Nắng chiều rải trên mặt nước, sóng sánh lăn tăn, quanh ảnh phản chiếu lên thuyền mờ tỏ lung linh. Vương Vi nghiêng đầu, tay phải đặt trên lan can cửa, ngón tay thon dài trắng muốt như cọng hành. Trương Nguyên đặt tay mình lên, ngón tay đan nhau khẽ nắn, gầy nhưng không trơ xương, mềm mại thanh mát. Hắn nói: - Tu Vi, tháng mười ta muốn dẫn nàng đến Nam Kinh thoát tịch, vì vậy lần này về Hàng Châu nàng phải quan sát nhiều, tìm một người biết chữ, lanh lẹ đáng tin trong nhóm thợ thuê hoặc người hầu trong Lục thị đảm nhiệm chưởng quỹ, quản lý sự vụ hàng ngày của hiệu vải. Tiền công của chưởng quỹ có thể cao gấp đôi hoặc gấp ba thợ thuê bình thường, nếu kinh doanh tốt, sau ba năm chưởng quỹ này có thể được hưởng hoa hồng từ lợi nhuận của hiệu vải.
Vương Vi lắc đầu nói: - Trước mắt nhóm người ở Hàng Châu không có năng lực này, biết chữ thì có hai, ba người, nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm kinh doanh, thực ra ta cũng không hiểu, chỉ cố làm mà thôi.
- Tu Vi thông minh, học một chút liền hiểu ngay, ta thấy nàng ở Hàng Châu quản lý rất tốt, ưu điểm lớn nhất của nàng là làm việc có trình tự. Trương Nguyên nhấc tay Vương Vi, đặt một nụ hôn lên tay cô: - Đôi tay viết thơ vẽ tranh, gảy đàn bấm tiêu giờ đây lại tính toán chi li sổ Long môn. Trương Giới Tử này là kẻ đốt đàn nấu hạc rồi, xem thử sau này ta còn dám vượt qua sông Tần Hoài hay không?
Vương Vi mỉm cười: - Ta nguyện ý mà.
Trương Nguyên nói: - Dù nàng nguyện ý, ta cũng không để nàng xuất đầu lộ diện làm chưởng quỹ. Đây là Đại Minh, không phải… Tu Vi quản lý kế toán của hiệu Thịnh Mỹ rất tốt, sau này sẽ là kế sư tổng hội của cả hiệu vải.
- Kế sư tổng hội? Từ này thật mới mẻ, có điều Trương Nguyên hay thốt ra những từ mới nên cô không lấy làm lạ.
Trương Nguyên giải thích: - Hiệu Thịnh Mỹ giờ có năm cửa hàng ở Thanh Phổ, Hoa Đình, Thượng Hải, Hàng Châu, Sơn Âm, mỗi nơi đều phải lập sổ Long môn. Sau này, hàng năm Tu Vi phải kiểm toán toàn bộ các cửa hiệu đó, căn cứ vào tình hình kinh doanh mà định ra kế hoạch phát triển sang năm, đây gọi là dự toán, hoàn tất dự toán, thậm chí còn tốt hơn dự toán thì được thưởng.
Vương Vi nói: - Người tính nhiều thì thắng, người tính ít không thắng. Đây là danh ngôn trong “Tôn Tử binh pháp”, thường được kỳ thủ trích dẫn.
Trương Nguyên cười nói: - Đúng rồi, chính là ý này.
Đôi mày thanh tú của Vương Vi nhíu lại: - Nhưng ta nào biết dự toán, tướng công lại vào kinh, không thể dạy ta.
Trương Nguyên nói: - Cứ từ ừ, đừng vội, xem tình hình kinh doanh năm đầu trước đã, từ cơ sở này mở rộng buôn bán là được. Đương nhiên phải tìm hiểu giá thị trường tương quan mới ổn, không thể mù quáng, thường ngày phải để ý nhiều, còn nữa, nhớ viết thư nhiều cho ta.
Vương Vi nở nụ cười ngọt ngào, yêu kiều hỏi: - Tướng công, liệu có thể mở hiệu vải Thịnh Mỹ ở kinh thành không?
Trương Nguyên khẽ nhéo gò má Vương Vi, cười nói: - Chắn chắn rồi, mở dọc sông Đại Vận Kinh Hàng, từ Dương Châu, Khai Phong, Lâm Thanh cho đến kinh sư.
Vương Vi nói: - Vậy là tốt rồi, về sau ta có thể tới kinh thành chiếu cố tướng công. Thanh âm thật quyến rũ kiều mị.
Trương Nguyên khẽ vuốt bờ môi đỏ hồng của Vương Vi, thì thầm bên tai cô. Mặt Vương Vi nhất thời ửng đỏ, đôi mắt long lanh.
Có tiếng bước chân vang lên, Trương Nguyên đứng thẳng người nói: - Ta phải xuống thuyền rồi.
Vương Vi cũng đứng dậy, thấp giọng: - Tu Vi đợi tướng công ở Hàng Châu.
Trương Nguyên nói: - Khoảng thượng tuần tháng mười ta sẽ khởi hành, nếu trong nhất thời không tìm được người làm chưởng quỹ, nàng cứ để Lỗ Vân Bằng đến Hàng Châu quản lý hiệu vải. Lỗ Vân Bằng chính là em họ của danh y Lỗ Vân Cốc ở Sơn Âm, biết chữ, biết tính toán, đang giúp cha ta quản lý kho lương Dương Hòa, thành thật đáng tin.
- Còn quyến luyến không thôi sao, đã đến hồ Đông Đại rồi. Trương Nhược Hi bước đến gõ nhẹ vách thuyền, cười hì hì nhìn Trương Nguyên và Vương Vi.
Trương Nguyên kể chuyện để Lỗ Vân Bằng làm chưởng quỹ hiệu vải ở Hàng Châu, Trương Nhược Hi nói: - Tốt, chưởng quỹ hiệu vải phải để người đáng tin đảm nhiệm mới yên tâm, hơn nữa hiệu vải ở Hàng Châu vẫn chưa ổn định.
Thuyền cập bến hồ Đông Đại, Trương Nguyên và Mục Chân Chân nhảy lên bờ, ngóng theo thuyền đi xa rồi mới trở về.
Trên đường Trương Nguyên nói với Mục Chân Chân: - Lát nữa ta sẽ viết thư cho Đỗ Định Phương, hỏi xem thư của Mục thúc có gửi đến chưa, vì lần này chúng ta không đi qua Trinh Phong Lý, sợ sẽ lỡ mất thư.
Mục Chân Chân rất mừng, cô đã biết chắc thiếu gia sẽ dẫn mình đến kinh thành, mấy ngày nay đến nằm mơ cô cũng cười.
…….
Mùng ba tháng chín, Lỗ Vân Bằng theo Lai Phúc đi Hàng Châu làm chưởng quỹ hiệu vải, y xem Trương Nguyên là ân nhân, hiển nhiên sẽ tận tâm tận lực.
Mùng sáu tháng chín, Trương Nguyên cùng Trương Đại đến Dư Diêu thăm hỏi Hoàng Tôn Tố. Con trai Hoàng Tôn Hi của y trông thấy Trương Nguyên liền xưng “lão sư”, Trương Nguyên cười nói: - Đợi đến khi ta làm Dư Diêu Huyện lệnh, sẽ để ngươi làm Huyện thử án đầu.
Cậu bé sáu tuổi Hoàng Tôn Hi thành khẩn nói: - Lão sư khi nào nhậm chức? Dư Diêu Huyện thử là vào tháng hai sang năm.
Hoàng Tôn Tố, Trương Đại và Trương Nguyên đều bật cười.
Ở Dư Diêu hai ngày, Hoàng Tôn Tố theo Trương Đại, Trương Nguyên đến Từ Khê thăm Toàn Hoàn Thành. Toàn Hoàn Thành là xã viên Hàn Xã, thi hương khoa này đứng thứ một trăm hai mươi, vừa hợp với Trương Nguyên là một đầu một cuối. Trương Nguyên muốn hợp tác với cục Dân tín, đương nhiên mời một người ở ngay Từ Khê là tốt nhất. Thời may, khi Trương Nguyên nói rõ ý mình cho Toàn Hoàn Thành, y liền cười nói: - Nhà mẫu cữu (anh/em của mẹ Toàn Hoàn Thành) của tại hạ chính là một trong ba cộng sự lớn của cục Dân tín, tại hạ sẽ dẫn Trương xã thủ đến trước.
Nhờ có Toàn Hoàn Thành, với danh tiếng hiện nay của Trương Nguyên, cục Dân tín sao có thể cự tuyệt hợp tác với hiệu vải Thịnh Mỹ, đây là mối làm ăn lâu dài mà. Họ nhanh chóng thảo ra một bản khế ước hợp tác, quy định tiền thuê, tiền bảo hiểm, tiền bồi thường, thời hạn phí vận chuyển, v.v… Ký tên cụ thể khế ước phải đợi mẫu cữu Ngô Ngọc Đường của Toàn Hoàn Thành cầm thư Trương Nguyên đến Thanh Phổ cùng thương định với Lục Thao.
Ngày mười chín tháng chín, Trương Đại, Trương Nguyên về lại Sơn Âm.
Ngày hai mươi lăm, công cư và lộ phí phúc đáp cử nhân thi hội của Chiết Giang Bố Chính Sứ ti phát về huyện Sơn Âm, Lưu Tri huyện lệnh cho Thư sử Huyện lễ phòng gửi công cư và lộ phí đến phủ Trương Nguyên. Lộ phí là mười sáu lượng bạc trắng tính ra từ cự ly đường xá, cử nhân đến kinh ứng thí có thể dùng công cư để hưởng chế độ miễn phí xe thuyền ở dịch trạm, tá túc ở dịch trạm cũng không cần tiền, mười sáu lượng bạc chẳng khác gì tiền tiêu vặt.
Nếu đã lĩnh công cư thì phải chuẩn bị hành trang. Thương Chu Đức đã viết thư gửi cho huynh trưởng Thương Chu Tộ ở kinh thành, Trương Nguyên vào kinh sẽ ở phủ thượng của y. Phụ thân Trương Bảo Sinh của Trương Ngạc cũng ở trong kinh, lần trước Trương Bảo Sinh thi trượt, lần này muốn cùng cháu Trương Đại và Trương Nguyên tham gia thi xuân khoa Bính Thìn. Trương Bảo Sinh cũng có phòng sản ở trong kinh, Trương Đại vào kinh cũng không lo chỗ nghỉ.
Ngày hai mươi bảy tháng chín, Cam Luân của phường kính Hàn Xã kích động đến Tây Trương báo hỉ với Trương Ngạc, nói phường kính chế tạo thành công một chiếc kính thiên lý có thể nhìn rất xa. Trương Ngạc bèn gọi Trương Nguyên cùng đi xem thử, quả nhiên không thua gì kính viễn vọng mà Trương Ngạc mua về từ Áo Môn (Macao), tiêu cự cũng có thể đạt đến hai mươi lần. Trọng thưởng cho tài trí thợ làm kính cũng có thể phát huy cực độ, Trương Nguyên thưởng cho sư phụ làm kính và Cam Luân mỗi người bốn mươi lượng bạc, các học đồ khác cũng có thưởng. Trương Nguyên lệnh cho nhóm Cam Luân tăng ca một chút, nội trong mười ngày chế ra một chiếc kính viễn vọng tương tự, hắn muốn đem cả hai chiếc đến kinh thành.
Ngày ba mươi tháng chín, người hầu của Đỗ Định Phương ở Côn Sơn đưa thư và lễ vật của Trương Nguyên gửi cho lão sư. Trong thư chúc mừng lão sư trúng giải Nguyên, lại chúc lão sư thi xuân thắng lớn, nói thúc Đỗ Tùng chưa nhận được thư nhà vì đường xa cách trở, một năm cũng gửi thư nhà một lần.
Chiều tối mùng sáu tháng mười, Nghê Nguyên Lộ và Hoàng Tôn Tố đến Sơn Âm hội họp với Trương Nguyên, Trương Đại, Kỳ Bưu Giai, Chu Mặc Nông và Vương Bính Lân, vì thế quyết định mùng chín tháng mười cùng khởi hành vào kinh.
Đêm mồng tám đầu tháng mười, trong phòng ngủ lớn lầu phía Nam, tiểu tỳ Vân Cẩm đóng kín cánh cửa gỗ, đậy chụp đèn làm cho ngọn đèn tối lại, sau đó tiến đến trước giường hỏi: - Tiểu thư còn gì chỉ bảo?
Thương Đạm Nhiên nói: - Không còn gì nữa, ngươi đi nghỉ đi.
Vân Cẩm thưa một tiếng, kéo cửa đi ra ngoài.
Thương Đạm Nhiên gối lên cánh tay Trương Nguyên nghe mười tám tiếng chuông từ phía gác chuông xa xa truyền đến, tiếng chuông muộn vang xa, quanh tiểu lâu vắng vẻ, chỉ nghe thấy tiếng gió Bắc khẽ thổi.
-Thời tiết ngày một lạnh hơn rồi!
Thương Đạm Nhiên đỏ mặt dán vào đầu vai Trương Nguyên, gạt hắn ra khỏi bộ ngực đầy đặn, nói: - Trương lang, lần này đi Kinh thành, sợ là trên đường đi sẽ gặp tuyết.
Hắn nói: - Đều là ngồi trên thuyền, gặp tuyết cũng không sao.
Nàng hỏi: - Ước chừng bao lâu có thể vào tới Kinh?
- Đường thủy tầm bốn ngàn dặm, khoảng tuần đầu tháng Chạp là có thể đến.
- Thiếp rất muốn cùng Trương lang vào Kinh thành. Thực ra đi thuyền cũng không xóc nảy gì phải không? Thương Đạm Nhiên nũng nịu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT