Bắt đầu từ ngày mồng tám tháng tư, trời đã mưa liên tục mấy ngày liền rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu tạnh. Điều này làm cho Trương mẫu Lã thị có chút lo lắng, sợ đến ngày tổ chức hôn lễ của con trai mình mà trời vẫn chưa tạnh. Nhưng đến ngày mồng mười, khi Tần Dân Bình đến thì bầu trời liền trở nên trong xanh và sáng sủa.
Ngày mười một tháng tư, Trương Nguyên cùng với phụ thân là Trương Thụy Dương và tộc huynh Trương Đại đi tự thần (người Thiệu Hưng gọi phong tục này là chúc vui vẻ và hạnh phúc), tế tổ (tục này gọi là mời đại nhân canh cơm), sau đó đi mời đội kiệu hoa, dựng sân khấu để diễn kịch, bận rộn mất một ngày trời.
Sáng sớm ngày mười hai tháng tư, Trương Nguyên tắm rửa, thay quần áo và đội mũ chú rể, sân khấu diễn kịch dựng ở trước nhà đã bắt đầu diễn vở kịch “Tường Đầu Mã Thượng”. Đây là vở hài kịch nổi tiếng của Bạch Phác viết về tình yêu, là vở kịch mà nhóm hát Khả Xan ở bên Tây Trương đặc biết tập diễn để mừng hôn lễ của Trương Nguyên. Vương Khả Xan vào vai chính đán Lý Thiên Kim (chính đán là tên gọi cũ của vai thanh y trong hí kịch của Trung Quốc), giọng hát rất hay.
Kiệu hoa màu đỏ thẫm được thêu dệt tỉ mỉ đã chờ ở cửa trước sân, hai bên trái phải của kiệu hoa đều có một mặt gương lớn bằng đồng. Gương đồng được mài bóng loáng, chiếc gương này chính là dùng để trừ tà.
Trương Thụy Dương là bậc trưởng bối, một đôi vợ chồng có nhiều con cháu ở Đông Trương đóng giả là Phúc Tinh và Lộc Tinh. Cụ ông đóng vai Phúc Tinh cầm gương đồng đến chiếu vào kiệu hoa, Cụ bà đóng vai Lộc Tinh đốt đàn hương và cỏ thơm xung quanh kiệu. Đây là phong tục có tên gọi là “lục soát kiệu”, với ý nghĩa là để xua đuổi yêu ma quỷ quái ở trong kiệu, kiệu dùng để đón cô dâu nhất định phải thực hiện theo đúng trình tự này.
Đội kèn thổi kèn vang vọng, đội ngũ đón dâu sắp khởi hành. Trương Nguyên mặc y phục của chú rể đi đến trước cửa, hướng về phía chiếc kiệu hoa cung kính vái ba cái, cái này gọi là đưa kiệu. Theo tập tục trong hôn lễ ở Thiệu Hưng, chú rể không được đến nhà gái đón dâu, phải ở nhà mình chờ, và tiếp đãi khách.
Một đám thanh kỹ của nhóm hát Khả Xan cũng đi theo đội ngũ đi đón dâu tiến về phía trước, đó là mười sáu người đàn ông khỏe mạnh mà trước đó đã dựng sân khấu diễn kịch, vừa đi theo đoàn đón dâu vừa biểu diễn vừa hát. Hàng người đi theo xem náo nhiệt có trăm đến ngàn người, chật kín cả đường phố, rất giống như hội cầu mưa mấy năm trước.
Chùa Hạnh Hoa nằm ở bên cạnh phủ của Vương Tư Nhâm, Vương Anh Tư đang ngồi ở chiếc bàn bên trong thư phòng trước thiền viện viết chữ. Nàng rất giống Trương Nguyên ở chỗ thích viết chữ và đọc sách ở trong gian thư phòng này. Mỗi ngày Vương Anh Tư đều phải làm một bài bát cổ, tuy biết rằng đời này không thể tham gia khoa cử được, nhưng vẫn nguyện ý kiên trì. Lúc này trên bàn còn có bản khắc “Tiêu thị bút thừa” của nhà in Hàn Xã do Trương Nguyên tặng cho nàng.
Từ năm ngoái sau khi Trương Nguyên đến Quốc tử giám, Vương Anh Tư liền giống như một học sinh bình thường sắp đi thi, đọc sách hết sức vất vả, Kinh sử và Âm phù, Lão trang, nội điển, sách tạp lục đều đọc hết. Tỷ tỷ của nàng Vương Tĩnh Thục nói nàng là mọt sách, nhưng trong lòng cũng biết muội muội Anh Tư của mình lấy việc đọc sách để giải sầu, để quên đi tình cảm tương tư với Trương Nguyên.
Vương Tĩnh Thục yên lặng đi đến bên cạnh nàng, nhìn thấy Anh Tư tay đang cầm bút nhưng lại ngồi ngẩn người không có động tĩnh gì. Nước mắt Vương Tĩnh Thục chảy xuống, Anh Tư giật mình nói: -Tỷ tỷ, sao tỷ lại khóc vậy!
Vương Tĩnh Thục chăm chú nhìn muội muội Anh Tư của mình, đang định mở miệng nói chuyện thì Anh Tư đột nhiên bày ra bộ dáng nghiêm túc nghiêng tai lắng nghe, nói: -Tỷ tỷ, tỷ nghe xem!
Vương Tĩnh Thục cũng yên lặng chăm chú lắng nghe, nói: -Có người hát hí khúc! Bỗng nhiên nhận ra đây là tiếng hát của đội ngũ đi đón dâu của nhà họ Trương ở Sơn Âm.
Tiếng hát tiếng kèn dần dần gần hơn, rồi đi qua trước cửa nhà, nghe được tiếng tiêu và tiếng hát du dương của một cô gái xinh đẹp, hát rằng “Nếu như ta chọn được một người chồng phong lưu, sao phải phí công dạy chồng ta vẽ tranh ngọn núi ở phía xa. Thà rằng dạy làm cái thau bạc còn hơn. Màn gấm buông xuống, hoa sen uyên ương cũng nổi lên khỏi mặt nước, cành ngô đồng có hai con chim phượng hoàng đậu xuống___”
Tiếng người cười nói huyên náo, không sao phân biệt được lời hát nữa. Nhưng Vương Anh Tư cũng đã nhận ra đây là bài hát của vở nhạc kịch “Tường Đầu Mã Thượng”, kể về chuyện Lý Thiên Kim ở Lạc Dương gặp được Bùi Thiếu Tuấn, và bỏ trốn đến nhà họ Bùi. Bởi vì không được sự đồng ý của cha mẹ, liền trốn đến ở vườn sau của nhà họ Bùi, sinh cho Bùi Tuấn hai người con gái. Sau đó gặp phải rất nhiều khó khăn vất vả, cuối cùng kết cục tất cả đều vui mừng. Tất cả lời nói và việc làm của Lý Thiên Kim, có thể nói là đi ngược lại với đạo lý thông thường, vừa dũng cảm theo đuổi tình yêu, lại vẫn nỗ lực giữ gìn sự tôn nghiêm của mình.
Vương Anh Tư si ngốc đến xuất thần…
Tạm thời chưa nói đến khách khứa ở Sơn Âm Đông Trương tụ tập lại hết sức đông vui, mà nhà họ Thương ở Hội Kê cũng mang một bầu không khí náo nhiệt vui vẻ tương tự. Thương Chu Tộ, Thương Chu Đức vì hôn lễ của tiểu muội mình Thương Đạm Nhiên, mà chuẩn bị từng món hồi môn một đặt cạnh bức tường trong cửa lớn. Hơn chục người hầu và người khiêng kiệu đang buộc những dải lụa đỏ lên từng món đồ, sau đó lấy gậy trúc luồn vào để khiêng lên, chuẩn bị mang về Sơn Âm. Đồ cưới phải mang về trước khi đón cô dâu mới về, nếu không thì không kịp bày biện, nhất là của hồi môn của Thương Đạm Nhiên lại rất nhiều, cho nên buổi sáng đã phải mang về Sơn Âm trước rồi.
Nhà họ Thương ở Hội Kê là một gia tộc lớn, mặc dù không giàu có bằng bên Tây Trương, nhưng ở Hội Kê cũng là một trong mấy gia tộc có chức có quyền lại giàu có nhất ở đây. Thương Chu Tộ thương tiểu muội mình từ nhỏ đã mất nơi nương tự, nên viết thư bàn bạc với Thương Chu Đức, của hồi môn cho nàng phải nhiều gấp đôi. Thương Chu Đức tất nhiên là cũng đồng ý làm theo. Từ tháng mười năm ngoái, sau khi quyết định ngày cưới, họ đã tự mình chuẩn bị của hồi môn cho tiểu muội của mình.
Ngoài giường cưới ra (ở Thiệu Hưng, của hồi môn của người con gái khi đi lấy chồng không thể thiếu giường), các đồ dụng cụ gia đình cái gì cần có đều có, bàn dài thì có cái làm bằng gỗ sồi, bàn vuông có hình hoa lê màu vàng, bàn làm bằng gỗ cây dẻ; bàn trà thì có bàn làm bằng gỗ cánh gà, có cái làm bằng gỗ cây táo thơm, lại có cái làm bằng gỗ cây bách; ghế dựa thì có ghế Túy Ông, ghế Quan Mạo, ghế vuông, ghế làm bằng gỗ cây trúc hồng của Nhật Bản; bức bình phong thì có bức bình phong lớn, có bức bình phong nhỏ màu bạc trên đó có vẽ tranh của Nhật Bản, còn có bức bình phong màu nhũ kim vẽ tùng, trúc, mai, lại có bức bình phong làm bằng thạch bích; ngoài ra còn có ô che gió, ô che mưa, ô che nắng, thùng tắm, thùng đựng phân, thùng để rửa chân, cái giá để trà, giá để giầy, gía cắm nến, thìa và muôi bằng đồng. Hễ là đồ gia dụng hàng ngày, thì đều được chuẩn bị đầy đủ không thiếu thứ gì.
Đó là những của hồi môn có kích thước to lớn cồng kềnh. Ở trong sân, còn có mười mấy người vú già và tỳ nữ đang sắp sửa những đồ vật tư trang như quần áo gương lược. Đèn thì là loại đèn lồng làm bằng chất liệu tơ tằm màu vàng của Vân Nam. Bình cắm hoa thì hình cung và có tai cầm, có cả chiếc bình lớn trên đó vẽ cảnh long tuyền, có bình rượu hoa, dụng cụ cần có trong thư phòng. Có những khí cụ bằng đồng như đàn cổ, kiếm cổ, có đồ sơn mài chạm trổ tinh vi, cùng với thảm lông, có đệm cứng, đệm mềm, chiếu có viền bên cạnh, còn áo ngủ thì bằng gấm tơ tằm màu hồng, màn che có viền, gối thêu, gối mát. Còn có quần áo bốn mùa của tiểu thư Đạm Nhiên và quần áo của những người vú già, tỳ nữ nữa, tất cả đều xếp trong chiếc rương lớn, chiếc rương này phải nặng đến năm mươi kilogam.
Ở khuê phòng, hai người vú già đang chải đầu búi tóc cho Thương Đạm Nhiên, đánh phấn, sửa lông mày, xỏ lỗ tai. Ở Thiệu Hưng những việc bình thường này đều do những người vú già lớn tuổi làm, mà cũng chỉ có họ mới làm được đẹp nhất. Cô dâu mới phải chải đầu búi tóc, và búi tóc đó phải cao đến năm tấc, và kết một chuỗi ngọc ở trên trán (trên chỗ lông mày dưới mái tóc), đây gọi là tục chải tóc, tức là lấy hai sợi chỉ màu đỏ bện chặt tóc tơ ở cổ và ở mặt lại, như vậy sự ngây ngô của thiếu nữ sẽ được loại bỏ hết, đó mới chính là nét mặt rạng rỡ sáng sủa của cô dâu.
Người vú già vừa thực hiện tục chải tóc cho Thương Đạm Nhiên vừa hát rằng: -Sợi chỉ bắn về phía bên trái sớm sinh quý tử, sợi chỉ bắn về phía phải sinh một tiểu nam hài đáng yêu, ba sợi chỉ đều bắn ra được yên ổn, tiểu thư sẽ sinh kỳ lân (kỳ lân: tượng trưng cho điềm lành), lông mi giống như hình trăng khuyết, lang quân sẽ là Trạng Nguyên, Bảng nhãn.
Mấy tỳ nữ đứng bên cạnh che miệng cười trộm. Thương Đạm Nhiên im lặng không lên tiếng, mặc cho mọi người định đoạt, ngồi trên một cái đệm thêu nhìn không chớp mắt. Nhưng tất cả những âm thanh xa hay gần, to hay nhỏ đều khắc sâu vào trong lòng nàng. Nàng nghe thấy tiếng kèn ở trước sân, tiếng người khiêng kiệu hát “Trang liêm ca”, của hồi môn ở trước sân sắp được khiêng đi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT