Con người cần phải so sánh những thay đổi của bên ngoài để nhận biết thời gian, chẳng hạn khi mặt trời mọc là lúc thức giấc, mặt trời lặn là lúc nghỉ ngơi, lại nếu như lúc cày bừa vụ xuân là ngày mùa thu hoạch. Nếu không có ngày đêm và cũng chẳng có bốn mùa, cây cối cỏ hoa xung quanh đều hằng năm biếc xanh mơn mởn, thế thì, loài người sẽ dùng thứ gì để đoán biết liệu thời gian đã qua bao lâu?

Từng ngày, từng tháng, từng năm… Chẳng cách chi biết được. Chỉ đợi đến khi đã qua hơn hai mươi năm, hoặc thậm chí còn lâu hơn thế nữa, đến khi đôi mắt người bên cạnh mình đã không còn trong trẻo, tấm lưng người ấy đã chẳng còn có thể thẳng lên, tay chân người ấy không còn linh hoạt, vầng trán ẩn hiện nếp nhăn, thân thể khi ốm khi đau, tóc mai ngày nào đã thành hoa râm cả, lúc ấy ta mới chợt giật mình nhận ra, thời gian đã vô tình thoi đưa lâu biết nhường nào.

Và hóa ra, người bầu bạn bên mình chừng ấy năm, cũng đã già đi mất.

Không riêng gì người ấy mà ngay cả chính bản thân mình cũng đã có lòng nhưng không đủ lực, lúc mỏi mệt thậm chí còn cần đến Trần Dương dìu mới có thể bước đi. Tại sao mình lại biến thành như thế này rồi?

Ngụy Lâm Thanh nhìn cảnh sắc chưa từng thay đổi trước mắt, những hàng xóm láng giềng quen thuộc đang vội vội vàng vàng, hối hối hả hả ngược xuôi vì cuộc sống, một cảnh tượng náo nhiệt tốt lành. Trên gương mặt mỗi người là vẻ vui mừng và thỏa mãn, những cô nhóc cậu nhóc hét ầm cả lên chạy tới chạy lui.

Trần Dương dìu Ngụy Lâm Thanh đi thêm mấy bước. Tới bên tảng đá đã từng ngồi, Ngụy Lâm Thanh chậm rãi ngồi xuống, sau đó dõi mắt nhìn nắng chiều đỏ rực hệt một ngọn lửa cháy bừng nơi xa. Và rồi chợt như cảm giác, kẻ ấy quay sang nhìn Trần Dương.

Trần Dương rất thích cười, nơi đuôi mắt anh là vài đường nếp nhăn. Vậy là khi anh cười, dưới ánh trời chiều, cả người như được phủ thêm vầng sáng, như thể sẽ hòa tan vào thứ ánh sáng ấy. Chẳng rõ nguyên do, Ngụy Lâm Thanh bỗng hoảng hốt, thế là bèn hối hả gọi, “Trần Dương.”

Nghe tiếng kẻ ấy, Trần Dương quay đầu, “Gì thế? Ngồi khó chịu gì à?”

Làm sao Ngụy Lâm Thanh có thể nói vừa rồi là do mình lo lắng Trần Dương sẽ đột ngột biến mất đây? Kẻ ấy nặng nề lắc đầu, cứ thấy không chân thật lắm. Hết thảy xung quanh quá mức hoàn mỹ khiến lòng người bất ổn, cứ sợ đây chỉ là giấc mộng mà ta chưa tỉnh giấc lại.

Đột nhiên, nắng chiều nơi chân trời thay đổi khôn lường, biến thành dáng vẻ một thằng bé với gương mặt hình dáng rõ ràng. Ngụy Lâm Thanh nhìn mà hàng mày cau lại. Nhưng nhanh chóng, nắng chiều lại bị thứ gì đó xua tan, trời chiều xuống núi, tấm màn đen bao phủ khắp trời đất.

Ngụy Lâm Thanh và Trần Dương sóng bước về nhà. Dùng cơm xong, đang lúc Trần Dương định đi bộ cho tiêu, mới vừa đứng lên anh đã ngã bịch ra đất. Ngụy Lâm Thanh biến sắc, lập tức bước qua dìu Trần Dương dậy.

Trần Dương sắc mặt tái nhợt, hơi thở khi có khi không, chưa rõ sống chết.

Ngụy Lâm Thanh kinh hoảng đến mức chẳng biết phải làm thế nào, run rẩy chạm tay vào gương mặt Trần Dương. Phần lớn thời gian tâm trí kẻ ấy rất hỗn loạn, chỉ thỉnh thoảng mới rõ ràng, sau đó tức khắc lại lúng túng. Song cuối cùng, đôi mắt đục mờ ấy lại sáng ngời trở lại.

Tay kháp quyết, Ngụy Lâm Thanh bắt đầu vẽ bùa. Tay chấm gì đó, một lát sau đã vẽ một bùa chú bao lấy kẻ ấy và Trần Dương vào giữa. Những họa tiết của bùa chú phức tạp vô cùng. Khi bùa dần hình thành, trên mặt bùa thấp thoáng luồng khói đen. Luồng khói ấy bay nhanh tới lướt dọc theo hoa văn của lá bùa, rất nhanh, một luồng sáng màu đen bỗng chốc chiếu rọi toàn căn phòng, hơn nữa còn dần lan rộng ra.

Chỉ thấy hễ ánh sáng đen đó chạm đến chỗ nào, mọi thứ xung quanh, từ phòng ốc, cây cối, tảng đá, con đường, không trung, người thôn Ngụy… tất cả bỗng nứt toạc rồi hóa thành luồng khí đen. Không lâu sau, nơi vốn như chốn đào nguyên sụp đổ thành một đống đen đặc, thành một không gian lửng lơ giữa trời.

Ngụy Lâm Thanh vốn dĩ già cả cũng dần trở lại bình thường theo sự biến đổi xung quanh. Kẻ ấy bế Trần Dương lên, không nhanh không chậm bước đi giữa vùng không gian tối tăm mù mịt. Càng đi, cảm giác dưới chân ngày càng mềm mại, như không phải đang đi trong hư không mà là đi trên thảm thịt.

Loáng thoáng bên tai là tiếng trái tim đang đập, thình thịch thình thịch thình thịch. Vừa tỉnh lại Trần Dương đã nghe thấy thứ âm thanh khiến người sởn gai ốc này. Anh kêu Ngụy Lâm Thanh thả mình xuống. Lúc đầu anh còn không rõ ràng lắm với sự biến đổi cảnh vật xung quanh, nhưng anh nhanh chóng nhớ lại hết mọi sự tình, xem ra lại nằm mơ một giấc mơ nữa.

Hai người bước đi giữa bóng tối mù mịt, Trần Dương cố tình hỏi Ngụy Lâm Thanh, “Ngụy Lâm Thanh, đây là sao? Anh… không phải do tôi tưởng tượng ra chứ.”

Thật ra trong lòng Trần Dương có chút bồn chồn. Nơi này kỳ lạ cổ quái như thế, vậy thì đâu mới là mộng cảnh đâu mới là chân thật, quả hồ đồ mất rồi. Dù Ngụy Lâm Thanh có thể trong cảnh mơ từ nam biến nữ, nhưng thành một kẻ đau khổ si tình trong mộng cảnh thì cũng hơi kỳ lạ thật.

Ngụy Lâm Thanh nắm chặt tay Trần Dương, tay kẻ ấy lạnh lẽo như băng, hơi lạnh ấy khiến Trần Dương run lẩy bẩy. Kẻ ấy đáp, “Nơi này là ảo trận, Ngụy Đức Thanh và vợ ông ta chết rồi, họ hàm oan mà chết, lại bị Đông lão tiên giở trò nên trở thành tử linh không thể hướng sinh. Chỉ cần có người vào nhà sẽ rơi vào ảo trận, dần dần sẽ tổn hao hết máu huyết và pháp lực, chắc chắn sẽ chết.”

Trần Dương kinh ngạc, tử linh là hồn phách không biết mình đã chết, cực hung cực ác. Từ linh xuất hiện sẽ đổ máu, phần lớn trường hợp cuối cùng đều rơi vào kết cục hồn tiêu phách tán.

Trần Dương liếc trái liếc phải, “Thế hiện đang ở trong ảo cảnh hay ngoài ảo cảnh?”

Ngụy Lâm Thanh sải những bước chân rất lạ, lúc bước trái lúc bước phải, “Tất nhiên là ngoài ảo cảnh. Cảnh sinh ra từ tim, bắt nguồn từ tình, người chế tạo ảo trận này rất cao tay. Ảo cảnh này chủ yếu dựa vào máu huyết của người trong trận để duy trì. Ảo cảnh kéo dài càng lâu, lượng máu huyết tổn hao càng lớn, mãi đến khi người trong trận hao hết máu huyết, chết đi mới thôi.”

May là Trần Dương bước vào ảo cảnh của Ngụy Lâm Thanh, bằng không kẻ ấy sẽ mãi đắm chìm trong ảo cảnh đến khi dùng hết pháp lực và hồn khí của bản thân, sau đó tan biến vào giữa trời đất. Còn vì sao Trần Dương một người sống lại có thể vào được ảo cảnh của con quỷ này, đấy lại là một vấn đề khác.

Thế mới bảo ảo trận này giết người không thấy máu, sẽ đẩy người khác vào chỗ chết một cách không dấu vết nào. Cho dù không chết ngay lập tức nhưng chỉ cần ở lại càng lâu, tổn hại cho bản thân sẽ càng lớn. Ngụy Lâm Thanh nhìn Trần Dương đang đi bên cạnh mình, chỉ mới một khoảng thời gian ngắn thôi mà người này đã như già đi mười tuổi, dẫu thoát khỏi trận pháp rồi sau đó cho người ấy uống ít thuốc và làm cúng bái hành lễ, thì cũng chẳng thể hoàn toàn bù lại được.

Sinh ra từ tim, bắt nguồn từ tình? Trần Dương ngớ người.

Anh chẳng thể nào nghĩ ra được, vì sao ngay từ đầu trong ảo cảnh của anh lại có sự xuất hiện của Ngụy Lâm Thanh, mà lại còn xuất hiện trong dáng vẻ như thế nữa.

Những ẩn ý trong đó, dù Trần Dương muốn lờ đi cũng không lờ được. Anh xem như mình là kẻ sành sõi trong biển tình, làm sao đến tận giờ vẫn không hiểu tại sao. Nói thẳng ra là, anh đã có ý về phương diện kia với Ngụy Lâm Thanh mất rồi.

Trần Dương mặt co mày cáu, không ý thức được thì đỡ, chứ một khi biết rồi lại bắt đầu rối rắm. Vất vả lắm anh mới xem trọng được một người, thế có nên tiếp tục hay không đây? Cứ dặn lòng không có nơi này thì còn chốn kia, cứ dặn lòng không phải người này còn có người khác, anh có thể để mình xao lòng trước một người khác chứ không nhất thiết phải bó buộc với con quỷ này…

Trong đầu lý trí thế đấy, thế mà tim anh chẳng cách nào thoải mái được.

Con người muốn gạt người khác thì rất dễ dàng, nhưng sao lừa gạt bản thân mình lại khó khăn đến mức này.

Giữa ảo trận phải cẩn thận và thận trọng vô cùng, chỉ cần suy nghĩ mông lung sẽ bị trận pháp thừa dịp lẻn vào, khiến không thể kềm chế được. Nên khi Ngụy Lâm Thanh nhận ra cảm xúc Trần Dương đang bất ổn, kẻ ấy liền siết chặt tay anh.

Trần Dương không phải kẻ ngốc, tức khắc anh nhận ra và vứt sạch mọi ý nghĩ trong đầu. Hiện quan trọng nhất là thoát khỏi ảo trận, còn những thứ khác cứ chờ ra khỏi đây rồi hẵng suy nghĩ cẩn thận lại, nghĩ ba ngày ba đêm cũng không sao.

Đột nhiên, trong bóng đêm phía trước hiện ra một cái bóng lửng lơ. Trần Dương và Ngụy Lâm Thanh liếc nhau rồi cùng theo sát cái bóng ấy.

Đi một lúc, cái bóng ấy chợt biến mất chẳng thấy đâu. Trần Dương đang định đi qua thăm dò thế nào thì bị Ngụy Lâm Thanh kéo lại.

Ngụy Lâm Thanh mặc bộ trường bào màu trắng, trong bóng đêm thấp thoáng tỏa ra thứ ánh sáng nhạt hiu hắt, là ánh sáng duy nhất trong đêm tối khiến kẻ ấy lấp lánh như một loại ngọc. Có người quân tử, như khắc như giũa, như trau như mài[1]. Bất chợt trong đầu Trần Dương nhớ tới câu ấy, chẳng biết từ đâu ra, nhưng không hiểu sao anh thấy hợp với Ngụy Lâm Thanh quá đỗi.

Ngụy Lâm Thanh đắn đo một lúc rồi ngồi xuống, đưa tay ra chậm rãi lần mò.

Thoắt cái, Trần Dương thấy kẻ ấy như thay đổi hoàn toàn. Mới trước đó là quân tử như ngọc thì giây sau không nghi ngờ gì đã là hồn ma ác quỷ. Mặt tái nhợt như giấy, mắt xanh như lửa ma trơi, khóe môi rỉ máu, hai tay dài ra đến cả thước, cánh tay chỉ còn lại xương tay mà không có da thịt dính vào, tựa như một cái móc câu dữ tợn cào khoét đất.

Trần Dương quả thực là không thể nhìn thẳng được, ác quỷ quả nhiên đúng là ác quỷ.

Ngụy Lâm Thanh đào toạc mặt đất, một mùi hôi thốc xộc thẳng vào mũi và mang theo cả mùi tanh nồng của máu thịt. Tiếng xì xì vang lên không dứt bên tai, như thể đâm trúng vào bên trong miếng thịt thối nát khiến thứ chất lỏng và không khí bên trong trào ra.

Trần Dương biết sở dĩ Ngụy Lâm Thanh làm thế là vì phá trận.

Quả nhiên không lâu sau, một cái bóng đen đột ngột xông ra từ bên cạnh. Cái bóng đen đó phóng đến treo lên người Trần Dương, sau đó anh nghe thấy một giọng non nớt kêu to, “Ba, ba đi đâu thế, con tìm lâu quá, còn phụ thân đang làm gì vậy? Đào đất à? Để con giúp!”

Nói còn chưa dứt thì thằng quỷ con chẳng biết chui ra từ xó nào đã nhảy tới bên cạnh Ngụy Lâm Thanh. Hai chiếc răng nanh lộ ra ngoài đôi môi đỏ tươi, năm ngón tay như lưỡi móc, nó cùng đào bới với Ngụy Lâm Thanh. Đào ra thứ gì nó sẽ ngó nghiêng một lúc, sau đó mới chán ghét vứt đi, miệng còn lẩm bẩm, “Gớm quá, toàn thịt thối không, không có xương gì hết, không có xương…”

Ngụy Lâm Thanh ở bên an ủi nó, “Con ngoan nào, đợi ra ngoài rồi phụ thân sẽ tìm xương cho con, con muốn dạng nào sẽ có dạng đó.”

Trần Dương nhìn hai cha con kẻ kia mà miệng giật giật, thật đúng là mặt mũi hung tợn, ác độc như quỷ dữ.

./.


[1] Nguyên văn, ‘Hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma,’ trích từ Kinh Thi, Vệ Phong, Kỳ Úc 1. Ở đây, như khắc như giũa ý chỉ việc học đạo lý, như trau như mài ý chỉ việc tu thân.

(Chú thích bên dưới lấy từ sách Tứ thư bình giải, phần dịch thơ của Tản Đà)

Đức Khổng tử cho rằng người quân tử phải đủ cả phẩm chất bên trong và phần văn hoa bên ngoài. Ngài nói, “Chất hơn văn thì quê mùa, văn hơn chất thì kém thành thật, văn chất tươi tốt, hẳn là quân tử.” (Luận ngữ, Ung dã, 16).

Kinh thi đã từng mô tả con người ‘văn chất tươi tốt’ ấy như sau:

Chiêm bỉ kỳ úc,

Lục trúc a a,

Hữu phỉ quân tử,

Như thiết như tha,

Như trác như ma,

Sắt hề giản hề,

Hách hề tuyên hề,

Hữu phỉ quân tử,

Chung bất khả huyên hề!

~*~

Kìa xem bên khủy sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai.

Người sao văn vẻ hỡi người,

Dường như cắt đánh giũa mãi bấy nay.

Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.

 ~*~

Ôi lôi cả Kinh Thi vào kìa, Có người quân tử nhã nhặn, trọn đời chẳng thể nào quên :(( À mà, từ ngày mai mình sẽ post hai chương một ngày nhé:”> 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play