May mà không phải kẻ gian, đúng là bệnh nhân gõ cửa thật, một đôi phu phụ trung niên dìu một nam tử trẻ vào. Nam tử trẻ đó y phục cháy xém, cánh tay đỏ rực tới khiếp người, răng cắn chặt, mồ hôi trán to như hạt đậu, có vẻ đau đớn lắm.
Nam tử trung niên họ Đỗ, sống cách đó không xa, có thể coi là hàng xóm của Tả gia, vừa mới vào nhà liền nói gấp:
– Tả lang trung, con ta bị bỏng, ngài xem cho.
Tả Quý bảo phu phụ kia đỡ con xuống ghế, không chút chậm trễ lấy kéo ra cắt áo chỗ vết thương, là chỗ quen biết nên hỏi:
– Làm sao mà bị bỏng thế này?
Thanh niên vừa rên siết vừa đáp:
– Cháu đi giúp đỡ quan quân cứu hỏa, lửa cháy quá nhanh, một cột nhà cháy đổ xuống, cháu đưa tay lên đỡ, thế là bị bỏng, ái dà, đau …
– Chịu khó đi, bị thương tất nhiên là đau rồi.
Tả Thiếu Dương tắm vội, lau người mặc quần áo rồi chạy ra ngoài đại sảnh xem tình hình, thấy diện tích bỏng không lớn, ở khuỷu tay, bắp tay, đa phần là bỏng cấp một, cùng lắm là bỏng cấp hai, không phạm vào chỗ hiểm nên không có gì đáng ngại, cứ để cha xử lý là được.
Tả Quý gọi Lương Thị chuẩn bị ít nước nóng, cho dầu vào, Tả Thiếu Dương vừa định vào bếp đổ nước tắm đi nghe vậy hoảng hồn chạy ra, kéo cha sang bên nói nhỏ:
– Cha, chỗ bị thương phải dùng nước lạnh ngâm.
– Nước lạnh? Phải dùng nước ấm chứ?
Tả Quý cũng giống vị y quan kia, cho rằng chữa bỏng phải dùng nước nóng:
– Cha, là vị linh y kia dạy con như thế.
Tả Thiếu Dương biết cha rất sùng bái “lão thần tiên” nói nhanh:
– Cha, phải nhanh nếu không để lâu hiệu quả giảm đi nhiều.
– Cái này, cái này …
Tả Quý ngần ngừ, dù ông rất tin tưởng vị lão thần tiên kia, song chuyện này quá hoang đường, có thể nói đảo lộn tri thức mà ông được học.
Còn chưa kịp quyết định thì bên ngoài nhốn nháo, chục binh sĩ khiêng năm cái cáng tới, toàn là binh sĩ máu me đầm đìa.
Một người đứng ở cửa hô lớn:
– Ai là lang trung của hiệu thuốc này thế?
Tả Quý vội vàng chạy ra, chắp tay nói:
– Chính lão hủ đây, quan gia cần gì?
Viên quân giáo nghiêm nghị nói:
– Đại tướng quân lệnh, lần này binh sĩ kháng địch do bị thương quá nhiều, quân y chiếu cố không hết, cho nên phân ra một số thương binh nhẹ tới các hiệu thuốc nhờ giúp đỡ. Các ngươi cứ yên tâm, không quịt tiền khám chữa bệnh của các ngươi đâu.
Nói xong ném một xâu tiền trăm đồng lên cái cáng.
Tả Thiếu Dương đã kịp đánh gia qua tình hình năm người bệnh, một bị bỏng, ba trúng tên, người còn lại gãy chân.
Mặc dù thái độ viên quân giáo rất hách dịch, Tả Quý không để ý, quan binh đa phần đều thô lỗ:
– Tướng sĩ vì bảo vệ bách tính mà bị thương, tận lực chữa trị là điều y giả ta nên làm.
– Tốt, giao người cho ông đấy, bọn ta phải đi.
Viên quân giáo lệnh cho binh sĩ khiêng người vào đại sảnh rồi đi luôn, Tả Quý ngồi xuống kiểm tra.
Tả Thiếu Dương mới nhân lúc này múc một chậu nước lạnh trong bếp ra, đặt lên bàn, bảo thanh niên trẻ cho cả tay vào trong đó.
Đỗ gia không nghe thấy cha con Tả Quý tranh luận trị bỏng với nhau, cứ nghĩ là Tả Quý dặn làm, cho nên nói sao nghe vậy, tay cho vào nước lạnh băng, tức thì dễ chịu hơn nhiều.
Đỗ phụ hỏi:
– Tiểu lang trung, phải ngâm bao lâu?
– Chừng một bữa cơm là được rồi.
Tả Thiếu Dương xoay sang binh sĩ bị thương, người này bỏng ở mặt, cũng không nặng, xong không xử lý tốt cái mặt này coi như hủy luôn, không thể ngâm nước lạnh, mà phải lấy nước thấm khăn rồi đắp.
Năm binh sĩ vào đại sảnh, Quý Chi Đường liền chật ních, đến chỗ đi lại cũng khó khăn, Tả Quý nhíu mày:
– Chuyển bớt người bị thương vào phòng bào chế đi, chật thế này còn làm gì được nữa?
Miêu Bội Lan nghe vậy chạy ngay vào phòng bào chế thuốc, thu dọn chăn đệm của hai đứa đệ đệ đặt sang bên, dọn ra khoảng trống, rồi cùng Tả Thiếu Dương khiêng hai binh sĩnh bị thương vào. Tả Thiếu Dương cố ý khiêng người bị bỏng, sau đó lấy chậu nước lạnh tới, bảo binh sĩ đó:
– Cầm miếng vài này thấm nước lạnh liên tục đắp nước lạnh lên mặt một bữa cơm, nếu không sau này mặt để lại vết cháy, không lấy được tức phụ thì đừng trách ta không nói trước.
Tên này chỉ mới mười sáu mười bảy tuổi, nhìn cái là biết trẻ nông thôn thành thật, bảo sao nghe vậy, mặt gần như đặt luôn bên chậu nước.
Tả Thiếu Dương lại lấy ra hai binh dược thủy, đây là thuốc do y bào chế, phương thuốc từ ( Y tông kim giám) đời Thanh, công dụng chủ yếu là gây tệ giảm đau, chuẩn bị nối xương, bảo binh sĩ gãy chân uống vào.
Trong lúc đợi thuốc phát huy tác dụng, Tả Thiếu Dương ra ngoài, Tả Quý đang trị liệu cho hai binh sĩ trúng tên, một người trúng vào đùi, người trúng vào vai, đều là lang nha tiễn, tên có móc ngược, nếu cố rút ra sẽ lôi theo cả miếng thịt lớn.
Tả Quý dùng dao hơ lửa rạch vết thương lấy tên, nhưng do không có thuốc gây tê, binh sĩ đó kêu gào như heo bị chọc tiết, đau ngất lên ngất xuống.
Trong thảo dược Trung y có nhiều dược liệu gây tê, vì như Tế tân gây tê trong nha khoa, Tân di gây tê cục bộ dùng để nối xương, ngoài ra còn có xuyên ô, kê thỉ, thiểm tô, nhục đậu khầu. Nhưng tốt hơn cả chính là Mạn đà la.
Y học hiện đại chứng minh thuốc tê hoàn toàn do Mạn đà la làm ra, hiệu quả có thể đạt tới yêu cầu ổn định bệnh nhân để thực hiện phẫu thuật, cho dù là một số kích thích nhỏ trong quá trình phẫu thuật cũng không khiến người bệnh tỉnh lại, hiệu quả gây mê rất tốt.
Tương truyền Mạn đà la bắt nguồn từ Ấn Độ, có mối quan hệ mật thiết, theo Phật giáo truyền vào Trung Quốc, Mạn đà la cũng xuất hiện, hoặc được trồng hoặc mọc hoang, đáng tiếc là lúc đó chưa đủ nhận thức về nó.
Gây tê có thể nói là phương diện chậm phát triển nhất của Trung y, chỉ có Hoa Đà từng dùng thuốc gây tên tên là “Ma phí tán”, sau đó thất truyền, sau này dựa vào thư tịch cổ nghiên cứu, nhiều người phỏng đoán được ông dùng chính là Mạn đà la.
Buồn cười nhất là Mạn đà la được ứng dụng đầu tiên trong nghề đạo chích, sách thời Tống từng ghi chép đạo tặc dùng hoa Mạn Đà La nghiền thành bột, sau đó cho vào thức ăn hay nước uống, làm nạn nhân hôn mê sau đó trộm đồ. Vì thế mà Mạn đà la mang tiếng xấu, chẳng ai dùng nó vào y học lâm sàng.
Chính vì không biết sử dụng thuốc gây tê, cho nên Trung y cũng không phát triển được ngoại khoa phẫu thuật, kiến thức ngoại khoa cực kỳ lạc hậu, cơ bản chỉ dừng lại chữa trị ở tầng biểu bị, yêu cầu gây mê không cao. Còn trị liệu xương cốt, sẽ thành khảo nghiệm cực độ với ý chí người bệnh, thường xuyên có tình trạng người bệnh quá đau đớn mà tử vong.
Tới tận thời Minh trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân mới viết Mạn đà la vào y thư, có điều ứng dụng nó một cách hiệu quả nhất vẫn không được coi trọng đúng mức.
Sau này những kẻ sùng Tây hám ngoại ca ngợi ngoại khoa mà khinh thường Trung y, thường lấy việc Trung y không có phẫu thuật trị bệnh ra để mỉa mai, bảo Trung y là thứ lạc hậu kém khoa học mà không biết nguyên nhân xâu xa của nó. Sự tiến bộ, không chỉ trong y học mà các ngành khác nhiều khi bị ảnh hưởng các yếu tố ngẫu nhiên, qua đó phán xét bên nào thông minh tài giỏi hơn bên nào quá ngu xuẩn và phiến diện.
Tả Thiếu Dương học y, tất nhiên phải học cả hệ thống đông ty, song chuyên khoa là Trung y, cho nên không ít lần tranh cãi trên mạng về chủ đề này, về sau nói mãi không thuyết phục số đông, mỗi lần có chủ đề tương tự, y thường bới móc sai sót nhỏ trong bài viết của những kẻ sùng ngoại, xỉ nhục chúng thật nặng nề sau đó không bao giờ vào lại xem phản ứng của những kẻ đó ra sao, tha hồ hả hê trong khi kẻ khối kẻ tức chết.
…
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT