Trần Niệm kéo cửa buồng vệ sinh ra, một làn khói phả thẳng vào mặt cô. Cô quay đầu sang chỗ khác ho mấy tiếng, khói tan đi, hiện ra gương mặt kiêu ngạo ngang ngược của Ngụy Lai.
Mỹ phẩm chưa rửa sạch, sót lại trên gương mặt trẻ trung của cô ta. Sự già dặn kì lạ và cố ý.
Trần Niệm cũng muốn già đi trong một đêm, thoát khỏi cái đấu trường cá lớn nuốt cá bé này.
Nhưng thanh xuân không thể trốn thoát, luôn luôn bước đi tập tễnh.
Trần Niệm đi ra ngoài một bước, bị Ngụy Lai không khách sáo đẩy lại đụng vào cửa buồng. Trần Niệm hi vọng cái đẩy này chỉ là tạm thời, ngẫu hứng, không phải kèn hiệu tuyên chiến.
Ngụy Lai nhấn điếu thuốc cháy trong tay tới, chậm rãi lướt qua gò má cứng ngắc của Trần Niệm, cuối cùng dập tắt trên cánh cửa. Cô ta sáp lại gần Trần Niệm: “Chú cảnh sát tìm mày hỏi những gì?”
Trần Niệm bình tĩnh: “Vẫn… vẫn hỏi… giống lúc trước.”
“Vẫn vẫn vẫn,” Ngụy Lai nhại cô, chán ghét nói, “Miệng mày vụng như vậy thì không biết nói chuyện? Cái bộ dạng này của mày, nói thật thì cảnh sát cũng nghĩ mày nói dối.”
Trần Niệm lắc đầu.
“Trần Niệm mày nói thử xem, khoảnh khắc Hồ Tiểu Điệp nhảy lầu, tao ở đâu?”
Ánh mặt trời chiếu trên gương mặt Trần Niệm, sáng đến trong suốt; cô ngước mắt nhìn cô ta một cái, cố gắng muốn nói một hơi: “Ở…” Ngụy Lai hung hăng nhìn cô chằm chằm, sắp cho cô một bạt tai, Trần Niệm buột ra mấy chữ cuối cùng, “… bên ngoài trường.”
Hôm đó trên đường về nhà, ở xa xa Trần Niệm nhìn thấy nhóm Ngụy Lai chặn một nữ sinh trung học, đe dọa đòi tiền.
Ngụy Lai lạnh mặt: “Mày nói với cảnh sát như vậy?”
Trần Niệm cụp mắt trông thấy tay cô ta đang co rúm lại, rất nhanh lắc đầu, nói: “Viết.”
Nhưng cái tát kia vẫn đánh tới.
Trần Niệm nghiêng đầu, mái tóc đen hất ra trước, che gò má nửa trắng nửa đỏ của cô, che giấu cho cô.
“Tao liệu chừng mày cũng sẽ không nói lung tung.” Ngụy Lai thật thấp nhả ra một câu. Chuông vào học reo, nữ sinh canh cửa Từ Miểu giục, “Ngụy Lai, đi thôi.”
Ngụy Lai đến gần Trần Niệm, rút mấy cọng từ trong chùm tóc buộc gọn gàng của cô, quấn trên ngón tay, chầm chậm kéo, cho đến khi kéo đứt: “Trần Niệm, tốt nhất mày đừng nói lung tung cho tao.”
…
Mỗi lớp học đều là một xã hội nhỏ, có người tính cách khoe khoang, có người vô cùng tầm thường, còn có người sống nội tâm yên lặng; có người đặc lập độc hành (1), có người vô cùng bình thường, còn có người không nhìn thấy.
(1) Đặc lập độc hành: thành ngữ phổ biến hình dung người có chí hướng cao cả, đức tính cao thượng.
Trần Niệm thuộc cái sau.
Trần Niệm vội chạy về lớp trước khi chuông vào học kết thúc. Cô liếc nhìn giáo viên và học sinh đang bận rộn, không ai nhìn cô. Cô đi về chỗ ngồi ngồi xuống.
Hồ Tiểu Điệp tự sát, cô tự nhủ.
Lúc đầu hơi phân tâm, gò má bị đánh vẫn đang đau rát âm ỉ.
Dần dần ổn định.
Cô cúi đầu giải bài trên giấy nháp, bút chì kêu xoạt xoạt.
Giáo viên Toán đi qua bên cạnh cô, liếc nhìn quá trình giải bài của cô, gật gật đầu, sau khi đi mấy bước gọi tên: “Trần Niệm!”
“Al… al… al…” Ngụy Lai nhại theo Trần Niệm giống như thở gấp. Cô ta nheo mắt, vẻ mặt mờ ám, thở hổn hển đến sinh động như thật.
Bạn cùng lớp đều cảm thấy buồn cười, liền cười phá lên.
Đi học thế này mới có ý nghĩa, có ác ý hay không cũng không sao.
Trần Niệm không có phản ứng. Cô lớn lên trong tiếng cười chê, đã sớm thành thói quen.
Cười nhạo và bài xích bắt đầu từ nhà trẻ. Ai nói “Người mới sinh, tính vốn thiện” thế, ai nói “Chúng chỉ là trẻ con” thế, phân chia cấp bậc, kết bè kết phái và chèn ép người ngoài của trẻ con, lại là thứ tàn khốc nhất, nguyên thủy nhất.
Chúng không giả dối như người lớn, cho nên chúng coi thường ai, ghét ai thì quang minh chính đại biểu hiện ra ngoài, quang minh chính đại ức hiếp người đó, chế giễu người đó, cô lập người đó, đả kích người đó.
“Yên lặng!” Giáo viên Toán tức giận gõ bục giảng, “Bây giờ cười vui như vậy, tôi xem mấy em có mấy người có thể cười đến sau khi tốt nghiệp.” Sức mạnh của giáo viên giới hạn trong sự giễu cợt tương lai.
“Ngụy Lai, ra ngoài phạt đứng!”
Ghế vang cái “rầm”, vang đến kiêu ngạo lại khiêu khích. Ngụy Lai uể oải đứng dậy, nhai kẹo cao su, nhởn nhơ đi ra ngoài, quay đầu còn nhìn Trần Niệm chòng chọc một cái.
Trần Niệm ngồi xuống. Bạn thân ngồi cùng bàn Tiểu Mễ nắm mu bàn tay cô, khổ sở nhìn cô. Trần Niệm lắc lắc đầu tỏ ý không sao.
Gần thi tốt nghiệp, mọi người đều gánh áp lực lên lớp, buồn và vui vụt lóe, không vương vấn trong lòng, chẳng mấy chốc người liền vùi đầu vào biển sách.
Tiết thể dục cũng không cần học đàng hoàng, là hoạt động tự do.
Ai muốn học bài thì ở lại lớp học; ai muốn thư giãn, hoặc ai đã sớm bỏ cuộc thì đến sân thể dục vận động.
Bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông trong giỏ tre bị giành sạch, Trần Niệm nhặt dây nhảy dưới đáy giỏ.
“Trần Niệm, có muốn cùng đánh cầu lông không?” Người nói là Lý Tưởng, nam sinh cao nhất lớp. Cậu là học sinh có năng khiếu thể thao, phá kỉ lục một trăm mét trong tỉnh, môn văn hóa còn khá, tiến cử đi học đại học rất tốt.
“Trần Niệm, cậu thực sự không thích nói chuyện.” Lý Tưởng cúi đầu nhìn cô, mang theo nụ cười.
Trần Niệm ngửa đầu nhìn, cậu ấy cao thật.
Phần lớn học sinh đều đeo kính, nhưng thị lực của Lý Tưởng rất tốt, mắt sáng ngời có hồn, tên rời cung không những có thể hình dung tốc độ xuất phát của cậu mà còn có thể hình dung đôi mắt sáng rực của cậu.
“Không… không có gì muốn… muốn nói.” Cổ họng bị buộc trời sinh. Tiếc thay cho giọng nói êm tai kia của cô.
Trần Niệm rất thanh tú, lông mày nhạt, lông mi vừa đen vừa dài, miệng rất xinh. Lý Tưởng nhìn cô, nghĩ đến “miệng anh đào nhỏ” viết trong sách. Thảo nào ít nói.
Lý Tưởng nói: “Trần Niệm, cậu đừng để ý tới mấy người nhàm chán trong lớp. Hãy học thật giỏi, nỗ lực cố gắng, chờ thi xong là có thể mãi mãi rời khỏi đây.”
Lời an ủi của thiếu niên cẩn thận và lại động viên, mang theo niềm hi vọng tự an ủi bản thân, Trần Niệm gật gật đầu.
“Vậy cùng đánh cầu lông không?”
Trần Niệm lắc đầu.
Lý Tưởng cười, tìm đường lui cho mình: “Lần sau nhé.”
Cậu ấy đi.
Trần Niệm đã nhìn thấy Ngụy Lai, ngồi trên khán đài nheo mắt nhìn cô, lạnh lùng, không đúng, cô ta đang nhìn phía sau cô.
Trần Niệm quay đầu lại, thấy Lý Tưởng đang nói chuyện với Tăng Hảo, đưa vợt cho cô ấy, hai người cùng đi đánh cầu.
Trần Niệm cầm dây nhảy rời xa đám đông, đi đến góc sân nhảy, nhảy một hồi, nhảy từ dưới ánh nắng giữa trưa vào trong bóng râm của cây dâu tằm.
Ve kêu trên đỉnh đầu cô: rít… rít…
“Ê!” Giọng nam cực trầm, không có cảm xúc gì.
Trần Niệm đột ngột dừng lại, tim đập thình thịch, tìm bốn phía, không có ai. Trên sân thể dục ở xa xa, các bạn học đang vận động.
Thiếu niên hừ nhẹ một tiếng: “Ở đây.” Trong giọng nói có ba phần không nói được, bảy phần lạnh lùng chế giễu.
Trần Niệm quay đầu nhìn hướng ngược lại, là thiếu niên áo thun trắng tối hôm đó, cách hàng rào trường, đứng dưới ánh mặt trời. Hôm nay cậu vẫn mặc áo thun trắng, quần đồng phục, áo khoác buộc ngang hông, không biết là trường trung học dạy nghề hay trường đào tạo công nhân kĩ thuật.
Trong tay cậu cầm một điếu thuốc chưa châm, ngón tay khẽ búng thân thuốc.
Tiếng ve xé vỡ bầu trời.
Cánh mũi Trần Niệm rỉ lớp mồ hôi mỏng, gò má trắng nõn và cái cổ lộ màu đỏ tươi đẹp khỏe mạnh; có lẽ vì nhảy dây, tim vẫn đang run kịch liệt, cô lơ đãng mím chặt môi, nhích ra sau một bước.
Một bên hàng rào là ánh mặt trời, một bên là bóng tối.
Ánh mắt cậu xuyên qua ranh giới sáng và tối, sáng rực dồn ép: “Chúng lấy của cậu bao nhiêu tiền?”
“Bảy…” Trần Niệm nói một hơi, “mươi đồng.”
Cậu sờ sờ túi quần đồng phục, móc hai tờ năm mươi mới tinh, luồn tay vào khe hở hàng rào đưa cho cô.
Trần Niệm không nhận, lắc đầu: “Không có…”
Cậu chờ một giây, thấy cô lại không nói, lạnh nhạt nói: “Không có tiền lẻ thì cũng không cần tìm.”
Trần Niệm ngẩn người, ngậm miệng, nuốt chữ “tiền lẻ” trên đầu lưỡi xuống, cuối cùng vẫn lắc đầu.
Tay cậu vẫn treo lơ lửng. Cậu nheo mắt nhìn cô mấy phút, chợt cười khẩy một tiếng: “Cậu có nhận không?”
Trần Niệm nắm dây nhảy, xoay người định đi. Cậu lại rút tay về, lùi ra sau mấy bước.
Trần Niệm kinh ngạc, thấy cậu đột nhiên tăng tốc xông tới, dùng cả tay chân hai, ba bước trèo lên hàng rào sắt, nhảy một cái, nhảy xuống bãi cỏ trước mặt cô.
Cậu cúi đầu phủi bụi trên tay.
Tim Trần Niệm vọt đến cổ họng. Cô lại không nói được một câu, trợn mắt nhìn cậu.
Khuôn mặt cậu sạch sẽ tái nhợt, trên xương mày có vết bầm tím, đứng dưới bóng cây, đôi mắt đen hơn lạnh hơn, luồng khí xấu xa kia lại nổi lên. Cậu đi đến trước mặt cô, người cao hơn cô một khúc, khí thế đè xuống từ đỉnh đầu cô. Trần Niệm siết dây nhảy không nhận, cậu bèn nhét tiền vào kẽ hở giữa nắm tay cô.
Tiền mới cứng, tay Trần Niệm đau vô cùng.
Cậu xoay người rời khỏi. Cô nhìn bóng lưng cậu, gầy yếu se lạnh, trẻ trung nhanh nhẹn.
Sau khi đi mấy bước, cậu quay đầu lại.
Vẫn ánh mắt tối tăm như thế, xuyên qua vài sợi tóc rơi trên trán nhìn cô, hỏi: “Cậu tên gì?”
Trần Niệm do dự một hồi: “Trần… Trần Niệm.”
Cậu không hiểu: “Thành Trần Niên?” Người miền Nam luôn không phân biệt được giọng mũi. Tên này nghe giống rượu cũ lâu năm, già cỗi.
Trần Niệm không gật cũng không lắc đầu, nghĩ coi như ngầm thừa nhận thì cậu có thể đi được rồi.
Nhưng đôi mắt cậu quyết định điều gì đó, cậu không đi. Cậu nhặt cành cây, đi lại bên cạnh cô. Cậu lấy cành cây chỉ chỉ xuống đất rồi đưa cho cô, ra lệnh: “Viết ra.”
Trần Niệm ngồi xổm xuống, viết tên mình trên mặt cát.
“Trần Niệm.” Cậu đọc một lần, chất vấn, “Niệm là ý nghĩa nào?”
Trần Niệm giải thích: “Hiện…” Cô dùng rất nhiều sức, lời nói ra lại nhẹ nhàng như mọi khi, “… hiện vẫn trong tim (3).”
(3) Niệm (念): tuởng nhớ, nhớ nhung. Gồm chữ 今 (Kim: hiện tại) và chữ 心 (Tâm: trái tim, tấm lòng).
Cậu dùng khóe mắt nhìn cô, hiểu được “Thành Trần Niên” kia là chuyện gì.
Cô biết bị phát hiện, bình tĩnh nhìn cậu, chờ cậu cười, nhưng cậu không có chút cảm xúc nào.
Ngoài tường trường có người gọi, gọi một cái tên.
Áo thun trắng đi tới bên cạnh tường, đạp bệ xi măng. Dáng cậu cao, giơ tay lên là nắm được đầu mũi tên trên chóp hàng rào sắt, khẽ dùng sức, thân thể gầy yếu liền đi ngược trọng lực nhảy lên.
Trần Niệm cảm thấy đầu mũi tên kia sẽ quẹt trúng cậu, nhưng không có, thậm chí không quẹt phải đồng phục bên hông cậu. Cậu giống như chim én nhẹ nhàng rơi xuống nền xi măng bên ngoài trường.
Cậu đi, lần này không quay đầu lại.
Trần Niệm đi từ trong bóng cây ra nhìn một cái, một đám nam sinh đứng bên kia đường, có người cầm gậy trong tay.
Trần Niệm bỏ tờ tiền nhăn nhúm trong tay vào túi quần thể dục.
Cô thu sợi dây nhảy, quyết định về lớp ôn bài.
Vừa mới đây, Lý Tưởng đã nói ra lời trong lòng cô: “Hãy học thật giỏi, nỗ lực cố gắng, chờ thi xong là có thể mãi mãi rời khỏi đây.”
Cái gọi là nỗ lực, cái gọi là cố gắng, nói trắng ra chỉ là để thoát khỏi hoàn cảnh khốn cùng ở nơi hiện tại.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT