Đổng Tổ Thường sửng sốt một chút, gã và Kim Lang Chi tuy cùng là chư sinh, nhưng gã cũng chỉ đến Nho học của huyện có vài lần, không quen biết người nào tên là Kim Lang Chi cả, tại sao Kim Lang Chi vừa nghe gã nói thì đã biết ngay gã là Đổng Tổ Thường?
Đã nhận ra rồi thì không cần che đậy nữa, Đổng Tổ Thường quát:
- Bỏ bao tải ra, bắt y quỳ xuống.
Hai tên lưu manh trước tiên ấn Phạm Sưởng quỳ xuống, sau đó mới bỏ bao tải ra. Thân thể Phạm Sưởng gầy yếu, bị ấn quỳ trên mặt đất không giãy dụa được, ngẩng đầu lên, hai mắt như muốn phóng hỏa, giận dữ kêu lên:
- Đổng Tổ Thường, ngươi dám làm nhục ta như vậy, ta sẽ không đội trời chung với ngươi.
- Hả?
Đổng Tổ Thường ngạc nhiên, nói với Uông Đại Chùy:
-Ta sai các ngươi đi bắt Kim Lang Chi cơ mà, các ngươi bắt tên này đến đây làm gì!
Uông Đại Chùy nói:
- Tên này là Kim Lang Chi mà.
- Nói láo!
Đổng Tổ Thường quát:
-Tên này là Phạm Sưởng.
Tên lưu manh biết mặt Kim Lang Chi vừa nhìn thấy mặt người này, mới phát hiện là bắt nhầm người, liền buông lỏng tay, nói:
- Đúng là bắt nhầm người rồi, đây không phải là Kim tú tài.
Phạm Sưởng đứng lên, căm tức nhìn Đổng Tổ Thường nói:
- Cởi dây trói cho ta___Đổng Tổ Thường, gặp nhau trên công đường đi.
Hai tên lưu manh chần chừ, đợi lệnh của Đổng Tổ Thường mới dám cởi. Đổng Tổ Thường chửi ầm lên:
- Khốn khiếp, ngay cả người sống mà cũng bắt nhầm, các ngươi đều ăn cứt đấy hả, đồ khốn khiếp!
Vất vả cực khổ như vậy mà còn bị mắng, Uông Đại Chùy không vui, biện bạch:
- Người này đi từ nhà Kim Lang Chi ra, lại lấy cây quạt giấy che mặt, tất nhiên là bắt y rồi.
Phạm Sưởng thầm nghĩ: “Đổng Tổ Thường muốn bắt Kim Lang Chi huynh chắc chắn là vì bài hịch văn lật đổ nhà họ Đổng đó, ta phải tìm cách báo cho Kim Lang Chi huynh biết, dặn huynh ấy không nên ra khỏi nhà vào mấy ngày này”. Phạm Sưởng liền kêu lên:
- Đã bắt nhầm người rồi, còn không mau thả ta ra!
Đổng Tổ Thường hỏi Uông Đại Chùy:
- Ngươi nói là y đi từ nhà Kim Lang Chi ra hả?
Uông Đại Chùy nói:
- Đúng vậy, nếu không chúng ta làm sao có thể bắt nhầm được, y lại mặc áo và đội mũ tú tài nữa chứ.
Đổng Tổ Thường cười lạnh một tiếng, lùi xuống phía sau mấy bước, đứng ở mái hiên nhìn xuống, tay cầm quạt nói:
- Đã nói như vậy, thì cũng không tính là bắt nhầm người. Phạm Sưởng, ngươi từ đó đi ra, vậy thì bài văn chó má đó có phải là do ngươi và Kim Lang Chi làm rồi bí mật mang đi dán không?
Phạm Sưởng cũng cười lạnh nói:
- Ta đã đọc được bài văn đó, Hương Hiền từ và Huyện Nho học đều dán, quả nhiên là một bài văn hay tuyệt, chỉ tiếc ta không phải là người viết ra.
Đổng Tổ Thường quát tên lưu manh ấn Phạm Sưởng quỳ xuống. Phạm Sưởng ra sức giãy dụa, dứt khoát đứng thẳng, tức giận mắng Đổng Tổ Thường:
- Đổng Tổ Thường, ông trời có mắt, ngươi chắc chắn sẽ bị trừng phạt.
Đổng Tổ Thường đi tới dùng chân đá một cái vào mặt Phạm Sưởng và mắng:
- Ta biết ngay ngươi là người cùng hội với Kim Lang Chi mà, đợi bắt được Kim Lang Chi ta sẽ thẩm vấn cả thể. Các ngươi dám phỉ báng cha ta, đó là tội không thể tha thứ.
Sau đó quay ra nói với Uông Đại Chùy:
- Mau đi bắt Kim Lang Chi về đây.
Uông Đại Chùy dẫn hai tên lưu manh đi khỏi, Đổng Tổ Thường liền bước tới, nói vài câu với tên nô bộc, bảo gã đi lấy giấy bút đến, rồi nói với Phạm Sưởng:
- Ngươi viết bản nhận tội, chỉ cần nói là bị bọn Trương Nguyên và Kim Lang Chi mê hoặc dụ dỗ, nhất thời hồ đồ nên mới vu tội cho cha ta, viết xong ta sẽ thả ngươi ra.
- Muốn ta nhận tội, đừng có mơ ! Đổng Tổ Thường, các ngươi độc ác không còn tính người nữa, chuyện xấu gì cũng dám làm, chắc chắn sẽ bị trời chu đất diệt.
Đổng Tổ Thường giận dữ, đang định đá Phạm Sưởng một cái thì bị Đổng Tổ Nguyên ngăn lại. Đổng Tổ Nguyên nói:
- Bắt y quỳ dưới nắng một lúc, khi nào nhận tội mới được thả ra.
Giữa buổi trưa mùa hè mặt trời chói chang như lửa thế này, Phạm Sưởng lại là một thư sinh nho nhã yếu ớt, vừa tức vừa hận vừa khuất nhục. Dưới ánh nắng chói chang thế này quỳ ở đình viện không đến nửa canh giờ thì mồ hôi đã tuôn ra như tắm, miệng đắng lưỡi khô, kêu lên:
- Thả ta ra, thả ta ra.
Sau đó đứng lên định đi, bọn gia nô liền xông đến, đẩy ngã y xuống đất, quát lên:
- Muốn đi thì nhận tội trước đã.
Trong lòng Phạm Sưởng tức giận, đầu cũng bắt đầu cảm thấy đau, cổ hộng khô đắng, khàn khàn nói:
- Cho ta nước, ta muốn uống nước.
Bọn gia nô của Đổng thị tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt, không thèm để ý tới y.
Hơi thở của Phạm Sưởng trở nên gấp gáp, đầu đau như muốn nứt ra, ôm đầu thống khổ rên lên, xiu vẹo dưới cái nắng như thiu như đốt.
Bọn gia nô của Đổng thị lại cười nói:
- Giả ngây giả dại đi, ta xem ngươi giả bộ thế nào.
Một lát sau, thấy Phạm Sưởng nôn mửa dữ dội rồi lâm vào hôn mê. Một tên gia nô liền tiến lên đá nhẹ Phạm Sưởng một cái, không thấy động đậy gì, liền đưa tay lên mũi xem xét hơi thở, thì thấy hơi thở của y dồn dập, hơi thở nóng như lửa, lúc này mới cho người kéo Phạm Sưởng vào chỗ mát rồi bảo người đi bẩm báo với Đổng Tổ Thường.
Đổng Tổ Thường và Đổng Tổ Nguyên cùng đi đến, nhìn thấy Phạm Sưởng vốn là một tên thư sinh mặt trắng mà lúc này mặt lại đỏ như Quan công, hô hấp yếu ớt, hôn mê bất tỉnh.
Một tên gia nô nói:
- Đại công tử, nhị công tử, tên này chắc là bị cảm nắng rồi, không cứu chữa sợ rằng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Đổng Tổ Thường mắng:
- Cứu cái rắm, y chết là tốt.
Đổng Tổ Nguyên cau mày nói:
- Dù sao y cũng là một tú tài, để y chết thì cũng có chút phiền phức. Cho y uống một chút nước đi, rồi cho người đánh xe đưa y về, vứt y ở cửa nhà là được rồi.
Hai tên gia nô của Đổng thị cạy miệng Phạm Sưởng ra, rót một chút nước lạnh vào miệng, sau đó nâng Phạm Sưởng lên xe ngựa rồi cho xe chạy về hướng Hương Hiền Từ, mang Phạm Sưởng để ở dưới một gốc cây đại thụ, rồi quay xe đi.
Có người nhìn thấy một chiếc xe ngựa bỏ lại một người bên đường liền bước đến xem, nhận ra đó là Phạm tú tài, vội vàng chạy đến Phạm gia báo tin. Lúc người của Phạm gia đến, nhìn thấy bộ dạng Phạm Sưởng như vậy, một bên cho người đi mời đại phu, một bên cử người đến nhà Kim Lang Chi chất vấn vì người nhà Phạm Sưởng biết là hôm nay Phạm Sưởng ở lại nhà Kim Lang Chi dùng cơm trưa.
Uông Đại Chùy và hai tên lưu manh vẫn đang chờ trước cổng nhà Kim Lang Chi, nghe nói Phạm tú tài xảy ra chuyện, rất nhiều người đến vây xem, trong lòng biết là hôm nay không thể bắt được Kim tú tài, đành phải rút lui.
Kim Lang Chi đến nhà Phạm Sưởng, nhìn thấy Phạm Sưởng sốt cao đến mức hôn mê, cả kinh nói:
-Tầm canh ba giờ Mùi Phạm huynh đã rời khỏi nhà ta rồi, giữa trưa chỉ uống có hai chén rượu nhỏ, không hề say rượu, làm sao có thể bị ngã ở trước cổng Hương Hiền Từ đến bây giờ mới được người ta phát hiện được!
Đại phu đang khám cho Phạm Sưởng nói:
- Phạm tú tài là bị cảm nắng, bị cảm nắng rất nặng. Trước tiên cho uống một ít nước muối đã, rồi sau đó sắc thuốc uống, nếu mồ hôi không toát ra được làm cho nhiệt độ hạ xuống thì sợ rằng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Kim Lang Chi luôn túc trực bên cạnh Phạm Sưởng. Đến đêm, Phạm Sưởng không ngừng sốt cao, người cũng đã tỉnh lại, nhưng lại là điên cuồng kêu to:
- Đổng Tổ Thường, ngươi chắc chắn sẽ bị trời phạt---Đổng Tổ Thường, ngươi ép ta viết bản nhận tội, ngươi đừng có mơ tưởng!
Kim Lang Chi nắm lấy bàn tay nóng bỏng của Phạm Sưởng, hỏi:
- Phạm Sưởng, là Đổng Tổ Thường đã bắt huynh đến tra hỏi hả?
Sắc mặt Phạm Sưởng đỏ ngầu, mắt trừng lớn, không phải là nhìn Kim Lang Chi, mà chỉ gào thét, kêu la một trận xong, rồi lại hôn mê.
Đại phu vừa châm cứu vừa sắc thuốc cho uống, nhưng vẫn không làm cho Phạm Sưởng hạ sốt được. Lúc trống canh ba, Phạm Sưởng chết bất đắc kỳ tử. Nhà họ Phạm vang vọng tiếng khóc than. Một con người tốt đẹp tài giỏi, chỉ trong vòng không đến nửa ngày đã chết một cách đột ngột, người thân làm sao mà chấp nhận nổi sự thật này!
Kim Lang Chi đau khổ trước cái chết thảm của bạn. Phạm Sưởng mới rời khỏi nhà mình vào lúc giờ Mùi thôi, mà đến giờ Thân đã có người phát hiện y bị một chiếc xe ngựa vứt xuống. Trong khoảng một canh giờ đó Phạm Sưởng đã ở đâu?
Lúc lâm chung Phạm Sưởng có chửi bới Đổng Tổ Thường thậm tệ. Vậy chắc chắn là Đổng Tổ Thường đã bắt Phạm Sưởng vì tội dán bài hịch văn kia rồi, làm cho Phạm Sưởng bị cảm nắng mà lại không cứu chữa, dẫn đến việc Phạm Sưởng bị tử vong.
Sáng sớm Đổng Tổ Thường biết được Phạm Sưởng đã chết, lại nói:
- May là đưa y về rồi, nếu không để y chết ở trong nhà ta chẳng phải sẽ xui xẻo sao.
Sau đó liền sai người đi theo dõi động tĩnh ở nhà Phạm thị. Huyện nha và phủ nha cũng cử người đến thăm dò.
Đoàn người của Trương Nguyên gồm hơn sáu mươi người chia đôi ngồi ở hai chiếc đò, giờ Mão bắt đầu xuất phát từ La Hàng phía nam thành của Thanh Phổ xuôi xuống cửa sông Đại Hoàng. Đầu giờ Tí đến được bến đò Bắc Thương ở Hoa Đình. Ngoài Lục Thao, Trương Đại, Trương Ngạc, Liễu Kính Đình ra, còn có Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái, Kim Bá Tông và hơn hai mươi sinh đồ ở Thanh Phổ. Còn đâu số còn lại là tôi tớ của đám sinh đồ, tất cả đều cường tráng khỏe mạnh mang theo gậy gộc, đấy là để phòng bị khi phải đánh nhau với lũ đánh thuê ở Tùng Giang.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT