Hai là tinh thưởng của triều đình bị giảm giá trị, chức tán quan có được bằng cách nạp lương thực bị chê cười, học trò nạp kê để được vào học Quốc Tử Giám bị coi thường, vào được Quốc Tử Giám rồi cũng bị đuổi về nhà, bởi vậy những người giàu cũng không muốn vì chính phủ mà tham gia cứu đói. Từ Thời Tiến nghe nói Trương Nguyên hiến kế với Hầu Chi Hàn rằng điền chủ tự cứu các tá điền của mình được thực hiện ở Sơn Âm thấy có phần hiệu quả.
Sau rằm trung thu một ngày, Từ Tri phủ liền truyền Tri huyện Hầu Chi Hàn và Trương Nguyên tới phủ nha để cùng thảo luận về vấn đề cứu tế. Trương Nguyên đề nghị ngoài phương án điền chủ cứu tế tá điền của mình ra, còn đưa ra kế phường nào giúp phường đó, thôn nào giúp thôn đó. Vì phường nào cũng có người giàu, thôn nào cũng có người giàu, những người giàu cứu tế những người nghèo cùng phường cùng thôn với mình. Loại hình cứu tế này rút nhỏ phạm vi lại, người giàu được biết ơn cũng vui, mà lại có danh hành thiện.
Đương nhiên những hình thức cứu tế này không phải là không có ràng buộc, vẫn lấy danh nghĩa là cho vay, vay bao nhiêu trả bấy nhiêu, người nghèo sau khi qua được nạn thiên tai thì phải hoàn trả lại. Nếu không người giàu họ không nhân nghĩa đến như vậy, tiền và lương thực của họ cũng phải cực khổ mấy đời mới tích cóp được, nên không có lý nào bắt buộc họ phải thay quan phủ cứu giúp vô điều kiện. Kể cả kho lương Dương Hòa cũng vậy, không phải là cứu tế vô điều kiện, chỉ là cứu tế khi khẩn cấp, một mẫu ruộng được cấp một đấu gạo, nhà có mười mẫu được cấp một thạch gạo, như vậy có thể chống chọi được hai tháng khó khăn nhất. Trương Nguyên còn đề nghị Từ Tri phủ kết hợp hai huyện Thiệu Hưng và Hội Kê, lấy danh nghĩa là công chẩn. Cái gọi là công chẩn ở đây chính là chiêu mộ dân đói làm công, ví dụ như xây đập, sửa kênh rồi phát lương thực hàng ngày cho họ. Như vậy vừa giúp dân gặp thiên tai qua được nạn đói mà quan phủ cũng không mất tiền để thuê, thật là nhất cử lưỡng tiện.
Ra khỏi phủ nha Thiệu Hưng mưa lại bắt đầu rơi, mưa gió mùa thu khá lạnh.
Mục Chân Chân đang đứng ngoài nha môn chờ Trương Nguyên, tay cầm một cái ô bằng giấy dầu, nách còn kẹp thêm một chiếc ô nữa, nhìn thấy thiếu gia đi ra, nàng bất giác dướn thẳng người lên, eo nhỏ ngực nở nhìn rất dễ động lòng người.
Trương Nguyên nhận ô Mục Chân Chân đưa cho, hai người ven theo sông Phủ sánh đôi chậm rãi mà đi. Một tháng trước sông Phủ gần như khô cạn, giờ đây nước chảy cuồn cuộn, nghe Mục Chân Chân đi sát bên nói:
- Mưa mãi không ngớt, trước buồn vì không có mưa, giờ thì buồn vì mưa nhiều.
Trương Nguyên nói:
- Trời chắc sắp tạnh rồi, không thể cứ mưa mãi được, nước đâu ra mà mưa lắm thế!
Mục Chân Chân cười khúc khích kêu lên một tiếng:
- Thiếu gia.
Trương Nguyên nghiêng đầu nhìn Mục Chân Chân, sắc mặt của thiếu nữ đọa dân trắng nõn nà như trái dưa thơm vậy, hai bên tóc mai và và tóc tơ ở phần gáy mềm mại như nhung rất đáng yêu, hắn hỏi:
- Chân Chân đã đọc xong “ Tả truyện “ chưa, mấy ngày nay ta không rảnh để dạy ngươi?
Mục Chân Chân nói:
- Dạ, nô tỳ đọc xong rồi, có Đại tiểu thư chỉ dạy rồi, chữ nào không biết thì hỏi đại tiểu thư. Trương Nguyên gật đầu nói:
- Đọc xong “ Tả truyện “ thì chữ cũng nhận biết được tương đối rồi, ta thử kiểm tra xem ngươi nhớ được bao nhiêu.
Mục Chân Chân bắt đầu thấy hồi hộp, hết sức tập trung.
Trương Nguyên nói:
- Ngươi thử nói về câu chuyện giả đồ diệt Quắc, môi hở răng lạnh, đây cũng là một trong ba mươi sáu kế.
Mục Chân Chân nói rất chậm rãi, kể đại khái câu chuyện Tấn quốc đến Ngu quốc mượn đường tiêu diệt Quắc quốc, rồi sau lại diệt Ngu quốc, Trương Nguyên khen, nàng vui mừng hỏi:
- Thiếu gia, sau này tỳ nữ còn có thể đọc sách gì?
Trương Nguyên nói:
- Đọc “ Sử ký “ đi, ở chỗ tộc thúc tổ có đấy, nhưng tự mua lấy một bộ thì hay hơn, trong nhà cũng nên có vài cuốn lưu trữ.
Số tiền nhuận bút mà Dương Thạch Hương và Phạm Văn Nhược đưa tới có hơn ba trăm lượng, cho nên năm nay tuy thu nhập từ điền tô giảm nhiều nhưng tiền chi tiêu trong nhà vẫn khá thoải mái.
Hai chủ tớ rẽ vào phố Thập Tự phủ Học Cung để mua một bộ “ Sử ký “ gồm một trăm ba mươi cuốn do Nam Kinh Quốc Tử Giám xuất bản. Bộ này là ba lượng tám tiền, có tặng kèm một cái kẹp sách bằng trúc. Mục Chân Chân cầm kẹp sách, gần bốn lượng bạc cơ à, tim nàng đập thình thịch. Trương Nguyên mở ô cho Mục Chân Chân, hai người trở lại dinh thự Đông Trương, Đại Thạch Đầu bẩm báo:
- Thiếu gia, có khách đến, đang ngồi ở sảnh, không có danh thiếp.
Trương Nguyên đưa ô cho Đại Thạch Đầu, đến gần cửa chính thì thấy một thanh niên mặc áo nho màu xanh đang đứng ở mái hiên của đại sảnh, thi lễ nói:
- Hoa Đình Dực Thiện, mạo muội đến thăm.
Trương Nguyên vui vẻ nói:
- Hóa ra là Dực huynh, lần trước gặp ở miếu Thủy Tiên Thanh Phổ, tại hạ cùng Dực huynh mới gặp mà như thân thiết từ lâu, hôm nay gặp lại thật sự rất vui mừng.
Dực Thiện vẫn như lần trước gặp mặt, cô độc, cũng không nói đến đây có chuyện gì. Trương Nguyên tất nhiên cũng không hỏi. Dực Thiện ở trên lầu nhỏ vườn sau nhà Trương Nguyên, cùng hắn đàm luận về văn chương, học thức của gã khiến Trương Nguyên kính nể. Đại huynh Trương Đại của hắn được cho là đọc nhiều sách vở nhưng so với Dực Thiện cũng không thể nào sánh bằng. Tuy nhiên, Đại huynh Trương Đại năm nay mời mười bảy tuổi còn Dực Thiện đã hai mươi bốn, hai lăm tuổi rồi.
Mặc dù không biết lai lịch của Dực Thiện, ngay cả tên Dực Thiện cũng là tên giả, nhưng điều đó không gây trở ngại cho tình bạn giữa Trương Nguyên và Dực Thiện, đây là bạn văn thuần túy, dùng văn học để giao tiếp, không để ý đến mặt khác. Dực Thiện thư pháp tinh diệu, sở trường là các loại thư thể nên gã làm văn bát cổ rất tốt, hắn nói với Trương Nguyên:
- Làm văn bát cổ có chín chữ quyết, lần lượt là “ Khách, chuyển, phản, hàn, thay, lật, thoát, bắt, rời “ . Cái gọi là ‘khách’ chính là khách trong khách, chủ trong khách, khách trong chủ, chủ trong chủ, chủ là gì? Chính là phá đề lập ý của bài văn. Khách là gì? Chính là bài văn được chỉnh sửa, thêm thắt, phát triển, nhưng trong chủ có khách, trong khách có chủ, lập luận chính diện là chủ, ngược lại thêm thắt vào là khách. Hai cái như gần như xa, giữ khoảng cách nhất định, lấy khách để hình dung chủ thì mới là bài văn tuyệt phẩm.
Trương Nguyên cảm thấy vô cùng hứng thú, thỉnh giáo tỉ mỉ, Dực Thiên cũng không giấu diếm gì, nói hết về ‘Cửu tự quyết’ để làm văn bát cổ. ‘Cửu tự quyết’ lại chính là biến đổi từ lý luận Thiện Tông. Dực Thiện còn nêu ví dụ minh họa, lúc đầu lấy “ Biểu trung quan bi “ của Tô Thức để phân tích đảo ngược ‘Cửu tự quyết’, nói rằng bài văn này của Tô Thức có dùng phương pháp chủ và khách. Trương Nguyên nghiêm túc trải nghiệm, cảm thấy Dực Thiện phân tích rất có lý, xưa nay rất nhiều nhà cổ văn nổi tiếng đều có dùng “ Cổ tự quyết “ . Như Tô Thức, mặc dù không biết “ Cửu tự quyết “ nhưng khi làm văn làm thơ đều có chỗ dùng tới, bởi vậy nói Dực Thiện có thể tổng kết được quả thật là kì tài. Trương Nguyên cũng đem những kỹ xảo viết văn học được từ Vương Tư Nhâm và lĩnh ngộ của mình, cùng Dực Thiện phân tích thảo luận, quả nhiên thấy những kỹ xảo này cũng trùng hợp với “Cửu tự quyết”, Dực Thiện nói:
- Không phải ai hiểu được “Cửu tự quyết” thì chắc chắn trở thành nhà văn lớn, trong đó điều tinh diệu là ở sự lĩnh ngộ của bản thân. Văn chương không phải là nghề thủ công, cho dù là những người thợ cùng học một thày, nhưng tay nghề cao thấp khác nhau, Giới Tử huynh chế nghệ hơn hẳn ta điều này thật sự không thể học được.
Trương Nguyên, Dực Thiện từng viết văn cùng đề, Dực Thiện viết bát cổ văn theo đúng quy củ, phương pháp chủ khách cũng có, nếu không so với của Trương Nguyên thì cũng được xem là văn hay, nhưng thiếu tính linh hoạt ở Trương Nguyên, hơi có chút gò bó. Trương Nguyên nói:
- Dực huynh khiêm tốn rồi, Dực huynh hiếu học suy nghĩ sâu xa, một người bình thường khó đạt đến, cùng đàm đạo một buổi với Dực huynh, tại hạ đã lĩnh hội được rất nhiều điều.
Dực Thiện ở lầu nhỏ vườn sau nhà Trương Nguyên ba ngày, sáng ngày mười chín tháng tám mới cáo từ Trương Nguyên, một thân một mình mang hành lý che dù lên đường. Trương Nguyên tiễn gã đến cầu Bát Sĩ, Dực Thiện muốn đi Hàng Châu, lúc sắp bước chân lên thuyền Dực Thiện hỏi:
- Giới Tử huynh cho ta là người như thế nào?
Trương Nguyên nói:
- Tài trí xuất chúng, suy nghĩ chín chắn, là bạn bè của ta.
Dực Thiện lại hỏi:
- Huynh có từng phỏng đoán về thân phận của ta không? Trương nguyên nói:
- Dực huynh thần bí khó đoán, nhưng tại hạ kết bạn chỉ luận nhân tài.
Dực Thiện mỉm cười:
- Có thể kết bạn với Giới Tử huynh là vinh hạnh của tại hạ, sau này còn gặp lại.
Nói rồi gã thu dù lại, cúi đầu vái chào rồi xoay người bước lên thuyền, mới đi vài bước mà áo xanh đã thấm ướt.
Trương Nguyên đứng bên cầu cất giọng nói:
- Dực huynh, về sau nếu cần tại hạ giúp gì cứ nói thẳng, tại hạ nhất định sẽ làm hết sức mình.
Dực Thiện ở mui thuyền xoay người nhìn Trương Nguyên nói:
- Đa tạ.
Trương Nguyên nhìn con thuyền ô bồng của Dực Thiện đi ra xa dần trong màn mưa thu dày đặc, thầm nghĩ:
- Dực Thiện vô cùng tài hoa nhưng hai đầu lông mày có khí uất ức, đây là điển hình người có tài nhưng không gặp thời, gã làm văn bát cổ rất tốt, rốt cuộc vì duyên cớ gì khiến gã không thể tham gia khoa cử? Hoa Đình Dực Thiện, Hoa Đình Dực Thiện, thật là kỳ quái.
Gần cuối tháng tám, sau hơn một tháng mưa dầm rốt cuộc trời cũng hửng nắng, nhưng lúc này mới trồng lúa thì không kịp, chỉ chờ thời tiết ổn định, đất đai khô ráo sẽ gieo lúa mì. Công việc cứu đói, giúp nạn thiên tai ở Phủ Thiệu Hưng cũng đang tiến hành, thiên tai lần này tạm thời chưa đến mức gây nạn chết đói.
Ngày mùng 1 tháng chín, Chung thái giám ở sở dệt Hàng Châu phái người đến đón Trương Nguyên đi Hàng Châu, nói là sinh từ Chung thái giám trên núi Bảo Thạch đã xây xong, đặc biệt mời Trương Nguyên đi một chuyến. Trương Nguyên xin phép mẫu thân, ngày hôm sau mang theo Mục Chân Chân và Vũ Lăng đáp thuyền quan của sở dệt đi Hàng Châu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT