Dịch giả: Sky is mine
Biên: gaygioxuong

Miếu Phu tử được xây sửa lại chắc chắn sẽ mang lại cơ hội kinh doanh cực kỳ thuận lợi cho cư dân địa phương, rất nhiều kẻ làm ăn có mắt nhìn xa như Triệu cóc đều chuyển dời địa bàn làm ăn của mình về vùng Tần Hoài. Hắn định mời tôi tới nhà hàng đánh chén một bữa, coi như đón gió tẩy trần. Có điều, tôi nóng lòng muốn xem phong cảnh trên sông Tần Hoài Giang Nam, không muốn tới khách sạn rườm rà mất thời gian nên hai người tạt vào quán mỳ vằn thắn bên đường ăn qua loa, rồi thuê một xe kéo tới miếu Phu Tử.

Khi vừa tới miếu Phu Tử, tôi bị cái bóng dài vài trăm thước của một bức tường đồ sộ làm cho chấn động tinh thần. Bên trên bức tường đỏ rực là hình hai con cự long ngũ trảo bay múa, trên đỉnh tường lợp ngói lưu ly vàng óng, uy nghiêm không gì sánh được. Tương truyền, vách tường này được xây vào năm Vạn Lịch thời nhà Minh, ứng theo thế 'tiền chiếu, hậu kháo' trong phong thủy.

Tôi còn chưa kịp nhìn rõ đã bị Triệu cóc giật tay, chỉ vào quảng trường lớn phía trước, bảo: "Lão Hồ, mau nhìn, chúng ta tới vừa kịp lúc."

Hắn còn chưa dứt lời chợt một tiếng nổ rung trời vang lên, tôi thầm nhủ, tình hình quốc tế gần đây không có biến động gì lớn, sao giữa thời bình lại bắn pháo? Nhìn theo hướng phát ra tiếng nổ thì phát hiện ra một cái phướn vẽ rồng bảy màu đang uốn lượn giữa đám người trên quảng trường, trên dưới trăm người gõ trống theo dịp vang dội, hấp dẫn toàn bộ chúng ven đường đổ xô tới. Tôi bấm tay tính toán một lúc lâu rồi mới quay sang hỏi Triệu cóc: "Hôm nay là ngày gì mà lại huyên náo như vậy?"

Triệu cóc nhìn con rồng bảy màu bay lượn, đáp bằng giọng hâm mộ: "Ngũ tông đại cung, lại có cửa hàng lớn khai trương."

Ngũ tông đại cung là đồ tế thần tài của các hiệu buôn lớn vùng Bắc Kinh. Đồ tế gồm lợn, dê, gà, vịt, và cá chép đỏ.

Mấy loại đầu còn dễ kiếm, chỉ riêng cá chép đỏ là ngoại lệ. Cá nhất định phải là 'cá chép rồng'. 'Cá chép rồng' chính là cá chép có sừng trên đầu. Loại cá chép này, toàn thân đỏ thẫm như máu, chỉ riêng hai cái mụt nhô lên trên đỉnh đầu là màu trắng, giống như sừng rồng mới nhú. Giống cá này mười năm mới đẻ trứng một lần, hiếm có như vậy nên dù có tiền cũng chưa chắc mua nổi, huống chi là còn hấp nó lên để tế thần. Cho nên, các hiệu buôn bình thường đành phải dùng vôi nung dán thành hai cái sừng trên đầu cá cho đúng với thông tục, không thể coi là đồ lễ Ngũ Tông Đại Cung chính thức.

Tôi từng được nghe những người già kể cho nghe, ngày xưa, trong Tứ cửu thành chỉ mỗi cửa hiệu đã nổi danh cả trăm năm là 'Ngũ Hạc Triêu Thiên' mới dùng cá chép đỏ để tế thần bái tổ liên tục trong vòng mười năm. Nhưng tới năm thứ mười một thì họ cũng phải bỏ vì không thể tìm đâu ra cá chép rồng, qua đó có thể thấy được phần nào sự quý hiếm của loại cá này.

Tôi và Triệu cóc đều chưa từng thấy cá chép rồng trong truyền thuyết. Sau phút đắn đo, cả hai cùng hoà vào dòng người đổ tới trước cửa chính cửa tiệm đó để xem xem, rốt cuộc là thần thánh phương nào mà lại phô trương rầm rĩ như vậy.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play