Đã hứa với Lập Hạ nên Hiểu Linh cũng sẽ làm một ít bánh dẻo nhân thập cẩm và nhân đậu xanh đợt này.

Nhân tiện theo Lập Hạ nói thứ bánh này rất quý, cô làm dư rồi tặng Hà gia, Lê chưởng quầy, Chu thầy đồ, Trần bá mẫu và mấy nhà thân thích một chút.
Tính ra làm bánh dẻo nhân đậu xanh là đơn giản nhất nhưng vì Lập Hạ thích nhân thập cẩm nên cô bây giờ cũng nên bắt tay vào chuẩn bị nhân bánh là vừa.

Phức tạp nhất trong nhân thập cẩm chính là mứt bí, thời gian chuẩn bị cũng mất vài ngày: gọt vỏ, ngâm vôi, trần chín, phơi rồi lại ngâm phèn, rửa lại phơi cho tới khi miếng bí trở nên trong suốt mới có thể đem vào ngào đường.
Hiểu Linh ra vườn chọn quả bí xanh già cắt vào.

Đằng nào cũng làm mứt, dư thì để cho huynh đệ bọn họ nhấm nháp dần.

Tiểu Đông nhìn thấy Hiểu Linh mang bí vào thì hỏi:
- Thê chủ hôm nay muốn ăn canh bí sao?
Hiểu Linh khẽ cười lắc đầu:
- Không.

Ta chuẩn bị làm nhân bánh dẻo.

Ban nãy Lập Hạ đưa huynh thử ăn rồi đúng không? Nhân bánh đó không được đầy đủ lắm nên ăn không tròn vị, ta lại biết làm nên quyết định bày vẽ một chút.
Lập Hạ nghe thấy tỷ tỷ ngay lập tức chuẩn bị nguyên liệu làm bánh thì vừa ngọt ngào cũng rất áy náy:
- Tỷ tỷ… thứ này phức tạp như vậy sao? Làm bánh mà phải chuẩn bị nguyên liệu từ bây giờ? Hay là thôi đi… chúng ta không làm nữa.
Hiểu Linh đáp:
- Không sao.

Xem như ta luyện chút tay nghề làm mứt bí, đến gần tết làm cho mọi người ăn chơi đi.

Làm mứt bí nhiều công đoạn nên ta phải làm từ bây giờ.

Những nguyên liệu khác không phức tạp như vậy.
Cô vừa nói vừa nhanh chóng gọt vỏ bí, cắt thành các khoanh tròn dày khoảng năm phân rồi thả vào nước rửa qua một lần.

Sau đó lại tiếp tục bỏ đi phần ruột mềm bên trong, cắt bí thành những thanh nhỏ, đều nhau to cỡ chừng một cm.
- Đệ ra ngoài kia múc một ít vôi vào đây cho ta để ngâm bí nhé.
Lập Hạ nhanh chóng mang vôi vào cho tỷ tỷ.

Hiểu Linh pha vôi vào nước, gạn lấy phần nước trong rồi thả những thanh bí đã cắt tốt vào.

Xong xuôi cô để gọn vào một chỗ.

Lập Hạ đang vô cùng hào hứng xem tỷ tỷ làm gì thì có chút hụt hẫng:
- Vậy là xong rồi sao tỷ?
Hiểu Linh cười:
- Đương nhiên là chưa xong.

Bí xanh ngâm nước vôi một ngày một đêm rồi đem ra rửa sạch, trần nước sôi sau đó phải phơi, rồi còn ngâm phèn một đêm cho miếng bí cứng lại, rửa lại phơi nữa...!Hôm nay thì đến đây là xong rồi.

Ngày mai đệ theo ta lên trấn đi, chúng ta còn cần mua nhiều thứ lắm: đường, gạo nếp, mỡ khổ, vừng, đậu xanh.

Dừa già và hạt sen thì chắc đi trong làng xin là có.
Lập Hạ hào hứng hỏi:

- Tỷ..

tỷ có thể nói sơ qua cách làm bánh dẻo cho ta không?
Hiểu Linh gật đầu, đáp:
- Đương nhiên là có thể.

Bánh dẻo gồm hai phần là vỏ bánh và nhân.

Vỏ bánh làm từ bột gạo nếp rang chín còn nhân bánh thì tùy người làm nên ta định làm hai vị là nhân thập cẩm và nhân đậu xanh với dừa.

Gạo nếp mua về phải rang chín cùng cát sạch sau đó nghiền mịn.

À..

một lát cùng ta đi đãi chút cát sạch đi.
Lập Hạ có chút không hiểu:
- Rang gạo với cát rồi nghiền cả cát sao tỷ??
Hiểu Linh phì cười đáp:
- Đương nhiên không phải thế.

Dùng cát rang là để nhiệt độ được tỏa đều đến từng hạt gạo, nhiệt độ chảo cũng cao hơn để gaọ nhanh chín hơn.

Sau đó chúng ta phải dùng sàng để loại bỏ cát đi trước khi nghiền gạo.

À..

mà cát này dùng để rang ngô, rang lạc cũng rất tốt, đằng nào cũng làm, ta đãi nhiều cát sạch một chút.
Lập Hạ ngượng ngùng gật đầu:
- Đệ hiểu rồi.

Vậy thì phần nhân thập cẩm của bánh là phức tạp nhất đúng không tỷ?
Hiểu Linh đáp:
- Ừ.

Nhân thập cẩm là phức tạp nhất và độ ngọt cũng nhiều hơn nhân đậu xanh vì tất cả các nguyên liệu đều cần hoán đường.

Mỡ ướp đường, mứt hạt sen, mứt dừa nạo, mứt bí và vừng rang nắm thành nhân.

Bột gạo nếp sẽ được nhào kỹ với nước đường cho đến khi đạt được độ dẻo cần thiết thì cắt thành từng phần nhỏ.

Từng phần ấy bao lấy nắm nhân rồi cho vào khuôn đúc là xong bánh.
Nói đến đây Hiểu Linh mới à lên một tiếng:
- Suýt chút nữa là quên mua khuôn đúc bánh rồi.
Ngày xưa khi cô còn bé, nhà cô dùng khuôn gỗ truyền thống với lòng khuôn khắc hoa và một phần tay cầm.

Khuôn được làm từ gỗ thị vì loại gỗ này dẻo, sánh lại bền, ít cong vênh sau thời gian sử dụng.

Khi đúc bánh, mẹ cô sẽ rải một lớp bột áo vào trước, lăn tròn khối bánh dẻo rồi nhồi đầy vào khuôn.

Mỗi khuôn bánh dành cho một trọng lượng nhất định nên khi cắt vỏ nắm nhân, tỷ lệ và khối lượng giữa chúng đã được đo đếm cẩn thận.

Khuôn 200 gram mà đúc chiếc bánh 250 gram thì không thể cho ra thành phẩm xinh đẹp được.

Khi bánh đã vào hình, mẹ cô sẽ gõ hai bên thành khuôn xuống chiếc thớt bên dưới để vỏ bánh rời khuôn, khéo léo nhấc thành phẩm đặt vào khay rồi chuẩn bị cho một chu trình mới.

Sau này cải tiến hơn dùng khuôn nhựa,bánh cho ra hoa văn đa dạng, sắc nét hơn lại cũng dễ dàng vệ sinh hơn nhiều.
Những kỷ niệm thời thơ bé như ùa về trong ký ức của Hiểu Linh.

Có lẽ quyết định làm bánh Trung thu lần này của cô là đúng rồi.

Cho dù bản thân chưa từng một lần hoàn thiện tất cả các khâu làm bánh, nhưng Hiểu Linh nghĩ với những ký ức xa xôi ấy, chiếc bánh mang hương vị quê nhà sẽ được cô hoàn thành ở nơi đây..

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play