Nguyên bản kế hoạch của Ninh Nghị là chạy một vòng ở ngoài rồi đi thẳng tới thư viện Dự Sơn, nhưng lúc này toàn thân ướt đẫm, gã không thể làm gì khác hơn là quay trở về nhà thay quần áo. Lúc này đã là thượng tuần tháng tám âm lịch, cảm giác toàn thân ướt nhẹp trên đường trở về nhà tuyệt không dễ chịu, tố chất thân thể còn chưa tăng được bao nhiêu, không chừng ngày mai phát bệnh. Cũng may là gã đi không xa thì gặp được người quen, là tiểu thiếp của Tần lão từng gặp qua mấy lần.
Ninh Nghị chạy bộ ở ngoài đương nhiên là không chọn những phố xá sầm uất, con đường gã quen thuộc nhất là đường đến chỗ chơi cờ cùng Tần lão. Tiểu thiếp của Tần lão tên là Vân Nương, hơn ba mươi tuổi, trước đây cũng là nữ tử phong trần nhưng tuyệt không có vẻ lẳng lơ, mấy lần Ninh Nghị gặp mặt đều là lúc nàng mang bữa trưa đến cho Tần lão. Dung mạo cử chỉ đoan trang đứng đắn, trong khi trò chuyện cùng Tần lão còn có thể tiếp được vài lời văn thơ. Lúc này Vân Nương đang mặc trang phục nông phụ váy trắng trâm cành (1), trên tay là một giỏ mây, bên trong là một số rau quả tươi vừa mới hái ở gần đây, gặp được Ninh Nghị giữa đường nàng tỏ ra kinh ngạc.
Sau khi thoáng chào nhau, Vân Nương hỏi chuyện gì xảy ra, Ninh Nghị chỉ chỉ xuống sông Tần Hoài không xa nói:
- Rớt xuống sông.
Vân Nương khẽ cười cười rồi không hỏi nữa, chỉ là mời Ninh Nghị theo nàng về nhà:
- Mùa thu gió lớn, công tử mà cứ dạng này trở về, không chừng mai nhiễm phong hàn mất. Ninh công tử là bạn của lão gia vậy chớ nên khách khí. Lúc này lão gia cũng đang ở nhà.. A, hôm qua còn nhắc mấy hôm nay chưa thấy công tử tới chơi cờ đấy.
Ninh Nghị chơi cờ ở ven đường với Tần lão nên biết đối phương ở đâu đó quanh đây, nhưng cụ thể ở đâu thì chưa từng tới. Lúc này theo Vân Nương tiến vào cửa liền thấy trong phòng khách, một lão nhân đang cầm xem một quyển cổ giản, thần thái lão nhân nghiêm túc, thậm chí tỏa ra một cỗ uy nghiêm mơ hồ, hoàn toàn khác với lúc đánh cờ ở bờ sông. Thấy có người tiến vào, lão ngẩng đầu híp mắt nhìn vài giây rồi cố nhịn cười. Vân Nương vừa cười vừa đi tới, còn chưa kịp nói lão đã gật đầu, chuyện quan trọng nhất phải làm gì lúc này quả thực chỉ cần liếc qua đã hiểu.
- Kêu tiểu Hồng đi chuẩn bị nước nóng. Vân Nương, ngươi lấy một bộ quần áo của Đại Lang.. haha, Lập Hằng tiểu hữu, ngươi gặp phải chuyện gì vậy?
An bài xong công việc, lão nhân mới cười lớn thành tiếng, tiếng cười sảng khoái hả hê tựa như lúc đánh cờ ăn lời được một quân. Những ngày đánh cờ vừa qua cũng đã khá thân thuộc, ngày thường lão nhân không khách khí mà gọi gã là Lập Hằng tiểu tử. Hôm nay đại khái thấy gã chật vật mới cười mà gọi gã là tiểu hữu, vẻ mặt tỏ ra khá hài lòng. Ninh Nghị cũng đành cười khổ xua xua tay, dù sao ở đây cũng có tiểu thiếp của người ta, gã cũng không thể phóng túng mà nói:
“Lão đầu ông cười trên sự đau khổ của người khác!”
So với đại viện của thành Giang Ninh là Tô gia, trạch viện của Tần gia không lớn, mức độ phú quý cũng không bằng nhưng có thể coi là một gia đình giàu có, trước sau bố trí ngăn nắp, tòa nhà tràn ngập khí tức nho nhã sinh động, tạo ra cảm giác bình an trong tâm hồn. Tuy buổi sớm Vân Nương phải tự mình đi hái rau quả, nhưng kỳ thực trong nhà vẫn có vài nha hoàn và hạ nhân. Nếu nuôi được vài hạ nhân thì kinh tế gia đình hẳn là không tệ.
Vợ cả của Tần lão là một phụ nhân tương đối nhã nhặn và bình dị. Trước kia xuất thân là nhà nông nhưng cũng không có tính cách khắt khe và tính toán thường thấy. Bà bây giờ hơn năm mươi, bình thường quản lý cả gia đình, chăm sóc cây quả. Vườn rau mà Vân Nương vừa tới hái là do Tần phu nhân dẫn người trong nhà tự tay khai khẩn, bản thân Tần lão cũng phải động tay động chân, có lẽ vì tính tình như vậy nên mới quản lý tòa nhà này ngăn nắp gọn gàng như thế. Tình cảm giữa Vân Nương và Tần phu nhân cũng tốt, dưới chế độ đa thê, phu thê ba người bọn họ cũng có thể được coi là gia đình kiểu mẫu.
Ninh Nghị tắm nước nóng, thay đổi trang phục xong, Tần phu nhân mới nhìn từ trên xuống dưới rồi tỏ ra vui vẻ:
- Lão gia, Ninh công tử mặc bộ quần áo này vào trông có mấy phần giống Đại Lang.
Ninh Nghị nhìn lại bộ y phục, đúng là kiểu cách dành cho người trẻ tuổi, vải vóc cũng mới, lúc này mới nghĩ ra là y phục của con trai Tần lão. Hai con trai của lão nhân đều ở bên ngoài. Nghe phu nhân nói vậy, Tần lão gật đầu một cái rồi mới hỏi vì sao Ninh Nghị rớt xuống sông. Ninh Nghị đem mọi chuyện phát sinh lúc trước lần lượt kể ra, lão nhân lại được một phen phá lên cười ha hả.
- Tiểu tử nhà ngươi làm ô uế sự thanh bạch của người ta, thực sự là đáng hận mà.
- Lời này đúng là trả đũa nha
- Ha ha.. nhưng mà.. trả đũa? Câu này có gắn với điển tích gì không?
- ….
Cùng người có học vấn nói chuyện đúng là không tiện, không có việc gì cũng hỏi điển cố, nếu là lúc chơi cờ, Ninh Nghị sẽ cười mà giải thích một phen, nhưng lúc này chỉ nói:
- Chuyện nói ra rất dài dòng.
Một lát sau chuẩn bị xong bữa sáng, Tần phu nhân và Vân Nương mời Tần lão và Ninh Nghị dùng bữa. Trong lúc ăn, Ninh Nghị kể lại cảm nhận về tiến trình học ở thư viện Dự Sơn mấy ngày vừa rồi. Với Tần lão mà nói, cái tiến trình của Ninh Nghị chỉ đáng dành cho đám mầm non, tất không tránh được cười mắng Ninh Nghị vài câu, sau đó chuyển sang chuyện tết trung thu sắp tới.
- Hội thơ Bộc Viên à? Sáu cái thuyền của nhà họ Bộc cũng khá thú vị, nhưng tham dự lại toàn là kẻ chả biết làm thơ, nếu nói tới chỗ tài tử đổ xô vào, phải nói tới hội thơ Chỉ Thủy của họ Phan..
- Ừ, tài tử.. là mấy người rất có tài sao?
- Ha ha, là đại tài hay tiểu tài thì cũng khó phán xét, nhưng tài thơ đúng là có một chút. Hội thơ trung thu hàng năm, thư viện Chỉ Thủy vẫn cho ra dăm bài rất khá. Họ Phan ba đời hàn lâm, nếu có một thân tài học mà muốn thành danh thì nên đi tới nơi đó..
Đêm trung thu ở tần Hoài, tài tử đấu văn, giai nhân thi hát, có rất nhiều hội thơ lớn nhỏ, thường thì các hội thơ ngầm thi đấu với nhau, hội thơ này có được bài thơ hay, hội thơ khác lại xuất ra bài tốt hơn nữa. Thường thì đêm đó khắp nơi sôi sùng sục, rồi trong mấy tháng hoặc mấy năm sau đó trở thành giai thoại. Mấy chuyện này tất cũng có bàn tay thương nhân hay quan phủ ngầm thúc đẩy phía sau, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì danh tiếng có được của khúc sông Tần Hoài này chính là bởi bầu không khí sôi sục đó.
Hội thơ Bộc Viên và hội thơ Chỉ Thủy có thể xem như là hai hội thi có sức ảnh hưởng lớn nhất dạo gần đây. Hội thơ Bộc viên tuy có danh là vậy, nhưng thực tế lại do sáu chiếc thuyền lớn kết lại mà thành, cả đêm phiêu phù trên sông Tần Hoài uống rượu ngâm thơ, ngắm pháo hoa cùng đèn lồng hai bên sông, ngoài ra trên thuyền còn có các tiết mục biểu diễn.
Bộc gia vốn là phú thương, nhưng bởi địa vị của thương nhân thấp kém nên sau khi có tiền thì tính dựa dẫm vào các văn nhân. Chỉ tiếc là chuyện như vậy không phải chỉ vài năm hay mười mấy năm là làm được. Tình hình gia tộc của bọn họ còn tốt hơn cả Tô gia, tuy mấy năm vừa rồi cũng xuất ra được vài văn nhân có chút tài hoa, nhưng trong mắt thế nhân vẫn chẳng phải là dòng dõi có học thức. Hội thơ Bộc Viên trên sông Tần Hoài nổi danh nhờ long trọng, xa hoa, náo nhiệt, kẻ tới tham dự hơn nửa là những thương nhân có cùng bối cảnh hoặc có quan hệ với Bộc gia tụ tập xem náo nhiệt như Tiết Tiến hay Tô Đàn Nhi, còn nói văn nhân làm thơ, hơn một nửa là lấy cớ đến lập quan hệ bàn chuyện làm ăn, chất lượng thơ vàng thau lẫn lộn. Mặc dù nó xa hoa nhất trong các hội thơ, nhưng lời thơ so với các hội thơ đỉnh cao thì tuyệt đối không thể sánh được.
Hội thơ Chỉ Thủy mới đúng là nơi tài tử tụ hội đứng đầu của cả một dải Tần Hoài. Phan gia chủ sự hội thơ là dòng dõi học thức chân chính, ba đời hàn lâm, thế hệ này có Phan Minh Thần làm Hàn Lâm học sĩ kiêm Lễ Bộ thị lang. Hội thơ do nhà lão mở ra là nơi những kẻ đọc sách muốn cầu công danh dập dìu tấp nập. Đương nhiên, nếu muốn có được tư cách tham gia hội thơ, bản thân cũng phải có tài học nhất định, hoặc có bối cảnh quan hệ đầy đủ mới được. Ngoại trừ một số tài tử đã thành danh được mời, trước mỗi dịp trung thu hàng năm có không ít tài tử tới Phan phủ đưa danh thiếp, tặng thơ chính mình làm để mong được chọn. Còn ở bên ngoài, có rất nhiều danh kỹ nơi thanh lâu coi chuyện được mời tham gia hội thơ Chỉ Thủy làm vinh hạnh, so với chuyện hội thơ Bộc Viên hàng năm đều dốc một số tiền lớn để thỉnh người là hoàn toàn khác biệt.
- Nếu muốn tham gia, Lập Hằng tiểu hữu có thể chuẩn bị bài thơ gì đó, bên phía Phan gia cũng ta có mấy bạn đánh cờ, nếu ngươi muốn có thể lấy được tấm thiệp.
Tần lão nói xong nhìn Ninh Nghị đang ngồi ở phía bàn đối diện, không ngờ Ninh Nghị lại cười lắc lắc đầu:
- Không hiểu thơ từ, đi Bộc viên xem náo nhiệt thôi.
Thấy gã hời hợt nhẹ nhàng cự tuyệt, Tần lão cũng không nói thêm gì nữa. Ăn sáng xong mặt trời đã lên cao, Ninh Nghị cáo từ đi đến thư viện Dự Sơn. Tiễn gã tới cửa rồi nhìn theo gã tới tận xa, Vân Nương mới đến bên Tần lão cười hỏi:
- Lão gia, chẳng lẽ Ninh công tử thật sự không hiểu thơ từ sao?
- Tiểu Vân nói tiếp đi?
Vân Nương nháy nháy mắt:
- Gạt người?
- Ha ha, thực sự là y có biết hay không ta cũng không rõ. Nếu mấy ngày đầu mà gã nói vậy, ta hẳn sẽ tin. Nhưng giờ thì khó nói lắm.
Tần lão lắc đầu cười cười:
- Cả đời ta gặp qua rất nhiều người, thanh niên mua danh chuộc tiếng hay có thực tài ta đều gặp. Cùng là có học vấn, có những người theo đạo Khổng Mạnh thì công bằng chính trực, khiêm tốn hiểu lễ nghĩa. Lại có những kẻ thì cá tính mạnh mẽ, vô cùng thẳng thắn, phong lưu không vướng bận nhưng vẫn có thực tài, mỗi lần đều làm cho người đời kinh diễm không ngớt. Nhưng bất kể là dạng nào cũng chỉ đến như vậy, duy có tiểu tử họ Ninh này quả thực làm ta không hiểu nổi.
Lúc ban đầu đánh cờ, ta cảm thấy gã đi con đường điên cuồng, mỗi nước đi đều là hùng hổ dọa người nhưng cũng đủ để khiến người suy nghĩ, nên nghĩ gã là một thiếu niên lỗ mãng nhưng tài trí mẫn tiệp, vì vậy không nói chuyện quá nhiều. Nhưng đánh cờ lâu dần mới phát hiện, kỳ đạo của gã lúc thì chính diện, lúc thì kỳ lạ vượt ngoài dự liệu, hoàn toàn không bị trói buộc bởi những cái chung. Sau một thời gian chuyện phiếm cũng cảm thấy mặc dù Ninh tiểu tử nói chuyện tùy tiện, nhưng trong lòng lại là bình đạm ôn hòa, thỉnh thoảng lại có những thuyết pháp khiến người tỉnh ngộ, nghe thì mới mẻ nhưng vẫn không tách rời đại đạo.
Nhớ mấy ngày trước gã nói chuyện đi dạy học, thuận miệng đề cập tới vài câu:
- Dạy học không phải là dạy người làm như thế nào, mà phải là dạy người vì sao làm thế.
- Các thánh nhân, hiền triết xưa viết sách giảng đạo, chính yếu nhất là giảng về việc đối nhân xử thế, quy luật vận động của thế nhân, trời đất, phải hiểu rõ những thứ này rồi mới biết phải làm như thế nào, đó mới là người đọc sách thực sự. Lúc đó gã nói rất tùy tiện, nếu là một kẻ nông cạn nghe được hẳn là chụp cho gã cái mũ bị khùng, nhưng mà.. đạo lý, đạo lý này hoàn toàn chính xác. Thấy núi thì là núi, thấy nước thì là nước, thấy núi không phải núi, thấy nước không phải nước, lại có thể trở lại thành thấy núi là núi, thấy nước là nước đó mới gọi là hiểu sách. Ừm, lời của gã không được đem đi nói lung tung, bằng không lại mang cho người ta nhiều phiền toái.
- Thiếp biết rồi.
- Thời gian quen biết cũng chưa lâu, đưa ra kết luận còn quá sớm. Nhưng trong lúc chơi cờ gã cũng tức cảnh làm vài câu, mấy câu đó rất hay, trước đây ta chưa từng nghe qua. Nếu chỉ luận thơ từ, nói gã là người không hiểu.. ta cũng không tin.
Tần lão xoay người đi vào, Vân Nương đi sát theo:
- Vậy sao Ninh công tử phải dấu tài, dù có làm sao..
- Bởi thế nên mới khó hiểu, nhưng cũng có một điểm minh bạch..
Nói tới đây Tần lão khẽ cau mày, sau đó lại lắc đầu, nhẹ giọng thở dài:
- Dạng người như tiểu Vân nói là người trẻ tuổi có tài học, hoặc có thể giấu tài, hoặc có thể giấu dốt, có thể chịu được tịch mịch, nhịn được mê hoặc nhất thời. Những kẻ dạng này đều là hy vọng tương lai có nhiều thành tích, đến một ngày cá vượt long môn, lên như diều gặp gió. Nhưng mà, bất kỳ ai trong số nhân vật loại này cũng đều không chọn thân phận đi ở rể trong một nhà thương nhân trước khi thành danh lập nghiệp. Từ cổ chí kim, làm một kẻ đi ở rể có mấy người có thể kiến công lập nghiệp? Ài, nếu thực sự là gã có tài, vậy thực là đáng tiếc..
Nói đến chuyện này, Tần lão vẫn cứ cảm thấy có chút tiếc hận. Nam nhân ham muốn công danh lợi lộc hay có dã tâm mới là chuyện bình thường. Như mấy ngày vừa tiếp xúc, nếu Ninh Nghị có dã tâm dù chỉ một chút thì gã cũng sẽ không đến một nhà thương nhân ở rể. Lúc này chưa khai dân trí(2), rất dễ dàng phân biệt người chưa được dạy dỗ cùng người đã được giáo dục và có đọc sách. Chưa nói tới chuyện gã có tài hay không, chỉ riêng cái khí độ ăn nói của gã, tùy tiện làm việc gì đó cũng không đến nỗi phải chết đói, vậy cần gì phải chạy tới nhà người ở rể cơ chứ?
----------------------------
(1) Nguyên văn: bố y kinh sai: váy trắng trâm cành mận, ý chỉ quần áo xuề xòa mộc mạc.
(2) Dân trí: Trình độ hiểu biết của nhân dân.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT