“Sao đàn ông lại yêu hai người phụ nữ nhỉ?” Tôi hỏi anh.
“Có lẽ bọn họ sợ chết.” Văn Lâm nói.
Tôi vuốt vành tai anh.
“Dái tai anh to thế này, còn lâu mới chết sớm được. Kiểu gì em cũng chết trước anh.”
“Em đi làm đi, em nên nhớ em là giám đốc đấy.”
“Cái thời tiết này đúng là khiến người ta chẳng có tinh thần đi làm mà.” Tôi lười biếng duỗi người trên ghế sofa.
Văn Lâm kéo tôi dậy khỏi sofa. “Để anh đưa em đi làm.”
“Nếu anh thương em thì phải để mặc em mới phải.” Tôi cự nự.
“Đó không phải cách để thương em.” Anh kéo tôi ra ngoài.
“Em biết một ngày nào đó mình sẽ phải tự lực cánh sinh, bởi không biết lúc nào anh sẽ rời xa em...”
“Anh sẽ không rời xa em.” Văn Lâm nắm tay tôi nói.
Đó là câu anh thường xuyên nói với tôi, nhưng đó cũng là câu mà tôi luôn không tin nhất. Tôi luôn cho rằng sớm muộn gì anh cũng sẽ rời xa tôi.
Việc kinh doanh hôm nay thật tệ. Với kiểu thời tiết này chẳng ai muốn ra đường để dạo phố cả. Tôi rủ Jenny và Anna cùng đi ăn trưa. Một cô gái trạc ngoài 20 bước vào trong cửa hàng, trông cách trang điểm của cô ấy hẳn là làm việc ở đâu đó quanh đây.
Nhìn những đường cong trên cơ thế cô ấy, chắc hẳn mặc áo ngực cúp 34C.
Cô ấy chọn một chiếc áo ngực màu đen bằng ren và một cái nịt lưng.
“Có phải cô đang tìm cúp 34C không?” Tôi hỏi.
Cô gái kinh ngạc gật đầu. “Sao chị biết?”
“Bệnh nghề nghiệp thôi.” Tôi cười nói.
Cô ấy bước vào trong phòng thử một lúc khá lâu.
“Cô thấy được không?” Tôi hỏi.
“Tôi không biết mặc cái nịt lưng này.”
“Để tôi giúp nhé!”
Tôi bước vào phòng thử đồ, phát hiện cô gái này có đến tận bốn bầu ngực.
Ngoài hai bầu ngực như người bình thường, trên cơ thể cô ấy lại có thêm hai bầu ngực nữa, ngay dưới hai bầu ngực kia. Hai bầu ngực thừa ấy chỉ hơi nhô lên một chút, rất nhỏ, nếu buộc phải mặc áo ngực cho nó thì chỉ có thể vừa cúp 29A.
Quả thật tôi giật mình, nhưng để người khác không cảm thấy khó chịu, tôi đành phải giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, giúp cô ấy cài dây nịt lưng.
“Khi cô cài nịt lưng nhớ phải thở sâu, và cài phần trước mới đến phần sau.”
Khi giúp cô ấy cài nịt lưng, vô tình tay tôi chạm vào bầu ngực bé của cô ấy, nó rất mềm.
“Kỳ dị lắm phải không?” Cô ấy chủ động hỏi.
“Hả?” Tôi ngại ngần ậm ừ.
“Bẩm sinh đấy. Bác sĩ nói rằng trong quá trình tiến hóa của cơ thể tôi đã xảy ra vấn đề gì đó. Động vật mới nhiều vú, còn thông thường con người sẽ tiến hóa đến lúc chỉ còn lại hai bầu vú, nhưng tôi đã chưa hoàn toàn tiến hóa hết.”
“Phiền phức lắm không?” Tôi ngượng ngịu hỏi lại.
“Quen rồi thì cũng không thấy phiền phức lắm, chồng tôi cũng không cảm thấy có vấn đề gì.”
Tôi không ngờ cô ấy đã kết hôn, còn tưởng bốn bầu ngực này sẽ là thứ gây trở ngại rất lớn để cô ấy kết giao với đàn ông kia đấy. Mà chắc là tôi nhầm rồi. Bốn bầu vú, đối với đàn ông thì đúng là một sự hưởng thụ gấp đôi. Chỉ muốn có hai bầu vú thôi, thế mà giờ lại được hẳn bốn cái, đúng là một khoản hoa hồng hậu hĩnh.
“Cũng có phiền phức chút đấy.” Cô ấy nói. “Chẳng hạn nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp đôi người bình thường.”
Tôi những tưởng vì sở hữu bốn bầu vú mà cô ấy sẽ cảm thấy tự ti, nào ngờ cô ấy hình như lại cảm thấy tự hào thì phải, khi nhắc đến nó với giọng rất vui vẻ, sảng khoái.
“Cũng may mỗi khi đến tháng thì hai bầu vú này không bị đau.” Vừa nói cô ấy vừa dùng tay ấn ấn vào đôi bầu vú chưa tiến hóa hết của mình.
Một người đàn ông nếu như được sở hữu người đàn bà có bốn vú, liệu họ có còn đi ngoại tình nữa không nhỉ? Lý do họ yêu thêm một người đàn bà nữa, có phải vì muốn được sở hữu bốn bầu vú?
Trước khi tan ca, tôi nhận được điện thoại của Văn Lâm. Tôi kể cho anh nghe chuyện hôm nay nhìn thấy một người đàn bà có bốn vú.
“Có chuyện kỳ quái ấy thật sao?”
“Anh có thích người đàn bà có bốn vú không?” Tôi hỏi.
“Nghe cũng hay đấy.”
“Có phải vì anh muốn được sở hữu bốn bầu ngực nên mới yêu thêm một người đàn bà nữa?”
“Anh cũng đã có bầu ngực rồi mà, cộng thêm em nữa là bốn, không cần phải tìm thêm bầu ngực nào nữa.” Anh nói.
“Của anh cũng gọi là vú sao? Chỉ có thể nói là quầng vú mà thôi.” Tôi cười lớn.
“Không phải hôm nay em phải đi học sao?”
“Giờ em đi đây.”
Tôi có đăng ký học một khóa thiết kế thời trang, mỗi tuần một buổi. Lớp học ở khu Tiêm Sa Từ. Giảng viên là một người đàn ông ngoài 30, tên là Trần Định Lương, anh ta là nhà thiết kế thời trang. Tôi có đọc trong phần giới thiệu khóa học, đại khái anh ta rất thích dạy học, nên đã tình nguyện bớt chút thời gian đi dạy. Người ta nói “gái bán hoa chèn lá trúc”, Trần Định Lương chính là một người như vậy. Anh ta ăn mặc rất giản dị, sơ mi xanh da trời kết hợp với chiếc quần Jean mài và đôi giày lười.
Anh ta viết ngày sinh của mình lên bảng, hóa ra cùng ngày tháng sinh với tôi.
“Tôi thuộc chòm sao Bọ Cạp, huyền bí, quyến rũ, đa tình, đại diện cho sự diệt vong. Đến ngày này đừng quên tặng quà sinh nhật cho tôi.” Trần Định Lương cười nói.
Lần đầu tiên tôi gặp một người trùng ngày sinh tháng đẻ với mình, cảm giác ấy phải nói thật tuyệt vời.
Sau khi tan học, tôi đến tiệm bánh mỳ mua vài cái mang về. Khi đi qua khu vui chơi, một bức tranh ghép bỗng lập tức thu hút tôi. Đó là một bức tranh phong cảnh, một nhà hàng ở một thị trấn nhỏ nước Pháp. Nhà hàng gồm hai tầng, cổ kính, các bức tường đã xuống cấp, phần mái có vết ám khói. Trong phòng có một bàn ăn, một đôi nam nữ chắc là chủ nhà đang ngồi bên bàn ăn uống rượu vang. Tôi và Văn Lâm thường xuyên nói chuyện với nhau về chuyện ấy. Văn Lâm rất thích rượu vang, thích ăn món Tây. Tôi nói với anh, hy vọng một ngày nào đó anh ấy có thể vứt bỏ công việc, giũ bỏ những áp lực của công việc hiện tại, và hai chúng tôi sẽ cùng nhau mở một nhà hàng, anh ấy sẽ phụ trách bán rượu và nấu nướng trong bếp, còn tôi sẽ phụ trách khâu tiếp đãi khách hàng. Những người khách cô độc đến tận đêm muộn cũng vẫn có thể đến đó uống rượu, chuyện trò. Khi tôi nói ra ước mơ của mình, Văn Lâm đã cười không dứt và gật đầu. Tôi biết đó cũng chỉ là giấc mơ, mãi mãi không bao giờ có thể trở thành sự thực. Nhưng viễn cảnh những ngày tháng chỉ có hai chúng tôi vừa xa xăm vừa đẹp đẽ ấy mới có thể khiến tôi trở nên vui vẻ một chút.
Không ngờ hôm nay tôi lại có thể nhìn thấy tận mắt một nhà hàng giống hệt như trong mơ của mình, chỉ có điều địa điểm không giống mà thôi. Tôi đã bỏ tiền để mua bức tranh ghép ấy về.
Lúc này một người đàn ông vội vã bước qua, nách kẹp một túi bánh mỳ Pháp. Hóa ra là Trần Định Lương.
“Cô cũng thích tranh ghép à?” Anh ta dừng lại hỏi tôi.
“Lần đầu tiên tôi mua nó đấy.”
“Cô cũng thuộc chòm sao Bọ cạp phải không? Nhìn khí chất của cô giống lắm.” Anh ta nói.
“Vậy sao? Có lẽ đúng đấy, công việc của tôi rất quyến rũ, tôi bán quần áo lót.”
“Sao cô lại chọn bức tranh này?” Anh ta dùng chiếc bánh mỳ đang kẹp ở nách chỉ chỉ vào bức tranh của tôi.
“Bởi nhà hàng này đẹp quá.” Tôi nói.
“Tôi từng đến nhà hàng này rồi.” Trần Định Lương nói.
“Thật sao? Nó ở đâu vậy?”
“Ở Cherbourg[3] Pháp.”
[3] Là một cảng biển nằm cạnh eo biển Manche, thuộc Tây Bắc nước Pháp.
“Cherbourg?”
“Đó là một nơi tuyệt đẹp, có một bộ phim mang tên Những chiếc ô tại Cherbourg[4], được quay tại Cherbourg. Cô đã nghe bài hát I will wait for you[5] chưa? Là ca khúc chính trong phim đó đấy.”
[4] Les Parapluies de Cherbourg, một bộ phim dành riêng cho những người yêu âm nhạc, vì tất cả lời thoại đều được thể hiện bằng tiếng hát. Bộ phim nói về tình yêu của đôi trai gái bị chiến tranh ngăn cách khi chàng trai được gọi đi lính ở Algeria.
[5] Bài hát này đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim hay nhất.
Trần Định Lương dùng chiếc bánh mỳ gõ gõ theo nhịp trên mặt quầy bán hàng.
“Cô còn trẻ tuổi như vậy, chắc chưa xem bộ phim đấy đâu.” Anh ta nói.
“Hình như anh rất hoài cổ thì phải.” Tôi cũng nói.
“Hoài cổ là một trong những dấu hiệu của người bước vào tuổi trung niên mà.”
“Đôi nam nữ trong bức tranh có phải là vợ chồng bà chủ quán không?”
Trần Định Lương ngắm nghía thật kỹ đôi nam nữ trong bức tranh.
“Tôi không biết. Chuyện tôi đến Cherbourg là chuyện của mười năm trước rồi. Bức tranh này bao nhiêu miếng ghép thế?”
“Hai nghìn miếng.”
“Vừa có người lại vừa có cảnh, độ khó cao đấy!”
“Cũng để giết thời gian.” Tôi chỉ vào cái bánh mỳ mà anh ta kẹp ở nách, hỏi. “Đây là bữa tối của anh đấy hả?”
Trần Định Lương gật gật đầu, trông anh ta như đang cầm một cây gậy.
Tôi chia tay anh ta chỗ khu vui chơi đó, rồi cũng đến tiệm bánh mỳ mua một cái bánh mỳ dài kiểu Pháp.
Ra khỏi bách hóa, trời mưa tầm tã, một chiếc bánh mỳ dài kiểu Pháp bỗng ngăn tôi lại.
“Cô muốn quá giang không?” Trần Định Lương hỏi tôi.
Tôi gật gật đầu.
“Để tôi đưa cô về nhé. Thời tiết này tìm taxi khó lắm.”
“Có thể tìm bài hát I will wait for you không nhỉ?” Tôi hỏi anh ta.
“Bài này cũ lắm rồi, không biết có tìm được hay không nữa, để tôi thử xem sao, cũng có nhiều người hát lại nó.”
“Cám ơn anh. Bộ phim Những chiếc ô tại Cherbourg nói về cái gì vậy?”
“Đại khái là kể về một đôi tình nhân trẻ, không có duyên phận nên không thể ở bên nhau. Nhiều năm sau đó khi gặp lại nhau ở một trạm xăng, hai người đã có cuộc sống riêng của mình, đã sinh con đẻ cái.”
Trần Định Lương lái xe vào trạm xăng.
“Xin lỗi, vừa đúng lúc tôi phải bơm xăng.”
“Trí nhớ của anh tuyệt thật đấy, một bộ phim lâu đến thế mà vẫn còn nhớ.”
“Lúc xem cảm động lắm vì thế mới nhớ đến tận bây giờ đấy.”
“Có thể tìm đĩa của nó không?”
“Một bộ phim lâu đời như thế chẳng ai có hứng thú sao lại nó đâu. Những thứ tốt đẹp nên lưu lại ở trong hồi ức của mình ấy, nếu xem lại một lần nữa, khi cảnh và tâm không giống xưa thì cũng sẽ không thích nữa.”
“Có một số thứ là vĩnh cửu đấy.”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT