Võ Thừa Hưu người Liêu Dương, thích giao du, phàm bạn chơi đều là người có tiếng. Đêm nằm chiêm bao, thấy một người đến nói rằng:
- Anh kết giao hầu khắp trong nước, nhưng toàn là bạn chơi phiếm. Duy có một người có thể cùng chia hoạn nạn, thì lại không hay.
- Người đó là ai?
- Điền Thất Lang chứ ai!
Võ tỉnh giấc lấy làm lạ, sáng ngày gặp bạn nào quen, cũng hỏi thăm Thất Lang là ai. Có người nói cho biết Thất Lang là thợ săn ở thôn Đông. Võ thân hành đến tận nhà, cầm roi ngựa gõ cửa; giây lát một người ở trong bước ra, độ hai mươi tuổi, lưng ong mắt báo, vận áo chẽn quần cụt, nhiều chỗ mạng vá, đứng chắp tay ngang trán, hỏi khách ở đâu tới. Võ tự khai tên họ và mượn cớ đi đường thấy khó chịu, muốn vô nghỉ nhờ cho đỡ mệt, nhân dịp hỏi Thất Lang. Người ấy đáp:
- Thất Lang là tôi đây.
Đoạn mời khách vào trong nhà. Võ thấy mấy gian nhà nát chống đỡ bằng cây. Vào một căn nhà nhỏ, trên vách treo đầy những da hổ báo, mà không có giường ghế chi để ngồi. Thất Lang trải tấm da cọp dưới đất, cùng Võ ngồi đàm đạo, lời lẽ thật thà. Võ nghe rất ưng bụng, liền đưa ra một món tiền, gọi là giúp chàng sinh kế.
Chàng không chịu lãnh. Võ nài ép mãi, chàng cầm tiền vô nhà trong nói cho mẹ hay. Lúc trở ra, lại đưa trả, nhất định không lấy. Võ ép đôi ba phen, chợt cụ già lọm khọm từ trong nhà bước ra, nghiêm sắc mặt nói:
- Già chỉ có vẻn vẹn thằng con đó, không muốn nó chơi với khách sang.
Võ thẹn ra về,, dọc đường suy nghĩ tới lui không hiểu ý bà cụ ra thế nào. Lúc nảy kẻ tùy tùng có dịp ra sau nhà nghe lõm được những lời bà cụ nói, giờ kể lại cho Võ hay.Nguyên lúc Thất Lang cầm tiền vô thưa mẹ, mẹ nói:
- Tao vừa dòm mặt công tử thấy có nám đen, tất sẽ gặp tai vạ lớn. Mẹ nghe cổ nhân có nói: được người ta biết đến thì chia sẻ điều lo, mang ơn của người ta thì phái gánh đỡ tai nạn. Giàu báo đáp bằng tiền, nghèo báo đáp bằng nghĩa. Nay vô cớ mà người ta cho được nhiều tiền, ấy là điềm chẳng lành. Mẹ e người ta sẽ đòi con đem cái chết ra báo đền ơn nghĩa đó.
Vì thế bà cụ khuyên con đừng nhận tiền.
Võ nghe chuyện, khâm phục bà cụ là người giỏi, lại càng dốc lòng hâm mộ Thất Lang, qua hôm sau làm tiệc mời nhưng Thất Lang không đến, Võ đến tận nhà đòi uống rượu. Thất Lang mua rượu về thết đãi với nộm thịt nai, hết sức niềm nở theo lễ.
Cách ngày hôm sau, Võ lại mời tiệc, bấy giờ Thất Lang mới đến. Hai người uống rượu nói chuyện cực vui vẻ. Nhưng đem tiền ra tặng chàng vẫn không chịu lấy. Võ kiếm cớ đặt tiền để mua da cọp, chừng đó chàng mới chịu nhận, rồi từ biệt ra về.
Về nhà xem lại những tấm da cọp để dành, không đủ gán với số tiền, bèn nghĩ sự vào núi săn cọp mới có thể đủ số đem nạp cho Võ.
Vào núi luôn ba ngày không săn được gì. Lại nhằm hồi vợ lâm bệnh, phải ở chăm sóc thuốc men chẳng nghĩ tới việc săn bắn gì được. Ngót tuần vợ lại chết. Thất Lang phải lo việc ma chay, số tiền nhận phải đem tiêu xài gần hết. Võ đến nhà điếu tang, lễ phúng rất hậu.
Chôn cất vợ xong xuôi, Thất Lang lại mang nỏ đeo gươm lần mò vào núi, trong trí thiết tha về việc trả món nợ cho Võ. Nhưng rốt cuộc vẫn không săn được con cọp nào.
Võ dò biết ý tứ khuyên bảo đừng gấp, chỉ mong mời Thất Lang đến nhà chơi là vui, song Thất Lang băn khoăn về món nợ còn thiếu chưa trả được, nên chi nhất định không chịu tới.
Muốn buộc chàng phải đến. Võ đòi giao trước những tấm da để dành ở nhà cũng được. Thất Lang kiểm điểm da cũ, thấy mối mọt làm hư, lông rụng mất sạch, trong lòng càng buồn.
Võ biết thế vội vàng đến nhà ân cần an ủi, rồi vào xem những tấm da cũ và nói:
- Da này cũng được, bản ý tôi không cần đủ cả lông mà.
Nói đoạn gỡ những tấm da xuống đem về, mời Thất Lang cùng đi chơi một thể. Chàng không chịu đi. Võ đành về một mình.
Luôn suy nghĩ về sự chưa trả đu số da cân với số tiền, lấy thế làm tấm tức, chàng lại gói lương khô, mang khí giới vào tận núi sâu. Rình mò mấy ngày đêm, hạ sát được một con cọp, để nguyên lông da, đưa nộp cho Võ.
Võ mừng, bày tiệc khoản đãi nài Thất Lang ở lại chơi luôn ba bữa với mình. Chàng khăng khăng từ chối. Võ sai gia nhân khóa chặt cửa ngõ để cầm chân chàng ở lại cho kỳ được.
Khách khứa bạn bè trông thấy Thất Lang thô kệch, thầm chê Võ công tử chọn bạn sai lầm, nhưng Võ săn sóc chiêu đãi Thất Lang hơn cả mọi người. Lại mang y phục mới nguyên cho chàng thay đổi, chàng không chịu. Võ thừa lúc chàng ngủ đem áo mới để bên, mà lấy áo cũ giấu đi. Cực chẳng đã chàng phải dùng mặc áo mới. Sau khi về nhà, vâng lời mẹ dạy, sai người đem áo mới trả lại và đòi áo cũ của mình về.Võ cười và nói với người thừa sai:
- Chú về thưa dùm với cụ rằng áo cũ đã lỡ cắt ra may lót giày rồi!
Từ đó, thường ngằy Thất Lang sai mang thịt thỏ, hoặc thịt nai đến biếu Võ, duy có mời đến chơi thì không đến nữa.
Một hôm Võ đến nhà Thất Lang, nhằm lúc chàng đi săn vắng, bà mẹ ra đứng tựa cửa nói:
- Từ nay xin ông chớ rủ rê con tôi nữa! Có ác ý gì đó vậy?
Võ rất kính lễ bà cụ, tự thẹn ra về.
Cách chừng nửa năm, gia nhân báo tin, Thất Lang vì tranh giành con heo săn được, mà đánh chết người ta, hiện đã bị giải lên quan rồi.
Võ nghe báo cả kinh, tức tốc đến quận nghe ngóng, khi chàng đã bị giam vào ngục rồi. Chàng thấy mặt Võ, không nói gì nhiều, chỉ dặn dò chăm nom giúp đỡ mẹ mình. Về nhà, Võ liền lấy ra nhiều tiền đút lót quan huyện, lại đem trăm bạc nhét cho bên trên, cầu xin bãi nãi. Hơn tháng, xử vô tội, thả Thất Lang ra về. Bà cụ khẳng khái bảo con:
- Da thịt tánh mạng của con nhờ có Võ công tử mà còn, mẹ không có quyền chi nữa. Mẹ chỉ trông mong công tử suốt đời yên ổn không vướng họa chi, tức là cái phước cho con đó.
Thất Lang muốn đến tạ ơn Võ, bà mẹ lại nói:
- Con đến thì đến chớ có tạ ơn làm chi. Cái ơn nhỏ còn tạ được, chứ ơn to thì không tạ được đây!
Thất Lang đến nhà Võ, Võ tiếp rước niềm nở, Thất Lang chỉ vâng dạ lơ là, không đả động chi tới chuyện vừa qua. Người nhà Võ đều lấy làm lạ, cho là chàng sơ tình. Trái lại, Võ mừng tình ý thành đạt, càng đối đãi tử tế hơn.
Sau đó thường cách vài ba ngày, chàng lại ở chơi nhà công tử, hễ tặng món chi cũng nhận liền, không chối từ mà cũng không nói sự báo đáp.
Gặp ngày mừng sinh nhật của Võ khách khứa và bọn phục dịch tùy tùng đông quá, căn nhà chứa khách ngủ đêm đầy ứ. Võ và Thất Lang nằm trong căn nhà nhỏ. Ba người gia bộc lót rơm nằm ngay dưới chân giường. Qua canh hai, chúng đều ngủ kỹ, còn hai người vẫn nói chuyện chưa thôi.
Con dao của Thất Lang treo trên vách bỗng thò đầu ra ngoài vỏ đến mấy tác, nghe tiếng khua loảng xoảng, mà lưỡi dao lóe sáng như điện. Võ thất kinh, Thất Lang cũng chồm dậy hỏi ai nằm dưới giường.
Võ trả lời chúng nó đều là tôi tớ trong nhà. Thất Lang nói:
- Nội trong nhà này tất có đứa hung ác.
- Tại sao anh biết?
- Con dao này của tôi mua ở ngoại quốc. Nó giết người chưa từng thấm máu, họ nhà tôi đeo nó đã ba đời rồi, tính lại chặt đầu có tới số ngàn, mà vẫn bén tốt như mới rèn. Hễ có kẻ ác thì nó reo và nhẩy lên chắc chắn phải giết người đến nơi. Xin công tử nên thân người quân tử, xa kẻ tiểu nhân, họa chăng tránh khỏi tai vạ đến mình.
Võ gật đầu, Thất Lang vẫn ngậm ngùi chằng vui, cả đêm trằn trọc không ngủ. Võ nói:
- Chuyện lành chuyện dử đều do số cả, việc gì phải lo quá thế?
- Bất cứ chuyện nguy hiểm tới đâu tôi cũng chẳng sợ, chỉ băn khoăn còn có mẹ già thôi.
- Có lý đâu tai vạ đến nơi mà lo?
- Tôi trông đừng đến càng may.
Ba đứa gia bộc ngủ dưới giường là: Lâm nhi ở trong nhà đã lâu, Võ rất vừa ý; một thằng nhỏ sai vặt mới mười hai mười ba tuổi; một đứa nữa là Lý Ứng rất bướng bỉnh, thường vì chuyện nhỏ mà cãi cọ với công tử luôn, khiến công tử phát giận vì nó.
Đêm ấy công tử nghĩ thầm có lẽ ác nhân là nó: cho nên tảng sáng gọi nó đến nói khéo dỗ về rồi đuổi nó đi.
Người con trường của công tử tên là Than, lấy Vương thị làm vợ. Một hôm công tử đi vắng, sai Lâm nhi ở coi nhà học giữa mùa cúc đang trổ hoa rực rỡ. Vợ Thân nghĩ cha chồng đi khỏi nhà học vắng vẻ không ai, liền đến hái bông cúc. Lâm nhi chạy ra chòng ghẹo, nàng toan kêu lên, thì nó ôm đại vào trong nhà toan cưỡng hiếp. Nàng kêu khóc chống cự, đến nỗi xám mặt khản tiếng, Thân nghe chạy vào, Lâm nhi mới chịu buông nàng, rồi trốn đi mất.
Võ về nhà hay chuyện, nổi giận tìm Lâm nhi, nhưng không biết nó đi đằng nào. Qua hai ba bữa mới biết nó đã tới làm bộ hạ trong nhà ông Ngự sử nó. Ông ta làm quan ở kinh đô, việc nhà giao phó cho người em, Võ lấy tính thanh khí nói với nhau, viết thư đòi trả Lâm nhi. Người em ngự sử không trả, Võ càng tức, làm đơn lên huyện thưa.
Ông huyện có thảo trát đi bắt mà lính không bắt, quan cũng không hỏi đến. Bấy giờ công tử cho người đến thăm dò tận nhà Thất Lang, thấy cửa đóng then cải, tứ bề vắng ngắt. Xóm giềng cũng đều không rõ tăm hơi của chàng.
Một hôm, người em Ngự sử đang ngồi trong tư thất ông huyện cùng nhau bàn chuyện riêng. Người chức việc đem hương bổng đến nộp. Bỗng dưng một người tiều phu xông tới trước mặt, đặt gánh củi xuống, rút dao nhọn ra chạy tới trước mặt Mỗ (tức là người em ông ngự sử) mà đâm. Mỗ hoảng sợ, đưa tay ra đỡ dao, dao chặt đứt cánh tay, tiều phu chém thêm nhát nữa đầu rơi xuống đất.
Ông huyện cả kinh chạy trốn. Tiều phu ngó dáo dác xem ông huyện chạy đường nào. Trong lúc đó bọn lính tráng và bọn chức dịch trong huyện, kịp đóng cửa ngõ, cầm dao vác gậy xúm lại vây bọc. Chú tiều phu tự biết khó thoát thân liền trở mũi dao tự đâm vào cổ chết.
Ai nấy xúm quanh nhìn mặt. Có kẻ nhìn biết đó là Điền Thất Lang.
Ông huyện lúc đó mới hoàn hồn hết sợ, trở ra phúc nghiệm, trông thấy Thất Lang nằm chết cứng giữa vũng máu lênh láng, tay vẫn nắm chặt dao nhọn.
Đột nhiên tử thi chồm dậy chém bay đầu ông huyện rồi lại ngã xuống.
Lính đến bắt bà mẹ Thất Lang nhưng bà mẹ đã trốn đi từ mấy bữa trước rồi.
Võ nghe Thất Lang chết, vội vàng đến nhìn mặt bạn khóc lóc cực thảm. Ai cũng bảo chính Võ chủ ý cho Thất Lang làm ra thảm sát này Võ bán hết điền sản để lo chạy quan, mới được vô sự.
Xác Thất Lang khiêng bỏ ngoài đồng, dầu dãi hơn ba chục ngày, các loài chim muông thay nhau canh giữ, Võ xin quan cho đem về tống táng rất hậu.
Đứa con Thất Lang trốn tránh đến Đặng Châu, đổi ra họ Đông, lớn lên đi lính, có nhiều công trận, được thăng dần dà tới chức đồng tri tướng quân. Khi ấy mới trở về Liêu Dương. Võ đã ngoài tám mươi, trỏ cho biết mồ mả thân phụ.
ĐÀO TRINH NHẤT dịch
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT