Người họ Trương ở đất Dự, tổ tiên là người nước Tề, cuối đời Minh, nước Tề có loạn to, vợ bị quân giặc cướp đem về Bắc. Trương vẫn thường lui tới làm khách đất Dự, bèn làm nhà luôn ở đó. Lấy vợ người Dự, sinh con trai tên là Nột.

Không bao lâu vợ chết, lại lấy vợ kế, sinh con trai nữa tên là Thành. Vợ kế họ Ngưu, rất hung tợn, thường ghét Nột, nuôi Nột như đứa ở. Cho ăn toàn rau dưa hẩm hút. Sai đi chặt củi thì đòi hỏi cho được mỗi ngày một gánh. Nếu không thì roi vọt mắng chửi, không thể chịu nổi. Chỉ cất giấu những thứ ăn ngon ngọt cho Thành, lại cho vào trường tư để học.

Thành dần lớn lên, tính hiếu nghĩa, không nỡ thấy anh vất vả, lén khuyên an mẹ, mẹ chẳng chịu nghe. Một hôm, Nột vào núi lấy củi, chưa xong việc thì gặp mưa to gió lớn, phải ẩn mình dưới vách núi. Hết mưa thì trời đã tối, bụng đói cồn cào, bèn gánh củi về. Mẹ xem củi thấy ít, giận dữ không cho ăn. Lửa đói đốt lòng, vào nhà nằm vật ra. Thành đi học về, thấy anh thờ thẫn, thì hỏi:

- Ốm sao?

Nột đáp:

- Đói thôi mà.

Thành hỏi nguyên do. Nột nói hết sự tình. Thành buồn rầu rồi đi ra. Một lúc sau đem bánh về cho anh. Anh hỏi bánh ở đâu ra. Thành nói:

- Tôi lấy trộm bột, mướn chị hành xóm làm cho, hẵng cứ ăn đi, chớ nên nói gì cả.

Nột ăn xong dặn em rằng:

- Từ sau chớ làm như thế nữa, việc lộ thì liên lụy đến em. Vả lại, ngày ăn một bữa thì đói chức không chết đâu!

Thành nói:

- Anh đã yếu sẵn rồi, sao có thể hái nhiều củi được?

Ngày hôm sau, ăn xong, lén vào núi, đến tận chỗ anh làm củi. Anh trông thấy giật mình hỏi:

- Định làm cái gì thế?

Đáp:

- Định hái củi giúp anh.

Hỏi:

- Ai bảo em?

Đáp:

- Tự tôi đến mà thôi.

Anh nói:

- Không cứ là em không hái được, ví phỏng có hái được cũng không nên.

Thế rồi giục Thành về ngay. Thành không nghe cứ lấy tay bẻ củi giúp anh. Lại nói:

- Ngày mai em phải đem búa đi!

Anh đến gần bảo thôi, thì thấy ngón tay bị toạt, giày bị rách, buồng rầu bảo em rằng:

- Mày không về nhanh thì tao lấy búa tự chặt cổ chết đấy.

Thành bèn ra về. Anh đưa đến nửa đường, mới quay lại. Khi gánh củi về qua trường, dặn thấy học rằng:

-Em tôi còn nhỏ tuổi, nên răn cầm nó, kẻo trong núi nhiều hổ beo lắm!

Thầy nói:

- Trước giờ ngọ không biết nó đã đi đâu, đã cho ăn đòn rồi!

Nột về bảo Thành:

- Không nghe lời anh nên bị phạt roi rồi đấy!

Thành cười rằng:

- Không có đâu!

Ngày hôm sau, lại xách búa đi. Anh sợ hãi nói:

- Anh vẫn bảo em chớ đến đây, sao lại cứ thế?

Thành không trả lời, hối hả chặt củi, mồ hôi đầm đìa hai bên má vẫn không chịu nghỉ lấy một lúc, chừng đủ một bó, không nói năng gì trở ra về.

Thầy lại trách mắng Thành, bèn nói hết tình thực. Thầy khen là hiền, rồi cũng không ngăng cấm nữa.

Anh nhiều lần bảo thôi, cuối cùng Thành cũng chẳng nghe.

Một hôm đang cùng mấy người làm củi trong núi, bỗng có hổ đến. Mọi người sợ hãi trốn nấp hết cả, hổ liền tha Thành đi. Hổ mang người nên đi thong thả, bị Nột đuổi kịp. Nột ra sức giáng một búa trúng vào đùi. Hổ bị đau chạy lồng lên, không sao đuổi kịp nữa, đành chỉ đau đớn khóc lóc mà trở lại. Cả bọn khuyên dỗ an ủi, khóc càng thảm hơn, nói:

- Em tôi chẳng phải như em người khác; huống chi nó vì tôi mà chết, tôi sống làm sao được?

Bèn lấy búa tự chặt vào cổ. Mọi người vội cứu thì đã ngập vào thịt đến gần một phân, máu vọt ra lênh láng, mắt hoa muốn chết. Ai cũng khiếp, bèn xé áo buộc cho anh ta, rồi cả bọn cõng về.

Bà mẹ khóc lóc mắng rằng:

- Mày giết con ta, lại muốn chặt cổ, để liếm lấp hay sao?

Nột rên rỉ nói:

- Xin mẹ chớ phiền não, em chết, nhất định tôi chẳng sống nào!

Đặt lên giường, vết thương đau đớn không sao ngủ được. Ngày đêm chỉ ngồi dựa vào tường mà khóc. Cha sợ con cũng chết nốt, thường đến bên giường bón cho ăn chút ít, Ngưu thị liền nhiếc mắng. Nột không chịu ăn nữa, ba ngày thì chết.

Trong làng có thầy đồng rí (3); vong hồn Nột đi trên đường gặp thầy, bèn tỏ bày nông nỗi khổ sở mấy ngày trước đây, nhân hỏi chổ ở của em. Thầy đồng nói: “Không nghe tin gì”. Thế rồi quay lại đưa đường cho Nột đi. Đến một nơi đô hội, thấy một người mặc áo đen từ trong thành đi ra. Thầy đồng đón đường rồi thay Nột hỏi thăm Thành. Người áo đen xem kỹ lại tập trát ở trong túi đang treo, đàn ông đàn bà có hơn trăm, nhưng không có tội phạm nào họ Trương. Thầy đồng ngờ rằng ở tập trác khác chăng. Người áo đen nói:

- Con đường này thuộc về tôi, sao có thể bắt lầm được!

Nột không tin, ép thầy đồng đưa vào thành. Trong thành ma mới, ma cũ qua lại nộn nhạo. Cũng có người quen biết cũ, đến hỏi, không ai biết cả.

Bỗng nhiên ai nấy cùng nhao nhao lên: “Bồ Tát đến!” Ngẩng lên nhìn, thấy trong mây có một người to lớn, ánh hào quang rực rỡ từ trên xuống dưới, vụt cảm thấy như thế giới trong trẻo sáng bừng.

Thầy đồng mừng nói rằng:

- Cậu cả có phúc thay! Bồ Tát mấy mươi năm mới xuống âm ty một lần để nhổ sạch mọi khổ não. Vừa đúng hôm nay được gặp!

Liền kéo Nột quỳ xuống. Bọn quỷ lúc nhúc ngổn ngang, chắp tay nhất tề tụng niệm: “Từ bi cứu khổ”. Tiếng vang chấn động mặt đất.

Bồ Tát lấy cành dương, rưới nước cam lộ khắp mọi nơi, hạt li ti như bụi. Một lát, sương mới tan, hào quang thu lại, thì không thấy đâu nữa. Nột cảm thấy trên cổ thấm nước cam lộ, chỗ vết búa không còn đau. Thầy đồng lại theo đường cũ đưa Nột về. Trông cổng làng, thầy mới từ biệt mà đi.

Nột chết đã hai ngày, bỗng nhiên sống lại, bèn thuật hết những gì mình đã gặp, vào bảo rằng Thành chưa chết. Bà mẹ cho rằng đặt điều nói láo, lại chửi mắng Nột. Nột mang oan mà không thể tự giải bày. Sờ đến vết thương thì đã lành. Đành gượng dậy, lạy cha mà nói rằng:

-Con băng mây vượt biển tìm em. Như mà không thấy, thì thân này hết mong trở lại, xin cha cứ coi như là con đã chết.

Ông đưa con ra chỗ vắng, cùng nhau khóc lóc không dám giữ con lại. Nột ra đi, thường đến những con đường lớn để hỏi tin tức em. Giữa đường tiền ăn hết sạch, phải ăn mày mà đi. Hơn một năm đến Kim Lăng, quần áo rách xơ, buộc túm trăm múi lọm khọm trên đường. Ngẫu nhiên trông thấy hơn mười người cưỡi ngựa đi qua, Nột tránh sang bên đường. Trong đó có một người như quan lớn, tuổi chừng bốn mươi trở lại, lính hầu lực lưỡng, ngựa hung hăng rộn rịp trước sau. Một thiếu niên cưỡi ngựa nhỏ, nhìn Nột nhiều lần. Nột cho là một vị công tử con quan, chưa dám ngẩng nhìn, thì thiếu niên dừng roi ghìm ngựa, rồi bỗng xuống ngựa gọi to:

- Có phải anh ta đó không?

Nột ngước đầu nhìn kỹ thì ra là Thành. Liền nắm lấy tay em, đau đớn quá, khóc lạc cả tiếng. Thành cũng khóc và nói:

- Anh sao phải xiên bạt đến nỗi này?

Nột kể hết sự tình, Thành càng thêm âu sầu. Những người cưỡi ngựa đều xuống, hỏi duyên cớ rồi bẩm lại với quan lớn. Quan lớn truyền bớt ra một con ngựa để chở Nột, dong cương về đến nhà, rồi mới hỏi chuyện tường tận.

Trước đây, hổ tha Thành đi, đặt ở bên đường lúc nào không biết, nằm giữa đường suốt một đêm. Vào lúc ông Trương Biệt Giá từ kinh đô đi đến, ngang qua chỗ Thành nằm, thấy mặt mày nho nhã, thương xót đến vực lên, vỗ về, Thành dần dần sống lại. Nói nhà cửa quê quán, thì đã đi quá xa. Vì thế bèn chở Thành cùng về, lấy thuốc đắp vào chỗ bị thương, vài ngày thì khỏi. Biệt Giá không có con trai bèn nhận Thành làm con. May hôm đó gặp buổi Thành theo bố nuôi đi dạo chơi ngắm cảnh.

Thành kể lại với anh đầy đủ mọi việc; vừa xong. Biệt Giá đi vào. Nột lạy tạ không thôi. Thành vào nhà trong, mang áo lụa ra biếu anh, rồi bày tiệc rượu, trò chuyện tự tình.

Biệt Giá hỏi:

- Họ nhà ta, ở tại Dự có bao nhiêu đinh?

Nột nói:

- Không ạ, cha tôi lúc bé người đất Tề, đến cư ngụ ở đất Dự.

Biệt Giá nói:

- Tôi cũng người Tề, quê nhà ta thuộc làng nào?

Nột đáp:

- Từng nghe cha tôi nói thuộc hạt Đông Xương.

Biệt Giá kinh ngạc hỏi:

- Thế tôi cũng cùng làng, vì sao lại dời đến Dự?

Nột nói:

- Cuối đời nhà Minh, quân Thanh vào biên giới bắt cóc bà mẹ già đem đi. Cha tôi gặp loạn đao binh, trôi dạt không nhà không cửa. Trước đây từng buôn bán ở miền Tây, qua lại đã quen, vì thế mà ở lại đó.

Biệt Giá kinh sợ hỏi:

- Cụ nhà ta tên là gì?

Nột nói cho biết, Biệt Giá tròn mắt nhìn, rồi cúi đầu như nghi ngờ, rảo bước mau vào nhà trong. Không bao lâu, thái phu nhân ra, tất cả đều lạy chào. Xong hỏi Nột rằng:

- Maỳ có phải là cháu của Trương Bỉnh Chi chăng?

Nột đáp: “Phải”

Thái phu nhân khóc lớn, bảo Biệt Giá rằng:

- Đây là em của mày.

Anh em Nột chưa hiểu thế nào. Thái phu nhân nói:

- Ta lấy cha chúng mày ba năm, lưu lạc sang bắc, thân mình thuộc về Hắc Cố Sơn, được nửa năm, sinh anh mày, lại nửa năm nữa, Cố Sơn chết, anh mày nhờ bổ trật trong quân ngũ mà chuyển dần lên chức quan này. Bây giờ không làm quan nữa, không một giờ khắc nào là không tưởng nhớ quê hương. Bèn ra sổ tịch lấy lại họ cũ. Đã nhiều lần cho người đến đất Tề, mà không chỗ nào tìm thấy âm hao gì cả. Nào có biết đâu cha chúng mày đã dời sang miền tây.

Rồi nói với Biệt Giá rằng:

- Mày nuôi em làm con thì giảm phúc mà chết thôi.

Biệt Giá nói:

- Hồi trước có hỏi Thành, Thành chưa từng nói là người Tề, cứ nghĩ còn bé dại, nên không nhớ.

Bèn dựa vào tuổi để xếp đặt lại: Biệt Giá bốn mươi mốt tuổi, làm anh cả, Thành mười sáu tuổi là út, Nột hai mươi hai tuổi là anh cả mà thành anh hai.

Biệt Giá được hai em mừng quá, nằm ngồi cùng có nhau, nên biết tận cội nguồn mọi nguyên do chia lìa lưu lạc, và toan tính chuyện trở về. Thái phu nhân sợ bà vợ kế không dung chăng. Biệt Giá nói:

- Dung được thì ở cùng nhau, nếu không thì ở riêng ra, chứ trong thiên hạ, có nước nào mà lại không có tình cha con?

Rồi đó bán đất, bán nhà sắm sửa hành lý, định ngày đi về tây. Khi đến đầu làng, Nột và Thành dong ruổi về trước, báo tin cho bố biết. Ông bố từ lúc Nột bỏ đi, vợ cũng chết. Chỉ còn trơ trọi một ông lão góa, người và bóng đối nhau.

Bỗng nhiên thấy Nột vào, bội phần mừng rỡ, thảng thốt giật mình. Lại thấy Thành thì mừng quá đỗi, không nói được gì, nước mắt ràn rụa. Lại được tin mẹ con Biệt Giá cũng đến. Ông dừng khóc ngạc nhiên không ra vui, cũng không ra buồn, đứng ngây như phỗng. Không bao lâu Biệt Giá vào, lạy chào xong thái phu nhân nắm lấy tay ông nhìn nhau cùng khóc. Đã thấy con hầu vú già, người giữ ngựa đầy tớ trong ngoài chật ních, đứa đứng đứa ngồi không còn biết như thế nào.

Thành không thấy mẹ liền hỏi, mới biết mẹ đã chết, gào khóc muốn đựt hơi, một lúc tỉnh lại.

Biệt Giá đem tiền của ra xây dựng lầu gác, mời thầy dạy học cho hai em.

Ngựa nhảy trong tàu, người ồn ào trong nhà, nghiễm nhiên là một đại gia.

CAO XUÂN HUY dịch

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play