Khi Kỷ Ức tròn mười sáu tuổi, do xảy ra quá nhiều chuyện nên cô vẫn chưa có dịp nào đi làm chứng minh thư. Mãi cho tới lúc sắp phải đăng ký nguyện vọng đại học cô mới nhớ ra. Có lẽ vẫn xong kịp trước khi hết hạn đăng ký, nhưng sẽ không kịp để đăng ký ngành Tiểu ngữ Đại học Bắc Kinh. Thế là cô bất đắc dĩ phải về nhà mượn sổ hộ khẩu của ông nội thêm một lần nữa.

Từ sau khi xảy ra vụ đánh nhau tập thể, cô đã giảm thiểu số lần trở về.

Quý Thành Dương dường như hiểu hết mọi suy nghĩ của cô, tối thứ Sáu anh đích thân đưa cô về nhà, nhưng để tránh lời ra tiếng vào, anh cũng về thăm anh trai, chị dâu và Noãn Noãn. Họ đã hẹn sau hai tiếng sẽ gặp nhau ở sân trường tiểu học ngày xưa, tức là vào lúc tám giờ tối. Kỷ Ức đến đó đúng hẹn, vừa hay trông thấy Noãn Noãn đang ôm cánh tay Quý Thành Dương tiễn anh ra cửa, lưu luyến không rời, khi trông thấy dáng lưng Kỷ Ức, Noãn Noãn liền gọi: “Tây Tây.”

Kỷ Ức quay đầu lại, làm ra vẻ rất bất ngờ.

“Đã bao lâu cậu không gặp chú út của tớ rồi?” Noãn Noãn cười tít mắt, “Nhanh qua đây nói chuyện với chú đi!”

“… Chú út Quý,” Kỷ Ức rất không thoải mái, “gần đây chú có bận không?”

Quý Thành Dương nhìn cô đầy bình thản: “Cũng hơi bận, hai đứa sắp thi đại học rồi, phải tranh thủ thời gian học hành nhé.” Anh lại đạo mạo dặn dò thêm mấy câu, chủ yếu là nói chuyện với Noãn Noãn, cuối cùng Noãn Noãn không chống đỡ được nữa liền đẩy mạnh Quý Thành Dương: “Chú đi nhanh đi, đi nhanh đi. Cháu bảo chú nói chuyện với Tây Tây cơ mà, sao lại thành hội phê bình cháu rồi?”

Kỷ Ức không nhịn được phải bật cười.

Cô trông thấy anh rút chùm chìa khóa màu đen ra, trong màn đêm, chiếc xe hú còi một tiếng khi anh mở khóa cửa. Sau đó anh ngồi lên xe, lái đi thẳng.

Noãn Noãn biết Kỷ Ức đã không còn thường xuyên về nhà ông nội ở, thấy cũng đã hơn tám giờ bèn giục cô mau mau về trường: “Trời tối lắm rồi, sáng mai tớ sẽ đến tìm cậu để nghe kể về tình hình đăng ký khoa Tiểu ngữ, giờ thì mau về đi!”

Kỷ Ức gật đầu, cô đeo ba lô đi vào trong màn đêm, cũng coi như đã thoát được thân.

Cô hơi chột dạ, đi được một lát bèn quay đầu lại, xác định Noãn Noãn đã đi vào bên trong mới dám rẽ vào vườn hoa cạnh tòa nhà.

Cô đi đường này trong bóng đêm nhất định sẽ không bị ai trông thấy, sau khi đi qua mấy hành lang ngoằn ngoèo sẽ đến chỗ vốn là trường mẫu giáo ngày xưa, mà bên cạnh trường mẫu giáo chính là trường tiểu học mà cô đã từng theo học.

Quý Thành Dương đỗ xe ở bến xe cũ, còn Kỷ Ức thì đi bộ sang, vừa hay gặp cô rẽ ra từ vườn hoa.

Hai người họ đi về phía đối phương trên con đường chỉ có bùn nước dưới ánh đèn đường vắng vẻ và cùng dừng lại trước cánh cổng sắt của trường tiểu học. Không biết tại sao, khi cô đi từng bước tiến tới, cứ như đang tới gần một giấc mộng không thể thành.

Theo tình hình chạy ư?



Kỷ Ức nhìn những đường nét trên gương mặt anh dưới ánh đèn đường, nhìn người đàn ông đã có thể coi như có cuộc đời thành đạt này, cô ấp ủ một tình cảm quyến luyến yêu thương rất đơn thuần, là thứ tình cảm thích nhưng không dám mơ tưởng chiếm hữu. Bỗng nhiên cô rất sợ anh sẽ biết.

“Trường tiểu học này không có ai à?” Quý Thành Dương giơ tay đẩy cánh cổng sắt ra.

“Đúng vậy, em nghe nói phụ huynh đều cho rằng thầy cô giáo của trường này không giỏi nên đã gửi con đến trường khác học, vì vậy trường tiểu học này đã bị đóng cửa.”

Kỷ Ức cũng là do nghe người nhà trò chuyện mới biết.

Cánh cổng này vĩnh viễn không bao giờ khóa, nơi này trở nên hoang phế như vậy cũng là vì lý do này.

Sân trường rất nhỏ, bên tay trái là đường chạy bốn trăm mét trải dài xung quanh sân bóng rổ và mấy bàn chơi bóng bàn, xà ngang, xà kép. Ở chính giữa là sân thể thao với những cột cờ trơ trọi. Bên tay phải là một hàng những cánh cửa màu xanh lục, đó là các lớp học.

Những phòng học cũng rất nhỏ.

“Hồi anh còn sống ở đây, người ta vẫn chưa mở trường tiểu học và trung học cho con em bộ đội.” Quý Thành Dương vừa nhớ lại vừa nói, “Có lẽ khi ấy chẳng có ai có nhu cầu này, nên chỉ xây mỗi trường mẫu giáo. Nhưng bây giờ lại đóng cửa hết rồi, xem ra chỉ có những đứa trẻ sinh từ năm 80 trở đi mới được hưởng thụ những phúc lợi này.”

Cô suy nghĩ, cảm thấy rất thú vị: “Tức là ngay từ nhỏ, anh đã được ra ngoài học rồi ư? Thích ghê!”

“Với con trai thì cũng được,” Quý Thành Dương đáp, “nhưng con gái lúc nhỏ vẫn nên ở trong môi trường đơn giản dễ chịu thì hơn.”

Anh vừa đi vừa ngắm ngôi trường tiểu học của cô.

Tường bao xung quanh trường tiểu học của viện rất đơn giản, chỉ cao bằng một người đã trưởng thành, hơn nữa cũng chỉ được dựng bằng hàng rào sắt. Ngày xưa mỗi khi anh đi ngang qua đây đều có thể trông thấy những đứa trẻ đang trong giờ thể dục, nếu sớm hơn một chút, thậm chí còn thấy mấy chục đứa trẻ đứng trên sân, cao giọng hát quốc ca.

Lúc ấy, anh vẫn chưa cảm thấy có gì khác biệt.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ trong số đó đã từng có cả Kỷ Ức, cô bé nhỏ người, chắc chắn sẽ được đứng đầu hàng.

Kỷ Ức đi ngang qua những hàng bạch dương xanh mượt trước dãy lớp học, nhảy lên những bậc thềm: “Ở đây mỗi khối chỉ có một lớp, mỗi lớp khoảng tám, chín học sinh. Đến giờ chào cờ, toàn trường cũng chưa đủ sáu mươi người.”

Khi đi tới lớp học thứ tư, Kỷ Ức phát hiện ra những cửa sổ bên trong đều được dán kín lại bằng báo.

Cô đứng trước cửa lớp học, chạm lên lỗ hỏng phía trên cửa. Chỉ có lớp mà cô đã từng học mới có vết nứt như thế này. Ngón tay cô khe khẽ lướt qua, cô bỗng nhớ đến những ngày tháng vô lo vô nghĩ khi ấy. Cũng giống như lời mẹ Noãn Noãn đã kể, hồi nhỏ khi ông nội đưa Kỷ Ức đến kiểm tra vào lớp một, lúc ấy cô vẫn còn quá nhỏ, rất căng thẳng, đến mức hiệu trưởng trường tiểu học hỏi cô rằng thủ đô của Trung Quốc là nơi nào, cô liền đứng đực mặt ra, hoàn toàn là bộ dạng ngơ ngác đầu óc trống rỗng vì sợ hãi.

Cũng may, điệu nhảy Tân Cương của Kỷ Ức cuối cùng đã chinh phục được hiệu trưởng, và cô được phép nhập học. Hồi ấy quả thật cô rất ngốc nghếch, hoàn toàn không giống với những đứa trẻ bây giờ, mới mấy tuổi đầu đã biết lên mạng một cách thuần thục. Ông nội lúc ấy còn cười ha hả, bảo rằng không sao không sao, thế nhưng bây giờ… Khi nãy cô về đến nhà, ông nội có ra vào mấy lần nhưng chẳng hề nói với cô lấy một câu.

Mẹ Noãn Noãn nói quả là cực kỳ chính xác, khi già rồi, tính khí con người cũng sẽ thay đổi.

Nếu như… tình cảm giữa người với người vĩnh viễn có thể không thay đổi, mà cứ dừng lại mãi ở thời điểm tuyệt đẹp nhất thì tốt biết bao.

“Em có muốn vào trong không?” Giọng nói của Quý Thành Dương như từ trên trời truyền xuống, kéo cô quay lại với hiện thực.

Cô nhìn anh bằng ánh mắt sáng lấp lánh, đầy mong chờ.

Quý Thành Dương cúi đầu, lôi một con dao quân đội của Thụy Sĩ màu đỏ có khắc chữ “Thập” nhỏ ra, nắm trong lòng bàn tay và lựa chọn sử dụng những công cụ có sẵn trên con dao ấy, ngang nhiên coi việc phá khóa nhẹ tựa lông hồng. Kỷ Ức thở thật khẽ, cô căng thẳng quan sát xung quanh, chỉ sợ có binh lính tuần tra trong viện đi ngang qua nhìn thấy cảnh này.

Dường như đã tìm ra được thứ thích hợp nhất, anh cắm đầu bạc của công cụ ấy vào trong lỗ khóa.

Chỉ khoảng hai, ba giây sau liền vang lên tiếng ổ khóa chuyển động…

Quý Thành Dương rút con dao quân đội về, dùng tay giữ lấy cánh cửa và chầm chậm mở ra.

Theo đà cánh cửa mở, ánh trăng cũng chầm chậm chiếu vào căn phòng tối đen như mực.

Kỷ Ức đứng trên bậc thềm trước cửa lớp, nhìn vào cánh cửa màu xanh lục có một lỗ hổng lớn rồi lại nhìn vào căn phòng tối đen, cô thoáng sững sờ. “Tách” một tiếng, bên cạnh đã xuất hiện một ngọn lửa nhỏ, nghiêng nghiêng ngả ngả bên cạnh ngón tay của Quý Thành Dương, chiếu sáng cả căn phòng.

“Mau mau tắt lửa!” Kỷ Ức kéo tay anh, hạ thấp giọng nói, “Trong trường vốn không có đèn nên tối đen, nếu như chúng ta phát ra ánh sáng để binh lính đi tuần nhìn thấy thì phiền phức lắm.”

Con trai út nhà họ Quý dẫn cháu gái trưởng nhà họ Kỷ… phá khóa chui vào lớp học ở trường tiểu học…

Nếu như bị phát hiện, thì đúng là mất mặt quá chừng.

Quý Thành Dương mất một giây mới thả ngón tay cái ra.

Chiếc bật lửa lập tức tắt ngấm.

Bởi vì đã bật lửa lên suốt mấy chục giây nên cũng hơi nóng, anh ném nó qua lại trong lòng bàn tay một lúc mới nhét lại vào trong túi quần.

Kỷ Ức đã đi vào bên trong lớp học, trong này quả thật rất tối, nên cô đành phải xé rách miếng giấy báo che cửa sổ xuống.

Chỉ tiếc là cô xé quá nhanh nên quên mất việc nơi này đã bị đóng cửa hơn nửa năm, chỗ nào cũng phủ kín những bụi. Quý Thành Dương bị sặc bụi ho đến cau mày nhíu mặt, anh kéo cô đến bên cạnh mình để tránh khỏi những hạt bụi đang tung bay.

Kỷ Ức cũng ho, cùng anh lùi lại ra cửa rồi hết sức phấn khởi chỉ vào chỗ ngồi thứ hai ở hàng đầu, nói: “Ngày xưa em ngồi ở chỗ này đấy!”

Cô có vẻ không mấy cam tâm nên oán thán, “Em ngồi ngay trước mặt thầy giáo nên có muốn ngủ cũng chẳng được, từ nhỏ tới lớn lúc nào cũng ngồi bàn đầu, chưa từng được ngồi ra phía sau.”

Quý Thành Dương đánh giá thật kỹ bộ bàn ghế nho nhỏ ấy dưới ánh trăng, rồi mỉm cười, “Tại sao thế? Vì cô giáo thích em nhất à?”

“Không phải… Vì em thấp quá, nếu ngồi đằng sau thì không nhìn thấy chữ trên bảng.”

Quý Thành Dương cũng cười, đáp án giống hệt với suy nghĩ của anh.

Tất cả những chuyện đã qua khi đến tai Quý Thành Dương cứ như có người đang lật lại từng trang trong album ảnh thời niên thiếu của Kỷ Ức cho anh xem, những bức ảnh đã ố vàng, nhuốm màu năm tháng, cũ kỹ xa xưa.

Anh tiếp tục quan sát, hỏi: “Hồi nhỏ em có chụp nhiều ảnh không?”

Anh nhớ hằng năm, cứ đến sinh nhật là Noãn Noãn sẽ chụp ảnh để ghi lại dấu vết trưởng thành từ nhỏ tới lớn.

“Không ạ, em không thích chụp ảnh.” Kỷ Ức mỉm cười đi lên bục giảng, cô chợt phát hiện ra trong chiếc khay gỗ bên dưới tấm bảng đen vẫn còn mấy viên phấn: “Hình như… em chỉ có mỗi ảnh hồi mới biết lẫy và mấy tấm lúc ba, bốn tuổi. Tấm nào em cũng đều mặc quân phục cả, còn đội cả mũ nữa nên trông càng giống con trai.”

“Thế lúc em đi biểu diễn khi trước thì sao?” Quý Thành Dương nhớ đến lần đưa cô đi biểu diễn, vậy mà anh lại quên không chụp ảnh cho cô, “Không ai chụp cho em à?”

“Hình như là có thì phải… nhưng toàn là ảnh chụp tập thể thôi.” Cô nhặt viên phấn trong đám bụi lên, gạch một nét phẩy trên tấm bảng đen: “Chỉ có duy nhất năm anh đưa em đi biểu diễn là em nhảy điệu hai người, sau này em không nhảy thêm lần nào nữa.”

Cô vừa nói, vừa vẽ thêm một nét ngang, nhưng cô giật mình sững lại.

Đằng sau lưng, đôi mắt của Quý Thành Dương cũng lộ ra dưới chiếc mũ lưỡi trai, cả người anh đều bất động trong bóng tối, anh nhìn nét chữ cô vừa viết.

Kỷ Ức cũng ngơ ngác sững sờ.

Trời ơi, mình đang viết cái gì thế này?

Quen tay quá rồi.

Cô đã hình thành thói quen, chỉ cần cầm bút lên là sẽ viết tên anh trên giấy, cứ như đó là thói quen đã có từ khi sinh ra vậy. Thỉnh thoảng khi đi mua bút nước với Noãn Noãn, cô đều có thói quen viết chữ “Quý” để thử ngòi bút. Lần nào Noãn Noãn cũng cười trêu rằng Kỷ Ức đúng là tình yêu đích thực của cô bé, vì Kỷ Ức không viết chữ “Kỷ” trong tên mình mà lại viết chữ “Quý” trong Quý Noãn Noãn.

Chỉ có cô biết rằng, chữ Quý mà cô viết là họ của anh.

Đầu phấn ngừng lại trên bảng mất mấy giây.

Cô khẽ cắn môi, vờ như không hề để tâm, rồi ném viên phấn xuống dưới chân.

Làm ơn, đừng để anh ấy trông thấy những nét cô vừa viết, làm ơn đừng… nếu như anh ấy trông thấy thì…

Suy nghĩ này cứ điên cuồng vươn lên từ một góc trong tim, và dần dần vươn rộng, siết chặt lấy trái tim cô.

Thấp thỏm và mong chờ, hai thứ cảm xúc ấy cứ giằng xé, khiến trái tim cô trở nên thật nặng nề. Trong trái tim ấy chứa đựng quá nhiều tình cảm, khiến hít thở cũng trở nên khó khăn.

“Sắp chín giờ rồi đấy.” Giọng nói của Quý Thành Dương vang lên, nói cho cô biết.

“Vâng.” Bỗng nhiên cô không dám quay người lại, thấp thỏm đến rối tung rối mù.

Cuối cùng Quý Thành Dương đến gần và bước lên bục giảng.

Anh cũng nhặt một viên phấn màu vàng trong đám bụi, xoay trong tay, có vẻ như đang định viết gì đó. Cô nhìn anh trong ánh trăng, giữa những làn bụi bay trong ánh sáng bàng bạc ấy, tim cô đập điên cuồng, nhưng vẫn không dám nói thêm lời nào, mà chỉ nhìn chằm chằm vào chiếc khuy thứ ba trên áo sơ mi của anh, rồi khẽ thở hắt ra một hơi.

Cô cảm thấy tất cả mạch máu trong người đều đang chảy rần rật, không thể nào dừng lại được.

Có âm thanh của viên phân di chuyển trên tấm bảng đen.

Quý Thành Dương không nói lời nào, anh nương theo nét phấn của cô khi nãy để viết nốt họ của mình, sau đó đầu phấn hơi nhấc lên một chút, chỉ vài nét đã hoàn thành một chữ khác. Quý Thành Dương dùng hai ngón tay xoay viên phấn nhỏ màu vàng trong tay rồi cúi xuống nhìn cô. Anh trông thấy hàng tóc mái hơi thưa trên trán cô, dường như cô vừa khẽ thở dài. Tiếng thở dài ấy có tình cảm muốn che giấu, vẻ như rất nhẹ nhưng cũng vô cùng nặng nề.

“Có phải em định viết hai chữ này không?”

Hai chữ ư?

Cô ngẩng đầu lên.

Dưới ánh trăng, trên tấm bảng đen, quả thật có hai chữ được viết bằng những nét rất đẹp và mạnh mẽ:

Là… “Quý” và “Kỷ”.

Hai chữ, “Quý” và “Kỷ”.

Cô nhận ra một sự tình cờ rất kỳ diệu, hai chữ này đều có nét phẩy và nét ngang, chỉ khác ở chỗ là một chữ phải viết hai nét đó liền nhau, một chữ phải viết tách ra. Hai chữ ấy được viết trên tấm bảng đen trong lớp học ở trường tiểu học của cô. Trên tấm bảng đen đã từng viết biết bao từ mới tiếng Anh, công thức toán học, vậy mà bây giờ chỉ có họ của anh và cô.

“Ừm.” Kỷ Ức khẽ thở hắt ra một hơi, cảm thấy tim mình đập đến nhói đau, “Em… đúng là định viết hai chữ này.”

Quý Thành Dương bật cười, anh đặt viên phấn vàng vào lại trong hộp, rồi giơ tay lên.

Anh đang xem giờ.

Cô rất quen thuộc với động tác này, nên cũng bắt đầu tìm kiếm giẻ lau bảng để phối hợp với ý định của anh. Nhưng cô không tìm thấy, sao lại chỉ có phấn mà không có giẻ lau chứ? Cô quay người định lục tìm trong ngăn bàn nhưng bị Quý Thành Dương kéo lại: “Không phải lau đâu, lát nữa anh sẽ khóa cửa lại là chẳng ai nhìn thấy được.”

Không lau ư?

Nhưng mà…

Quý Thành Dương vỗ nhẹ vào lưng cô, tỏ ý rằng cô có thể đi được rồi. Kỷ Ức rất thấp thỏm, cuối cùng cô liếc nhìn lại hai chữ trên bảng thêm một lần nữa rồi mới ngoan ngoãn vâng lời anh rời khỏi phòng học này. Quý Thành Dương sập cửa lại, khóa chốt, tất cả mọi thứ xảy ra ngày hôm nay là một bí mật, được cất giấu đằng sau cánh cửa này.

Quý Thành Dương lái xe đưa cô về đến trường Phụ Trung đã là chín giờ tối.

“Anh đưa em đến cổng trường nhé!”

Kỷ Ức suy nghĩ rồi lắc đầu đáp: “Em đi bộ về trường, cầu vượt và đường ở khu này rất đông đúc, an toàn lắm.”

Kỷ Ức nhảy xuống khỏi xe, vòng sang cửa sổ xe bên phía anh để chào tạm biệt, sau đó cô đeo ba lô, một mình đi lên cầu vượt. Anh gác tay lên khung cửa sổ đã được hạ hết kính xuống, nhìn cô bước từng bậc cầu thang sơn đỏ lên cầu vượt, sau đó là chậm rãi vượt qua những sạp hàng tạp hóa, búp bê, băng đĩa, mắt nhìn thẳng về phía trước.

Nhưng cũng không hẳn là nhìn thẳng về phía trước, vì cô thường xuyên quay đầu nhìn về phía này, về vị trí nơi chiếc xe của anh đỗ.

Quý Thành Dương bỏ mũ xuống, ném sang chiếc ghế lái phụ bên cạnh, những ngón tay gõ từng nhịp lên lớp vỏ kim loại bên ngoài thành xe.

Đối với những người phải trải qua mưa bom bão đạn, con đường họ phải đi qua trong một năm sẽ rất vất vả, có khi còn tương đương với mười năm cuộc sống của người bình thường, thậm chí là hai mươi năm. Anh hy vọng nhìn thấy hòa bình, hy vọng tất cả thương vong trên thế giới đều không dính dáng tới chiến tranh bom đạn, anh hy vọng sẽ có ngày những hình ảnh trong ống kính máy ảnh của mình đều chỉ là những khung cảnh giản đơn mà hạnh phúc.

Ví dụ như, giây phút này đây.

Cô bé vẫn chưa trưởng thành mà anh yêu, đang đi trên một chiếc cầu vượt rất bình thường tại Bắc Kinh, và liên tục nhìn trộm về phía anh.

Quý Thành Dương nhìn Kỷ Ức khuất bóng sau ngã rẽ mới rời đi. Nửa tiếng nữa anh phải đến đài truyền hình họp định kỳ, sau khi họp theo đúng thông lệ và đùa cợt vài câu, mọi người sẽ về chuẩn bị những công việc tiếp theo. Quý Thành Dương ra khỏi cửa, vừa xuống được hai bậc cầu thang đã bị người khác gọi giật lại.

Lưu Vãn Hạ nhanh chóng ra khỏi cửa kính, đi tới: “Trời ơi, tớ chạy theo cậu nãy giờ, gọi ba, bốn tiếng mà cậu chẳng hề nghe thấy.”

Có người đi ngang qua chỗ họ đều sẽ mỉm cười chào hỏi Lưu Vãn Hạ. Tính cách cô ôn hòa lại nhiệt tình, những người như thế này nếu có một gương mặt xinh đẹp đoan trang thì đến đâu cũng sẽ được hoan nghênh. Quý Thành Dương nhớ, từ hồi cấp ba, cô đã là nhà lãnh học bổng chuyên nghiệp, có điều tuy là bạn cấp ba với nhau, nhưng hai người họ không hề thân thiết.

Lưu Vãn Hạ đi tới, mỉm cười kể cho anh nghe những chuyện thú vị vừa gặp phải khi nãy. Dường như bất cứ chuyện gì dưới cách miêu tả của cô cũng đều trở nên sinh động và thú vị, quả nhiên là có tư chất trời sinh để làm phát thanh viên.

“Tớ nghe nói cậu sẽ tham dự một chương trình trò chuyện?” Lưu Vãn Hạ khoác túi trên tay, sánh bước cùng anh ra chỗ để xe. Quý Thành Dương rất kinh ngạc, chuyện này mới được quyết định khoảng vài tiếng đồng hồ trước thôi mà: “Tớ đúng là vừa đồng ý một chương trình, cơ bản là vì chủ đề của họ xoay quanh các phóng viên mặt trận, ngoài ra họ còn mời mấy vị tiền bối mà tớ rất kính trọng nữa.”

Lưu Vãn Hạ cười: “Nhắc đến mặt trận mới nhớ, thế cậu dự định thế nào? Đâu thể cứ chạy ra chiến trường suốt đời được?”

“Tạm thời tớ vẫn chưa có dự định khác.” Việc mà anh làm vốn dĩ không cần phải lên kế hoạch nghề nghiệp lâu dài. Một khi đã lựa chọn chiến trường, có nghĩa là anh sẽ không quá cân nhắc đắn đo về những vấn đề thực tế, như lương thưởng hằng năm, hay thăng chức và vô vàn vấn đề khác.

“Đây có phải là… chủ nghĩa anh hùng được di truyền trong gia đình cậu không vậy?”

Quý Thành Dương cười.

Anh chỉ về phía xe của mình: “Xe tớ đây rồi.”

Lưu Vãn Hạ “À” lên một tiếng, ngỡ ngàng vì mình đã ra khỏi đài truyền hình được cả một đoạn dài thế này, đi theo anh tới tận bãi đỗ xe ở khu nhà lân cận… “Sao tớ lại tới đây thế này? Hôm nay tớ đâu có lái xe đi làm!” Cô cười, nhìn Quý Thành Dương đầy thẳng thắn: “Chỗ tớ định đến rất gần nhà cậu, cũng ở phía bắc đường vòng ba*, cậu thuận đường cho tớ đi nhờ với nhé?”

*Đường ở Bắc Kinh được chia thành nhiều vòng, vòng lớn ở bên ngoài, vòng càng nhỏ càng gần trung tâm.

Quý Thành Dương không thấy có vấn đề gì, anh rút chìa khóa ra khỏi túi quần và ra hiệu cho cô lên xe.

Lưu Vãn Hạ rất để tâm đến kế hoạch công việc tương lai của người bạn học này, khi xe đi trên con đường lớn rộng rãi, cô liền bắt đầu phân tích tình hình đài truyền hình mà anh chưa biết. Quý Thành Dương biết ý tốt của Lưu Vãn Hạ nên cũng dễ dàng nhận ra ý tứ muốn tiến thêm một bước thoảng qua như có như không trong đáy mắt Lưu Vãn Hạ mỗi khi nói chuyện với anh.

Không phải Quý Thành Dương không biết tâm tư của cô.

Có người thích từ tốn lên kế hoạch từng bước cho cuộc sống của mình, họ thường mang những thứ rất cụ thể như: Tại đô thị hòa bình thì thích tính cách điềm tĩnh hay là hướng ngoại? Bố mẹ đối phương có mạnh khỏe hay không? Họ hàng trong nhà có ai là gánh nặng, có ai nhờ vả được không? Công việc của đối phương có ổn định không, có khả năng phát triển không… để so đo tính toán lựa chọn tình yêu cho mình, hoặc, nói thẳng ra là để lựa chọn bạn đời.

Chuyện này không có gì sai.

Cũng giống bây giờ, trong lúc này, anh có thể cảm thấy cô gái xinh đẹp bên cạnh đang dùng phương thức lý tính nhất để suy nghĩ về một công việc ổn định trong tương lai cho anh. Quý Thành Dương trước nay chưa hề bài xích những người theo chủ nghĩa hiện thực, nhưng anh vẫn luôn kiên trì làm một người theo chủ nghĩa lý tưởng. Thế giới này có hiện thực đến cực hạn thì cũng có lý tưởng cực hạn.

Cho dù những người theo chủ nghĩa lý tưởng chỉ có một phần mười triệu, thì ý nghĩa tồn tại của nó cũng đủ để vượt xa chiều dài sinh mạng.



Quý Thành Dương nhìn tình hình giao thông qua gương chiếu hậu rồi đánh vô lăng, dừng lại trước cầu Đầm Tích Thủy: “Con đường trước khu nhà tớ vắng vẻ lắm nên rất khó gọi xe, tớ thả cậu xuống đây sẽ tiện cho cậu hơn.”

Lưu Vãn Hạ thoáng gượng gạo, căn cứ vào tư duy của người thường, nếu như cô đã nói rằng nơi mình muốn đến rất gần với nhà anh, thì Quý Thành Dương lẽ ra nên lịch sự hỏi rõ địa chỉ, để cho đúng với phong thái đàn ông thì anh nên đích thân đưa cô về mới phải. Những suy nghĩ này lướt qua rất nhanh chóng trong đầu Lưu Vãn Hạ, cô mỉm cười, cởi đai an toàn, động tác hơi chậm chạp.

Cậu bạn thiên tài hay ngồi ở hàng cuối cùng những năm cấp ba này đúng là lúc nào cũng khác biệt, ít nhất là đến bây giờ vẫn vậy.

“Nhà dì tớ ở khu này, nên tớ sẽ ngủ lại đó một đêm.” Giọng nói của Lưu Vãn Hạ dịu dàng mềm mỏng, “Tớ nhớ đám Thượng Khoa cũng sống ở gần đây, hay là trưa mai, mấy người bạn học cũ chúng ta tụ tập đi ăn một bữa nhỉ?”

Ánh đèn trong xe rất ấm áp, khiến đôi mắt anh trở nên trong veo, sáng ngời.

Anh mỉm cười, một nụ cười thật lòng rất hiếm hoi: “Ngày mai có lẽ tớ chẳng có thời gian rảnh, tớ phải đưa bạn gái đi đăng ký nguyện vọng đại học.”

Anh cũng không rõ tại sao mình lại nói ra chuyện này. Có lẽ vì phong thái lúc xa lúc gần sợ bị nhìn thấu nhưng lại không kìm được muốn thân cận của Lưu Vãn Hạ, khiến anh bỗng cực kỳ nhớ cô bé lúc tối cũng vừa ngồi ở vị trí này, sau khi tháo dây đai an toàn và xuống xe, còn cố tình vòng sang chỗ cửa sổ bên phía anh để chào tạm biệt.

Có những sự cố ý, vô cùng kỳ diệu, nhưng lại có những sự cố tình khiến người ta cảm thấy nhàm chán đơn điệu.

Tiêu chuẩn đánh giá này không có liên quan đến bất cứ thứ gì, chỉ duy nhất liên quan đến việc người bạn yêu là ai.

Ngày hôm sau Kỷ Ức dậy rất sớm, cô đặt gương ra ngoài ban công, chải đầu rất chăm chú, kỹ lưỡng soi gương mặt mình, cuối cùng mới chầm chậm thở hắt ra một hơi. Sao cô lại căng thẳng thế này nhỉ?

Ân Tình Tình bê chậu nước và khăn mặt đi vào, thấy vậy thì rất hớn hở: “Cậu căng thẳng gì thế? Mới chỉ là đăng ký thôi mà? Đã thi thật đâu mà tim đập như sấm rền thế này?”

Kỷ Ức thở dài: “Không biết nữa.”

Lúc nói những lời này, cô cũng không chắc chắn lắm.

Ngay cả khi đoàn nhạc đi biểu diễn cô cũng không thấy thấp thỏm, lo lắng thế này.

Đến tận khi đã ngồi lên xe của Quý Thành Dương, cô vẫn có cảm giác như thế, cô đưa mắt nhìn ra khung cảnh đường phố bên ngoài. Nắng vàng rực rỡ, những con người và cảnh vật cứ lướt qua ngoài cửa sổ như nước chảy mây trôi, cô áp mặt vào lưng ghế, thẫn thờ một lát thì chợt phát hiện ra một điểm khác lạ.

Cô len lén dí mũi vào lưng ghế và ngửi thấy… một mùi hương cực kỳ ngọt ngào.

Cô đã quá quen thuộc với vị trí này, nên chỉ cần một chút thay đổi cũng có thể nhận ran gay, nhất là khi mới chỉ cách có một buổi tối. Kỷ Ức tiếp tục nhìn ra ngoài cửa sổ, cô bất giác tưởng tượng về chủ nhận của mùi hương này, tâm trạng chầm chậm trở nên suy sụp hơn.

Quý Thành Dương đỗ xe ở gần đó, định đưa cô vào trong.

“Để em tự vào.” Kỷ Ức nói, “Em thường đến đây chơi, nên biết Hồng Lầu nằm ở đâu.”

Quý Thành Dương suy nghĩ thấy cũng không có vấn đề gì: “Anh đi mua ít đồ, em tự mình vào đăng ký nhé, lát nữa anh sẽ đứng ở bên ngoài Hồng Lầu đợi em.”

Kỷ Ức đáp: “Ừm.”

Cô xuống xe, men theo con đường thẳng trước cổng để đi vào trong.

Tuy thỉnh thoảng cô vẫn đến đây chơi, nhưng bây giờ, với tư cách là một người muốn được nhập học, tâm trạng cô hoàn toàn khác hẳn. Lần đầu tiên tới đây, cô thấy nơi này không có gì khác biệt so với đại viện mình ở. Cả hai bên đều có tường rào, che kín những cảnh sắc bên trong. Hoặc có thể nói rằng, nơi này chẳng khác công viên là bao.

Nhưng đến bây giờ thì khác hẳn.

Cô muốn thông qua nơi này để có thể đến gần anh hơn một bước.

Những người đến đăng ký đã xếp thành một hàng dài, Kỷ Ức đứng ở cuối hàng, chưa đầy một phút, sau lưng đã thêm đến hai mươi mấy người.

Cô nhìn ra đằng sau rồi lại nhìn lên phía trước, bất chợt trông thấy bạn học cùng trường khác lớp tại trường Phụ Trung.

Bạn học kia trông thấy cô, phụ huynh đi cùng cũng trông thấy cô.

Kỷ Ức thuộc đoàn nhạc của trường, lại là học sinh lớp Thực nghiệm, đôi khi trong buổi họp phụ huynh toàn khối, cô sẽ được xướng tên để biểu dương khen thưởng, hầu hết các học sinh và phụ huynh cùng khối đều biết đến tên cô.

Cô bỗng thấy hoảng hốt, trong giây lát chợt nhớ ra một chuyện.

“Đó chẳng phải là học sinh gây ra vụ đánh nhau tập thể ở trường con ư?” Phụ huynh bạn học kia cúi đầu hỏi con mình, “Sao vẫn chưa bị đuổi học?”, “Bạn ấy à…” Người bạn đó trả lời rất thật thà, “Mẹ nhỏ tiếng thôi, bạn ấy chỉ bị trừ điểm thi đua, con nghe nói là được hiệu trưởng đặc cách.”

Dì đó liền nhíu mày, có vẻ không hiểu nổi. Đúng lúc đó có mấy vị phụ huynh đứng đằng sau lưng cũng tò mò hỏi chuyện, dì liền ngắn gọn giải thích vài câu: “Ẩu đả tập thể, đánh gần chết một học sinh, nghe bảo hôm ấy cả thầy lẫn trò đều sợ chết khiếp, trường Phụ Trung bao nhiêu năm qua nào có xảy ra chuyện bạo lực như thế bao giờ. Tôi cứ ngỡ loại học sinh như thế phải bị đuổi học từ lâu, nào ngờ trường vẫn còn giữ lại… Chẳng phải các trường đại học trọng điểm đều không nhận những học sinh có quá khứ không tốt sao?”

Tất cả mọi ánh mắt của phụ huynh, học sinh đều hướng hết về phía cô.

Tò mò có, quan sát có, nhìn trực tiếp có mà né tránh lén lút nhìn cũng có.

Trong giây lát cô đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.

Hàng dài như thế này, đông người đến vậy, cô càng ngày càng cảm thấy không thể nào chịu nổi.

“Phải rồi, cho dù có đăng ký và thi đỗ thì đến lúc nhận hồ sơ vẫn sẽ bị trả lại thôi.”

Cô cúi đầu, đó không phải là sự thật, cô không đánh nhau tập thể, cô cũng là người bị hại, những điều họ nói đều không đúng… Nhưng đó lại là một sự thật khác, người bị xử phạt quả thực chính là cô.

Tay trái Kỷ Ức siết chặt lấy bàn tay phải.

Đánh nhau tập thể không phải là sự thật, nhưng cô bị trừ điểm thi đua trong hồ sơ thì đúng.

Cô quên mất điểm này nên mới đến đăng ký, cho dù có qua được kỳ thi viết thì sang đến vòng hồ sơ, trường cũng sẽ từ chối cô. Phải… đến trước khi thi đại học, cô mới được điền một bộ hồ sơ mới.

Thầy hiệu trưởng đã hứa rằng, chỉ cần cô ngoan ngoãn an phận không gây chuyện thì trước khi thi đại học, cô sẽ có một bộ hồ sơ học bạ mới và sạch sẽ. Nhưng điều đó có nghĩa là, cô đã không còn hy vọng gì đối với những chuyên ngành chiêu sinh sớm như thế này.

Quá nhiều lời nghị luận và ánh mắt, quá nhiều những câu hỏi tò mò, cuối cùng khiến thầy giáo phụ trách trật tự đăng ký cũng phải đi ra để hỏi thăm tình hình.

Cô nghe thấy có người trả lời.

Cô nghe thầy giáo đó “À” lên một tiếng rồi lẩm bẩm: “Học sinh với tình hình như vậy, dù có đăng ký mà hồ sơ học bạ bị ghi trừ thi đua thì trường chúng tôi quả thật cũng không thể nhận được.”

Cô không thể nghe tiếp được nữa, hai tay siết chặt lấy quai ba lô khi rời khỏi đội ngũ đến đăng ký này. Cô đi men theo hồ nước không rõ tên, muốn ra khỏi đây, rời khỏi sân trường này, nhưng cô đi được một lát liền dừng lại, vì không biết phải đi về đâu.

Tiết trời tháng Năm đã xen lẫn cảm giác nóng rực đầu hạ.

Kỷ Ức không biết mình đã lạc vào nơi nào, xung quanh cô có rất nhiều thanh niên nam nữ, có người mặc áo phông cộc tay, có người mặc áo sơ mi dài tay, nhưng vì quá nóng nên cũng xắn gấu tay áo lên. Lúc này cô mới cảm thấy nóng, cô đang mặc đồng phục trường Phụ Trung, lại là đồng phục mùa thu, lưng đã ướt đẫm, trên trán cũng đầy mồ hôi.

Mãi cho tới khi cô nhìn thấy, Quý Thành Dương đi về phía mình.

“Em đăng ký xong rồi à?” Anh hỏi.

Cô nhìn anh, sống mũi cay cay. Không lên tiếng bởi vì sợ chỉ cần cất lời nói là cô sẽ lập tức òa khóc.

Quý Thành Dương rất nhạy cảm nên nhận ra sự bất ổn của cô, anh không nói gì mà chỉ nắm tay dắt cô ra khỏi đây. Anh đỗ xe ở một con đường bên ngoài cổng Nam: “Em ở đây đợi anh, không được đi đâu hết, anh đi lấy xe.”

Kỷ Ức không lên tiếng, anh cũng không dám cứ động.

Mãi một lát sau cô mới mở lời, nghẹn ngào nói: “Em chưa đăng ký, em không học Tiểu ngữ được rồi… Phải làm sao bây giờ?” Nước mắt bất giác ứa ra, cô vẫn ôm một chút hy vọng, đứng trước mặt anh, thì thầm hỏi, “Hay là chúng ta đến trường ngoại ngữ Bắc Kinh xem sao, trường đó đăng ký vào hôm nào anh có biết không… Em không tìm hiểu…”

Cô không muốn khóc, nhưng vừa nhìn thấy anh thì lại khóc.

Cô có thể không khóc trước mặt bao nhiêu người, không khóc trước mặt người nhà, nhưng chỉ cần trông thấy Quý Thành Dương là cứ như tuyến lệ của cô bị hỏng rồi, tất cả nước mắt lập tức ứa ra. Cuối cùng cô cũng hiểu ra rằng, con người vốn là như vậy, chỉ yếu đuối nhất khi đứng trước người đối xử tốt với mình.

Ở đây rất vắng người, nhưng những người qua lại thấy một cô bé đang khóc với một người đàn ông thì không khỏi liếc nhìn.

Quý Thành Dương cảm thấy trái tim mình như có một ngọn lửa không thể nói rõ thành lời, cũng không cách nào tiêu tan được: “Em ở đây đợi anh, tuyệt đối không được cử động.” Anh nhất định phải đưa cô rời khỏi đây ngay lập tức, nhưng anh lại không dám rời đi.

“Vâng.” Cô đồng ý, “Em đợi anh.”

Đúng lúc đó có một chiếc xe taxi từ trong sân trường đi ra, đó là một chiếc taxi trống. Quý Thành Dương chưa kịp suy nghĩ đã vẫy chiếc taxi đó dừng lại và đưa Kỷ Ức lên xe. Anh chẳng quan tâm đến việc đi lấy xe nữa, cứ đỗ ở đấy đã, bây giờ anh phải đưa cô về nhà.

Khi về đến nhà anh, Kỷ Ức vẫn chưa hề nhận ra việc Quý Thành Dương bỏ xe lại khu Hải Điện mà cứ thế đưa cô về.

Cô theo anh vào nhà, trong đầu chỉ toàn nghĩ đến chuyện ngộ nhỡ vẫn còn có ảnh hưởng khác thì sao? Ngộ nhỡ đến lúc đăng ký thi đại học cũng gặp phải tình trạng này thì sao? Ngộ nhỡ, những người đó vẫn nhắc đến việc trừ điểm xử phạt thì sao?

Cô đi theo anh vào phòng trong, đặt ba lô xuống chiếc ghế sô pha cạnh cửa.

Quý Thành Dương cúi xuống, lấy đôi dép đi trong nhà mà cô thường đi ra đặt xuống cạnh chân cô. Anh ngước lên, cuối cùng cũng nhìn thấy đôi mắt của cô đã sưng lên, đỏ quạch.

Cô lẩm bẩm, muốn hỏi anh xem giờ phải làm sao.

Nhưng lời vẫn chưa thoát ra khỏi miệng thì anh đã đè lên môi cô. Cô chỉ cảm thấy “Uỳnh” một tiếng, hoàn toàn sững sờ. Trên mặt cô vẫn còn nước mắt đang ứa ra, thấm đẫm cả làn môi của hai người. Kỷ Ức ngơ ngẩn đờ đẫn, chỉ nghe thấy âm thanh như sấm rền phát ra từ lồng ngực mình. Mãi cho tới khi Quý Thành Dương nắm lấy vai cô để cô chầm chậm tách ra khỏi anh.

Cô vẫn rất đờ đẫn, cô chỉ có thể nhìn thấy mỗi Quý Thành Dương, thấy đôi mắt đen của anh cũng đang nhìn mình không chớp.

Cứ như thể anh sẽ lại tiến tới bất kỳ lúc nào.

Nhưng lại tuyệt đối không thể đến gần thêm lần nữa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play