Chuyện Shirley Dương vừa đề cập, xưa nay tôi chưa từng nghĩ tới, “Dịch” bao hàm vạn tượng, mọi sự biến hóa không ngừng của sự vật trong cõi đất trời đều ở trong đó, chẳng qua là có rất ít người đủ khả năng tham ngộ thấu triệt mà thôi. Một người vĩnh viễn chẳng bao giờ thấy được tất thảy. Mỗi người tiếp xúc với Chu Dịch đều có nhận thức riêng về Kinh Dịch, trong mắt của triết gia, nó bao hàm triết lý, còn trong mắt của người theo chủ nghĩa thần bí, nó lại là một bộ thiên thư có thể dự đoán được biến hóa của vạn sự trên đời. Nhân giả thấy nó, bảo đấy là nhân. Trí giả thấy nó, bảo đấy là trí. Đến tận ngày nay, thế nhân kiến giải Kinh Dịch, xét cho cùng vẫn còn rất phiến diện, chỉ như ếch ngồi đáy giếng mà thôi.

Vì vậy, Shirley Dương mới nói, phàm những câu có chữ số trong Kinh Dịch đều không phải tự nhiên mà như vậy. Hào từ của quẻ Chấn là “Chấn lai hích hích. Tiếu ngôn ách ách. Chấn kinh bách lý. Bất táng chủy sưởng.”[56], cũng là có ý riêng, chẳng qua không biết tại sao lại dùng câu “Chấn kinh bách lý”? Nếu chỉ để miêu tả một hiện tượng, hà cớ gì không dùng “Chấn kinh thiên lý” hay “Chấn kinh vạn lý?”

Shirley Dương nói, nhóm chúng tôi từ lúc ở trên đảo Miếu San Hô ra khơi, liên tiếp mấy lần gặp cổ vật liên quan đến quẻ Chấn. Dấu vết của quẻ Chấn xuất hiện cả trong quan quách, mộ huyệt, hoặc trên mai rùa, xương cốt, dường như là có liên quan đến việc mai táng chôn cất trong Quy Khư này vậy. Như vậy có nghĩa là, rất có thể đó không phải quẻ tượng có được do chiêm bốc bói toán, mà là tiêu ký người nước Hận Thiên sử dụng khi chôn các người chết, hoặc một loại ám ký trong mộ huyệt của họ. Vả lại, trong những ký hiệu này, tiêu ký đại biểu cho “bách” trong quẻ tượng hết sức nổi bật, nhiều lần như vậy, không thể không khiến người ta phải nghi ngờ.

Tôi gãi đầu, thực tình không biết phải trả lời câu hỏi của Shirley Dương như thế nào. Mặc dù cô tư duy rất linh hoạt, thường hay nhìn rõ được bản chất của sự vật, nhưng “Chấn kinh bách lý” có đặc chỉ điều gì hay không thì chỉ có người xưa mới biết. Tôi từng nghe Trương Doanh Xuyên nói, năm xưa, tổ tiên nhà anh ta có một vị kỳ tài, cao thủ trong đám Mô Kim hiệu úy, tên là Trương Tam Liên Tử. Vị Trương tam gia này đào được Thiên thư toàn quẻ mười sáu chữ âm dương trong mộ cổ thời Tây Chu, sau khi xem xong liền đóng cửa không ra ngoài nữa. Có người hỏi ông, phải chăng đã nhìn ra được cơ trời, Trương tam gia lắc đầu lia lịa, chỉ thốt ra một câu: “Ai giải được sự bí ảo này, họa chỉ có tiên nhân thuở hồng hoang.” Câu này ý rằng, có lẽ chỉ có những bậc tiên nhân thuở hồng hoang sơ khai mới biết được thiên cơ chân chính trong mười sáu quẻ âm dương ấy.

Mười sáu quẻ đó đại khái chỉ có tiên nhân mới hiểu được, ngay cả tám quẻ lưu truyền đến hậu thế (Bát quái), tuy đã giảm đi đến một nửa, song các bậc cao nhân bác cổ thông kim xưa nay cũng không ai dám nói mình đã hiểu hết. Tôi là kẻ nửa đường xuất gia, nên dĩ nhiên càng không biết những hào từ có chữ số trong Kinh Dịch ẩn chứa huyền cơ gì bên trong.

Có điều, ngoài miệng tôi vẫn không chịu thừa nhận, mà chỉ nói: “Chữ ‘bách’ trong ‘Chấn kinh bách lý’ là đại biểu cho số tròn. Thời xưa, người Trung Quốc có thói quen dùng số tròn làm hình dung từ, chẳng hạn ‘bách chiến bách thắng’, ‘bách bộ xuyên dương’..., cô xem có ai nói, chín mươi chín trận thắng cả chín mươi chín, hay là một trăm linh một bước xuyên dương đâu? Nói ‘trăm’ nghe ngắn gọn mà toát lên khí thế to lớn, cái này gọi là lời nhẹ mà nghĩa sâu xa đấy, vậy thôi chứ chẳng có hàm nghĩa đặc biệt gì đâu. Trên trời nổi sấm, ai biết rốt cuộc là sấm vang xa bao nhiêu dặm chứ? Kỳ thực, đây chỉ là một kiểu tỉ dụ trừu tượng thôi, có lẽ người Mỹ thích miêu tả chi li chính xác, vì vậy cô mới thấy kỳ lạ chăng?”

Shirley Dương đại khái chắc cũng cảm thấy tôi nói rất có lý, nên không lằng nhằng thắc mắc về quẻ Chấn trên mai rùa trong mộ nữa, mà bước đến cùng nghỉ ngơi với mọi người bên cạnh bộ xương cá voi hóa thạch trắng phớ.

Tôi cũng ngồi xuống đất, đưa mắt nhìn quanh, thầm hình dung suy đoán cục thế của ngôi mộ này, xem ra tất cả đều trùng hợp với hình xăm trên lưng Cổ Thái. Bên dưới cây thần mộc đáy biển là xác cổ của người Hận Thiên. Đản nhân đã giấu bí mật về mộ cổ của tổ tiên trên thân thể Long hộ, nhất định không phải để hậu duệ đời sau phát hiện ra mà đến đây đổ đấu, có điều, nguyên nhân thực sự là gì thì sợ rằng trong đám mò ngọc còn đang sống, chẳng ai có thể giải đáp được.

Tôi lại hướng ánh mắt về phía thông đạo ngầm trong lòng cây gỗ mà chúng tôi vừa trượt xuống, xem ra cây Kiện Mộc khổng lồ này đã sinh trưởng ở đây từ ức vạn năm về trước, sau này bãi bể nương dâu, rừng xanh biến thành biển lớn mênh mang, Kiện Mộc vẫn lưu lại dưới đáy biển, cơ hồ như xuyên qua ba tầng vỏ trái đất. Chẳng trách, trong truyền thuyết cổ đại, nó được coi là thần mộc nối liền đáy biển với cung Quảng Hàn trên mặt trăng. Tôi đoán, người Hận Thiên năm xưa đã khoét rỗng thân cây, cải tạo động san hô phía bên dưới thành mộ huyệt cho mình.

Mộ huyệt của người Hận Thiên không có mộ đạo mộ thất như những ngôi mộ bình thường khác, nằm trong vùng hồ liên tiếp xuất hiện xoáy nước, không biết là sâu đến chừng nào. Tiếng sóng nước vỗ ì ầm xa xa, khí nóng trắng mờ hừng hực xông lên từng đợt, tôi đoán chắc là có suối nước nóng ngầm dưới đáy Quy Khư. Nước trong suối này nóng hơn ở suối nóng trên lục địa gấp cả trăm lần, bất cứ sinh vật nào rơi xuống, cũng sẽ lập tức bị luộc trong nhiệt độ cực cao cho đến khúc xương cũng chẳng còn.

Phía đối diện lại có từng đợt từng đợt hơi lạnh ngùn ngụt bốc lên, hút nước biển xuống khoảng hư vô trong lòng trái đất. Vị trí mộ huyệt ở chính trong Âm Dương giới một nóng một lạnh, có các rặng san hô chết bao bọc kín kẽ xung quanh, nước nóng và nước lạnh đều không thể tràn vào trong được. Trong mắt các nhà phong thủy, đây xứng đáng là một huyệt mộ thần tiên “thông thiên địa, hóa cổ kim”. Sinh khí trong mộ không bị chảy ra ngoài, mà lưu chuyển tuần hoàn không dứt, bộc lộ tất cả sự thần kỳ của tự nhiên tạo hóa.

Nhân lúc tôi quan sát địa hình, Tuyền béo đã lấy lại sức, liền thò nửa người vào trong bộ xương cá voi nhòm ngó mấy cái xác cổ. Minh Thúc cũng kéo Cổ Thái bước lại gần, bảo cậu ta dập đầu bái lạy tổ tiên. Lão khọm già ấy nói: “Đây là tổ tiên của Đản nhân đấy, nếu tiên tổ nhà cậu có linh, nói không chừng lại có thể phù hộ chúng ta bình yên trở về cũng nên.”

Cổ Thái chẳng hiểu tổ tiên mấy nghìn năm trước của mình là gì, có điều, nhìn thấy xác cổ cũng vẫn nảy sinh lòng kính sợ, liền quỳ rạp xuống dập đầu, chắp tay trước ngực làm theo Minh Thúc, xì xụp bái lạy mấy lượt.

Tuyền béo hỏi Minh Thúc: “Cái bác Minh này lắm chuyện thế, đào rồi bán, bán rồi lại đào, cả đời bác buôn đi bán lại bao nhiêu cái xác cổ rồi? Sao đến đây lại còn làm ra vẻ nọ kia, dập đầu bái lạy cái quái gì chứ? Tôi đang tưởng bác định ôm mấy cái cương thi này về bán giá cao kiếm lời nữa cơ, nhưng biểu hiện của bác thực khiến tôi thất vọng quá đi mất, thôi đứng sang một bên đi, đúng là già rồi mà còn chẳng nên thân...”

Minh Thúc rầu rĩ nhăn mặt nói: “Đừng đem chuyện xưa ra so với chuyện nay nữa, giờ đang là lúc khó khăn, bị chôn chân cả lũ dưới đáy biển thế này, cơ hội sống sót trở về thật mong manh như khói, còn tâm trạng đâu mà nghĩ đến giá cả xác cổ thế nào nữa chứ. Hiện tại dĩ nhiên là nhớ ra thần Phật nào thì bái vị ấy ngay, nói không chừng bái trúng, biết đâu chúng ta có thể thoát cơn khốn đốn mà trở về. Nếu không, thằng béo nhà cậu bảo xem, chúng ta còn làm gì được nữa đây?”

Tuyền béo đặt ngọn đèn xác giao nhân xuống đất, nói: “Theo tôi ấy à... nói thực lòng, rơi vào tình cảnh thế này tôi cũng chẳng biết phải làm sao nữa, tôi chẳng qua là bị ép phải hành động theo sự chỉ dẫn của lý trí mà thôi...” Lời vừa dứt, cậu ta liền sử dụng thủ đoạn của Mô Kim hiệu úy, nâng một cái xác lên, dùng đầu gối thúc lên gáy cương thi, một tay giữ chặt đỉnh đầu, một tay bóp vào xương gò má, ý đồ khiến thi thể phải nhả viên ngọc trụ nhan ngậm trong miệng ra.

Tôi vội ngăn Tuyền béo lại, chuyến này ra biển vớt thanh đầu đã đủ lắm rồi, trong mộ cổ này toàn là thi thể cổ tiên của Cổ Thái, ngậm ngọc nghìn năm chết mà không thối rữa, vì lý do tôn trọng nên thông thường không gọi là cương thi hay bánh tông, mà gọi là “cương nhân”. Lúc này, tốt nhất cũng không nên kinh động bọn họ thì hơn, bằng không tuy trong mộ sinh khí rất thịnh, song một khi “trụ nhan châu” tích tụ tinh hoa của khí âm bị lấy ra, cương nhân đã được bảo tồn mấy nghìn năm sẽ lập tức hóa thành bột mịn. Chuyến này chúng tôi ra biển là để vớt thanh đầu chứ không phải vào Quy Khư trộm mộ, vì vậy làm chuyện gì cũng không nên thái quá. Tôi vừa ngăn cậu ta lại, vừa nói: “Tổ sư gia đã dạy rồi, lòng tham chính là nơi ẩn tàng nguy cơ thiên hạ đại loạn, chúng ta còn phải nghĩ cách sang Mỹ hưởng phúc mấy chục năm nữa, bao năm nay sóng to gió lớn gì cũng trải qua rồi, mất mạng ở đây thì thật là uổng phí quá đấy.”

Tuyền béo nghe tôi khuyên giải điều hơn lẽ thiệt một hồi, rốt cuộc cũng nghĩ thông, lưu luyến chui ra khỏi bộ xương cá voi. Tôi mặc dù không muốn đụng đến mấy cương nhân Nam Hải này, song cũng muốn xem thử coi trong bộ xương cá voi ấy có những gì, những mong có thể phát hiện ra được đầu mối gì đó giúp chúng tôi thoát khỏi chốn này.

Xương đầu con cá voi nửa khép nửa hở, cũng không phải rất to, nhưng để đặt xác chết thì còn rộng rãi chán, bên trong còn có một số vật bồi táng nữa, nên xem ra nó có vẻ giống mộ thất hơn là một chiếc quan tài. Tôi chỉ cần khom người chui qua miệng cá là có thể vào trong, năm cái xác cổ còn bảo tồn nguyên vẹn lặng lẽ nằm một hàng.

Shirley Dương cũng muốn xem rõ hơn, bèn bật đèn pin lên, chui theo sau tôi vào mộ thất. Bọn Minh Thúc cũng muốn vào xem, nhưng bên trong quá chật hẹp, nhiều người quá thì không nhúc nhích gì được, tôi đành bảo họ đứng bên ngoài giơ ngọn đèn chiếu sáng, cũng đồng thời đề phòng có chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Trong chốn âm u đen tối dưới lòng biển sâu này, trời mới biết là có giống quái vật gì ẩn náu, tuyệt đối không thể chỉ cắm đầu cắm cổ nhìn về phía trước mà quên cảnh giác phía sau được.

Tôi và Shirley Dương một trước một sau, hết sức cẩn thận bước qua bên cạnh năm cỗ cương nhân Nam Hải, đi sâu vào mộ thất. Chúng tôi ngồi xổm xuống, rọi đèn pin nhìn mấy thi thể, chỉ thấy năm cái xác này có ba nữ hai nam. Thi thể nam một già một trẻ, phục sức chắc đều đã hóa thành bụi cát cả, phủ một lớp da rồng khô khốc. Da rồng thực chất là da của một loại cá biển có vảy rực rỡ, đầu mọc sừng, hiện đã tuyệt chủng.

Cả năm cái xác phủ kín da rồng, chỉ để lộ phần đầu. Xác ông già ở mé bên lộ ra một nửa cánh tay, da ngăm ngăm đen, khuôn mặt hơi hõm, nhưng nước trong cơ thể có “trụ nhan châu” giữ lại, nên không bị thối rữa. Trên đời này, cũng chỉ có Nam Hải minh châu ở vùng biển vực xoáy San Hô thấm đẫm hải khí mới có tác dụng kỳ diệu như vậy. Tôi rút dao găm ra, đâm khẽ lên cánh tay của ông già ấy một nhát.

Không ngờ da thịt “cương nhân” cứng như sắt thép. Tôi chưa từng gặp qua xác cổ nào như thế này, có lẽ nó đã được xử lý bằng phương pháp chống thối rữa đặc biệt của vùng biển. Cái xác này, dường như rất giống cái xác Tần Thủy Hoàng gặp khi tuần du xuống phương Nam. Shirley Dương thấy tôi làm vậy, khẽ hỏi: “Anh lại làm bừa rồi, lấy dao đâm xác chết người ta làm gì chứ?”

Tôi đáp: “Thử một chút xem có thi biến hay không ấy mà. Giờ xem ra lo lắng của tôi là thừa rồi, Quy Khư là huyệt nhãn của mạch Nam Long, sinh khí cực thịnh, bình sinh tôi chưa từng thấy nơi nào như vậy bao giờ. Mấy ‘cương nhân’ này sắp hóa thạch đến nơi rồi, không lo bị thi biến nữa đâu.” Shirley Dương gật đầu, giơ đèn pin quét một lượt xung quanh, phát hiện ra trong mộ thất có khá nhiều món đồ bồi táng. Chuyện bồi táng minh khí theo người chết từ thời đồ đá đã có rồi, không chỉ ở riêng Trung Quốc, mà các nền văn minh cổ trên thế giới, đa số đều có tập tục bồi táng vật dụng theo người chết. Trong bộ xương hóa thạch của con cá voi có xương cốt của các loài thủy tộc, cùng vô số món vật khác chồng lên nhau, được sắp đặt thành hình chữ nhật trong mộ thất. Ngoài các loại lu vò và mai rùa khay ngọc, trong này còn có một cái đỉnh đồng thau tạo hình rất kỳ quái. Theo chế độ lễ nghi của nhà Chu, đỉnh có ba chân, nếu thiên tử hạ táng, trong mộ có thể chôn theo chín cái đỉnh. Thời bấy giờ, đồng thau là báu vật quốc gia, bồi táng chín đỉnh là nghi thức chỉ có thiên tử mới xứng được hưởng. Bên dưới thiên tử, phân thành năm cấp “công, hầu, bá, tử, nam”, dù là công tước ở bậc tôn quý nhất trong hàng quý tộc cũng không đặt chín đỉnh trong mộ mình được, bằng không sẽ bị coi là có dã tâm mưu phản.

Thứ ở trong mộ huyệt này, hình dạng như cái đỉnh, không phải loại thường, thân đỉnh to lớn chia làm tám mặt, bên dưới có chín chân, cao chừng nửa mét, tuy thấp thì có thấp, nhưng chắc không phải là cái quỹ[57].

Chợ đồ cổ Phan Gia Viên chắng mấy khi xuất hiện hàng thật từ thời kỷ đồng thau cả, nhưng hàng giả thì nhan nhản khắp nơi, vô khối kẻ đi buôn đem khẩu quyết giám định đồ đồng cổ ra để lòe khách, vì vậy tôi ít nhiều cũng biết được một chút. Cái đỉnh đồng chín chân này có cả đặc điểm của hai triều đại Hạ và Chu, hết sức đặc sắc. Tôi thầm nhủ, nếu đem so với Tần Vương Chiếu Cốt kính, cái đỉnh đồng đúc bằng long hỏa dưới đáy biển này có khi còn cao giá hơn ấy chứ.

Tôi và Shirley Dương đều biết đỉnh đồng xưa nay được dùng để ghi chép sự kiện, mà cái đỉnh đồng bồi táng trong mộ cổ này quả đúng là một món bảo vật hiếm có, không khỏi lấy làm kinh ngạc. Hai chúng tôi ngẩn ra một thoáng, rồi mới lại gần xem kỹ hơn. Shirley Dương quan sát phía bên ngoài, còn tôi lại nhổm người nhòm vào trong. Chỉ thấy đỉnh đồng đổ đầy nước, trên mặt nước có một lớp màu xanh đen rất dày trôi nổi, nom như nước bẩn tù đọng vậy. Nước tù không có sóng, tôi cũng chẳng thể nhìn rõ xem bên dưới có thứ gì hay không.

Tôi đang do dự chưa biết có nên chọc tay vào trong đỉnh mò vớt thử hay không, thì Shirley Dương quan sát hoa văn đúc trên thân đỉnh đã có phát hiện. Cô bảo tôi ngồi xổm xuống nhìn đồ án đúc trên đỉnh. Tôi bèn y lời làm theo, chỉ thấy thân đỉnh chia làm tám mặt, mỗi mặt đều có những đường nét lõm sâu. Có lẽ, đỉnh đồng từng được khảm sợi vàng, trải qua nhiều năm tháng, sợi vàng bong hết để lại những đường lõm như vậy, mô tả chi tiết cảnh “bôn nguyệt” sau khi chết của người dân nước Hận Thiên xưa.

Chúng tôi mới xem chừng một nửa đã hiểu, ngoảnh đầu lại nhìn mấy cái xác nằm sắp hàng phía sau. Thì ra bọn họ vẫn chưa chính thức nhập táng, mà đang nằm tạm ở đây chuẩn bị chờ ngày trăng tròn, xem ra chưa đợi được đến giờ khắc “bôn nguyệt cầu thuốc trường sinh” thì thành cổ trên biển đã chìm sâu xuống đáy nước, những người sống sót lưu tán khắp nơi, rồi thành Đản nhân cả đời chỉ biết sống lang thang trên biển, mò ngọc bắt cá mưu sinh.

Tôi đang định xoay sang xem phía sau cái đỉnh đồng, chợt nghe Minh Thúc ở bên ngoài hớt hải gọi, đành xoay người lùi mấy bước hỏi xem lão già mất nết ấy lại có chuyện gì. Minh Thúc lau mồ hôi đầm đìa trên trán, nói với tôi: “Các cậu có phát hiện không, sao trong bụng mấy nữ cương nhân kia lại có xác trẻ con thiếu chân thiếu tay thế nhỉ?”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play