đó. Người chị cả phải hy sinh tuổi thanh xuân
của mình, hết nuôi cha mẹ rồi nuôi em; đến khi nhìn lại chỉ còn thấy
“mình ta với ta”.
Trong thực tế cũng đã chứng minh điều đó không sai. Bà hai móm mém bán
kẹo ngoài cổng trường tiểu học, cô hai chủ sạp gạo trong chợ và chị Hiền bán tạp hoá cuối xóm ... Tuy họ có hoàn cảnh sống khác nhau, tuổi tác
cũng khác nhau; nhưng có một điểm chung đều là con lớn trong gia đình,
và đã vượt qua cái tuổi mà người ta gọi là ‘quá lứa lỡ thì’. Vì vậy có
thể kết luận, làm chị cả là một nghề cao quý và thiệt thòi nhất trên đời này.
Nguyễn Thiên Kim là con gái lớn trong gia đình. Cha mẹ nàng tuy đều là
nông dân, nhưng không vì thế lại trọng nam khinh nữ. Nội việc đặt cho
con gái cái tên Thiên Kim, cũng cho thấy họ yêu nàng đến mức nào. Mặc dù gia đình không khá giả, nhưng tiểu thư Thiên Kim luôn được cha mẹ nuông chiều hết mực. Năm ba tuổi, không biết nàng học từ đâu, đòi mẹ sinh cho mình thêm một đứa em gái. Cha mẹ nàng đều tứ cố vô thân, nên vô cùng
đồng tình với chủ kiến của nàng. Nhà càng đông càng vui, họ nỗ lực tìm
cho Thiên Kim thêm một đứa em gái.
Cuối năm, cậu hai nhà họ Nguyễn ra đời, đặt tên là Nhất. Tiểu thư Thiên
Kim thích là thích có em gái cơ, cái loại giống như búp bê có tóc dài và biết mặc váy đó. Biết con gái yêu chưa hài lòng, cha mẹ của nàng tiếp
tục cố gắng.
Thêm một năm nữa, cậu ba tên Đại xuất hiện. Nàng vẫn chưa hài lòng, và
ông bà Nguyễn lại tiếp tục cố gắng. Một năm trôi qua, rồi tới cậu tư tên Anh và cậu năm tên Hùng chào đời. Lúc này, nàng đã thấm thía cái cảnh
nhà nghèo con đông và sự khổ sở của mấy thằng em nghịch như quỷ sứ.
Đến khi cậu út của nhà họ Nguyễn chào đời, nàng phải khóc lóc năn nỉ với cha mẹ đừng sinh thêm em trai nữa, nàng không còn trông mong gì việc có em gái nữa rồi. Ông bà Nguyễn nhìn quanh ngôi nhà tranh trống trước dột sau của mình, cái cánh cửa sứt sẹo, đống chiếu manh rách nát, mảnh vườn cằn cỗi, đám con nhỏ nheo nhóc; họ kết luận, nhà như vậy là đủ đông vui rồi.
Trên đời chẳng có thứ gọi là ‘trời sinh voi sinh cỏ’, chỉ duy nhất một
thứ gọi là ‘châu chấu ăn hại’ mà thôi. Tuy nhà nàng nghèo, nhưng ông
trời bù lại cho chị em nàng ai ai cũng có sức mạnh hơn người, năm đứa
con trai lớn lên khoẻ mạnh vạm vỡ, ‘ăn như rồng cuốn, uống như rồng
leo’, cả châu chấu cũng không phá hại bằng chúng.
Nhất, Đại, Anh, Hùng, Hảo là năm tên quỷ sứ nổi danh khắp xóm. Chúng cao to hơn đám bạn cùng trang lứa, khoẻ mạnh nhất trong vùng. Ăn nhiều dư
sức chúng đi phá làng phá xóm. Cha mẹ nàng phải đi làm ngoài đồng quần
quật suốt ngày, việc ở nhà và việc trông coi mấy đứa em đều giao cả cho
chị hai Thiên Kim. Nàng ngoài gánh nước, chẻ củi, quét nhà, nấu cơm,
giặt giũ, bắt cá, nuôi gà ... còn phải kiêm thêm nhiệm vụ đi khắp nơi
xin lỗi mọi người, và dạy dỗ đám em cho đến nơi đến chốn.
Đến năm nàng mười sáu tuổi, cả cái xứ này ai cũng biết đến danh chị hai
la sát của đám ngũ quỷ. Dù chúng có phá phách hung dữ cỡ nào, thì cũng
phải im lặng xếp de trước chị hai thôi. Trong nhà Thiên Kim thường vang
ra tiếng la khóc của mấy đứa con trai bị phạt.
“Hu hu ... chị hai tha cho tụi em đi ... hu hu biết lỗi rồi mà!”
Hàng xóm cười lớn hài lòng. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn! Đúng là chỉ có con bé đó mới trị nổi năm thằng quỷ sứ kia thôi.”
Sự nghiệp ế ẩm của nàng cũng bắt đầu trong khoảng thời gian đó. Ngoài
trừ mấy cái danh bà la sát, gấu mẹ vĩ đại, sư tử hà đông ... thì Thiên
Kim cũng được công nhận là đứa dễ thương và giỏi giang. Bước qua tuổi
mười bảy, nàng cũng có để ý vài ‘anh trai’ trong xóm. Thế nhưng chỉ cần
người nào cười với nàng một cái, ngày hôm sau anh ta lập tức bị hành
hung.
Anh Quý học giỏi nhất khối, lớp trưởng Nhật đeo mắt kiếng, anh Huy con
nhà bán thịt ... ngay cả anh Phát hàng xóm to cao đến thế cũng bị đánh
cho bầm mắt. Và hung thủ của tất cả các vụ án đó đều là năm thằng em phá hoại của nàng. Chúng tuy còn nhỏ, nhưng phải nói là đã đánh đến khắp
xóm không địch thủ. Nếu không đánh lại thì chúng bày kế bẫy rập để hại
người, kết quả là chẳng còn ai dám dòm tới chị hai la sát của chúng nữa.
Nàng trói hết năm thằng em vào gốc cây, cẩm tổ kiến dứ dứ trước mặt chúng.
- Tụi bây khai mau, tại sao hôm qua lại đánh anh Cường của chị?
- Chị hai, đây là anh thứ mấy của chị rồi hả? – Thằng Nhất mưu mô hỏi.
- Thứ mấy kệ chị. Tại sao lúc nào chị thích ai tụi bây cũng xúm vào đánh hội đồng người ta hết vậy? Ngay cả anh Cường giỏi thể thao như thế mà
tụi bây cũng nhào vô uýnh đến sưng húp mặt mày luôn. Anh Cường là người
đã tặng chị một cuốn tập trắng đó nha.
- Loại yếu ớt đó, không thắng nổi tụi em thì sao có thể bảo vệ chị hai được. – Thằng Đại lực sĩ nhất nhà nói.
- Chị hai sao chỉ vì một cuốn tập trắng mà xiêu lòng thế. Lần trước anh
Nhật cho chị cục gôm chị cũng đã mơ mơ màng màng rồi. Anh Huy mời chị
cây kem, anh Phát tặng chị cục xôi ... tệ nhất là anh Quý chỉ cho chị bộ sách giáo khoa cũ, chị cũng đòi yêu sống yêu chết. – Thằng em tư nói.
- Đáng sợ là sau khi người ta bị đánh thì quay ngoắt một trăm tám chục độ luôn, đi thích người khác. – Thằng năm thêm vào.
- Chị hai trăng hoa. – Thằng út đổ dầu vào lửa.Thiên Kim đã bị đám em hỗn xược chọc cho nổi điên lên. Nàng sử dụng giọng hét gần
mười năm rèn luyện, đã đưa tên tuổi nàng nổi tiếng đến mức sư tử hà
đông.
- Là vì ai mà tao lại như vậy? Đều là vì chúng mày ăn như
hùm như hổ, sau đó lại lớn lên nhanh như thổi. Cơm không đủ ăn, đồ không đủ mặc; đã ba năm nay tao chưa may được một bộ đồ mới nữa kìa, chứ nói
gì có tiền mua sách vở bút viết. Người ta có ý với chị hai mới đem đồ
cho, tụi bây lại cắt đứt phiếu quà tặng của tao. Thật là tức chết mà!
- Chị hai, sao lại vì chút lợi ích đó mà bán rẻ lương tâm như vậy?
- Là vì nhà mình nghèo được chưa. – Nàng gào lên, ném tổ kiến về phía
năm thằng em đang bị cột vào gốc cây. – Đầu sỏ mọi chuyện chính là tụi
bây. Tao chẳng những bị mất phiếu quà mà còn phải mua đồ đi xin lỗi
người khác. Lỗ càng thêm lỗ. Tụi bây ở đó mà sám hối lại đi.Quả nhiên chưa đầy năm phút sau đám em của nàng đều hối hận tột bậc. Chúng gào la như heo bị chọc tiết.
- Hu hu ... chị hai tha cho tụi em đi ... hu hu biết lỗi rồi mà!Chúng biết chị hai yêu nhất là tiền, khiến chị hai mất tiền chẳng khác nào
giết chỉ. Vậy nên ngoài việc hối hận và la khóc, chúng còn trông mong
chị hai không giận đến nỗi cắt cơm. Có trừng phạt chúng thế nào cũng
được, chỉ là chúng không thể một ngày không ăn cơm.
Thầy bói đã từng coi cho nàng, lớn lên phải đi xa mới khá nổi. Hèn chi
từ khi có ý thức được đến giờ, nàng chỉ thấy gia đình mình trống trước
hụt sau, bữa no bữa đói. Cha mẹ nàng dù có làm việc quần quật cũng không nuôi đủ từng ấy miệng ăn. Từ hồi tám tuổi, nàng đã biết đi làm thêm phụ giúp gia đình.
Gánh nước, chẻ cũi, trông em, đan chiếu, lột vỏ tràm ... việc gì có thể
làm nàng đều không từ nan. Đồng tiền kiếm được từ lao động cực nhọc là
những đồng tiền quý giá nhất. Nàng biết làm chị hai thì xác suất bị ế sẽ rất cao, nên từ nhỏ đã bắt đầu kế hoạch phòng hờ của mình. Không thể để đến già, vừa neo đơn vừa nghèo khổ được.
Muốn khá phải đi xa, mà muốn đi xa phải có năng lực. Thiên Kim mười hai
năm liền đi học đều là học sinh giỏi. Thầy cô giáo từ tiểu học đến cấp
ba đều biết mặt đứa học trò giỏi giang, ngoan hiền này. Mỗi khi gặp lại
thầy cô giáo cũ, họ thường trìu mến cười với nàng. “Thiên Kim nè, em học giỏi thế sao, mấy đứa em của em ... Haizz ...” Tiếng thở dài có thể làm rụng hết ngọn cây bụi cỏ trong bán kính năm mét xung quanh. Quả nhiên,
nếu cứ ở mãi ở cái xứ này, nàng sẽ bị mấy thằng em ám hoài không khá lên nổi.
Cuối năm cấp ba, nàng đi thi vào một ngành mà cả huyện này không ai dám
mơ tới. Năm mười tám tuổi, Thiên Kim đậu vào khoa ngữ văn, đại học quốc
gia. Nàng đã học sống học chết để thi vào ngôi trường chuyên dành cho
siêu sao này chỉ với hai lý do đơn giản. Đại học quốc gia có học bổng
toàn phần cho học sinh giỏi và đại học quốc gia thì nằm trên thành phố,
rất xa chỗ quê nghèo của nàng.
Ngày nàng thông báo đậu đại học, cha mẹ nàng mặt cứ dài ra vì lo lắng.
Họ làm sao đủ khả năng để chu cấp cho đứa con học xa trên thành phố bây
giờ. Nhưng họ quên mất, từ nhỏ đã rèn luyện cho nàng khả năng tự lập như thế nào. Thiên Kim có thể coi sóc gọn gàng nhà cửa, vun vén chi tiêu
trong gia đình eo hẹp, nuôi dạy năm thằng em hoang dã rừng rú nên người
... nàng dĩ nhiên cũng đã tính toán hết để có thể tự sống. Thiên Kim bảo đảm, mình chẳng những có thể vượt qua bốn năm đại học, mà mỗi tháng còn có thể gửi ngược tiền về nhà.
Trước bài diễn thuyết hùng hồn, những tính toán chi li và thái độ quyết
tâm của nàng; ông bà Nguyễn cũng phải gật đầu đồng ý cho con gái lớn
khăn gói lên thành phố học. Ngày chia tay bịn rịn, năm thằng em của nàng ôm nhau khóc như mưa. Còn Thiên Kim đã cười suốt đến nỗi bị vọp bẻ cơ
miệng. Cuối cùng nàng đã thoát khỏi sự ám ảnh của năm thằng em trai rồi.
Bây giờ nếu gia đình Thiên Kim biết nàng mới lên thành phố học năm đầu,
gởi tiền về được có một tháng rồi mất tích, thì họ sẽ đau lòng đến mức
nào. Nàng ngó quanh thành luỹ chập chùng, nhà cửa lè tè, người dân tóc
dài ăn mặc kiểu cổ xưa đi lại trên đường. “Thật là cảnh muốn khóc mà
không ra nước mắt!
- Ô hô, ai tai ... ông trời sao lại hại ta! – Nàng gào thét, giậm chân, đấm ngực. Thiên Kim chỉ mộng tưởng đi xa nhà để kiếm tiền cho thật tốt. Nhưng có lẽ ông trời thấy nàng quá tham lam; bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ đám em thơ nên mới trừng phạt nàng. Bây giờ quả nhiên đã đi xa thật, xa đến cả ngàn năm về
trước.
- Ta chỉ là thích đọc tiểu thuyết xuyên không một chút, chứ
không có thích làm nữ nhân vật chính xuyên qua đâu. – Sư tử hà đông lại
gầm rú thêm lần nữa.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT