Typer: Lam Anh

Lúc Chân Ý tỉnh lại đã là chiều mồng Một Tết. Khi thấy thời gian trên điện thoại, cô giật mình, không ngờ mình có thể ngủ như vậy. Trong phòng bệnh chỉ có An Dao và Ngôn Hủ, Ngôn Hủ nhìn chằm chằm chim cánh cụt Nam Cực trên tivi, còn An Dao đang gọt táo. Chân Ý ngẩng cổ, cảm thấy sau đầu hơi đau. Cô không nhớ Biện Khiêm đã vỗ đầu mình ở bệnh viện mà chỉ nhớ mình bị đập đầu lúc ở trên cầu. An Dao thấy cô tỉnh lại liền đưa táo đã gọt cho cô. Chân Ý lắc đầu vẻ không muốn ăn: "Ngôn Cách đâu?"

"Khi nãy có người trong nhà đến đây, là chuyện tốt.”

"Chuyện tốt gì cơ?"

"Họ đưa kế hoạch lễ đính hôn."

"Lễ đính hôn?" Tim Chân Ý đập thình thịch, "Chuyện như vậy sao có thể vắng mặt tôi được?"

An Dao đỡ Chân Ý lên xe lăn, đẩy cô đi, cô hớn ha hớn hở. Vừa đến cửa phòng đã nghe thấy giọng nam trầm khàn xa lạ: "Theo trình tự thông thường, cô Chân là đối tượng tình nghi số một, chứng cứ rất xác thực, chắc chắn phải ra tòa."

Luật sư ư? An Dao sửng sốt, rõ ràng vừa nãy còn là người trong nhà. Cô phản ứng cực nhanh, xoay người định đẩy Chân Ý đi, nhưng Chân Ý đã nắm chặt bánh xe. Người bên trong tiếp tục đối thoại: "Mong anh yên tâm, chúng tôi sẽ mời những đại luật sư chuyên nghiệp nhất, lập đoàn luật sư hàng đầu biện hộ giúp cô ấy."

Ngôn Cách nói: "Ngoài việc nhất định phải thắng, tôi còn một yêu cầu khác."

"Xin anh cứ nói."

"Cô ấy sẽ không ra tòa làm chứng." Kìên định và lạnh lùng, không chút nhượng bộ.

"Việc này..." Một người khác do dự, cuối cùng nói, “Chúng tôi sẽ cố hết sức... Chúng tôi bảo đảm."

Lòng Chân Ý vừa ấm áp vừa đau xót. Cô biết anh thương cô, không muốn nhìn cô ngồi vào ghế bị cáo rồi bị chất vấn và bới móc vết sẹo, càng không muốn đám người xem chuyện vui chỉ trỏ nói cô là một kẻ thần kinh, mắc phải chứng nhân cách phân liệt. Cô gõ nhẹ cửa ba cái. Bên trong bỗng dưng im bặt. Chân Ý vào phòng, liếc nhìn luật sư rồi nói: "Cảm ơn."

Luật sư ra ngoài, khép cửa lại. Ngôn Cách nhìn cô không chớp mắt, không nói lời nào và cũng không giải thích. Chân Ý mỉm cười, duỗi tay về phía anh. Anh nắm lấy cổ tay mềm mại nõn nà của cô, kéo về phía trước, xe lăn đụng vào nhau. Cô cười vui vẻ: "Thú vị quá."

Ngôn Cách không nói gì mà chỉ lẳng lặng nhìn cô. Cô vuốt ve tay anh, ngón tay vẽ vòng tròn vào lòng bàn tay anh: "Ngôn Cách..." Cô yêu kiều làm nũng.

"Ừ?"

"Em muốn ra tòa." Cô tràn đầy mong đợi, dịu dàng nhìn anh.

Anh cụp mắt, đợi cô tiếp tục.

"Em muốn ra tòa để tự mình biện hộ, cũng như tìm hiểu chân tướng của hai vụ tử vong này. Dù có phải là Chân Tâm hay không thì em vẫn muốn làm rõ." Cân nhắc tới lòng tốt của anh, cô ngoan ngoãn nói tiếp, "Về phần luật sư anh thuê, bảo họ thành lập đoàn luật sư cho em nhé. Có sự giúp đỡ của họ, chắc chắn sẽ giành được phần thắng."

Ngôn Cách vẫn im lặng, chăm chú nhìn cô.

"Em muốn quang minh chính đại kết thúc chuyện này. Dù đứng trước mặt công chúng, em vẫn phải ngẩng đầu ưỡn ngực không thẹn với lòng. Anh có bằng lòng cho em cơ hội này không?" Cô nghiêng đầu, cười rạng rỡ rồi lại uyển chuyển lay tay anh, "Có được không nào..."

Lúc cô đang định nói tiếp, anh vươn tay bưng lấy mặt cô. Bỗng dưng cô bị bí từ, nhìn anh trân trân. Đôi mắt Ngôn Cách sâu thẳm, ngón cái vuốt ve má cô, niêm phong tất cả nỗi niềm thương tiếc và không nỡ vào đáy lòng, chỉ giữ lại sự ủng hộ và niềm tin bình thản trong mắt, đáp vỏn vẹn một chữ: "Được."

Chân Ý, em muốn tự do thì anh sẽ cho em tự do.

Chân Ý không nhớ chi tiết cái chết của Hoài Như không phải vì Ngôn Cách đã thôi miên cô. Lúc bị bắt cóc, lời khiêu khích của Dương Tư đã khiến cô nhớ lại tất cả những gì xảy ra sau khi Hoài Như xông vào nhà cô. Nhưng ký ức chỉ dừng lại ở ban công, sau khi tiếng "giết cô ta đi" xuất hiện thì không còn gì nữa. Đến cả cái chết của Dương Tư, Chân Ý cũng không nhớ rõ. Cô chỉ nhớ mình đi về phía Dương Tư, Chân Tâm nói "giết cô ta", cô cố gắng chống chọi đến sức cùng lực kiệt rồi hôn mê. Lúc tỉnh lại, Dương Tư đã chết với vết bắn trên bụng và con dao cắm nơi ngực trái. Hoài Sinh nói: "Quả nhiên cô hận cô ta thấu xương, một dao xuyên trúng ngay tim."

Đã bốn mươi lăm ngày sau sự kiện kia. Cho đến hôm nay, thân thể Chân Ý chưa thể nói là hoàn toàn hồi phục, tổn thương tâm lý càng không thể đo lường. Lúc xe ô tô chạy đến cổng tòa án, phóng viên bao quanh đông nghịt. Năm nay, những phiên tòa Chân Ý tham gia đều gây chú ý hết lần này đến lần khác. Vụ của Đường Thường và Tống Y giúp cô nổi danh, vụ Thích Miễn giúp có gia tăng danh tiếng, vụ Hoài Như và Lâm Hàm càng giúp cô rạng danh tên tuổi, tiến thân vào hàng ngũ đại luật sư. Thế nhưng, ở thời khắc đỉnh cao nhất này, cô lại lún sâu vào hai vụ giết người. So với tất cả, việc thu hút ánh mắt người ta nhất không nằm ngoài bệnh nhân cách phân liệt của cô. Chứng bệnh tâm thần thường chỉ tồn tại trong phim ảnhnày đã khơi dậy lòng hiếu kỳ của mọi người. Báo chí truyền thông đều bàn luận đặc trưng của "nhân cách phân liệt", còn đài truyền hình thì góp vui tổ chức tọa đàm giải đáp thắc mắc cho dân chúng.

Mọi người truyền tai rằng luật sư Chân đã ủy thác bảy đại luật sư nổi tiếng nhất thành phố K lập nên đoàn đại luật sư hàng đầu, cô sẽ không ra tòa rồi biến mất khỏi tầm mắt của công chúng từ đây, nhưng sau đó chứng minh chỉ là tin vỉa hè. Luật sư Chân không chỉ ra tòa mà còn tự biện hộ cho mình. Sau khi lấy lời khai và được bác sĩ khoa tâm thần xác nhận tình trạng, cô vẫn chưa xuất hiện. Giới truyền thông đánh giá đây là "Phiên tòa thế kỷ" ly kỳ hơn cả vụ Hoài Như lần trước. Dù kết quả thế nào, cô định sẵn sẽ trở thành nhân vật truyền kỳ trong lịch sử của tòa án thành phố K.

Xuống xe, Ngôn Cách nắm tay đưa cô vào phòng xử án, hành lang không quá dài nhanh chóng đến điểm cuối. Anh dừng bước, đôi mắt thanh khiết nhìn cô, ngón tay vuốt ve mu bàn tay cô theo thói quen, có lẽ muốn nói bao điều nhưng cuối cùng chỉ thốt lên câu: "Chân Ý, anh tin tưởng khả năng của em."

Nỗi thương yêu rõ ràng đầy ắp mà lời nói ra chỉ là một câu tin tưởng. Nhất thời mắt Chân Ý cay cay, suýt nữa rơi lệ. Nhưng là Chân Ý, đương nhiên phải cười tươi rói: "Anh cứ chờ xem, em là người tài giỏi nhất."

Phiên tòa này là lần đầu tiên Chân Ý ngồi vào ghế bị cáo. Cách thanh lan can là hàng ghế dự thính đông nghịt người. Họ đều tò mò nhìn cô như nhìn con thú trong lồng sắt. Cô liếc nhìn Ngôn Cách, anh cũng nhìn cô. Mặc dù không thấy rõ, nhưng cô biết ánh mắt ấy nhất định sẽ dịu dàng và chăm chú. Cô cụp mắt, ngẫm nghĩ luận điểm biện hộ của mình: “không giết người”, “có khả năng tự khống chế”, “có thể tự chủ nhập viện điều trị”, nhưng “không thể cưỡng chế giam giữ”. Cô mím môi: Không thể. Ngôn Cách, nếu không phải vì anh thì em bằng lòng bị nhốt lại để không gây thương tổn cho người khác. Nhưng trên đời này chỉ có anh có thể cứu vớt em, cũng chỉ có em có thể cứu vớt anh. Thế nên dù trong mắt cả thế giới em là kẻ tâm thần và phần tử nguy hiểm, nhưng vì anh mà phụ cả thế giới thì có sao đâu?

Phía công tố đưa ra lời tố cáo đầy hàm ý, không phải “tội giết người”, cũng không phải “tù chung thân” mà là “giết người trái phép” “không mang ác ý có suy tính trước”. Như thế, bên khởi tố không cần đưa ra chứng cứ xác thực chứng minh Chân Ý có ác ý với hai người kia và có mưu tính từ trước. Họ chỉ cần chứng minh cô đã giết người và có vấn đề tâm thần, thì có thể khiến tòa án ra quyết định nhốt Chân Ý vào “phòng theo dõi tội phạm ở bệnh viện tâm thần”, tức phòng giam bệnh nhân tâm thần. Vụ án Hoài Như và Dương Tư sẽ trở thành chứng cứ cô mất khống chế bản thân dẫn đến “giết người trái phép”. Vì thế, họ thẩm lý hai vụ cùng một lúc.

Phòng xử án yên lặng như tờ, Chánh án tuyên bố mở phiên tòa. Doãn Đạc tuyên đọc đơn khởi tố, bắt đầu thẩm vấn Chân Ý.

“Cô tên gì?” Vừa bắt đầu đã đầy thâm ý.

“Chân Ý.”

“Tên của nhân cách kia là gì?”

Người ở ghế dự thính tò mò trông theo. Chân Ý ngước lên nhìn anh, nói: “Xin đừng mớm cung tôi.”

Cô là luật sư biện hộ cho mình, Doãn Đạc không dễ chỉ trích. Anh cầm mấy tờ giấy giám định, hỏi: “Đây là giám định của tám vị bác sĩ khoa tâm thần, trong quá trình này cô có bị ép buộc hay bị đối xử bất công không?”

"Không có."

"Có một bản giám định cho rằng cô mắc chứng nhân cách phân liệt, cô thấy kết quả giám định có phù hợp với thực tế không?"

Phòng xử án nín thở theo dõi. Chân Ý: "Trong tám chuyên gia giám định bệnh tâm thần, ba người cho rằng tôi bị nhân cách phân liệt, hai người trung lập, ba người còn lại cho rằng trạng thái tinh thần tôi bình thường, không có bệnh tật. Công tố viên Doãn thấy kết quả của năm chuyên gia kia có đúng với thực tế không?"

Các bồi thẩm viên ngơ ngác nhìn nhau, rõ ràng họ không ngờ kết quả giám định tinh thần lại có sai khác lớn đến vậy. Doãn Đạc chuẩn bị từ trước, nói: "Nhân cách phân liệt rất hiếm thấy trên lâm sàng, không có phương pháp giám định cố định như những bệnh tâm thần khác, nên sẽ tồn tại sai khác nhất định."

“Chân Ý gật đầu, thành khẩn nói: "Nếu công tố viên Doãn thừa nhận có tồn tại sai khác nhất định, thì tin chắc điều này đồng nghĩa với ba chuyên gia nhận định tôi bị nhân cách phân liệt có thể mắc sai lầm." Dùng gậy ông đập lưng ông.

Doãn Đạc cau mày cực nhẹ, hoàn toàn bất ngờ. Xem chừng mặc dù trải qua một trận giày vò và gần hai tháng dưỡng thương, nhưng khi trở lại tòa án, cô vẫn là luật sư Chân khéo ăn khéo nói suy nghĩ nhanh nhẹn. Anh đổi phương thức: "Cảnh sát đã hỏi thăm những người quanh cô, bạn học và đồng nghiệp cho biết cô có một người chị gái làm việc ở Mỹ, hay chuyển tiền định kỳ cho cô và gọi điện an ủi mỗi lúc cô buồn. Tên của chị gái cô là gì?"

Chân Ý không hề do dự, cất giọng thật thà: “Chân Tâm.” Vấn đề này che giấu cũng vô ích.

Doãn Đạc không ngờ cô thẳng thắn như vậy, vẫn muốn đưa thêm chứng cứ. Không ngờ Chân Ý nhận ra ý đồ của anh, giành mở miệng trước: "Chị gái tôi không tồn tại, người gửi tiền là chính tôi, điện thoại cũng là giả."

Người dự thính như rơi vào sương mù, cảm thấy thật ly kỳ, đây chính là nhân cách phân liệt ư? Chỉ là một người, nhưng lại như có hai người nương tựa lẫn nhau? Thật đáng sợ!

Doãn Đạc không hề cảm thấy đáng sợ, ngược lại nhìn cô bằng cặp mắt khác xưa. Sau khi chuyện nhân cách phân liệt bị phơi bày, anh tưởng cô sẽ yếu ớt gục ngã, nhưng bây giờ xem ra cô vẫn là Chân Ý của ngày trước. Giờ phút này, cô điềm tĩnh tự bóc trần vết sẹo của mình để ngăn trở Doãn Đạc đưa thêm chứng cứ. Bởi lẽ anh dùng chứng cứ bắt bẻ khiến cô á khẩu, hay cô bâng quơ thừa nhận, cảm giác mang lại cho bồi thẩm đoàn sẽ hoàn toàn trái ngược nhau. Doãn Đạc hỏi: "Chân Tâm này là nhân cách thứ hai của cô phải không?"

Vừa dứt lời, phòng xử án lại chìm vào sự tĩnh lặng sâu thẳm. Vài giây sau, Chân Ý nhẹ giọng trả lời: "Phải."

Không gian vẫn tĩnh lặng, không có một âm thanh. Mọi người sởn da gà, ánh mắt sâu xa tập trung về phía Chân Ý sau hàng lan can, nhìn cô như nhìn một kẻ khác loài với những cảm xúc phức tạp như khó hiểu, nghi ngờ, hốt hoảng, sợ hãi và thương hại.

Doãn Đạc hỏi: "Bây giờ cô còn có ý kiến gì với giám định của các chuyên gia không?" Ám chỉ Chân Ý nói dối từ đầu.

Chân Ý nhoẻn môi cười, điềm nhiên nói: "Tôi chưa từng nghi ngờ kết quả giám định của chuyên gia, càng không phủ nhận việc tôi có bệnh tâm thần."

Giữa phòng xét xử yên ắng này, giọng nói không lớn cùng ngữ điệu ôn hòa của cô nghe thật êm tai: "Tôi chỉ chất vấn bên khởi tố. Rõ ràng có tám chuyên gia mà chỉ lựa ra giám định của ba người có lợi cho bên khởi tố để công kích tôi."

Doãn Đạc thầm cảm thán sao cô suy nghĩ nhạy bén hơn hẳn người thường, bất kể vấn đề gì tới chỗ cô đều có thể được giải quyết ổn thỏa không chút sơ hở. Anh nói: "Chúng tôi đưa ra phán đoán hợp lý nhất, giờ đây cô cũng đã thừa nhận mình thật sự mắc chứng nhân cách phân liệt."

Chân Ý không trả lời trực tiếp mà đảo một vòng: “Tôi nói rằng ý kiến của tám chuyên gia có sai khác là để chứng minh mặc dù bị bệnh nhưng tôi vẫn có thể khống chế bản thân và sống như người bình thường."

Doãn Đạc không tán thành: "Cô Chân, nhân cách kia của cô rất nguy hiểm, tôi không cho rằng cô có thể khống chế cô ấy."

"Ý anh là tôi không thể khống chế bệnh tình của mình sao?" Chân Ý hỏi rất cụ thể.

Doãn Đạc thấy cô tự dưng hỏi kỹ, hẳn là đặt bẫy dụ mình. Nhưng ngẫm lại thì không phát hiện có điểm nào đáng ngờ, bèn đáp: "Đúng. Bệnh tình của cô đã có dấu hiệu tấn công người khác ngoài kiểm soát rất nghiêm trọng."

Chân Ý ăn nói đúng mực: "Xin anh đưa ra chứng cứ."

"Nhân cách kia của cô bị tình nghi giết hai nạn nhân, đó là Hoài Như và Dương Tư."

Những lời này khiến người dự thính kinh ngạc và khiếp sợ, có lẽ còn mang chút hưng phấn và căng thẳng. Quả nhiên nhân cách kia giết người! Đúng là tình tiết phim ảnh mới nghe lần đầu. Một nhân cách giết người và một nhân cách không biết sự tình, rốt cuộc nên phạt hay không nên phạt đây? Vụ án như thế khắp thế giới cũng chỉ có một ít án lệ. Mọi người mỏi mắt trông đợi, mong chờ hướng đi cuối cùng của phiên tòa này.

Giữa tiếng xì xầm dấy lên sau câu nói kia, Chân Ý vẫn vô cùng điềm tĩnh, giọng nói dõng dạc: "Phía khởi tố cho rằng tôi rất nguy hiểm nên khả năng tôi giết chết Hoài Như và Dương Tư là rất lớn, đồng thời lại cho rằng tôi đã giết chết Hoài Như và Dương Tư nên tình trạng của tôi rất nguy hiểm." Cô nói một câu vòng vèo, nhớ lại những lời thức tỉnh mà Ngôn Cách đã nói trước đó rất lâu, cô lặp lại: "Như vậy chẳng khác nào các anh giả thiết rằng tôi giết Hoài Như và Dương Tư, sau đó tìm chứng cứ ủng hộ cho lập luận này. Việc này giống như làm thí nghiệm, phương pháp là đúng. Các anh tìm được chứng cứ cho thấy "Bệnh tình của tôi có dấu hiệu tấn công người khác". Song, chứng cứ này chỉ được thành lập dưới tình huống "Tôi giết Hoài Như và Dương Tư". Dùng những luận cứ này chứng minh giả thiết ban đầu kia thì thử hỏi công tố viên Doãn đây chính là logic của đoàn khởi tố các anh sao?"

Cả một đoạn luẩn quẩn, nhưng với tốc độ nói chậm rãi và ổn định của cô, mọi người từ chánh án, bồi thẩm viên đến người dự thính đều nghe rõ ràng. Hằng ngày, mọi người đều dùng phương pháp chứng minh này, theo thói quen còn cảm thấy rất đúng. Nhưng bây giờ nghe Chân Ý phân tích, họ mới nhận ra cách "suy diễn" quen thuộc ấy có sơ hở logic quá lớn. Đôi đồng tử của Doãn Đạc hơi co lại, quả nhiên vấn đề kia đã lọt vào bẫy của cô. Bây giờ, anh không thể phản bác. Trước sơ hở này, phản bác chỉ khiến mọi chuyện càng thêm tệ hại.

Thấy anh không đáp, Chân Ý cười nói: "Vậy nên, vì bệnh của tôi mà nghi ngờ tôi tấn công Hoài Như và Dương Tư là một luận điểm không thể thành lập. Công tố viên Doãn, chúng ta có thể nhất trí ở vấn đề này không?"

Doãn Đạc không phải là người không biết nhận sai, gật đầu đầy khâm phục: "Có thể."

Chánh án cũng gật đầu, nói với bồi thẩm viên: "Đề nghị các bồi thẩm viên xử sự công bằng, tập trung vào chứng cứ phía khởi tố đưa ra, đừng vì bệnh của bị cáo mà chủ quan phán định rằng cô ấy có tình nghi giết người."

Các bồi thẩm viên gật đầu: "Vâng."

Chân Ý thầm thở phào nhẹ nhõm. OK, ngay từ đầu bên khởi tố đã muốn thông qua bệnh của cô để khuếch đại hiềm nghi, giờ đây phương phảp này đã bị cô phá vỡ chỉ bằng một cú. Trận đầu đã giành thắng lợi!

Cô liếc mắt về ghế dự thính, mọi người kề tai bàn luận, duy chỉ có Ngôn Cách vẫn ngồi ngay ngắn bình thản. Cô mỉm cười với anh và biết nhất định anh sẽ nhìn thấy.

Tiếp theo là phần thẩm vấn về chi tiết vụ án Hoài Như và Dương Tư. Trước tiên Doãn Đạc trình bày tóm tắt tình huống với bồi thẩm đoàn, đợi sau khi mọi người nắm được ý chính, anh mới hỏi Chân Ý: "Cô không có ký ức gì về khoảng thời gian hai người kia bị giết à?"

"Đúng."

"Khi bị kích động, cô sẽ bị một nhân cách khác áp chế?"

“Phải xem tình hình." Chân Ý vô cùng cẩn thận.

Doãn Đạc bị cô nhìn thấu tâm tư, đành phải bỏ qua rồii hỏi câu khác: "Nếu bị đả kích nghiêm trọng như khi tính mạng bị uy hiếp thì sao?"

"Có."

Phòng xử án bàn tán xôn xao.

"Lúc lấy lời khai, cô đã nói Hoài Như muốn giết cô?"

"Đúng."

"Khi ấy, cô có muốn giết Hoài Như không?"

"Không muốn."

"Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy ngoài vết thương do bị ngã thì trên cổ Hoài Như còn có vết dây. Tại sao lại vậy? Tại sao lại thay đổi hình thức gây án?" Doãn Đạc hỏi.

Câu hỏi có vẻ như rất bình thường, nhưng Chân Ý hiểu rõ rằng anh đang nhấn mạnh "thay đổi hình thức gây án", mục đích là để loại bỏ "giết người hợp pháp trong tình huống tự vệ". Cô chỉ bị bệnh, không có nghĩa là IQ và năng lực chuyên môn có vấn đề.

Người trên tòa đều chờ đợi Chân Ý trả lời câu hỏi hóc búa này như thế nào. Cô giả bộ hồ đồ hỏi ngược lại: “Tôi không hiểu, hình thức gây án gì cơ?”

"Tại sao lại siết cổ rồi đẩy cô ta xuống tầng?"

“Tôi thật sự đã siết cổ cô ta, nhưng không hề đẩy cô ta xuống tầng." Cô nói tiếp bằng giọng mạch lạc rõ ràng, "Trước khi đưa ra được chứng cứ chứng minh tôi đẩy cô ta xuống tầng, thì việc phía khởi tố nói tôi “thay đổi hình thức gây án" là không thỏa đáng và bất hợp lý."

Trong mấy phút ngắn ngủi, Doãn Đạc bị cô bắt thóp hết lần này đến lần khác: "Ý cô là cô đã siết cổ nạn nhân, nhưng không rõ vì sao cô ta ngã lầu phải không?"

"Phải."

"Lúc cô siết cổ nạn nhân, cô không muốn giết cô ta ư?"

Chân Ý im lặng một giây, đầu óc xoay chuyển cực nhanh. Nếu trả lời là có thì chắc chắn Doãn Đạc sẽ hỏi tiếp: Có thể chính cảm xúc tiêu cực của cô đã lan tỏa, ảnh hưởng và kích phát nhân cách còn lại. Đến khi anh hỏi vấn đề này, dù cô trả lời không thì bồi thẩm đoàn cũng sẽ bị ảnh hưởng, cho rằng cô là thành phần nguy hiểm, chỉ cần bị chọc giận sẽ mất hết lý trí và để nhân cách kia bước ra làm xằng làm bậy. Nghĩ vậy, cô vô cùng kiên định: “Không muốn.” Dù sao cô vẫn không phải thông qua máy phát hiện nói dối.

"Nhưng vết dây trên cổ Hoài Như rất sâu."

"Cô ta muốn giết tôi. Để bảo vệ mình, tôi buộc phải siết cô ta không còn hơi sức rồi buông lỏng. Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy cô ta ngã lầu chết, tôi siết cổ không khiến cô ta khó thở, thậm chí không gây thương tổn cho đường hô hấp."

Doãn Đạc thầm cảm thán vì quả nhiên cô đã nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu cảnh sát cung cấp.

"Sáng sớm Hoài Như đã xông vào nhà tôi, vừa mở mắt tôi đã thấy tấm gương dính máu và chiếc vòng thòng ở cổ mà cô ta dùng để siết tôi. Tôi không lấy dao gọt trái cây mà sử dụng sợi dây cô ta mang đến để phản kháng. Điều này đủ để chứng minh động cơ của tôi là tự vệ chứ không phải giết người." Ngụ ý rằng đừng gán cho tôi cái danh tàn nhẫn hay có ý muốn giết người.

Cô nói từng câu từng chữ với giọng điệu mang chút cảnh cáo, phòng xử án yên lặng như tờ. Chánh án gật đầu: "Phản đối hữu hiệu, đề nghị phía khởi tố không mớm cung."

Doãn Đạc nhìn Chân Ý hồi lâu, gật nhẹ đầu: "Xin lỗi."

Doãn Đạc không hỏi Chân Ý nữa mà gọi nhân chứng. Nhân chứng họ Tô cho biết sáng hôm đó cô ta đi đến dưới tòa nhà và nghe thấy trên đầu mình có tiếng kêu la của phụ nữ, ngẩng đầu lên thì thấy Chân Ý đẩy Hoài Như xuống tầng. Doãn Đạc cầm ảnh của Hoài Như cho cô ta xem: "Đây là người bị ngã phải không?"

Nhân chứng họ Tô bối rối: "Không biết, cô ta ngã thảm quá, tôi không dám nhìn." Phản ứng chân thật.

Doãn Đạc chỉ Chân Ý ở ghế bị cáo: "Cô gái này là người đẩy phải không?"

"Đúng."

"Cao 13 tầng, cô thấy rõ chứ?"

"Tôi thấy tóc cô ta rất dài, mặc áo phông tay ngắn màu trắng. Trời hôm ấy rất lạnh, chắc hẳn là người sống trong căn hộ."

Doãn Đạc hỏi xong liền trình chiếu đoạn băng giám sát ở khu căn hộ của Chân Ý: "Nạn nhân bị ngã vào khoảng 6 giờ 5 phút. Băng ghi hình cho thấy bị cáo chạy khỏi nhà vào 6 giờ 6 phút 38 giây." Đoạn băng dừng lại, "Có thể thấy hôm đó bị cáo mặc áo phông tay ngắn và quần ở nhà, chân không đi giày." Phù hợp với miêu tả của nhân chứng.

Doãn Đạc quay lại nhìn Chân Ý: "Camera giám sát ở nhiều đoạn đường cho thấy bị cáo đã đi lại trên phố với cách ăn mặc như trong đoạn băng. Tôi cho rằng lúc này bị cáo đã mất tự chủ và trở nên vô cùng nguy hiểm."

Màn chiếu của phòng xử án xuất hiện vài hình ảnh: Chân Ý chân không chạy giữa đường trong trạng thái bết bát hỗn loạn, lúc thì ở camera giám sát chỗ này, lúc thì lại ở ngã tư kia. Cô mặc chiếc áo phông mỏng manh, bàng hoàng ngơ ngác giữa trời rét mướt, một hình ảnh quá trực quan và chấn động lòng người! Người dự thính rỉ tai bàn tán. Xét cho cùng thì Chân Ý điềm tĩnh tự chủ trên tòa và người hoảng loạn trốn chạy trong đoạn băng quá khác biệt. Thì ra đây chính là nhân cách phân liệt. Dù tiếng nghị luận nổi lên, Chân Ý vẫn không chút dao động.

Doãn Đạc vừa hỏi xong, cảnh sát tòa án mở ghế bị cáo. Chân Ý bước ra rồi đi đến vị trí luật sư bào chữa, gật đầu với chánh án và thành viên bồi thẩm đoàn. Sau đó, cô bước đến trước mặt trợ lý tòa án, lịch sự hỏi: "Tôi muốn mượn đoạn băng giám sát giao thông mà công tố viên Doãn Đạc phát khi nãy."

Trợ lý tòa án phát đoạn ghi hình một lần nữa, Chân Ý quan sát một vài hình ảnh trong đó rồi nói với trợ lý: "Chạy, dừng lại, chạy tiếp, chụp lại, dừng..."

Phòng xử án chỉ có giọng nói bình thản cúa cô, bồi thẩm viên và người dự thính dõi mắt trông theo, không biết cách phát như vậy có gì khác với trước đó.

Sau mấy lượt, Doãn Đạc phát hiện những chỗ cô bảo dừng đều là lúc cô tiếp xúc với người xa lạ trên đường. Anh thoáng cảm thấy gì đó, quả nhiên Chân Ý quay lại nhìn mọi người và nói: "Như mọi người đều thấy, có đoạn tôi băng qua đường bị một chiếc xe tông ngã, tài xế đã xuống xe mắng tôi, rồi lại có đoạn tôi chạy qua ngõ bị người phụ nữ xông lên lôi kéo quát mắng. Và còn nhiều đoạn khác, nhưng phản ứng của tôi là gì?"

Mọi người im lặng, "Tôi không tranh cãi với bất cứ ai, cũng không chủ động tiếp xúc cơ thể với họ, tôi đang trốn tránh." Nói xong, cô mỉm cười với Doãn Đạc, "Cám ơn công tố viên Doãn đã cung cấp đoạn băng này, nó đã chứng minh được tôi sẽ không đe dọa bất cứ ai dù trong tình huống tinh thần thất thường." Hay cho chiêu gậy ông đập lưng ông!

Doãn Đạc thậm chí không có lý do để nói "phản đối". Chân Ý nhã nhặn gật đầu với trợ lý tòa án: "Cảm ơn." Đồng thời, cô lấy làm mừng vì Ngôn Cách đã giúp cô giấu nhẹm chuyện cô lao vào bệnh viện tâm thần đòi giết Lệ Hữu.

Xong xuôi mọi chuyện, Chân Ý nhìn cô Tô: "Hôm ấy, cô thấy bị cáo cũng chính là tôi, đã đẩy nạn nhân xuống tầng từ ban công phải không?"

Thái độ của cô hiền hòa nên cô Tô không hề căng thẳng: "Đúng."

Chân Ý đưa một bản vẽ cho trợ lý tòa án đặt lên máy chiếu, là hình phác họa tòa chung cư của Chân Ý. Ban công nhà cô và vị trí ngã của Hoài Như được khoanh một vòng tròn đỏ chót. Chân Ý hỏi: "Lúc nghe thấy tiếng hét rồi ngẩng đầu lên, cô đứng ở vị trí nào?"

Cô Tô bước qua, vẽ một mũi tên màu xanh lên bản vẽ. Vị trí đó cách nơi Hoài Như ngã một khoảng, chính là lối ra khu chung cư.

"Xin hỏi, cô vừa mới ra khỏi khu chung cư hay đã đi được một đoạn rồi?"

Nhân chứng cố gắng nhớ lại: "Đi được mấy bước, khoảng chừng ba, bốn mét."

Chân Ý lấy ra một tờ giấy, là hình ảnh mặt bằng cắt ngang. Theo miêu tả của nhân chứng, cô vẽ một tam giác giữa vị trí Hoài Như ngã, lối ra tòa chung cư và điểm đứng của nhân chứng. Bởi vì nhân chứng chỉ ra ngoài được ba mét, ban công cách lối ra khoảng chừng hai mươi mét theo chiều thẳng đứng, nên hình vẽ ra trên sơ đồ mặt cắt là một tam giác vuông với một cạnh cực ngắn và một cạnh cực dài. Ban công nằm ngay bên trên đỉnh tam giác đối xứng với cạnh ngắn. Cửa tòa nhà ở bên trái, nơi xảy ra vụ án ở bên phải. Tất cả mọi người đều không hiểu cô vẽ những thứ này từ khi nào, Chân Ý hỏi những câu hoàn toàn không liên quan đến hình vẽ: "Lúc tôi đẩy nạn nhân xuống tầng, cô thấy nạn nhân gần phía cô hay tôi gần phía cô?"

"Nạn nhân gần phía tôi." Nhân chứng rất chắc chắn, "Cô ta ở bên trái ban công, rất gần chỗ tôi."

Chân Ý ồ lên, rồi bất thình lình hỏi: "Ở góc độ này, cô có thể thấy rõ nghi phạm đẩy nạn nhân xuống tầng ư?"

Nhân chứng sửng sốt vài giây, hơi tức giận: "Tại sao không nhìn thấy chứ? Tôi không nói dối."

Doãn Đạc: "Phản đối."

"Phản đối hữu hiệu."

"Tôi không hề nói nhân chứng nói dối." Chân Ý nhã nhặn giải thích, lấy thêm một bức ảnh, "Đây là ảnh chụp ban công nơi xảy ra vụ án từ vị trí đứng mà cô miêu tả."

Tất cả mọi người đều thấy rằng vì góc độ và hình ảnh ba chiều nên ban công hình chữ nhật đã biến thành hình tam giác nhỏ nghiêng nghiêng. "Cô đứng gần tòa nhà, ban công quá xa với độ cao 13 tầng. Từ góc độ này, tôi cho rằng thân thể người chết khi ngã xuống sẽ che khuất nghi phạm trên ban công. Điều này dẫn đến sai lầm của thị giác, ví dụ như nghi phạm thò người ra xem sẽ bị cô ngộ nhận là đẩy nạn nhân xuống."

Phòng xử án rộ lên tiếng bàn tán khe khẽ, sai lầm của thị giác? Chuyện này không hiếm thấy trong đời sống hằng ngày nên mọi người cũng có kinh nghiệm, ngay cả bồi thẩm viên cũng cảm thấy có lý.

Doãn Đạc chịu thua, càng là những điều bình thường trong cuộc sống càng khó tìm ra, vậy mà cô lại nghĩ đến. Nhân chứng sửng sốt. Chân Ý cho cô ta lối thoát, khéo hiểu lòng người mà trấn an: "Cô không nói dối, cũng không khai man, chẳng qua hiểu lầm do vị trí mà thôi."

Nhân chứng không nói không rằng, cảm thấy xấu hổ, không chịu tin mình ra tòa làm chứng vậy mà lại nhìn nhầm. Cô ta kiên định nói: "Không phải hiểu lầm do vị trí, tôi tận mắt nhìn thấy."

Chân Ý hơi nhíu mày thầm nghĩ, nếu cô ta đã khăng khăng như vậy thì cô không cần phải nể nang nữa. Huống chi việc nhân chứng không thấy rõ cũng không thể chứng minh cô không giết người.

Điều kỳ diệu của kiện cáo nằm ở chỗ nếu là vụ mưu sát thì đến bước này, gạt bỏ được bằng chứng của nhân chứng đã xem như thành công mỹ mãn. Nhưng bây giờ, cô bị bệnh tâm thần là sự thật, nên cô phải cố gắng gột sạch hiềm nghi của mình, từ đó chứng minh bản thân vô tội. Đây cũng là tiêu điểm mà giới truyền thông vô cùng hứng thú.

Vẻ mặt cô dần dần không còn hiền hòa nữa, rút ra ba tấm ảnh nhân viên pháp chứng chụp từ túi vật chứng. Giọng điệu bình thản, đượm hơi lạnh: "Tấm thứ nhất là vết trầy và vết máu ở lan can bên trái ban công, chứng minh nạn nhân Hoài Như ngã từ lan can bên trái. Tấm thứ hai là nền ban công với chậu hoa vỡ tan tành, mảnh vỡ và đất rải rác dưới sàn, trùng hợp là những thứ đó bao quanh nơi nạn nhân đứng trước khi ngã. Nhân viên pháp chứng giám định rằng ngoài dấu chân bị cáo ở bên phải thì chỗ chậu hoa vỡ vẫn còn nguyên vẹn, vụn bên ngoài cũng không bị hư hại. Xin hỏi bị cáo bay qua đẩy nạn nhân rồi quay về thế nào để không phá hỏng dấu vết rơi vỡ tự nhiên của chậu hoa?”

Vô số ánh mắt lẳng lặng tập trung vào nhân chứng, cô ta phản bác: "Có khi cô đẩy ngã người ta rồi mới đập vỡ chậu hoa cũng nên."

Chân Ý cười lạnh, ngón tay gẩy một cái, tấm ảnh thứ ba xuất hiện: "Không may là nạn nhân để lại nửa dấu giày ở rìa bên trái đống đất, chứng minh chậu hoa vỡ trước khi cô ta ngã."

Không gian yên ắng. Tất cả đều biết rất khó biện hộ cho trường hợp "chứng minh vô tội", nhưng đến thời khắc này họ mới phát hiện với một người tỉ mỉ như Chân Ý thì có chuyện gì làm khó được cô?

Chân Ý cầm tấm ảnh, tay không dằn được mà run rẩy. Trời mới biết sự kích động và cảm kích khi cô nhìn thấy vật chứng. Cô không giết người, dù nhân cách Chân Tâm có xuất hiện thì cô cũng không giết người! Cô có thể áp chế Chân Tâm!

Nhân chứng sửng sốt, cứng họng không trả lời được, xấu hổ đỏ bừng mặt. Chân Ý không trách cứ nhiều, phong cách trước kia của cô là tấn công sắc bén, khí thế hùng hồn, nhưng bây giờ bị bao phủ bởi "hào quang" bệnh nhân tâm thần, cô nên kiềm chế một chút thì hơn. Cô quay lại nhìn công tố viên Doãn: "Tôi cho rằng, những chứng cứ này đủ để chứng minh tôi không liên quan đến cái chết của Hoài Như."

Doãn Dạc gật đầu.

Chân Ý mời nhân viên pháp chứng, lấy thêm chứng cứ khác: "Trong tấm ảnh, chai thuốc đánh rơi ở hiện trường chứa thứ gì?"

"Thuốc mê dạng khí."

"Trên đó chỉ có dấu vân tay của Hoải Như phải không?" Ám chỉ Hoài Như tự mang đến.

"Đúng."

"Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy trong cơ thể nạn nhân có thuốc này?"

"Vâng."

"Loại thuốc này khiến người ta sinh ảo giác?"

"Phải."

"Có thể khiến người ta tự nhảy lầu không?"

"Có thể."

Phòng xử án dậy lên tiếng xôn xao.

Đến đây nên kết thúc, nhưng Chân Ý hỏi tiếp mấy câu: "Nó vào thân thể người chết bằng cách nào?"

"Thuốc bay hơi, hít quá liều."

"Nó không màu không mùi phải không?" Cố ý hỏi.

"Lúc đầu ngọt ngấy, nhưng sau đó không mùi."

"Khi thuốc bay hơi, những người có mặt đều hít phải, đúng không?"

"Đúng."

Cô dừng lại, lẳng lặng kéo ưu thế về phía mình: "Bị cáo mất kiểm soát, hốt hoảng chạy trên đường, có khả năng do hít phải loại thuốc này nên đầu óc không tỉnh táo không?"

"Không loại bỏ khả năng này."

Vừa dứt lời, xung quanh lại ồn ã. Như vậy khác nào nói hôm Hoài Như chết, luật sư Chân có khả năng không xuất hiện nhân cách phân liệt?

Chân Ý thấy Doãn Dạc định phản đối, phủ đầu trước khi anh lên tiếng: "Tôi đã hỏi xong."

Rất tốt, vụ Hoài Như đã giải quyết xong xuôi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play