Mặt trời chói lọi đã lên cao, người đi đường bắt đầu đông dần, cổng thành bắc bỗng nhiên xuất hiện một đội ngũ kỳ dị: mười sáu gã cấm quân Đại Minh vận quân trang, đao dắt bên hông, đang hộ tống một chiếc xe ngựa được sơn sáng bóng chạy vào thành.
Tuấn mã cao lớn tuyền một màu trắng, yên ngựa hoa lệ, khôi giáp những gã võ sĩ trên ngựa mặc tinh mỹ hơn trang phục của quân biên phòng gấp không biết bao nhiêu lần. Sau khi vào thành, xe ngựa không hề dừng lại, đội nghi trượng (1) tiến thẳng về phía sở Dịch thừa.
Trong sở dịch, Dương Lăng đang uống trà tán gẫu cùng Liễu Bưu và Dương Nhất Thanh, nghĩ mọi cách hòng moi thêm tin tức về kinh thành và cẩm y vệ từ miệng bọn họ. Lúc này một gã dịch tốt vội vội vàng vàng chạy vào bẩm báo:
- Đại nhân, có quan viên đi qua đây đến đưa thư trú giá (thư yêu cầu được ngụ lại tại sở dịch đương địa – ND.), đội xe đã sắp đến nơi rồi.
Nghe xong, Dương Lăng cảm thấy rất đỗi kỳ lạ. Tuy rằng sở dịch chịu trách nhiệm tiếp đãi các quan viên qua lại, nhưng cách trạm Kê Minh này không xa chính là địa bàn của người Thát Đát, cho nên chưa từng có quan lớn ghé qua. Nếu như có quan viên đến đưa thư trú giá, vậy quy mô đội xe nhất định không nhỏ, là ai đến đây nhỉ?
Liễu Bưu và Dương Nhất Thanh vội vã theo y ra ngoài đón khách. Trên con đường truyền tin trước mặt một chiếc xe ngựa đang chầm chậm đi tới, ở hai bên chiếc xe, mỗi bên có tám thớt tuấn mã được cưỡi bởi những kỵ sĩ đầu đội mũ thân mặc giáp, thập phần uy vũ.
Vừa thấy lá hoàng kỳ cắm trên xe ngựa, Liễu Bưu mau chóng tiến lên một bước, ghé vào tai Dương Lăng nói nhỏ:
- Đại nhân, đây là người ở kinh sư đến đó.
Dương Lăng khẽ gật đầu, đứng trang nghiêm trước cửa. Chiếc xe ngựa tiến đến trước mặt y rồi dừng lại, rèm cửa vén lên, từ trong một người khom lưng bước ra. Trông lão tuổi độ hơn năm mươi, khuôn mặt gầy gò, mặc trang phục thái giám trong cung.
Dương Lăng thất thanh kêu lên:
- Lưu công công?
Người đó đúng là giám quân Lưu công công. Lão bước xuống xe ngựa, toét miệng cười với Dương Lăng:
- Dương dịch thừa, ta và cậu thật có duyên đó! Mới hơn một tháng mà chúng ta đã lại gặp nhau rồi.
Dương Lăng mời Lưu công công vào trong đại sảnh, lòng vẫn chưa rõ mục đích đến đây của lão ta. Việc y được thăng chức làm một gã đồng tri ngũ phẩm trong cẩm y vệ đâu cần đến thái giám trong cung xuất hiện? Thông thường thái giám chỉ xuất cung khi phụng chỉ giám sát quân đội, thu thuế, hoặc mua sắm vật dụng cho hoàng cung; rất hiếm khi triệu kiến một gã quan viên dưới tam phẩm mà cần thái giám mang thánh chỉ đến tuyên chiếu.
Mười sáu tay võ sĩ bước vào đại sảnh đứng sang hai bên, tay dằn cán đao bên hông, mắt nhìn thẳng. Lưu công công đi đến chính giữa đại sảnh rồi quay người lại, đằng hắng một tiếng, cất cao giọng:
- Dịch thừa huyện Kê Minh Dương Lăng tiếp chỉ!
Dương Lăng vẻ mặt lơ ngơ luống cuống, không biết phải làm sao. Nghe nói hoàng đế hạ thánh chỉ cho mình, y vô cùng ngạc nhiên; còn về phần tiếp chỉ, có phải làm giống như trong phim hay không, y cũng không rõ lắm. May mà Lưu công công cũng đã thấy nhiều người như vậy, thánh chỉ không phải là tờ rơi, có bao nhiêu quan viên thật sự được tiếp thánh chỉ chứ? Thậm chí ngay cả đại thần làm quan trong triều, có không ít người trong lần đầu tiếp thánh chỉ cũng đã gây ra những chuyện nực cười. Lão khẽ mỉm cười, hai tay cầm thánh chỉ, nhẹ giọng bảo:
- Dương dịch thừa, quỳ xuống nghe tuyên chỉ là được!
Lần đầu quỳ trước kẻ khác, trong lòng Dương Lăng vẫn hơi có chút không thoải mái, chỉ đành coi như là nhập gia tuỳ tục vậy, dù sao y cũng không có gan kháng cự.
Lưu công công từ từ mở thánh chỉ ra, rồi cất cao giọng:
- Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Trẫm nghe: Tam Đại (*) sở dĩ được thiên hạ, ấy là bởi tại lòng dân. Thế nên, dân chính là gốc rễ của quốc gia. Bậc Tiên hiền có nói: khi mà đại đạo được thực thi, thiên hạ sẽ thuộc về mọi người.
((*): tên chung chỉ ba triều đại cổ ở Trung Quốc - nhà Hạ do Vũ sáng lập, nhà Thương do Thành Thang dựng lên, và nhà Chu do Chu Văn Vương khởi thủy.)
Lưu công công đọc du dương trầm bổng, đầu gật gù lắc lư. Dương Lăng nghe Lưu công công đọc mấy thứ cổ văn đó, mặc dù hiểu được ý nghĩa bên trong, nhưng cũng nghe đến trầy trật. Mãi một hồi lâu sau y mới thấy Lưu công công đi vào chủ đề chính:
- Vì lẽ đó, dân chính là chủ của quốc gia, Thiên tử nhờ dân mà có thiên hạ. Đấng quân vương phải coi trọng chữ tín, giữ lấy thuận hoà, tuyển chọn hiền lương. Đương kim thái tử thông tuệ hiếu học, nghe có tú tài Tuyên phủ là Dương Lăng, có tài kiêm đức, rất tốt. Nay trẫm tuyên Dương Lăng vào kinh, nhậm chức thái tử thị độc (Chức quan chuyên hầu hạ thái tử đọc sách – ND.), sau khi nhận chiếu lập tức tiến kinh, không được chậm trễ. Khâm thử. Tháng hai năm Hoằng Trị thứ mười tám.
Dương Lăng nghe mà ù ù cạc cạc. Thái tử thị độc? Không phải là cẩm y vệ đồng tri sao? Trong lòng y chợt nhớ đến lời Mã Liên Nhi đã nói đêm hôm ấy: “Thăng cấp trong quân đội nào phải trò đùa. Có câu nói 'quan lộ hiểm ác' huynh có biết không? Để muội suy nghĩ một chút, ừm... với 'công lao' mà huynh lập được, tuyệt không có lý nào thăng liền ba cấp, thẳng đến trung ương của Cẩm y vệ. Trong kinh lại càng không thể có ai tốt bụng mà vô duyên vô cớ thăng chức cho huynh như vậy. Chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ xem sao, không thể để cho kẻ khác hãm hại được...”
Dương Lăng đột nhiên bừng hiểu. Chẳng trách Cẩm y vệ lại vội vàng chạy đến thăng quan cho y, hoá ra là vì nghe nói hoàng đế muốn y làm thái tử thị độc, cho nên đến để thêu hoa trên gấm (ý làm cho chuyện đã tốt đẹp sẵn rồi càng tốt đẹp hơn nữa – ND.). Tuy rằng thái tử thị độc chỉ là quan lục phẩm, nhưng nói trắng ra đó chính là bạn học của thái tử, một khi thái tử đăng cơ, những kẻ thân cận và hiểu rõ thái tử nhất ấy có lẽ nào lại không được trọng dụng?
Chức dịch thừa này của y vốn chỉ là một tiểu lại con con ở vòng ngoài của Cẩm y vệ, hôm nay một bước thăng quan liền đã trở thành nhân viên cộm cán ở trung ương. Ban cho một chức quan để lôi kéo tâm phúc của hoàng đế tương lai về bên phe mình, đương nhiên Cẩm y vệ chẳng thiệt thòi gì rồi.
Thấy y vẫn ngỡ ngàng quỳ tại chỗ, Lưu công công bèn thấp giọng bảo:
- Dương dịch thừa, sao còn chưa lĩnh chỉ tạ ân?
Dương Lăng sực tỉnh, vội vàng hô to:
- Thần lĩnh chỉ tạ ân!
Hai tay y đón lấy thánh chỉ trong tay Lưu công công. Liếc thấy lão không có ý bắt mình thực hiện ba quỳ chín lạy, y bèn đứng lên.
Giao thánh chỉ xong, Lưu công công lập tức thu lại vẻ cao cao tại thượng, ôn hoà nói với Dương Lăng:
- Dương tướng công! Ta là Lưu Cẩn, nô tài bên cạnh thái tử gia, sau này Dương tướng công làm thái tử thị độc, chúng ta còn phải thân thiết với nhau nhiều mới được.
Dương Lăng gật gật, rồi lại lắc lắc đầu, cũng không biết nên nói gì cho phải.
Lưu Cẩn, nguyên mẫu của vị xưởng công (3) trong "Tân Long Môn khách sạn", đại thái giám giết người không chớp mắt trong truyền thuyết, vậy mà lại là lão thái giám tướng mạo tầm thường này ư?
Nhờ phước của tiểu thuyết và ti-vi nên cái đám Uông Trực, Vương Chấn, Lưu Cẩn, Ngụy Trung Hiền gì gì đó Dương Lăng đều rất quen thuộc. Trong đó những đại thái giám này kẻ nào kẻ nấy đều có một thân võ công quỷ dị tuyệt luân, tóc bạc phơ mặt hồng hào, tính cách quái gở. Bây giờ tận mắt nhìn thấy Lưu Cẩn thật sự lại có tướng mạo tầm thường, nhất thời Dương Lăng vẫn nghĩ là trùng họ trùng tên.
Lưu Cẩn vui vẻ nói:
- Ta hầu hạ bên cạnh thái tử gia, hiếm khi rời khỏi kinh thành, người biết được tên ta không có mấy, chẳng ngờ Dương tướng công lại đã nghe qua. Ha ha, quả nhiên là “tú tài không ra khỏi nhà mà vẫn rành chuyện thiên hạ”.
Dương tướng công, giờ cậu đã nhận thánh chỉ, ta thấy chúng ta hãy lập tức khởi hành thôi. Đương kim thái tử đam mê võ thuật, thích nhất là múa gậy đánh thương, hành quân bố trận. Bức thư mà Dương tướng công trình lên cho Hà tham tướng ta đã mang về kinh, thái tử gia xem xong rất thích, muốn dùng phương pháp của cậu để thao luyện Thần Cơ doanh đấy, chớ để thái tử gia sốt ruột.
Lúc này Lưu Cẩn xử lý công vụ khá là cẩn thận và nghiêm túc. Hiện lão đang cai quản Chung cổ ty, là cơ quan có quyền hạn nhỏ nhất trong Nhị thập tứ nha môn (4). Thái tử Chu Hậu Chiếu bướng bỉnh háo võ, tính tình sớm nắng chiều mưa, mà vạn tuế gia lại rất là cưng chiều đứa con bảo bối này, thế nên Lưu Cẩn nào dám chậm trễ.
Dương Lăng chỉ đành gọi Ấu Nương tới, bắt đầu thu thập hành trang. Hai người Liễu, Dương nói với người ngoài rằng mình là người hầu của nhà họ Dương. Mặc dù người của sở dịch bản địa cảm thấy kỳ lạ, song vì Lưu công công không biết gia cảnh nhà họ Dương cho nên lão cũng chẳng để tâm. Chuẩn bị hết thảy xong xuôi mà Mã Liên Nhi vẫn chưa trở về, Dương Lăng bèn nói với Ấu Nương nhờ đại ca nàng ra ngoài thành báo tin, tránh để nàng ấy nghĩ rằng mình đi mà không lời từ biệt.
Lúc này, ba cỗ xe ngựa đã đi vào khúc quanh trên sơn đạo. Đường núi chật hẹp, mười sáu tay vệ sĩ tám trước tám sau hộ tống, phía trước là cỗ xe ngựa sơn son của Lưu công công, hai cỗ xe ở phía sau được phái đi từ sở dịch, trước hai cỗ xe đều dựng thẳng một cây cột cao, trên viết một chữ "dịch". Xe đằng sau chở hành lý, Liễu Bưu và Dương Nhất Thanh ngồi trên xe đó.
Hàn Ấu Nương lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ. Từ nhỏ nàng chưa từng xa cách người thân, một mình đi đến địa phương xa xôi như vậy. Mấy ngày trước cứ nghĩ đến việc được đi đến kinh thành là nàng lại hào hứng như một đứa trẻ, bây giờ thật sự ra đi, lòng nàng lại cảm thấy trống trải. Chà, cha đã là dịch sứ, bôn ba khắp nơi, lần này ra đi lại không thể gặp người để từ biệt, cũng không biết phải mất bao lâu nữa mới có thể gặp lại người thân nhỉ?
Dương Lăng biết nàng không nỡ rời xa quê nhà, bèn nhẹ giọng an ủi:
- Yên tâm đi, đợi khi chúng ta thu xếp ổn thoả mọi việc xong, ta sẽ nghĩ biện pháp đón nhạc phụ và mọi người vào kinh.
Ấu Nương khẽ ưm một tiếng, nhẹ nhàng dựa trong lòng Dương Lăng, đôi mắt nhấp nháy, cũng không biết là đang nghĩ gì. Dương Lăng nhẹ nhàng vuốt ve lưng nàng, cũng chìm trong muôn vàn suy nghĩ.
“Thái tử thị độc, cái chức này nó như thế nào nhỉ? Mình không hề được lưu lại ký ức của vị tú tài Tuyên phủ Dương Lăng đó, mấy cái thứ như là tứ thư ngũ kinh hay văn chương bát cổ, có thể nói là mình mù tịt chẳng biết gì. Mong rằng cái chức thị độc đó tên đúng như thật (Thị độc nghĩa là hầu đọc sách – ND.), chỉ cần cùng thái tử đọc sách là được rồi.”
Lịch sử mà y còn nhớ được thật sự là quá ít. Ngoại trừ Chu Hồng Vũ, Thành Tổ và vị vua cuối cùng là Sùng Trinh, những hoàng đế triều Minh khác y thật sự biết rất ít. Lúc này đây chẳng hiểu sao y lại bị đẩy lên trung tâm vũ đài của lịch sử, bên cạnh toàn là những nhân vật quyền cao chức trọng của cái thời đại này, liệu y có thể ứng phó được không đây?
Trước giờ Dương Lăng cũng chẳng có ước muốn gì cao sang, chỉ mong vợ con đầm ấm bên giường, sống khoái lạc qua hai năm là được, thế mà giờ đây phải đi làm chuyện con chó đi cày. Thường có câu làm bạn với vua như chơi với hổ, vì an toàn của bản thân, y không thể không nghiêm túc nghĩ ngợi, chủ động nhận thức và tìm hiểu về thời đại này.
Dương Lăng sắp xếp các chuỗi suy nghĩ lại một chút, những tư liệu có liên quan đến thời đại này chầm chậm hiện lên trong đầu y.
Bây giờ là năm Hoằng Trị thứ mười tám, hoàng đế là Hoằng Trị, họ Chu. Còn về tên của ông ta, vì học thức có hạn nên từ niên hiệu kia y không thể liên tưởng ra nổi, thế nên không rõ tên; cuộc đời của ông ta y cũng mù tịt nốt. Thái tử là Chu Hậu Chiếu, phong lưu, háo sắc, ngu đần, diện mạo rất tuấn tú, sự tích có liên quan: du long hí phượng (6), nhớ mang máng hình như y chết rất sớm. Lưu Cẩn là đại gian thần, thời gian phất: không rõ, chết ra làm sao: không rõ, nhưng tóm lại là chẳng được chết tử tế.
“Ăn hại! Hoàn toàn là đồ ăn hại!” Dương Lăng chỉ có thể xấu hổ tự đánh giá bản thân như vậy. Chỉ dựa vào chút tư liệu ít ỏi này mà có thể thấu rõ tiên cơ, tìm lành lánh dữ, nắm bắt lịch sử được sao? Chán nản một hồi, Dương Lăng bỗng phấn chấn trở lại, ngồi thẳng lưng lên: “Để ý nhiều vậy làm gì? Hoàng đế Chính Đức cái gì chứ, gian thần Lưu Cẩn cái gì chứ?! Mạng mình ngắn ngủi chỉ như cỏ cây, mấy thứ đó không đến lượt mình bận tâm. Mục đích của mình chỉ là đi kinh sư, làm quan lớn, lăn lộn ở Bắc Kinh!”
Điếc không sợ súng, Dương Lăng chuẩn bị nhắm mắt xông bừa lên kinh sư, trong lòng bắt đầu lạc quan một cách mù quáng.
***
Như một cơn lốc, Mã Liên Nhi quất ngựa phi đến sở dịch thừa, sau chớp mắt lại phóng ngựa chạy thẳng đến thành bắc. Tiếng những chiếc vó ngựa to bằng cái bát gõ xuống nền đá vang lên dồn dập như mưa rơi. Khoái mã phi ra khỏi thành, trong đồng cỏ bát ngát đã không thấy bóng dáng cỗ xe đâu. Mã Liên Nhi cầm cương nấn ná dưới cổng thành trong chốc lát, sau đó không dùng con đường cái quan vòng qua sườn núi mà nàng phi ngựa theo đường tắt, thẳng qua giữa những thửa ruộng chưa được canh tác, phóng về phía trước.
Chiếc áo choàng lụa màu xanh sẫm tung bay phần phật trong gió. Con tim nàng đập thình thịch. Dương đại ca thật nhẫn tâm, ngay cả thời gian gặp mặt mình một lần cũng không có sao? Tại sao lại đi vội vã đến vậy chứ? Cách biệt lần này, phải đến ba năm sau mới có thể gặp lại mà.
Ngựa phi như bay, dưới kỹ thuật cưỡi ngựa cao siêu của nàng, bốn vó của con ngựa tía lao vút đi như mũi tên vừa rời dây cung. Chạy đến cuối khu ruộng là một con sông nhỏ, con ngựa tía phóng thẳng qua, những giọt nước bắn lên tung toé đầy trời như ngọc vỡ. Xa xa, nàng nhìn thấy vài cỗ xe ngựa đang đi dọc theo con đường trên núi. Mã Liên Nhi vui mừng khôn xiết, nàng quay đầu ngựa, chạy dọc theo dòng sông nhỏ dưới chân núi, không ngừng đuổi theo những cỗ xe ngựa trên sườn núi.
Thế núi biến ảo, trước mắt là một khe núi hình bán nguyệt, đoàn xe ngựa rẽ vào được một nửa. Chếch ở phía bên này là vách núi giáp với vực sâu. Bọn giáp sĩ đi trên sườn núi và Liễu Bưu, Dương Nhất Thanh ngồi trên càng xe đang cảm thấy hết sức nhàm chán, bỗng thấy bóng một con ngựa tía đang đuổi nhanh dưới chân núi. Liễu Bưu bèn đứng dậy nhìn xuống rồi la lớn:
- Dưới chân núi có một vị tiểu thư đang đuổi theo chúng ta!
Dương Lăng và Ấu Nương nghe thế vội vàng nhô người ra ngoài thùng xe, nhìn thấy dưới chân núi một áng mây xanh cưỡi một thớt ngựa tía đang từ từ phi đến. Hàn Ấu Nương thất thanh la to:
- Là Liên Nhi tỷ tỷ! Tướng công, Liên Nhi tỷ tỷ đến rồi.
Dương Lăng vội vàng kêu xa phu dừng xe, rồi đứng trên càng xe nhìn xuống chân núi. Mã Liên Nhi cũng dừng ngựa, một người một ngựa đứng lặng im nơi đó. Ở giữa là một vách núi không thể trèo lên được, hai người chỉ có thể đứng nhìn nhau từ xa.
Mã Liên Nhi ngẩn ngơ ngóng nhìn một hồi lâu. Thấy Dương Lăng vẫy tay với mình, sau đó ra hiệu cho xe ngựa tiếp tục khởi hành, nhưng vẫn đứng ở trước xe nhìn mình, lòng Mã Liên Nhi chợt kích động. Nàng rút thanh loan đao nhỏ bên hông ra, cắt một lọn tóc rồi vội vàng buộc vào một mũi tên.
Xe ngựa từ từ di chuyển, chỉ cần rẽ khỏi con đường trên hẻm núi này thì sẽ biến mất khỏi tầm mắt của nàng. Mã Liên Nhi bất chợt giật cương, hai chân thúc vào bụng ngựa. Ngựa hí vang một tràng, vang vọng khắp vùng núi.
Dương Lăng và đám võ sĩ đều hướng mắt nhìn xuống chân núi. Con ngựa tía đứng thẳng lên bằng hai chân, rồi sau khoảnh khắc, bốn vó nó cùng lúc tung lên, phi cực nhanh về phía trước, ước chừng chỉ ba mươi trượng ở đằng trước chính là vách núi dựng đứng.
Ngựa phi nhanh như tên bắn, trong nháy mắt đã chỉ còn cách vách núi hai mươi trượng. Nếu cứ phi thẳng về phía trước với tốc độ như vậy, e rằng cả người lẫn ngựa đều sẽ va vào vách đá. Những người ở trên núi đều không khỏi kinh hãi la lên một tiếng. Chợt thấy khoái mã của Mã Liên Nhi bỗng nhiên quay ngoắt một góc gần chín mươi độ, nàng buông cương, lấy cung, xoay người, rút tên. Động tác của nàng liền mạch, gọn gàng đẹp mắt, khiến người ta nhìn thấy rồi không khỏi phải lắc đầu tán thưởng.
Liễu Bưu, Dương Nhất Thanh và mấy gã giáp sĩ hộ vệ đã không thể nhịn được mà lớn tiếng reo hò ca ngợi. Trong nhà của các vị đại thần hiển quý trên kinh thành ít nhiều đều nuôi dưỡng vài gã Thát quan, đó là những dũng sĩ Mông Cổ được chiêu mộ về. Bọn họ từng chứng kiến những người này biễu diễn thứ công phu cưỡi ngựa bắn tên mà thiết kỵ nhà Nguyên năm xưa đã dùng để tung hoành thiên hạ.
Thuật cưỡi ngựa bắn tên của người Mông Cổ đứng đầu trong thiên hạ. Công phu cưỡi ngựa rút tên của Mã Liên Nhi giống hệt như những dũng sĩ vừa giỏi cưỡi ngựa vừa giỏi bắn tên trong đám Thát quan này, và vì được phô diễn bởi một thiếu nữ nên nó càng toát lên vẻ đẹp không nói nên lời.
Ngay trong khoảnh khắc cỗ xe ngựa của Dương Lăng sắp rẽ qua vách phía trước, rời khỏi tầm mắt của Mã Liên Nhi, thì nghe "tóc, tóc, tóc", ba mũi tên bay tới cắm ngay ngắn trên cột cờ cách Dương Lăng chỉ một sải tay, đuôi tên vẫn còn run lên bần bật. Xa phu đang an vị ở dưới cột cờ sợ run cầm cập, suýt nữa ngã lộn cổ xuống xe.
Xe ngựa chầm chậm di chuyển, trước vách núi là một bụi cỏ xanh, đã không thể nhìn thấy Liên Nhi ở dưới chân núi nữa. Ba mũi tên nhọn cắm ngay ngắn trên cột cờ tạo thành hình chữ nhất (Chữ nhất: 一), trên đuôi tên ở chính giữa buộc một lọn tóc đen, vẫn đang chầm chậm phất phơ trong gió.
- Tướng công! Liên Nhi tỷ tỷ cắt tóc để tỏ rõ tâm ý đó.
Dương Lăng vuốt nhẹ mũi nàng, rồi quay đầu nhìn ba mũi tên nhọn và lọn tóc đen đang ghim chặt trên cột cờ, y không khỏi gượng cười, lòng thầm suy nghĩ: "Sợi tóc, sợi tình, ba mũi tên, ba năm chờ đợi. Nha đầu này sẽ không cố chấp như Ấu Nương đó chứ?"
(1) Vũ khí, quạt kiệu, cờ xí... mà đội hộ vệ mang theo khi vua, quan tuần hành.
(2) Lưu Cẩn: hoạn quan "nổi tiếng" dưới triều vua Minh Vũ Tông. Do hầu hạ Vũ Tông từ lúc còn chưa lên ngôi nên Lưu Cẩn rất được nhà vua quý chuộng, phong làm Tư lễ giám, chuyên phê duyệt sớ của các quan tấu trình. Với chức quan đó, Lưu Cẩn giả mệnh hoàng đế tự ý định đoạt mọi công việc trong nước. Dân gian khi đó gọi Lưu Cẩn là “Hoàng đế đứng”, ám chỉ quyền lực của y, để phân biệt với “Hoàng đế ngồi” là Vũ Tông. Lưu Cẩn nắm quyền trong hơn năm năm thì bị một số quan lại phối hợp lật đổ.
(3) Thủ lĩnh của Đông xưởng
(4) Nhị thập tứ nha môn là thể chế hoạn quan thời Minh, là cơ cấu hầu hạ hoàng đế và dòng dõi gia tộc của hoạn quan. Bên trong thiết lập mười hai giám, bốn ty, tám cục, gọi chung là Nhị thập tứ nha môn.
(5) Điển tích: năm Chính Đức, khi trị quốc, vì để nắm rõ tình hình đất nước, hoàng đế Vũ Tông Chu Hậu Chiếu hay thích vi hành trong dân gian. Hoàng đế Chính Đức cải trang đi chơi đến Mai Long trấn, ngủ lại tại quán trọ Lý Long. Lý Long ở bên ngoài gác đêm, phân phó cho Phượng Thư trông nom quán trọ. Chu Hậu Chiếu bị vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn của Phượng Thư khuynh đảo, cố ý gọi rượu và đồ ăn để chọc ghẹo. Lúc đầu Phượng Thư chỉ đối đãi sơ sài, mà Chu Hậu Chiếu thần hồn càng lúc càng thêm điên đảo. Cuối cùng Chu Hậu Chiếu lộ ra thân phận chân long thiên tử của bản thân cùng bày tỏ tình cảm khao khát với Phượng Thư, hai người nên duyên. Khi Phượng Thư đòi ban tước, Chu Hậu Chiếu bèn phong thị làm "Hi Sái cung phi" (cung phi nô đùa).
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT