Giáo sư Tôn nói hang động này vốn là nơi để cúng tế Vu Lăng vương, còn mộ của Lăng vương hẳn được chôn giấu ở chỗ sâu nhất trong hẻm núi Quan Tài. Càng khiến người ta khó tin hơn là, vị vương này không phải người, mà là một con "ô dương" toàn thân đen trũi, năng đến nghìn cân.
Tôi vẫn còn vô vàn thắc mắc, đang định hỏi lại thì Tôn Cửu gia đã nằm bò ra chăm chú xem xét cái bệ đá, tôi đành ôm đầy một bụng nghi vấn, kéo Tuyền béo đi xung quanh xem xét địa hình, hang động giữa lưung chừng núi này rất lớn, đằng xa gió dữ rít lên như thần khóc quỷ gào, thiết nghĩ cái hang này hẳn chạy xuyên qua núi, chắc hẳn có lối ra thông sang một sơn cốc khác.
Đợi được đến lúc Tôn Cửu gia dập lại hết toàn bộ văn tự ghi chép sự tích của Ô Dương vương thì đã đến nửa đêm, chúng tôi đành tìm một góc trống trải, đốt lửa lên, qua đêm trong hang động.
Giáo sư Tôn ngồi trước đống lửa vừa sắp xếp lại các tư liệu thu thập được trong ngày, vừa câu được câu chăng kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết ghi chép trên bia. Cái bệ đá bên dưới ghế ngồi bằng xác người của Ô Dương vương có từ thời Đại Vũ trị thủy, văn tự ký hiệu điêu khắc cực kỳ tỉ mỉ, hoa văn chạm khắc theo lối "lôi văn khinh trọng", chữ là kiểu chữ "cổ triện Oa Thiền", người bình thường căn bản không thể nào hiểu nổi những ký hiệu quái dị như trong sách trời này, nhưng giáo sư Tôn đắm chìm trong việc nghiên cứu chữ cổ đã mấy chục năm, dốc hết tâm huyết vào đó, thành tựu không phải tầm thường đám học giả chuyên gia binh thường không thể so sánh, nên cũng đọc hiểu được bảy tám phần nội dung ghi chếp.
Tôi thầm nhủ mình may mắn, nếu không phải nhất quyết lôi bằng được Tôn Cửu gia đến Thanh Khê, chỉ dựa vào ba người tôi, Shirley Dương và Tuyền béo thì dẫu có nhìn thấy những văn tự cổ đại này cũng lờ đi coi như không thấy. Nghĩ đọan liền im bặt, tập trung lắng nghe giáo sư Tôn giảng giải. Thì ra những câu ám ngữ chỉ dẫn cách tìm lối vào mộ cổ Địa Tiên này, ngoài ẩn chứa bí mật phong thủy thanh ô, quả nhiên cũng có liên quan mật thiết đến những truyền thuyết thời xừa ở hẻm núi Quang Tài.
Thời xa xưa, vì địa hình mạch núi Vu Sơn rất đặc thù, khu vực này liên tiếp gặp lũ lụt, thiên tai quanh năm, mỗi năm đều có vô số người và súc vật bị dòng nước nhấn chìm, làm mồi cho lũ tôm cá dưới sông.
Đương khi không biết phải làm sao, trong núi chợt xuất hiện một vị ẩn sĩ, thể hình khôi vĩ, mặt đầy râu ria., thân vận áo choàng đen, tự xưng mình là Vu Lăng đại vương, có thuật dời núi, có thể sai sử âm binh khơi thông dòng nước.
Nhưng ông ta đưa ra hai điều kiện, một là trong khi tiến hành công trình dời núi khơi sông, phải cung phụng rượu thịt cơm nước đầy đủ, đến giờ cơm thì đem cơm rượu chất đống trước cửa hang trong núi. Trước cửa hang có một cái đỉnh lớn, dân chúng đưa cơm đến rồi gõ đỉnh ba tiếng, sau đó phải nhanh chóng lánh đi.
Điều kiện thứ hai là xin thiên tử gia phong quan tước để biểu dương công đức của ông ta, bấy giờ triều đình đang đau đầu vì công trình quá lớn, dù chịu xuất bạc xuất lương thực và tráng đinh cũng không thể làm nổi việc dời núi thay dòng, trong triều lại cực kỳ coi trọng các cao nhân đắc đạo nên lập tức đồng ý ngay.
Vây là Vu Lăng vương ngày đêm làm phép, sai sử âm binh âm tướng khơi dòng nước dữ, từ đó trong núi ngày nào cũng mờ mịt mây mù, tiếng phá đá dời núi ầm ầm như sấm. Dân trong vùng cảm kích công đức ấy, đã chọn một cô gái họ Lý gả cho Vu Lăng vương làm vợ, về sau, việc chuẩn bị đồ ăn thức uống cúng tế âm binh, đều do vị phu nhân này đích thân đốc thúc.
Công trình trị thủy vừa khó khăn lại kéo dài dai dẳng, một hôm, trời đột nhiên đổ mưa lớn, Vu Lăng vương chỉ huy âm binh khơi dòng bất lợi, rượu thịt đưa đến hai ngày liền vẫn không đụng tới. Phu nhân lo lắng trong lòng, mới dẫn người mang đồ ăn vào núi.
Đến nơi công trình khơi sông đang tiến hành, mọi người ai nấy đều kinh hãi. Trong hẻm núi có một con lợn đen khổng lồ đang đứng giữa dòng nước, lấy đầu húc vào núi đá, sau lưng nó là vô số quỷ mị đang vận chuyển đát đá. Thì ra Vu Lăng vương chính là con ô dương trong núi tu luyện hóa thành, muốn khơi dòng phải hiện nguyên hình dùng sức quỷ thần khai phá, vì vậy không chịu để dân chúng vào núi gặp mặt.
Vu Lăng vương bị dân chúng nhìn rõ nguyên hình, từ đấy ẩn cư trong núi, không chịu tiếp tục công việc nữa, lại càng không còn mặt mũi nào gặp phu nhân. Phụ nhân quỳ trước núi khẩn cầu vô ích, đành gieo mình xuống vách đá tự vẫn. Vu Lăng vương bấy giờ mới thẩy hổ thẹn với phu nhân, bèn suất lĩnh âm binh khai thông nốt đoạn sông cuối cùng, loại bỏ hoàn toàn mối lo lũ lụt của dân cư trong vùng.
Triều đình ban trọng thưởng, muốn mời Vu Lăng chân quân đi trị thêm một đoạn sông cũng thường gặp lũ lụt nghiêm trọng, nếu thành công sẽ lập tức phong vương hầu. Nhưng Vu Lăng vương lại nói từ nay sẽ quy ẩn sơn lâm, trừ phi phu nhân sống lại, bằng không vĩnh viễn không bao giờ dời núi khơi sống nữa. Ngày từ biệt, có cả ngàn vạn người đến cung tiễn.
Vu Lăng vương say khướt, đi lạc vào núi Tây Lăng, hiện nguyên hình nằm lăn ra ngủ, kết quả bị sơn dân trong vùng không hiểu chuyện bắt sống, lập tức trói nghiến lại, đun một nồi nước to, cạo lông chọc tiết náo động một hồi. Khi đám thuộc hạ tìm được đến nơi, thì bộ lòng của đại vương đã nấu được một lúc lâu rồi.
Sau đó, khắp vùng liền xuất hiện ôn dịch, kế đó châu chấu bay đến che kín cả bầu trời, dân chúng đều nói là do âm hồn của Vu Lăng vương chưa tan, bèn xây một ngồi một lớn trong hẻm núi, thu liện những phần xương cốt còn sót lại đem đi an táng, nhưng cũng chỉ thu thập được một ít da lông xương vụn, cái đầu chắc đã bị ăn mất, không sao tìm lại được nữa. Sau đấy, dân chúng lại xây điện tế, đẽo tượng ngọc đầu đồng để thờ cúng, năm nào cũng tế bái đầy đủ.
Những khe núi đan xen trong khu vực hẻm núi Quan Tài này, cùng con đường điểu đạo hiểm trở trên vách đá, đều là di tích năm xưa Vu Lăng vương sai sử âm binh khơi dòng, những người chết trong quá trình khơi sông trị thủy bao đời nay đều được cho vào quan tài treo, rồi theo dòng nước lũ dần dần rút xuống mà được an táng trên vách núi, thành tầng tầng lớp lớp quan tài như ngày nay. Vốn chỉ là hành vi vô tình, không ngờ lại tạo thành một hình bóng không đầu khổng lồ, có lẽ cũng là điềm báo Vu Lăng vương phải mất mạng. Trước khi ra khỏi núi, Vu Lăng vương cũng từng dẫn âm binh đi đào mạch khoáng muối Vu trong núi, những giếng khai thác muối trong hẻm Quan Tài chính là nơi đặt lăng mộ. Từ điện tế này, phải đi qua một đoạn "điếu đạo trăm bước" cực kỳ hiểm trở mới đến được lối vào lăng.
Giáo sư Tôn đọc hết nguyên văn đoạn ghi chép này cho chúng tôi nghe, bấy giờ tôi mới sực tỉnh ngộ: "Thì ra đoạn ẩn ngữ năm xưa trung đoàn trưởng Phong để lại, trên thực tế chỉ có câu cuối cùng là hữu dụng, cũng có thể đây chỉ là đoạn đầu tiên, ý muốn nói lối vào mộ cổ Địa Tiên có khả năng được giấu trong huyện một ban đầu của Ô Dương vương, vậy nên: "Muốn đến Địa Tiên, hãy tìm ô dương". Truyền thuyết Ô Dương vương mở núi khai sông chính là đầu mối quan trọng để tìm thấy lăng mộ, nhưng đây chỉ là bước đầu tiên để tìm kiếm thôn Địa Tiên, tiếp sau đấy chắc vẫn còn những gợi ý khắc, nhưng giờ thì không thể biết được nữa rồi."
Đối với truyền thuyết về Ô Dương vương, Shirley Dương cũng có nhiều điểm thắc mắc, bèn hỏi giáo sư Tôn: "Truyền thuyết này nghe chẳng giống sự kiện lịch sử gì cả, theo thuyết này, Vu Lăng vương là người đã mở núi khơi dòng, có công có đức với dân, nhưng cái ghế bằng xác người trong sơn động lại quá bạo nghiệt, khác xa những sự tích được ghi lại trong bia văn, trong hẻm núi Quan Tài này liệu có mộ của Vu Lăng vương thật không?"
Giáo sư Tôn đáp: "Những văn tự khắc trên bia đá đỉnh đồng đại để đều là những lời ca tụng công đức, không thể tin hết được, nhưng những thứ còn sót lại sau nghìn năm ở đây khiến người ta không thể không tin lăng mộ của Vu Lăng vương chính nằm trong hẻm núi Quan Tài này. Có điều, sự thật lịch sử chưa chắc đã như vây. Truyền thuyết Ô Dương vương hiện nguyên hình mở núi khơi dòng mang nhiều màu sắc thần thoại, đương nhiên không thể coi là thật được. Ngoài ra, chuyện này không hề được ghi chép trong các sử liệu và địa chí, văn hóa Vu Tà cổ xưa thần bí, có nhiều sự việc đã bị nhấn chìm trong dòng chảy lịch sử, đến giờ không thể khảo chứng được nữa rồi."
Tuyền béo cũng chõ miệng vào: "Tôi thấy hẻm núi Quan Tài này hiểm trở như thế, với năng lực lao động nguyên thủy của con người xưa không thể khai thông được đâu, chắc toàn là những lời tự trát vàng lên mặt mình thế thôi. Vị đại vương không đầu này hẳn cũng là một kẻ tội ác chất chồng, sợ sau khi chết bị người ta đổ đấu nên mới kiếm người khác bịa đặt chuyện ở trước mộ ấy mà. Có điều, nói đi cũng phải nói lại, dù Vu Lăng vương sinh tiền có bạo nghiệt thế nào chăng nữa thì lúc chết bị người ta xẻ thịt chặt đầu nấu lẩu ăn, cũng coi như báo ứng rồi."
Giáo sư Tôn nói: "Lời này của cậu cũng có lý, theo kinh nghiệm của tôi, Vu Lăng vương chưa chắc đã là ô dương gì đó, lịch sử cổ đại Trung Quốc có quá nhiều trường hợp phải lật lại kết luận rồi, trở tay làm mây, lật tay làm mưa, chuyện gì cũng không thể một lời mà định luận được. Tôi nhớ trong sử liệu cũng nhắc đến sự tích một vị vương hầu khá giống Ô Dương vương này, có điều không phải Vu Lăng vương, mà là Long Xuyên vương. Tương truyền, Long Xuyên vương tính tình tàn bạo xa xỉ cùng cực, nhưng lại có công khơi sông đào lạch, tiêu trừ mối nguy lũ lụt, công tội khó bề đánh giá. Lúc chết, ông ta từng bị loạn đao phân thây. Con cháu ông ta sợ có người vì báo thù mà đào lăng mộ ông ta lên, vì vậy lúc hạ táng đã thay đổi danh hiệu, lại dùng nhiều thủ đoạn che tai mắt người đời, còn về việc Long Xuyên vương là kẻ thống trị ở khu vực nào, đến giờ vẫn chưa có kết luận thống nhất. Nom những di tích ở hẻm núi Quan Tài này, tôi cảm thấy Long Xuyên vương rat có khả năng là Di Sơn Vu Lăng vương."
Tôn Cửu gia xưa nay trong công việc đều không dám nói nhiều, nhưng trước mặt chúng tôi, lão ta đương nhiên không cần sợ lỡ lời, vì vậy vừa mở máy liền có dấu hiệu hơi mất kiểm soát, cứ thao thao bat tuyệt việc kinh dãn sử, kế đó lại bàn về Long Xuyên vương, nói người này biết dị thuật. Thời cổ đại, muốn mở núi khơi sông đều không thể không vận dụng phương thuật, nếu không biết bố cục phương hướng của núi non sông ngòi thì không chỉ uổng công vô ích, mà còn gây ra hậu quả vô cùng. Khi nghiên cứu Long cốt thiên thư, giáo sư Tôn đã phát hiện rất nhiều ghi chép về động đất, lũ lụt...
Tôi bảo giáo sư Tôn: "Mặc xác lão là Ô Dương vương hay Long Xuyên vương, lăng mộ của lão đã bị đào từ mấy trăm năm trước rồi, thị phi thành bại ngoảnh đầu lại cũng chẳng còn gì nữa, vì vậy chúng ta khỏi cần khảo chứng công tội trong lịch sử làm gì, trước mắt phải nghĩ cách tìm được đoạn điểu đạo trăm bước kia đã. Nếu cái hang có tượng người ngọc với ghế xác người này đúng là nơi để tế mộ, dựa theo bố cục phong thuỷ của mộ táng, lối vào mộ đạo, chắc chắn ở phía sau người ngọc, cũng không khó kiếm lắm đâu. Tôi chỉ lo vào được mộ đạo rồi cũng chưa xong chuyện thôi."
Giáo sư Tôn và Shirley Dương cũng lấy làm lo lắng, án ngữ của trung đoàn trưởng Phong để lại chỉ có đoạn đầu tiên, sau khi tìm được lối vào mộ Ô Dương vương, chúng tôi sẽ chẳng còn gì để tham khảo nữa, đến lúc ấy chỉ có thể đi bước nào hay bước ấy, không ai biết còn bao xa mới đến mộ cổ Địa Tiên. Cả bọn bàn bạc hồi lâu, cũng chỉ kết luận được rằng hung cát khó lường, tiền đồ mờ mịt.
Nghỉ ngơi trong hang động đến sáng sớm, chúng tôi vực dậy tinh thần, tiếp tục tiến sâu vào bên trong, quả nhiên hang động này xuyên qua lòng núi, tận cùng bên này là một sơn cốc khác cũng thuộc khu vực hẻm núi Quan Tài, tuy rộng hơn khu vực treo đầy quan tài bên kia nhiều, nhưng địa hình cũng rất hiểm trở.
Trong núi mây mù vẩn vít, mênh mênh mang mang ngút tầm mắt, dưới đáy khe núi là dòng nước cuồn cuộc ngất trời, bị vách đá ngăn trở, hình thành nên một chỗ ngoặt hình chữ "a", còn vùng thượng du phía xa xa, là một thác nước ầm ầm như sấm động, dòng nước xiết ở trong hẻm núi đổ dồn rồi chuyển hướng gấp gáp, làm bắn lên một màn bụi nước mù mịt, như một con rồng khổng lồ lóng lánh vảy bạc đang bay lượn giữa tâng mâng chợt lao xuống đáy khe sâu thăm thẳm, tách rời hai bên vách núi.
Tôi đưa mắt nhìn dòng nước xiết cuộn chảy bên dưới ba bốn lượt. Tuy không sợ độ cao, nhưng tôi cũng thấy chóng cả mặt, lại ngẩng lên nhìn sang vách đá đối diện, quả nhiên có rất nhiều điểu đạo ngoằn ngoèo, tựa như một tấm mạng nhện khổng lồ đục sâu vào vách núi cao muôn trượng, chằng chịt đan xen, nhất thời nhìn mà hoa hết mắt.
Shirley Dương giơ ống nhòm lên quan sát một hồi, bat giác trù trừ nói: "Phía đối diện phải có mấy trăm con đường đẽo vào trong vách núi, ngoài rất nhiều đoạn đường cụt ra, khá nhiều chỗ dẫn đến những miệng hang khác nhau, làm sao biết điểu đạo trăm bước rốt cuộc là chỉ đoạn nào đây?"
Tôi bảo đường cuống lên thế, tối qua Tôn Cửu gia đã bỏ sức không ít, bằng không làm sao biết được lai lịch của đại vương không đầu? Nhưng công lao không thể để một mình ông ta chiếm hết được, hôm nay để tôi cho các đồng chí chiêm ngưỡng thủ đoạn của Mô Kim hiệu uý. Nói đoạn, tôi xác nhận lại với giáo sư Tôn, câu nói của trung đoàn trưởng Phong có chính xác là "Điểu đạo tung hoành, trăm bước chín hồi" hay không?
Giáo sư Tôn lập tức lấy danh dự ra thề, lão ta đã không ngừng nhẩm đọc đoạn ám ngữ này trong đầu suốt mười mấy năm rồi, khẳng định không thể nào sai được.
Tôi ngầm gật đầu, trong lòng sớm đã có biện pháp, từ chìa khoá của câu "Điểu đạo tung hoành, trăm bước chín hồi" này hẳn là "chín". Nhìn điểu đạo trên vách đá dựng đúng phía đối diện vừa khéo giống với thế "quần long triền sơn", dù di tích cố trong hẻm núi này là do ai để lại thì cũng tuyệt đối không phải tuỳ tiện tạo thành, có lẽ người khác khó lòng nhìn ra được huyền cơ bên trong, nhưng kiểu bố cục " chiêm tinh tượng, suy quẻ tượng" này lại chính là sở trường mũi nhọn của bí thuật Mô Kim.
Những mộ táng thời cổ nói chung, dù cục bộ hay chính thể, cũng đều phải hợp lại với số "chín (cửu)". ý là "cửu tồn, trường cửu". "Tầm long quyết" trong Thập lục tự âm dương Phong thuỷ bí thuật có viết rằng: "Quần long quấn núi chia chín khúc, khúc khúc đều là chín vòng tròn; chín vòng bên ngoài lặp cửu chuyển, cửu chuyển cửu trùng cuốn lầu rồng; chín chín lượn vòng quy về nhất, ba ba hai hai nhập linh sớn..."
Tuyền béo ngạc nhiên nói: "Tư lệnh Nhất tính toán cũng khá lắm, cả chín chín tám mươi mốt mà cũng biết cơ đấy, nhưng mà cậu chín nọ chín kia nãy giờ, tôi nghe mãi vẩn chẳng hiểu nổi rốt cuộc chúng ta nên đi phía bên nào?"
Tôi giải thích: "Tôi bảo chín chín tám mốt bao giờ? Còn có cả chín ba hai mươi bảy nữa cơ. cái này gọi là "Tầm long nhập thể quyết", lẽ ảo diệu của Cửu cung Bát quái đều nằm cả ở trong đó đấy, nếu ngay cả loại người thô tục như cậu nghe cũng hiểu thì thà tôi xé cha nó quyển sách gia truyền ném xuống sông cho rồi. Mọi người để ý điểu đạo trên vách núi kia chẳng chịt như mạng nhện, kỳ thực chỉ có một con đường là thật thôi, chỉ như cần leo lên từ con đường thứ mười ở dưới đấy, cứ ba giao lộ lại rẽ một lần, sau hai lần rẽ thì cách ba giao lộ lại rẽ tiếp, đi xuống không đi lên, đi trái không đi phải, cứ vậy lặp đi lặp lại chín lần, trông thấy cửa hang mới được vào, đó hẳn chính là lối vào mộ đạo lăng mộ Ô Dương vương đấy.
Giáo sư Tôn càng lấy làm lạ. Theo thói quen trong công việc, chuyện gì lão ta cũng thích tìm hiểu đến đầu đến đũa, bèn hỏi tôi: "Năm xưa Gia Cát Lượng dùng Bát Môn trận đồ suýt nữa bao vây giết được đại tướng Lục Tốn của Đông Ngô, hình như trong đó cũng vận dụng nguyên lý Ngũ hành sinh khắc, nhưng đây là thứ đã thất truyền bao nhiêu năm nay, sao cậu lại biết được? Nghe lão Trần bao, những ngón nghề này đều do trưởng bối trong nhà truyền cho hả? Bề trên nhà cậu rốt cuộc làm gì vậy?"
Tôi đưa mắt nhìn Shirley Dương, thầm nhủ ông ngoại Shirley Dương là thủ lĩnh Ban Sơn, danh tiếng lừng lẫy nhường nào? Ông nội cô cũng xuất thân dòng dõi thi thư, đem ra khoe với ai cũng được, ngay như ông nuôi của Út, cũng là bậc nguyên lão Phong Oa sơn. Thế mà sao ông nội của Hồ Bát Nhất này lại đi bày sạp xem bói tuyên truyền mê tín dị đoan chứ? Giác ngộ thấp quá, nói ra cũng thấy ngại ngần. Nghĩ vậy, tôi thấp giọng thì thầm vào tai giáo sư Tôn: "Ông nội tôi năm xưa là tay lang bạt đi khắp núi non sông hồ, danh lừng thiên hạ, tham gia cách mạng cũng khá sớm, nhưng là tham gia cách mạng Tân Hợi thôi. Trên giang hồ, người ta gọi nghề của ông là Kim Điểm, những ngón nghề này của tôi đều là gia truyền, tiếc rằng chỉ học được võ vẽ, để ông phải chê cười rồi."
Giáo sư Tôn dọc đường đã hỏi thăm ở chỗ Shirley Dương khá nhiều ám ngữ của giới giang hồi, nghe vậy dường như cũng hiểu được gì đó, gật đầu tấm tắc: "Chẳng trách chẳng trách, nếu không phải xuất thân từ thế gia chốn lục lâm, thì cũng không thể có kỳ tài bậc này."
Tôi sợ Tôn Cửu gia lại hỏi tiếp, vội dẫn đầu tìm một con đường có thể đi xuống. Giữa hai vách núi dựng đứng tưởng chừng kéo dài vô tận ấy, có mấy cây cầu gỗ dùng xích sắt nối liền, đi bên trên người cứ lắc lư theo cầu, dưới chân là dòng nước xiết cuồn cuộn chảy, không khỏi kinh hồn bạt vía, nhưng đã đến đây thì cũng khó lòng quay đầu lại được, cả bọn đành đánh liều đi sang phía bên kia.
Trong khe núi chợt nổi mây mù rồi mưa bụi lất phất, trong màn mưa, cảnh vật xung quanh trở nên mơ hồ, mờ mịt, cũng may từ đầu chúng tôi đã xác định tuyến đường, tìm được lối lên đoạn điểu đạo lưng chừng vách núi, cứ dựa theo khẩu quyết "Tầm long nhập thế" mà đi lên. Đoạn đường này lầy lội vì mưa, cực kỳ hiểm trở, bước bên trên như thể đang bước trên lưỡi dao cao, trăm bước chín vòng, người đi phía sau, có thể thấy hai chân người đi trước ở ngay trên đầu mình.
Tôi thầm dượi lại "Tầm long quyết" trong đầu, đi trên con đường ngoằn ngoèo hiểm trở khảm vào vách đá dựng đứng, lại sợ đi sai đường, chốc chốc phải phân tâm quan sát. Tục ngữ có câu "lên núi thì dễ xuống núi khó", đi lên trên thì nhìn thấy đường trước mặt, ngay cả kẻ sợ độ cao như Tuyền béo cũng kiên trì được, nhưng nếu phải đi xuống dưới, cảnh tượng trước mặt chỉ là sương mù mờ mịt và khe núi sâu thẳm khiến người ta kinh hồn táng đởm, hễ bất cẩn một chút, sẩy chân rơi xuống thì chết mất xác là cái chắc.
Khó khăn lắm mới đi đến tận cùng của "điểu đạo trăm bước chín hồi", trên vách núi xuất hiện một đường hầm sâu hun hút. Tôi leo vào trước tiên, rồi vươn tay ra lần lượn đón bốn người còn lại, bấy giờ mới quan sát kỹ tình hình trong hang. Nơi này sương mù dày đặc, hít thở cũng khó khăn, tầng nham thạch vẫn còn dấu tích của đá mẹ, khắc hẳn đường hầm trong phòng không Thanh Khê, hẳn là một đường hầm cổ xưa, không rõ thông đến nơi nào.
Tôi không dám chắc con đường này có chính xác hay không nữa, cũng có thể vừa nãy trên vách đá đã rẽ nhầm lối không chừng, trong lòng không khỏi có chút hoang mang, vừa nghĩ vừa giơ đèn pin mắt sói lên đi mấy bước vào trong, chợt thấy bên cạnh có một tấm bia mộ, trước bia một có một cái xác đang ngồi xếp bằng, mặt mũi y phục đều đã phong hoá, hầu hết da thịt cũng đã tiêu tan, chẳng rõ chết được bao lâu rồi. Tôi vội gọi Tôn Cửu gia ở phía sau bước lên, để lão ta xem đây có phải di thể của trung đoàn trưởng Phong hay không.
Tôn Cửu gia thấy cái xác khô, tâm tình lập tức trở nên kích động, run run đeo khẩu trang và găng tay vào, nâng đầu người chết lên quan sát kỹ lưỡng, đoạn nói: "Không giống... không giống..., tôi nhớ trước khi bỏ trốn, trung đoàn trưởng Phong từng bị người ta đánh gãy mấy cái răng ở mỏ khai thác đá, mà cái xác này vẫn còn đầy đủ cả hàm răng, hẳn không phải lão Phong đâu. Nhưng người này là ai chứ? Không đúng... các cậu mau xem xem, đây là gì vậy?